Chúa Nhật 4 Phục Sinh


CN.4.PS.A

(Cv 2,14.36-41; 1Pr  2,20-25; Ga 10,1-10)

Không có hình ảnh nào về Chúa Giêsu đẹp cho bằng hình ảnh “người chăn chiên nhân lành”. Hình ảnh “người chăn chiên nhân lành” rất nhiều trong Kinh Thánh, vì đó là hình ảnh thân thương và gần gũi của người Do Thái. Chẳng khác nào đối với người Việt Nam là con trâu và chú bé chăn trâu. Nước Do thái thời Chúa Giêsu phần nhiều là cao nguyên. Sống bằng nghề chăn nuôi súc vật hơn là cày cấy trồng trọt. Đất đã cao lại khô cằn. Vì thế, đàn chiên không thể sống nếu không có người chăn, người đưa đi ăn trong các đồng cỏ xanh tươi.

Người chăn chiên thường đeo một cái túi bằng da để đựng thức ăn. Thức ăn là bánh mì, trái cây khô, một vài trái ôliu, bơ và nước uống. Người chăn chiên có một cái ná. Ná vừa để bảo vệ bắn những con sói tới phá đàn chiên, vừa để bắn những con chiên đi sai đường, để trở lại đi cho đúng đường. Người chăn chiên có một cái gậy vừa để chống khi leo núi, vừa để đánh sói rừng và kẻ trộm.

Phần đông các nước nuôi chiên để làm thịt. Ở Do thái vừa để làm thịt vừa để lấy lông làm quần áo. Giống như con gà, con heo của người Việt Nam, người Do thái cũng dùng chiên để làm của lễ dâng cho Thiên Chúa. Con chiên dùng trong lễ Vượt Qua, lễ kỷ niệm ngày thoát khỏi kiếp nộ lệ ở Ai cập, trở về với quê hương xứ sở. Sách Xuất Hành kể như sau : “Hãy nói với toàn thể cộng đồng It-ra-en : Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người…Con chiên phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi phải bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Itraen đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.” (Xh 12,3-8). Chúa Giêsu chính là chiên lễ Vượt Qua, và nhờ máu Chúa chúng ta được sạch tội, như chúng ta thường hát “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.

Có hai loại chuồng chiên. Chuồng trong làng là chuồng chung. Đêm về các đàn chiên của mọi người nhốt chung trong lọai chuồng này. Chuồng này có một cửa ra vào vững chắc. Chỉ người canh cửa mới có chìa khóa mở cửa. Vì thế Chúa Giêsu phán : “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra “ (Ga 10,1-3).

Loại chuồng thứ hai ở ngoài đồng. Vào mùa ấm áp chiên không về nhà, chiên ở lại ngoai đồng. Lọai chuồng này bao quanh bằng những lớp đá, không có cửa, chỉ có lối ra vào. Người chăn chiên nằm ngay lối ra vào. Trộm hay sói muốn vào bắt chiên phải bước qua người chăn. Vì thế Chúa Giêsu nói : “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp.” (10, 7-8).

Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn “người chăn chiên nhân lành”, vì đàn chiên của Chúa có những chủ chăn giả, những chủ chăn là trộm cướp, những chủ chăn để “ăn trộm, giết hại, và phá hủy” (Ga 10,10), chứ không như Chúa đưa đàn chiên tới “đồng cỏ : (10,9), để chiên  “được sống và sống dồi dào

Cha Gioan Baotixita Lê Quí Đức, Giáo Phận Đà Nẵng chúng ta cũng là một “Mục Tử Nhân Lành”. Đức cha Giuse Giáo Phận đã giảng trong lễ an táng của cha ngày 21-9 :

+  Năm 1964 : Trận  lụt lịch sử Năm Thìn kinh hoàng, nước lụt nhấn chìm tất cả, mọi nơi trở thành biển nước mênh mông, Cha bám được trên ngọn một cây mít, suốt một ngày đêm, đến khi có ca-nô đến ứng cứu.  Sau cơn lũ lụt, cuốn trụi  tất cả , Cha con lại phải làm lại từ đầu….có lúc không còn gì để ăn , lại dùng rau rừng  và củ mì ( củ sắn) …. để sống tạm qua ngày.  Sự khó khăn còn lên đỉnh điểm, khi chiến tranh ngày càng khốc liệt, không thể gieo trồng sản xuất, lương thực chút ít lại sung vào quỹ nuôi quân cho các binh sĩ địa phương. Vì thế, có lúc từng nắm gạo nhỏ được gói cẩn thận, hoặc cho vào vỏ ống đạn , chôn xuống đất , để dành sống cầm hơi.

Đa số Giáo dân di tản ra khỏi vùng chiến sự, nhưng Cha quyết tâm ở lại với đoàn chiên của mình ,  không trốn chạy hoàn cảnh, yêu thương người nghèo , cứu chữa băng bó vết thương cho những nạn nhân chiến tranh trong làn lưới đạn,  sống tinh thần của Thánh Phao lô “ vui với người vui, khóc với người khóc” ( những người còn ở lại). Vì thế, nhà thờ và Cha Quản xứ, là nơi nương tựa tinh thần cho người Giáo dân Tiên Phước , trong giai đoạn khó khăn nhất này. Và cũng nhờ đó, nhà thờ và khuôn viên Giáo xứ Tiên phước  còn như ngày nay. Sau chiến tranh , Giáo xứ  từng bước hồi sinh, Cha hướng dẫn trong sản xuất, giúp đỡ chăm sóc đời sống Đạo và nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho giáo dân và bất cứ những ai cần đến sự giúp đỡ của Ngài.

+  Sau  1975  : Giáo dân từ 700 người, ngày càng thêm đông… đến nay hơn 1500 người

+  22/4/1990 :  Đức Cha cho Ngài về nghĩ  hưu, nhưng Ngài xin Đức Cha cho nghĩ  hưu tại Giáo xứ Tiên Phước cho đến 2005, nơi mảnh đất Cha gắn bó cả cuộc  đời, sống trọn vẹn tình Chúa tình người , Cha GB là Mục tử ” Nặng Mùi Chiên” ( Đức Thánh Cha Phan-xi-cô )

+  2005 – 2016 : Cha về hưu dưỡng tại Tòa giám mục Đà Nẵng. Cha hiểu hoàn cảnh từng người Giáo dân Tiên Phước, như người mục tử hiểu rõ từng con chiên. Ngay cả khi già yếu hưu dưỡng tại Tòa giám mục, nhưng những Giáo dân Tiên  Phước đến thăm, lại dành những đồng tiền từ những người thân quen tặng , trao tặng cho họ để có tiền xe trở về Tiên Phước , vì  Cha cho biết “ Họ nghèo lắm…”

+ Cha GB sống đời sống phó thác và vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa và Bề trên, chu toàn trọn hảo tác vụ được lãnh nhận, suy niệm Lời Chúa và luôn kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi già yếu, hưu dưỡng , hằng tháng vẫn đọc tập “ 5 phút Lời Chúa mỗi ngày”…

+   Ngày 18 / 9 / 2016 : Ngài trở về Nhà cha trên trời, kết thúc một chặng đường sống cho Chúa và chết cho anh em. Cha hưởng thọ 94 tuổi, 61 năm Linh mục,  51 năm Quản xứ  và hưu dưỡng tại Tiên Phước .  Công ơn của  Cha cho Giáo xứ Tiên Phước , không gì so sỏnh được.

+  Thương nhớ Cha GB, Cha Philipphe  Maria Lê Văn Vui ( CSsR) (Chính xứ) ,  Cha Giuse Đinh Hữu Thoại (Phó xứ) và đoàn con Tiên Phước hơn 150 người, ngày 20/9/2016, tìm đến  hội trường  giáo xứ Chính Tòa , nơi đang quàng xác Cha , để kính viếng Cha GB với lòng biết ơn vô hạn (7-5-2017)

——————————–

CN.4.PS.A

Lịch Công Giáo đặt tên Chúa nhật hôm nay là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ” (trang 85).

Giáo hội Việt Nam cũng có những chủ chăn nhân lành. Chẳng hạn Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Nguyệt San « The Word Among Us » của Mỹ, số tháng 4-2005 có một bài viết về Đức Hồng y Thuận với nhan đề “Một Tông Đồ của Niềm Hy Vọng ». Xin tóm lược sau đây :

Ngài bị bắt vào ngày 15-8-1975, ngày lễ Mẹ Hồn Xác Về Trời. 13 năm tù. Nhưng Chúa đã dùng để biến ngài thành vị tông đồ của niềm hy vọng, biến thành một người tuyên xưng sự chiến thắng của Phúc Âm  trong thất vọng, trong vật chất.

Thiên Chúa đã chuẩn bị ngài cho tiếng gọi này. Ngài sinh trong một gia đình Công giáo tại Huế vào năm 1930. Ngài học được bài học hy sinh trong chính gia đình của ngài. Nhiều người trong gia đình là những nhà lãnh đạo Đất Nước nổi tiếng và quan trọng, như tổng thống Ngô Đình Diệm, cậu của ngài.

Còn ngài, ngài muốn làm linh mục để phục vụ tha nhân. Năm 13 tuổi ngài vào chủng viện. Các linh mục dạy ngài để lại những gương sáng thánh thiện. Ngài đọc truyện các thánh, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Gioan Vi-an-nê, cha sở xứ Ars, thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của ngài. Truyện các thánh làm cho ngài ao ước nên giống Chúa Kitô.

Khi còn ở chủng viện sự đau khổ đã đến. Đó là cái chết của cậu ngài, ông Ngô Đình Khôi vào năm 1945. Năm 1953 ngài chịu chức linh mục. Ngài đã suýt chết vì bệnh lao. Cha mẹ đã cầu nguyện Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ đã chữa ngài. Năm 1963 ba ông cậu nữa bị giết là Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Ngài phải cố gắng lắm mới có thể tha thứ cho những người đã giết các cậu của ngài. Sau này ngài cho biết là nhờ gương của mẹ ngài, chị ruột của những người đã bị sát hại. Khi các cậu bị sát hại, mẹ ngài nói : “Tất cả ở trong tay Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban bình an, song phải chấp nhận thánh ý Chúa.”

Ngài đã yêu mến Đức Maria. Khi du học ở Rôma, năm 1957 ngài đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp. Tại đó ngài đã suy niệm những lời Đức Mẹ nói với thánh nữ Bê-na-đet-ta : “Mẹ không hứa ban niềm vui và sự an ủi cho con khi ở dưới thế, nhưng là gian nan và đau khổ.”. Ngài cảm thấy như Đức Mẹ cũng nói với ngài những lời ấy. Có lần ngài thưa với Chúa : « Lạy Chúa, xin giúp con nhớ lại gương hy sinh chết thay cho một người tù của cha Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê”.

Tuy nhiên khi bị bắt, ngài rất sợ. Hôm sau ngài viết : “Khi bị bắt, phải xa lìa con cái, tâm hồn tôi như bị xé nát ra từng mảnh.»  Tám năm là giám mục Nha Trang, thêm nhiệm vụ điều hành cơ quan Cô-reo, tái thiết sau chiến tranh, những công việc, những con người…Nhưng rồi ngài quyết định sống chịu đựng. Ngài hứa : “Tôi sẽ sống từng giây phút cuộc đời, từng giây phút đổ tràn tình yêu. »  Bắt chước gương thánh Phaolô, từ trong tù ngài viết thư dạy dỗ các con cái của ngài. Ngài viết đàng sau những tờ lịch treo tường và gửi ra ngoài, rồi đóng thành tập sách « Đường Hy Vọng “.

Một ngày kia Đức Hồng y Phanxicô Xaviê chợt nghĩ : Chúa Giêsu đã không trở nên vô ích khi chịu trên thập giá. Chính lúc Chúa xem ra vô ích lại là lúc Chúa hòan thành nhiệm vụ cứu rỗi nhân lọai. Ngài cảm thấy như Chúa nói với ngài : “Chính vì công việc của Cha mà con đã theo Cha, chứ không vì công việc của con. Vậy nếu Cha muốn thì con hãy hòan thành công việc Cha trao cho con.” Sau này ngài cho biết : « Tư tưởng này đã ban một sức mạnh mới, làm ngài hòan tòan thay đổi lối suy nghĩ.

Ngài đã tìm thấy ơn Chúa để đem niềm hy vọng vào trong những hòan cảnh thất vọng. Trên con tầu đi ra miền Bắc cùng với các bạn tù, ngài đã gặp thấy một trường hợp để thi hành sứ mệnh. Một người thất vọng định tự tử, ngài đã khuyên anh ta đừng nản chí mà tự sát. Trong trại tù là Vinh Quang giữa núi rừng, khi ở trong mùng đi ngủ ngài đã dâng thánh lễ và cho anh em tù có đạo rước Chúa. Rượu lễ ngài nói là thuốc chữa bệnh đau dạ dầy, còn bánh lễ thì giấu trong đèn pin. Niềm vui đó lan sang cả những người có nhiệm vụ canh giữ ngài. Ngài đã tập cho một người hát thuộc lòng bài hát Chúa Thánh Thần  và anh ta đã hát vào mỗi sáng lúc tập thể dục.

Một sáng kia ngài nghe điện thọai reo. Ngài cảm thấy tiếng reo này có vẻ lạ lạ. Ngài cầu nguyện với Đức Mẹ : « Lạy Mẹ, Nếu con còn có ích khi ở đây, thì xin Mẹ ban ơn cho con để con được vinh dự chết nơi đây. Còn nếu Mẹ thấy con phục vụ Giáo hội cách khác, thì xin Mẹ ban cho con được ơn tự do. »  Hôm ấy ngài được mời đi gặp cán bộ. Người cán bộ nói chính phủ không thù hằn gì với gia đình ngài và hỏi ngài có muốn một đặc ân gì không. Ngài xin được ơn tự do. Người cán bộ hỏi : Khi nào ông muốn được tự do ? Ngài đáp : Hôm nay. Hôm đó ngài được tự do. Đó là ngày 21-11-1988, lễ Mẹ Dâng Mình, kỷ niệm 33 năm thành hôn của cha mẹ ngài.

Trong tập sách « Đường Hy Vọng », Đức Hồng y đã viết : “Thiên Chúa dùng những gian nan đau khổ, để dạy chúng ta hiểu biết hơn và chịu đựng được hơn với những đau khổ do tha nhân đem đến.”  Sau khi rời khỏi VN, ngài tới Vaticanô và công việc đầu tiên là đi thăm các cộng đòan giáo hữu VN hải ngọai. Ngài đã khuyến khích họ giữ đức tin. Rồi ngài được đặt làm tổng trưởng bộ Công Lý và Hòa Bình. Ngài được làm Hồng y. Mùa chay năm 1999, Đức Giáo hòang mời ngài giảng tĩnh tâm. Năm 2001 ngài bị ung thư. Sau gần 2 năm bệnh tật, ngày 16-9-2002 ngài qua đời.

Một trong những lời cầu nguyện ngài viết trong tù là : “Trong tối tăm, trong yếu đuối, trong hèn hạ, con ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Con chấp nhận thánh giá, và con trồng thánh giá cho đứng thẳng lên trong trái tim của con, bằng chính đôi tay của con. Nếu Chúa cho phép con chọn, thì con không chọn điều gì thay thế cho Thánh giá, vì Chúa ở với con. Con không còn sợ hãi. Con đã hiểu. Con theo Chúa trong cuộc thương khó và phục sinh của Chúa.” (11-5-2014)

——————————————-.

CN.4.PS.A

Nhiều người trong chúng ta biết cha Giuse Phan Trung Nghĩa., giáo phận Vĩnh Long. Ngày 29-4-1961 ngài được chịu chức linh mục. Năm nay ngài mừng lễ kim khánh. Thứ ba ngày 10-5 vừa rồi, cha sở Phú Hạnh mời ngài lên Phú Hạnh mừng lễ. Để nhớ lại 50 năm linh mục, ngài viết một tập sách nhỏ, vỏn vẹn 28 trang, kể vắn tắt những công việc ngài làm, nói đúng hơn, như ngài viết : “Để nhớ Hồng Ân của Chúa đã gìn giữ và trợ giup một cách đặc biệt  con người đầy khuyết điểm của tôi” (trang 2).

Sau khi chịu chức linh mục, ngài được sai về làm cha phó họ đạo Bến Tre từ năm 1961-1962. Từ năm 1962-1969, 7 năm dạy Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long.

Từ năm 1969-1974 là cha sở họ đạo Hựu Thành, Bưng Trường, Bà My, Trà Vẹt. 5 năm Hựu Thành là 5 năm chiến tranh, ngày đêm súng đạn bắn phá, chả biết sống chết lúc nào. Dù an ninh không bảo đảm, ngài cũng sửa chữa được nhà thờ Hựu Thành, xây nhà thờ Trà Vẹt, và trường học,

Sau giải phúng 1975 ngài bị bắt đi học tập 4 năm từ năm 1976-1980, và 10 năm bị quản thúc tại gia đình (1980-1990). Tổng cộng 14 năm. Ngài viết : “9 tháng bị giam ở Vĩnh Long. Một mình ở phòng biệt giam, bị điều tra liên miên ngày đêm, thật là khổ. Trên 3 năm cải tạo lao động ở Bến Giỏ. 10 năm bị quản chế trong gia đình:  khuấy sữa dê để bán, vắt sổ quần áo để sinh sống…Nhưng cũng là dịp để cầu nguyện nhiều với Chúa cho mình, cho các cha, và cho những người đau khổ” (trang 4-5)

Sau khi được tự do, ngài được sai làm cha sở các họ đạo Mai-Phốp, Đức Hòa, Vũng Liêm, Quang Phong từ năm 1990-2010. 10 năm ở Mai Phốp, như ngài viết “thật là phép lạ” (trang 11) : đại tu nhà thờ Mai Phốp; mua đất xây nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý, nhà trẻ Cầu Đá, Đức Hòa. Vũng Liêm là một thị trấn, “nhà nguyện  nhỏ hẹp, trời nắng nóng nực, trời mưa đầy nước”, ngài biến thành một nhà thờ, mà ngài gọi là “Nhà Thờ Chúa Quan Phòng”, “Nhà thờ với tháp chuụng cao 27m, một trường học một lầu dài 30m, là nơi ở cho các nữ tu, nhà giữ trẻ, ký túc xá nữ sinh…trên một thuở đất rộng 1600m” (trang 13). Ngài còn xây được nhà thờ Quang Phong, Quang Diệu.

Dù nay đã 87 tuổi, gần trời xa đất, Đức cha vẫn nhờ ngài làm cha sở Cầu Đá, nhất là lo xây dựng Trung tâm Cha thánh tử đạo Philípphê Phan Văn Minh.

Ngài cũng lo đến miếng ăn, sức khỏe cho dân chúng, không phân biệt lương giáo : xây hai hệ thống lọc nước ở Mai Phốp và Cầu Đá, một sân phơi lúa ở Mai Phốp, lấy một chút đóng góp mua gạo giúp 120 hộ nghèo, một cây cầu bêtông, một trường mẫu giáo, 250 nhà tình thương, hỗ trợ nồi cháo bệnh viện Vũng Liêm, bệnh viện Vĩnh Long. Người nghèo, tàng tật, phong cùi, bệnh tật cũng được cha giúp đỡ.

Cuối cùng, cha Giuse Phan Trung Nghĩa viết : “Lạy Chúa, 50 năm đời linh mục của con, con chỉ biết sám hối ăn năn, xin Chúa và mọi người thương tha thứ lỗi lầm và mọi điều thiếu xót của con’ (trang 24).

Đọc những trang ngài viết, thật xúc động, trái tim như muốn thắt lại, mắt như muốn nhỏ lệ. Biết bao gian nan trong cuộc đời, ngài vẫn cố gắng để làm vinh danh Chúa, và làm ích cho mọi người.

BTM : Phải chăng cha Giuse Phan Trung Nghĩa là “Mục Tử Nhân Lành” trong bài Tin Mừng thánh lễ chúa nhật hôm nay. Chúa Giêsu nói với dân Do Thỏi : “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

BĐ2 :  Những tháng đứng trên bục giảng, những năm trong tù tội, những giọt mồ hôi trong lao động, những đêm âu lo thao thức, những lúc bóp trán vò đầu… trong 50 năm linh mục, là hình ảnh sống động của lời thánh Phêrô trong bđ2 : “Nếu làm việc lành và phải khổ, mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1Pr 2,20). Vì thế, cha Giuse đã  cảm nhận : “Thời gian học tập cải tạo là thời gian quí báu để sống với Chúa, và thông cảm yêu thương người khác nhiều hơn” (trang 5).

Bđ1 : Trong bđ1, sau khi lónh nhận Chúa Thánh Thần, thánh Phêrô cùng với các tông đồ đứng lên rao giảng và kêu gọi : “Anh em húy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ” (Cv 2,40). Kết quả “Khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,41).

50 năm đời linh mục của cha Giuse Phan Trung Nghĩa cũng chỉ có một mục đích duy nhất, đó là : để người ta “được ơn cứu độ”, để người ta được “theo đạo Chúa”.

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho có nhiều người đáp lại tiếng Chúa gọi, để phục vụ Chúa và các linh hồn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, các tu sĩ, các tông đồ giáo dân và cho các cánh đồng truyền giáo thêm nhiều thợ gặt (15-5-2011)

Linh mục Nguyễn Trung Thành