Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm B


CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – NĂM B

2-5-2021

CHẦU THÁNH THÊ

Giáo xứ Hoằng Phước và Giáo họ Thạnh Mỹ

GIÁO HUẤN SỐ 23

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô đang sống (tt)

Vì Người hằng sống, nên chắc chắn rằng sự thiện sẽ khải thắng trên cuộc đời các con, và mọi cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ thực sự đáng giá. Và nếu vậy, chúng ta có thể chấm dứt phàn nàn và hướng nhìn tương lai, vì với Người, điều này luôn luôn có thể. Đó là sự chắc chắn mà chúng ta có được. Đức Giêsu hằng sống muôn đời. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ có sự sống, và sẽ được bảo vệ khỏi những đe dọa của chết chóc và bạo lực, là những thứ có thể ập đến trong đời ta. Mọi giải pháp khác sẽ bất cập và tạm bợ. Chúng có vẻ như hữu ích một lúc nào đó, nhưng rồi chúng ta lại thấy mình chới với trước bão tố trong đời. Đàng khác, với Đức Giêsu, tâm hồn chúng ta kinh nghiệm một sự an toàn có gốc rễ vững chắc. Thánh Phaolô nói rằng ngài ước ao kết hợp với Đức Kitô để “được biết Người và quyền năng sự phục sinh của Người” (Pl 3,10). Quyền năng ấy cũng sẽ không ngừng được tỏ lộ trong đời sống các con, vì Người đến để cho các con được sống ‘và sống dồi dào’ (Ga 10,10) (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 127 &128)

————————

CN 5 PS NĂM B

(Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8)

Sống đạo hết mình.

Rất nhiệt tình, sốt sắng, nên giáo hữu Đàng Ngoài đã được cha Joăo (Gioan ?) Cabral ca tụng là họ giống như các tập sinh trong một dòng tu. Barbosa truyền giáo ở Đàng Ngoài nhận định cũng giống Joăo Cabral, được Đắc Lộ tóm lược như sau : “Giáo hữu siêng năng đọc kinh sáng tối trong gia đình; không bao giờ bỏ đọc kinh như thế, trừ khi quá bận rộn. Gia đình nào cũng có bàn độc (bàn thờ) được trang trí bằng những thứ quí nhất theo khả năng của họ. Giáo hữu sẵn sàng bớt một vài món cần thiết cho cái ăn cái mặc, hơn là chịu thiếu bàn độc. Trên bàn thờ này, ngoài Thánh Giá và các ảnh tượng khác, họ còn treo bình nước thánh cùng với tràng hạt Mân côi, roi đánh tội và một vài thứ khác họ dùng thường xuyên cho việc khổ chế… Cha Đắc Lộ phải thốt lên  khi thấy tâm hồn trong trắng và đạo đức của giáo hữu Đàng Ngoài trong việc xưng tội rước lễ: ‘Tôi phải thành thật nói là chẳng gì làm tôi cảm động khi thấy trong vương quốc này có bao nhiêu giáo hữu là dường như có bấy nhiêu thiên thần’…

 Tháng 3-1640, Đắc Lộ từ Hội An ra kinh đô Huế, ở tại nhà bà Minh Đức Vương thái phi để giảng giải và làm phép các bí tích. Giáo hữu ùn ùn kéo đến, không sợ hãi, nhờ vai vế của bà Minh Đức. Tuần Thánh năm 1640 được cử hành long trọng trong chính nhà nguyện của bà Minh Đức, sốt sắng đến nỗi Đắc Lộ phải viết: ‘Tôi xin thành thật thú nhận rằng, tại đây chứ không phải ở châu Âu, người ta cảm nghiệm được cuộc thương khó của Chúa chúng ta.

 Còn nhớ khi hai giáo sĩ Marques, Đắc Lộ bị nhà vương ra lệnh quản thúc tại gia ở Thăng Long kể từ ngày 28-5-1628, thì giáo hữu cải trang thành kẻ ăn xin, để van nài lính canh cho vào xin cơm hai giáo sĩ, chính nhờ cách đó mà họ liên lạc được với hai ông. Họ còn dám khoét cả bức vách liền với nhà hai ông để liên lạc (Đỗ Quang Chính, Hòa Mình Vào Xã Hội Việt Nam, trang 79-80).

Các giáo hữu Việt Nam tiên khởi thật là gắn bó với Chúa như Lời Chúa trong thánh lễ. Bài đọc 1 là gương thánh Phaolô, dù bị người đồng hương nghi kỵ, âm mưu ám hại, ông vẫn tin và rao giảng Chúa sống lại; hay cha ông chúng ta gắn bó với Chúa như dụ ngôn cây nho và cành nho trong bài Tin Mừng.

Bài đọc 1: Bài đọc 1 hôm nay sách Công Vụ Tông Đồ kể những ngày đầu của thánh Phao-lô sau khi được gặp Chúa Kitô phục sinh, ngược với khi chưa gặp.

Khi chưa gặp Chúa phục sinh, sách CVTĐ chương 7 và 8 kể thái độ ác cảm và bắt đạo của thánh Phao-lô: “Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông (Tê-pha-nô) rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giê-su xin nhận hồn con” (Cv 7,57-59). Phần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô (Cv 8,1). Còn ông Sao-lô thì cứ phá hại Hội thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục (Cv 8, 3).

Chương 9 kể thánh Phao-lô được Chúa gọi: “Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông lẫn đàn bà thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: Sa-un, Sa-un, sao ngươi bắt bớ Ta? Ông nói: Thưa Ngài, Ngài là ai? Người đáp: Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì. (Cv 9, 1-6).

Sau khi gặp Chúa phục sinh, sách CVTĐ kể: “Ông ở lại Đa-mát với các môn đệ mấy hôm, rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường rằng: ‘Người là Con Thiên Chúa’. Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: ‘Ông này chẳng phải là người ở Giê-ru-sa-lem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giê-su sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao? Nhưng ông Sao-lô càng thêm vững mạnh và ông làm cho người Do thái ở Đa-mát phải bẽ mặt, khi minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Sau một thời gian khá lâu, người Do thái cùng nhau bàn kế giết ông Sao-lô; nhưng ông biết dược âm mưu của họ. Thậm chí người ta canh giữ các cửa thành ngày đêm, để giết ông ...  Nhưng ban đêm các môn đệ ông đã đưa ông qua tường thành bằng cách đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng dây thả xuống’. Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng, mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông đến gặp các tông đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào… Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái văn hóa Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. Các anh em thấy thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô (Cv 9,19-30).

Mặc dầu “Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: ‘Ông này chẳng phải là người ở Giê-ru-sa-lem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giê-su sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?”, họ tìm cách giết ông”, nhưng thánh Phao-lô vẫn một mực gắn bó với Chúa và rao giảng về Chúa.

Bài Tin Mừng: BTM thánh lễ hôm nay là dụ ngôn “cây nho”. Với dụ ngôn này, Chúa muốn diễn tả mối tương quan, thông hiệp, gắn bó giữa Chúa và người ta, 9 từ “ở lại” và 2 từ “gắn liền” đủ diễn tả sự “gắn bó”. Đọc một lời thôi chúng ta cũng đủ cảm được lòng Chúa muốn chúng ta gắn bó với Chúa, và Chúa muốn gắn bó với chúng ta: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho; anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy (Ga 15,4), “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Cha ông chúng ta ngày xưa “đọc kinh sáng tối”, dựng “bàn độc”, treo “Thánh giá, ảnh tượng”, “bình nước thánh”, “tràng hạt Mân Côi”, roi đánh tội”… cũng chỉ vì muốn “ở lại”, “gắn liền” với Chúa, để được “sinh hoa trái”.

Bài đọc 2: Bđ2 đọc thư thứ nhất của thánh Gio-an. Thư này cũng khuyên chúng ta “ở lại” trong Thiên Chúa bằng cách “tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa” (1Ga 3,24). Điều răn của Thiên Chúa là : “Chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô. Con của Người, và yêu thương nhau” (1Ga 3,22). Thánh Gioan cũng khuyên dạy : “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).

Nhờ thánh Giuse cầu bầu, xin Đức Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê giúp chúng ta “ở lại” trong Chúa và “gắn bó” với Người.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành