Chúa Nhật 4 Phục Sinh – Năm C


Chúa Nhật 4 Phục Sinh – Năm C

12-5-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Xuân Thạnh

GIÁO GIÁO HUẤN SỐ 24

Đồng hành sau khi đổ vỡ va li dị (tt)

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng nêu rõ những hậu quả của việc li thân hoặc li dị trên con cái, trong mọi trường hợp chúng đều là nạn nhân vô tội của hoàn cảnh. Trên tất cả mọi xem xét mà mình muốn làm, thiện ích của con cái phải là mối quan tâm hàng đầu, không được đế cho bất cứ quyền lợi hay mục tiêu nào khác che lấp. Tôi khẩn xin các cha mẹ li thân : “Đừng, đừng, đừng bao giờ lấy con cái mình ra mà làm con tin ! Anh chị li thân vì nhiều khó khăn và nhiều lí do. Cuộc sống đã trao cho anh chị thử thách này, nhưng chớ để con cái là kẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của sự phân li ấy, không được xử dụng chúng làm con tin chống lại người phối ngẫu kia, chúng cần lớn lên trong khi nghe người mẹ nói tốt về người cha, cho dù hai người không còn sống với nhau và nghe người cha nói tốt về người mẹ”. Thật là vô trách nhiệm việc làm hư đi hình ảnh cua người cha hoặc người mẹ với mục đích để tranh thủ tình cảm của đứa con, để trả thù hoặc để tự vệ, bởi vì việc làm đó sẽ gây thiệt hại cho đời sống nội tâm của con cái và sẽ tạo nên những vết thương khó chữa lành (Niềm vui của tình yêu số 243).

CN 4 PS C

(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)

Lịch Giáo Phận gọi Chúa Nhật IV Phục Sinh  là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành” và kêu gọi “Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ”, đồng thời cũng kêu gọi “Đóng góp cho Quĩ Ơn Gọi Giáo Phận”.

Mảnh đất Giáo phận Đà Nẵng chúng ta chẳng những là nơi “Đức Mẹ hiện ra” tại Trà Kiệu, mà còn là nơi cống hiến cho Giáo hội Việt Nam một “chủ chăn nhân lành”. Đó là linh mục Louis Đoán”, người Thanh Chiêm, Phước Kiều.

Cha Trương Bá Cần viết : “Đức giám mục Lambert đã đi thăm các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trong bốn tháng. Cuối tháng 12-1675, giám mục đã về Hội An và phong chức linh mục cho một thầy giảng cao tuổi và thông nho là Louis Đoán” (Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Việt Nam, tập I, trang 224).

Linh mục Louis Đoán là một trong 4 linh mục dầu tiên của Giáo phận Đàng Trong. Đức cha Lambert đã phong chức:

Năm 1668 cho hai cha Giuse Trang và Luca Bền

Năm 1672 cho cha Manuel Bổn

Năm 1676 cho cha Louis Đoán

(Trương Bá Cần, sđd, trang 132)

 Cha Trương Bá Cần viết :: “Đây là linh mục Việt Nam thứ tư ở Đàng Trong. Trong thư đề ngày 20-6-1677, thừa sai Vachet viết : “Khi ở trong khu truyền giáo này về (trong tỉnh Quảng Ngãi), Đức giám mục hiệu tòa Beryle (Lambert) đã phong chức linh mục cho Louis Đoán, một trong những thầy giảng kỳ cựu thông nho của vương quốc này… Trong thư gửi Đức Giám mục Lambert năm 1676, thừa sai Courtaulin viết : “Ngày lễ Sinh Nhật  Đức Mẹ (8-9), linh mục Louis Đoán đã làm lễ mở tay ở Cacham trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu ưu tú của tỉnh này tham dự…Dưới bức thư của giáo hữu Đàng Trong gửi Đức Giáo hoàng  tháng 2 năm 1676 bằng Hán Nôm có tên linh mục Lu-y Đoán… Theo Paulus Tạo (báo Nam Kỳ Địa Phận) thì Phan Văn Cận  ở  Cái Mơn,  năm 1820, đã chép bản Sấm Truyền Ca, nói là của linh mục Lu-y Đoán soạn năm 1670, từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Bản quốc ngữ này được nhiều người sao chép lại chuyền tay nhau. Trong một tài liệu in Ronéô, ông Nguyễn Văn Trung cho biết là ông hiện có hai bản chép tay bằng chữ quốc ngữ… Linh mục Louis Đoán mất trước  tháng 6-1678” “Lịch Sử Phát Triển Công Gáo Việt Nam, trang 224).

Ông Cao Thế Dung viết về “Sấm Truyền Ca” của cha Đoán như sau : “Có thê nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Lữ Y Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn như Chinh Phụ Ngân hay Cung Óan Ngâm Khúc về giá trị văn chương. Cha Lữ  Đoán phỏng dịch từ 5 sách đầu của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. viết bằng chữ Nôm vào khoảng năm 1770 theo thể lục bát, gồm 3596 câu” (Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyên II, trang 1353).   

Cha Louis Đoán là con của ông bà Anrê, người Thanh Chiêm (Phước Kiều). Cha Nguyễn Hồng kể : “Một hôm quan trấn, ‘kẻ thù nổi tiếng của đạo Ki-tô’ cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng ở nơi công cộng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 151).

Cha Nguyễn Hồng kể tiếp về ông An-rê : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê (Phú Yên)… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Sđd, trang 166).

Cha Hồng viết : “Ít lâu sau cụ già An-rê được thả về, không được may mắn phúc tử đạo như thầy An-rê, nhưng suốt đời cụ với bao thử thách giam cầm, cụ thật xứng tên vị minh chứng đạo.

Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cụ : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo  trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ tên là Inhaxu, bà sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Sđd, trang 168-169).

Cha mẹ cha Louis Đoan chẳng những đạo đức thánh thiện, còn có lòng rộng rãi quảng đại : dâng con cho Chúa và góp tiền làm việc tông đồ :

        “Linh mục Rhodes đến Đàng Trong lúc lệnh trục xuất các thừa sai mới ráo mực, nên ông phải rất thận trọng… Trước hết ông đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật  không Công giáo và không mấy thiện cảm  với Công giáo., nhưng nhờ được quà cáp hậu hĩ ông đã giúp đỡ rất tận tình.

          Viên quan Nhật Bản này đã hướng dẫn tôi một cách rất khéo léo và ông cũng nhờ bạn hữu của ông giúp tôi qua các cửa ải một cách dẽ dàng… Tôi ra mắt nhà vương với những lễ vật cao quí nhất có thể có được. Nói thực là để mua các lễ vật đó, tôi đã xử dụng hầu như tất cả  số tiền tôi mang theo để sống trong môt năm. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu cho, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê, cùng vời vợ, đã gửi cho tôi tất cả số tiền cần thiết để trang trải cho tôi…

 Cha Louis Đoan chẳng những là linh mục Quảng Nam đầu tiên, là người chuyển Kinh Thánh bằng thơ, mà còn có cha mẹ can đảm, tiếp nối dòng máu anh hùng cho con cái.

Trong tông huấn “Đức Kitô Hằng Sống”, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi người trẻ : “Đức Giêsu đang bước đi giữa chúng ta, như Người đã bước đi ở Galilê. Người bước đi xuyên qua các đường phố chúng ta, và Người lặng lẽ dừng lại, nhìn vào mắt chúng ta. Tiếng gọi của Người đầy hấp lực và thật thú vị. Nhưng ngày nay sự căng thẳng và nhịp sống vội vã của một thế giới thường xuyên dội trên chúng ta những sự kích động có thể không còn chỗ cho sự thinh lặng nội tâm, trong đó chúng ta có thể cảm nhận ánh nhìn của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó, nhiều món hàng được đóng gói rất hấp dẫn đón chờ các con. Chúng có thể trông thật quyến rũ và đem lại sự phấn khích, nhưng rồi về sau chúng chỉ để lại nơi các con cảm giác trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn. Đừng để điều này xảy ra với các con, và dòng xoáy của thế giới có thể kéo các con theo một tuyến đường không có ý nghĩa thực sự,  không có hướng, không có những mục tiêu rõ ràng, và do đó phá vỡ nhiều cố gắng của các con. Tốt hơn, nên tìm kiếm sự an bình có thể giúp chúng con suy tư, cầu nguyện, nhìn ngắm thế giới chung quanh mình một cách rõ hơn, và rồi với Đức Giêsu, các con nhận ra ơn gọi của mình trong thế giới này” (số 277)

xxx

Ơn gọi của Đức Phanxicô lúc 16 tuổi

21-9-1953: “Tôi không biết chuyện gì xảy ra”

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-09-20 

“Tôi không biết chuyện gì xảy ra”: Ngày 21 tháng 9 -1953, ngày lễ Thánh Mát-thêu, thanh niên trẻ Mario Bergoglio lúc đó mới 16 tuổi đã có một quyết định dứt khoát cho đời mình.

Hôm nay ngài nhắn nhủ với người trẻ kinh nghiệm tuổi trẻ của mình một cách kín đáo và tế nhị. Một ngày trước ngày lễ Thánh Mát-thêu, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-9 Đức Phanxicô chào các bạn trẻ: “Ước gì sự trở lại của Thánh Mát-thêu là tấm gương cho các con, các con thân mến, đó là tấm gương để các con sống theo tiêu chuẩn của đức tin”.

Đức Phanxicô không bao giờ quên ngày lễ Thánh Mát-thêu, 21-9-1953, ngày ngài xưng tội ở Buenos Aires, ngày đã làm thay đổi cuộc đời của ngài.

Ngài sinh ngày 17 tháng 12-1936, như thế lúc đó ngài mới… 16 tuổi! Lúc đó linh mục Carlos B. Duarte Ibarra ở Flores: “Tôi không nghi ngờ gì tôi sẽ là linh mục”, chính Đức Phanxicô kể về mình. Nhà văn Austen Ivereigh kể trong quyển tiểu sử ông viết về Đức Phanxicô “Phanxicô, nhà cải cách, từ Buenos Aires đến Rôma” (François, le réformateur, de Buenos Aires à Rome, nxb. Emmanuel, 2017) : “Chúa ‘đi qua’ người thanh niên trẻ ngày 21 tháng 9 – 1953 (…). Đi bộ đến đường Avenida Rivadavia, người thanh niên đi qua trước Nhà thờ Thánh Giuse mà anh biết rất rành. Khi đó ngài cảm thấy có một bức bách lạ lùng là phải vào nhà thờ. ‘Tôi vào và tôi cảm thấy tôi phải vào – những chuyện mình chỉ cảm thấy trong lòng mà không biết cái đó là gì’, ngài giải thích với linh mục Isasmendi”.

Và tác giả kể đoạn này (tr.54): “Tôi nhìn, trời còn tối, đó là một buổi sáng tháng 9, có thể lúc đó là 9 giờ sáng, tôi thấy một linh mục đi bộ, tôi không biết ngài, ngài không phải là một trong các linh mục của giáo xứ.  Ngài ngồi ở một trong các tòa giải tội, tòa cuối cùng bên trái khi nhìn lên bàn thờ. Tôi có cảm tưởng như có ai đẩy tôi vào tòa giải tội. Dĩ nhiên tôi kể cho ngài nghe các chuyện… nhưng thật sự tôi không biết chuyện gì xảy ra.

Khi xưng tội xong, tôi hỏi ngài ở đâu đến vì tôi không biết ngài, ngài nói với tôi: ‘Cha đến từ Corrientes và cha ở gần đây. Thỉnh thoảng cha đến dâng thánh lễ ở đây’. Cha bị ung thư máu và năm sau cha qua đời.

Khi đó, tôi biết là tôi sẽ là linh mục. Tôi xác tín và tin chắc. Thay vì tiếp tục đi chơi với bạn, tôi về nhà vì tôi chìm đắm trong chuyện này. Sau đó tôi tiếp tục chương trình học và từ đó, tôi biết tôi sẽ làm gì”.

Tác giả Ivereigh viết tiếp: “Trong một bức thư viết năm 1990 để tả kinh nghiệm này, ngài giải thích mình như bị ngã ngựa”. (tr. 55).

Nhưng về nhà, Jorge Mario trong hơn một năm không nói với ai chuyện này. Ngài đã có ý định rõ ràng. Ngài thổ lộ với Oscar Crespo, người cùng làm ở phòng thí nghiệm hóa học với mình: “Tôi sẽ học xong trường trung học dạy nghề với các bạn. Nhưng tôi sẽ không làm nhà hóa học gia. Tôi sẽ làm linh mục. Nhưng không phải linh mục trong đền thánh. Tôi sẽ đi tu Dòng Tên vì tôi muốn đi đến các khu vực nghèo, các thôn xóm để ở với giáo dân”.

Các chữ nền tảng của sứ vụ Bergoglio là đã có ở đây: “đi ra”, “đến với giáo dân”.

Ngài kể mình đã có “kinh nghiệm lòng thương xót Chúa”, cảm thấy mình được “gọi” như Thánh Mát-thêu và Thánh I-Nhã đã được gọi.

Phúc Âm ngày lễ Thánh Mát-thêu nói đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu và ánh mắt nhìn của Ngài: “Hôm đó Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người”. Đức Giáo hoàng bị ‘thôi miên’ bởi ánh nhìn của Chúa Giêsu trên Thánh Mát-thêu, trên chính mình, trên từng người. Ngài thường hay mời gọi hãy buông mình để được Chúa Kitô nhìn đến, để hành động dưới ánh nhìn của Chúa Kitô.

Khẩu hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài giải thích ý nghĩa này: “Được chọn vì được thương xót’’ (Eligendo atque miserando”, được chọn, tiếng gọi của Chúa Kitô mang đến lòng thương xót để môn đệ của Ngài cũng làm như vậy.

Và khi ngài đến Rôma, ngài ở trọ ở Nhà Tu sĩ ở đường Via della Scrofa, gần nhà thờ Thánh Lui của người Pháp, ngài thường đến ngắm bức tranh “Ơn gọi của Thánh Mát-thêu” do họa sĩ Caravage (1571-1610) vẽ vào giữa năm 1599 và 1600 cho nhà nguyện Contarelli của nhà thờ Thánh Lui của người Pháp, và bức tranh vẫn còn ở đây cho đến ngày nay. (Nguyễn Tùng Lâm dịch)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành