Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM C
6-7-2022
GIÁO HUẤN SỐ 18
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Những nhà thừa sai can đảm (tt)
Các con đừng nghĩ rằng sứ mạng này thì nhẹ cân và dễ dàng. Một số người trẻ đã hiến dâng cuộc đời mình cho công cuộc sứ mạng thừa sai. Như các giám mục Hàn quốc nói: “Chúng ta hy vọng rằng chúng ta có thể là những hạt lúa mì và những khí cụ cho ơn cứu độ của nhân loại, theo gương của các vị tuẫn đạo. Dù đức tin của chúng ta nhỏ bé như một hạt cải. Thiên Chúa sẽ cho nó lớn lên và dùng nó như một khí cụ cho công cuộc cứu độ của Ngài”. Các bạn trẻ thân mến, các con đừng đợi cho đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc thay đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một “thời gian chuyển tiếp”. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, và Ngài muốn các con sinh hoa quả. Vì ”chính khi cho là chúng ta đang nhận”. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai rạng rỡ, đó là kinh nghiệm cái hiện tại này hết sức có thể, với tinh thần dấn thân và quảng đại. (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 178).
—————–
CN 1 MC NĂM C
(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)
Trừ quỉ
Chúng ta đọc chuyện quỉ trong tập sách “Chuyện Đức cha Lambert” của cha Benigne Vachet: “Vì cả thôn đều là người có đạo, chúng tôi không phải e sợ gì. Tuy nhiên, ma quỉ thì giận điên lên vì thấy chúng tôi. Nó đã nhập vào cơ thể một thiếu nữ 19 tuổi, con gái một gia đình khá đàng hoàng tử tế. Cô gái bắt đầu gào thét to tiếng là sẽ đi báo quan vì có giám mục và các vị thừa sai đến. Những ai từng quen biết cô, hiểu ngay là ma quỉ nói qua miệng cô. Người ta không ngạc nhiên về chuyện đó. Thầy giảng chỉ báo với Đức cha Béryte đây là cách ma quỉ muốn phá rối niềm vui giáo dân đang hưởng vì Đức giám mục đang hiện diện giữa họ.
Vị giám mục cho người dẫn cô gái đến. Cô ta vặn vẹo người đến dị thường và quỉ nói qua miệng cô ta là nếu nó không thể ngăn cản Giám mục đến Đàng Trong được, thì nó cũng sẽ sớm tìm cách đuổi ngài đi khỏi đây. Nhưng kẻ ngạo mạn đó nhanh chóng bỏ cuộc vì Đức cha Beruyte chưa xong lời cầu nguyện ngắn thì nó đã rời khỏi cơ thể tạo vật đáng thương đó, với những tiếng tru trếu khủng khiếp. (Cao Kỳ Hương chuyển ngữ, Chuyện Đức Cha Lambert, trang 47-48).
Câu chuyện quỉ nhập vào cô thiếu nữ ở Nha Ru (Ninh hòa) làm khó dễ sự hiện diện của Đức cha Lambert đã thất bại, nhờ lời cầu nguyện của Đức cha. Trong BTM, Chúa Giê-su đã dùng lời Kinh Thánh để chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỉ. Trong Bđ1, dân Ít-ra-en đã dâng lễ đầu mùa cảm tạ Chúa. Bđ2 thánh Phao-lô qua thư Rô-ma cho thấy tầm quan trọng của Lời Chúa.
Bài Tin Mừng (Lc 4,1-13) : Thánh Lu-ca kể 3 cám dỗ quỉ dùng làm hại Chúa Giê-su, song quỉ đã thất bại, vì Chúa Giê-su dùng Lời Kinh Thánh chống lại.
- Cám dỗ 1 về sự ăn uống : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4,3). Chúa đáp : “Đã có lời chép rằng : người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh ” (Lc 4,4).
- Cám dỗ 2 về vinh hoa lợi lộc thế gian : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này… Nếu ông bái lạy tôi” (Lc 4,6). Chúa đáp : “Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi “ (Lc 4,8);
- Cám dỗ 3 về sự thử thách Thiên Chúa : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi !” (Lc 4,9). Chúa đáp : “Đã có lời rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc4,12).
Hai sách Tin Mừng thánh Mát-thêu (Mt 4,1-11) và thánh Mác-cô (Mc 1,12-13) cũng tường thuật câu chuyện cám dỗ. Chúng ta đọc bài chú giải Tin Mừng thánh Mát-thêu để nắm được ý nghĩa hơn : “Như vậy, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa theo nghĩa mà người ta hiểu từ này vào thời ấy. Người được sai phái với tư cách là vua, ngôn sứ và cứu tinh, và Người biết như vậy. Nhưng Người sẽ thể hiện những vai trò ấy như thế nào, và Thiên Chúa sẽ đối xử thế nào với Người Con này đây ? Đó là vấn nạn sắp được đặt ra mà cuộc thử thách sẽ làm sáng tỏ. Thử thách kéo dài suốt thời gian Chúa Giê-su thi hành sứ vụ của Người: những kẻ chống đối sẽ đòi những điềm thiêng dấu lạ, và chính các môn đệ nài xin Người lo cho bản thân Người nhiều hơn. Bản văn Mt lược thuật cho chúng ta hiểu cuộc thử thách thường nhật này qua ba cơn cám dỗ. Nhưng tác giả có ý chọn hoang địa làm khung cảnh đặt bài tường thuật ngay ở đầu đoạn văn, và khẳng định rằng Chúa Giê-su đã chiến thắng ác thần ngay khi khởi đầu sứ vụ.
Người ăn chay ròng rã bốn mươi ngày. Bốn mươi ngày là thời gian có giá trị tượng trưng cho bốn mươi tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị một cuộc sinh nở mới. Đó là thời gian đã được ghi chép trong cuộc đời hai ông Mô-sê và Ê-li-a (Xh 24,18; 1V 10,8). Đối với Chúa Giê-su, đây là thời gian thử thách, như đối với ông Áp-ra-ham khi được lệnh đưa con đi sát tế, như đối với ông Mô-sê trong vụ con bò vàng. Đang khi Chúa Giê-su cảm thấy tinh thần được kiên định nhờ chay tịnh, hoàn toàn sáng suốt, thì ma quỉ tìm hết cách để thuyết phục Người rằng không thể nào chu toàn sứ mạng nếu theo đường lối Thiên Chúa dạy.
Điều kỳ lạ là Tin Mừng trình bày cuộc chạm mặt giữa Chúa Giê-su và quỉ cám dỗ (‘tên cám dỗ’, là nghĩa của từ ‘ma quỉ’) như một cuộc tranh luận giữa hai nhà luật sĩ nảy sinh từ lời Kinh Thánh; có lẽ mục đích là giúp cho ta hiểu rằng ngay cả lời Kinh Thánh cũng làm cho ta lạc hướng nếu ta không có tinh thần vâng phục Thiên Chúa.
Ba cơn cám dỗ nhắc ta nhớ lại những cám dỗ mà dân Híp-ri đã kinh qua trong sa mạc (Xh 10,2 ; 17,1; 32). Tại suối nước Ma-ra, dân kêu trách Thiên Chúa đã dẫn họ đi một con đường quá gian khổ; tiếp theo là họ thử thách Người: ‘Đức Chúa có làm được gì cho ta không?’ Cuối cùng, họ đổi Thiên Chúa, đã từng là niềm vinh dự của họ, để thờ một thần minh khác tự tay họ tạo ra cho vừa tầm của mình, đó là con bò vàng. Và để trả lời, Chúa Giê-su dẫn ba câu trong Đệ Nhị Luật, một cuốn sách kể rõ những cuộc nổi loạn của dân Chúa trong sa mạc. Lòng vâng phục hoàn hảo của Con Thiên Chúa tương phản với những bất trung của dân.
Qua cơn thử thách, Chúa Giê-su đã thắng trận, nhưng Hội Thánh của Người sẽ còn phải đối phó với những cám dỗ tương tự. Hội Thánh có thể bị cám dỗ làm thỏa mãn những ước vọng của người đời thay vì đem tặng họ ơn cứu độ đích thực. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải kiên cường trước những cạm bẫy của ma quỉ, bằng cách dựa vào lời Kinh Thánh như Người Đã làm (Lời Chúa Cho Mọi Người, trang 1605).
Bài đọc 1 (Đnl 26,4-10): Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết: “Dâng sản phẩm đầu mùa cho Thiên Chúa là nhìn nhận chủ quyền tối cao của Người trên mọi thổ sản, trên công việc canh tác và trên đất canh tác; tóm lại trên tất cả đời sống con người. Trước tiên, dân Ca-na-an đã có tập tục mùa thu hoạch thổ sản và dâng cúng cho thần Ba-an; sau khi chiếm hữu đất Ca-na-an, dân Ít-ra-en mượn lấy tập tục mừng lễ mùa gặt của họ, nhưng là để dâng của đầu mùa lên Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã ban cho dân dải đất tuôn chảy sữa và mật này (x.111,9+). Vậy đây là lễ hội để mừng cuộc tiến vào đất hứa, một trong những biến cố trọng yếu của lịch sử dân Chúa, mà đề tài ‘Thiên Chúa ban miền đất’ cũng là trọng tâm của cả bộ sách Đệ Nhị Luật (x.1,5-8). Cc 1-11 cũng là bản văn duy nhất trong Cựu Ước ghi lại nghi thức dâng của đầu mùa: cử chỉ (cc2-4), lời cầu nguyện (cc 5-10) và bữa tiệc liên hoan (c.11).
Bài đọc 2 (Rm 10,8-13) : Sách Kinh Thánh năm 2011 của nhóm CGKPV giới thiệu thư Rô-ma đọc trong bđ2 như sau : “Trong giáo đoàn ở thủ đô đế quốc này có lẽ các Ki-tô hữu gốc ngoại giáo chiếm đa số. Dẫu sao thánh Phao-lô cũng viết cho cả hai, các Ki-tô hữu gốc Do Thái và gốc ngoại giáo. Người viết để tự giới thiệu với anh em tín hữu ở Rô-ma. Nhưng nhất là để giới thiệu lời giảng – người gọi là Tin Mừng – của mình với anh em ở Rô-ma” (trang 2479).
Qua đoạn thư chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh Phao-lô đã nói lên giá trị Lời Chúa: “Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở giữa bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin” (Rma 10, 8).
Ăn chay, bị cám dỗ
Bốn mươi ngày sống một mình
Kiêng ăn cữ uống lặng thinh nguyện cầu
Mãn kỳ chay tịnh dài lâu
Ruột gan Con Chúa bắt đầu xôn xao
Có tên quỉ hỗn hào
Lò dò đi tới hỏi chào lăng nhăng
“Ngươi là Con Chúa phải chăng ?
Đá làm nên bánh, quyền năng khó gì ?
Chúa rằng thách đố làm chi
Lời xưa truyền lại cũng thì có câu :
Sông bằng Lời Chúa sống lâu
Sông bằng cơm bánh, sống đâu có dài
(Nguyễn Xuân Văn, Sứ Điệp Tình Thương, 40-41).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành