Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm A


CN.3.TN.A

(Is 8,23b-9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23)

22-1-2017

“Hội Thày Giảng” là tổ chức đặc biệt của Giáo Hội Việt Nam. Có lẽ là sáng kiến của cha Buzomi. ngày 18-1-1615 Cha đến truyền giáo ở Đà Nẵng. Hạt giống Tin Mừng trổ bông trĩu hạt. Lễ Phục sinh cha rửa tội được 10 bông hoa đầu mùa. Trong số đó có cậu Au-gút-ti-nô về sau là “thầy giảng”. Năm 1624, cha Gabriel Mattos đi kinh lý giáo đoàn xứ Nam và đem theo 4 cha, trong đó có cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ. Cha Mattos tổ chức một cuộc họp tại Hội An, để bàn luận ba vấn đề : thày giảng, lễ nghi và danh từ tôn giáo.

Về vấn đề “Thày giảng”, cha Buzomi phát biểu ý kiến : “Các Thày giảng là những người cộng tác rất đắc lực và cần thiết. Một khi đã được huấn luyện đầy đủ, kinh nghiệm cho thấy các thày đã đem lại cho Nước Chúa nhiều kết quả lớn lao, và địa vị của các thày trong công việc truyền giáo ở nhiều trường hợp không thể thay thế. Có thể ví họ như tay chân của các thừa sai, đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh mà các ngài không thể đến được. Các thày còn là tai mắt của các thừa sai, chỉ bảo cho các ngài biết những gì phải xa tránh và giúp các ngài trong việc tìm hiểu phong tục, tiếng nói. Hơn ai hết các thày hiểu tâm tính của người dân, những mê tín dị đoan và quan niệm sống của họ. Các thày có thể trình bày đạo giáo hợp với trình độ của dân một cách dễ dàng, với những hình ảnh và lý luận thực tế, lấy ngay trong đời sống thường ngày” (Bùi Đức Sinh, GHCGỞVN, T.I, trang 106).

Năm 1627, cha Đắc Lộ được sai ra Miền Bắc. Ngày nào cha cũng giảng 5,6 lớp, săn sóc những người đã vào đạo, và một khi đạo bị cấm cách, các thừa sai bị trục xuất như ở Nhật Bản, các thày càng cần thiết hơn. Nên cha tổ chức thành một tu hội có nội quy, có đào tạo, có lời khấn. Các thày chia làm ba bậc : tập sinh, khấn tạm, và khấn trọn đời. Ba lời khấn là độc thân, thanh bần và vâng phục (Sđd, trang 137-138).

Ngày 31-7-1643, cha tổ chức lễ khấn cho 10 thày của giáo đoàn Miền Nam ở nhà thờ Hội An. Trước bàn thờ, tay cầm nến, các thày lần lượt tiến lên hiến dâng cuộc đời phụng sự Chúa, phục vụ Giáo Hội, và đọc ba lời khấn. Thày I-nha-xu học thức hơn, có địa vị trong xã hội, nhất là nhân đức thánh thiện, được cha chọn làm đầu (Sđd,trang 180).

Trong BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giê-su chọn các tông đồ, để công tác với Chúa. Các “Thày Giảng” chẳng khác các “Tông Đồ” của Chúa.

Bđ1 : Bđ1 là lời Chúa, qua miệng ngôn sứ I-sai-a, nói với hai miền đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li. Hai miền đất này là nơi hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li cư ngụ khi ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Dơ-vu-lun là con bà Lê-a, vợ thứ nhất của ông Gia-cóp (St 30,20); Nap-ta-li là con của bà Bin-ha nữ tỳ của bà Ra-khen. Bà Ra-khen là vợ thứ hai của ông Gia-cóp và là em bà Lê-a (St 30,7-8).

Năm 721 trước Công Nguyên, hai miền đất này bị người As-sy-ri (nước Iran và Irak ngày nay)  xâm chiếm và đến ở. Người Ít-ra-en còn lại rất ít, sống rải rác. Nên được gọi là “vùng đất của dân ngoại” (Is 8,23). Nhưng đến thời thiên sai vùng đất “lần bước trong tối tăm” này “sẽ thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9,1).

BTM : “Ánh sáng huy hoàng” chính là Chúa Giê-su. BTM hôm nay kể : nghe tin vua Hê-rô-đê chặt đầu thánh Gio-an, Chúa Giê-su lánh về miền Bắc, miền Ga-li-lê và  đến ở thành Ca-phác-na-um, quê hương của thánh Phê-rô và An-rê. Chúa bắt đầu cuộc đời rao giảng tại đây. Chúa giảng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Cũng tại đây, Chúa chọn 4 tông đồ đầu tiên : Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an, để “lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).

Bđ2 : Bđ2 là thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, một thành phố ở Hy Lạp ngày nay. Thánh Phao-lô đã ở đây rao giảng 18 tháng từ năm 50. Sau đó người đến Ê-phê-sô, nước Thổ Nhĩ Kỳ. Xa thánh nhân, giáo đoàn chia rẽ làm nhiều phe. Thánh Phao-lô viết khuyên nhủ : “Người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như : ‘Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô. Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ? (1Cr 1,12-13).

Cám ơn Chúa, cha ông chúng ta thời xưa mới theo đạo, sống rất đoàn kết thương nhau. Trong một bản báo cáo viết từ Thăng Long ngày 31-12-1632, cha Gaspar d’Amaral tường trình : “Lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhau” (Đỗ Quang Chính, Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 61).

Sáng ngày 16-1-2017, nhân dịp Tết Đinh Dậu, Đức cha giáo phận Giuse đã nhắn nhủ Hội Đồng Mục Vụ các giáo xứ về Tết Đức cha : ”….Quý Chức cần có đời sống mẫu mực, có lòng tự trọng, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, tin vào khả năng và quyết định của mình, tự chủ bình tĩnh…. Không để việc cá nhân ảnh hưởng đến công việc chung của Giáo Hội, là trung gian cảm thông, bác ái công bằng trong cư xử. Quý Chức Đại diện Dân Chúa tại địa phương và mỗi người Tín hữu, phải trở thành Nhà truyền giáo, nhất là những nơi mà Giáo sĩ không thể đến truyền giáo được” (Trương Văn Ân, mạng GPĐN).

Ca dao VN : “Thuận vợ thuận chồng

                       Tát bể Đông cũng cạn”.

Còn hình ảnh gia đình đoàn kết nào bằng :

                     “Chồng cày, vợ cấy, con trầu đi bừa” !

—————————————————

CN.3.TN.A

Thánh lễ CN.1 Chúa Giê-su chịu phép rửa, thánh lễ CN.2 thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian”, thánh lễ CN.3 hôm nay Chúa Giêu bắt đầu cuộc đời của “Con chiên Thiên Chúa” là đem niềm vui Nước Trời cho nhân loại đau khổ.

Bđ 1 : Nỗi khổ đau của nhân loại giống như nỗi khổ đau của dân Ít-ra-en thời ngôn sứ I-sai-a. Họ phải sống cảnh lưu đày, kéo lê kiếp tôi đòi cho người As-sy-ri (nước I-ran, I-rak ngày nay). Ngôn sứ I-sai-a đã mô tả cảnh khổ đau của dân Ít-ra-en bằng những hình ảnh như sau : “Lần bước giữa tối tăm…Cái ách đè lên cổ, cây gậy đập xuống vai” (Is 9,1.3).

BTM : Chúa Giêsu là Con chiên Thiên Chúa. Chẳng những ghé vai gánh lấy những hậu quả của tội trần gian, Người còn ra tay giải thoát, đem niềm vui cho loài người : “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,16). Một trong những lý do làm cho kiếp người khổ đau, đó là tội lỗi. Tội lỗi gây nên đau khổ. Vì thế, lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giê-su là “Anh em hãy sám hối” (Mt 4,17).

Bđ2 : Tội làm con người phải đau khổ nhất, đó là tội chia rẽ. Thư thánh Phao-lô kể ra nhiều nết xấu, nhiều tội trong cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô, nhưng tội đầu tiên được ngài nói đến là tội chia rẽ. Những dòng chữ đầu của lá thư là những khổ đau của sự chia rẽ. Trong bđ2 thánh Phaolô viết : “Tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như : ‘Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Kitô” (1Cr 1,11).

Giáo đoàn Cô-rin-tô trong thời thánh Phao-lô đông lắm độ vài chục người. Thế mà chia rẽ thành 4 phe : phe thánh Phao-lô, phe thánh Phê-rô, phe Chúa Ki-tô và phe ông A-pô-lô. Thánh Phao-lô, thánh Phê-rô, Chúa Ki-tô chúng ta đều biết; còn ông A-pô-lô thì ít ai biết. Ông là một tân tòng, nhưng lại rất sốt sắng và tài ba lỗi lạc. Cả bốn đều là tốt. Theo người tốt mà còn chia rẽ, huống chi là theo người xấu thì còn chia rẽ như thế nào.

Đối với thánh Phao-lô, chia rẽ là chia rẽ Chúa Kitô : “Thế ra Đức Kitô bị chia năm sẻ bảy rồi ư ?” (1,13).

Thánh Phao-lô khuyên : “Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1,10).

Chúng ta đang sống trong Tuần Hiệp Nhất, tuần cầu nguyện cho 4 tôn giáo cùng thờ Chúa Ki-tô được hiệp nhất với nhau : Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo.

– Công Giáo và Chính Thống chia rẽ từ năm 1054, cách nay 957 năm, gần 10

   thế kỷ.

– Công giáo và Tin Lành chia rẽ nhau từ năm 1520, cách nay 491 năm, gần 5

   thế kỷ.

– Công giáo và Anh giáo chia rẽ nhau từ năm 1533, cách nay 478 năm, cũng

  gần 500 năm.

Có những người vô thần không tin có Thiên Chúa, vì có nhiều tôn giáo. Họ nghĩ rằng : nếu có Thiên Chúa, tại sao lại có nhiều tôn giáo ?

Nhiều tôn giáo khiến người ta không tin có Thiên Chúa, thì các tôn giáo cùng thờ một Chúa Kitô mà chia rẽ nhau, lại càng làm cho người ta không tin, làm cho người ta vô thần.

Chia rẽ gây nên những hậu quả rất tai hại, nhưng đồng thời cũng giúp người ta nhận ra bộ mặt thật của con người. Thánh Phaolô bảo : “Những sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1Cr 11,19). (PH. 23-1-2011)

———————————-

CN.3.TN.A

Bài Suy Niệm trong tờ Tin Tức của giáo xứ Phú Hạnh chúng ta hôm nay nói về ơn gọi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ sinh năm 1910 tại vùng đất Nam Tư ngày nay. Năm 18 tuổi Mẹ nhập dòng Đức Bà Lôréttô, và được sai sang Ấn Độ. Mẹ dạy môn địa lý tại trường của dòng ở Calcútta suốt 20 năm. Một hôm Mẹ đi ra phố. Mẹ thấy một người đàn bà đang hấp hối nằm trên vỉa hè. Chuột, kiến đã kéo đến gặm nhấm người đàn bà bất hạnh. Mẹ liền bế bà đem tới nhà thương. Nhà thương không nhận, vì đã chật chỗ. Mẹ cứ đứng trước cổng nhà thương cho đến khi nhà thương mở cổng nhận mới thôi. Từ biến cố này, Mẹ xin phép Bề Trên cho Mẹ được chăm sóc những con người xấu số đau khổ nhất trên đời. Như thế, Chúa đã gọi Mẹ theo Chúa, để xoa dịu những nỗi thương đau của loài người.

BTM : Bài TM thánh lễ hôm nay cũng kể việc Chúa Giêsu gọi 4 tông đồ đầu tiên là : hai anh em thánh Phêrô-Anrê và hai anh em thánh Giacôbe-Gioan.

Trước khi gọi các ngài, Chúa Giêsu đến thành phố Caphácnaum để rao giảng. Thành phố thuộc phần đất của hai chi tộc Dơvulun và Naptali, tức là miền Galilê. Galilê đã bị đế quốc Babylon xâm chiếm, bắt đi lưu đày, và đem các dân khác đến ở. Galilê đã trở nên “Miền đất của dân ngoại”, và ngôn sứ Isaia đã mô tả thảm cảnh của Galilê là “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm” (Is 9,1), “đang ngồi trong vùng bóng tối tử thần” (Mt 4,16). Chúa Giêsu đến rao giảng, và thành phố chẳng khác nào “thấy một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16), “được ánh sáng bùng lên chiếu rọi” (Mt 4,16).

Sau khi mô tả niềm vui của thành phố Caphácnaum được Chúa đến rao giảng, thì thánh MT kể việc Chúa chọn 4 tông đồ đầu tiên. Như vậy, Chúa Giêsu muốn các tông đồ theo gương Chúa đem ánh sáng cho những người ngồi trong bóng tối, đem niềm vui cho những người sầu khổ.

Bài đọc 2 : Bđ2 thánh lễ là thư của thánh Phaolô gửi cộng đoàn tín hữu Côrintô. Corintô là thành phố cảng, là trung tâm thương mại của nước Hy Lạp. Miền Bắc xuống Miền Nam, Đông sang Tây đều đi  qua Corintô. Người ta ví Corintô là “chiếc cầu” giao thương, là “chiếc ghế” ngồi nghỉ của nước Hy Lạp.

Thánh Phaolô đã tới Corintô giảng đạo. Ngài rất yêu qúi cộng đoàn Corintô. Ngài ở với họ 18 tháng trời, một thời gian khá lâu. Song anh chị em tín hữu Corintô cũng có nhiều nết xấu.  Trong bđ 2 nói đến nết xấu chia rẽ, thiếu đoàn kết. Đang ở Ephêsô, ngài đã viết thư khuyên bảo họ : “Tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng dể có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10).

Ngày 25-1, tức là thứ sáu vừa qua, Hội Thánh mừng thánh Phaolô trở lại với Chúa Kitô, nghĩa là mừng ngày Chúa gọi Ngài đi theo Chúa.

Nhờ thánh Phaolô, biết bao dân chúng đã biết và thờ phượng Chúa. Cụ thể với thư Corintô hôm nay, nhờ thánh Phaolô, dân Corintô đã được khuyên dạy sống đoàn kết, hòa thuận với nhau.

Cũng như nhờ Mẹ Têrêsa Calcútta, biết bao người đau khổ được nâng đỡ ủi an.

Ngày nay Chúa vẫn còn đang kêu mời nhiều người tiếp tay với Chúa để giúp đỡ người ta. Giả như Chúa không kêu mời thiện chí của các bà quét nhà thờ, nhà thờ Phú Hạnh có được sạch sẽ như chúng ta thấy không ? Cha sở đã khen : nhà thờ không có một hạt bụi.

Giả như Chúa không kêu gọi các anh chị trong ca đoàn bớt chút thờ giờ đi tập hát, chúng ta thờ phượng Chúa có sốt sắng hơn không ?

Giả như Chúa không kêu mời các anh chị vào hội đoàn, liệu chúng ta có những lời cầu nguyện và lời ủi an không ?

Gỉa như không còn người đáp tiếng Chúa kêu mời đi tu, thì Hội Thánh sẽ như thế nào ?

Giả như Chúa không kêu mời mọi người rộng tay nuôi heo cho thật béo, Tết này người nghèo và người đau yếu có được hưởng niềm vui của ngày xuân không ?

Cám ơn Chúa, Chúa đã kêu gọi nhiều người phục vụ,

     Và cám ơn Chúa cũng có nhiều người sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa kêu mời, để giúp đỡ Chúa và tha nhân (PH.27-1-2008)

—————————————–.

CN.3.A

Tai họa đã ập đến với thánh Gio-an Tẩy Giả. Ngài bị vua Hê-rô-đê tống ngục. Ở đoạn 14, thánh Mat-thêu sẽ diễn tả chi tiết tai họa này. Còn ở đây, thánh sử viết vắn tắt, để dẫn vào cuộc đời công khai của Chúa Giê-su.

Trước hết Chúa Giê-su bỏ thành Na-da-rét, đến thành Ca-phác-na-um nằm ở bờ hồ Ga-li-lê. Như vậy Chúa Giê-su đã khép lại cánh cửa Cựu Ước, và Người mở cánh cửa Tân Ước. Đóng lại thời đại luật lệ và mở ra thời đại yêu thương. Yêu thương không chỉ dành cho dân tộc Ít-ra-en, mà cho cả muôn dân. Vì thế, Ga-li-lê, nơi Chúa Giê-su khởi đầu rao giảng, được thánh Mt gọi là “Ga-li-lê của dân ngoại”.

Ga-li-lê ở miền Bắc. Mảnh đất ông Giô-su-ê đã phân chia cho hai chi tộc Nép-ta-li và Da-bu-lon. Ga-li-lê cũng là miền đất bị đế quốc As-sy-ri xâm chiếm đầu tiên vào năm 721 trước CN. Ga-li-lê không còn thuần chủng, đã bị dân ngoại đến cư ngụ. Do đấy bị người miền Nam, miền Giu-đê thuần chủng, khinh khi.

Song chính miền đất dân ngoại này, miền đất bị khinh khi này lại được diễm phúc đón nhận Tin Mừng của Đấng Cứu Thế. Thánh Mt đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a mà diễn tả diễm phúc ấy : “Hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại. Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

Thánh Mt thay đổi ngôn từ của ngôn sứ I-sai-a : thay vì “lần bước giữa tối tăm” (Is 9,1), thì đổi là “ngồi trong cảnh tối tăm” (Mt 4,16); thay vì “sống trong vùng bóng tối” (Is 9,1), thì đổi là “đang ngồi trong vùng bóng tối tử thần” (Mt 4,16). Thánh Mt muốn nói rằng : nhân loại đang ngồi như Gio-an ngồi trong tù (Mt 4,12), bó tay trước tội ác, trước bất công.

Thánh Gio-an phải ngồi bó tay, song Chúa Giê-su đã đi, để giơ tay cứu chữa : “Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê , giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23). Nước Trời là Tin Mừng, là niềm vui. Trong sách TM, thánh Mt đã nhắc đến “Nước Trời” 50 lần. Không có sách TM nào từ “Nước Trời” được nhắc nhiều như thế.

Ga-li-lê, miền “ngồi trong cảnh tối tăm”, “ngồi trong vùng bóng tối tử thần”  còn được diễm phúc Chúa Giê-su chọn những người con của họ làm những “kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19) đầu tiên. Đó là 4 ông Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an.

Các ông đã mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa : “Lập tức các ông bỏ chài lưới,… bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,20.22).

Chúa Giê-su cũng đã gọi chúng ta làm con cái Chúa, để đem ánh sáng, đem Nước Trời đến cho dân ngoại. Chúng ta có mau mắn đáp lại không ? (PH. 27-1-2002)

Linh mục Nguyễn Trung Thành