Chúa Nhật 3 Phục Sinh


CN.3.PS

(CV  2,14.22b-33; 1Pr  17-21; Lc 24,13-35)

Mùa chay năm 1645, cha Đắc Lộ lén lút hoạt động trong một làng có ruộng muối ở Qui Nhơn. Một đêm kia hơn 30 người đến nhà ông I-nha-xu để xưng tội với cha. Giải tội xong cha trốn đi ngay, còn giáo dân ở lại ngủ đêm. Sáng dậy họ đọc kinh. Nghe tiếng đọc kinh, lính vào bắt ông chủ nhà I-nha-xu và hai ông trùm. Khi ba người bị giam trong nhà tù, thì sự lạ xảy ra. Chính cha Đắc Lộ đã kể lại như sau : “Khi các ông vừa vào ngục, một sự lạ  xảy ra để an ủi các ông. Nhiều người không có đạo đang bị giam trong ngục thấy trong đêm tối một người đẹp đẽ, vẻ mặt uy nghiêm bước vào gian ngục, chỗ giam ông I-nha-xu và hai người bạn. Họ ngây ngất trước khuôn mặt hiền lành đẹp đẽ của người lạ. Họ bàn tán, nhất quyết cho là Chúa trên trời đến thăm và an ủi những người có đạo. Để minh chứng sự lạ là có thực, chứ không phải là chuyện mơ tưởng, tất cả những người ngoại đạo xin theo đạo” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 176-177).

BTM: Qua câu chuyện ông I-nha-xu và hai ông trùm ở một làng Qui Nhơn, Chúa luôn an ủi những người buồn phiền đau khổ. Câu chuyện BTM hôm nay cũng thế.

Khi Chúa chết, an táng Chúa, hai ông mất đức tin, buồn quá. Sáng Chúa nhật, hai ông trở về Emmaus quê hương, làm ăn sinh sống như trước. Hai ông chắc là ở trong nhóm 72.  Đang trên đường về nhà thì Chúa sánh vai đi với hai ông. Chúa dùng Kinh Thánh sưởi ấm lòng hai ông, như hai ông kể : “Dọc đường khi Người nói chuyện, và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ? (Lc 24,32).

Chẳng những Chúa dùng lời Kinh Thánh để sưởi ấm lòng hai ông, Chúa còn cử hành thánh lễ, để hai ông được nhìn thấy Chúa hiện diện với hai ông. Thánh Luca kể tiếp : “Khi gần tới làng họ muốn, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng : ‘Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,28-31).

Câu chuyện trên đường Emmaus muốn nói về Thánh Lễ. Khi còn sống, Chúa hiện diện bằng thân xác. Bây giờ Chúa đã chết và sống lại, Chúa hiện diện bằng Lời Chúa và Thánh Thể, tức là thánh lễ. Thánh Lễ gồm hai phần : Lời Chúa và Thánh Thể.

Những lúc chúng ta buồn chán và đau khổ, có khi Chúa hiện ra an ủi, như Chúa đã hiện ra với ông I-nha-xu và hai ông trùm; có khi Chúa an ủi bằng thánh lễ như hai ông trên đường Em-maus.

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận kể những Thánh Lễ trong cuốn sách “Chứng Nhân Hy Vọng” như sau :

Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau tôi được viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem đánh răng…Tôi viết : “Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc, để chữa bệnh đường ruột”. Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi “Thuốc chữa bệnh đường ruột”., còn bánh lễ thì họ giấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.

Giám thị hỏi tôi :

  • Ông bị bệnh đường ruột ?
  • Phải.
  • Đây có ít thuốc cho ông đây.

Tôi không bao giờ diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi. Mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trên bàn tay, tôi cử hành thánh lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là Nhà Thờ Chính Tòa (Nha Trang) của tôi. Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi; “thuốc trường sinh bất tử”, “thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu, như thánh Inhaxiô thành Antiôkia nói.

Mỗi lần như thế, tôi được giang tay ra và đóng đinh mình vào Thập Giá với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi.

Gia đình chúng ta gặp sự gì buồn, sự khó, chúng ta hãy chạy đến nhà thờ. Hãy gặp Chúa trong Phòng Chầu Thánh Thể hay trong Thánh Lễ.

Không đến nhà thờ được thì chúng ta hãy gặp Chúa qua Chuỗi Mân Côi. Tháng 5, tháng Hoa, tháng Đức Mẹ đã bắt đầu (4-5-2014)

——————————————-

.CN.3.PS

 

Chúng ta đang sống trong tháng Đức Mẹ, tháng Hoa. Đức Mẹ thương nước Việt Nam, thương giáo dân Việt Nam. Ít ra Đức Mẹ đã hiện ra 3 nơi : Lavang- Huế năm 1798 thời Tây Sơn, Trà Kiệu-Đà Nẵng năm 1858 thời Văn Thân và La Mã-Bến Tre năm 1950 thời chiến tranh Việt Pháp. Đấy là chưa kể Đức Mẹ Măng Đen-Kontum, Đức Me Tàpao-Phan Thiết….

Năm nay kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ hiện ra ở La Mã Bến Tre. Họ đạo La Mã có tên là Bàu Dơi. Năm 1949 Đức cha Ngô Đình Thục đổi tên là La Mã, vì họ đạo La Mã gặp nhiều đau khổ như La Mã của nước Ý.

Năm 1930 một số người lương đến họ đạo Cái Bông xin theo đạo. Cha Luca Sách sai thày Phêrô Niệm đến La Mã cất một phòng hội nhỏ vừa để đọc kinh cầu nguyện, vừa để dạy giáo lý. Ba tháng sau, rửa tội được 10 gia đình. Cha sở Luca Sách tặng họ đạo một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Ngày 2-2-1950, quân Pháp về bố ráp, anh Thành con ông Hạt, mang bức ảnh Đức Mẹ chạy lánh nạn. Trận chiến rất ác liệt, để khỏi vướng tay vướng chân, anh vất bức ảnh xuống một rạch nước. Ba tháng sau, ngày 5-5-1950, bà Võ thị Liễng, đạo Cao Đài, xuống rạch nước bắt cá, bà đụng bức ảnh nằm dưới bùn. Bà đem lên cho anh Thành. Ở dưới nước đã ba tháng, bức ảnh đã phai màu, hình ảnh đã mờ, không còn thấy rõ. Anh treo bức ảnh ở đầu hè để che mưa nắng. Ông Hạt mắng anh bất kính. Ông đem về nhà đặt trên tủ thờ.

Ngày lễ Mẹ Mân Côi, 7-10-1950, chiến trận xảy ra. Ông Hạt chạy không kịp, cùng đứa con trai út, tên là Trọng, núp sau ảnh Đức Mẹ. Đạn bắn trúng khắp nhà, trúng cả bàn thờ, nhưng không một viên nào trúng cha con ông. Tiếng súng ngừng, ông đến trước bàn thờ đọc kinh cám ơn Chúa, thì thấy hình Đức Mẹ Cứu Giúp trong ảnh hiện lên như cũ, trừ triều thiên trên đầu Đức Mẹ chưa hiện lên. Ông gọi hàng xóm đến chứng kiến. Hai dì phước thấy tận mắt kêu lên : “Đây là phép lạ. Khi vớt từ rạch nước lên, hình phai mờ, bây giờ hiện lên rõ ràng tươi đẹp”.

Để tránh chiến tranh, ảnh được rước về nhà thờ Cái Bông. Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1951, cha Dư mượn đem về họ Cái Sơn làm tuần 9 ngày. Chính ngày lễ, họ đạo cung nghinh bức ảnh chung quanh nhà thờ. Rước xong, đặt ảnh lên bàn thờ thì lạ lùng : triều thiên Đức Mẹ nổi lên. Vì chiến tranh, ảnh được đem về tôn kính tại Nhà Thờ Chính Tòa Vĩnh Long. Sau năm 1975, thanh bình yên hàn, ảnh được rước về La mã Bến Tre.

 Đức Mẹ yêu thương các con cái Mẹ, nhất là những đứa con đau khổ, giống như Chúa Giêsu trong BTM thánh lễ hôm nay.

BTM : Đi theo Chúa Giêsu, tưởng Chúa làm vua, làm tướng. Ngờ đâu Chúa bị đóng đanh chết nhục nhã. Hai môn đệ buồn bã thất vọng trở về quê làm ăn. Trên đường về quê, làng Em-mau cách Giê-ru-sa-lem độ 11 cây số, Chúa Giê-su hiện ra dùng Kinh Thánh nói chuyện với hai ông. “Lòng các ông cũng bừng cháy lên”  (Lc 24,32). Nhưng hai ông vẫn không nhận ra Chúa, mãi khi Chúa “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho” (Lc 24,30), hai ông mới nhận ra Chúa. Nhận ra Chúa, hai ông sung sướng quay trở lại Giê-ru-sa-lem để báo tin vui cho các tông đồ.

Qua câu chuyện Em-mau trong BTM, thánh Luca muốn nói với các con cái Chúa rằng : dù các con cái Chúa bỏ Chúa, Chúa cũng không bỏ, nhất là những đứa con đau khổ. Chúa đã sống lại về trời, không còn gần gũi bằng xác thân, thì Chúa dùng Lời Chúa và Thánh Thể, để được gần gũi với con cái.

Chúa còn dùng Đức Ma-ri-a, Mẹ của Chúa, để ở với con cái, để ủi an, để nâng đỡ cuộc đời vất vả lo buồn của con cái.

Vậy mỗi khi gặp tai ương hoạn nạn, hãy đọc Lời Chúa, hãy tham dự thánh lễ, và hãy chạy đến với Đức Mẹ (8-5-2011)

 ————————

CN.3.PS

BTM thánh lễ hôm nay kể câu chuyện hai môn đồ gặp Chúa sống lại trên đường về Emmau.

Thấy Chúa bị đóng đinh, chết nhục nhã, hai ông buồn sầu chán nản, về lại quê hương, làng Emmau, trở lại với cuộc sống như cũ. Chúa hiện ra nói chuyện với hai ông, nhưng hai ông không nhận ra Chúa. Thánh Luca kể : “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (24,15-16).

Làm thế nào hai ông nhận ra Chúa ? Thánh Luca kể ra hai cách hai môn đệ nhận ra Chúa :

1- Cách thứ nhất là Lời Chúa : Thánh Luca kể lại tâm sự của hai ông khi được Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh : “Dọc đường khi Đức Giêsu nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (24,32).

2- Cách thứ hai là Thánh Thể : Hai ông nhận ra Chúa khi Chúa dùng Tiệc Thánh Thể với hai ông. Thánh Luca kể : “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng : Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (24,28-31).

Như thế nhận ra Chúa sống lại không bằng mắt thịt, mà bằng con mắt đức tin, tức là bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể chính là thánh lễ. Thánh lễ gồm hai phần : Lời Chúa và Thánh Thể. Năng tham dự thánh lễ sẽ nhận ra Chúa.

Ông Omer Ahmed, tác giả tập sách “Con Đường Đơn Giản”, thấy các sơ dòng Mẹ Têrêsa Calcutta, Ấn Độ, chăm sóc những người đau ốm khốn khổ, ông đã hỏi các sơ lấy nghị lực ở đâu để làm những công việc tanh hôi, vất vả đó ? Sơ Dolores đáp : “Mỗi ang ngay khi thức dậy, chúng tôi biết những thử thách đang chờ đón chúng tôi, đôi khi được biết rất nặng nề. Nhưng kinh nguyện ban cho chúng tôi nghị lực. Kinh nguyện ban cho chúng tôi niềm vui để chu tòan bổn phận. Chúng tôi bắt đầu một ngày bằng lời kinh và Thánh Thể, và kết thúc một ngày bằng một giờ chầu Thánh Thể. Làm việc không ngừng, cho đi không giới hạn, nếu không có ơn Chúa, thì không thể nào chu tòan được. Không có kinh nguyện và thánh lễ, chúng tôi không thể sống được” (trang 5).

        Nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Chúa, lấy lại niềm vui trở về Giêrusalem tiếp tục cuộc đời tông đồ. Còn các sơ dòng Mẹ Têrêsa Calcutta, nhờ kinh nguyện và Thánh Lễ, có nghị lực để phục vụ những người nghèo khổ (6-4-2008)

Linh mục Nguyễn Trung Thành