Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A


Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A

1-3-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thanh Bình

GIÁO HUẤN SỐ 14

Lịch Giáo Phận trang 52

Giữa hai trình thuật trên, chúng ta tìm thấy một trình thuật khác giới thiệu Đức Giêsu ở tuổi thiếu niên, Khi Người cùng với cha mẹ mình trở về Nadarét sau biến cố lạc mất và tìm thấy trong Đền thờ (x. Lc 2,41-51). Ở đây chúng ta đọc thấy rằng “Người vâng lời cha mẹ” (x. Lc 2,51). Người không phủ nhận gia đình mình. Rồi Luca thêm rằng Giêsu “lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2,52). Tóm lại, đây là một thời gian chuẩn bị, trong đó Đức Giêsu lớn lên trong tương quan với Cha và với tha nhân. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Đức Giêsu không chỉ lớn lên về thể lý, mà còn “có một sự trưởng thành tâm linh nơi Đức Giêsu nữa”, “vì sự sung mãn của ân sủng nơi Đức Giêsu tương ứng với độ tuổi của Người: luôn có một sự sung mãn tăng trưởng khi Người lớn lên”. Từ những gì Tin Mừng nói với chúng ta, ta có thể nói rằng trong những năm tuổi trẻ, Đức Giêsu “rèn luyện”, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Cha. Tuổi thiếu niên và thanh niên của Đức Giêsu đặt Người trên nẻo đường sứ mạng cao cả ấy. (Tông Huấn Đức Kitô Hằng sống, số 26&27)

——————————————————

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM A

(St 2,7-9; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11)

 

Cha thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm người họ An Do, gần cửa Tùng, Quảng trị. Ngài theo học chủng viện Kẻ Vĩnh, Nam Định. Sau khi lãnh chức linh mục, ngài được sai về xứ Cồn Nam và hạt Bố Chính, Nghệ An. Tập sách “Thiên Hùng Sử” viết về cha như sau : “Cha Vinh Sơn Điểm nêu gương vị mục tử đạo đức, nhân từ, hay thương giúp người nghèo khổ, chuyên cần giảng truyền Lời Chúa, nhiệt tình ban phát các bí tích cho giáo dân và loan báo Tin Mừng cho muôn dân. . Ngài rất quan tâm chuyên chú huấn luyện và đào tạo các Thầy Giảng. Mặc dầu đã cao niên, với tinh thần hy sinh cao độ, ngài vẫn ăn chay mỗi tuần hai ngày thứ tư và thứ bẩy, hẳn là cố ý kính thánh Giuse và Đức Mẹ.  Ngài nói: “Lời cầu nguyện phải đi đôi với việc hy sinh hãm mình, có như thế thì công việc tông đồ mới mong có kết quả tốt, và mới được Chúa và Đức Mẹ chúc phúc”.

Ngài được phúc tử đạo ngày 24-11-1838 thời vua Minh Mạng (THS trang 404).

Trong Tự Điển Công Giáo năm 2016, từ “Chay tịnh”: chay có nghĩa là kiêng, tịnh là sạch sẽ. Chay tịnh là kiêng khem để giữ mình thanh sạch. Chay tịnh là giữ gìn thân xác và tâm hồn trong sạch bằng cách tuân giữ các giới luật tôn giáo và tiết giảm ăn uống. Chay tịnh là một hình thức sám hối, thực hành việc khổ chế để tưởng nhớ Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô, bằng cách hạn chế việc ăn uống và việc thụ hưởng các nhu cầu khác (trang 121).

Bài đọc 1:

Kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” là: “Thứ nhất: Khiêm nhường chớ kiêu ngạo. Thứ hai: Rộng rãi chớ hà tiện. Thứ ba: Giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục. Thứ bốn: Hay nhịn chớ hờn giận. Thứ năm: Kiêng bớt chớ mê ăn uống. Thứ sáu: Yêu người chớ ghen ghét. Thứ bảy: Siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng”.

Bđ1 kể chuyện sa ngã của hai ông bà Ađam và Evà. Ông bà sa ngã vì hai lý do:

1/ Kiêu ngạo: ông bà kiêu ngạo, phạm tội thứ nhất trong kinh: muốn là thần biết điều thiện điều ác như ma quỉ cam dỗ: “Rắn nói với người đàn bà: ‘Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 2,4-5).

2/ Mê ăn uống: ông bà đã mê ăn uống, phạm tội thứ năm trong kinh: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt…Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng; họ mới kết lá và làm khố che thân” (St 2,6-7)

Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng kể về cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu trước cơn cám dỗ của satan. Trái với hai ông bà, Chúa đã chiến thắng vì như Chúa nói với ma quỉ: “Đã có lời chép rằng: Người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

 Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giảng ngày 17-2-2002 như sau : “Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không xem thường những của cải tốt lành của thế gian, vì Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi sự tốt lành, đã tạo dựng ra chúng. Chúng ta không sao lãng nhu cầu cơm bánh, một nhu cầu lớn lao, mà mọi người trên khắp thế giới đều cần. Quả thực nếu chúng ta phớt lờ nhu cầu căn bản này nơi anh chị em chúng ta là những người chúng ta thấy được, thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng chúng ta không thể trông thấy (1Ga 4,20). Và như vậy vẫn còn một sự thật là :“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà thôi”. Nhân loại có một nhu cầu sâu xa hơn. Đó là đói khát sự bao la của Thiên Chúa. Đó là cái đói chỉ có thể được thỏa mãn bới Thiên Chúa, Đấng đã nói : “Nếu các ông không ăn thịt và uông máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống tôi sẽ có sự sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,53-55) (Lm Nguyễn Văn Chữ OP chuyển ngữ, Hành Trình Mùa Chay, trang 20).

Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Trong Luật Giáo Ước Xi-nai, sau phần các điều luật về cuộc sống (Xh 20-24) là những qui định về việc tế tự và các tư tế (Xh 25-31). Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu không nói về việc tế tự, nhưng nói về “Bố Thí – Cầu Nguyện – Ăn chay”, đó là “bộ ba” các việc đạo đức trụ cột từ thời Cựu Ước. Bộ ba này liên hệ mật thiết với nhau. Bố thí không chỉ là việc thương người nhưng còn là việc thờ phương Thiên Chúa – Cầu nguyện đứng giữa, vì làm cho cả cuộc sống và mọi việc đạo đức có ý nghĩa – Ăn chay không chỉ để hãm mình, làm chủ bản thân, làm chủ của cải vật chất, nhưng là để thờ phượng Thiên Chúa và chia sẻ cho người nghèo bằng việc  bố thí” (Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 45).

Cha Đoan viết thêm : “Cả ba việc đạo đức : bố thí, cầu nguyện, ăn chay, đều là thờ phượng Thiên Chúa. Nếu đã là thờ phượng Thiên Chúa, thì phải thành thật, không phô trương, tự đáy lòng, vì Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn. Bố thí là sử dụng của cải Thiên Chúa ban để chia sẻ với anh chị em mình, “những kẻ ở cùng lều” trên mặt đất này. Cầu nguyện là sống mật thiết với Thiên Chúa trong tư thế một người con đang lữ hành trên mặt đất, cần của ăn, cần được Thiên Chúa tha thứ và biết tha thứ cho những anh chị em đồng hành, cần được Thiên Chúa giữ gìn cho khỏi bị cám dỗ và giải thoát khỏi tay ma quỉ luôn rình rập như sư tử tìm mồi cắn xé. Ăn chay là để tôn vinh Thiên Chúa, sống tương quan làm chủ thế giới vật chất, và chia sẻ với anh chị em. Việc thờ phượng nào cũng bao gồm cả ba chiều kích : Thiên Chúa, thế giới thọ tạo và anh chị em đồng hành trên đường về quê trời” (Sđd, trang 62).

Bài đọc 2 :

Nhóm CGKPV giới thiệu thời điểm của thư Rôma như sau : “Khoảng cuối hành trình truyền giáo thứ ba (53-58), thánh Phao-lô bấy giờ đang ở Cô-rin-tô (57-58). Người cảm thấy trách nhiệm tông đồ của mình ở Đông Phương sắp kết thúc. Chỉ còn một việc phải làm, đó là mang những gì đã lạc quyên được trao cho giáo đoàn Giê-ru-sa-lem. Người dự tính sau khi hoàn thành công tác đó, người sẽ đi Tây Ban Nha và trên đường đi sẽ ghé qua Rô-ma (x. Cv 19,21; Rm 15,23-32). Không biết thánh Phao-lô có thực hiện được dự tính ấy không. Chỉ biết rằng để chuẩn bị cho chuyến đi này, người đã viết một bức thư gửi cho ‘các anh em đang ở Rô-ma’ (1,7). Tức là các Ki-tô-hữu đang sống tại thủ đô của đế quốc” (Kinh Thánh ấn bản 2011. trang 2479).

Trong thư Rôma, bài đọc 2, thánh Phao-lô viết : “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã ovâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người ocông chính n (Rm 5,18-19.

Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết : “Bài thư Phaolô đáp lại chờ mong của chúng ta , đem đến một tin mừng cứu độ : Đức Kitô đã chiến thắng cho chúng ta hết thảy. Người là người con duy nhất của Thiên Chúa đã đến làm lại lịch sử của Dân Chúa, đã cứu chuộc toàn dân lầm lẫn. Người là Môsê mới được gửi đến để giúp dân không còn thử thách Chúa nữa, một tin vững vàng Ngài đang ở với mình” (Giải Nghĩ Lời Chúa Năm A, trang 69).

Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên dạy chúng ta : “Ước gì Đức Trinh nữ Maria, là mẫu gương tuyệt vời trong việc vâng lời Thiên Chúa và trong niềm tin tưởng vô điều kiện vào thánh ý Thiên Chúa, nâng đỡ chúng ta trên con đường Mùa Chay này, để chúng ta có thể sẵn sàng ngoan ngõan lắng nghe Lời Thiên Chúa, hầu có được một cuộc hối cải tâm hồn đích thật (JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trang 101). Vậy trong Mùa Chay này, chúng ta sốt sắng cầu nguyện với Mẹ Trà Kiệu, đẻ cải đổi tâm hồn trở về với Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành