Chúa Nhật 6 Phục Sinh


CN.6.PS.A

(Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21)

Năm 1630 cha Đắc Lộ bị trục xuất khỏi miền Bắc. Cha về trụ sở dòng Tên ở Macao dạy học. Sau 10 năm dạy học, năm 1640 cha được sai vào miền Nam. Cha vào rồi cha lại bị đuổi, cứ vào rồi ra, cứ đến rồi đi, 4 lần. Đến năm 1645 thì cha bị trục xuất hẳn. Lệnh trục xuất được công bố trước dân chúng : cha không được trở lại xứ Nam, và không một tầu buôn nào được “cả gan” chở cha vào xứ này. Nếu trái lệnh thì cha và thuyền trưởng bị chém đầu (Bùi Đức Sinh, Gíao Hội Ở Việt Nam, T.I, trang 198). Với lệnh đó, cha muốn trở lại xứ Nam, nhưng không có tầu nào dám chở cha.

Nhưng, Chúa dùng cha vào việc quan trọng hơn : là sai cha về Rôma tường trình cho Đức giáo hoàng biết về Giáo Hội Việt Nam.

Sau 4 năm lênh đênh trên biển cả, ngày 2-8-1650 cha Đắc Lộ mới tới Rôma. Cha cho Tòa Thánh biết rằng : “Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội phồn thịnh và đông giáo dân, mà chưa một ai được nhận phép Thêm Sức. Rất nhiều người chết mà không được lãnh nhận các phép Bí Tích, vì thiếu linh mục. Một Giáo hội bị thử thách và bách hại, đã có 7 vị tử đạo can trường đổ máu để minh chứng đạo…rồi cha kết luận : yêu cầu bộ cấp tốc sai các giám mục đến để thành lập Hàng Giáo Sĩ Bản Quốc…và cha đưa ra lý do : một giáo đoàn đông gần 300.000 tín hữu, mỗi năm thêm chừng 15.000 nữa, phải sai đi ít nhất 300 linh mục và có thể là 400, đề phòng chết ở dọc đường. Nhưng tìm đâu ra một số linh mục nhiều như thế ? Tìm đâu ra tầu bè chuyên chở ? Tìm đâu ra tiền bạc để cung cấp? Liệu vua chúa có cho phép nhiều thừa sai trú ngụ như thế không ?…Giáo Hội Nhật Bản đã chết vì thiếu hàng Giáo sĩ bản quốc. Nếu không muốn GHVN rơi vào tình trạng tương tự, cần phải thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc,vì các ngài có thể lẩn tránh dễ dàng trong những khi bị bách hại”… (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, T.II, trang 18-19).

Nhờ bản tường trình đó, ngày 9-9-1659 Đức giáo hoàng Alexandrô VII thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài-miền Bắc và Đáng Trong-miền Nam (Nguyễn Hồng, sđd, trang 33)

Bộ Truyền Giáo gửi cho hai Đức cha một huấn dụ. Trong đó nhấn mạnh điểm này : “Việc huấn luyện và thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc, đi dần đến việc thành lập hàng Giáo phẩm vơi các Giám mục bản quốc” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 37)

Năm 1678, 19 năm sau bổ nhiệm hai giám mục, một ủy ban được thành lập gồm 7 hồng y, để cứu xét đề nghị phong chức giám mục cho người bản xứ (Nguyễn Thanh Tùng, Lịch Sử Thành Lập Giáo Hội Việt Nam, trang 49)

Năm 1686, 27 năm sau, Tòa Thánh cho phép Đức cha Deydier (Đê-đi-ê) quyền chọn một linh mục bản xứ làm giám mục (Nguyễn Thanh Tùng, sđd, trang 51).

Năm 1687, 1 năm sau, Tòa Thánh yêu cầu Đức cha Bourges (Buốc-giơ), giám mục Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) và Đức cha Deydier, giám mục Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) giới thiệu những ứng viên giám mục Việt Nam.

Trước đó 2 năm, năm 1685, Đức cha Laneau (La-nô) khi báo cáo về Đại chủng viện Giuse ở Thái Lan, đã giới thiệu thày Giuse Phước như sau : “Giuse Phước, phụ phó tế (chức năm), 26 tuổi, học ở chủng viện Ayuthia (Thái Lan) từ 10 năm nay. Thầy có tâm hồn đơn sơ, nhẹ nhàng, khiêm tốn, nết na, rất chăm chỉ việc đạo đức, tiết độ, mau mắn vâng phục trong mọi sự cách vui vẻ, rất yêu mến đức khó nghèo, bằng lòng với mọi hoàn cảnh của sự thiếu thốn, luôn vững chí lúc mạnh khỏe cũng như khi bệnh tật, rất nổi bật về lòng đạo đức và đức khiết tịnh tinh tuyền. Thầy luôn gương mẫu về các đức tính khác, khiến ai nấy cũng phải ca khen chúc tụng Thiên Chúa, nghĩa là trong mọi sự, thầy luôn thể hiện một nếp sống thánh thiện, kết hợp với tinh thần đơn sơ. Suốt 10 năm qua, chưa hề thấy điêu gì làm cho các giáo sư và bạn bè chủng sinh phải phiền lòng… Thầy là một chủng sinh xuất sắc và là hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô. Thầy khá thông thạo về thần học” (Nguyễn Thanh Tùng, sđd, trang 52-53).

Nhưng Đức cha Bourges đã không tán thành và muốn rằng : giám mục phó kế vị phải là một người Pháp.

Phải chờ đến năm 1933, 274 năm sau khi Tòa Thánh phong hai giám mục tiên khởi Francois Pallu và Lambert de La Motte (1659-1933), mới có giám mục người Việt Nam : Đức cha Nguyễn Bá Tòng. Và năm 1958, 299 năm sau, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam mới được thiết lập. Chính Đức Gioan 23 vừa được phong thánh đã thiết lập.

Sở dĩ, chúng ta nói dài dòng về việc thiết lập hàng Giám mục Việt Nam và cha Giuse Phước ứng viên giám mục người Việt Nam, là để nói đến bí tích Truyền chức linh mục và bí tích Thêm sức. Như cha Đắc Lộ đã tường trình với Tòa Thánh : có giám mục mới có bí tích truyền chức và Thêm sức.

BTM : Qua BTM Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu bảo các tông đồ : “Đừng xao xuyến”, vì có Chúa Cha, viên đá tảng.

BTM Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu bảo các tông đồ : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.

Như thế chúng ta “không xao xuyến”, không sợ hãi, vì chúng ta có Chúa Cha, có Chúa Thánh Thần, có Chúa Giêsu, Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cuộc sống gia đình đầy vất vả, nhiều khó khăn. Dĩ nhiên phải đau khổ nhiều, thậm chí muốn tan vỡ, muốn bỏ nhau. Nhưng, nếu gia đình chúng ta có Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, có Chúa Giêsu, có Ba Ngôi Thiên Chúa, thì như Chúa Giêsu nói : “không xao xuyến”, không sợ hãi, không thất vọng, không nản chí (18-5-2014)

.

——————————————-

CN.6.PS.A

 

Hôm nay Chúa nhật 6, kể như chúa nhật cuối mùa PS, vì chúa nhật tới lễ Chúa Lên Trời. Đồng thời hôm nay cũng là chúa nhật cuối tháng Đức Mẹ. Chúa nhật tuần trước chúng ta kể cho nhau nghe Đức Mẹ Tà Pao. Chúa nhật hôm nay, chúng ta kể Đức Mẹ Trà Kiệu.

Hòa ước ngày 6-6-1884, nước VN chính thức là thuộc địa của Pháp, không còn nền độc lập tự chủ nữa. Đêm ngày 4-7-1884 Triều đình Việt Nam ở Huế nổi dậy đánh đồn Mang Cá của Pháp, nhưng thất bại. Ông Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy trốn lên núi Ấu Sơn ở Hà Tĩnh. Cho rằng, mất nườc vì người Công Giáo làm tay sai cho Pháp, vua Hàm Nghi viết hịch kêu gọi mọi người đứng dậy làm cỏ người Công Giáo. Vua viết : “Chúng tôi kêu gọi mọi người cương quyết gắng công tiêu diệt cho kỳ hết bọn Datô…Nếu mục tiêu này được thực hiện, chúng tôi có thể khẳng định là quân Pháp sẽ hoàn toàn tê liệt, như cua gẫy càng không bò, không kẹp được nữa” (Bùi Đức Sinh, GHCG Ở VN, tập II, trang 511).  

Các sĩ phu, văn hào nhần sĩ liên kết thành Phong Trào Văn Thân, để  tiêu diệt người Công Giáo từ Bắc xuống Nam. Tại Hà Nội 264 nhà thờ bị đốt phá, 4800 giáo dân bị giết, 1200 bị chết đói. Tại Hà Tĩnh Nghệ An, 59 xứ đạo bị tàn phá, 6000 người CG bị giết. Tại Quảng Ngãi, 6000 giáo dân chạy trốn, trên đường bị chôn sống hay bị ném xuống giếng, 40 giáo xứ bị đốt phá. Ở Qui Nhơn 150 xứ đạo bị phá, 8000 giáo dân chạy trốn. Ở Bà Rịa người Công giáo già trẻ lớn bé nam nữ bị nhốt trong 4 nhà tù và bị thiêu sống tất cả 444 người : 288 đàn ông, 156 đàn bà con trẻ.

Ở Trà Kiệu, Đà Nẵng, ngày 1-9-1885 quân Văn Thân, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Huy Hiệu, bao vây giáo xứ Trà Kiệu. Cha Bruyère người Pháp, tên Việt là Cố Nhơn, tuyển lựa được 370 đàn ông, chia làm 7 đội chiến đấu, và 500 phụ nữ thành những đội tiếp tế cứu thương.

Ngày 2-9, giáo dân giữ đồi Hồng Bàng ở sau nhà thờ, thấy quân Văn Thân đông quá, sợ hãi bỏ chạy, tranh nhau xuống đồi, đạp nhau chết 4 người. Giáo dân hoang mang lo lắng. Cố Nhơn an ủi, kêu gọi chạy đến Đức Mẹ. Cố đặt bàn thờ Đức Mẹ trong nhà xứ, hai cây nến hai bên lúc nào cũng thắp sáng. Già cả, trẻ em, những người không có sức chiến đấu, đến đọc kinh, lần chuỗi, van xin Đức Mẹ.

Ngày 3-9 quân Văn Thân tấn công với súng ống đầy đủ, còn giáo dân chỉ có giáo mác. Họ tấn công dữ dội. Đạn bay qua mang tai cố Nhơn, suýt trúng ngài. Giáo dân sợ hãi xin cố đầu hàng. Ông Phổ, đội trưởng đội 1 phải lên tiếng : “Không đầu hàng. Phải chiến đấu. Chiến thắng hay là chết !

Ngày 4-9 quân Văn Thân tấn công hai lần, một lần ban sáng, một lần ban chiều. Cả hai lần đếu thất bại, không làm sao vượt qua được lũy tre xanh bao bọc quanh làng.

Sau một ngày nghỉ ngơi, ngày 6-9 quân Văn Thân lấy rơm chất đống, để ngày 7-9 đốt các bụi tre. Lần này con trai Ông Ích Khiêm chỉ huy. Nhưng giáo dân xông ra đổ nước dập tắt.

Ngày 8-9, ngày Sinh nhật Đức Mẹ, một ngày khủng khiếp. Quân Văn Thân chọc thủng được hàng rào tre phía nam. Giáo dân cứ phải lùi dần. Địch chiếm được Phước Viện. Cố Nhơn phải điều động cả đội nữ xung phong ra chống cự. Các dì dòng Mến Thánh Giá cũng tham gia chiến đấu.

Ngày 9-9 địch kéo đại bác đặt trên hai đồi Hồng Bàng và Bứu Châu, nhắm bắn xuống nhà thờ. Ngày 10-9 họ nả đại bác xuống như mưa. Tiếng đại bác vang gầm trời, ở Đà Nẵng cũng nghe . Cố Thiên ở Phú Thượng nghe tiếng đại bác nổ liên hồi, nghĩ rằng Trà Kiệu sẽ bị san bằng bình địa. Thế nhưng, chỉ có một viên đạn trúng nhà thờ, còn tất cả đều bị Bà Đẹp và hai đoàn trẻ em mặc áo trắng và áo đỏ, đứng trên nóc nhà thờ, lấy áo gạt đạn rơi xuống suối bện cạnh. Sang ngày 11-9 súng đại bác lại thi nhau nả xuống nhà thờ, nhưng đều bị Bà Đẹp chặn lại, rơi xuống suối..

Cố Nhơn quyết định chọn một số thanh niên leo lên đồi Hồng Bàng để cướp súng đại bác. Sáng sớm ngày 12-9, các cảm tử lội qua suối. Khi lội qua, thì nghe tiếng lạ thúc giục : “Mau mau qua suối, mà cướp lấy đại bác”. Các cảm tử leo lên được đồi, quân Văn Thân vẫn còn ngủ say. Họ lấy được 4 đại bác, 5 súng lớn, cùng hàng chục súng nhỏ.

 Ngoài chiến trường chặn được quân Văn Thân, còn trong nhà thờ thì hết lương thực. Cha sở kêu gọi ai còn gạo về lấy. Họ lấy cả lúa giống dành cho vụ mùa sắp tới.

Ngày 14-9 quân Văn Thân dùng voi để phá hàng rào tre. Các thanh niên can đảm cầm đuốc xông ra, đốt đuôi các con voi, voi sợ chạy mất.

Ba ngày từ ngày 15-18, quân Văn Thân chỉnh đốn lại hàng ngũ. Ngày 19-9 quân Văn Thân mở nhà tù, đem các tù nhân đến đánh Trà Kiệu, nhưng đều thất bại.

Chỉ còn một địa điểm bị quân Văn Thân chiếm đóng là đồi Bửu Châu. Sáng sớm ngày 20-9, Cha sở chọn 10 thanh niên leo lên đồi, cướp được súng đại bác. Quân Văn Thân thua chạy Còn giáo dân Trà Kiệu, quần áo còn mùi thuốc súng, tay mang giáo mác, vừa đi vừa khóc, quì bên tượng Đức Mẹ , lòng đầy sung sướng cám ơn Đức Mẹ đã che chở, đã giải cứu các con cái Mẹ. Hằng năm ngày 31-5, cuối tháng Đức Mẹ, cả giáo phận Đà Nẵng rủ nhau về Trà Kiệu, để tôn vinh Đức Mẹ, tạ ơn Đức Mẹ.

BTM : BTM thánh lễ hôm nay, những lời Chúa Giêsu, nói với các tông đồ trên bàn Tiệc Ly, đã làm cho các tông đồ bớt lo lắng, bớt buồn phiền. Chúa nói : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,18.16).

Đức Mẹ, chính là hình ảnh, là cánh tay, là dụng cụ của “Đấng Bảo Trợ Khác”, của “Thần Khí Sự Thật”, mà Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ.

Bđ1 : Bđ1, sách CVTĐ, nói lên niềm vui trong đau khổ. Các con cái Chúa ở Giêrusalem bị bách hại. Họ phải chạy trốn khỏi Giêrusalem. Nhưng nhờ con cái Chúa có mặt khắp nơi, những người khác đã tin nhận Chúa, được làm con cái Chúa. Đến nỗi các tông đồ còn lẩn trốn ở Giêrusalem nghe tin, đã xuống Samaria, để ban Thánh Thần cho họ. Trong chiến đấu đau thương, giáo dân Trà Kiệu mới nhận ra mình có một Bà Mẹ đầy yêu thương, hằng bảo trợ săn sóc mình.

Bđ2 : Bđ2 là một bài học quí giá. Trước sự phí báng, phá hại của kẻ thù, thánh Phêrô dạy : “Bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em, (thì) phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành…, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 2,15-17).

Giáo dân Trà Kiệu không có súng ống, không có đại bác, không có voi trận, không có lính tráng. Thế mà họ đã chiến thắng. Đó là nhờ Đức Mẹ, nhờ chuỗi Mân Côi   (29-5-2011)

.

———————————-

CN 6.PS.A

 

Chúa nhật tới lễ Chúa Giêsu lên trời., rồi lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các bài Tin Mừng thánh lễ ngày thường cũng như Chúa nhật đọc những lời tâm sự của Chúa Giêsu trên bàn Tiệc Ly, để chúng ta ý thức việc Chúa ra đi, đồng thời cũng ý thức việc Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Bài đọc 1 : Sau biến cố thánh Têphanô, một trong 7 thầy phó tế, bị tử đạo, những người đi theo Chúa nói tiếng Hy Lạp trốn ra khỏi Giêrusalem và lưu lạc khắp nơi. Đi đâu họ cũng giữ vững đức tin và rao giảng Tin Mừng.

Thầy phó tế Philípphê thì trốn về miền Samari. Sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca đã kể về những họat động của thầy phó tế Philipphê như sau : “Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philípphê rao giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng.” (Cv 8,6-8).

Sách CVTĐ còn kể những họat động khác của thầy phó tế Philípphê như thầy phù thủy Simon theo đạo, quan thái giám Êthiôpi được thầy rửa tội…

Khi thầy Têphanô bị ném đá chết, các tông đồ chắc cũng sợ; tuy chưa đi nơi khác, song cũng trốn lánh đâu đó ở Giêrusalem.

Nghe tin về những họat động của thầy Philípphê, các tông đồ đã cử hai vị “trụ cột” là thánh Phêrô và thánh Gioan đến Samari, không phải để điều tra, mà để ban “phép Thêm Sức”. Sách CVTĐ kể : “Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Chúa Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ : họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 8,15-17).

Sách CVTĐ còn kể cả câu chuyện thầy phù thủy Simon lấy tiền để mua quyền ban phép Thêm Sức như sau : “Ông Simon thấy khi các Tông Đồ đặt tay, thì Thánh Thần được ban xuống, nên ông đem tiền đến biếu các ông và nói : ‘Xin cũng ban quyền ấy cho tôi nữa, để tôi đặt tay cho ai thì người ấy nhận được Thánh Thần.Nhưng ông Phêrô đáp : ‘Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa.’” (Cv 8,18-19).

Bài Tin Mừng : Bđ1, sách CVTĐ cho biết sau khi rửa tội, còn chịu phép Thêm Sức đều lãnh nhận Chúa Thánh Thần.

Bài TM thánh lễ hôm nay, thánh Gioan cho biết Chúa Thánh Thần là ai. Ngài viết : “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14,16-17a). Như vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí sự thật.

Thánh Thần tiếng Hy Lạp là pa-ra-kle-tos có thể dịch thành nhiều nghĩa : Đấng an ủi, Đấng giúp đỡ, Đấng bảo trợ. Nghĩa đúng nhất là khi gặp họan nạn người ta kêu cứu một Đấng đến giúp, cứu giúp, chẳng hạn trong một vụ án kêu cứu một người làm chứng, kêu cứu một luật sư bào chữa, cần Đấng làm cho được mạnh mẽ, cần người cố vấn để chỉ dạy đường đi lối bước…

  Bài đọc 2 : Trong bđ2, thư thánh Phêrô cho biết Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu chết sống lại. Ngài viết : “Chính Đức Kitô đã chịu chết…Thân xác Ngừoi đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã phục sinh.” (1Pr 3,18).

Sở dĩ thánh Phêrô nói đến vai trò tác sinh của Chúa Thánh Thần là vì các tín hữu ở Tiểu Á của thánh Phêrô đang bị bách hại. Ngài khuyên họ can đảm chịu đựng, với hai lý do :

1/  “Thà chịu đau khổ vì làm việc lành…còn hơn là vì làm điều ác.” (3,17);

2/  Nếu có phải chết, Thánh Thần sẽ phục sinh, như đã làm cho Chúa Kitô chết được phục sinh.

Nhìn vào cuộc sống của mỗi người hay mỗi cộng đòan, chúng ta cũng thấy có Chúa Thánh Thần làm việc trong cuộc sống chúng ta.

Sau ngày giải phóng Miền nam 30-4, tất cả nhà trường và cơ quan xã hội tư thiện giao cho Nhà Nước. Các sơ, các tu sĩ của các dòng làm gì để sống ? Chỉ  một gia đình cũng thấy khó, huống hồ cả một tập thể. Các dòng đi kiếm đất canh tác, trồng trọt, rồi làm mành trúc và bây giờ thì giữ trẻ… Chẳng ai có thể thấy trước được những việc phải làm. Tất cả tự nhiên nó đến.

Hình ảnh người tu sĩ là hình ảnh không đẹp gì trước con mắt người đời. Ngay sau thời ông Ngô Đình Diệm bị giết, ở Huế báo Lập Trường của bác sĩ Lê Khắc Quyến đã kêu gọi : “quét sạch áo đen”. Ngày nay thay vì giận ghét, người ta tín nhiệm gửi con em họ cho người tu sĩ giáo dục. Ngòai sự tưởng tượng. Đúng là Chúa Thánh Thần làm việc (1-5-2005).

Linh mục Nguyễn Trung Thành