Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C
CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Ngày 12/01/2025
Giáo xứ Hòa Khánh Chầu Thánh Thể
GIÁO HUẤN SỐ 7
Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)
“Đối với Thánh Têrêsa Avila, cầu nguyện “không là gì khác ngoài một tương giao tình bạn, và việc chuyện trò riêng tư thường xuyên với Đấng mà chúng ta biết rằng Ngài yêu thương chúng ta”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này đúng không chỉ cho một thiểu số được đặc ân, nhưng là cho tất cả chúng ta, vì “tất cả chúng ta cần sự thinh lặng này, sự thinh lặng đầy tràn sự hiện diện của Đấng mình tôn thờ”. Lời cầu nguyện đầy tin tưởng là sự đáp trả của một trái tim mở ra cho việc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt, trong đó tất cả đều an bình và tiếng nói thầm thì của Chúa có thể được nghe thấy giữa thinh lặng.
Trong sự thinh lặng đó, nhờ ánh sáng của Thánh Thần, chúng ta có thể phân định những nẻo đường thánh thiện mà Chúa mời gọi mình. Nếu chẳng vậy, bất cứ quyết định nào của chúng ta cũng có thể chỉ là chuyện bề mặt giả tạo, trong đó thay vì thượng tôn Tin Mừng trong đời sống thì các quyết định ấy sẽ che lấp hay nhận chìm Tin Mừng. Đối với mỗi người môn đệ, thật thiết yếu phải dành thời giờ với Thầy, lắng nghe lời Thầy, và luôn luôn học nơi Thầy. Nếu chúng ta không lắng nghe, tất cả lời lẽ của chúng ta sẽ chẳng là gì ngoài những tiếng nói vô ích.” (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 149&150).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14 ; 3,4-7; Lc 3, 15-16. 21-22)
Bài Ðọc I: Is 40,1-5.9-11
Vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Thiên Chúa phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta:
2Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành:
thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,
vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
3Có tiếng hô:
“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,
giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta.
4Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.
5Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,
và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.”
9Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.
Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.
Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng :
“Kìa Thiên Chúa các ngươi !”
10Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.
Bên cạnh Người, này công lao lập được,
trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.
11Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.
Đáp ca: Tv 103,1b-2a.2b-4.24-25.27-28.29-30 (Đ. x. c.1)
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
1bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,
2acẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
2bTầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
3điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.
4Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
24Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
25Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
27Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
28Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
29Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
Bài đọc 2: Tt 2,11-14 ; 3,4-7
Thiên Chúa đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.
2 11 Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. 12 Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. 13 Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. 14 Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
3 4 Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, 5 Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. 6 Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. 7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.
Tung hô Tin Mừng: x. Lc 3,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Ông Gio-an nói: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến;
chính Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
Ha-lê-lui-a.
Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22
“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gio-an có phải là Ðấng Ki-tô không?”, Gio-an lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
CON CỦA NHÂN LOẠI – CON CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Bốn tuần mùa Vọng tượng trưng cho sự chờ đợi ngày Đấng Cứu Thế ra đời, rồi các lễ Giáng Sinh, Thánh Gia, Mẹ Thiên Chúa, Hiển Linh, một loạt những lễ liên quan đến cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu như muốn làm cho niềm vui của chúng ta không thể ngưng đọng, niềm hân hoan của ta kéo dài mãi Nhưng rồi phụng vụ cũng muốn niềm vui đơn sơ thánh thiện được kết thúc để đưa ta đi vào cuộc đời rảo khắp đó đây rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu: lễ Đức Giêsu chịu phép rửa kết thúc mùa Giáng Sinh và bắt đầu thời kì hoạt động công khai của Đức Giêsu
Con của nhân loại – Con của Thiên Chúa
Thiên Chúa thương nhân loại Người cho Con Một của Người nhập thể trong lòng một người phụ nữ, ra đời trong cảnh khiêm tốn nghèo nàn, sống cuộc đời bình dị của người con bác thợ mộc…Tại sao Thiên Chúa lại chọn cách hành động như thế? Không ai trong chúng ta có thể lý giải được Chỉ có thể nói rằng đó là ngôn ngữ diễn đạt tình thương của Người đối với ta Người đã nói với ta bằng Lời là chính Con Một mà Người rất mực yêu thương
Con Thiên Chúa đã trở nên một người như mọi người trong nhân loại: một con người lịch sử, nhập vào đoàn dân đang tỏ lòng sám hối và chịu thanh tẩy (x Lc 3, 21) Nhưng chính lúc Người đón nhận triệt để thân phận của nhân loại thì cũng là lúc nhân loại đón nhận được một mặc khải vĩ đại: Người con ấy chính là Con của Thiên Chúa và cùng lúc ấy, lời Thiên Chúa hứa từ bao đời trước và niềm khao khát của dân Thiên Chúa được thực hiện Dân Thiên Chúa đã từng kêu xin Chúa xé trời ngự xuống để thực hiện những kỳ công như Người đã làm xưa Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, trời xé ra. Thiên Chúa Cha bộc lộ cho nhân loại biết Đức Giêsu là ai Chúa Thánh Thần trở nên nguồn sức mạnh đưa Đức Giêsu lên đường thi hành sứ vụ cứu thế Đức Giêsu là kỳ công cuối cùng và tuyệt đỉnh Thiên Chúa làm Phụng vụ đã từng ca tụng: “Người đã sống trọn thân phận con người như chúng con, chỉ trừ tội lỗi, để chúng con cũng được Cha yêu thương vì đã giống Người Con Cha hằng quý mến”. Vì thế, biến cố này là một mặc khải để dân Thiên Chúa biết Đức Giêsu là Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo Người Tôi Trung này được đầy Thần khí để dạy dỗ các dân một cách hiền từ, nhưng bất khuất Lời Chúa Cha nói về Đức Giêsu cũng cho thấy Đức Giêsu là Vị Quân Vương được Thiên Chúa xức dầu tấn phong để cai trị muôn dân Đồng thời, biến cố này khiến chúng ta liên tưởng đến ngày đầu sáng tạo Vào buổi sáng tạo, Thần Khí bay là trên mặt nước, khi Đức Giêsu lên khỏi nước, Thần Khí ngự xuống trên Người: nơi Đức Giêsu một nhân loại mới đã khởi đầu, một vũ trụ mới đã được tái tạo
Con người mới – Gia đình mới
Bản thân Đức Giêsu không cần phải đồng hành với đoàn dân đang đến với ông Gioan Tẩy Giả để sám hối và được ông thanh tẩy Điều ấy thánh Mátthêu đã cho thấy: “chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi”. Nhưng Đức Giêsu cho ông Gioan thấy như vậy mới là tuân theo ý Thiên Chúa Ý Thiên Chúa là Đức Giêsu liên đới với nhân loại để cứu chuộc và đổi mới nhân loại
Người tín hữu đi vào mầu nhiệm cứu độ bằng bí tích thánh tẩy, chết và phục sinh với Đức Kitô Nhờ đó, họ trở thành con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa trao sứ mạng sống và loan báo mầu nhiệm cứu độ mà chính họ đã được phúc đón nhận Từ nay, họ là con người mới, con người tương quan mật thiết với Thiên Chúa Họ sống và lo thực hiện thánh ý Người và cũng như Đức Giêsu, họ được sức mạnh Thánh Thần thúc đẩy để lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh chị em
Không những họ trở thành con người mới, họ còn góp phần kiến tạo một gia đình nhân loại mới Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, mầu nhiệm Thiên Chúa đã bộc lộ ra như thể một gia đình mẫu mực, trong đó tình yêu là mối dây nối kết nên sự hiệp nhất: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần Người tín hữu đã được thanh tẩy cùng với Hội Thánh vẫn tiếp tục sinh ra những người con mới trong bí tích thánh tẩy để kiến tạo nên một gia đình nhân loại mới, một nhân loại đẹp ý Thiên Chúa
Như thế, công trình tái tạo khởi đầu nơi Đức Giêsu vẫn còn chờ đợi những chi thể của Người tiếp tục, cùng với Người, đưa tới chỗ hoàn thành Nhân loại vẫn được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi đón nhận ơn cứu độ Thánh Thần vẫn không ngừng khơi dậy và thúc đẩy dân Thiên Chúa lên đường loan báo mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa
Đây là Người Tôi Trung Ta nâng đỡ
Là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng.
Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người,
Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. cây lau bị giập, Người không bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
Người không nao núng, không chịu thua, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được Người chỉ bảo.
(Is 42, 1-4)
SUY NIỆM II
BIẾN CỐ MỞ RA SỨ VỤ CỨU ĐỘ
Jn.nvh
Một buổi sáng trong lành, bên dòng sông nhỏ giữa núi rừng, một người cha dẫn cậu con trai nhỏ đi câu cá. Nhìn thấy dòng nước trong vắt, cậu bé tò mò hỏi cha: “Ba ơi, tại sao nước trong sông lại không bao giờ ngừng chảy?” Người cha mỉm cười, giải thích: “Dòng nước này, con à, không chỉ đơn thuần là để nuôi dưỡng sự sống. Nó còn là biểu tượng của sự thanh tẩy, làm sạch những gì vẩn đục, để từ đó mọi thứ trở nên mới mẻ.”
Câu chuyện nhỏ ấy nhắc chúng ta nhớ đến biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan mà chúng ta suy niệm hôm nay. Hình ảnh Chúa Giêsu bước xuống dòng nước là một dấu chỉ mạnh mẽ, mở đầu sứ vụ công khai của Người. Không chỉ là một hành động biểu tượng, phép rửa của Chúa Giêsu mang ý nghĩa sâu xa về sự liên đới, sự khiêm nhường, và lời mời gọi bước vào đời sống mới trong Thiên Chúa.
Tin Mừng Thánh Luca kể lại: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa và đang cầu nguyện, thì trời mở ra” (Lc 3,21). Chúa Giêsu – Đấng Vô Tội – không cần phép rửa để được tha tội, nhưng Người đã tự nguyện bước xuống dòng sông như một hành động liên đới với nhân loại tội lỗi. Người chấp nhận hòa mình vào đoàn người đang sám hối, để gánh lấy tội lỗi chúng ta và dẫn đưa chúng ta về cùng Thiên Chúa.
Hành động ấy làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia: “Đây là tôi tớ Ta nâng đỡ, người Ta chọn, Ta hài lòng về người” (Is 42,1). Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ đau khổ, Đấng được Thiên Chúa sai đến để mang ánh sáng cho muôn dân, mở mắt người mù, và giải thoát những ai bị giam cầm (Is 42,6-7).
Tại sông Giođan, trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu, và tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3,22). Đây là khoảnh khắc Chúa Giêsu được tấn phong cho sứ vụ, được Thánh Thần xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng. Hình ảnh này gợi nhắc chúng ta về ý nghĩa căn bản của Bí tích Rửa Tội – giây phút chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa và tham dự vào sứ vụ của Người.
Thánh Phêrô, trong bài đọc thứ hai, đã xác quyết: “Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng bất cứ ai kính sợ Người và thực hành sự công chính đều được Người đón nhận” (Cv 10,34-35). Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được rửa sạch tội nguyên tổ, trở thành chi thể của thân thể mầu nhiệm Đức Kitô và tham dự vào đời sống ân sủng của Thiên Chúa.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Bí tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống trong Thánh Thần” (GLHTCG, số 1213). Nhờ phép Rửa, chúng ta được mời gọi từ bỏ tội lỗi, sống đời sống mới, và trở nên ánh sáng cho trần gian, giống như Chúa Giêsu đã làm gương tại sông Giođan.
Năm Thánh 2025 với chủ đề “Người lữ hành hy vọng” là một cơ hội quý báu để chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình. Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta không chỉ được thanh tẩy mà còn được sai đi, mang ánh sáng Tin Mừng đến cho thế giới. Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của Người bằng một hành động khiêm nhường tại sông Giođan, và chúng ta được mời gọi noi gương Người bằng cách sống trọn vẹn sứ mạng Kitô hữu trong gia đình, nơi làm việc, và cộng đồng.
Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy sống xứng đáng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4,1). Sống xứng đáng với ơn gọi Rửa Tội là chọn từ bỏ tội lỗi, thực hành các nhân đức, và trở nên chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.
Cũng như dòng sông không ngừng chảy để làm sạch những gì ô uế, cuộc sống Kitô hữu là một hành trình liên tục của sự sám hối và đổi mới. Chúng ta được mời gọi nhìn lại chính mình, từ bỏ những khuynh hướng xấu, và để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, biến đổi chúng ta mỗi ngày.
Chúa Giêsu, qua phép rửa tại sông Giođan, đã trở nên mẫu gương cho sự khiêm nhường và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy để đời mình là một dòng sông trong lành, mang yêu thương và bình an đến cho mọi người.
Anh chị em thân mến, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là lời nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả mà chúng ta đã nhận được qua Bí tích Rửa Tội. Chúng ta không chỉ là con cái Thiên Chúa, mà còn là những người thợ trong cánh đồng của Ngài. Hãy để Năm Thánh 2025 là một cơ hội để mỗi người làm mới lại lời hứa Rửa Tội, sống trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa và trở nên nhân chứng cho thế giới.
Xin Chúa Giêsu, Đấng đã nêu gương khiêm nhường tại sông Giođan, dẫn dắt chúng ta trên hành trình đức tin, để chúng ta trở thành ánh sáng và muối cho đời.
SUY NIỆM III
PHÉP RỬA TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang
Sách Xuất Hành kể rằng khi Dân Ít-ra-en phải sống trong cảnh nô lệ lầm than ở bên Ai-cập, họ kêu cầu lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa giải thoát họ (Xh 1, 8-22) và Thiên Chúa đã thấy cảnh lầm than của họ và sai Môsê đến để giải thoát dân bằng cách dẫn đưa họ vượt qua Biển Đỏ (Xh 14,15-31). Vâng, chính Thiên Chúa thực hiện cuộc giải thoát này bằng những điềm thiêng dấu lạ, đặc biệt dấu lạ Thiên Chúa đưa dân Người vượt qua biển đó ráo chân, đưa dân vào Samạc tiến về đất hứa. Và việc vượt qua Biển Đỏ của dân Ít-ra-en luôn là lời loan báo bí tích Thánh Tẩy được Chúa Giêsu Kitô thiết lập sau này: Ngài sẽ giải thoát ta khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, biến ta thành con cái Thiên Chúa, và cho ta thành phần tử của Dân mới là Hội Thánh. Chúa Kitô là Môsê mới, là vị lãnh đạo của Dân mới. Chiên được sát tế trong lễ Vượt Qua là hình bóng Chúa Kitô hiến dâng chính mình, nhờ đó chúng ta được sống (x. Ga 19,31-37). Vì thế, Dân Ít-ra-en luôn trông đợi Đấng Mesia đến để thực hiện ơn cứu độ đó. Cho nên, bài đọc 1, tiên tri Isaia loan báo Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi cảnh sống lưu đày bên Babylon, sau khi thành Giêrusalem bị vua Babylon đánh chiếm và tàn phá thành bình địa năm 587 trước Công nguyên. Và 50 năm sau đó, vua Kyrô cho họ trở về quê cha đất tổ tái lập quốc gia, xây lại thành thánh và đền thờ. Qua sự kiện ấy, dân Ít-ra-en xem như cuộc xuất hành thứ hai trong lịch sử của mình. Sự kiện Thiên Chúa giải phóng khỏi kiếp sống lưu đày là hình ảnh sa mạc. Trong cuộc xuất hành thứ nhất, sa mạc Sinai là nơi Thiên Chúa giáo dục, thanh tẩy và chuẩn bị dân Israel bước vào vùng đất Hứa. Giờ đây sa mạc Syria và sa mạc Giuđa, nóng bỏng ban ngày, giá buốt ban đêm cũng không cản ngăn được đôi bàn tay và con tim thương yêu, trìu mến của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ biến chúng trở thành các con đường bằng phẳng, rộng rãi thênh thang, tươi vui chào đón người bị đày trở về quê cũ. Thiên Chúa đến với sức mạnh, các chiến lợi phẩm đi trước Ngài và cánh tay vững mạnh của Ngài nắm giữ quyền thống trị. Và Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài như một mục tử chăn dắt đoàn chiên, luôn yêu thương chăm sóc và hiện diện bênh đỡ, không khi nào rời.
Đến cuộc xuất hành thứ ba trong lịch sử cứu độ đó là Phép rửa của Chúa Giêsu mà Tin Mừng Luca vừa kể chúng ta nghe. Điều đáng lưu ý rằng trước khi dầm mình trong nước để lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã trà trộn giữa đám đông dân chúng giống y như mọi người khác, khiêm tốn và chia sẻ với mọi người nhu cầu sám hối và thanh tẩy. Con đường của Chúa Giêsu đi cũng là con đường của tất cả mọi người. Đây là nét đặc thù diễn tả sâu đậm các hệ lụy của biến cố nhập thể, Chúa Giêsu trở thành người và sống như mọi người, giữa mọi người.
Lời thánh Gioan Tẩy Giả xác định bản chất của bí tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu trao ban cho con người gồm hết mọi lễ nghi thanh tẩy của Cựu Ước, bởi vì Chúa Giêsu sẽ thanh tẩy con người với Chúa Thánh Thần và với lửa. Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu ban sau này là lửa đốt cháy sự dữ. Nó như lửa luyện lọc và thanh tẩy mọi vết nhơ trong tâm hồn con người, trao ban phong phú và sự sống. Đây là đặc điểm thần học nổi bật nhất trong bí tích Rửa Tội Kitô Giáo, là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguyên lý trao ban sự sống thiêng linh của Thiên Chúa cho con người.
Và sau cùng là biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là hiện thân toàn vẹn của Thiên Chúa. Chính trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện, nghĩa là đối thoại thân tình với Chúa Cha mà Ngài nhận được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong sứ mệnh cứu độ. Sau này, khi các tông đồ tiếp tục sứ mệnh ấy của Chúa Giêsu, các ông cũng sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là ơn đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục sinh trao ban cho các môn đệ và cho mọi tín hữu sau này qua bí tích Rửa tội. Vì thế, thánh Phaolô trong bài đọc 2 nhắc lại cho chúng ta biết ơn tái sinh mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho chúng ta đó là ơn thánh Chúa ban giúp chúng ta tái sinh, nghĩa là có được cuộc sống mới và giúp chúng ta tiếp tục canh tân cuộc sống mỗi ngày. Thánh Phaolô khuyên chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi Kitô bằng cách từ bỏ gian tà, từ bỏ các đam mê xác thịt thế gian, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì khiến cho chúng ta xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống mới mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội. Muốn được như thế, cần phải sống thánh thiện và công chính giữa thế giới này và nhất là không bao giờ được quên rằng đích điểm cuộc đời chúng ta là được sống bên Chúa Giêsu Kitô và tham dự vào cuộc sống thiêng linh vĩnh cửu rạng ngời với Ngài. Vì vậy, Ngài là niềm hy vọng của chúng ta.
Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội bị lôi cuốn vào cơn lốc hưởng thụ và tiêu thụ, một xã hội không còn nghĩ đến công lý nữa và không còn biết tiết độ, chừng mực hay thánh thiện là gì nữa. Ước gì qua lời Chúa trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa, con cái sự thật và con cái sự sáng, ơn gọi này chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Ơn gọi đó đồng thời cũng bao gồm sứ mệnh sống thánh thiện để làm chứng và loan báo Tin Mừng cứu độ cho Chúa giữa lòng thế giới này. Đó là dấu chỉ hy vọng cho mọi người như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Sắc Năm Thánh 2025: “Hy vọng, không làm thất vọng”: “chúng ta phải lưu tâm đến tất cả những điều thiện hảo hiện diện trên thế giới, để không rơi vào cơn cám dỗ nghĩ rằng mình bị sự ác và bạo lực lấn át. Nhưng những dấu chỉ của thời đại, trong đó có nỗi khát vọng của tâm hồn con người, vốn cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, đòi phải được biến đổi thành những dấu chỉ của niềm hy vọng cho mọi người”. Amen.
SUY NIỆM IV
PHÉP RỬA CHÚA GIÊ-SU CHỊU VÀ PHÉP RỬA TỘI CHÚNG TA LÃNH NHẬN
(Hội An 12/1/2025)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa vừa đóng lại mùa giáng sinh, vừa mở ra cuộc hiển linh thứ hai của Chúa Giê-su. Cuộc hiển linh thứ nhất là cuộc Chúa tỏ mình cho các nhà đạo sĩ ngoài Do Thái. Cuộc hiển linh thứ hai được Tin Mừng nói đến hôm nay là cuộc chịu phép rửa của Chúa Giê-su. Trong cuộc tỏ mình này, Chúa Giê-su cho nhân loại biết Ngài là Con Một của Chúa Cha và Chúa Cha đã xác nhận điều này. Phải chăng Chúa Giê-su cần lãnh phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả? Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su chịu phép rửa? Và điều gì xảy ra khi chúng ta chịu phép Rửa Tội?
- Phép rửa Chúa Giê-su chịu
Khi đã đến thời thực hiện sứ vụ rao giảng cách công khai, Chúa Giê-su đến sông Gio-đan lãnh nhận phép rửa sám hối của Gioan. Hành động của Chúa Giê-su đáng ngạc nhiên, vì phép rửa của Gioan Tẩy Giả là một nghi thức sám hối chuẩn bị cho những ai muốn đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, mà chúng ta biết rõ Chúa Giê-su không cần phép rửa đó, vì Ngài hoàn toàn vô tội. Gioan Tẩy Giả cũng nhận xét như thế nên đã can ngăn Chúa và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14). Rõ ràng Chúa Giê-su không cần phép rửa của Gioan. Tuy nhiên, qua việc chịu phép rửa của Gioan, Ngài cho thấy sự tự do chọn sống theo thánh ý và kế hoạch của Chúa Cha cho đến cùng, nên đã tự đặt mình vào giữa các tội nhân, giúp họ thấy họ cần phải sám hối và hoán cải để được ơn tha thứ. Đứng giữa đám tội nhân, Chúa Giê-su bày tỏ sự gần gũi của Thiên Chúa với mỗi người trong họ.
Chúa Giê-su không cần phép rửa của Gioan, nhưng mọi người phải cần đến phép Rửa của Chúa Giê-su để được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả xác quyết như thế: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Bởi như Đức Bênêđictô chia sẻ, “khi dìm mình xuống trong dòng nước Gio-đan, Chúa Giê-su đã kết hợp với chúng ta. Có thể nói, phép rửa là chiếc cầu được Thiên Chúa xây nên giữa Ngài với chúng ta, là con đường Ngài làm để đến với chúng ta, là chiếc cầu vồng thần linh trên cuộc sống chúng ta, là lời chấp thuận của Thiên Chúa, là cánh cửa hy vọng, đồng thời là dấu chỉ cho biết con đường đi tích cực và hân hoan để gặp được Chúa và được Ngài yêu thương.” Như vậy, việc Chúa Giê-su chịu phép rửa là vì lợi ích cho chúng ta hơn là cho Chúa.
Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su chịu phép rửa? Thánh sử Luca tường thuật, bấy giờ trời mở ra, Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim bồ câu và một giọng nói trên cao bày tỏ niềm vui của Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22). Chính Thiên Chúa Ba Ngôi xác nhận Ngôi vị Thiên Chúa của Chúa Giê-su, Chúa Thánh Thần cùng đồng hành với Chúa Giê-su và Chúa Cha thừa nhận Chúa Giê-su là Con yêu dấu đẹp lòng Ngài. Đó là mối hiệp nhất yêu thương giữa Chúa Cha với Ngôi Lời của Ngài là Chúa Giê-su. Trong niềm vui và mối tương quan thần linh đó, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Có thể nói rằng lời Chúa Cha “Con là Con yêu dấu của Cha” áp dụng cho mọi tín hữu được lãnh bí tích Rửa Tội và được nên một với Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Chúa Cha.”
- Phép Rửa Tội chúng ta lãnh nhận
Chúng ta đã được lãnh bí tích Rửa Tội, con cái anh chị em được đem đến lãnh bí tích Rửa Tội, ngay vào thời điểm đó trời mở ra trên chúng ta và con cái anh chị em. Càng sống bí tích Rửa Tội, chúng ta không chỉ được tha thứ tội lỗi, mà còn được kết hiệp với Chúa Giê-su và được chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Đó là lý do thiên đàng mở ra cho chúng ta và tiếng Chúa Cha vẫn vang vọng trên chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha.” Chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi, con cái chúng ta cũng là con yêu dấu của Ngài, vì được kết hiệp với Thiên Chúa và thuộc gia đình của Ngài. Ân phúc này không phải là một sự vật bất động, mà là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong mỗi tín hữu. Điều này bao hàm sự liên kết mật thiết với Chúa Giê-su và cam kết nghiêm túc thực thi sứ mạng truyền giáo.
Liên kết với Chúa Giê-su là đắm mình trong tình yêu và ơn tái sinh làm con cái Chúa. Người tín hữu được chia sẻ mối tương quan con thảo của Chúa Giê-su với Chúa Cha, nên đã được phúc gọi Thiên Chúa là “Abba, cha ơi!” Chúa Giê-su gọi Chúa Cha là “Abba,” lời xưng hô này là lời đầu tiên được nghe ở vùng miền Palestine theo cách xưng hô trong gia đình. Chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!” nhờ được làm con Thiên Chúa theo ân sủng, thì lời “Abba” ấy phải được vang lên nơi chúng ta hiện diện. Làm sao hiểu được một tín hữu xưng với Thiên Chúa “Lạy Cha chúng con ở trên trời” mà lại không hề biết thờ phượng và yêu mến Ngài trên hết mọi sự? Không thể nào ngụy biện hay viện cớ để thoái thác bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia từng nói: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Is 1,3). Chẳng lẽ là con cái Chúa, chúng ta cũng vậy sao?
Tình yêu với Chúa Kitô không làm chúng ta mất đi sự quan tâm đến người khác, nhưng thay vào đó, mời gọi chúng ta chịu trách nhiệm với họ, không loại trừ bất kỳ ai. Việc cam kết nghiêm túc thực thi sứ mạng truyền giáo là bổn phận rõ ràng cho người được Rửa Tội, vì được rửa tội là được sai đi. Nhưng câu hỏi đặt ra: tại sao có nhiều người lãnh bí tích Rửa tội, nhưng lại không có nhiều người sống đức tin? Tại sao chúng ta yêu cầu Giáo Hội phải làm điều này, điều khác, nhưng không có nhiều người sẵn sàng dấn thân phục vụ? Và nhiều câu hỏi khác. Câu trả lời vắn tắt là chúng ta đang thiếu người sống ơn gọi bí tích Rửa Tội. Nhiều người thích là nhà bình luận, thích làm quan án xét xử, thích nổi loạn, hơn là trở thành người lao động trong cánh đồng truyền giáo. Giáo Hội không chu toàn bổn phận truyền giáo nhờ những người ngồi chỉ trích, phê bình, nhưng nhờ những tông đồ cần mẫn.
Vậy, xin Chúa cho con nhớ lại ơn được tái sinh trong bí tích rửa tội, để sống xứng đáng với xác nhận của Chúa: “Con là Con yêu dấu của Cha” và sống tình thân với Chúa, chu toàn việc loan báo Tin Mừng.
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
Nguồn: giaophancantho.org
- THOMAS MERTON
Một người trẻ tuổi đã từng mô tả về trải nghiệm chìm trong sự mất trí. Anh là một sinh viên đại học rất sáng giá, nhưng anh ta đã bỏ dở việc học của mình để quay sang hộp đêm và phim ảnh khiêu dâm. Một đêm kia, anh ta nghỉ trong một phòng khách sạn. Khi anh nằm trên giường, cửa sổ dường như mở rộng chạm đến sàn nhà. Anh ta nghe thấy một giọng nói chế giễu trong tâm trí mình rằng: “Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ném mình ra khỏi cửa sổ đó?” Chàng trai trẻ viết: “Bây giờ cuộc sống của tôi bị chi phối bởi một thứ mà tôi chưa từng biết trước đây: nỗi sợ hãi. Thật là nhục nhã trước sự nhận biết kỳ lạ này. Đó là một điều sỉ nhục mà tôi đáng phải nhận nhiều hơn những gì tôi biết. Tôi đã từ chối chú ý đến các quy luật đạo đức mà mọi sinh lực và sự đúng đắn đều phụ thuộc vào.” – Chà, người thanh niên này quả nhiên đã bắt đầu chú ý đến việc đạo đức. Bắt đầu sắp xếp cuộc sống của mình cho có trật tự, anh trải nghiệm sự bình an nội tâm. Cuối cùng, anh gia nhập Giáo hội công giáo và trở thành một tu sĩ Xitô và một trong những tu sĩ nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Tên anh ấy là Thomas Merton.
* Tin Mừng hôm nay nói về phép rửa của Chúa Giêsu cũng sẽ thách thức chúng ta kiểm tra xem chúng ta có giữ lời hứa khi làm Phép Rửa hay không. (Cha Phil Bloom)
- CHUYỆN HỔ CON
Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ của người Hindu về một con hổ con được bày dê nuôi. Con hổ đã học cách kêu be be, gặm cỏ và cư xử như một con dê. Một đêm kia, một con hổ lớn tấn công đàn dê, chúng chạy tán loạn để được an toàn. Nhưng hổ con cứ gặm cỏ kêu như dê con mà không hề sợ hãi. Con hổ già gầm lên: “Mày đang làm gì ở đây? Mày sống với những con dê hèn nhát này à?” Nó túm lấy cu hổ con, kéo nó đến một cái ao và nói: “Hãy nhìn xem khuôn mặt của chúng ta được phản chiếu như thế nào trong nước! Bây giờ mày biết mày là ai và thuộc về ai.” Con hổ già đưa hổ con về nhà, dạy nó cách bắt động vật, ăn thịt, gầm lên và hành động như một con hổ đích thực. Hổ con nhờ đó đã khám phá ra con người thật của mình.
* Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã nhận được từ trời một tia sáng mới để nhận ra Người thực sự là ai (danh tính của Người), và những gì Người phải làm (sứ vụ của Người), vào ngày Người chịu phép rửa tại sông Giorđan.
- HAI NGUỒN LỰC
Trong số hàng triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã giam giữ trong các trại tử thần của thập niên 30 và 40 có Victor Frankl. Bất kể nỗi kinh hoàng và những khó khăn khủng khiếp, anh vẫn sống sót. Mỗi ngày xung quanh anh, bên cạnh anh, hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người Do Thái và những người khác đã chết. Hầu hết họ đều chết trong lò hơi ngạt, nhưng cũng có những người khác chết đơn giản vì họ mất niềm hy vọng và ý nghĩa của sự sống; họ bị đe dọa bởi sự kinh hoàng, sợ hãi và vô vọng. Frankl sống sót, bởi vì có hai sức mạnh đã nâng đỡ anh: một là sự chắc chắn về tình yêu của vợ anh. Hai là một động lực bên trong để viết lại bản thảo của một cuốn sách mà anh đã hoàn thành sau nhiều năm lao động – thứ mà Đức Quốc xã đã phá hủy. Việc Frankl bị giam cầm đã nhẹ đi nhờ những cuộc trò chuyện tưởng tượng hàng ngày với vợ và bằng cách viết nguệch ngoạc cho cuốn sách của mình trên tất cả những mẩu giấy vụn mà anh ta có thể tìm thấy. Giờ đây Frankl đã chia sẻ một cách hùng hồn về hai trải nghiệm này để đương đầu với cuộc sống: thứ nhất, sự khám phá và chắc chắn được yêu; và thứ hai, có mục đích sống rõ ràng và chủ động. [Nate Castens, Chanhassen, Minnesota, qua Ecunet, Ghi chú Phúc Âm cho Chúa nhật tới, # 2815]
* Cả hai đều là những sứ điệp mà chúng ta nhận được trong Bí tích Rửa tội Kitô giáo.
- ĐÚNG ĐƯỜNG, TRỆCH HƯỚNG
Một người bạn của tôi xác nhận sự thật của sự việc sau đây. Một ngày nọ, anh có công việc phải đi xuống một miền quê. Cuộc hành trình đã đưa anh đi dọc theo một số con đường phụ, nơi có rất ít biển chỉ đường. Sau một lúc, anh không chắc mình có đi đúng đường hay không, vì vậy anh quyết định hỏi người đầu tiên anh nhìn thấy. Cuối cùng, anh tình cờ gặp một người nông dân đang lùa bò về nhà để vắt sữa. Anh ta dừng xe lại, và hỏi người này xem mình có đi đúng đường đến “Nơi nào đó không”. Người nông dân nói với anh ta rằng anh chắc chắn đã đi đúng đường. Bạn tôi bày tỏ lời cảm ơn và định tiến về phía trước thì người nông dân nói thêm một cách hờ hững: “Bạn đang đi đúng đường, nhưng đi sai hướng!”
* Suy gẫm hôm nay về phép rửa của Chúa Giêsu thách thức chúng ta kiểm tra xem liệu chúng ta có đang đi đúng đường và đúng hướng cho số phận đời đời của chúng ta hay không.
- DANH THƠM TIẾNG TỐT
Nhà văn Pháp Henri Barbusse (1874-1935) kể về một cuộc trò chuyện ông tình cờ nghe được trong một chiến hào đầy những người bị thương trong Thế chiến thứ nhất. Một trong những người đàn ông biết rằng mình chỉ còn vài phút để sống đã nói với một người trong số những người đàn ông kia: “Nghe này, Dominic, bạn đã trải qua một cuộc đời rất tồi tệ, đầy tội lỗi. Mọi nơi bạn đều bị cảnh sát truy nã. Còn tôi không bị một án lệnh nào cả. Tên của tôi thật tốt đẹp, vì vậy, đây, lấy ví của tôi, lấy giấy tờ, danh tính của tôi, lấy danh nghĩa của tôi, cuộc sống của tôi và nhanh chóng giao cho tôi giấy tờ của bạn để tôi có thể mang theo tất cả tội ác của bạn trong cái chết.”
* Một điều gì đó tuyệt vời xảy ra với chúng ta khi chúng ta được rửa tội. Cuộc sống của chúng ta được thay đổi, được trở nên con người mới. (Billy D. Strayhorn)
- NGHI THỨC NHẬP MÔN
Bạn có nhớ những nghi thức khai tâm của tổ tiên chúng ta không? Ở một số nơi, thậm chí như ở Sepik ngày nay, họ nhốt các nam thiếu niên một tháng trong một khu biệt lập. Tại đây cơ thể của chúng, đặc biệt là lưng bị cắt và chảy máu. Chúng được dạy để chịu đau đớn. Chúng được hướng dẫn tất cả các công việc của bộ tộc. Sau bốn tuần, chúng được đưa ra khỏi nhà rèn luyện này, và lúc đó chúng bước vào một cuộc sống mới. Đó là cuộc sống của một người trưởng thành. Bây giờ chúng có thể kết hôn. Tại một địa điểm, các cậu phải bò ra khỏi khu khai tâm qua một hàm cá sấu giả. Điều này tượng trưng cho việc tái sinh vào một cuộc sống mới.
* Phép rửa có ý nghĩa tương tự: bước vào đời sống mới. Nó cũng mang lại cho chúng ta một địa vị mới, là con của Chúa, người thừa kế Nước Trời, thành viên của Giáo hội, v.v. (Frank Michalic trong Tonic for the Heart; trích dẫn bởi cha Botelho).
- HẠ MÌNH
Người quản lý của một công ty sản xuất thường đến thăm khu vực sản xuất của nhà máy mà không báo trước. Đôi khi anh ấy cởi áo khoác và cà vạt, xắn tay áo và giúp đỡ dây chuyền lắp ráp. Một trong những nhân viên táo bạo hơn vào một ngày nọ đã hỏi anh ta: “Tại sao anh đi xuống từ văn phòng máy lạnh của mình để làm việc ở nơi dơ bẩn này?” Người quản lý trả lời: “Tôi không biết có cách nào tốt hơn để tìm hiểu suy nghĩ và cảm nhận của người lao động, và liệu mọi người có hài lòng khi làm công việc ở đây hay không. Đây là một cách tốt để nhìn mọi thứ theo quan điểm của họ”. Khi trở lại sự yên tĩnh của văn phòng, anh ấy đã có cái nhìn sâu sắc mới về những người bình thường, những người là một phần quan trọng trong công ty của anh, thế giới của anh. Hơn nữa, “những người bình thường” phải nhìn nhận người quản lý từ một góc độ hoàn toàn mới.
* Phép rửa của Chúa Giêsu là một kiểu “đi xuống dây chuyền sản xuất”. Chúa Giêsu chịu phép rửa để chúng ta thấy rằng Người hiểu tất cả về tội lỗi cũng như ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống con người. (Linh mục Vince).
- Ý NGHĨA CỦA PHÉP RỬA
Có truyền thuyết về một người lính lê dương La Mã thời kì bách hại, là 2 thế kỷ rưỡi đầu tiên của Kitô giáo. Người lính bắt đầu một cuộc chiến tranh kéo dài, để lại vợ đang mang thai. Trong khi anh ra đi, người vợ đã sinh con. Ngay sau đó, bà nhập Kitô giáo, nhận phép rửa và cả đứa con của bà cũng được rửa tội. Trong khi đó, người lính cũng đã gặp một số Kitô hữu và nghe họ giải thích về ý nghĩa của việc chịu phép rửa theo Đức tin mới này. Tuy nhiên, anh ta không thể chịu phép rửa trước khi chiến dịch kết thúc và anh ta trở về nhà. Vợ ông rất vui mừng khi ông về nhà, nhưng lại e ngại không biết phản ứng của ông thế nào với phép rửa của bà. Bà quyết định phá vỡ tin tức dần dần. Trước tiên, bà cho ông xem đứa con của họ, và chỉ sau đó bà nói rằng bà đã làm phép rửa cho nó. Ngay lập tức người chồng trở nên trầm ngâm, suy nghĩ. Ông nhìn đứa trẻ, rồi quỳ xuống bên cạnh nôi. Ông cúi đầu, nhắm mắt và bắt đầu im lặng cầu nguyện. Vợ ông cảm thấy ngạc nhiên. Bà quỳ xuống bên cạnh ông và hỏi: “Anh yêu, anh đang làm gì vậy?” Lúc đầu ông tiếp tục cầu nguyện, sau đó ông mở mắt ra và nhìn vợ mình. Ông trả lời: “Em yêu, nếu con chúng ta đã được rửa tội, thì chính nó đã trở thành một đền thờ thánh. Vì Chúa Giêsu Kitô, Cha Người là Đấng Tạo Hóa muôn loài, và Chúa Thánh Thần hằng sống đã làm nhà trong lòng nó, nên chúng ta có thể cầu nguyện với Thiên Chúa ở đó”. (E-Priest).
- MỘT PHẦN NGHI THỨC
Câu chuyện kể về lễ rửa tội của vua Aengus vào giữa thế kỷ thứ năm, bởi thánh Patrick. Một lúc nào đó trong nghi lễ, thánh Patrick đã dựa vào cây trượng có đầu nhọn của mình và vô tình đâm vào chân của nhà vua. Sau khi lễ rửa tội kết thúc, thánh Patrick nhìn xuống và thấy đầy máu, nhận ra những gì mình đã làm và cầu xin sự tha thứ của nhà vua. Thánh Patrick muốn biết: “Tại sao ngài lại phải chịu đựng nỗi đau này trong im lặng?” Nhà vua trả lời: “Tôi tưởng đó là một phần của nghi lễ.” (Biết Mặt Chúa, Tim Stafford, trang 121ff).
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm