Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm C


Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm C

26-9-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hải

GÍAO HUẤN SỐ 26

Một số hoàn cảnh phức tạp

Lịch Giáo Phận trang 76

Cần có quan tâm đặc biệt đến những vấn đề liên quan đến hôn nhân hỗn hợp. Hôn phối giữa người Công giáo và những người được rửa tội khác: “Mặc dù mang một sắc thái đặc biệt, vẫn có nhiều yếu tố cần được tôn trọng và phát huy, hoặc vì giá trị nội tại của chúng hoặc vì chúng có thể góp phần vào trào lưu đại kết”. Nhắm mục đích ấy, nên tìm cách {…} để có sự cộng tác chân tình giữa thừa tác viên Công giáo và thừa tác viên không Công giáo, từ thời gian chuẩn bị hôn nhân cho tới lễ cưới” (Familiaris Consortio,78). Về việc chia sẻ Thánh Thể cần lưu ý rằng “việc quyết định chấp nhận bên phối ngẫu không Công giáo có được rước lễ hay không phải được thực hiện phù hợp với các qui định chung hiện hành, cả đối với các Kitô hữu Đông phương cũng như đối với các Kitô hữu khác, trong khi xét đến hoàn cảnh đặc biệt này, nghĩa là hai người Kitô hữu đã được rửa tội lãnh nhận bí tích hôn nhân Kitô giáo. Cho dẫu các đôi vợ chồng trong hôn nhân hỗn hợp có chung bí tích Rửa tội và Hôn phối, việc chia sẻ Thánh Thể chỉ có thể là trường hợp biệt lệ, và trong mọi trường hợp, cần tuân giữ các qui định đã được đặt ra (Niềm Vui của Tình Yêu, số 247).

———————————–

CN 6 PS C 2019

(Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29)

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu hồng đào chưa nhấm đã say

Nhà văn Lê Minh Quốc giải nghĩa: “Xét tổng quát cả hai câu, ta nghiệm ra rằng: Hồng đào là một loại rượu nhẹ, thậm chí rất nhẹ là khác. Ngược lại vùng đất này không mềm mại mà “khô cằn sỏi đá”, thậm chí còn “chó ăn đá gà ăn sỏi” nữa. Giá trị của câu ca dao nằm ở chỗ đối nghịch đó. Hiểu như thế thì ta mới thấy hai câu ca dao này tuyệt hay và quyện vào nhau chặt chẽ, không thể tách rời ra được”.

Nhiều người cho rằng, phải là loại rượu nặng, nặng đến mức chưa “nhấm” đã say. Hiểu như thế, là ta không hiểu gì về cấu trúc của câu ca dao này. Phải hiểu nó trong phạm trù “chưa” mà “đã” thì mới cảm nhận hết ma lực của một vùng đất và của một loại rượu, đặng qua đó hiểu cả của con người nơi ấy”.

Khi xét câu ca dao ấy ta thấy nó không chỉ giới thiệu tính chất của vùng đất, mà còn nhắm nói về cá tính, bản tính hiền lành, đôn hậu, chân thật của con người trên vùng đất đó. Tôi tưởng tượng ra cái lúc chàng trai Quảng Nam tỏ tình. Mượn câu ca dao của ông bà để làm “bửu bối”. Anh ta nói: “Em ạ! Đất Quảng quê anh là rứa đó. Mưa chưa xuống, nước chưa có mà đất đã thấm, rượu Hồng đào nhẹ hều dầu chưa nhấm nháp chút gì mà anh cũng đã say quắc cần cầu, say tít! Chứ huống chi gặp em đây. Em sắc nước hương trời, em chim sa cá lặn, em nguyệt thẹn hoa nhường thì làm sao trái tim non nớt đa cảm của anh không rúng động, không chết mê chết mệt cho được?”. Lập luận đó có lý của nó” …

Xét về mặt từ ngữ, những câu biến thể này đã cho thấy được đôi nét tính cách của người xứ Quảng. Tôi thích nhất ở chỗ, họ tự tin. Bởi tự tin nên mới dám khẳng định “coi ai ơn trọng nghĩa dày bằng em?”. Nàng nói thẳng thắn, rành rọt nhưng không hề ngụ ý khoe khoang gì cả. Sau khi khẳng định tâm thế của mình, nàng không ép phải yêu, phải nhung, phải nhớ, phải trăm năm gắn bó, (bởi trong tình yêu có ai ép buộc được ai?), do ý thức như thế nên nàng mạnh dạn nói “nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo” …

Ngày thường uống rượu đế thường ngàn ly (chung) không say, nhưng ngày lễ “rượu Hồng đào”, cái tình ấy, cái nghĩa ấy (sao) chưa thấm đã thấy say. Đến đây mới thấy hết ý nghĩa của chữ “đà”. Bởi cái tình ấy, chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện lễ là cái đã có ngấm sẵn trong con người và nó cứ lâng lâng phấn khích, say lòng người cần gì rượu, cần gì mưa! Là trong rượu có tình và cái tình ấy mới say, chứ rượu thì làm gì phải say và cái say này hứa hẹn kéo dài đến tương lai” (Người Quảng Nam, NXB Trẻ 2012, trang 64…66).

Người Công giáo Quảng Nam với đạo cũng vậy: “chưa mưa đã thấm”, “chưa nhấm đã say”, chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện lễ là cái đã có, ngấm sẵn trong con người và nó cứ lâng lâng phấn khích, say lòng người cần gì rượu, cần gì mưa!

Ngày 18-1-1615, hai cha Buzomi và Cavalho vừa đặt chân lên Cửa Hàn, đến lễ Phục sinh, chỉ trong vòng 3 tháng đã dựng được nhà thờ, đã rửa tội được 10 người. Và từ đó hạt giống tung vãi xuống miền Nam, bay ra miền Bắc, để Đà Nẵng trở thành “giải đất mẹ”.

Ngày 26-7-1644 Thanh Chiêm Phước Kiều thấm máu đào Thầy Anrê-Phú Yên, nhưng cha con ông Anrê bị kéo ra Hội An, bị đánh đòn trước rồi. Trước khi thầy Anrê-Phú Yên vào tù thì ông Anrê Phước Kiều đã vào tù rồi.

Cha Nguyễn Hồng kể : “Một hôm quan trấn cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng ở nơi công cộng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 151).

        Cha Nguyễn Hồng kể tiếp về ông An-rê : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê-Phú Yên… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Sđd, trang 166).

Cha Hồng viết : “Ít lâu sau cụ già An-rê được thả về, không được may mắn phúc tử đạo như thầy An-rê, nhưng suốt đời cụ với bao thử thách giam cầm, cụ thật xứng tên vị minh chứng đạo.

Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cụ : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo  trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Sđd, trang 168-169).

Người Công giáo Quảng Nam với đạo là rứa: “chưa mưa đã thấm”, “chưa nhấm đã say”.

Thứ sáu tuần này, ngày 31-5, cuối tháng Đức Mẹ, chúng ta dắt tay nhau về Trà Kiệu. Nhớ lại 21 ngày lịch sử, ngày quân Văn Thân vây đánh Trà Kiệu từ ngày 1-9 đến 21-9-1885. Mãi ngày 10, ngày 11, Đức Mẹ và các thiên thần mới hiện ra, nhưng người Công giáo Trà Kiệu, ngay những ngày đầu đã réo gọi Đức Mẹ đến cứu.

Cha sở, cố Nhơn, lập bàn thờ, để con cái Mẹ đến lần chuỗi kêu van Mẹ.

Mỗi khi tiến ra mặt trận thay vì hô “xung phong, xung phong”, thì lại hô “Hè, hè, Giêsu, Maria, Giuse, thương chúng con, che chở chúng con”. Và mỗi lần chặn được bước tiến của quân địch, thì trở về quây quần bên bàn thờ, cám ơn Đức Mẹ (Linh Địa Trà Kiệu, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, trang 164).

Ngày 10 và ngày 11-9-1885, những khẩu đại bác trên đồi Hòn Bằng, đồi Kim Sơn, ồ ạt nả xuống nhà thờ, nhà xứ. Số đạn bắn ra đếm được 500 quả, thế mà không có một viên đạn nào trúng đích. Cha sở nghe rõ: quân Văn Thân ở trên đồi không ngớt tranh cãi với nhau: “THẬT LẠ LÙNG, CÓ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ LUÔN ĐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ, BÀ RẤT ĐẸP, MẶC ÁO TRẮNG, MÀ BẮN KHÔNG TRÚNG”. Chính viên xạ thủ là một cựu binh rất sành sử dụng súng thần công, cũng đã thú nhận: “TÔI MUỐN NHẮM BẮN BÀ ĐẸP, MẶC ĐỒ TRẮNG, ĐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ, TẤT CẢ ĐÃ ĐI QUÁ CAO, TRỪ MỘT QUẢ” (Sđd, trang 93).

Một lương dân kể lại rằng, theo các cụ thân sinh cho biết: “Lẽ ra quân ta (Văn Thân) đã tràn vào tận diệt dân làng Trà Kiệu một cách dễ dàng, đạp lên cũng chết. Nhưng hình như Cố đạo dùng phép thuật “rắm đậu thành binh” khiến xuất hiện vô số âm binh đánh lại quân ta”. Các cụ thân sinh còn cho biết: “Các âm binh đó đều là con nít, cầm thanh bạc bay phất phới đánh vào đầu nghĩa quân, khiến tử vong không ít, rồi hàng ngũ hỗn loạn, sợ hãi, xô đẩy, đạp lên nhau chạy thoát” (Sđd, trang 95)

Người Công giáo Quảng Nam với đạo quả thật: “chưa mưa đã thấm”, “chưa nhấm đã say”, cái tình ấy, chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện lễ là cái đã có, ngấm sẵn trong con người và nó cứ lâng lâng phấn khích, say lòng người cần gì rượu, cần gì mưa!

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu

Đã bao lần Mẹ đã hiện ra

Trên mảnh đất Trà Kiệu đoàn con

Mẹ cứu nguy che chở phù trì

Ơn của Mẹ làm sao con quên.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành