Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM A

1-12-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Trung Tâm Mục Vụ

GIÁO HUẤN SỐ 1

Tông huấn ĐỨC KITÔ HẰNG SỐNG

Của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các bạn trẻ

và toàn dân Thiên Chúa

Lịch Giáo phận trang 27

“Đức Kitô hằng sống!” Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sự sống. Vì thế, lời đầu tiên cha muốn nói với tất cả các bạn trẻ Kitô hữu là lời này: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con cũng sống thực sự!

Người ở trong các con, vì Người không bao giờ bỏ các con. Dù các con đi lạc xa đến đâu. Người là Đấng Phục sinh vẫn luôn ở đó. Người kêu gọi các con, Người chờ mong các con trở về với Người và bắt đầu lại mọi sự. Khi các con cảm thấy mình đang già đi vì ưu phiền, vì phẫn uất hay sợ hãi, vì nghi ngờ hay thất bại, Người sẽ vẫn luôn ở đó để phục hồi nghị lực và hy vọng của các con (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 1&2).

 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM A

(Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44)

Đền Chân phước Anrê ở Phước Kiều, Thanh Chiêm cũng là quê quán của ông già Anrê.

Ông Anrê là người quảng đại. Cha Đỗ Quang Chinh kể : “Trước khi đi yết kiến nhà vương, Rhodes (cha Đắc Lộ) để Pedro Alberto (mới đến đây) ở lại Hội An. Ngoài một số lễ vật quí mang từ Áo Môn, Rhodes dốc hết tiền của mua sắm nhiều đồ quý khác để tiến dâng Chúa Thượng. Cũng may, một giáo hũu giầu có và rộng lượng là ông Anrê đã bỏ tiền bù lại cho vị thừa sai’ (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 81).

Cha Nguyễn Hồng kể : “Một hôm quan trấn cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng ở nơi công cộng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 151).

Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cụ Anrê : ‘Cụ thuộc vào số những người theo đạo  trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ở nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 168-169).

Cha Nguyễn Hồng kể tiếp về ông An-rê : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê Phú Yên… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 166).

Cha Vũ Thành viết : “Cha Đắc Lộ xuống nhà tù để an ủi và sửa soạn cho hai người lính can trường của Chúa đi lãnh triều thiên tử đạo. Ông Anrê đã mặc áo chỉnh tề mà không được vinh dự tử đạo nên rất buồn” (Dòng Máu Anh Hùng,  tập I, trang 30).

Lịch Giáo phận trích dẫn : “Mùa Vọng có hai đặc tính vừa là mùa chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như là mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (trang 26).

Lời Chúa trong Chúa nhật Mùa Vọng hôm nay nói về niềm vui Chúa đến, và khuyên chúng ta sửa soạn đón Chúa.

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. I-sai-a có nghĩa là “ơn cứu độ của Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa là ơn cứu độ” (Nhóm CGKPV, Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 1549).

Sách Kinh Thánh của Nhóm CGKPV viết về ngôn sứ I-sai-a : “Ngôn sứ I-sai-a được gọi và rao giảng vào khoảng thời gian 740 đến 687 tCN. Ông được gọi vào năm cuối cùng đời vua Út-di-gia-hu, một triều đại lâu đời và thịnh vượng. Nhưng sự thịnh vượng đã dẫn tới nếp sống xa hoa đầy bất công bóc lột. Ông tố giác lối sống bất chính, trái luật Chúa… Qua những dấu vết tiểu sử của vị ngôn sứ trong sách I-sai-a, chúng ta biết được ông là một thân cận với nhà vua, có thể là một vị quan trong triều. Ông tỏ ra rất sành sỏi chính trị, biết tõ cuộc sống thành thị…Theo truyền thuyết, ông đã bị vua Ma-na-se xử tử bằng cách cưa thân” (sđd, trang 1547).

Sách của Nhóm CGKPV viết về đoạn văn đọc trong thánh lễ hôm nay : “Đoạn này phù hợp với hướng phổ quát của I-sai-a… Dân Ít-ra-en hành hương lên Giê-ru-sa-lem để dâng lễ và xin ơn. Dân ngoại hướng về Giê-ru-sa-lem để học biết giáo huấn của Thiên Chúa. Dân Í-ra-en đã nhận luật Chúa mà không tuân giữ, còn dân ngoại đi theo đường lối của Chúa. Nhờ sống theo luật Chúa, mới có hòa bình đích thực” (sđd 1552).

Bài Tin Mừng : BTM năm A đọc sách Tin Mừng Mat-thêu. Mát-thêu, tiếng hip-ri có nghĩa là “món quà của Chúa” (Scott Hahn, Catholic Dictionary, trang 590).

Sách của Nhóm CGKPV viết : “Tin Mừng Mát-thêu trước tiên là một Tin Mừng có nhiều tính thần học hơn là lịch sử… Điều mà tác giả nhắm đến  là trình bày con người Đức Giê-su và sự nghiệp của Người : Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trước trong Cựu Ước. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội. Hơn nữa Mát-thêu còn muốn cho thấy, qua sự nghiệp đó, Đức Giê-su đã dần dần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa như thế nào. Điển hình là lời Người tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do thái (26,64) và ở cuối Tin Mừng, lệnh Chúa sai các môn đệ ra đi tiếp tục sứ mệnh của Người (28,18-20) (trang 2121)

Cha Claude Tassin giải nghĩa đoạn Tin mừng đọc trong thánh lễ như sau : “Ký ức về trận lụt (St 6,8) là lời cảnh báo về sự “giáng lâm của Con Người” (c.37; 39). Trong sự so sánh này, tác giả phúc âm không nhấn mạnh đến hạnh kiểm xấu của những kẻ bị lụt cuốn trôi mà nhấn mạnh đến sự lơ là không biết phòng xa của họ : cuộc sống cứ trôi đi ngon trớn, người ta cứ lo ăn uống, dựng vợ gả chồng và không đếm xỉa việc Thiên Chúa có thể can thiệp phán xét cuộc hiện sinh thường ngày của họ” (Tin Mừng Matthêu, trang 44).

Bài đọc 2 : Nhóm CGKPV giải nghĩa đoạn thư Rôma đọc trong thánh lễ hôm nay như sau : “Viễn tượng ngày cánh chung, ngày của Chúa. Ông Phao-lô khuyên nhủ tín hữu tỉnh thức đón chờ ngày Đức Ki-tô trở lại. Chính vì lý do này, người tín hữu phải luôn sẵn sàng, chu toàn lề luật. Tuy nhiên không nên chỉ giới hạn ngày vào thời quang lâm. Phải hiểu rộng hơn. Ngày cứu độ đã bắt đầu từ khi Đức Ki-tô chết và sống lại. Thế nên, người tín hữu được tham dự vào Nước Thiên Chúa và Con của Người ngay từ bây giờ. Là công dân của Nước Trời, người tín hữu sống trong hoàn cảnh  mói phải theo đòi hỏi luân ký mới” (Kinh Thánh ấn bản 2011,trang 2511).

Chúng ta bắt đầu vào Mùa Vọng. Có 4 tuần Mùa Vọng để giúp chúng ta đón mùng Lễ, đón mừng Chúa giáng sinh.

Chúng ta hãy noi gương cụ Anrê Phước Kiều “mặc áo chỉnh tề” để đón Chúa.

Chúng ta nghe theo Lời Chúa dạy để dọn tâm hồn đón mừng Chúa giáng sinh.