Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên Năm A
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM A
Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11
“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.
Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. – Ðáp.
2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! – Ðáp.
3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23
“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
“Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”.
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Ðó là lời Chúa.
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Ngọc Quang
GÍAO HUẤN SỐ 26
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Ở đây tôi đề cập hai đàng thánh thiện lầm lẫn và có thể dẫn ta đi lạc : đó là ngộ đạo thuyết (gnosticism) và thuyết pelagiô (pelagianism). Đây là hai lạc thuyết từ những thuở ban dầu Kitô giáo, nhưng chúng vẫn tiếp tục hoành hành nơi chúng ta. Cả trong thời chúng ta: nhiều Kitô hữu – có lẽ một cách không ý thức – có thể bị lôi cuốn bởi
những ý tưởng lừa dối này, vốn phản ảnh một nội tại thuyết qui nhân trong cái lốt như là chân lý Công giáo. Chúng ta hãy xem xét hai dạng bảo đảm mang tình giáo thuyết qui phạm này, vốn làm nổi lên một tầng lớp ưu tú độc đoán và tự yêu , trong đó thay vì loan báo Tin Mừng thì người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì mở rộng cửa cho ân sủng, người ta lại vắt cạn năng lực mình trong việc thẩm tra và xác minh. Trong cả hai trường hợp người ta đều không thực sự quan tâm đến Đức Giêsu Kitô và tha nhân (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 35) (hai lạc thuyết ‘ngộ đạo’ và ‘pêlagiô’ được khai triển tới giáo huấn số 39, CN 20 TN).
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO – NHIỆM VỤ BẮT ĐẦU TỪ NGÀY CHÚA LÊN TRỜI
Hội An 21/5/2023
Thật bất ngờ, vào ngày Chúa Giê-su lên trời, Chúa giao cho nhóm mười một tông đồ nhiệm vụ thật lớn lao, đó là truyền giáo cho cả thế giới biết Thiên Chúa! Chúng ta tự hỏi: mười một con người đang bất toàn và thiếu ảnh hưởng ấy có thực hiện được sứ mạng toàn cầu không? Chúa có chắc họ chu toàn được sứ mạng Chúa giao không?
- Truyền giáo, nhiệm vụ bất khả thi
Câu hỏi được đặt ra vì nhìn vào con số các tông đồ và sự giới hạn của các ngài trước công cuộc truyền giáo cho muôn dân thật đáng lo. Nhóm Mười Hai bây giờ chỉ còn mười một! Một người đã phản bội Chúa và tự tử, còn lại đều là những người sợ sệt. Các tông đồ hầu hết ít học thức và tầm thường. Có người là dân chài, có người là thu thuế, có người cuồng chính trị v.v. Tất cả họ có lẽ chưa từng đi ra khỏi ranh giới quốc gia mình. Vả lại, thế giới mà họ được Chúa Giê-su sai đi vào không phải là một nơi chốn dễ chịu, mà là một thế giới đầy bất công và bạo lực, chính họ cũng sợ hãi thế giới đó nên muốn co cụm lại với nhau và đóng kín cửa. Chừng ấy lý do cũng đủ thấy, cho dù lạc quan đến mấy, họ không đủ khả năng chu toàn sứ mạng ra đi khắp thế giới rao giảng ơn cứu độ.
Cả chúng ta là các môn đệ của Chúa hôm nay cũng thấy mình không đủ khả năng chu toàn sứ mạng truyền giáo. Nhìn trào lưu tục hóa đang lôi kéo nhiều người xem cuộc sống đời sau như một trò đùa, thậm chí còn cười cợt khi nghe ai nói đến Thiên Chúa, đến những đòi hỏi sống thánh thiện, đến sự liên kết với Chúa Giê-su, khiến tín hữu trở nên nhút nhát không dám loan báo Chúa Giê-su, ngay cả cho những con cháu tự hào có học thức và theo kịp trào lưu thời đại. Có ai ngờ nhiều Ki-tô hữu cho rằng để chứng minh mình có tự do thì phải kết hôn dị giáo và điều này đang trở nên phong trào! Họ tự hào là người tự do, khăng khăng mình không cần phụ thuộc hay liên đới với ai, không cần thừa hưởng ơn Chúa hay lối sống đức tin được Giáo Hội truyền đạt. Họ nghĩ rằng có tiền của và chức phận là những thứ con người nghĩ ra, làm ra mới đáng kể, đến nỗi không còn biết đón nhận những điều lớn lao hơn những thứ con người nghĩ ra, làm ra. Trong một thế giới như thế, nhiều Ki-tô hữu hôm nay đã buông rơi bổn phận truyền giáo của mình, vì cho rằng mình không thể. Sự e ngại truyền giáo đó đã lôi kéo nhiều tín hữu, gồm giáo sĩ và giáo dân, tìm an nhàn và tự ru ngủ mình trong những chuyện lặt vặt đôi khi không liên quan gì đến bổn phận truyền giáo. Chúng ta tựa như người lính ở chiến trường mà cứ mặc sơ-mi quần soọc như đang đi chơi quần vợt hay đi dạo phố vậy!
- Truyền giáo, nhiệm vụ khả thi nhờ liên kết với Chúa
Chúa Giê-su biết rõ hơn chúng ta về môi trường truyền giáo. Chúa cho các môn đệ biết họ được sai đi vào môi trường truyền giáo như chiên đi vào giữa sói rừng, chứ không như đi du lịch. Chúa Giê-su cũng biết môi trường truyền giáo của tín hữu hôm nay là môi trường thế gian, “thế gian ghét các con.” Chúa cũng biết rõ khả năng của các môn đệ và chúng ta nên đã bảo đảm: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta.
Vì vậy, trước khi về trời, Chúa Giê-su đã ủy thác sứ mạng truyền giáo cho toàn thể Hội Thánh, cho các tín hữu mọi thời: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Như vậy, sứ mạng truyền giáo bắt đầu từ khi Chúa Giê-su lên trời và biến cố này bảo đảm rằng nhờ ở bên Chúa Cha, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn bởi thân xác, nên ở cùng chúng ta hơn bao giờ hết và cho chúng ta liên kết với Chúa mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong môi trường có sói dữ hay bị ghét bỏ. Đó là lý do không cho phép Ki-tô hữu trốn tránh sứ mạng truyền giáo và chạy khỏi môi trường Chúa sai chúng ta đến. Không ai làm thay cho Ki-tô hữu bổn phận thánh thiện này. Chẳng lẽ người chưa biết Chúa làm việc này thay cho Ki-tô hữu? Chẳng lẽ Ki-tô hữu chỉ truyền giáo khi mọi sự đều thuận lợi, khi không còn khó khăn? Thưa, truyền giáo là là bổn phận của Ki-tô hữu, vì được rửa tội là được sai đi.
Chúa Giê-su ủy thác sứ mạng trọng đại đó cho những con người yếu đuối không phải vì đinh ninh họ có khả năng thực hiện, nhưng tin tưởng họ dựa vào Ngài và cùng Ngài truyền giáo. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm của ngài như sau: đã ba lần ngài thấy mình yếu đuối và ngài cầu xin, thì Chúa đã đáp lại: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Chúa bày tỏ quyền năng của Chúa trong sự yếu hèn của người được sai đi.
Ơn Chúa củng cố đức tin và niềm trung thành truyền giáo nơi tín hữu, ngay cả khi tệ trạng xã hội leo thang khủng khiếp hay đòi hỏi của Tin Mừng và các giáo huấn của Hội Thánh bị bỏ qua tới mức thê thảm. Dẫu trong tình trạng khó khăn đó, Ki-tô hữu được kêu gọi ý thức bổn phận của mình, không rao giảng để làm nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng, cũng chẳng cắt nghĩa Tin Mừng cho xuôi tai thế gian, nhưng trung thành không chỉ làm việc, mà còn trung thành loan báo những lời của Chúa dạy, cho anh chị em mình hiểu rằng trung tâm của lời rao giảng không phải sự cấm đoán, mà là lời hứa hạnh phúc khi được biết, được sống với Chúa Giê-su và làm môn đệ Ngài trong đời truyền giáo.
Ước gì sự hăng say và dấn thân truyền giáo của chúng ta vừa làm đẹp lòng Chúa, vừa cho anh chị em chúng ta được đón nhận ơn làm con Chúa, là ơn trọng hơn những gì họ nghĩ ra hay làm ra. Xin cho chúng ta có lòng hăng say như thánh Phaolô: truyền giáo bền bĩ, dù thuận tiện hay không thuận tiện, vì tình yêu Chúa thúc bách chúng ta.
SUY NIỆM II
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu
Sau 8 ngày bao vây tấn công mà không tiêu diệt được giáo xứ Trà Kiệu, nên vào ngày 9-9-1885 quân Văn Thân mới quyết định đem súng thần công vể tăng cường. Các khẩu thần công này được đặt ở lưng chừng đồi Kim Sơn (Hòn Bằng) và Bửu Châu (Non Trọc).
Sáng ngày 10-9-1885, họ bắt đàu bắn đại pháo ồ ạt xuống nhà thờ, nhà xứ, Những trận đại pháo khủng khiếp nổ vang dội cả tỉnh. 500 quả đại pháo xuống nhà thờ, nhà xứ. Nhưng lạ thay, không quả đại pháo nào rơi trúng mục tiêu. Suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau nữa (ngày 10 và 11-9-1885) giáo dân Trà Kiệu và Cố Nhơn, đều nghe rất rõ ràng, quân văn Thân ở trên đồi Kim Sơn không ngớt tranh cãi với nhau :
“THẬT LẠ LÙNG, CÓ MÔT NGƯỜI ĐÀN BÀ LUÔN ĐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ. BÀ RẤT ĐẸP, MẶC ÁO TRẮNG , MÀ BẮN KHÔNG TRÚNG”
Chính viên quan xạ thủ, một cựu binh rất sành xử dụng súng thần công, cũng đã thú nhận : “TÔI MUỐN NHẮM BẮN MỘT BÀ ĐẸP MẶC ÁO TRẮNG ĐỨNG TRÊN NÓC NHA THỜ. TẤT CẢ ĐI QUÁ CAO, TRỪ MỘT QUẢ.
Sang ngày 11-9-1885, quân Văn Thân lại càng quyết tâm bắn phá dữ dội hơn nữa. Nhưng sau những trận mưa đại pháo, nhà thờ nhà xứ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một quả rơi trúng phía cuối nhà thờ, nhưng không gây thiệt hại gì…
Mặc dù không được phúc nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng Cố Nhơn tin chắc là Đức Mẹ đã hiện ra để cứu giúp giáo dân. Sau đó, trong một lá thư báo trình về Tòa Giám Mục Qui Nhơn, cha đã quả quyết như sau :
“Đối với con, thú thật là con không được nhìn thấy phép lạ (Đức Mẹ), nhưng buộc con phải tin chắc rằng, đó là phép lạ thôi, vì nhà xứ nhà thờ đã thoát khỏi sự hủy diệt của súng thần công được bắn trực xạ từ một ngọn đồi chỉ cách đó vài chục mét”
(Thư Cố Nhơn gửi cha Gane ở Qui Nhơn tháng 10-1885 – Compte Rendu, 1885, de Missions Étrangères)…
Có một vài lần, giáo dân Trà Kiệu còn nghe quân Văn Thân kêu với nhau : CÓ MÔT ĐẠO QUÂN TRẺ EM , MẶC ÁO TRẮNG VÀ ĐỎ, TỪ TRỜI CAO XUỐNG DỌC THEO CÁC LŨY TRE VÀ TIẾN LÊN NHƯ MỘT ĐẠO QUÂN ĐÁNH GIÚP CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO (theo Phạm Cảnh Đán).
xxx
Câu chuyện Đức Mẹ hiện ra cứu giáo xứ Trà Kiệu giúp chúng ta tin có “trời”, có “thiên đàng”, để chúng ta siêng năng cầu nguyện và hăng say mở mang Nước Chúa.
Bài đọc 1(Cv 1,1-11) : Cha Vũ Phan Long viết vê bđ1 như sau : “Tác giả phác ra những đường nét chính cho quyển thứ hai : ‘Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất’. Truyện của Cv bắt đầu từ Giêrusalem sẽ kết thúc tại Rôma (c 28), trung tâm của một đế quốc đã bành trướng tới tận các biên cương của trái đất được biết đến vào thời đó. Sắp xếp xong mọi sự, Đức Giêsu lên trời. Hai người đàn ông mặc áo trắng xuất hiện bất ngờ để minh giải biến cố cho các môn đệ Đức Giêsu, giống như hai người áo trắng ở bên mộ trống để giải thích cho các phụ nữ (Lc 14,4-7). Bời vì cuộc lên trời xảy ra tại núi Ô-liu, nơi mà Thiên Chúa sẽ đến để phán xét chung và tỏ bày quyền chúa tể trên toàn trái đất (Dcr 14,4-21), hai vị này có thể tiên báo rằng Đức Giêsu sẽ trở lại cũng theo cách như Người ra đi” (Tìm hiểu Công Vụ Tông Đồ, trang 30-31).
Bài Tin Mừng (Mt 28,16-20) : Cha Hồ Thông viết về BTM như sau : “Đức Giêsu ủy thác cho các tông dồ sứ mạng vĩ đại : ‘Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’. Rất nhạy bén trước chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ, Thánh ký hoàn tất tác phẩm của mình trên viễn cảnh bao la muôn dân muôn nước trở thành môn đệ của Đức Kitô’ (Phụng Vụ Lời Chúa. A, trang 359).
Bài đọc 2 (Ep 1,17-23) : Cha Hồ Thông viết về bđ2 như sau : “Trong những thư sau cùng của thánh Phaolô, lời cầu nguyện càng lúc càng quan trọng. Tất cả những thư mà thánh nhân viết trong cảnh giam cầm đều đón nhận thể văn cầu nguyện. Thánh nhân nhắc đi nhắc lại : ‘Anh em hãy cầu nguyện không ngừng. Anh em hãy cầu nguyện mọi lúc’… Thánh Phaolô cầu xin Chúa Cha ban cho các tín hữu thần khí khôn ngoan để họ càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa”. (Sđd, trang 354-355).
Cầu nguyện
Lạy Thhiên Chúa toàn năng hằng hữu,
xin cho cộng đoàn chúng con
biết hoan hỉ vui mừng mà dâng lời cảm tạ
vì hôm nay Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển :
là thủ lãnh, Người đã đi trước mở đường
dẫn chúng con vào Nước Chúa
khiến chúng con là chi thể của Người
nắm chắc phần hy vọng
sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang.
SUY NIỆM III
LÊN TRỜI – HIỆN DIỆN MỚI.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không biết nghe xong đoạn Tin Mừng, anh chị em có thắc mắc gì không, chứ riêng tôi thắc mắc một điều là tại sao hôm nay lễ Chúa Giêsu lên trời mà Tin Mừng chẳng thấy mô tả hay nói gì đến trời, Chúa lên trời bằng cái gì, tự bay lên hay đi tên lửa…? Ta thắc mắc như vậy là có lý, vì theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng: Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết. Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian. Và tầng thứ ba trên mặt đất là trời. Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty. Sống lại, Người trở lại mặt đất. Và hôm nay Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.
Giáo Lý Công Giáo dạy Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và trời, và từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 659). Cho nên trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương. Sự sống của Thiên Chúa không giống sự sống của cây cỏ. Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người. Đó là sự sống thần linh. Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất. Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát. Đó là sự sống viên mãn tràn đầy, sống đời đời, như sự sống của Chúa Giêsu sau khi phục sinh. Cho nên, ai được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đàng. Lên trời hay lên thiên đàng không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống. Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa. Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa. Cho nên, Chúa Giêsu nói “Tôi là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin vào tôi, dù có chết sẽ được sống” (Ga 11,25).
Vậy, Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa. Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý. Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù nhưng Người đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn trong mỗi người chúng ta. Ngài không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngài không còn bị lệ thuộc vào một thân xác cha sinh mẹ đẻ nữa nhưng là thân xác phục sinh vinh hiển nên giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, Ngài hiện diện trong Lời của Ngài, để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ ải và chông gai. Ngài hiện diện trong những người anh chị em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Ngài hiện diện trong tha nhân đặc biệt những người bé nhỏ bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái. Tóm lại, Chúa Giêsu hiện mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời chúng ta. Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, Lời Chúa trong bài đọc 2 Thánh Phaolô khẳng định rằng: Thiên Chúa đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Thiên Chúa đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn”.
Chúa Giêsu lên trời đã mở đường cho nhân loại. Ngài đã tiến về một thế giới sự sống viên mãn và cao cả để cho tất cả mọi người cũng được viên mãn. Ước gì, qua Thánh Lễ mừng Chúa lên trời hôm nay, mỗi người chúng ta hiểu rằng trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm, nhưng trời hay thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu lên trời không phải là bay bổng lên không gian. Nhưng là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu lên trời không phải là xa mặt cách lòng nhưng hiện diện trong tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời. Vì vậy, chúng ta hãy mạnh dạn cùng với Chúa Giêsu bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, tức là sống một sự sống mới, hiện diện mới: đó là sống chân thật hơn, thánh thiện hơn, yêu chân tình hơn, hy sinh nhiều hơn, và tha thứ nhiều hơn với tất cả mọi người trong cuộc sống vì chưng, Chúa Giêsu dạy: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Mẹ Maria của chúng ta cũng đã được Chúa rước lên trời cả hồn lẫn xác nhưng là lữ khách trần gian, Mẹ Maria bước những đi của đức tin tuy nhẹ nhàng nhưng đầy niềm vui và phục vụ; bước những chân nặng nề, cay đắng, gian truân khốn khó nhưng đầy tín thác và hy vọng vì thế Mẹ đã đi tới nơi và trở thành người dẫn lối đưa đường cho chúng ta. Cho nên, Giáo Hội tin và dạy rằng: “Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ không chấm dứt, nhưng Mẹ vẫn luôn tiếp tục cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ được phần rỗi đời đời. Với tình Mẹ hiền, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp biết bao nguy hiểm, thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc Quê Trời” (LG, Số 62).
Chúng ta phải noi gương Mẹ Maria sống đức tin chân thành và kiên trì bằng cách tuân giữ và thi hành Lời Chúa dạy qua việc sống hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh Thần, sau là yêu thương mọi người qua việc khiêm nhường, tha thứ, cầu nguyện và phục vụ tha nhân ngõ hầu mai ngày, Thiên Chúa sẽ đưa ta về Quê Trời như Mẹ. Vì vậy, noi gương Mẹ Maria Mân Côi, chúng ta hãy mạnh dạn lên đường dấn thân và bước đi trong sự tự do, vui mừng và hy vọng để vác thập giá với Chúa Giêsu có Mẹ cùng bước dù những bước chân vui buồn khập khểnh, từng bước đường sướng khổ gập ghềnh trên dương thế hôm nay để rồi không phải dừng lại ở đồi Canvê trong Mùa Thương nhưng cùng với Mẹ hưởng trọn Mùa Mừng vui và hạnh phúc trên Nước Trời như lời kinh Mân Côi chúng ta đọc: “Năm sự Mừng Thứ 5 thì gẫm, Đức Chúa trời thưởng Đức Mẹ trên trời, ta hãy xin cho Đức Mẹ phù hộ cho ta được thường cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng”. Alleluia.
SUY NIỆM IV
Lm. Đaminh Phạm Văn Tụ
“ Thầy không để anh em mồ côi ”
Sau lần đại dịch Covid-19, người ta ước tính trên thế giới có khoảng 7,5 triệu trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Riêng ở Việt Nam theo cục trẻ em ( Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ) cho biết: đại dịch Covid-19 đã làm cho 4,461 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi; trong đó có 193 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhìn vào kết quả khảo sát cho ta thấy một bức tranh thật đau buồn đối với những đứa trẻ mồ côi. Các em phải mất đi một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao quý của cha mẹ dành cho mình mà không có một điều gì có thể bù đắp được.
Khi đứng vào tâm trạng của những đứa trẻ mồ côi, chúng ta mới hiểu được thế nào là sự lạc lõng và đau khổ. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy, đứng trước giờ phút chia ly, Ngài sắp rời bỏ các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Ngài cho các môn đệ biết trước giờ của Ngài sắp đến, và giây phút chia tay đã cận kề; tâm hồn các môn đệ phải xao xuyến, não nề, khủng hoảng và bất an. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an các môn đệ của Ngài: “ Thầy sẽ không để cho anh em mồ côi: Thầy đến với anh em. ” ( Ga 14, 18) . Quả thật, Khi biết rằng giờ của mình sẽ đến, giờ phải chịu khổ hình thập giá để bước vào vinh quang Phục sinh vinh hiển và lên trời về với Chúa Cha, Đức Giêsu sẽ biết mình sẽ không còn hiện diện với các môn đệ theo cách thể lý bằng xương bằng thịt như Ngài vẫn hằng ở với các môn đệ nữa, mà Ngài chỉ hiện diện trong niềm tin của các môn đệ. Điều đó cũng có nghĩa là các môn đệ chỉ thấy sự hiện diện của Ngài trong ánh mắt của niềm tin. Mà ánh mắt của niềm tin nơi các môn đệ nhiều lúc cũng phải chịu thử thách như đi trong đêm tối mù mờ. Nên điều gì sẽ xảy ra với các môn đệ ? Nếu Ngài không xin Chúa Cha ban Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần ở với các môn đệ, gìn giữ và bảo vệ các môn đệ; chắc chắn các ngài sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin, u buồn và thất vọng như những như người con mất cha, người trò mất thầy. Các ngài sẽ không thể một mình chống chọi được với quyền lực của thế gian mà không có Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến ở với các ngài luôn mãi. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ của Ngài, để Ngài ở với các môn đệ, nuôi dưỡng và củng cố niềm tin nơi các môn đệ, để các ngài thấy mình không còn phải cô đơn, lạc lõng như những đứa trẻ mồ côi giữa biển đời đầy phong ba bão táp. Chúa Thánh Thần là sức mạnh của các ngài, giúp cho các ngài vượt qua những sóng gió gian nguy của những thời khắc đau khổ và thử thách nhất trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Thánh Thần ở nơi tâm hồn các môn đệ, Ngài gìn giữ và khơi dậy lòng tin nơi các môn đệ, giúp các ngài can đảm bước ra khỏi đêm tối của sợ hãi, của thất vọng, của yếu đuối, để các ngài làm chứng về niềm hy vọng mà các ngài đã nhận được từ chính Chúa Ki-tô khổ nạn và Phục Sinh, như trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô Tông Đồ đã viết: “Anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em.” ( 1 Pr 3,15-17 ). Niềm hy vọng nơi các môn đệ chính là đức tin và tôn thờ Chúa Giêsu Ki-tô trong lòng, trong tâm hồn và ở lại trong tình thương của Ngài, để các môn đệ cảm nhận được cách sâu xa hơn tình yêu của Chúa dành cho các ngài, để các ngài cũng biết sống trọn vẹn những giá trị của tình yêu huynh đệ; và đó cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em.“. Khi nhắn nhủ điều này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải sống tình yêu huynh đệ đối với nhau trước khi loan báo Tin Mừng và làm chứng về niềm hy vọng cho con người. Để nhờ sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần và ở trong tình yêu của Chúa Giêsu cũng như ở trong tình yêu của Chúa Cha, các môn đệ không còn phải mồ côi vì lúc nào các ngài cũng được sống trọn vẹn sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong niềm tin của các ngài.
Lạy Chúa, khi rời bỏ các môn đệ để về cùng Thiên Chúa Cha, Ngài biết rõ các môn đệ sẽ phải mang một tâm trạng ưu sầu, sợ mình bị mồ côi. Trong lúc nỗi lo buồn bao trùm lên các môn đệ, thì chính Chúa đã nói với các ngài: “Thầy không để anh em mồ côi: Thầy đến với anh em.” Lời Chúa an ủi các ngài trong cơn tuyệt vọng và cho các ngài biết các ngài sẽ không phải chịu cảnh mồ côi.
Trong cuộc sống của chúng con hôm nay, có rất nhiều những bế tắc của phận người, có rất nhiều những lúc chúng con đi vào ngõ cụt của sự thất vọng ê chề và cảm thấy mình lẻ loi với những bước chân thầm lặng trong đêm tối, mà không một tia sáng nào phía trước đợi chờ. Cũng như các môn đệ, Chúa biết chúng con yếu đuối và mỏng giòn, con đường thế gian chúng con đi, là con đường đầy chông gai và thử thách, con đường đầy cám giỗ và nguy nan. Nếu không có Chúa ở lại và ban Thánh Thần cho chúng con, chắc chắn chúng con sẽ ngã quỵ, phải làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và lòng can đảm, để chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa và những hoa trái của Chúa Thánh Thần ban tặng, giúp cho chúng con mạnh mẽ trước phong ba bão táp, trước đau khổ và thất bại, để thấy Chúa luôn là nguồn hy vọng là chốn bình an cho chúng con. Amen.