Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM B

(Is 63,16b-17.19; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

29-11-2020

 

Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ, sinh ngày 15-3-1591, tại Avignon, đất của Tòa Thánh. 18 tuổi, nghe tiếng Chúa gọi, ngài đi tu. Ngài xin vào dòng Tên, dòng truyền giáo, và được huấn luyện tại học viện Rôma. Phục sinh năm 1618, thụ phong linh mục, ngài được sai sang Nhật. Trước khi đi, ngài vào chầu Đức giáo hoàng Piô V. Ngài về Avignon giã từ gia đình bà con. Theo chế độ bảo trợ, cha qua Bồ Đào Nha xuống tầu. Ngày 4-4-1619 đoàn tầu ra khơi. Ngày 9-10-1619 tới Goa, Ấn Độ, cha chờ đợi tầu đi Áo Môn (Ma-cao). Ngày 29-5-1623 cha tới Áo Môn. Tại đây cha học tiếng Nhật để chờ vào Nhật. Nhưng tình hình bắt đạo ngày gay gắt, bề trên sai cha sang Trung quốc, nhưng không thành, vì Trung Hoa cũng cấm đạo. Khi sắc lệnh bắt đạo năm 1614 ban ra, một số người Công giáo Nhật trốn sang Hội An. Năm 1615 các cha dòng Tên ở Áo Môn tới Hội An để giúp đỡ…Thấy người Việt dễ thương, các cha gieo hạt giống Tin Mừng. Hạt giống trổ bông đầy cánh đồng Hội An, Qui Nhơn và Huế. Bề trên sai Cha Đắc Lộ đến gặt hái. Ngày 27-12-1624 cha tới Hội An.

Cha ở Phước Kiều học tiếng Việt với cha Pina. Cha thú nhận: “Khi mới đến xứ Nam, nghe dân bản xứ nói chuyện, nhất là phụ nữ, tôi có cảm tưởng nghe chim hót. Lúc đầu tôi ngã lòng tưởng không thể nào học được tiếng nói của họ”. Cha cũng được một cậu bé, quê Cây Trâm, Tam Kỳ giúp. Cha kể : “Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng” (Google, cha Đắc Lộ).

Cha Đắc Lộ nói sỏi tiếng Việt, được bề trên sai ra Miền Bắc giảng đạo. Ngày 19-3-1627 cha tới Cửa Bạng, Thanh Hóa. Ngày 2-7-1627 cha đặt chân lên Kẻ Chợ (Hà Nội). Công chúa Catarina, chị chúa Trịnh Tráng, là một trong những người đầu tiên theo đạo. Cha Nguyễn Hồng kể: “Không những nhiệt thành truyền đạo trong phủ chúa, bà còn đem tài văn chương ra phụng sự Giáo Hội. Bà đặt thành thơ văn tất cả lịch sử đạo Công Giáo bắt đầu từ tạo thiên lập địa cho đến Chúa xuống thế làm người, đời sống, cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời…Còn phụ thêm chuyện ‘chúng tôi đến xứ Đông Kinh và công cuộc truyền giáo ở đó’”. (Lich Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 118).

 Cha Bùi Đức Sinh kể: “Phu nhân quan trấn Kẻ Đông (Hải Dương), tên thánh là Anna, đã đưa nhiều người trong vùng vào đạo, xây nhiều nhà nguyện cho những họ đạo. Có nhiều dịp lên kinh đô thay chồng, bà thường đem theo nhiều tân tòng đến xin các cha rửa tội” (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 144).

Cha Nguyễn Hồng viết: “Cha Đắc Lộ công nhận rằng: điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó bao nhiêu người Công Giáo là bấy nhiêu thiên thần và ơn phép rửa tội đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta gặp thấy ở các Tông Đồ và các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội tiên khởi. Họ có một đức tin sâu xa vững mạnh, không có gì có thể nhổ khỏi lòng họ…Có những người ở xa 15 ngày đường đến để được xưng tội rước lễ. Còn những người ở xa nhà thờ không quá năm hay sáu dặm đường thì không bao giờ chịu mất các ngày lễ buộc. Họ đến từ chiều hôm trước và ở mãi đến hôm sau khi dự hết các nghi lễ rồi mới trở về, nghĩa là gần lúc chiều tà. Suốt cả ngày hôm đó, họ ở nhà thờ quì gối chắp tay cầu nguyện, khiêm nhượng sốt sắng hết sức. Thấy họ như thế tôi cảm động đến rơi lệ…Mỗi người thường đeo hai Thánh Giá, một ở ngực, một ở cổ tay. Họ bảo rằng Thánh Giá ở ngực là khiên mộc bảo vệ, còn Thánh Giá ở cổ tay là kiếm để đánh đuổi kẻ thù. Sáng nào cũng như sáng nào, họ nguyện kinh nửa giờ, và nhiều người còn nguyện ngắm các mầu nhiệm trong đạo…Họ dọn mình xưng tội rước lễ cẩn thận sốt sắng…Trước khi chịu lễ họ ăn chay đánh tội… Khi xưng tội, nếu chẳng may vì yếu đuối sa ngã một lỗi nặng thì ăn năn khóc lóc hết lòng  (sđd, trang 122-123).

Cha Nguyễn Hồng kể về việc phụng vụ cha Đắc Lộ tổ chức như sau: “Ngày Chúa Giáng Sinh, cha cho soạn nhiều ca vãn để giáo dân cùng nhau hát trước lễ Nửa Đêm. Trước Chúa Hài đồng, cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc. Sau đó mọi người quì xuống bái lạy Chúa.

Ba Ngày Năm Mới, cha hiến dâng để tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Mồng một kính Chúa Cha, Đấng dựng nên và quan phòng vũ trụ. Mồng hai kính Chúa Con xuống thế làm người, chuộc tội cho nhân loại. Mồng ba kính Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa… Cây nêu được thay thế bằng cây Thánh Giá

Lễ Nến, ngày Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, cũng như lễ Lá, là hai ngày giáo dân nô nức đến nhà thờ xin làm phép nến và lá…Tục dùng lá dừa thay lá ô-liu các cha dòng Tên khởi xướng ngay từ đầu”…

Tuần Thánh cha Đắc Lộ lập ra Ngắm 15 Sự Thương Khó” (sđd, trang 124).

Cha Bùi Đức Sinh kể: “Một hoạn quan có lẽ do một vương phi quyền thế sai đến dọa nạt các cha, nói là được chúa Trịnh sai đi để chuyển đến hai cha (cha Đắc Lộ và cha Marquez), những lời sau đây: Hỡi các Tây dương đạo trưởng, sao các ngươi lại đem đến trong nước ta một đạo trái với tục đa thê? Các ngươi chỉ cho phép các thần dân của ta được có một vợ một chồng, khi mà ta muốn có nhiều tôi trung. Từ nay ta cấm các ngươi không được truyền đạo sai trái đó nữa. Nếu bất tuân lệnh ta, thì các ngươi phải biết rằng: mất đầu thì chân không thể đứng vững, nghĩa là ta sẽ loại trừ căn nguyên cái xấu ra khỏi nước này” (BĐS, sđd, trang 141).

Cha Nguyễn Hồng kể: “Năm 1629, mùa gió đã bắt đầu, mà vẫn không thấy tầu buôn ở Áo Môn đến. Qua tháng 2, tháng 3, Trịnh Tráng cho người đến bảo các cha biết nhà chúa sẽ cho thuyền chở các cha vào Nam để kịp gặp tầu buôn về Áo Môn.

 Ngày lên đường, Trịnh Tráng sai quan đem đến cho hai cha 20 tiền vàng và 1 tấm vải quí. Các cha xin cho được gặp nhà chúa, vịn cớ để cám ơn tất cả những ân huệ trong 2 năm qua, hy vọng có thể rút lại lệnh trên, nhưng các quan không cho và yêu cầu các cha xuống thuyền đã đợi sẵn ở bến. Giáo dân đứng chật hai bên bờ, khóc lóc buồn bã. Cụ nghè Gioakim tuổi đã 70, trước là quan đại thần trong triều, cũng có mặt. Cụ mặc áo thụng xanh, tiễn các cha ra tận bến. Trước khi chia tay, cụ phục lạy các cha 4 lạy, dù các cha hết sức từ chối. Mấy lời khuyên răn từ giã cuối cùng, con thuyền xa bến, giữa những tiếng khóc của giáo dân. Lúc đó là cuối tháng 3 năm 1629” (sđd trang 134).

Cha Đắc Lộ về Áo Môn dạy học 10 năm, sau đó cha trở lại Đàng Trong 4 lần. Vào lần thứ 4 cha bị bắt. Cha Nguyễn Hồng kể: “Sau lễ Phục Sinh ở Quảng Nam (có lẽ ở Phước Kiều), cha trở lại Hội An để lên kinh đô thăm giáo dân, nhất là bà Minh Đức. Vì một câu nói của chúa thượng, con của bà là ông Hoàng Khê đã triệt hạ ngôi nhà nguyện rộng rãi đẹp đẽ của bà. Bà buồn phiền suốt một tuần lễ, đi đây đó mà vẫn không khuây khỏa. Vì dè giữ, nên cha không dám lên phủ chúa, ngừng lại ở một phố nhỏ gần dinh phủ. Nghe tin cha tới, bà liền xuống gặp cha. Bỏ khu phủ chúa, cha định ngược lên phía Bắc để thăm các họ đạo ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Ba ngày trước lễ Thánh Linh, cha lên đường cùng với 8 thầy giảng. Thuyền gặp gió tiến rất nhanh, chẳng may giữa đường gặp ba chiến thuyền đi tuần bắt giữ lại.

 Chúa thượng tuyên án cha phải bị xử tử. Vị đại thần trước đây là thầy dạy của chúa can ngăn…Chúa Nguyễn tha, nhưng bắt phải ra khỏi nước…Quan trấn Quảng Nam, người đã ra lệnh xử tử thầy Anrê-Phú Yên, được chúa Nguyễn sai giải cha vào Hội An để đưa xuống tầu người Bồ về Áo Môn.

 Cha bị giữ ở một gia đình người Nhật. Đêm ngày có lính gác, không ai được đến thăm. Nhưng ông Phanxicô, tên thánh người lái buôn Nhật, đã tìm cho cha một phương thế để cha gặp giáo dân. Ở bên cạnh có một nhà Công Giáo. Giáo dân bí mật đến hội họp tại đó. Ban đêm chờ cho lính canh ngủ, ông Phanxicô bắc thang cho cha trèo qua cửa sổ sang nhà bên để gặp giáo dân : rửa tội, giải tội và giảng dạy. Độ 2 giờ sáng, dâng lễ rồi, lại bí mật trở về. Cứ như thế trong 22 ngày bị giam ở Hội An, cha đã rửa tội được 92 người. Ngày 7-3-1645 cha vĩnh biệt Việt Nam (sđd trang 194-198).

Cha Đắc Lộ rời Việt Nam trở về Áo Môn, rồi về Rôma. Cha Bùi Đức Sinh kể : “Lòng cha vẫn hướng về xứ truyền giáo này. Cha đi Rôma bái yết Đức Thánh Cha Innôxentê, trình bày tình hình các xứ truyền giáo Đông phương, xin Đức Thánh Cha đặt mấy vị giám mục và đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc…Đức thánh cha muốn cử cha làm giám mục, song cha khiêm nhường từ chối. Cha lên đường đi Ba Tư truyền giáo 6 năm nữa, cho tới khi từ trần tại Ispahan ngày 16-11-1660 (sđd, tập I, trang 221).

Nhìn lại cuộc đời cha Đắc Lộ và giáo dân Việt Nam tiên khởi, chúng ta thấy lòng ao ước Chúa của các ngài nồng nàn biết bao. Các ngài đã sống hết tinh thần Mùa Vọng mà Lời Chúa thánh lễ hôm nay kêu mời.

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Isaia nghĩa là “ơn cứu độ của Thiên Chúa” hay  “Thiên Chúa là ơn cứu độ”. Sách của nhóm CGKPV viết về đoạn sách chúng ta đọc: “Phần này tiếp tục cho tới hết 64,2 nói lên ước vọng sâu thẳm của đoàn dân đang ngóng chờ Thiên Chúa can thiệp. Lời cầu xin này sẽ được đáp nhận khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người trong mầu nhiệm nhập thể (x.Ga 3,,13) và ở hai nơi Mc đã dùng đúng chữ ‘xé’ : Mc 3,10 và 15,38”(Các Sách Ngôn Sứ, trang 209).

Bài Tin Mừng: BTM thánh lễ hôm nay được Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy niệm trong giờ Truyền Tin ngày 3-12-2017 như sau : “ Ngày hôm nay, chúng ta bắt đầu con đường Mùa Vọng và con đường này sẽ lên đến đỉnh diểm trong lễ Giáng Sinh. Chúa ban cho chúng ta Mùa Vọng  để đón tiếp Chúa là Đấng đang đi đến gặp gỡ chúng ta, cũng là để kiểm tra lòng chúng ta ao ước Thiên Chúa, để nhìn ra phía trước, và để chuẩn bị tâm hồn chúng ta đi đón Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Người sẽ lại đến với chúng ta trong lễ Giáng Sinh, khi chúng ta tưởng niệm sự kiện Người đến trong lịch sử, trong sự khiêm nhường của kiếp nhân sinh, nhưng Người cũng đến trong tâm hồn chúng ta, cứ mỗi lần chúng ta sẵn sàng đón tiếp Người, và Người sẽ lại đến vào ngày chấm tận thời gian, để xét xử kẻ sống kẻ chết. Chính vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chờ đợi Chúa đến với niềm hy vọng sẽ gặp được Người. Phụng vụ ngày hôm nay chính là để dẫn đưa chúng ta vào trong chủ đề gợi cảm nói lên sự tỉnh thức và trông đợi này.

 Người tỉnh thức, người đón nhận lời mời gọi chăm chú theo dõi, nghĩa là không để cho giấc ngủ thất vọng, giấc ngủ không còn hy vọng, giấc ngủ không còn cậy trông đè nng con người mình, và đồng thời cũng là người đẩy lui lời mời mọc của vô số những phù hoa giả dối đầy ứ trên thế gian này, và đằng sau những phù hoa ấy, đôi khi người ta hy sinh cả thời giờ và sự thanh thản của cuộc sống cá nhân và gia đình mình… (GB Lê Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Trọng Năm B, trang 13.15).

Bài đọc 2:  Bđ2 đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi cộng đoàn Cô-rin-tô ở Hy-lạp. Nhóm CGKPV giới thiệu cộng đoàn như sau: “Giáo đoàn Cô-rin-tô được thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại đó hơn 18 tháng từ cuối năm 50 đến giữa năm 52 (Cv 18,1-8).

 Theo cách hoạt động thông thường của ngài ở các trung tâm lớn, thánh Phao-lô muốn gieo hạt giống đức tin tại cửa khẩu sầm uất nổi danh này, mong hạt giống ấy sinh hoa kết trái (2Cr 1,1-9,2). Quả thật, ngài đã gây dựng một cộng đoàn vững mạnh.

 Nhưng thành phố lớn này là một trung tâm văn hóa Hy-lạp, là giao điểm của nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác nhau, với một nhịp sống xô bồ ai cũng biết tiếng…Điều này ảnh hưởng đến tinh thần của giáo đoàn: các tín hữu thật sốt sắng, nhưng lại bị nhịp sống vô đạo vô luân bên ngoài đe dọa. Đức tin Ki-tô-giáo còn non trẻ tiếp xúc với một thành phố như thế quả là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề tế nhị cho người bổn đạo mới (Tân Ước, 1994, trang 657).

Dẫu môi trường xã hội “xô bồ”, “vô đạo, vô luân”, cộng đoàn Cô-rin-tô “không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Người” (1,7). Vì thế, thánh Phao-lô sung sướng viết : “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Giê-su Ki-tô” (1,4).

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp chúng con noi gương cha ông tổ tiên chúng con sống Mùa Vọng sốt sắng, để đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành