Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm C
Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm C
19-5-2019
—————
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hoằng Phước
Giáo họ Thạnh Mỹ
GIÁO HUẤN SỐ 25
Đồng hành sau khi dổ vỡ và li dị (tt)
Lịch Giáo phận trang 75
Cho dù hiểu những hoàn cảnh xung đột mà vợ chồng phải trải qua. Hội thánh không thể ngừng lên tiếng nhân danh những con người dễ bị tổn thương nhất, đó là những đứa con thường phải âm thầm đau khổ. Ngày nay cho dẫu dường như ta có sự nhậy cảm tiến bộ hơn, và làm mọi phân tích tâm lý rất tinh tế, tôi tự hỏi liệu có phải chúng ta đã bị chai lì trước cả những vết thương trong tâm hồn của rẻ em {…} Chúng ta có cảm thấy sức nặng của tảng núi nghiền nát một tâm hồn của đứa trẻ trong các gia đình nơi mà người ta đối xử tệ bạc với nhau và làm tổn thương nhau, đến nỗi phá vỡ mối dây trung tín trong hôn nhân hay không ? Những kinh nghiệm tệ hại này không giúp ích gì cho trẻ em cho đến khi chúng trưởng thành để có khả năng dấn thân dứt khoát. Vì thế, cá cộng đoàn Kitô hữu không nên bỏ rơi các cha mẹ đã li dị những người đang sống một mối quan hệ mới. Ngược lại, cần đưa họ vào cộng đoàn và đồng hành với họ trong vai trò giáo dục con cái. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể khuyên người cha người mẹ này làm tất cả để giáo dục con cái trong đời sống đức tin Kitô giáo. Và cho họ mẫu gương về một đức tin xác quyết và thực hành, trong khi chúng ta lại để cho họ xa cách đời sống của cộng đoàn như thể họ đã bị tuyệt thông ? Ta phải làm cách nào để tránh không bồi thêm những gánh nặng khác ngoài gánh nặng con cái mà họ phải mang vác, trong những hoàn cảnh này. Giúp chữa lành các vết thương của cha mẹ và tiếp nhận họ về mặt thiêng liêng cũng là điều tốt ngay cả cho những đứa con, tất cả họ cần nhìn thấy dung mạo của Hội thánh tiếp đón họ qua kinh nghiệm thương đau này. Li dị là một điều xấu, và số lượng các vụ li dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với các gia đình, đó là củng cố tình yêu và giúp chữa lành các vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta (Niềm vui của tình yêu số 246).
————————-
CN 5 PS C
(Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5c; Ga 13,31-33a.34-35)
Ngọc Liên là công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, quan trấn Vĩnh Điện. Bà là trưởng nữ kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên có ba em gái : Ngọc Vạn kết hôn với vua Chey Chettâ II (Cam Bốt); Ngọc Hoa (Khoa ?) là vợ của Nhật kiều Sataro, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng; Ngọc Đỉnh thành hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều.
Ngọc Liên được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức Vương thái phi, có lẽ được rửa tội năm 1636 do cha Buzomi, mang thánh hiệu Maria Mađalêna. Chồng bà làm trấn thủ Trấn Biên dinh (Phú Yên) từ năm 1629-1643, tuy không theo đạo, nhưng lại “ước mong mọi người dưới quyền cai trị của ông theo ‘Đạo Hoa lang’”.
Ngọc Liên rất nhiệt tình với Đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em bổn đạo có thể tới cầu nguyện. Năm 1641, cha Rhodes (Đắc Lộ) ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh Tẩy cho 90 người trong số này có cậu Anrê Phú Yên.
Từ năm 1643, Ngọc Liên theo chồng về cư ngụ tại Thành Chiêm, bà vẫn một lòng đạo, hăng say giới thiệu Tin Mừng, kể cả sau khi Tướng Vinh qua đời năm 1645.
Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong. Đầu năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô là Antonio de Puerto và Antonio de Santa Maria Caballero (tất cả là người Tây Ban Nha) đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Mitelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thành Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm.
Đến năm 1663 chính quyền ra lệnh khám xét nhà Ngọc Liên, tịch thâu nhiều của cải, vì bà theo Đạo Hoa Lang, lại còn thiêu hủy nhà nguyện của bà. Hai năm sau Hiền Vương ra lệnh cấm đạo ngặt hơn : ngày 29-1-1665 bà bị giam trong một nhà ngục không mái che, để cho chết đói, chết khát. Sau năm ngày, bà không chịu nổi, nên đã chối đạo.
Tuy nhiên đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil MEP, bà đã xưng tội, nhưng bị cha phạt vạ không được rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý (Lm Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên Trng Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 73-74).
Bà Ngọc Liên đã thể hiện Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Bài đọc 1 : Bđ1 là đoạn kết cuộc hành trình truyền giáo thứ I của thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba. Trong cuộc hành trình này hai ngài đạt được thành quả tốt đẹp : người Do thái cũng như người ngoại nghe lời giảng thì tin vào Chúa. Nhưng cũng có những người Do thái không tin, chống đối các ngài. Sau khi hai ngài đi rao giảng các thành phố nước Sy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, thì trở về An-ti-ô-khi-a của nước Sy-ri, nơi xuất phát. Bđ1 kết luận : “Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27). Hai ngài cũng nói : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”(Cv 14,22).
Bà Ngọc Liên sống tốt đạo đẹp đời. Chồng bà mới yêu quí đạo, cho bà lập nhà nguyện trong dinh. Ông còn đồng ý cho bà mời cha Đắc Lộ về dinh giảng đạo và rửa tội 90 người, trong đó có thánh Anrê-Phú Yên.
Bài Tin Mừng : BTM thánh Gioan kể : trong bữa tiệc ly, biết mình sẽ không còn sống chung với các tông đồ nữa, nên Chúa căn dặn các tông đồ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
Bà Ngọc Liên đã sống giới răn yêu thương của Chúa. Bà làm nhà nguyện và cho cả đồng đạo đến cầu nguyện. Bà lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong. Đầu năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Mitelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thành Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm.
Bài đọc 2 : Bđ2 đọc sách Khải huyền. “Từ ‘khải huyền’ có nghĩa là “vén màn” cho thấy điều bí mật che khuất bên trong. Như vậy, thể văn khải huyền xuất hiện trong bối cảnh tôn giáo đang gặp thư thách, khó khăn. Để duy trì đức tin và niềm hy vọng cho dân Thiên Chúa, các tác giả khải huyền cố gắng vén tỏ bức màn đang che khuất cái thực tại, những điều bí ẩn đàng sau lịch sử; đồng thời các ông cũng cho thấy lịch sử có giới hạn. Tất cả đều sụp dổ vào thời cánh chung. Sự mặc khải này vừa bi quan đối với hiện tại, vừa lạc quan cho tương lai. Bi quan vì thế giới đang chịu quyền lực sự ác thống trị. Lạc quan vì, sau cùng Thiên Chúa toàn thắng và Người sẽ tái tạo một thế giới mới tốt đẹp hơn” (CGKPV, Kinh Thánh, 2011, trang 2753).
“Sách Khải Huyền được biên soạn vào thời kỳ khốn quẫn. Chúng ta biết rằng ngay từ thời Nê-rô (64-67) đã xảy ra cuộc cấm đạo và bách hại tín hữu. Vì thế có người cho rằng Khải Huyền được soạn tác trong bối cảnh này. Tuy niên, người khác lại cho rằng thời hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô mới là bối cảnh của sách Khải Huyền. Theo truyền thuyết, người ta tin rằng Nê-rô sống lại. Quả thật khi hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô cấm đạo gắt gao, bắt hại tín hữu không nương tay, và nhất là chính thức lập lễ nghi tôn thờ hoàng đế, thì người ta nghĩ rằng hoàng đế Nê-rô đã sống lại nơi ông. Ông buộc mọi công dân Rô-ma và những ai sống trong đế quốc Rô-ma đều phải bái lạy trước tượng hoàng đế. Anh em tín hữu bất tuân lệnh ông. Họ không thể gọi bất cứ một thụ tạo nào bằng danh xưng ‘Chúa’. Họ chỉ kêu cầu và tuyên xưng một Chúa duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Họ không chịu nhượng bộ vị hoàng đế phạm thượng và cao ngạo này. Thà bị giết, chứ họ không chối bỏ Đức Giê-su” (CGKPV,sđd,trang 2755).
Hai câu đầu của Bđ2 đủ nói lên niềm vui sau hoạn nạn : “Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biết mất và biển cũng không còn nữa” (Kh 21,1).
Bà Ngọc Liên đã bị giam cầm vì đạo, bà đã đầu hàng, đã ngã quỵ; nhưng bà đã chỗi dậy, và đã hăng hái đi dạy giáo lý.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành