Chúa Nhật 4 Phục Sinh – Năm B
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH – NĂM B
25-4-2021
CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn gọi thiên triệu linh mục và Tu sĩ
Đóng góp Quĩ Ơn Gọi Giáo phận
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Xuân Thạnh
GIÁO HUẤN SỐ 22
MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ (tt)
Đức Kitô đang sống (tt)
Đức Kitô đang sống, nên Người có thể hiện diện trong đời sống các con mọi khoảnh khắc, để ban ánh sáng chan hòa và xua đi mọi buồn phiền và cô đơn. Ngay dù cả mọi người khác bỏ đi, thì Người vẫn ở đó, như Người đã hứa: “Thầy ở với anh em, cho đến tận cùng thời gian” (Mt 28,20). Người lấp đầy đời sống các con với sự hiện diện vô hình của Người; các con đi bất cứ đâu, Người cũng chờ đón các con ở đấy. Bởi vì Người không chỉ đã đến trong quá khứ, mà Người vẫn đến với các con hôm nay và mọi ngày, mời gọi các con lên đường đi tới những chân trời mới. Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu rạng rỡ, tràn ngập niềm vui với Người như với một người bạn đã chiến thắng. Người ta giết Người, giết Đấng Thánh, người công chính, người vô tội, nhưng cuối cùng Người đã chiến thắng. Sự dữ không có tiếng nói cuối cùng. Nó cũng không nắm quyền quyết định trong cuộc đời các con. Vì các con có một người bạn rất yêu thương các con và muốn chiến thắng nơi các con. Đấng Cứu Độ của các con hằng sống (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 125 & 126).
———–
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH – NĂM B
(Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga,11-18)
Aleandre de Rhodes, Người Thời Đại
Ngay từ khi có ý định gia nhập Dòng Tên ở Rôma, Alexandre de Rhodes đã muốn sau này được đi truyền giáo ở Đông Á. Trong chính ngày khấn dòng lần đầu, 15-4-1614, sau 2 năm tập ở nhà Thánh Anrê tại Rôma, Rhodes làm đơn lên cha Bề trên Cả cho mình sang Đông Á. Vào lễ Phục sinh 1618, Bề trên Cả chấp thuận cho Rhodes đi Nhật Bản. Cuối năm 1618, tân linh mục Rhodes từ giã Rôma lên đường đi Lisboa, nhưng mãi tới ngày 29-5-1623, Rhodes mới đặt chân lên Áo Môn, chờ cơ hội thuận tiện tiến lên đất của Thiên Hoàng. Nhưng Nhật đang cấm đạo rất ngặt, khó có hy vọng cho Rhodes thực hiện ý định. Vì vậy Bề trên phái Rhodes đến Đàng Trong, nơi đang thiếu thừa sai. Thế là tháng 12-1624, Rhodes cùng 6 Giêsu hữu khác lên tầu từ Áo Môn và sau 19 ngày lênh đênh trên mặt biển đoàn thừa sai có mặt ở Đàng Trong, chính cha Rhodes sau này ghi lại như trên (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, trang 76-77).
Trong phần ghi chú trang 76, cha Đỗ Quang Chính mô tả tỉ mỉ hơn nét đẹp của đời cha Đắc Lộ. Cha Chính viết : “Alexandre de Rhodes (1593-1660), sinh ngày 15-3-1593, tại Avignon là đất của Tòa Thánh từ năm 1348-1791, nên Rhodes có quốc tịch Tòa Thánh, mặc dù sống trong nền văn hóa Pháp; hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong qua hai thời kỳ : 1624-1626 và 1640-1645; là một trong hai người đầu tiên mở ra cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1627-1630; Rhodes có nhiều sáng kiến, nhiệt tình, can đảm trong sứ vụ; Rhodes là thừa sai đi lại nhiều nơi nhất ở VN thời đó; cha có công rất lớn với văn học VN, vì đã hoàn thành chữ Quốc ngữ và cho xuất bản sách Quốc ngữ đầu tiên năm 1651; bị trục xuất khỏi Đàng Trong năm 1645, cha về Rôma, Pháp từ 1649-1654, vận động gửi Giám mục đi VN.
Ngày cha Đắc Lộ từ biệt VN cảm động biết bao! : “Ngày 3-7-1645, Rhodes phải lên tầu từ Hội An về Áo Môn. Vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam! Trước khi lên tầu, một viên quan đọc lệnh chúa Nguyễn cấm cha không được đến xứ này nữa. Nếu bắt được, sẽ bị tử hình ngay, cả viên thuyền trưởng nào chở cha tới xứ này cũng bị chém đầu. Giáo hữu ra tận bến tầu từ biệt cha, kẻ khóc, người tru trếu, có những người còn lăn ra ăn vạ gần như chết, vì khóc thương cha. Quá xúc động đến nỗi sau này cha phải viết : ‘Tôi bỏ Đàng Trong bằng thân xác, nhưng chắc chắn không rời bỏ bằng tâm hồn’ (ĐQC, sđd, trang 102).
Cha bỏ Pháp cuối năm 1654, đi Ispahan thủ đô Ba Tư (Iran) truyền giáo theo lệnh bề trên Cả Dòng Tên và qua đời tại Ispahan 5-11-1660”.
Đời cha Đắc Lộ phản ảnh phần nào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúa chiên nhân lành, trong Lời Chúa thánh lễ chúa nhật hôm nay.
Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách Công Vụ Tông Đồ. Bài đọc kể phép lạ người què được khỏi nhờ danh Chúa Giê-su.
Trong đoạn 3, thánh Lu-ca kể chuyện hai tông đồ Phê-rô và Gio-an lên Đền Thờ cầu nguyện vào giờ thứ chín (3 giờ chiều). Hai ông gặp một người què từ khi mới sinh và hằng ngày ngồi ăn xin ở Đền thờ. Khi người què xin hai ông bố thí, thì thánh Phê-rô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi. Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được. rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa” (Cv 3,6-8).
Thấy phép lạ, dân chúng ùa tới. Thánh Phê-rô lên tiếng nói với dân : “Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể. Chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng hay lòng đạo đức của chúng tôi ? Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su. Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khai nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết : về điều này chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người đã ban cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em…Trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn” (Cv 3,12-16.4,4).
“Hôm sau, các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem…Họ cho điệu hai ông ra giữa hội đồng và tra hỏi : ‘Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy ?’. Bấy giờ ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ : ‘Thưa qúi vị thủ lãnh trong dân và quí vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, xin tất cả quí vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng : chính nhờ danh Đức Giêsu Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng quí vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quí vị. Đấng ấy là đá tảng mà quí vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào chính danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,5.7-12).
Bài Tin Mừng : Bài đọc 1, sách Công Vụ Tông Đồ, cho biết Chúa Giêsu là Chúa chiên lành qua việc chữa lành cho anh què. Bài Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu là Chúa chiên lành qua việc thí mạng sống cho đoàn chiên, không như kẻ làm thuê khi sói đến thì bỏ chạy, để sói vồ lấy chiên. Thánh Gio-an thuật lại lời Chúa nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10,11-13).
Chẳng những “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, mà còn “có những chiên khác không thuộc ràn này, tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).
Bài đọc 2 : Qua bài đọc 1, Chúa là Chúa chiên nhân lành, vì Chúa chữa lành, chữa anh què. Qua bài Tin Mừng, Chúa là Chúa chiên nhân lành, vì Chúa thí mạng mình cho đoàn chiên, đưa những chiên lạc về đàn. Qua bài đọc 2, Chúa là Chúa chiên nhân lành, vì Chúa nhận chúng ta là con. Được làm con nuôi của một đấng quyền cao chức trọng, giầu có, đã hạnh phúc biết bao, huống hồ lại được làm con ! Thánh Gio-an viết : “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào : Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1).
Nhờ thánh Giuse bầu cử, xin Đức Mẹ Trà Kiệu và thánh Anrê-Phú Yên giúp chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì được là con Chúa, được Chúa là cha; cũng xin Chúa thương chúc phúc cho các linh muc tu sĩ trong Giáo phận chúng con; thương thúc đẩy có nhiều người đáp lại tiếng Chúa mời gọi.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành