Chúa Nhật 6 Thường Niên – Năm A


CN.6.A

(Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)

Năm 1630 khi thấy cha Đắc Lộ lập “Hội Thầy Giảng” cho nam giới. Nữ giới cũng muốn cha lập một hội cho họ. Nhưng cha không thể làm, vì “sợ các quan và những người giầu có nghĩ xấu, nhất là khi họ muốn lấy các cô đó làm vợ lẽ, hoặc cha mẹ các cô ép các cô lấy chồng ngoài ý muốn” (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, trang 44).

Các cha không lập cho nữ giới một hội, thì chính họ lập cho họ. Chẳng hạn ở vùng Hải Dương có ba cô tên là Vitta, Monica và Nympha sống độc thân và ở chung với nhau.

Vitta bất thình lình bị một người lính bắt đưa vào nơi vắng vẻ, tuốt gươm dí vào ngực cô, dọa sẽ giết cô, nếu cô không chiều theo ý anh. Cô Vitta chẳng tỏ ra sợ hãi, hiên ngang nói : “Anh có thể lấy mạng tôi, chứ không thể làm mất danh dự của tôi, vì thể xác tôi sẵn sàng chết cả ngàn lần, còn hơn là ưng thuận điều bất nhã anh yêu cầu, và phạm tội đến Thiên Chúa Đấng tôi phụng sự”. Người lính bỡ ngỡ và thán phục lòng gan dạ của cô bé, nên thả cô ra (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 42).

Hai cô MonicaNympha cùng bà Phanxica đi Hà Nội để chịu các phép bí tích, thì bị lính tuần tra bắt gặp. Lính tra hỏi, đe dọa, nạt nộ, hai cô không sợ. Lính chôn sống hai cô xuống cái hố, lấp đất tới cổ. Cả đêm chịu đựng hình phạt. May phúc sáng sơm có người có đạo đi qua cứu hai cô đưa về Hà Nội.

Ba cô Vítta, Mônica, Nympha còn rủ thêm 5,6 cô khác sống chung trong một căn nhà và hứa sống trinh khiết, dâng mình cho Chúa (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 43).

Bđ2: Cuộc sống của ba cô ở Hải Dương không bắt buộc sống độc thân, nhưng ba cô muốn sống độc thân trinh khiết để được phục vụ Chúa nhiều hơn, như thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô : “Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời, họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1Cr 7,34).

Ba cô gái Hải Dương đặt Chúa lên trên. Trái lại, hai sinh viên Đà Nẵng Huỳnh Quang Thức và Huỳnh Ngọc Như Ánh đã sống theo tình cảm nhất thời, và kết quả là đã giết nhau trong ngày lễ Tình Yêu, Valentine.

Báo VNExpress kể : Khoảng 23g45 này 13-2, tại tầng 6 khu C của Ký Túc Xá sinh viên DMC 579, quận Ngũ Hoành Sơn, Đà Nẵng. Hùynh Ngọc Như Ánh 21 tuổi, sinh viên năm thứ 3, nằm kêu cứu trên vũng máu, cạnh đó là con dao Thái 20cm. Nghe tiếng kêu cứu, Tiến và các bạn chạy lên , thấy Ánh thở yếu, bị đâm ba nhát ở bụng và ngực. Các bạn băng bó và gọi xe cấp cứu đến, nhưng không kịp cứu sống.

Lần theo vết chân máu, Tiến và các bạn phát hiện Huỳnh Quang Thức, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba, bỏ chạy lên tầng 9 cố thủ. Mặc mọi người can ngăn, khoảng 15 phút sau Thức gieo mình xuống đất, tử vong.

BTM : Tình của ba cô gái Hải Dương đẹp như lời Chúa trong BTM : “Anh em nghe Luật dạy rằng : chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình rồi” (Mt 5,27-28.)

Bđ1 : Tác giả sách Huấn Ca trong bđ1 là “một người giầu có và học thức…Ông quen biết nhiều người, đã từng đi nhiều nơi và thành đạt trong công việc làm ăn…Ông thú nhận rằng chính Sách Thánh đã dạy cho ông bí quyết của sự thành công ấy” (Kinh Thánh Cho Mọi Người, dẫn nhập, trang 1088).

Sở dĩ ông viết cuốn Huấn  Ca, vì những năm thế kỷ II trước CGS, dân Do Thái bị ảnh hưởng tư tưởng Hy Lạp, mà bỏ nền đạo đức của Thiên Chúa ban. Sách muốn nói rằng nền đạo đức khôn ngoan của Thiên Chúa vượt trên sự đạo đức khôn ngoan của thế gian.

Ông viết : “Vị trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,18-20).

Lời Rao Chúa nhật 6 hôm nay của Lịch Giáo phận Đà Nẵng chúng ta chính là Tông huấn NiềmVui Của Tình Yêu số 21. Tông huấn viết  “Việc chuẩn bị gần cũng như việc đồng hành lâu dài phải làm sao cho đôi bạn không xem việc cưới nhau xong là chấm dứt cuộc hành trình, nhưng xem hôn nhân như một ơn gọi đưa họ tiến về phía trước, với một quyết tâm chắc chn và thực tế, cùng nhau vượt qua mọi thử thách và khó khăn”.

Lời của Tông huấn : “Xem hôn nhân như một ơn gọi đưa họ tiến về phía trước” chẳng khác gì lời Chúa Giêsu trong BTM dạy : “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu , thì sẽ chẳng được vào Nước Trời

Và chẳng khác gì lời thánh Phaolô căn dặn giáo đoàn Corintô trong bđ2 : “Chúng tôi dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa

Cũng chẳng khác gì lời sách  Huấn Ca trong bđ1 : “Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (16-2-2014)

——————————————–

CN.6.A

Ngày 18-1-1615, hai cha dòng Tên Buzomi và Cavalho đặt chân lên đất Đà Nẵng, mở đầu công cuộc truyền giáo qui mô và kéo dài cho tới ngày nay.

Mùa thu năm 1617 trời hạn hán, mất mùa, giới tu sĩ và nho sĩ cho là Trời Phật phạt, vì dân chúng bỏ Trời Phật đi theo Chúa. Họ yêu cầu Sãi Vương, quan phủ Vĩnh Điện, đuổi các cha ra khỏi nước. Quan không muốn, nhưng để làm vừa lòng các chức sắc, quan yêu cầu các cha về Macao, tạm lánh một thời gian. Thuyền các cha chẳng may bị bão, dạt vào một khu rừng gần bờ biển. Cha Buzomi bị sốt rét thập tử nhất sinh. Trên đường đi Vĩnh Điện, quan phủ Qui Nhơn đã cứu cha, đem cha về Qui Nhơn chữa chạy. Tháng 7-1618 quan còn xây nhà thờ, nhà xứ cho cha ở Nước Mặn, Gò Thị ngày nay. Chính quan đã xin được rửa tội, trước khi qua đời.

Cũng năm 1618 Sãi vương ở Vĩnh Điện gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Kampuchia, để thắt chặt mối quan hệ hai nước. Sãi vương sai một vị đại thần sang Kampuchia lo liệu việc hôn nhân này. Vợ của quan đại thần là con gái của quan phủ Qui Nhơn. Bà đã nhiều lần nghe cha Buzomi giảng đạo cho cha mẹ bà. Bà muốn chồng theo đạo, để đi Kampuchia được Chúa phù trì thượng lộ bình an. Nhưng quan đại thần có 25 bà vợ lẽ. Theo đạo thì phải bỏ. Bà vợ cả thu xếp cho 25 bà vợ lẽ lấy chồng khác, để gia đình bà chỉ còn một vợ một chồng, không bị ngăn trở theo đạo. Sau khi được rửa tội, hai ông bà lên thuyền đi Kampuchia. Cột thuyền được cắm cây Thánh Giá thật cao.

BTM : BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu “kiện toàn” luật Môsê, “kiện toàn” đạo Do Thái. Chúa Giêsu phán : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Chúa Giêsu đưa ra 4 ví dụ để kiện toàn :

1- Giết người : không chỉ giết người mới có tội; song giận, mắng, chửi cũng có tội, và có đi dâng lễ thì cũng phải để của lễ lại đền thờ mà về làm hòa.

2- Ngoại tình : không chỉ ngoại tình mới có tội; song nhìn mà thèm muốn cũng có tội.

3- Ly dị : vợ chồng bỏ nhau là có tội, dù tòa án cho phép.

4- Thề thốt : dù thề đúng sự thật cũng không nên thề, vì thề là dấu hiệu không thành thật với nhau. Có thì nói có, không thì nói không.

Bđ1 : Luật lệ dẫn con người đến sự sống, không có luật lệ con người sẽ chết. Ví dụ luật giao thông, giữ luật thì tránh được tai nạn, không giữ luật thì sẽ xảy ra tai nạn.

Sách Huấn Ca bđ1 hôm nay cũng dạy : “Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì thì sẽ được cái đó” (Hc 15,17). Sống hay chết, hạnh phúc hay bất hạnh là do sự lựa chọn của mỗi người.

Bđ2 : Đức Phật cho rằng con người chọn “cửa tử”, làm sự dữ là do dục vọng. Diệt được “dục” thì tránh được sự dữ. Còn thánh Phaolô trong thư Cô-rin-tô bđ2 cho rằng con người nghe theo tiếng gọi lương tâm và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần thì sẽ biết chọn “cửa sinh”, tránh được “cửa tử”. Thánh Phaolô gọi lương tâm và Chúa Thánh Thần là sự “khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa”, và gọi dục vọng là “khôn ngoan của thế gian”.

Ngài viết : “Điều chúng tôi giảng dạy là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là sự khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa” (1Cr 2,6-7).

Bỏ 25 bà vợ lẽ, để sống đời hôn nhân một vợ một chồng theo luật đạo, vợ chồng quan đại thần Qui Nhơn đã không chọn “cửa tử”, nhưng chọn “cửa sinh”. Để bỏ được “cửa tử” mà chọn “cửa sinh”, hai ông bà đã phải can đảm diệt “dục vọng”, diệt “sự khôn ngoan của thế gian”, đi theo “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, nghe theo tiếng gọi của Chúa Thánh Thần, của lương tâm (13-2-2011).

.———————————–

CN.6.A

Bđ1 : Sách Huấn Ca trong bđ1, Thiên Chúa đòi chúng ta không được ăn ở thất đức : “Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Hc 15,20).

Nếu ăn ở thất đức và phạm tội thì cửa tử đã sẵn đó; trái lại nếu ăn ở ngay lành thì cửa sinh cũng sẵn đó : “Trước mặt ngươi là cửa sinh cửa tử. Ai thích cái gì sẽ đước cái đó” (15,17).

 BTM :  Đến thời đạo mới, Chúa Giêsu không chỉ đòi ăn ở như người đạo cũ, đạo Do Thái, mà còn phải hơn. Chúa Giêsu dạy : “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Kinh sư và Phariêu là những nhà lãnh đạo đạo Do Thái. Con cái đạo mới phải sống tốt hơn đạo cũ, tốt hơn những nhà lãnh đạo đạo Do Thái.

Những cái tốt hơn là :

  • Không được giận, mắng, chửi (5,22). Nếu giận nhau phải kíp làm hòa (5,23)
  • Chẳng những không được ngoại tình, mà còn không được thỏa mãn lòng dục (5,27-28)
  • Không được gian dối (5,37)

Cả 3 điều đều cần thiết, nhưng có lẽ vấn đề giận nhau đến nỗi không thể làm hòa với nhau làm cho người đời chê cười và khinh chê chúng ta nhất.

Thực tế giận nhau là vấn đề thường tình. Ngay cả vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh em ruột thịt cũng còn giận nhau, huống hồ là người dưng nước lã, làm sao không giận nhau.

Đi sâu vào cõi lòng mọi người thì ngay cả người cho mình là đúng là phải cũng không bao giờ vui khi còn có người mình giận. Vì thế tự thâm tâm ai cũng muốn làm hòa, song vì tự ái, mà khó làm hòa với nhau.

Hôm nay Chúa Giêsu bảo chúng ta không những giận nhau là có tội; mà nếu còn giận nhau, thì không đáng dâng của lễ: “Hãy để của lễ đó về làm hòa” (5,24).

Có làm hòa thì mới sống chung với nhau được, còn không thì chỉ sống đơn độc một mình, không thể làm bạn được với ai, trở nên tự tôn tự đại, độc tài.

Bđ2 : Người ta không thể làm hòa được, vì người ta sống theo sự khôn ngoan của thế gian. Thánh Phaolô dạy các tín hữu Côrintô trong bđ2 : “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong” (1Cr 2,6).

Trái lại nếu sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tức là theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần, thì người ta dễ dàng làm hòa với nhau. Thánh Phaolô dạy: “Chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (2,10) (15-2-1987)

.—————————————–

CN.6.A

Thời thánh Mt có người thắc mắc : đạo Chúa Giêsu rao giảng có hay ho hơn đạo cũ mà người Do Thái vẫn giữ xưa nay không ?

Để trả lời thắc mắc đó, thánh Mt đã viết 3 đoạn 5,6,7. Điều trổi vượt của đạo Chúa Giêsu chính là ở câu : “Vậy mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7,12).

Người Tin Lành cho câu này là khuôn vàng thước ngọc, là chìa khóa cho cách ăn nết ở của con cái Chúa. Đó chính là cái lòng của con người, con tim của con người. Cái cốt tủy, cái hay của đạo Chúa chính là cái lòng, con tim. Lòng ta muốn sao thì hãy làm như vậy. Hãy hành động, đối xử theo con tim.

BTM hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến 3 giới răn như trong 10 điều răn :

  • Điều răn thứ 5 : chớ giết người (5,21-26)
  • Điều răn thứ 6 và 9 : chớ mê dâm dục, chớ muốn vợ chồng người (5,27-32)
  • Điều răn thứ 8 : chớ làm chứng dối.

     Cũng là 3 điều răn như trong 10 điều răn; song khác, khác ở cái lòng.

         1- Điều răn thứ 5 của đạo cũ giết người mới phạm tội; còn đạo Chúa Giêsu thì “phẫn nộ” (22), “chửi rủa” (22), “bất hòa” (23) thì cũng đã phạm tội rồi… Thậm chí Chúa không ưa của lễ cho bằng con tim làm hòa.

2- Điều răn thứ 6 và 9 của đạo cũ coi tội dâm dục, ngoại tình là tội phạm công bằng giống như điều răn thứ 7 và 10, là phạm đến của cải của người khác. Người vợ chỉ là của cải  như cửa nhà, trâu bò… Sách Xuất Hành viết : “Các ngươi đừng ước muốn nhà cửa và vợ của người ta

Đạo Do Thái cũ thật sự không có điều răn thứ 6 (chớ làm sự dâm dục) như chúng ta hiểu ngày nay. Vì thế, khi quân Do Thái đánh được nước nào thì binh lính của họ không những được phép lấy của cải, mà còn được phép hãm hiếp đàn bà con gái của kẻ thù.

Chúa Giêsu đến làm cho trọn điều răn thứ 6 và 9. Ngài nhắm đến cái lòng, đến tình dục con người, đến dục vọng con người.

Vì đạo cũ không chú trọng đến cái lòng, nên đã cho phép ly dị, cho phép đa thê nhiều vợ.

Vì cái lòng dục, con tim bất chính nên mới ly dị, mới lấy nhiều vợ. Chúa Giêsu đến sửa lại cõi lòng bất chính của con người (12-2-1984)

Linh mục Nguyễn Trung Thành

.