Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A
CN 1 MV NĂM A
27-11-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Trung Tâm Mục Vụ
GIÁO HUẤN SỐ 1
Tông huấn HÃY VUI MUNG HOAN HI
của Đức Thánh Cha Phanxicô
về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay
Lịch Giáo phận 2023 trang 24
HÃY VUI MỪNG VÀ HOAN HỈ (Mt 5,12), Chúa Giê-su nói như thế về những người bị bách hại và xỉ nhục về Người. Chúa yêu cầu chúng ta đủ thứ và Người đáp lại bằng việc trao ban cho chúng ta sự sống đích thực, tức hạnh phúc mà chúng ta đã được dựng nên để lãnh nhận. Chúa muốn chúng ta nên thánh, chứ không hài lòng với một sự hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh. Tiếng gọi nên thánh vẫn có đó theo nhiều cách thế từ những trang đầu tiên của Thánh Kinh. Chúng ta thấy nó được diễn tả trong lời Chúa nói vói Áp-ra-ham : “Hãy đi trước mặt Ta, và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1). Những trang sau đây không có ý làm một luận đề về sự thánh thiện, chuyên chở những định nghĩa và những đặc nét giúp cho việc nắm hiểu chủ đề quan trọng này, cũng không phải là một luận bàn về những phương thế khác nhau của việc thánh hóa. Mục tiêu khiêm tốn của tôi là nêu lại lời mời gọi nên thánh bằng một cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố, và những cơ hội của nó. Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta để trở nên tinh tuyền thánh thiện trước nha Người trong tình yêu (Ep 1,4) (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 1&2).
SUY NIỆM I
CN 1 MV NĂM A
Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Gia đình ông An-rê
Đền Chân phước Anrê ở Phước Kiều, Thanh Chiêm cũng là quê quán của ông già Anrê.
Ông Anrê là người quảng đại. Cha Đỗ Quang Chinh kể : “Trước khi đi yết kiến nhà vương, Rhodes (cha Đắc Lộ) để Pedro Alberto (mới đến đây) ở lại Hội An. Ngoài một số lễ vật quí mang từ Áo Môn, Rhodes dốc hết tiền của mua sắm nhiều đồ quý khác để tiến dâng Chúa Thượng. Cũng may, một giáo hũu giầu có và rộng lượng là ông Anrê đã bỏ tiền bù lại cho vị thừa sai’ (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 81).
Cha Nguyễn Hồng kể : “Một hôm quan trấn cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng ở nơi công cộng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 151).
Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cụ Anrê : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 168-169).
Cha Nguyễn Hồng kể tiếp : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê Phú Yên… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 166).
Cha Vũ Thành viết : “Cha Đắc Lộ xuống nhà tù để an ủi và sửa soạn cho hai người lính can trường của Chúa đi lãnh triều thiên tử đạo. Ông Anrê đã mặc áo chỉnh tề mà không được vinh dự tử đạo nên rất buồn” (Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trang 30).
Lịch Giáo phận trích dẫn : “Mùa Vọng có hai đặc tính vừa là mùa chuẩn bị mùng Lễ Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng đước coi như là mùa sốt sáng và hân hoan mong đợi” (trang 23).
Lời Chúa trong Chúa nhật Mùa Vọng hôm nay nói về niềm vui Chúa đến, và khuyên chúng ta sửa soạn đón Chúa.
- Bài đọc 1 : Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. I-sai-a có nghĩa là “ơn cứu độ của Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa là ơn cứu độ” (Nhóm CGKPV, Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 1549).
Sách Kinh Thánh của Nhóm CGKPV viết về ngôn sứ I-sai-a : “Ngôn sứ I-sai-a được gọi và rao giảng vào khoảng thời gian 740 đến 687 tCN. Ông được gọi vào năm cuối cùng đời vua Út-di-gia-hu, một triều đại lâu đời và thịnh vượng. Nhưng sự thịnh vượng đã dẫn tới nếp sống xa hoa đầy bất công bóc lột. Ông tố giác lối sống bất chính, trái luật Chúa… Qua những dấu vết tiểu sử của vị ngôn sứ trong sách I-sai-a, chúng ta biết được ông là một thân cận với nhà vua, có thể là một vị quan trong triều. Ông tỏ ra rất sành sỏi chính trị, biết tõ cuộc sống thành thị…Theo truyền thuyết, ông đã bị vua Ma-na-se xử tử bằng cách cưa thân” (sđd, trang 1547).
Sách của Nhóm CGKPV viết về đoạn văn đọc trong thánh lễ hôm nay : “Đoạn này phù hợp với hướng phổ quát của I-sai-a… Dân Ít-ra-en hành hương lên Giê-ru-sa-lem để dâng lễ và xin ơn. Dân ngoại hướng về Giê-ru-sa-lem để học biết giáo huấn của Thiên Chúa. Dân Í-ra-en đã nhận luật Chúa mà không tuân giữ, còn dân ngoại đi theo đường lối của Chúa. Nhờ sống theo luật Chúa, mới có hòa bình đích thực” (sđd 1552).
- Bài Tin Mừng : BTM năm A đọc sách Tin Mừng Mat-thêu. Mát-thêu, tiếng hip-ri có nghĩa là “món quà của Chúa” (Scott Hahn, Catholic Dictionary, trang 590).
Sách của Nhóm CGKPV viết : “Tin Mừng Mát-thêu trước tiên là một Tin Mừng có nhiều tính thần học hơn là lịch sử… Điều mà tác giả nhắm đến là trình bày con người Đức Giê-su và sự nghiệp của Người : Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trước trong Cựu Ước. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội. Hơn nữa Mát-thêu còn muốn cho thấy, qua sự nghiệp đó, Đức Giê-su đã dần dần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa như thế nào. Điển hình là lời Người tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do thái (26,64) và ở cuối Tin Mừng, lệnh Chúa sai các môn đệ ra đi tiếp tục sứ mệnh của Người (28,18-20) (trang 2121)
Cha Claude Tassin giải nghĩa đoạn Tin mừng đọc trong thánh lễ như sau : “Ký ức về trận lụt (St 6,8) là lời cảnh báo về sự “giáng lâm của Con Người” (c.37; 39). Trong sự so sánh này, tác giả phúc âm không nhấn mạnh đến hạnh kiểm xấu của những kẻ bị lụt cuốn trôi mà nhấn mạnh đến sự lơ là không biết phòng xa của họ : cuộc sống cứ trôi đi ngon trớn, người ta cứ lo ăn uống, dựng vợ gả chồng và không đếm xỉa việc Thiên Chúa có thể can thiệp phán xét cuộc hiện sinh thường ngày của họ” (Tin Mừng Matthêu, trang 44).
- Bài đọc 2 : Nhóm CGKPV giải nghĩa đoạn thư Rôma đọc trong thánh lễ hôm nay như sau : “Viễn tượng ngày cánh chung, ngày của Chúa. Ông Phao-lô khuyên nhủ tín hữu tỉnh thức đón chờ ngày Đức Ki-tô trở lại. Chính vì lý do này, người tín hữu phải luôn sẵn sàng, chu toàn lề luật. Tuy nhiên không nên chỉ giới hạn ngày vào thời quang lâm. Phải hiểu rộng hơn. Ngày cứu độ đã bắt đầu từ khi Đức Ki-tô chết và sống lại. Thế nên, người tín hữu được tham dự vào Nước Thiên Chúa và Con của Người ngay từ bây giờ. Là công dân của Nước Trời, người tín hữu sống trong hoàn cảnh mói phải theo đòi hỏi luân ký mới” (Kinh Thánh ấn bản 2011,trang 2511).
Chúng ta bắt đầu vào Mùa Vọng. Có 4 tuần Mùa Vọng để giúp chúng ta đón mùng Lễ, đón mừng Chúa giáng sinh.
Chúng ta hãy noi gương cụ Anrê Phước Kiều “mặc áo chỉnh tề” để đón Chúa.
Chúng ta nghe theo Lời Chúa dạy để dọn tâm hồn đón mừng Chúa giáng sinh.
Cầu nguyện:
Tv 79,2a-3b
Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,
xin khơi dậy uy dũng của Ngài
đến cùng chúng con và thương cứu độ
SUY NIỆM II.
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM A
Lời Chúa: Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
BẤT NGỜ VÀ TỈNH THỨC
Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang
Nước Nhật Bản từ xưa đến nay vốn nổi tiếng là cái nôi của những thảm họa động đất – sóng thần. Một trong những thảm họa gần đây nhất – đó chính là thảm họa sóng thần ở Tōhoku 2011 làm rất nhiều người chết. Trận sóng thần này không những khiến cả thế giới mà ngay cả giới chuyên môn cũng phải ngỡ ngàng, bàng hoàng bởi những con sóng lớn cao đến 38.9m, vượt qua mọi con số trong các dự báo của họ. Lại một lần nữa, các nhà khoa học phải bó tay trong việc giải thích những bí ẩn bất ngờ của tự nhiên. Rõ ràng rằng các nhà chuyên gia và các nhà khoa học đã đoán trước được là có sóng thần, độ cao bao nhiêu rồi, nhưng những con sóng thần kỳ này có độ cao không ai ngờ và lường trước được. Đây là một bất ngờ, bất ngờ về độ cao!
Còn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Rõ ràng ở đây Chúa dạy phải canh thức vì Chúa đến bất ngờ. Đây là một sự bất ngờ về thời gian.
Nhưng trong cuộc sống còn có một sự bất ngờ khác, nó thường xuyên hơn và làm cho chúng ta lúng túng hơn. Một lần tôi đi xe từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, trên xe có một ông tây, bác tài nói nhỏ với anh phụ xe rằng: thằng này nó người Mỹ, nó chẳng biết gì đâu mày cứ chém thẳng tay cho tao, thay vì 200 ngàn thì mày cứ chém 400 ngàn cho tao. Ông tây quay qua nói to rằng: sức mấy mà chém tôi được chỉ có 200 đồng thôi. Bất ngờ phải không anh chị em! Cái bất ngờ này đâu phải bất ngờ theo thời gian, độ cao… mà là bất ngờ ở tính cách, bất ngờ vì vượt ngoài dự đoán, suy nghĩ quen thuộc của chúng ta, cái bất ngờ này mới là đáng sợ.
Cho nên, trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự bất ngờ này bằng cách nhắc lại thời ông Nô-ê, người ta lo dựng vợ gã chồng, ăn uống nhậu nhẹt vui vẻ, không thấy dấu hiệu gì là tai họa sắp ập tới mà chỉ thấy toàn là ăn chơi, vui vẻ bình thường nhưng khi tai họa ập tới và cuốn đi hết, quá đổi bất ngờ trong tính cách. Vào thời Chúa Giêsu cũng vậy, cứ ngỡ rằng Thiên Chúa đến trong cái khuôn tư tưởng của con người một vị Thiên Chúa oai phong, quyền bính, lộng lẫy, uy nghi và giàu sang nhưng ai ngờ Ngài đến quá đổi nghèo nàn nên không ai biết và tiếp đón Ngài.
Ngày hôm nay chúng ta không nói với nhau về sự bất ngờ theo thời, để rồi rút ra bài học luân lý rằng cố gắng sống sao cho đàng hoàng vì giờ chết đến bất ngờ, sa hỏa ngục đời đời. Nhưng giờ đây, chúng ta nói với nhau rằng Thiên Chúa vẫn từng giây từng phút rất bất ngờ trong tính cách của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải luôn sống trong tỉnh thức. Nhưng, thế nào là tỉnh thức? Chúa Giêsu dạy tỉnh thức và sẵn sàng có nghĩa là phải luôn cảnh giác, coi chừng, canh phòng vì quỉ dữ luôn rình mò cám dỗ chúng ta. Vì thế, Thánh Phêrô khuyên bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé anh em” (1Pr 5,8).
Cho nên, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy chúng ta phương thế tỉnh đó là: “Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô” (Rm13,12-14). Hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa là làm quen với Giêsu, làm quen với Phúc âm, sống Phúc Âm, đó là niềm vui của chúng ta. Vì vậy, trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy “can đảm nhìn về phía trước mặc cho hiện nay đang gặp khủng hoảng, một lần nữa hãy lấy thánh giá và sự phục sinh của Chúa Kitô làm “ngọn cờ chiến thắng” của chúng ta” (số 85). Vâng, mặc lấy thánh giá và sự phục sinh của Chúa Kitô, chính là mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy Chúa Kitô là mặc lấy toàn bộ Phúc Âm, mặc lấy Phúc Âm thì chắc chắn chúng ta sẽ là những người công chính, thánh thiện và chỉ khi đó chúng ta mới thật sự tỉnh thức.
Ấy vậy, thưa anh chị em, chúng ta là những người con của Chúa nhưng chưa thánh và thiện đủ vì xét cho cùng, chúng ta còn: gian dối, chửa bới, cờ bạc rựợu chè bê tha, giận hờn ganh ghét, ăn cắp, hà tiện, nói hành nói xấu, không nghe lời cha mẹ, thề gian thề dối, giết người, phá thai… Cho nên, khi chúng ta chưa tỉnh thức, chưa sẵn sàng hay chưa sống trong Chúa, chưa sống theo Lời Chúa hay Hội Thánh dạy, đương nhiên những thứ tội lỗi đó sẽ nhận chìm chúng ta, chúng làm cho đời mình ra cay đắng, bất hạnh và mất Chúa, mất tha nhân và mất linh hồn. Vì thế, hôm nay Chúa nói với mỗi người rằng “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con” (1Cr 12,9)”. Vì thế, mỗi khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể Ngài vào trong cung lòng, với ơn Chúa Thánh Thể, chúng ta có đủ sức và lòng can đảm đường đi theo những nẻo đường Phúc âm, tức sống Lời Chúa dạy chúng ta sẽ không chiều theo tính xác thịt nữa và sống theo Thần Khí, cho nên Thánh Phaolô nói: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Mùa Vọng là mùa Thiên Chúa hy vọng vào con người. Vì hy vọng nên Ngài đã tác sinh con người giống hình ảnh Ngài, cho họ bước vào đời sống của chính Ngài. Ngài đã không ngừng hứa hẹn và kết ước yêu thương với họ, dù cho họ có ngàn lần sa ngã lỗi phạm và xa bỏ Ngài. Cho nên, Mùa Vọng chính là mùa qua đó Giáo Hội muốn khắc họa rõ hơn dung mạo thương xót của Thiên Chúa. Dung mạo Thiên Chúa ấy được thể hiện nơi Đức Kitô qua những chuyến viếng thăm chính thức của Người. Lần thứ nhất trong mầu nhiệm Nhập Thể mà chúng ta đang chuẩn bị đón mừng ngày kỷ niệm Ngài đến trong thân phận con người như chúng ta. Lần này, Ngài đã đến âm thầm, làm một người chan hòa giữa muôn người để đảm lĩnh lấy thân phận con người cho đến tột cùng bằng cái chết để rồi Phục Sinh mở ra nẻo đường cứu độ cho những kẻ tin.
Ước gì, Mùa vọng này chúng ta biết tỉnh thức và cầu nguyện sâu hơn để gặp Chúa nhiều hơn, tỉnh thức để sống Lời Chúa và những điều luật Hội Thánh dạy ngày một nhiều hơn, triệt để hơn và chân thành hơn. Và như thế Chúa đến bất cứ giờ nào, chúng ta cũng đã dọn sẵn một tâm hồn rộng mở để đón Ngài đến với chúng ta, làm cho chúng ta bình an và hạnh phúc. Amen.
SUY NIỆM III
MÙA VỌNG-MÙA CON TIM MONG ĐỢI CHÚA GIÊ-SU
Tuần 1 Mùa Vọng (Hội An 27/11/2022)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Đây đó từ những ngày đầu tháng Mười Hai, các khách sạn, nhà hàng, quán xá đã trưng bày cảnh Noel, mở nhạc Giáng Sinh để thu hút khách hàng. Thời gian này là thời gian khởi đầu mùa thu lợi nhuận. Còn đối với Ki-tô hữu, đây là thời gian khởi đầu mùa phụng vụ mới, mùa Vọng, không phải mùa mua sắm cho đầy nhà, mà là thời gian dọn tâm hồn thành một căn phòng trống ấm cúng, chờ đón Vị thượng khách Giê-su. Đây là mùa con tim mong đợi Chúa Giê-su.
- Đối với Thánh Kinh, mong đợi là nhân đức hàm chứa đức tin và niềm vui
Đối với một số người, thời gian chờ đợi là thời gian lãng phí. Nhiều tài xế không thể chờ đèn xanh. Trong lãnh vực tri thức, nhiều người vẫn ảo vọng “đi tắt đón đầu.” Không chờ đợi, nên người ta mất kiên nhẫn tiếp bước trong con đường hầm và dĩ nhiên, sẽ không thấy được con đường sáng được khai mở cuối đường hầm. Không kiên nhẫn chờ đợi, nên người ta không cảm nghiệm được niềm vui của người thợ dệt, miệt mài từng sợi chỉ đan kết với nhau cho đến khi hoàn thành tác phẩm.
Trong những chương đầu của cách sách Tin Mừng, chờ đợi là nhân đức trong đời sống của các vĩ nhân thánh kinh, luôn bao hàm đức tin vào Thiên Chúa và chất chứa niềm vui. Da-ca-ri-a chờ đợi trong niềm tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa: “Ê-li-sa-bét vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một đứa con trai.” Mẹ Maria mong đợi ngày lời Thiên Chúa hứa với dân từ ngàn đời sẽ thực hiện trong lòng Mẹ: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su.” Mỗi ngày vợ chồng Da-ca-ri-a sống là mỗi ngày vui mừng chờ đợi đứa con lớn lên trong lòng mà chính bà Ê-li-sa-bét cảm nghiệm trong từng thớ thịt của mình. Mỗi ngày sống là mỗi ngày Mẹ có kinh nghiệm về lời truyền tin, tựa như kinh nghiệm về sự chuyển động âm thầm của hạt giống dần dần tiến tới ngày nẩy mầm. Lời hứa lớn lên trong lòng Mẹ mỗi ngày. Lời hứa không còn là lời, mà trở thành một thân thể, một sự sống, một Giê-su trong lòng Mẹ. Như vậy, đối với thánh kinh, chờ đợi không là thời gian vô ích hay thời gian thụ động ngồi chờ, mà là thời gian hữu ích cho tín hữu thêm mạnh tin vào lời Chúa và sống trong niềm vui chờ đợi lời Chúa hứa được thực hiện từng ngày ngay trong cuộc đời mình.
- Mùa Vọng là mùa trái tim mong đợi Chúa Giê-su
Mùa Vọng là mùa trái tim mong đợi. Mong đợi ai hay trông chờ điều gì trong mùa Vọng? Mùa Vọng không phải là mùa trông đợi cây Noel được trưng bày hay hang đá sẽ được làm với vẻ trang hoàng sặc sỡ. Mùa Vọng cũng chẳng là mùa chú tâm hay dành sức lực, sáng kiến để thu được nhiều lợi nhuận hay thành đạt vào dịp cuối năm. Quả thật, chúng ta bị cám dỗ biến mùa Vọng và mùa Chúa Giáng Sinh trở thành mùa nặng tính thế tục, gồm mua sắm, đèn quà, kinh doanh… mà quên mất đây là mùa đòi hỏi chúng ta thanh luyện niềm mong đợi để đón chờ Thiên-Chúa-làm-người đến ở với chúng ta. Dĩ nhiên, Thiên-Chúa-làm-người đã đến ở với chúng ta cách đây hơn 2.000 năm rồi! Nhưng mùa Vọng mới này cho chúng ta cơ hội hồi tâm tự hỏi: Chúa đã đến ở giữa nhân loại rồi, nhưng hôm nay, tôi có mong chờ Chúa đến ở với tôi không? có khao khát gặp Chúa cách cá vị không? Chúa đón nhận Chúa đến can dự vào cuộc đời tôi không?
Đức Bênêđíctô đặt một câu hỏi sâu sắc và nhận xét: “Thời đại chúng ta còn chờ đợi Đấng Cứu Thế không? Người ta cảm thấy Thiên Chúa xa lạ với họ, nên họ không cần đến Thiên Chúa. Họ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu và tệ hơn nữa, họ xem Thiên Chúa như chướng ngại cần loại bỏ để họ sống như họ muốn.”[1] Vì thế, đối với chúng ta, lòng mong mỏi đợi chờ Chúa đến ở với phải là tâm điểm của mùa Vọng. Hai ngàn năm trước, một số người đã không nhận ra Chúa Giê-su là Thiên-Chúa-làm-người mà họ mong đợi; ngày nay, có nhiều người vẫn không nhận ra Chúa Giê-su Thánh Thể là Thiên-Chúa-làm-người đang ở giữa chúng ta. Hai ngàn năm trước, có những người đã khó chịu khi nhận xét: lời Chúa là lời khó nghe; ngày nay, có nhiều Ki-tô hữu vẫn xa lạ với lời Chúa và xem thời gian nghe lời Chúa là thời gian vô ích. Hai ngàn năm trước, những chủ quán trọ không có chỗ dành cho Hài Nhi Giê-su và cha mẹ Ngài; ngày nay, ngay cả trong lòng Ki-tô hữu, không có chỗ cho Chúa đến trong tâm hồn, bởi người ta khước từ nhận lãnh Mình Thánh Chúa. Vì thế, mùa Vọng là dịp Chúa đánh thức trái tim mỗi chúng ta, để chúng ta nhận ra Chúa đến và mời đón Chúa đến ở giữa chúng ta.
Qua sách Khải Huyền, Chúa Giê-su nói: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy” (Kh 3,20). Mọi sự đang thuận lợi, chỉ cần chúng ta mở lòng đến với tòa Giải Tội, Chúa sẽ vào tha thứ tội lỗi chúng ta; chỉ cần chúng ta mở trí đọc hiểu lời Chúa, Chúa sẽ vào dùng lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta; chỉ cần chúng ta mở trọn con người rước Chúa xứng đáng, Chúa Giê-su Thánh Thể sẽ đến ở giữa chúng ta.
Vì thế, lời Chúa kêu gọi: “Hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến” (Mt 24,42) càng thôi thúc trái tim chúng ta khát khao Chúa hơn, để khởi từ mùa Vọng này, cá nhân và gia đình chúng ta được tràn niềm vui có Chúa đến ở giữa và có sự biến đổi lớn bên trong chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin mau đến ở giữa tâm hồn và cuộc đời chúng con, để từ nay, chúng con nhận ra Niềm Vui lớn lao có Thiên-Chúa-làm-người ở với chúng con mọi ngày và thế là đủ cho trái tim chúng con.
[1] Pope Benedict XVI, General Audience December 20, 2006.