Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C
CN.1.MC.C
(Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)
—————-
17-2-2013
Thứ hai vừa qua, ngày 11-2-2013, vào mồng hai tết, Đức giáo hoàng Bênêđíctô công bố từ nhiệm.
Trong buổi họp với các hồng y ở Rôma để duyệt xét về việc phong thánh cho ba tôi tớ Chúa, Đức giáo hoàng tuyên bố : “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước Thiên Chúa, tôi tin chắc rằng sức lực và tuổi tác không còn cho phép tôi hành sử đúng đắn nhiệm vụ … Trong nhiều tháng qua, sức lực mòn mỏi khiến tôi phải nhìn nhận không còn đủ sức cáng đáng sứ mệnh đã được giao phó. Tôi thành thật xin lỗi (tất cả) về những thiếu sót của tôi“.
Giáo Hội đã có 265 vị giáo hoàng và ba vị đã từ nhiệm. Đức Bênêđíctô là vị thứ tư. Từ vị thứ ba đến ngài đã 600 năm, đúng 6 thế kỷ. Nên việc từ nhiệm của ngài kể là lạ lùng.
Đức Tổng giám mục Vinh sơn Nichols, Tổng giám mục Wesminter nước Anh, nói : “Công bố của Đức giáo hoàng ngày hôm nay 11-2 đã gây sốc và ngạc nhiên“.
Đức hồng y Sôđanô, bộ trưởng ngoại giao, nói : “Sứ điệp cảm động của Đức thánh cha vang lên trong dinh Tông tòa như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được“.
Không phải chỉ là tiếng sấm trong lời nói của Đức hồng y bộ trưởng ngoại giao, mà là tiếng sấm thật. Thứ tư ngày 13-2 trang mạng của đài BBC viết : “Trong lúc cả thế giới vẫn đang chưa hết bất ngờ về tin Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI tuyên bố từ chức, lại có thêm tin sét đánh ở Vatican chỉ vài giờ sau đó“.
Tiếng sét đánh trên vòm Đền thờ thánh Phêrô. Không chỉ một tiếng sét, mà là hai tiếng sét.
Tại sao Đức giáo hoàng từ chức ?
Như Đức giáo hoàng nói : “Sức lực và tuổi tác không còn cho phép tôi hành sử đúng đắn nhiệm vụ“.
Trên thế giới này biết bao người làm đầu, đạo cũng như đời, dù “Sức lực và tuổi tác không còn cho phép tôi hành sử đúng đắn nhiệm vụ“, song họ vẫn nghĩ chỉ mình là giỏi, là có khả năng, không ai bằng, để bám chặt cái ghế. Họ tham quyền cố vị, đến nỗi dân chúng chán ngấy, đành phải lôi họ xuống.
Tổng thống Gadafi nước Libi làm tổng thống 42 năm, từ năm 1969 đến 2011. Ngày 14-1-2011 dân chúng lật đổ ông.
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak làm tổng thống 30 năm, từ năm 1981 đến 2011. Ngày 11-2-2011 dân chúng lật đổ ông.
Quyền lực và tiền tài là miếng mồi ai cũng thèm, ai cũng không muốn nhả ra.
BTM Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay hôm nay ma quỉ cũng dùng quyền hành, lợi lộc thế gian để cám dỗ Chúa Giêsu. Quỉ nói với Chúa : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước…nếu ông bái lạy tôi“.
Người đời ham mê tiền bạc quyền hành, thế mà Đức giáo hoàng lại từ chức. Tại sao ?
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ tuyên bố : “Quyết định của Đức giáo hoàng chứng tỏ sự khiêm cung khác thường và tình yêu đối với Giáo Hội“.
Đức hồng y Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có đôi lời với Đức Thánh Cha : “Tất cả chúng con cũng hiểu rằng : chính lòng yêu mến sâu đậm của Đức thánh cha đối với Thiên Chúa và Giáo Hội, đã thúc đẩy Đức Thánh Cha quyết định thoái vị. Điều này biểu lộ một tâm hồn thanh khiết, một đức tin vững vàng, một sức mạnh của khiêm tốn và dịu hiền, cùng với lòng can đảm mạnh mẽ“.
Qua hai lời của hai vị, một là Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, hai là Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh, lý do Đức giáo hoàng thoái vị là lòng yêu mến Giáo Hội và lòng khiêm nhường.
—————–
CN.1.MC.C
21-2-2010
Cám ơn cộng đoàn đã cầu nguyện cho các linh mục trong Năm Linh Mục này. Để kỷ niệm 150 năm thánh Gioan Vianê qua đời từ năm 1859 đến 2009, Đức giáo hoàng Bênêđíctô đã chọn làm Năm Linh Mục.
Ai trong chúng ta cũng biêt : thánh Gioan Vianê, người Pháp, học hành kém cỏi, nhiều lần bề trên muốn loại ngài, song chỉ vỉ ngài đạo đức, bề trên đã phong chức linh mục cho ngài.
Ngài được sai về coi sóc xứ Ars, một giáo xứ quê mùa, biếng nhác, tội lỗi, chẳng linh mục nào muốn về. 45 năm linh mục, 42 năm ở Ars. Ngài đã biến xứ Ars thành một giáo xứ đạo đức thánh thiện.
Càng thánh thiện càng đau khổ. Ngài đã bỏ trốn khỏi giáo xứ ba lần. Các linh mục nhiều lần kiện ngài lên Tòa Giám Mục.
Ma quỉ cũng tìm đủ mọi cách chống phá ngài. Chúng cám dỗ ngài suốt 35 năm. Đêm về, quỉ vào phòng ngài lật đổ bàn ghế, lục lạo khắp nơi không cho ngài ngủ, đốt cả giường ngài nằm. Quỉ còn chửi rủa ngài.
Thánh Gioan Vianê là con người, bị cám dỗ, bị hành hạ còn hiểu được, chứ Chúa Giêsu là Thiên Chúa sao lại bị cám đỗ ?
BTM : Trước khi thuật lại ba cơn cám đỗ, thánh Luca đã viết gia phả của Chúa Giêsu. Trong gia phả Chúa Giêsu thuộc dòng dõi ông Ađam, thủy tổ của loài người. Ông Ađam đã bị cám dỗ, thì dòng dõi của ông cũng bị cám dỗ.
Thánh Luca kể ba cơn cam dỗ của ma quỉ đối với Chúa :
– Cám dỗ thứ nhất là miếng cơm manh áo, tiền bạc của cải. Để chống lại cám dỗ này, Chúa Giêsu đã bảo quỉ : “Người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra“. Quả thật, giá trị con người không vì nhiều tiền nhiều bạc, nhà lầu xe hơi, mà vì nhân đức, sự thánh thiện mà con người ra công tập luyện.
– Cám dỗ thứ hai là quyền hành. Quỉ cám dỗ Chúa quì lạy nó, nó sẽ cho mọi quyền hành, mọi lợi lộc. Vì quyền hành người ta tìm cách lật đổ nhau, quỵ lụy bợ đỡ nhau, để được quyền này chức nọ, tìm cách bảo vệ cho vững chiếc ghế đang ngồi, thậm chí bỏ cả Chúa để lý lịch dễ dàng. Trước cơn cám dỗ này, Chúa Giêsu đã đáp trả : “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi“.
– Cơn cám dỗ thứ ba là thử thách Thiên Chúa . Quỉ cám dỗ Chúa gieo mình xuống, vì Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng. Chúa Giêsu đã đáp lại : “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa của ngươi“.
Ai cũng bị cám dỗ. Để không bi sa ngã có hai cách :
– Bđ1 : Ông Môsê căn dặn dân Ítraen : “Lạy Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con“. Mọi sự mình có là do Chúa ban, chớ đừng kiêu ngạo là do mình, để ham hố.
– Bđ2 : Thánh Phaolô căn dặn các tín hữu Rôma : “Lời Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng“. Hãy sống theo Lời Chúa, đừng theo lời ma quỉ.
Nhớ ơn Chúa và sống theo Lời Chúa sẽ tránh được cám dỗ.
—————————
CN.1.MC.C
25-2-2007
BTM thánh lễ hôm nay, thánh Luca kể ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu. Những cám dỗ của Chúa Giêsu cũng chính là những cám dỗ của dân Do Thái ngày xưa. Họ bị cám dỗ khi đi lang thang trong sa mạc trên đường về đất hứa.
Bđ1 : Ba cám dỗ của dân Do Thái là :
1- Cám dỗ thứ nhất là miếng ăn. Ông Môsê kể lại : “Thiên Chúa của anh em đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biêt lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna…ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,2-3).
2- Cám dỗ thứ hai là bỏ Chúa. Ông Môsê căn dặn : “Khi anh em được ăn uống no nê, thì phải ý tứ đừng quên Đức Chúa, Đấng đã đưa anh em ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ … Chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ” (Đnl 6,12-13).
3- Cám dỗ thứ ba là thách thức Thiên Chúa. Ông Môsê căn dặn : “Anh em đừng thách thức Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6,16).
BTM : Trước khi kể chuyện Chúa Giêsu bị cam dỗ, thánh Luca kể chuyện Chúa chịu phép rửa và gia phả của Chúa Giêsu. Câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa nói đến thiên tính của Chúa. Còn câu chuyện gia phả nói đến nhân tính của Chúa. Chúa Giêsu là con cháu của ông Ađam, tổ phụ loài người. Vì là loài người Chúa Giêsu cũng chịu cám dỗ.
Ông Ađam bị sa ngã trong cơn cám dỗ, dân Do Thái cũng vậy; Chúa Giêsu đã chiến thắng.
– Với cám dỗ miếng ăn, Chúa Giêsu đáp lại : “Đã có lời chép rằng :Người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4).
– Với cám dỗ bỏ Chúa, để được vinh hoa lợi lộc, Chúa Giêsu đáp lại : “Đã có lời chép rằng :Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượg một mình Người” (Lc 4,8).
– Với cám dỗ thử thách Thiên Chúa, Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12).
Trước mỗi cám dỗ, Chúa Giêsu đều trả lời : “Đã có lời chép rằng“. Chúa Giêsu đã chiến thắng nhờ đã sống Lời Chúa.
Bđ2 : Thánh Phaolô trong bđ2 cũng khuyên chúng ta sống Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ. Ngài viết : “Kinh Thánh nói gì ? Thưa : Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngày trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin” (Rm 10,8).
Thánh Antôn là một trong những vị đầu tiên tu trong rừng, trong núi Ai Cập. Ngài xa lánh thế gian. Mỗi ngày chỉ ăn một cái bánh và uống nước lã. Thế mà ngài cũng bị ma quỉ cám dỗ. Có lần ma quỉ hiện hình thành một cô gái xinh đẹp đến cám dỗ. Có lần ma quỉ hiện hình thành người da đen đến dọa nạt. Có lần ma quỉ gây tiếng ồn ào không cho ngài ngủ. Có lần ma quỉ đánh ngài máu me chảy đầm đìa, nằm xõng xoài dưới đất.
Thánh Catrina, tiến sĩ Hội Thánh, nữ tu dòng Đaminh, sống một đời chay tịnh ép xác nhiệm nhặt, bị ma quỉ cám dỗ dữ dằn. Có lần ngài trách Chúa :
– Lạy Chúa, Chúa ở đâu để con một mình chiến đấu với những ý tưởng xấu xa dày vò con ?
Có tiếng Chúa đáp :
– Cha vẫn ở bên con.
Thánh Catarina thưa :
– Chúa ở giữa những tư tưởng xấu xa của lòng con sao ?
Chúa nói :
– Những thử thách đó đâu có làm cho con phiền khổ quá sức đâu.
Thánh nữ thưa :
– Ôi con kinh sợ và đau khổ quá.
Chúa nói :
– Các tư tưởng xấu ấy không làm nhơ uế hồn con, bởi vì con đã tởm gớm chúng. Chính Cha ngự trong con và giúp con tởm gớm chúng.
——————————–
CN.1.MC.C
29-2-2004
Lời đáp ca trong thánh lễ Chúa nhật I Mùa Chay hôm nay đã nói lên thân phận con người. Đã là con người chúng ta đều bị thử thách cám dỗ. Nhưng nếu có Chúa, chúng ta sẽ đứng vững, như lời ca hiệp lễ : “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người bạn có chỗ ẩn thân”. Lời Chúa trong ba bài đọc của thánh lễ đã mô tả : thử thách và cám dỗ là chuyện thường tình của con người
Bài đọc 1 : Đoạn sách Đệ Nhị Luật đọc trong bđ1 là lời nhắn nhủ của ông Mosê với dân Israel về lòng biết ơn Thiên Chúa. Thiên Chúa chẳng những ban cho họ sự tự do, vì đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, mà còn ban đất Canaan để họ cư ngụ và làm ăn sinh sống. Vì thế, khi mùa màng kết thúc, họ phải dâng của đầu mùa để tạ ơn Chúa. Ông Môsê không những sợ dân Israel quên ơn Chúa, mà ông còn sợ dân Israel đi theo các dân ngoại bang mà dâng của đầu mùa cho thần Baal.
Trong câu chuyện thần thoại của người Canaan kể rằng : thần Baal chống lại thần Mốt là thần chết. Thần Baal thua, bị thần Mốt nhốt dưới âm phủ. Thần Baal là thần mưa. Khi bị tù, thần Baal không cho mưa xuống trái đất được. Nên trái đất khô cằn hạn hán. Thần Anath, chị dâu của thần Baal, đuổi đánh và giết được thần Mốt, giải thoát cho thần Baal. Thần Baal lại tiếp tục cho mưa xuống, làm cho đất đai được mùa. Người Canaan đã dâng của đầu mùa để tạ ơn thần Baal.
Ông Môsê căn dặn dân Israel : “Khi anh em đến dâng của đầu mùa… Anh em lên tiếng thưa trước tôn nhan Thiên Chúa rằng : ‘Đức Chúa đã giang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập. Ngài đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con” (26,4.5.8-10).
Chúng ta cũng dễ bị cám dỗ mà quên ơn Chúa. Của cải tiền bạc, miếng cơm manh áo, nhà cửa xe cộ, tài cao học rộng, tiếng tăm địa vị, vợ đẹp con khôn … , tất cả những gì chúng ta có, chúng ta nghĩ là do bàn tay chúng ta mà có, không phải do Chúa. Vì thế, có người ăn cơm không còn làm dấu. Không làm dấu là chuyện nhỏ, song đó là dấu hiệu tỏ rõ chúng ta đã quên ơn Chúa, không còn nhận Chúa đã ban cho chúng ta lương thực nuôi sống.
Bài đọc 2 : Bđ2 chúng ta đọc một đoạn thư của thánh Phaolô viết cho các tín hữu sống ở Rôma. Viết lá thư này, khi thánh Phaolô đang ở Côrintô của nước Hy Lạp ngày nay. Ngài đã ở đó 3 tháng. Vào cuối năm 56, sắp sửa giã từ Côrintô để về Giêrusalem thì ngài viết lá thư này. Ngài trù tính về Giêrrusalem, rồi đi Tây Ban Nha và đi Rôma. Nhưng tại Giêrusalem ngài đã bị bắt và bị đưa sang Rôma xét xử, vì ngài có quốc tịch Rôma.
Thánh Phaolô không sáng lập cộng đoàn Rôma. Cộng đoàn do các Kitô hữu gốc Do thái ở Giêrusalem, vì bị người Do thái bắt đạo đã phải lánh sang Rôma. Đến năm 49 sau CGS họ lại bị hoàng đế Rôma Clauđiô trục xuất, vì có sự tranh chấp giữa hai cộng đoàn : cộng đoàn Do thái và cộng đoàn Kitô hữu. Vì đó mà hai ông bà A-qui-la và Pơ-rít-ki-la đã tới Côrintô và thánh Phaolô đã ở nhà hai ông bà (Cv 18,1-3). Năm 54 hoàng đế Clauđiô qua đời, các Kitô hữu trở về lại Rôma. Rồi cộng đoàn Rôma lại bị chính người Do thái không theo Chúa Kitô chống đối. Thánh Phaolô rất buồn về người Do thái cứng cỏi, đã không tin Chúa Kitô, mà còn cứ khư khư cho rằng giữ Luật Cựu Ước mới là phải đạo.
Trong đoạn thư chúng ta đọc hôm nay thánh Phaolô đã trích dẫn ba câu Cựu Ước : – – Câu thứ nhất trong sách Đệ Nhị Luật : “Lời Chúa ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (30,14). Nhắc lại câu này thánh Phaolô minh xác những điều ngài giảng chính là Lời Chúa : “Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng” (Rm 10,8).
– Câu thứ hai trong sách ngôn sứ Iasia : “Ai tin tưởng sẽ không hề nao núng” (28,16). Ngôn sứ Isaia kêu gọi “tin tưởng nơi Chúa”, vì miền Nam Giuđa lúc đó bị cám dỗ không tin tưởng vào sự bảo trợ của Chúa, mà đi cầu cạnh nước này nước nọ để chống lại quân thù. Ở đây thánh Phaolô lấy câu đó để xác quyết rằng : bất cứ ai, dù Do thái hay Hy Lạp mà tin tưởng, đều được Chúa phù hộ.
– Và cuối cùng, để minh chứng rằng Thiên Chúa yêu thương dân Do thái, yêu cả người Hy Lạp và mọi dân tộc, chứ không chỉ yêu người Do thái, thánh Phaolô đã trích câu thứ ba trong sách ngôn sứ Gio-en : “Tất cả những ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu thoát” (2,32). Qua đoạn thư thánh Phaolô trong bđ2, người đi theo Chúa luôn luôn bị thử thách, bị cám dỗ, không cách này thì cách khác, nhưng cứ vững tin. Hãy chiến đấu theo gương Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mà cũng bị cám dỗ, huống là chúng ta ?
Bài Tin Mừng : Bài TM thánh lễ hôm nay kể câu chuyện ma qủi cám dỗ Chúa. Tại sao Chúa bị cám dỗ ? Có 4 cuốn sách viết về cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng chỉ có 2 cuốn là sách Mátthêu và Luca ghi lại gia phả của Chúa Giêsu. Sách thánh Mátthêu ghi gia phả ngay đầu sách; còn sách thánh Luca thì viết gia phả xen vào giữa hai biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa và cám dỗ. Gia phả của Chúa Giêsu theo thánh Mátthêu chỉ tới ông Apraham, tổ phụ dân Do thái; còn gia phả theo thánh Luca lên tới mãi ông Ađam, nguyên tổ của loài người. Như thế, theo thánh Luca, Chúa Giêsu không chỉ ở trong dòng tộc Do thái của ông Apraham, mà còn ở trong dòng tộc loài người của ông Ađam. Đã là người trong dòng tộc Ađam, Chúa Giêsu phải bị cám dỗ.
Chúa Giêsu đã bị 3 cơn cám dỗ :
– Cơn cám dỗ thứ nhất là miếng ăn : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi !” (4,3). Chúa đã chống trả lại : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (4,4). Thánh Mátthêu còn viết thêm : “Nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Con người có hai phần : xác và hồn, hay vật chất và tinh thần. Hồn và tinh thần là phần qúi giá nhất của con người, là cái làm cho con người “linh ư vạn vật”, thiêng hơn vạn vật. Song thực tế, phần đông chúng ta cũng dễ bị cám dỗ chọn phần xác, phần vật chất hơn là phần hồn, phần tinh thần.
– Cám dỗ thứ hai của Chúa là quyền hành : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước…nếu ông bái lạy tôi” (4,6.7) và Chúa đã chống trả : “Phải thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi” (4,8). Miếng ăn làm cho người ta sống, còn quyền hành làm cho người ta có địa vị, được nổi tiếng. Vì thế người ta tranh giành, kèn cựa để được làm ông to bà lớn. Như ở Mỹ, tốn cả hàng trăm triệu đôla để tranh chức tổng thống. Và có một thời người Công giáo chúng ta cũng đã bỏ Chúa trong lý lịch để có việc làm này nọ.
– Cám dỗ thứ ba là thách thức Thiên Chúa : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi !” (4,9). Và Chúa đã chống trả : “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa của ngươi” (4,12). Chúng ta đòi Chúa phải làm cái này cái khác, chúng ta mới tin, chúng ta đã thử thách Thiên Chúa.
Kết thúc câu chuyện, thánh Luca còn thêm một chi tiết mà trong câu chuyện thánh Mátthêu không có : “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, qủy bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (4,13). Như thế, Chúa Giêsu còn bị ma qủi cám dỗ, cám dỗ cho tới khi chết.
Trong bàn tiệc ly, Chúa Giêsu bảo thánh Phêrô : “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Khi tới vườn cây dầu, Chúa Giêsu bảo các môn đệ : “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (22,40). Và chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ dữ dằn : “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (22,44), đến nỗi phải “có thiên thần từ trời hiện đến tăng sức cho Người” (22,43).
Qua chính kinh nghiệm bản thân, sau khi cầu nguyện xong, Chúa Giêsu nhắc lại với các môn đệ còn đang ngủ : “Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (22,46). Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc cũng là ba cơn cám dỗ của người Israel trên đường từ Ai Cập về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã chiến thắng, còn người Israel đã thua. Chúa Giêsu đã chiến thắng, còn ông Ađam đã thua.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta cũng bị cám dỗ. Năm 1838, Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh đã bắt đạo không hề nương tay, được mệnh danh là “con hùm xám”. Trước hết là trong hàng ngũ quân đội. Ông mở một bữa tiệc khoản đãi các binh sĩ Công giáo. Có 500 binh sĩ dự tiệc. Sau bữa tiệc, ông đặt Thánh Giá dưới đất : ai muốn sống thì bước qua, ai không bước qua thì chết. 500 chỉ có 15 người không bước qua. Bị đánh đòn, thêm 6 người bước qua, chỉ còn 9 người. Bị đánh vào đầu ngón tay, thêm 4 người bước qua, chỉ còn 5. Bị đánh đòn nhừ tử, thêm 2 người bước qua, chỉ còn 3 ông : Augutinô Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể, và Đaminh Đinh Đạt. Cuối cùng, vì thương vợ thương con, ba ông cũng chối Chúa. Về nhà thấy gia đình buồn vì mình đã bỏ đạo, các ông hối hận và lấy lại can đảm đi chịu tử đạo cho Chúa.
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Có lẽ từng giây phút chúng ta phải luôn cầu nguyện như thế, vì chúng ta luôn bị cám dỗ và sa ngã.
Linh mục Nguyễn Trung Thành