Chúa Nhật Chúa Hiển Linh Năm A


 CN HIỂN LINH

08/01/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Tam Kỳ

Giáo xứ Vân Đỏa

GIÁO HUẤN SỐ 7

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Chúa kêu gọi (tt)

Trong những hình thức đa dạng ấy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng ‘thiên khiếu phụ nữ’ được nhìn thấy nơi những phương cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này. Thật vậy, vào những thời mà phụ nữ dễ bị thờ ơ và coi thường nhất, Chúa Thánh Thần đã làm nổi lên những vị thánh mà sức lôi cuốn của các ngài đã đem lại những cuộc canh tân thiêng liêng quan trọng và mạnh mẽ trong Giáo hội.  Chúng ta có thể nhắc đến thánh Hildegard ở Bingen, thánh Bridget, thánh Catarina Siena, thánh Têrêsa Avila và thánh Têrêsa Lisieux. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những phụ nữ vô danh hay bị quên lãng là những người mà – mỗi người một cách – đã chống đỡ và làm biến đổi các gia đình và các cộng đồng nhờ sức mạnh chứng tá của họ. Điều ấy nên thôi thúc và khích lệ chúng ta dấn thân và đảm nhận cái kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa muốn cho mỗi chúng ta từ đời đời: “Trước khi tạo nên người trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi chào đời, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1,5) (Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 12&13).

SUY NIỆM I

CN HIỂN LINH

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

 

Các nhà chiêm tinh

Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Belem có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông tìm đến tỏ lòng tôn kính Ngài. Danh hiệu của những người này là Magi, một chữ rất khó dịch. Theo Herodotus, Magi  nguyên là một chi phái Mêđi. Người Međi là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Họ cố gắng lật đổ người Ba Tư đem chính quyền về cho người Mêđi. Mưu toan thất bại. Từ đó người Magi từ bỏ mọi tham vọng về quyền hành hoặc uy tín và trở nên chi phái tư tế. Các Magi đối với dân Ba Tư cũng giống như người Lêvi đối với dân Ítraen vậy. Ho trở thành một thầy dạy và giáo dục cho các vua Ba Tư. Tại Ba Tư không được dâng lễ vật nếu không có một Magi hiện diện, họ là người của sự thánh thiện và khôn ngoan. Những người Magi này rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Họ cũng là những thầy bói và người giải mộng. Về sau chữ Magi càng ngày càng mang nghĩa thấp kém và trở thành chữ thầy bói, phù thủy và lang băm, như Êlyma thuật sĩ (Cv 13,6.8). Simon người được mênh danh là thuật sĩ (CV 8,9-11). Nhưng các Magi không như vậy, họ là những bậc thánh, cũng là những bậc hiền triết đi tìm chân lý (William Barclay, Dương Đình Tảo chuyển ngữ, Tin Mừng Theo Thánh Matthêu, tập I, trang 18).

Đối với các nhà chiêm tinh xưa, một ngôi sao như thế chắc chắn hàm ý sự ra đời của một đại vương. Chúng ta không biết các Magi đã thấy ngôi sao nào, nhưng họ chuyên xem sao nên ánh sáng lạ xuất hiện trên trời báo cho họ biết một vị vua đã đến thế giới (sđd, trang 19).

Đối với chúng ta, dường như việc những người này từ phương Đông lên đường đi tìm vua là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng ngay lúc Chúa Giêsu giáng sinh, trong thế giới bấy giờ cũng có sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến. Ngay các sử gia Rôma cũng biết rõ điều này, sau đó không lâu, nhằm thời hoàng đế Vespasian, sử gia Suetonius đã viết: “Khắp phương Đông có một niềm tin là vào thời đó nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế giới”. Sử gia Tacitus cũng nói đến niềm tin đó: “Có một xác tín rằng trong chính thời gian này, phương Đông trở nên hùng mạnh và những người cai trị đến từ Giuđa sẽ chiếm được đế quốc toàn cầu”. Người Do Thái cũng tin : “Vào khoảng thời gian đó, một người trong xứ họ sẽ trở thành vua của mọi dân trên mặt đất”. Sau đó không lâu, chúng ta thấy Triđates, vua xứ Ácmêni , đi thăm hoàng đế Nêrô tại Rôma, có đem Magi theo. Chúng ta thấy các Magi tại Athènes dâng lễ vật cho nhà hiền triết Plato. Hầu như cùng lúc Chúa Giêsu giáng sinh, chúng ta thấy hoàng đế Augustus của đế quốc Rôma, được chúc tụng như là vị cứu tinh của thế giới, và thi hào Virgil của Rôma, sáng tác bài hát đối Thứ Tư được mệnh danh là bài hát đối về Đấng Cứu Thế, ca tụng thời hoàng kim sắp đến. Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện Magi tìm đến máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó là một biến cố đã xảy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang tha thiết mong đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa. Sự khao khát nung nấu lòng người. Họ đã nhận biết mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến với một thế gian đang khắc khoải đợi mong, và khi Ngài đến con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. (sđd, trang 19).

Những huyền thoại về sau cũng thường rất bận tâm về các nhà chiêm tinh. Truyền thuyết phương Đông đầu tiên nói có 12 vị. Nhưng ngày nay hầu như ba vị là truyền thuyết phổ thông nhất. Tân Ước không nói rõ ba vị, nhưng ý đó hẳn là do ba lễ vật của họ. Các huyền thoại về sau tôn họ là những vị vua, lại còn xưng danh họ là Gaspar, Melchior và Balthasar. Gaspar còn trẻ không râu, mặt đỏ dâng nhũ hương. Melchior là ông già tóc hoa râm, có bộ râu dài là người dâng vàng. Balthasar da đen , mới để râu, là người dâng mộc được.

Vàng là lễ vật dâng cho vua. Vàng, vua của mọi kim loại, xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Chúa Giêsu là Đấng sinh ra để làm vua. Nhưng Ngài không cai trị bằng vũ lực mà bằng tình yêu, và Ngài cai quản lòng người không từ ngai vàng mà từ thập giá.

Nhũ hương là lễ vật cho thầy tế lễ. Trong việc thờ phượng và trong việc dâng lễ vật nơi đền thờ và trong việc dâng lễ vật, người ta thường xông một hương liệu là nhũ hương có mùi thơm dịu. Chức vụ của mấy thầy tế lễ là mở đường cho loài người đến gần với Thiên Chúa. Tiếng Latinh chữ thầy tế lễ là pontifex có nghĩa ‘người bắc cầu’. Thầy tế lễ là ‘người bắc cầu’. Thầy tế lễ là ‘người bắc cầu’  giữa loài người với Thiên Chúa, đó là điều Chúa Giêsu làm cho loài người có thể đến được với Thiên Chúa.

Mộc dược  là lễ vật cho người chết. Mộc dược là hương liệu để xông xác người chết. Holman Hunt có một bức tranh nổi tiếng về Chúa Giêsu. Bức tranh mô tả Chúa tại trước của xưởng thợ mộc ở Nadarét. Ngài vẫn còn thanh niên. Nắng chiều còn trên hiên cửa, thanh niên Giêsu đứng đó duỗi tay và vươn vai vì tứ chi mệt mỏi sau một ngày lao động.  Người đứng đó với cánh tay giơ ra, phía sau mặt trời sắp lặn in bóng Ngài  trên tường. Bóng đó là hình thập giá . Đàng sau bà Mria đang đứng, khi bà thấy thập giá, đôi mắt hiện rõ nét lo âu về thảm kịch sẽ xảy ra cho con mình. Chúa Giêsu đến trong thế gian để sống cho loài người và cuối cùng để chết cho loài người. Ngài đến để ban cho loài người sự sống và sự chết của Ngài.

Vàng là để tặng vua, nhũ hương tặng thầy tế lễ, mộc dược dành cho Đấng phải chịu chết. Đấy là lễ vật của các nhà chiêm tinh dâng ngay trước nôi của Chúa Giêsu. Những lễ vật đó có ý nghĩa : Ngài là vua chân thật, thầy tế lễ trọn vẹn và sau hết Ngài là Chúa cứu tế cao cả của loài người (sđd, trang 21-24).

Mấy dòng về những nhà chiêm tinh nước Ba Tư để đi vào thánh lễ Hiển Linh hôm nay. Ngày xưa gọi là lễ Ba Vua, nay là lễ Hiển Linh, lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân biết Ngài.

Bài đọc 1(Is 60, 1-6) : Bđ1 là những lời của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Ông nói đến sự huy hoàng của thành Giê-ru-sa-lem, cho những người Ít-ra-en lưu đày từ Ba-bi-lon trở về quê hương. Họ đang chán nản thấy sự hoang tàn của Giê-ru-sa-lem. Ngôn sứ cất tiếng khuyến khích (cha O’Sullivan, The Sunday Readings, cycle A, trang 61)

     Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem

     tất cả đều tập họp kéo đến với ngươi

     con trai từ phương xa tới

     con gái ngươi được ẵm bên hông

     Trước cảnh đo, mặt mày ngươi rạng rỡ

     lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng

     vì nguồn giầu sang sẽ đổ về từ biển cả

     của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi

     Lạc đà từng đàn che rợp bóng…

     đều mang theo vàng với trầm hương

     và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.

Bài Tin Mừng(Mt 2,1-12) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về câu chuyện ‘hiển linh’ như sau : “Trong gia phả Mát-thêu đã cho thấy Chúa Giê-su mang cả dòng máu dân ngoại, trong câu chuyện các hiền sĩ đến chầu “Vua dân Do Thái mới sinh”, Mát-thêu lại cho thấy sự ứng nghiệm lời Thiên Chúa dùng miệng một người dân ngoại tên là Bi-lơ-am loan báo: “một ngôi sao mọc lên từ lều trại Gia-cóp”. Mát-thêu không trích dẫn lời này, nhưng giải thích bằng cách kể chuyện dựa theo lời này, để xác nhận Chúa Giê-su là con của vua Đa-vít, kẻ kế thừa ngai vàng của Đa-vít, ra đời tại Be-lem, sinh quán của vua Đa-vít…

Xưa Bi-lơ-am và Ba-lác chia tay nhau sau khi mưu toan nguyền rủa bất thành, “Bi-lơ-am đứng dậy về xứ, còn vua Ba-lác cũng đường mình mà đi” (Ds 24,25), nay thì các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình”. Thoạt đọc câu này ta nghĩ đơn giản là để Hê-rô-đê không thể cho người đuổi theo họ. Nhưng đọc kỹ lại câu chuyện thì ta tự hỏi: làm sao một ngôi sao trên trời lại có thể như ngọn đèn đi trước dẫn đường, rồi dừng lại chính xác ngôi nhà nơi Hài Nhi đang ở ? Rõ ràng ngôi sao đã trở thành biểu tượng cho một ánh sáng bên trong dẫn họ đến với “vua người Do Thái mới sinh”. Đó là ánh sáng đức tin làm cho dân ngoại nhận biết Chúa Giê-su là vua, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Một khi đã gặp Ngài, đã tin vào Ngài thì người ta không trở lại con đường cũ nữa, mà đi theo đường khác, con đường mà Ngài đã dạy: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20).

Ý nghĩa biểu tượng của ngôi sao cho phép ta đọc lại trình thuật này như câu chuyện về hành trình đức tin của mỗi người: tôi đã được hướng dẫn đến gặp Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta như thế nào. Chúng ta đã vào nhà, nơi Ngài ở, và đã dâng cho Ngài những gì. Ngôi nhà nơi Ngài đang ở chính là Hội Thánh mà Ngài đã xây trên nền móng Phê-rô (x.Mt 16,18). Ở trong ngôi nhà ấy chúng ta được biết “lối khác” để về xứ mình, bởi vì quê hương của chúng ta bây giờ ở trên trời (x.Pl 3,20). “Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình”. Đó là lời một bài ca sinh hoạt diễn tả thích đáng kết quả của gặp gỡ. Sự biến đổi ấy phải tiếp tục suốt cuộc hành trình trên dương gian, vì “phải theo con đường khác”, con đường của Đức Ki-tô. Đó là cuộc hoán cải không ngừng (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 14-15).

Bài đọc 2 (Ep 3,23a.5-6): Cha Hồ Thông viết về bđ2 : “Thánh Phao-lô viết bức thư này có lẽ trong cảnh xiềng xích ở Rô-ma vào những năm 61-63. Bức thư được gửi đến cho các tín hữu Ê-phê-sô, và qua cộng đoàn Ê-phê-sô, được chuyển đến các cộng đoàn khác…

Những cộng đoàn miền Tiểu Á là những Ki-tô hữu gốc lương dân. Thánh Phao-lô nhắc nhớ họ ơn gọi tông đồ ‘dân ngoại’ của ngài. Nhiệm vụ của ngài là loan báo cho họ rằng không còn dân tộc nào còn được hưởng đặc quyền đặc lợi, vì muôn dân được chấp nhận đồng hưởng cùng một ơn cứu độ như con cái Ít-ra-en (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 125).

Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế  gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường

mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa

Phần chúng con đẵ nhận biết Chúa

nhờ đức tin dẫn lối chỉ đường,

xin dủ lòng thương đưa chúng con

về chiiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển.

Chúng con cầu xin,

nhờ Đức Ki-tô , Chúa chúng con. Amen

 

SUY NIỆM II

GẶP CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI

Lễ Hiển Linh (Hội An 08/01/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Có bao giờ bạn dám rời xa nơi chốn thân quen, rời bỏ công việc ổn định để đi đến một nơi mà bạn không có chút hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn hay sẽ vô vọng gặp người thương yêu nhất? Chỉ trong hy vọng, bạn mới dám cất bước lên đường. Vì hy vọng về một tương lai tươi sáng, cả triệu người di cư hằng năm; vì hy vọng tìm gặp người thân yêu, nhiều người ngưng công việc để lên đường tìm gặp cho bằng được. Đối với các nhà đạo sĩ phương đông được Tin Mừng tường thuật hôm nay, lòng khát khao tìm kiếm chân lý trong họ đã thôi thúc họ bước theo ngôi sao sáng trên trời mà họ gọi là “ngôi sao của vị Vua Do Thái mới sinh ra,” đi tìm gặp Chúa Giê-su.

  1. Vượt nỗi sợ hãi ra đi gặp Chúa

            Như mọi người, các nhà đạo sĩ cũng có nỗi sợ hãi: sợ thay đổi nơi chốn quen thuộc, sợ lên đường, sợ chạm mặt với thách thức trên đường đi tới, nhưng các đạo sĩ dám lên đường gặp Chúa. Vua Hê-rô-đê và các kinh sư tuy nghe biết Thánh Kinh, nhưng họ sợ hãi không dám lên đường tìm gặp Đấng được Thánh Kinh loan báo: người thì sợ rời xa quyền thế, người thì sợ ra khỏi nơi tiện nghi thường ngày. Quả thật, nỗi sợ hãi là bức tường ngăn cản đức tin, ngăn cản con người tiến đến gặp Chúa. Chỉ khi niềm khao khát gặp Chúa lớn hơn nỗi sợ hãi, người ta mới có thể gặp Chúa. Nói cách khác, chỉ khi mạo hiểm lên đường hướng nhìn vào Chúa và tiếp bước, người ta sẽ bước tới trong đức tin và tìm gặp được Chúa.

            Cha Henry Nouwen, một nhà thần học và chuyên viết sách thiêng liêng chia sẻ, cha rất ngưỡng mộ người diễn viên đu bay khi thấy anh thả tay ra khỏi xà đu và buông mình trong không gian cao ngất. Chỉ một chút lỡ nhịp hay sẩy tay của diễn viên kia, số phận anh ta không biết thế nào. Cha nói lời ngưỡng mộ với diễn viên đu bay, thì được anh ta trả lời: người diễn viên đu bay không làm gì cả, chỉ việc tin tưởng vào diễn viên kia và đưa tay ra phía trước cho đến khi được đôi tay vạm vỡ nắm lấy. Các nhà đạo sĩ và các tín hữu khi dám chấp nhận thay đổi đời mình để gặp Chúa, họ chỉ việc tin tưởng đưa đôi chân của mình đi về phía Thiên Chúa và họ không còn sợ hãi, bởi trái tim của họ đã được Chúa nắm lấy.

            Chúa Giê-su là mục đích hành trình đức tin của các đạo sĩ. Các đạo sĩ nhìn lên ngôi sao sáng dẫn đường đến nơi Chúa Giê-su ở, chứ không phải họ đi tìm kiếm ngôi sao. Ngôi sao hướng dẫn họ đến nơi vị Vua mới sinh, chứ ngôi sao không phải mục đích họ tìm kiếm. Họ đi xa vạn dặm không để xin cho có ngôi sao chiếu sáng trên mọi nẻo đường đời. Họ đến gặp Thái Tử Bình An không nhằm hỏi làm thế nào để thế giới họ sống có hòa bình. Họ mang quà tặng quý giá vàng, nhũ hương, mộc dược đến dâng Hài Nhi Giê-su không phải để sẽ được Ngài ban lại nhiều của cải vật chất hơn. Đó không phải mục đích đánh đổi cuộc đời của họ trong chuyến mạo hiểm lên đường. Mục đích hành trình của họ là tìm gặp Vị Vua mới sinh, diện kiến Hài Nhi Giê-su và sấp mình thờ lạy Chúa. Gặp Chúa Giê-su là đủ cho họ. Họ đã gặp Chúa Giê-su, dâng quà và sấp mình thờ lạy Chúa. Đó là mục đích hành trình đức tin của các đạo sĩ, nhưng chưa phải kết thúc hành trình đức tin.

            Hành trình đức tin của họ còn là hành trình trở về quê nhà loan báo Chúa Giê-su, Đấng mà họ đã gặp và thờ lạy. Hành trình đó là hành trình truyền giáo. Thiên Chúa đã soi sáng cho họ biết Chúa, nay họ tiếp tục cho mọi người ở quê nhà biết Chúa. Họ minh chứng cuộc gặp Chúa đã thay đổi đời họ qua việc họ mạnh dạn chọn con đường khác trở về nhà. Từ nay, họ trở nên người khác, người thuộc về Chúa, và có lối sống khác với lối sống thế gian.

  1. Gặp Chúa và biến đổi cuộc đời

            Hành trình đức tin của các đạo sĩ đang diễn ra trong hành trình thiêng liêng của mỗi Ki-tô hữu. Ít là hằng tuần chúng ta đến nhà thờ. Trên lý thuyết, vì chúng ta tin nhận trong thánh lễ chúng ta gặp được điều tốt đẹp, nên chúng ta rời bỏ nơi chốn quen thuộc của gia đình và việc làm đến nhà thờ. Vậy, điều tốt đẹp chúng ta khát mong là gì, đến nỗi cất bước đến nơi thờ phượng này? Nếu có lý do này hay lý do khác, tất cả đều phải nhường bước cho mục đích cao nhất là đến đây gặp Chúa và thờ phượng Chúa như các nhà đạo sĩ đã nhắm đến cho hành trình đức tin của họ. Chúng ta đến đây với lòng chân thành mọi sự cuộc đời ta thuộc trọn về Chúa. Như diễn viên nhào lộn buông tay hướng về phía người bạn đang chờ nắm tay mình, chúng ta buông cuộc đời ta cho lời Chúa và tin chắc Đấng ban chính mình cho chúng ta sẽ nắm chắc cuộc đời chúng ta trong vòng tay yêu thương của Ngài và ban cho chúng ta niềm vui gặp Chúa, thờ phượng Chúa với lòng tin yêu dạt dào.

            Nếu thực sự chúng ta được gặp và thờ phượng Chúa trong thánh lễ này, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta ra về? Có sự thay đổi nào trong lối sống và đời sống thiêng liêng của chúng ta? Có con đường khác, nghĩa là một cuộc sống khác với thế gian để minh chứng chúng ta thuộc về Chúa không? Ước gì hành trình đức tin của các đạo sĩ và niềm vui họ nhận được từ việc gặp Chúa và thờ phượng Chúa cũng in hằn trong hành trình thường ngày của chúng ta: từ nhà đến nhà thờ gặp Chúa, từ nhà thờ về lại nhà và nơi chốn làm việc với thao thức loan báo Chúa Giê-su cho mọi người.

            Lạy Chúa, xin cho con lấy lại niềm hăng say tươi tắn của người được gặp Chúa và thờ phượng Chúa. Xin cho gia đình con và mọi người gặp gỡ con được nghe và thấy cách sống và lời nói của người được gặp Chúa và thờ phượng Chúa.

SUY NIỆM III

CHÚA NHẬT – LỄ CHÚA HIỂN LINH

Lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

CHIẾU TỎA ÁNH SÁNG CHÚA CHO MUÔN DÂN

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

         Lời Chúa trong Thánh Lễ hiển linh hôm nay cho ta thấy một điểm nhấn đó là “ánh sáng”. Cụ thể, trong Bài đọc 1, tiên tri Isaia nói: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi”. Còn trong Tin Mừng, Thánh Mátthêu kể: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao sáng của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người“. Như vậy rõ ràng ánh sáng đây chính là ánh sáng vinh quang Chúa Giêsu. Ngôi sao sáng này không chỉ là sao sáng bình thường mà còn là sao lạ; lạ ở chỗ rằng lúc ẩn lúc hiện, lạ ở chỗ nữa là ngôi sao sáng báo tin một vị Vua đặc biệt ra đời, đó là Vua Trời Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Cho nên, các nhà chiêm tinh (ta thường gọi là ba vua) theo ánh sáng của ngôi sao lạ đi tìm vị Vua đặc biệt này mới ra đời, nhưng tới Giêrusalem thì không thấy ngôi sao nữa. Rồi họ tới vua Hêrôđê hỏi ông có không biết, vua Hêrôđê liền triệu tập tất cả các thượng tế, luật sĩ và kinh sư trong thành lại hỏi họ, ai cũng không biết nhưng họ mở Thánh Kinh và trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê”. Như vậy, nhờ Thánh Kinh mà các nhà chiêm tinh thấy ánh sáng vinh quang của Chúa rõ ràng hơn và tìm gặp được Chúa Giêsu Hài Nhi và bái thờ Ngài.

Những tháng năm sống đời Kitô hữu, chúng ta có rất nhiều cơ gặp gỡ Chúa Giêsu như: Tham dự Thánh Lễ, đọc và suy niệm Thánh Kinh… Cũng nhờ sự gặp gỡ này mà ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu toàn bộ hành trình đức tin của chúng ta. Cho nên, ngày 29-6-2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành thông điệp Lumen fidei, Ánh Sáng Đức Tin. Qua thông điệp này, Giáo Hội muốn mời gọi mọi người cần phải tái khám phá đức tin như ánh sáng đến từ Thiên Chúa, ánh sáng soi chiếu mọi mặt của hiện hữu nhân sinh. Vì chưng, đức tin phát sinh từ sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi và bày tỏ tình yêu của Ngài với toàn thể nhân loại. Đức tin ban tặng chúng ta cặp mắt mới để nhìn mọi sự và hướng dẫn hành trình đời sống của chúng ta trong ánh sáng mới. Ánh sáng ấy một đàng đến từ quá khứ vì chúng ta đón nhận từ Chúa Giêsu; đàng khác, ánh sáng ấy lại đến từ tương lai vì Đức Kitô là Đấng Phục sinh và Người dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.

Hôm nay, chúng ta đến đây gặp và thấy ánh sáng vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa là Chúa Giêsu sinh tại Belem năm xưa cũng là Chúa Giêsu phục sinh hôm qua hôm nay và mãi mãi. Ngài giao cho chúng ta trách nhiệm rằng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 14-16). Vậy, ánh sáng này không phải là ánh sáng đèn điện mà là ánh sáng Chúa Kitô, ánh sáng tình yêu, ánh sáng đức tin. Có nghĩa rằng là người Kitô hữu, chúng ta phải chiếu sáng ánh sáng đức tin và tình yêu. Tin yêu Chúa và yêu mọi người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu để tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu Chúa để sống lành mạnh và thánh thiện. Tin yêu để sống công bình bác ái. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến. Đây chính là cuốn Thánh Kinh sống động để nhiều người tìm thấy và gặp Chúa hầu họ cũng được ánh sáng Tin yêu này và được cứu độ.

Hôm nao ánh sao lạ đã soi đường cho ba nhà đạo sĩ tới máng cỏ Bêlem gặp Chúa, thì hôm nay mỗi người chúng ta trong Thánh lễ này cũng nhờ đức tin, chúng ta gặp Chúa Giêsu phục sinh, Ngài mời gọi chúng ta phải trở nên một ánh sao, dẫn lối cho những người chung quanh tìm gặp được Thiên Chúa tình yêu.

Vì vậy, nhờ ngôi sao lạ mà các đạo sĩ đã tìm ra Đấng Cứu Thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa. Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù; chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành và yêu thương. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng. Nếu thế giới đang cuốn theo sự hưởng thụ khoái lạc; chúng ta hãy là ánh sao của khó nghèo, đơn sơ và thanh khiết. Nếu con người đang lung lây và lạc lõng trong đức tin; chúng ta hãy là những ánh sao của đạo đức và niềm tin phó thác. Nếu cuộc đời của con người chìm vào bóng tối cô đơn; chúng ta hãy là những ánh sao của hiệp thông, sẻ chia, đỡ nâng và cầu nguyện. Nếu con người rơi vào trầm cảm, tự kỷ vì bệnh tật hay nghiện ngập; chúng ta sẽ là những ánh sao thăm viếng, chăm sóc, ủi an và phục vụ. Nếu thế giới thiếu công bình bác ái, phi nhân, tàn nhẫn; chúng ta hãy là những ánh sao yêu thương, tha thứ và bao dung.Vâng, chỉ có những ánh sáng ấy mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.

Ước gì qua thánh lễ này, mỗi lần chúng ta đến gặp và triều bái Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa kêu mời chúng ta sống Lời Ngài. Đồng thời khi về với cuộc sống đời thường hãy sống mời gọi ấy để xứng đáng là người con của Chúa sự sáng trong gia đình và ra ngoài xã hội ngõ hầu mọi người nhận thấy Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.