Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B


CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Ngày 19/5/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Sơn

GIÁO HUẤN SỐ 24

TIÊU CHUẨN LỚN

Các ý thức hệ đánh vào trái tim của Tin Mừng

Tôi lấy làm tiếc rằng các ý thứ hệ nhiều khi dẫn chúng ta tới hai sai lầm đầy tai hại. Một đàng , có loại sai lầm của Ki-tô hữu tách rời các đòi hỏi này của Tin Mừng khỏi mối tương quan cá vị của họ với Chúa, tách khỏi sự kết hợp bên trong của họ với Người, tách khỏi việc mở lòng ra đón nhận ân sủng. Ki-tô giáo như vậy trở thành một loại tổ chức phi chính phủ (NGO), bị tước mất đặc tính thần bí ngời sáng quá rõ ràng như thấy nơi cuộc đời của các thánh Phanxicô Assisi, Vinh-sơn đệ Phao-lô, Tê-rê-sa Calcutta, và nhiều vị khác. Đối với các vị thánh nổi tiếng này thi tâm nguyện, lòng yêu mến Thiên Chúa và việc đọc Tin Mừng không hề tách các ngài ra khỏi sự dân thân nồng nhiệt và hữu hiệu cho tha nhân, mà hoàn toàn trái ngược (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 100).

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Cv  2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 7,37-39

Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”.]

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Ðáp.

Xướng:  Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

“Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Bí tich Thêm sức

Cùng với bt Rửa tội và bt Thánh Thể, bt Thêm sức họp thành bộ ba bt khai tâm vào Ki-Tô giáo. Như CTT đã hiện xuống vào lễ Ngũ Tuần trên các tông đồ đang tập họp. Người cũng hiện xuống với mọi người  đã được rửa tội đang xin Hội Thánh ơn CTT, Bt Thêm sức củng cố họ và tăng sức để họ làm chứng cho Chúa Ki-tô (youcat trang 169).

Thông thường việc ban bt TS dành cho Đức GM. Nhưng khi cần, ĐGM có thể ủy cho lm quyền ban Bt TS. Trường hợp nguy tử, bất cứ lm nào cũng được ban bt TS (Youcat, trang 172).

Trong bản thỉnh nguyện ngày 2-8-1650 cùa cha Đắc Lộ gửi lên các Hồng y Thánh Bộ Truyền Giáo (TBTG) và hai bản khác (ngày 6-3-1651, 5-1652) cũng của Đắc Lộ đệ lên Đức Thánh Cha (ĐTC) Innôcentê X, trình bày tình trạng xứ Truyền giáo Đàng Ngoài, Đàng Trong : cả 2 xứ có từ 200.000 đến 300.000  tìn hữu, mỗi năm số tín hữu ít ra cũng thêm 15.000, mà chưa ai được chịu phép Thêm sức, vì thiếu linh mục nhiều người chết không được chịu các bí tích, lại còn bị cấm đạo làm cho 7 vị tử đạo. Đắc Lộ cho hay rằng, nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu của bổn đạo, thì phải gửi đến VN 300 thừa sai, nhưng trên đường từ Âu Châu đến xứ này sẽ hao hụt (chết vì bệnh, bị tai nạn quay trở lại) mất 100, vì vậy phải gửi đi 400 trừ số bị hao hụt là vừa. Thực tế, chẳng bao giờ có số thừa sai đông như vậy trong một thời gian hai ba năm được phái đi châu Á; đàng khác làm thế bị chính quyền địa phương ngờ vực  là người da trắng kéo quân đi xâm lược. Điều đã xảy ra ở Nhật. Trước mắt cần lớp giáo sĩ VN, vì một điều đáng phàn nàn nhất  là nhiều người ra khỏi đời này mà không được chịu các bí tích do thiếu linh mục. Muốn thế phải gửi ngay các Giám mục đến đây để huấn luyện và truyền chức linh mục cho họ. Bằng chứng về sự kiên trì và trung tín của bổn đạo VN là các vị tử đạo, cho nên người Việt đã bền chì trong chưc vụ linh mục, chứ đừng lo là họ hay thay đổi. Đắc Lộ còn nói rõ là ở VN hiên có  một chủng viện tới 100 chủng sinh, đó là trường Kẻ Giảng (Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục đầu tiên tại VN, trang 57-58).

Bài đọc 1 (Cv  2,1-11) : Cha nguyễn Công Đoan viết về ngày Ngũ Tuần như sau : ‘Cũng như lễ Vượt Qua vốn là ngày lễ nông nghiệp đã trở thành lễ tôn giáo với một ý nghĩa mới, kỷ niệm ngày dân của Chúa thóat ách nô lệ, thì lễ Ngũ Tuần cũng là lễ nông nghiệp biến thành lễ tôn giáo, kỷ niệm ngày Thiên Chúa ban luật giao ước ở núi Xi-nai (Ds 28,16-31).

Chính ngày lễ kỷ niệm Thiên Chúa ban luật giao ước Xi-nai thì Thiên Chúa ban Thánh Thần, tức là luật Giao Ước Mới (Gr 31,33-34; Ed 36,26-27), đúng như Chúa Giê-su đã báo trước : ‘Phần Thầy, Thầy sắp gửi đến cho anh em  điều Cha Thầy đã hứa’, đó là ‘quyền năng từ trời cao ban xuống’ (Lc 24,49), đó là ‘phép rửa trong Thánh Thần’ để cá môn đệ có thể ‘làm chứng nhân’ (Cv 1,58).

Gió và lửa vốn là những yếu tố trong khung cảnh hiển linh của Thiên Chúa trong Cựu ước. Lửa còn mang giá trị thanh luyện (Ml 3,2). Trong trình thuật Chúa gọi các môn đệ đầu tiên Luca đã gợi lại trình thuật ơn gọi của I-sai-a (Is 6,1-8). I-sai-a thấy vinh quang Thiên Chúa trong đền thờ, sơ hãi kêu lên : ‘Khốn thân tôi, vì tôi là một người miệng ô uế… Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng… người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói : ‘Đây, cái này chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha tội’. Sau đó thì ông tự nộp mình cho Thiên Chúa để được sai đi rao giảng. Lc kể lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả loan báo : ‘Ngươi sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa Lc 3,16) (Ngài Đến Đây Làm Gì ?, trang 171)

Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23): ‘Cũng như trong cuộc sáng tạo đầu tiên, hơi thở của Thiên Chúa đã thổi sinh khí và linh hồn vào con người, thì cũng vậy, hơi thở của Chúa Giê-su thông ban sư sống cho tạo thành thiêng liêng. Chúa đã chịu chết để xóa tội trần gian, giờ đây để lại cho những kẻ thuộc về Người quyền tha tội (Lời Chúa Cho Mọi Người, trang 1865).

Bài đọc 2 (1Cr 12,3b-7.12-13): ‘Trong một đoạn dài, thánh Phao-lô so sánh Hội thánh với thân thể con người, để giúp hiêủ rõ, trong Hội thánh chúng ta phải bổ sung cho nhau và tôn trọng nhau như thế nào.

Không có cộng đoàn thật sự, nếu mỗi người không tích cực tham gia đời sống cộng đoàn, bằng cách đem tài năng mình ra phục vụ mọi người. Ngay cả những người ít tài cán  nhất cũng có thể có nhiều tiềm năng, nó sẽ lộ ra khi đến thời đến lúc (Sđd, trang 1987-1988).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần

đến thánh hóa Giáo hội ngay từ buổi sơ khai

và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ

Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

chúng con nài xin Chúa

tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện

mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần

cho mọi tín hữu trên khằp cùng thế giới.

Chúng con cầu xin

SUY NIỆM II

KHI CÁC CỬA BỊ ĐÓNG KÍN

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Cuộc tụ họp âm thầm

Vào buổi chiều ngày Phục sinh, nơi tụ họp của các môn đệ là phòng tiệc ly  Cũng chính tại căn phòng này, trước đó không lâu, Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh thể  Ngoài mối nghi ngờ, các môn đệ còn sợ hãi vì nghĩ rằng các Thượng tế có thể bắt giữ các ông, với tội danh là đánh cắp xác Đức Giêsu  Các ông cũng sợ dân chúng vì có thể họ truy đuổi những người họ không ưa  Thế nên, các ông đã đóng kín mọi cửa ra vào  Các ông như muốn thu mình lại, nương tựa vào nhau mà sống, lòng đầy nghi ngại và sợ hãi

Vậy mà, Đức Giêsu đã đến, đứng giữa các ông, không rõ bằng cách nào, và đã chào các ông: “Chúc anh em được bình an”  Khi các phụ nữ đến thăm mồ, Đức Giêsu đã mời gọi các bà hãy vui mừng, giờ đây, nhờ máu đổ ra trên thập giá, chính Người đích thân đến chúc bình an cho các môn đệ: Đó chính là bình an của người đã đi qua đau khổ, đã trải qua cái chết dữ dằn và nay đã phục sinh  Đó là thứ bình an của Con Người đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho tình yêu, cho sứ mệnh  Đức Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh của mình, và giờ đây, Người đứng giữa những người thân như Hoàng tử Bình an  Người long trọng chúc bình an cho những người thân, những người đang xao xuyến và sợ hãi  Lời chúc ấy thật cần thiết cho các môn đệ đang buồn sầu và lo lắng  Bởi vậy, Đức Giêsu đã lập lại đến 3 lần, như một lời mời, một xác tín rằng chỉ có Người là bình an đích thực, chỉ có Người mới đem lại niềm tin tưởng xuyên qua những khó khăn, những gian truân của cuộc đời

Sự hiện diện của Đức Giêsu trong căn phòng kín thực là một chuyện không bình thường  Biết rõ thái độ không tin của các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Việc gì mà hoảng hốt? Sao lòng anh em lại còn ngờ vực?” (Lc 24,36)  Và Người đã tỏ cho các ông thấy những dấu đinh trên tay và chân Người, cả vết thương ở cạnh sườn: “Cứ sờ xem, ma đâu có thịt có xương như Thầy đây?” (Lc 24,39)  Mặc dù giờ đây Đức Giêsu đã được hưởng vinh quang, đã là Chúa và là Thủ lãnh, nhưng Người muốn được nhìn nhận như Đấng đã chịu đóng đinh  Các vết thương ghê gớm của Người không phải để nhắc nhở sự tàn bạo của con người, nhưng nói lên rằng ơn Cứu độ đã được thực hiện qua đau khổ  Không còn những vết ấy, người ta có thể quên đi việc hiến tế và Đấng Cứu độ cũng chính là vị Tư tế và là của lễ

Thầy cũng sai anh em

Sau khi chứng tỏ cho các môn đệ biết Người đã phục sinh, bằng cách cho họ xem tay, chân, cạnh sườn và ăn uống với các ông, Đức Giêsu lại chúc bình an và sai các ông đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)  Mệnh lệnh này nhắc lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong bữa Tiệc ly: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18)

Đức Kitô đã được sai đến thế gian để bày tỏ Chúa Cha, bởi vì Người đồng bản tính với Chúa Cha; các Tông đồ là những viên đá nền tảng của Vương Quốc, được trao sứ mệnh bày tỏ Chúa Con  Các Tông đồ nhận được mệnh lệnh này từ Đấng Phục Sinh, Đầng mang thương tích của cuộc Vượt Qua  Với hình ảnh này, các ông hiểu rằng như Chúa Con được sai đến để chịu đau khổ hầu cứu cuộc nhân loại, thì các ông cũng được sai đi để đón nhận khổ đau  Các ông phải yêu mến Chúa Cha và Chúa Con, như Chúa Con đã yêu mến Chúa Cha  Sứ mệnh của các ông là tiếp nối sứ mệnh của Đức Giêsu, và vì thế các ông được đồng hóa với Người  Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giêsu cho các môn đệ biết rằng ai từ chối các ông là từ chối chính Người

Như vậy, đang khi các Tông đồ co cụm lại vì sợ hãi, vì buồn phiền, thì Đức Giêsu đã có mặt  Người hiện diện giữa các ông, không phải chỉ để an ủi, làm cho các ông hết sợ, nhưng là sai các ông đi  Chính khi các ông tưởng là mất Thầy, thì Thầy lại đi tìm các ông  Lịch sử của nhân loại luôn là như vậy  Con người tưởng rằng mình đi tìm Thiên Chúa, và không gặp được Người, thì chính Người lại là kẻ đi tìm, là Đấng hiện diện giữa những nơi, những hoàn cảnh không ngờ  Ngay cả khi người ta đóng kín mọi cánh cửa, đóng kín mình lại, Thiên Chúa vẫn hiện diện

Đàng khác, khi các môn đệ đóng kín cửa phòng lại để tìm bình an cho chính mình, thì Đức Giêsu lại sai các ông đi, mời các ông ra khỏi chỗ ở để tìm được bình an đích thực: đó là loan báo Thiên Chúa cho thế giới, và xuyên qua các đau khổ, gian truân trên đường thi hành sứ mệnh, các ông vẫn cảm thấy bình an, thứ bình an do Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh thông ban  Chỉ có người nào thi hành mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô, người ấy mới được bình an

Cuộc tạo dựng mới

Sau đó, Đức Giêsu thổi hơi trên các Tông đồ để thông ban Thánh Thần  Khi Tình yêu đạt tới mức thâm sâu, thì ngôn ngữ chẳng đủ để diễn tả  Tình yêu của Thiên Chúa rất đỗi thâm sâu, chỉ có thể bày tỏ bằng một hơi thở  Các Tông đồ vừa cảm nhận đôi chút về sự phục sinh, thì Đức Giêsu thổi hơi trên các ông như một dấu chỉ và bảo đảm về những điều vừa diễn ra  Hơi thở ấy báo trước một hồng ân dồi dào sẽ được thực hiện qua cơn gió dữ dội vào ngày lễ Ngũ Tuần  Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam để ban cho ông sự sống tự nhiên; giờ đây Đức Giêsu thổi hơi trên các Tông đồ để ban cho các ông sự sống siêu nhiên, để các ông trở thành nền móng cho Giáo hội của Người  Con người đã là hình ảnh của Thiên Chúa nhờ hơi thở của Người, thì các Tông đồ nhận lấy hơi thở để trở nên hình ảnh của Đức Kitô giữa thế giới  Như vậy, cuộc tạo dựng mới là kết quả đầu tiên của ơn Cứu chuộc

Khi thổi hơi trên các Tông đồ, Đức Giêsu phục sinh thông ban cho các ông Chúa Thánh Thần, nhờ thế các ông trở thành những người bạn, chứ không phải là tôi tớ  Như vậy, các ông được kết hợp với sự phục sinh, với vinh quang cũng như với sứ mệnh của Người

Khi thổi hơi trên các Tông đồ, Đức Giêsu phục sinh cũng thông ban cho các ông quyền tha tội, để các ông hòa giải con người với Thiên Chúa, quy tụ một nhân loại mới được chia sẻ sự sống của Đấng Phục Sinh  Cuộc quy tụ ấy được mở đầu vào ngày lễ Ngũ Tuần và được tiếp nối trong không gian, thời gian cho đến ngày Đức Giêsu trở lại  Cuộc quy tụ mới này sẽ không còn phân biệt ranh giới quốc gia, ngôn ngữ hay chủng tộc, nhưng bao trùm cả thế giới “cho tới tận cùng cõi đất”, vì tất cả đều phát xuất từ Thánh Thần, từ hơi thở của Đấng Phục Sinh

Các Tông đồ đã lãnh nhận Thánh Thần và đã được sai đi  “Không thể triệt được Lời” và cũng “không thể nào giam giữ Lời”  Lời luôn thúc đẩy, luôn mời gọi lên đường, và Thánh Thần luôn mở ra con đường đi tới  Đó cũng là sứ mệnh của Giáo hội  Liệu lòng ta có phải là một cánh cửa đóng kín? Hãy mở lòng ra để cơn gió Thánh Linh thổi tan mọi buồn sầu và thất vọng  Hãy mở lòng ra để đón nhận Lời, và đón nhận sức mạnh “Xin mở lòng ra cho trời đất hiện”

SUY NIỆM III

HƠI THỞ SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng hôm nay kể Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ, Người thổi hơi vào các Ông và nói: Anh em hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần”. Chúa Giêsu thổi hơi thì các ông nhận lãnh Chúa Thánh Thần như vậy hơi thở của Chúa Giêsu là hơi thở thần linh, là Đức Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ nhận lấy Chúa Thánh Thần tức là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Vì vậy, trong kinh Tin Kính các Tông đồ ngày xưa tuyên xưng và ngày nay chúng ta cũng tuyên xưng: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra”.

Vâng, Chúa Thánh Thần là hơi thở sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta quay trở về với Sách Sáng Thế kể về việc Thiên Chúa tạo dựng con người đầu tiên: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Rõ ràng, con người là một loài thụ tạo chất chứa đầy mầu nhiệm bí ẩn có nền tảng xuất phát từ bùn đất, nhưng lại có hơi thở sức sống của Thiên Chúa. Rồi hôm nay, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã hà hơi thở vào các Tông đồ và trao tặng họ điều mới, điều trọng đại đó là hơi thở của Thiên Chúa đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần. Cho nên, trong bài đọc 1 Sách Công vụ Tông đồ kể vào ngày lễ Ngũ Tuần các Tông đồ ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, các ông bắt đầu nói các thứ tiếng và can đảm ra đi làm chứng cho Chúa. Nhờ có Chúa Thánh Thần xuống mà ngày lễ Ngũ Tuần Hội Thánh được khai sinh.

Vậy, hôm nay chúng ta có hơi thở của Thiên Chúa, có Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta? Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng Chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần khi chịu Phép Rửa Tội, khi được sức Dầu Thánh, Dầu Thánh được pha hương liệu do Giám mục thánh hiến thổi hơi vào ngày thứ 5 Lễ làm Phép Dầu. Vì vậy khi xức Dầu Thánh cho người chịu Phép Rửa có ý nghĩa là hồng ân Chúa Thánh Thần được ban cho người tân tòng. Họ trở nên một Kitô hữu, nghĩa là người được tháp nhập vào Đức Kitô (Số 1241). Như vậy sau khi Rửa Tội, chúng ta chúng ta được Chúa Thánh Thần tái sinh làm con cái Chúa, gia nhập Hội Thánh và được đổi mới, được sự sống mới. Rồi đến khi lãnh nhận Bí Tích Thêm sức chúng ta được Chúa Thánh ban cho 7 ơn của Ngài để chúng ta sống ơn Bí tích Rửa tội hoàn hảo hơn. Bảy ơn Chúa Thánh Thần: khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, suy biết, đạo đức và kính sợ Chúa.

Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta những đặc sủng (là ơn riêng) và hoạt động khác nhau dưới dấu chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, khởi đầu là Chúa Thánh Thần: Những đặc sủng thì đa dạng, nhưng luôn luôn chỉ có một Thánh Thần. Nhiều thừa tác khác nhau trong Giáo Hội, nhưng luôn luôn chỉ có một Đức Kitô. Nhiều họat động khác nhau, nhưng luôn luôn có một Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong mọi người. Và Thánh nhân đưa ra “luật vàng”: tiêu chuẩn của các đặc sủng phải là vì lợi ích của cộng đoàn. Nghĩa là, nếu không vì ích lợi của cộng đoàn thì những đặc sủng chỉ là giả hiệu. Tiếp theo, thánh nhân đưa ra một sự so sánh nổi tiếng về một thân thể duy nhất với nhiều bộ phận: một Đức Kitô, một Giáo Hội, bất chấp nhiều bộ phận khác nhau. Nguyên tắc của sự duy nhất chính là Thánh Thần, Đấng duy nhất và từ Ngài mà mọi đặc sủng được ban cho tất cả mọi tín hữu. Sự sống Thánh Thần trào dâng trong chúng ta như nguồn nước hằng sống: “Tất cả chúng ta đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”.

Chúa Thánh Thần ban ơn để biến đổi, thánh hóa và có sức sống mới nơi chúng ta từ những con người đã chết vì tội lỗi, yếu đuối, hèn kém, nay có sự sống mới và trở nên những con người mạnh mẽ, can đảm, để chúng ta làm việc cho Nước Chúa, nói về Chúa cho muôn dân, làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Chúng ta phải trung thành với ơn Chúa Thánh Thần, phải dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa, và mưu ích cho đồng loại. Như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu” (Gl 2, 21). Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, hãy sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã khuyên: “Anh em hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí” (Gl 5, 16-17).

Ước gì qua Lời Chúa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, chúng ta hãy biết buông mình để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đổi mới chúng ta, để ta nhận được hoa trái của Thần Khí là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Với những ơn đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ trở thành những “chiến sĩ Phúc Âm”, ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân, can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt thiên hạ, sống thánh thiện hiền hòa, thương yêu nhân ái với hết mọi người ngõ hầu làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống và để xác quyết rằng: Thiên Chúa hằng sống đang sống và đang hành động trong chúng ta và cả trần gian. Amen.

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

Nguồn: giaophancantho.org

  1. HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Chúa Thánh Thần không những ban sự sống mà còn làm cho bộ xương người chết sống lại. Trong thần thoại Hy Lạp, chúng ta đọc về á thần Hercules, con trai của thần Zeus và Alcmena. Anh ta nổi tiếng vì sức mạnh vô song của mình và được nhà vua (người mà anh ta đang phục vụ để đền tội), ra lệnh dọn dẹp chuồng bò của Augeas, nơi nuôi 3000 con bò. Chuồng bò đã không được dọn dẹp trong suốt 30 năm và Hercules được yêu cầu hoàn thành công việc trong vòng một ngày. Đây là một công việc rất khó hoàn thành. Anh ta không thể làm điều đó bằng sức mạnh to lớn của mình, vì vậy anh ta đã hướng dòng sông Alpheus chảy qua chuồng bò và thế là anh hoàn thành nhiệm vụ.

* Chính các tông đồ đã làm một công việc tuyệt vời là thanh tẩy và ban sự sống cho con người bằng cách phục vụ như những máng dẫn cho Chúa Thánh Thần, để tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe lời các ngài thì đón nhận Thánh Thần vào cuộc sống của họ. (Elias Dias in Divine Stories for Families).

  1. ƠN CHÚA THÁNH THẦN

Một bé gái hỏi ông của mình: “Ông và bà có bao giờ đánh nhau không?” Người ông trả lời: “Ông bà không thường nói về chuyện đó, nhưng đã có lúc ông bà không hợp nhau lắm. Ông bà dường như rất hay trách cứ nhau và tìm đủ mọi thứ để tranh luận và thực sự khiến nhau khó chịu. Rồi một hôm ông từ ngoài vườn bước vào nhà và nghe thấy một giọng nói trên lầu. Ông đi đến cầu thang và nghe thấy bà của cháu nói với Chúa những điều mà bà ấy không thể tự mình nói với ông.” Cô cháu hỏi: “Chà, vậy ông làm gì?” Ông trả lời: “Ông lặng lẽ bước lên cầu thang và quỳ xuống bên cạnh bà và kể với Chúa những bức xúc của ông. Và từ ngày đó đến nay, ông bà chưa bao giờ gặp vấn đề nào mà không thể giải quyết bằng cách nói chuyện với nhau và với Chúa.”

* Bạn có nghĩ rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong hôn nhân của cặp vợ chồng đó không? Xung đột luôn là một phần của các mối quan hệ. Hoa trái của Thánh Thần – tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, mềm mại, trung tín và tiết độ – luôn luôn là yếu tố quan trọng để có mối quan hệ hạnh phúc với người khác.

  1. KHO BÁU BÊN TRONG

Một cụ già ăn xin nằm thoi thóp trên giường bệnh. Những lời cuối cùng của ông thật tha thiết nói với cậu con trai nhỏ, người đã luôn đồng hành cùng ông trong những chuyến đi ăn xin. Ông nói: “Con trai yêu dấu, cha không có gì để lại cho con ngoại trừ một túi bông và một cái bát bằng đồng bẩn thỉu mà cha đã nhận được từ một bà giàu có trong những ngày còn trẻ khi đang lượm lặt ở bãi rác.” Sau cái chết của cha, cậu bé tiếp tục ăn xin bằng cái bát mà cha cậu đã đưa cho cậu. Một ngày nọ, một người buôn vàng bố thí một đồng xu vào trong cái bát của cậu và ông ta rất ngạc nhiên khi nghe thấy âm thanh quen thuộc như của một chiếc nhẫn. “Hãy để ta kiểm tra cái bát của mày,” người thương gia nói. Trước sự ngạc nhiên tột độ, ông ta phát hiện ra rằng cái bát của đứa ăn xin được làm bằng vàng nguyên chất. Ông ta nói: “Cậu thiếu niên thân yêu của tôi ơi, tại sao cậu lại lãng phí thời gian của mình để ăn xin như thế? Cậu thật sự là một người giàu có. Cái bát đó của cậu trị giá ít nhất là năm mươi nghìn đô la”.

* Kitô hữu chúng ta thường giống như cậu bé ăn xin này, đã không nhận ra giá trị của ơn sủng vô biên của Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta. Lễ Hiện Xuống cũng là ngày để chúng ta canh tân những lời đã hứa với Chúa trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, để tuyên xưng đức tin và thực hành đức tin.

  1. THẢ XÔ XUỐNG VÀ NẾM THỬ

Hơn một thế kỷ trước, một con tàu buồm lớn bị mắc cạn ngoài khơi Nam Mỹ. Những ngày sau đó, con tàu nằm bất động trong làn nước tĩnh lặng không một chút gió. Thuyền trưởng tuyệt vọng; còn thủy thủ đoàn thì chết khát. Nhưng một ngày kia, ở phía chân trời xa tắp, một con tàu hơi nước xuất hiện, hướng thẳng về phía họ. Khi nó đến gần, thuyền trưởng gọi: “Chúng tôi cần nước! Cho chúng tôi nước uống!” Con tàu hơi nước trả lời: “Thả xô xuống chỗ bạn đang ở.” Thuyền trưởng rất tức giận trước câu trả lời ung dung này nhưng vẫn gọi lớn: “Làm ơn, cho chúng tôi nước.” Nhưng tàu hơi nước lại đưa ra câu trả lời tương tự: “Thả xô xuống nơi bạn đang đứng!” Và cùng với câu nói đó, họ đã bỏ đi. Thuyền trưởng hết sức sự tức giận và tuyệt vọng, và ông ta đi xuống phía dưới tàu. Nhưng một lúc sau, khi không có ai nhìn, một tín hiệu viên đã tò mò đưa một cái xô xuống biển và múc nước nếm thử: Vô cùng bất ngờ! Đó là nước ngọt, hoàn toàn có thể sử dụng để uống và nấu nướng! Bạn thấy đấy, con tàu chỉ vừa ra khỏi cửa sông Amazon. Và trong suốt những ngày đó, họ đã ở ngay trên vùng nước ngọt mà họ cần!

* Điều chúng ta thực sự đi tìm đã ở ngay trong chúng ta. Đó là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong chúng ta từ lúc chúng ta chịu phép Rửa Tội. Vậy hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta dồi dào nguồn nước ơn thánh sủng.

 

  1. CÂU CHUYỆN CÁI THANG MÁY

Hai anh em lớn lên trong một gia đình ở một vùng nông thôn Kiên Giang. Người anh đi học, thông minh giỏi dang mau chóng thành tài. Anh tốt nghiệp tại một trường Đại học uy tín và trở thành một kỹ sư nổi tiếng, rồi làm việc ở nước ngoài. Người em bằng lòng ở nhà làm ruộng. Vài năm sau, người anh uyên bác được mời về thuyết trình cho một tập đoàn đầu tư nước ngoài tại khách sạn Hoàng Gia, Sài Gòn. Đã lâu anh ta không gặp em mình nên muốn mời em đưa gia đình vào khách sạn để hai gia đình có chút thời gian hàn huyên gặp gỡ. Người em ở nông thôn chưa bao giờ bước ra khỏi một thị trấn lớn hơn Tân Hiệp. Anh cùng vợ và con trai thuê xe đi lên Sài Gòn. Sau gần một ngày trải nghiệm mệt mỏi và khó chịu đi qua các đường cao tốc giữa các tỉnh thành, họ dừng lại trước khách sạn Hoàng Gia sang trọng. Người nông dân để vợ lại trên xe. Anh và con trai vào bên trong để tìm phòng. Ngay trong lối vào có nhiều điểm thang máy. Người nông dân chưa bao giờ biết thang máy hoạt động ra sao. Anh quan sát một phụ nữ trung niên to béo, ăn mặc bình thường bước vào một trong những phòng nhỏ của thang máy. Các cánh cửa đóng lại. Sau khoảng một phút, cánh cửa mở ra và bước ra là một cô gái trẻ đẹp, dáng vẻ vô cùng khả ái duyên dáng. Đôi mắt của người nông dân mở căng ra, miệng há hốc. Anh lấy tay đẩy con trai mình và nói: ‘Con trai, mau đi gọi mẹ mày vào đây. Tao sẽ cho bà ấy vào ngay cái phòng đó để bà  trẻ lại!”

* Chỉ qua biến cố Lễ Ngũ Tuần mà một nhóm người kém cỏi, hoang mang sợ hãi đã trở thành chứng nhân can đảm, dũng lược làm chứng cho Chúa Kitô. Tất cả đều do ơn Chúa Thánh Thần.

  1. CÁC ĐẶC SỦNG KHÁC NHAU

Ông Max Herr, 75 tuổi, nghỉ hưu vào tháng 3 năm 1981, sau 52 năm là người thợ sửa đồng hồ chính thức của tòa thánh Vatican. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đón người thợ đồng hồ sinh ra ở Đức này cùng với gia đình trong một buổi tiếp kiến ​​đặc biệt vào thời điểm ông nghỉ hưu. Có khoảng 50 đồng hồ quả lắc ở Vatican. Kể từ năm 1929, Herr đã thực hiện việc lên dây và chỉnh lại giờ giấc vào các ngày  thứ sáu hàng tuần. Khi chúng không cần phải sửa chữa, thì ông lau dầu hoặc kiểm tra lại các máy móc. Sáu vị giáo hoàng từng là bạn của ông, và ông có nhiều kỷ niệm “nghề nghiệp” với các ngài. Giáo hoàng Piô XII từng yêu cầu ông chỉnh tất cả đồng hồ trước mười lăm phút. Giáo hoàng Phaolô VI nhận thấy đồng hồ tích tắc là một điều gây mất tập trung, vì vậy ngài chỉ giữ một chiếc đồng hồ trong phòng của mình: một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ mà ngài đã sử dụng từ những ngày còn ở chủng viện. Những người bạn Mỹ đã tặng Đức Gioan Phaolô II một chiếc đồng hồ chuông “đại tượng” khi ngài được phong làm Giáo hoàng. Max Herr chắc chắn không phải là nhân vật quan trọng gì trong các bộ phận ở trung tâm của Giáo hội Công giáo. Nhưng vai trò của ông ở Vatican, dù khiêm tốn đến đâu, cũng là một chuyên gia và không thể thiếu.

* Theo một nghĩa nào đó, trong suốt 52 năm, người thợ đồng hồ người Đức này đã giữ cho cả Giáo hội tiếp tục hoạt động! Đó là ý của Thánh Phaolô khi ngài nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa” (1 Cr 12,4-5). “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung” (1 Cr 12, 7).

  1. CỬ HÀNH LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Ở châu Âu, đã có một thời kỳ lịch sử mà người ta gọi là Thời kỳ Đen tối. Nó bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ năm và tiếp tục trong 600 năm tiếp theo. Bạn có thể nói đó là thời kỳ suy thoái kéo dài 600 năm – thực phẩm khan hiếm, mọi người sống kiểu “hai tay vày lỗ miệng” – và nền văn minh phương Tây gần như được treo bằng sợi chỉ. Tuy nhiên một điểm độc sáng tỏa ra từ các nhà thờ mỗi địa phương. Việc xây dựng nhà thờ, ngay cả nơi các thị trấn nhỏ, đã đem lại công việc cho hàng nghìn người. Những tòa nhà này trở thành trung tâm văn hóa, xã hội và tâm linh cho cuộc sống mọi người dân. Những bức tranh tường, cửa sổ kính màu, tác phẩm điêu khắc và những bức phù điêu đã giúp dạy những câu chuyện tuyệt vời về Kinh Thánh vào thời điểm mà rất ít người có thể đọc được chữ. Với ý nghĩ này, một số người xây dựng nhà thờ đã chọn cách gây ấn tượng với mọi người về ý nghĩa của Lễ Hiện Xuống. Trên trần nhà có mái vòm lớn và sơn màu đa dạng là một số cửa nhỏ được ngụy trang cẩn thận. Trong giờ cử hành ngày Lễ Hiện Xuống khi mọi người tập trung trong nhà thờ, thì một số giáo dân lén lút trèo lên mái nhà. Vào thời điểm thích hợp trong thánh lễ, họ sẽ thả một con chim bồ câu qua một cánh cửa nhỏ. Con chim bồ câu này sẽ bay sà xuống trên cộng đoàn như một biểu tượng sống động về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Cùng lúc đó, dàn ca viên trong ca đoàn sẽ tạo ra các tiếng ồn như tiếng gió thổi; rồi những cánh cửa trên trần nhà thờ lại được mở ra và lần này những cánh hoa hồng được thả bay tứ tung trên cộng đoàn, tượng trưng cho những hình lưỡi lửa rơi xuống trên những người đang dự lễ. Bạn có thể tưởng tượng tác động của những việc làm này như thế nào đối với các Kitô hữu thời Trung cổ mà cuộc sống buồn tẻ và vất vả luôn vây kín họ. Họ có thể không được đọc về Lễ Hiện Xuống từ Kinh Thánh nhưng việc trình diễn một cách cụ thể này hẳn đã để lại trong tâm hồn họ những ấn tượng lâu dài.

  1. AGGIORNAMENTO

Angelo Giuseppe Roncalli (1881-1963) là con thứ ba trong số 13 người con sinh ra trong một gia đình nghèo người Ý vào năm 1881. Vì rất thông minh nên sau khi được tấn phong làm giám mục năm 1925, ngài đã phục vụ với tư cách là Khâm sứ Tòa Thánh ở Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Năm 1953, ngài trở thành Thượng phụ của Venice cũng là một hồng y. Khi Đức Giáo hoàng Piô XII qua đời vào ngày 9 tháng 10 năm 1958, Đức Roncalli được bầu làm giáo hoàng ở tuổi 77 với tên gọi là Gioan XXIII. Ngài được coi là một giáo hoàng chuyển tiếp, và không ai mong đợi nhiều ở ngài.

* Tuy nhiên, ngài đã khiến thế giới ngạc nhiên khi triệu tập Công đồng Vatican II và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho một Lễ Hiện Xuống mới. Ngài tin rằng chỉ khi có sự tuôn đổ ơn của Chúa Thánh Thần thì Giáo hội mới có thể được đổi mới và cập nhật (aggiornamento). Đó là lý do tại sao ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho một Lễ Hiện Xuống thứ hai giống như lễ đầu tiên. (Cha Jose CMI).

  1. CHUYỆN VUI

Ơn biết lo liệu

Ngay sau khi nhận được bằng lái xe, con trai của một mục sư Lutherô nói về việc sử dụng chiếc xe hơi của gia đình. Cha anh nói: “Cha sẽ đặt điều kiện với con: Hãy cải thiện điểm học của con, đọc Kinh Thánh thường xuyên hơn và cắt tóc. Sau đó, con có thể sử dụng xe một hoặc hai lần một tuần.” Một tháng sau, người cha gặp con. Ông nói: “Con trai, cha tự hào về con. Cha thấy con học tập chăm chỉ và đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Nhưng con đã không cắt tóc.” Sau một lúc ngập ngừng, cậu con trai trả lời: “Vâng, con đã nghĩ về điều đó. Nhưng Samson để tóc dài, Môisen để tóc dài, và ngay cả Chúa Giêsu cũng để tóc dài”. Người cha trả lời: “Đúng, nhưng có lẽ con phải để ý rằng họ đi bộ đến bất cứ đâu.”

Ơn đạo đức

Một người đàn ông ngoan đạo, đã 105 tuổi, đột nhiên ngừng đến hội đường. Lo lắng về sự vắng mặt của người bạn cũ sau rất nhiều năm trung thành tham dự, Rabbi đã đến gặp ông ta. Rabbi thấy ông vẫn còn có sức khỏe tuyệt vời, vì vậy ông hỏi: “Tại sao sau ngần ấy năm, chúng tôi lại không thấy ông đi tham dự nữa?” Ông già hạ giọng: “Tôi sẽ nói với bạn, Rabbi, khi tôi 90 tuổi, tôi mong Chúa cất tôi bất cứ ngày nào. Nhưng rồi tôi 95, rồi 100, rồi 105. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Chúa rất bận rộn và chắc hẳn đã quên tôi, nên tôi không muốn nhắc đến Ngài nữa.

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm