Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C


Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C

10-3-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thanh Bình

GIÁO HUẤN SỐ 15

Thách Đố của Những Cuộc Khủng Hoảng (tt)

Lịch Giáo Phận trang 50

Người ta còn có những khủng hoảng cá nhân ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng, thường liên can đến những khó khăn về kinh tế, việc làm, tình cảm, xã hội, tinh thần. Và còn thêm những tình huống bất ngờ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình đòi hỏi một hành trình của tha thứ và hòa giải. Chính trong lúc tìm cách tha thứ, mỗi người phải tự hỏi trong khiêm tốn và yên lặng xem liệu mình có tạo cơ sở cho người kia phạm lỗi không. Một số gia đình tan vỡ khi vợ chồng kết án lẫn nhau, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, với một sự trợ giúp thích đáng và với những hành động hòa giải, và với những hành động hòa giải nhờ ơn sủng, một tỉ lệ lớn các khủng hoảng hôn nhân được khắc phục cách thỏa đáng. Biết tha thứ và cảm nhận mình được tha thứ là một kinh nghiệm cơ bản trong cuộc sống gia đình. Nghệ thuật vất vả của việc hòa giải, đòi hỏi sự hỗ trợ của ân sủng, cần sự hợp tác quảng đại của bà con và bạn hữu, và đôi khi cũng cần một sự giúp đỡ bên ngoài và chuyên nghiệp. Nghệ thuật kiên trì của hòa giải vốn cần sự nâng đỡ của ân sủng, sự cộng tác quảng đại của bà con và bạn bè, và đôi khi cũng cần sự giúp đỡ từ bên ngoài và những hỗ trợ chuyên môn (Niềm Vui của Tình Yêu số 236).

————————————————–

CN 1 MC NĂM C

(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)

Sách Tin Mừng thánh Mát-thêu kể câu chuyện “Truyền tin cho thánh Giu-se” như sau : “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : ‘Này ông Giu-se, con cháu  Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang, là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’. Tất cả việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ : ‘Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh con trai, và ông đặt tên cho con là Giê-su” (Mt 1,18-25).

Chúa nhật đầu tháng 3, tháng thánh Giu-se, chúng ta kể nhân đức “im lặng” của thánh Giu-se. Cha Galot SJ viết : “Là người cuả im lặng, thánh Giu-se vẫn là một giáo huấn sống đối với thời đại và thế giới chúng ta. Chắc chắn im lặng là một giá trị đối với bất cứ thời đại nào. Nhưng thời đại chúng ta nổi bật bởi vô số tiếng ồn ào và lời nói, do sự phát triển của những kỹ thuật truyền thông. Nhờ những kỹ thuật này, lời nói của con người lan tràn một cách dễ dàng hơn, và con người đối thoại với người đồng loại thường xuyên hơn.

Sự tiến bộ này có nhiều ưu điểm; tuy nhiên nó làm lan truyền sự giảm sút đời sống nội tâm. Một vài cuộc sống có nguy cơ biến mất trong những thỏa mãn bên ngoài mà những phát minh của thế giới hiện đại không tiếc cho trí tuệ và các giác quan.

Thánh Giu-se nhắc nhớ rằng người ta chỉ có thể đón nhận Chúa Ki-tô và mầu nhiệm của Người bằng sự thinh lặng. Chính sự im lặng này đã cho phép ngài cũng như Đức Ma-ri-a “lưu giữ trong trái tim” và “suy niệm” mầu nhiệm mà ngài chứng kiến (Lc 2,19.51)…

Thánh Giu-se yêu mến sự im lặng bởi vì ngài mong muốn thấy mình đối diện với Thiên Chúa. Ngài không sợ sự buồn chán của tình trạng đơn dộc, bởi vì bất cứ sự đơn độc nào đối với ngài cũng là sự hiện diện hiện của Chúa…

Chúa nhật hôm nay, chúng ta kể nhân đức “làm như sứ thần Chúa dạy” của thánh Giu-se, hay nói cách khác “sống theo Lời Chúa dạy”. “Im lặng để nghe tiếng Chúa”. “Im lặng để nghe tiếng Chúa dạy’. Ba bài đọc thánh lễ hôm nay thúc giục chúng ta theo gương thánh Giu-se lắng nghe tiếng Chúa dạy.

Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay kể ba cuộc cám dỗ mà ma quỉ cám dỗ Chúa Giê-su :

  • Cám dỗ thứ nhất về miếng ăn :

Quỉ cám dỗ : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi”. Nhưng Chúa Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,3-4).

Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết trong tập sách :”Đức Giê-su Thành Na-da-rét” : “Có hai câu chuyện về bánh trong đời Đức Giê-su. Việc hóa bánh cho năm ngàn người ăn, là những người đi theo Đức Giê-su vào hoang mạc. Tại sao ở đây Đức Giê-su lại làm, điều mà trong cơn cám dỗ lại từ chối ? Nhiều người đến để nghe Lời Chúa, đã bỏ tất cả đàng sau lưng. Tâm hồn những người này đã mở ra cho Thiên Chúa và cho anh em, nên họ có thể nhận được lương thực cách đúng đắn. Về phép lạ bánh có 3 điểm nổi bật: việc tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Lời Người, tìm kiếm định hướng đúng đắn cho cả cuộc đời. Bánh chỉ được van xin Thiên Chúa một cách âm thầm. Cuối cùng, sự sẵn sàng của hai bên trở thành yếu tố căn bản cho phép lạ. Việc lắng nghe lời Chúa trở thành cuộc sống với Thiên Chúa và hướng dẫn từ niềm tin đến tình yêu, đến việc khám phá tha nhân. Đức Giê-su không dửng dưng trước cái   đói của con người, trước nhu cầu vật chất  của họ, nhưng Người đặt chúng vào liên hệ đúng đắn và trật tự thích hợp.

 Câu chuyện thứ hai về bánh hướng vào  câu chuyện thứ ba và như thế chuẩn bị cho chuyện này : bữa tiệc cuối cùng trở thành bí tích Thánh Thể cho Hội thánh và trở thành phép lạ thường xuyên của Đức Giê-su về bánh. Đức Giê-su trở thành hạt giống phải chết đi để đem lại nhiều hoa trái (Ga 12,24). Người trở thành Bánh cho chúng ta để được hóa bánh trước tràn đầy cho đến tận cùng thời gian. Như thế, bây giờ chúng ta mới hiểu được lời của Đức Giê-su, rút rừ Cựu Ước (Đnl 8,3), để xua đuổi tên cám dỗ : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời  từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Về đề tài này có một câu nói nổi tiếng  của vị linh mục dòng Tên người Đức Alfred Delp bị Quốc Xã hành hình : “Bánh quan trọng, tự do quan trọng hơn, nhưng quan trọng nhất là lòng trung thành kiên vững và sự tôn thờ không phản bội” (Lm Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ, sđd, Tập I, trang 63-64).

  • Cám dỗ thứ hai về quyền hành và vinh hoa lợi lộc

Quỉ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Đức Giê-su đáp lại  “Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,5-8).

Đức Bê-nê-đíc-tô 16 viết : “Nhưng Đức Giê-su cũng phải nói với chúng ta điều Người đã chống lại Satan, điều Người đã nói với thánh Phê-rô và điều Người đã giải thích cho các môn đệ Emmaus: không một vương quốc trần gian nào là vương quốc của Thiên Chúa, là tình trạng cứu độ của nhân loại. Vương quốc của con người vẫn là vương quốc của con người, và ai cho rằng mình có thể thiết lập một thế giới được cứu độ, người đó sẽ lặp lại câu giả trá của Satan và thao túng vũ trụ trong tay mình. 

 Như thế, vẫn còn câu hỏi quan trọng đi theo chúng ta suốt cả quyển sách. Đức Giê-su đã mang lại điều gì, nếu như Người không đem được bình an cho thế giới, thịnh vượng, hạnh phúc cho mọi ngưới, không đem một thế giới tốt đẹp hơn ? Vậy thì Người đem lại điều gì ?

 Câu trả lời đơn sơ : Thiên Chúa. Người đem Thiên Chúa cho chúng ta. Người đem Thiên Chúa đến, mà gương mặt của Thiên Chúa này từ thời ông Abraham, sang ông Môisen và các ngôn sứ đến các sách Khôn Ngoan chỉ dần dần tỏ lộ – Thiên Chúa, Đấng chỉ tỏ hiện gương mặt thật của mình trong nước Israel và chỉ được tôn thờ dưới nhiều bóng dáng mờ ảo trong các dân tộc trên thế giới – Chính Đức Giê-su  mang Thiên Chúa này, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa chân thật đến cho muôn dân trên trái đất (Lm Nguyễn văn Trinh chuyển ngữ, sđd, Tập I, trang 78-79).

  • Cám dỗ thứ ba : thử thách Thiên Chúa.

Quỉ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông lá Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,9-12).

Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết : “Trọng điểm trong câu trả lời của Đức Giê-su rút từ sách Đnl (6,16) : “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em”. Lời này trong sách Đnl ám chỉ câu chuyện Ít-ra-en bị cơn khát hăm dọa trong sa mạc. Thế là dân nổi loạn chống ông Mô-sê, đó cũng là nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa được diễn tả trong Thánh Kinh : ‘Con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng : ‘Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không ?’ (Xh 17,7). Như thế, ờ đây nhắm vào điều đã được báo trước : Thiên Chúa phải đối mặt với thử thách. Người bị ‘khảo nghiệm’, như người ta xem xét các đối tượng mua bán. Người phải lệ thuộc vào những điều kiện do chúng ta đưa ra để kiểm chứng mức độ xác tín của chúng ta. Nếu như Người không thực hiện sự che chở được nói trong Thánh Vịnh 91, thì Người không phải là Thiên Chúa. Như thế, Người sẽ dối trá ngay trong chính lời Người và với chính bản thân” (Lm Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ, sđd, Tập I, trang 69-70).

Để chống lại ba cám dỗ, Chúa Giê-su đã lấy Lời Chúa mà chống lại.

Bài đọc 1 : Bđ1 là đoạn sách nói về “sản phẩm đầu mùa”. Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Dâng sản phẩm đầu mùa cho Thiên Chúa là nhìn nhận chủ quyền tối cao của Người trên mọi thổ sản, trên công việc canh tác và trên đất canh tác; tóm lại tất cả đời sống con người. Trước tiên, dân Ca-na-an đã có tập tục mừng lễ mùa thu hoạch thổ sản và dâng cúng cho thần Ba-an; sau khi chiếm đất Ca-na-an, dân Ít-ra-en mượn lấy tập tục mừng lễ mùa gặt của họ, nhưng là để dâng của đầu mùa lên Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã ban cho dân dải đất tuôn chảy sữa và mật này (x.11,9+). Vậy đây là lễ hội để mừng cuộc tiến vào Đất Hứa, một trong những biến cố trọng yếu của lịch sử  dân Chúa, mà dề tài “Thiên Chúa ban miền đất” cũng là trọng tâm của cả bộ sách Đệ Nhị Luật (x.1,5-8). Các câu 1-11 cũng là bản văn duy nhất trong Cựu Ước ghi lại nghi thức dâng của đầu mùa : cử chỉ (2-4), lời cầu nguyện (5-10) và bữa tiệc liên hoan (c.11) (sđd, trang 359).

Chẳng những nghe Lời Chúa dạy, mà còn dâng của lễ đầu mùa tỏ lòng biết ơn,  tỏ lòng tạ ơn Chúa.

Bài đọc 2 : Nhóm CGKPV giới thiệu thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Rô-ma như sau : “Khoảng cuối hành trình truyền giáo thứ ba (53-58), thánh Phao-lô bấy giờ đang ở Cô-rin-tô (57-58). Người cảm thấy trách nhiệm tông đồ của mình  ở Đông Phương sắp kết thúc. Chỉ còn một việc phải làm, đó là mang những gì đã lạc quyên được trao cho giáo đoàn Giê-ru-sa-lem. Người dự tính sau khi hoàn thành công tác  đó, người sẽ đi Tây Ban Nha, và trên đường đi sẽ ghé qua Rô-ma (x.Cv 19,21; Rm 15,23-32). Không biết thánh Phao-lô có thực hiện được dự tính đó không. Chỉ biết rằng để chuẩn bị cho chuyến đi này, người đã viết môt bức thư gửi “các anh em đang ở Rô-ma” (1,7), tức là các Ki-tô hữu  đang sống tại thủ đô của đế quốc.

 Cộng đoàn Ki-tô hữu ở Rô-ma đã hiện diện trước khi thánh Phao-lô viết thư này. Nhưng khi nào và như thế nào, không ai biết rõ. Theo sử gia Su-ê-tô-ni-ô, năm 49 hoàng đế Cờ-lau-đi-ô ra sắc chỉ truyền truc xuất khỏi Rô-ma những người Do Thái có liên quan đến một nhân vật “Chrestus” nào đó (có lẽ đó là Christus). Theo Cv 18,2, ông A-qui-la và bà Pơ-rít-xi-la (Pơ-rít-ca, Rm 16,3) cũng ở trong số những người này. Nhờ hai ông bà mà thánh Phao-lô – bấy giờ đang ở Cô-rin-tô – biết về tình trạng của giáo đoàn Rô-ma.

 Trong giáo đoàn ở thủ đô đế quốc này, có lẽ các Ki-tô hữu gốc ngoại giáo chiếm đa số.  Cũng có ý kiến ngược lại. Dầu sao thánh Phao-lô  cũng đã viết cho cả hai, các Ki-tô hữu gốc Do thái và gốc ngoại giáo. Người viết để tự giới thiệu với anh em tín hữu ở Rô-ma. Nhưng nhất là giới thiệu lời giảng – người gọi là Tin Mừng – của mình với anh em ở Rô-ma” (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 2379).

Các đoạn 9 đến 11 của thư Rô-ma, thánh Phao-lô thảo luận về một sự kiện buồn là dân Ít-ra-en chối bỏ Chúa Ki-tô là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa. Họ tin thác vào việc tuân giữ Luật Mô-sê. Luật đem cho họ sự cứu rỗi, mặc dầu Luật chỉ là phương thế để chuẩn bị, một phương thế để biết Thiên Chúa cho đến khi Đấng hứa hẹn sẽ đến. Sự công chính và cứu rỗi chỉ trong đức tin vào Chúa Ki-tô, là Đấng Mê-si-a và là Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết : “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9-10).

Tóm lại, nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa, tin vào Chúa Ki-tô là con đường giải thoát mọi khó khăn, là con đường cứu rỗi.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành