Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm C
Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm C
5-5-2019
CHẨU THÁNH THỂ
Giáo xứ Cồn Dầu
GIÁO HUẤN SỐ 23
Đồng Hành sau khi đổ vỡ và li dị (tt)
Lịch Giáo Phận trang 72
Đàng khác, một số lớn các nghị phụ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm cho các thủ tục công nhận các trường hợp hôn nhân vô hiệu trở nên dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng hơn, và có thể hoàn toàn miễn phí. Sự chậm chạp của tiến trình gây khó chịu và nản lòng cho những người liên hệ. Hai văn kiện gần đây của tôi về vấn đề này đã giúp đơn giản hóa các thủ tục để tuyên bố, nếu có thể, về hôn nhân vô hiệu. Qua đó, tôi cũng muốn nói rõ ràng rằng trong giáo phận của mình chính giám mục được đặt làm mục tử và là người đứng đầu, nên chính ngài cũng là thẩm phán của các tín hữu đã được ủy thác cho mình. Vì thế, việc thi hành các văn kiện này là một trách nhiệm lớn đối với Đấng Bản Quyền của giáo phận, các vị được mời gọi đích thân phán quyết một số trường hợp, và trong mọi trường hợp, các vị được mời gọi đích thân phán quyết một số trường hợp, và trong mọi trường hợp, các vị đảm bảo sao cho người tín hữu đạt đến công lí một cách dễ dàng hơn. Điều này bao hàm việc chuẩn bị đầy đủ số lượng nhân sự, gồm các giáo sĩ và giáo dân, những người được đặc cử cho việc phục vụ này trong Giáo hội. Do đó, cần phải sẵn sàng cung cấp cho những người li thân hoặc các đôi vợ chồng đang gặp khủng hoảng, một dịch vụ thông tin, tham vấn và hòa giải, liên kết với mục vụ gia đình, cũng có thể tiếp nhận những người này trong việc điều tra sơ bộ cho tiến trình liên quan đến hôn nhân (Niềm vui của tình yêu, số 244).
———————————-
CN 3 PS C
(Cv 5, 27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19)
Tháng 5, tháng hoa, tháng Đức Mẹ, tháng Đức Mẹ Trà Kiệu, Mẹ giáo phận. Chúng ta hướng về Mẹ. Chúng ta khẩn xin Mẹ, như cha ông Trà Kiệu ngày xưa. Xin Mẹ giang tay che chở phù trì !
Vua Hàm Nghi, mới 12 tuổi lên ngôi, với sự giúp đỡ và cố vấn của hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Sau cuộc binh biến chống Pháp bất thành ở đồn Mang Cá, Huế, ngày 4-7-1884, hai ông đem vua chạy trốn về Ấu Sơn, Hà Tĩnh.
Tại Ấu Sơn, ông Tôn Thất Thuyết, thay mặt vua, kêu gọi : “Chúng tôi kêu gọi mọi người hãy cương quyết gắng công tiêu diệt cho kỳ hết bọn Da-tô (Công giáo). Hãy noi gương các sĩ phu ở Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh phía Nam. Nếu mục tiêu này được thực hiện, chúng tôi có thể khẳng định là quân Pháp sẽ bị hoàn toàn tê liệt, như cua gẫy càng không bò, không kẹp được nữa” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 511).
Ngày 1-9-1885 quân Văn Thân đánh xứ Trà Kiệu. Quân Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn nghe giáo dân khóc than, bèn phóng thanh chế diễu : “Ráng chịu vài ngày nữa sẽ có cố Thiên (cha sở Phú Thương) đến cứu” (Bùi Đức Sinh, sđd, trạng 516).
Chúng ta hãy nghe những tiếng kêu than của giáo dân Trà Kiệu. Lm M.Geffroy được nghe trực tiếp từ nơi cha sở Trà Kiệu kể lại, và cha đã viết bài “Une Page de la Persécution en Cochinechine” đăng trong báo Les Missions Catholiques.
- Ngày 1-9-1885 quân Văn Thân bao vây Trà Kiệu. “Giáo dân Trà Kiệu lập tức tiến lên giữ ngọn đồi Kim Sơn (Hòn Bằng đằng sau nhà thờ) và có ý giữ cao điểm này cho đến cùng. Thế nhưng vào ngày hôm sau, ngày 2-9-1885, vì khiếp sợ trước lực lượng quá đông của Văn Thân, giáo dân không dám ở lại trên đồi cao này nữa. Họ tháo chạy xuống đồi bán sống bán chết, nên đã bị té chết mất 4 người”(PCĐ chuyển ngữ, Linh Địa Trà Kiệu, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, trang 159).
- Chỉ một sự cố này cũng đủ làm cho dân Trà Kiệu thất đảm, tinh thần suy sụp. Họ từ chối đi chiến đấ Họ tập trung trước nhà cha sở xin ngài ban các phép sau hết. Họ nói : ‘Chúng con phải chết, vì tất cả sự tự vệ đều vô ích, chúng con muốn chết ngay tại nhà thờ này” (sđd, trang 159).
- Ngày 3-9 thật kinh hoàng. Họ phải giao chiến từ sáng tinh sương cho tới chiều tối. Năm lần giao chiến là năm lần địch quân bỏ chạy. Sau trận đánh thứ năm, tuy thắng, nhưng tinh thần giáo dân đã bị suy sụp, vì lúc này họ đã quá mệt mỏi, và thấy quân Văn Thân càng lúc càng đông. Giáo dân Trà Kiệu tin chắc là không thể nào chống cự nổi, họ kéo về nhà xứ. Họ xin cha sở cho họ buông khí giới và vào nhà thờ chờ chết. Nhà thờ đầy ắp người. Họ từ chối không đi chiến đấu nữa. Họ quì xuống trước mặt cha, vừa khóc vừa lạy, xin cha ban các phép sau hết. Quân Văn Thân từ trên đồi Kim Sơn đã nghe họ than khóc, nên chúng mỉa mai rằng : “Cố Thiên sẽ đến cứu chúng bay”. (sđd, trang 161).
Quân Văn Thân thì đông, vũ khí thì nhiều, lại tối tân, có đại bác, có voi trận; còn về phía giáo dân người thì ít, vũ khí là giáo mác thì thô sơ, tinh thần thì bạc nhược, làm sao chống cự nổi đây ?
Tình cảnh nguy ngập, lại nghe những lời than vãn, dấy lên trong tim người cha chung nỗi buồn, nỗi lo. Lập tức cha sở “hướng tâm hồn lên cùng Mẹ Maria, người Mẹ đã từng che chở ngài nhiều lần. Mẹ là nơi nương tựa duy nhất trong giờ phút tuyệt vọng này” (sđd, trang 160).
Ngài lập bàn thờ Mẹ ngay trong phòng ngài. Mẹ đứng trên chiếc bàn nhỏ, hai cây nến hai bên. Người già trẻ em không ra chiến trường thì quì bên Mẹ lần chuỗi. Còn thanh niên người lớn trước khi ra trận đều đến cầu xin Mẹ. Thay vì hô “xung phong, xung phong” thì họ hô “hè, hè, Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se !” Chận được bước tiến của quân địch, họ cũng về bên mẹ dâng lời tạ ơn.
Ngày 10 và 11-9, Mẹ đã hiện ra. Quân địch trên đồi Kim Sơn kêu lên : “Thật lạ lùng, có một bà luôn đứng trên nóc nhà thờ, bà rất đẹp. Ta không sao bắn trúng”. Họ gọi Mẹ là “Bà Đẹp mặc áo trắng”. Họ còn thấy “đạo quân trẻ em mặc áo trắng, áo đỏ” (sđd, trang 174).
Nhờ Mẹ, sau 21 ngày : từ ngày 1 đến ngày 21-9-1885, đoàn con Trà Kiệu thoát được vòng vây.
Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay thánh Gio-an kể câu chuyện Chúa Giê-su chọn thánh Phê-rô làm giáo hoàng. Chúa hỏi thánh Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” (Ga 21,15). Chúa hỏi ba lần làm thánh Phê-rô buồn, vì ba lần nhắc đến ba lần thánh Phê-rô chối Chúa.
Trong bữa tiệc ly, thánh Phê-rô thưa với Chúa : “Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chói Thấy ba lần” (Ga 21,37-38).
Câu chuyện Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng : cậy vào sức mình, chúng ta sẽ thất bại; nhưng cậy vào Chúa, chúng ta sẽ thành công. Câu chuyện Trà Kiệu cũng thế : cậy vào sức mình thì sẽ thất bại; còn cậy vào sự giúp đỡ của Đức Mẹ, thì sẽ thành công.
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu,
Đoàn chúng con tha thiết nguyện cầu
Cầu xin Mẹ đoái thương
Cho Giáo hội Việt Nam
Mãi trung trinh với tình Mẹ yêu.
Đã bao lần Mẹ đã hiện ra
Trên mảnh đất Trà Kiệu đoàn con
Mẹ cứu nguy chở che phù trì
Ơn của Mẹ làm sao con quên.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành