Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi – Năm A
CHÚA NHẬT 10 MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA BA NGÔI
CHẦU THÁNH THỂ
Gíao xứ Hòa Lâm
GIÁO HUẤN SÓ 27
MỘT GIÁO HỘI CHÚ Ý ĐẾN CÁC DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI (tt)
Mặc dù người trẻ vui mừng nhìn thấy một Giáo hội khiêm nhường, nhưng tin tưởng vào các ân ban nhận được, và họ có thể đưa ra những phê bình thích đáng trong tình huynh đệ, nhưng nhiều người khác thì muốn một Giáo hội biết lắng nghe hơn. biết làm nhiều hơn là duy chỉ lên án thế giới. Họ không muốn nhìn thấy một Giáo hội thinh lặng và sợ lên tiếng, nhưng cũng không phải là một Giáo hội chỉ chăm chăm vật lộn với hai hay ba vấn đề. Để được người trẻ tin cậy, có những lúc Giáo hội cần lấy sự khiêm nhường của mình và biết lắng nghe, nhìn nhận rằng những điều người ta nói có thể cung cấp ánh sáng nào đó giúp mình hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Giáo hội luôn luôn phòng thủ, đánh mất sự khiêm nhường và không còn biết lắng nghe, không chừa chỗ cho những chất vấn, thì Giáo hội ấy đánh mất sự trẻ trung của mình và hóa thành một viện bảo tàng. Như vậy, làm sao Giáo hội có thể đáp ứng những giấc mơ của người trẻ ? Cho dù Giáo hội sở hữu sự thật của Tin Mừng, thì điều đó không có nghĩa rằng Giáo hội nắm hiểu trọn vẹn Tin Mừng ấy; đúng hơn, Giáo hội được mời gọi lớn lên mãi trong việc nắm hiểu kho báu vô tận này (Tông Huấn Đức Kitô hằng sống số 41).
———————————-
CHÚA NHẬT 10 MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA BA NGÔI
(Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18)
Ngày 5-8-1861 vua Tự Đức ban hành chiếu chỉ cấm đạo “Phân Sáp”. Chiếu chỉ gồm 5 nội dung chính : 1- Phân tán các làng Công giáo, 2- Sát nhập họ vào các làng lương, 3- Tịch thu tài sản ruộng nương, 4- Thích trên hai má những chữ “tả đạo” và “tên làng”, 5- Giao cho lương dân quản thúc.
Ngày 14-9-1861, năm thánh nông dân làng Ngọc Cục, Bùi Chu bị bắt, dù thánh Vinh Sơn Tương là chánh tổng, thánh Đaminh Nguyễn Đức Mạo là xã trưởng. Ba thánh khác là Anrê Tường, Đaminh Nhi, Đaminh Nguyên là chủ gia đình.
Quan phủ Xuân Trường ép các ngài lấy chân đạp Thánh Giá. Các môn đệ Chúa dũng cảm khước từ. Các ngài bị giam cầm, cổ mang gông, chân tay bị xiềng xích, hai má bị xâm những chữ “tả đạo”, “Ngọc Cục”. Hằng ngày các ngài lần chuỗi an ủi nhau, xin Chúa ban ơn trợ lực.
Ngày 15-6-1862 quan yêu cầu các ngài đạp Thánh Giá. Bị từ chối, quan bắt các ngài phơi nắng, không cho ăn uống. Sáng hôm sau quan dụ ngọt các ngài chối đạo để được tha. Thánh Đaminh Đạo thay mặt anh em đáp : “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy ? Chắc quan tưởng chúng tôi là con nít khiếp sợ đau đớn, nên quan dụ dỗ chúng tôi xúc phạm đến Thiên Chúa ? Nếu chối đạo để được tha, thì chúng tôi đã chối ngay khi bị bắt ở làng. dại gì phải trải qua những ngày tháng bị giam cầm, bị tra tấn khổ cực. Chúng tôi không chối đạo đâu” .
Ngày 16-6-1862, năm ngài bị chém đầu. Các ngài xin chém ba nhát gươm : nhát thứ nhất kính Chúa Cha, nhát thư hai kính Chúa Con, nhát thứ ba kính Chúa Thánh Thần (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 167-171).
Sách “Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo” số 266 viết : “Đức tin công giáo là thế này, chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa, mà không lẫn lộn các Ngôi Vị, không phân chia bản thể: thật vậy, Ngôi Cha là khác, Ngôi Con là khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng bản tính và sự vinh quang ngang nhau và uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là một”.
Một là một, ba là ba; sao một là ba, ba là một ? Một là một, ba là ba là lãnh vực toán học; còn một là ba, ba là một là lãnh vực tình yêu.
Thi sĩ Tản Đà nói về tình nghĩa vợ chồng : “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai”.
Thánh Augustinô nói : “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch tình yêu” (Sách Giáo Lý cho Người Trẻ, Youcat, trang 55).
Khi sang Việt Nam truyền đạo, các cha thừa sai đã dùng những quan niệm của người Việt Nam để giải nghĩa về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là thuyết “Tam Phụ” (Ba Cha : Trời, vua và cha). Rồi thuyết “Tam Tài” (Thiên, Địa, Nhân : Trời, đất, người); và thuyết : “Tam Cương” (cha, mẹ, và con cái). Ngay từ ngày theo đạo, các ngài đã am hiểu và mến yêu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thuyết “Ba Cha”, “Tam Tài”, “Tam Cương” là những tương giao tình yêu. Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay diễn tả tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Bài đọc 1 : Đoạn sách Xuất Hành hôm nay kể : Ông Môsê lên núi lãnh hai bia đá “Mười Giới Răn”, rồi xuống núi. Thấy dân thờ lạy tượng con bê, ông giận, ném vào con bê, hai bia đá vỡ toang. Ông lên núi lại, Chúa bảo : “Ngươi hãy đẽo hai bia đá giống như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước mà ngươi đã đập vỡ” (Xh 34,1). Tình yêu của Chúa Cha là “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Cha Hoàng Đắc Ánh giải nghĩa về cuộc đối thoại này như sau: “Sau khi tường thuật cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, tác giả (thánh Gioan) tiếp tục suy niệm về Đức Giêsu: Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Thiên Chúa sai đến thế gian để đem sự sống cho loài người.
Sự sống phát sinh từ Đức Giêsu, nhưng phải qua thập giá mới đến với loài người. Nếu vậy thì chương trình cứu độ này đã được tiên báo qua việc con rắn bằng đồng chữa người Hípri khỏi chết vì rắn cắn. Và nếu vậy, thì Đức Giêsu là dấu hiệu tỏ tường rằng Thiên Chúa thương yêu thế gian, đến nỗi ban tặng Con Một. Ở đây ban tặng có nghĩa là hy sinh để cứu độ thế gian (Tin Mừng Theo Thánh Gioan, trang 111).
Bài đọc 2 : Bài đọc 2 là lời cầu chúc của thánh Phaolô gửi cộng đoàn Côrintô. Lời cầu chúc nói đến ơn phúc của Ba Ngôi : Tình thương của Thiên Chúa Ngôi Cha, ân sủng của Chúa Giêsu Kitô Ngôi Con, và ơn hiệp thông của Thánh Thần Ngôi Ba. Lời cầu chúc này được Giáo hội dùng làm lời chào đầu mỗi thánh lễ.
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin giúp giáo xứ chúng con sống lời khuyến khích này của Thánh Phaolô : “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh chị em” (1Cr 13,11).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành