Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm C


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Ngày 01/12/2024

Thánh vịnh tuần I.

Trung tâm Mục vụ và TCV Gioan Chầu Thánh Thể.

GIÁO HUẤN SỐ 1

Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (tiếp theo)

TRONG CỘNG ĐOÀN

 “Lớn lên trong sự thánh thiện là một hành trình trong cộng đoàn, sát cánh với những người khác. Chúng ta thấy điều này nơi một số cộng đoàn thánh thiện. Lúc này lúc khác, Giáo hội đã tuyên thánh trọn cả những cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hay đã dâng hiến cho Thiên Chúa sự sống của tất cả các thành viên. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghĩ tới bảy vị sáng lập thánh thiện của Dòng Tôi Tớ Đức Maria, bảy Chân phúc nữ tu thuộc đan viện đầu tiên của Dòng Thăm Viếng ở Madrid, các thánh tuẫn đạo Nhật Bản: Paul Miki và các bạn, các thánh tuẫn đạo Triều Tiên: Andrew Taegon và các bạn, hay các thánh tuẫn đạo Nam Mỹ: Roque González, Alonso Rodríguez và các bạn. Chúng ta cũng nên nhớ lại các chứng tá gần đây hơn của các đan sĩ Trappist ở Tibhirine, Algeria, là những người đã chuẩn bị trong tư cách một cộng đoàn để sẵn sàng tuẫn đạo. Trong nhiều cuộc hôn nhân thánh thiện cũng thế, mỗi người phối ngẫu trở thành một phương tiện Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia. Việc sống hay làm việc cùng với những người khác chắc chắn là một con đường trưởng thành thiêng liêng. Thánh Gioan Thánh Giá nói với một trong các môn đệ ngài: “Bạn đang sống với những người khác để được uốn nắn và thử thách”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 141).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 – 4,2; Lc 21,25-28.34-36)

Bài Ðọc I: Gr 33, 14-16

“Ta sẽ làm nảy sinh cho Ða-vít một chồi công chính”.

Trích sách Tiên tri Giê-rê-mi-a.

Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ða-vít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14

Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa (c. 1b).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Xướng: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Tx 3, 12 – 4, 2

“Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Ki-tô đến”.

Trích thư thứ I của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen.

Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giê-su điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giê-su đã ban cho anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 25-28, 34-36

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.

Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Hãy đề phòng, hãy đứng thẳng và ngẩng đầu

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong Tin Mừng hôm nay chúng ta Chúa Giêsu dùng những câu mệnh lệnh: “phải đề phòng, hãy coi chừng, hãy đừng thẳng, hãy ngẩng đầu lên” để diễn tả thái độ tỉnh thức đợi chờ Chúa đến. Tỉnh thức để nhận ra những điềm báo thời cứu độ đang đến và có thái độ thích hợp với tình thế đòi hỏi. Cho nên, bài đọc 1, Tiên tri Giêrêmia kêu mọi Dân Do Thái tỉnh thức đợi chờ Đấng Cứu Thế đến để cứu thoát Dân Người khỏi cảnh lầm than, lưu đày khổ ải. Ngài mời gọi Dân Chúa phải tín thác, hết lòng cậy trông vào Thiên Chúa và Chúa sẽ đến làm cho Giêrusalem an cư lạc nghiệp. Đến bài Tin Mừng, Đấng cứu thế đến rồi, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức, đứng thẳng và ngẩng đầu đợi chờ Chúa đến trong vinh quang trong ngày sau hết. Như vậy, trong Cựu ước, dân Do Thái chờ đợi Chúa Cứu Thế đến lần thứ nhất: Ngài Giáng Sinh làm người. Còn chúng ta ngày nay, dựa trên cơ sở của biến cố Chúa đến lần thứ nhất nầy để vững tin và hy vọng vào biến cố Chúa sẽ lại đến lần thứ hai. Vậy Mùa Vọng, chúng ta không chỉ hồi tưởng hay kỷ niệm quá khứ chờ đợi của dân Do Thái, mà chúng ta còn sống chính nỗi niềm chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Từ đó, chúng ta mới hiểu lý do tại sao đầu năm phụng vụ Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng liên quan đến biến cố cuối cùng: Ngày Chúa quang lâm này.

Cuộc sống con người đầy những bất ngờ. Có những điều chúng ta nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra, thậm chí tin chắc sẽ không thể xảy ra được, vậy mà thực tế chúng lại xảy ra. Chẳng hạn, chúng ta có ngờ đâu nạn đại dịch Covid xảy ra kinh hoàng như thế khắp thế giới từ một vài người ở một nơi nhỏ nhoi ít người biết tới như thế. Trong cuộc sống có rất nhiều cái bất ngờ: những bất ngờ thú vị làm tôi ngất ngây, ví dụ không ngờ mình trúng số hay không ngờ mình được đứa con rể trở lại đạo sốt sắng như thế. Rồi cũng có những bất ngờ đớn đau làm tôi hụt hẫng. Ví dụ, không ngờ người thân của ta mới bệnh 2 tuần mà nay đã về với Chúa… Bên cạnh cuộc sống, vũ trụ này cũng kết thúc rất bất ngờ, khi nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được kể cả Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay căn dặn chúng ta rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh chị em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh chị em sắp được cứu chuộc. Vậy anh chị em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh chị em. Vậy anh chị em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.

Vậy, trong khi chờ đợi Chúa Giêsu bất ngờ đến trong vinh quang của Ngài, chúng ta hãy để những bất ngờ của chúng ta đầy thú vị, ngất ngay và thanh thản, chúng ta hãy luôn làm cho đèn dầu đức tin của chúng ta không bao giờ cạn. Nén bạc chúng ta không được chôn giấu mà phải sinh lợi cho Chúa và tha nhân bằng việc Mến Chúa yêu người qua việc sống đức tin đức cậy và kính mến Chúa trên hết mọi sự, trung tín thờ phượng Ngài trong mọi hoàn cảnh và can đảm sống thánh ý và Lời Ngài mọi nơi, mọi lúc và mọi thời. Sau đó, sống đức bác ái với tha nhân như Lời Chúa trong bài đọc 2, thánh Phaolô dạy: “anh chị em dành tình thương đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Như thế, Chúa sẽ cho anh chị em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người

.Mùa Vọng nhắc ta nhớ đến lần đầu tiên của Con Chúa, và nhắc nhở ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Xin cho mỗi người chúng ta luôn đứng thẳng, cao đầu ra chờ đợi Ngài đến trong đời từng giây từng phút trong hy vọng và mừng vui. Đặc biệt chúng ta hướng đến năm thánh 2025, với sắc chỉ công bố năm Thánh, Spes non confundit, hy vọng không làm thất vọng, Đức Thánh Cha Phanxôcô nói rằng: “Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Thánh Kinh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,18-20). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta, và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa” (số 25). Amen.

 

SUY NIỆM II.

 TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG: LỜI MỜI GỌI CỦA MÙA VỌNG

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Hôm nay, chúng ta cùng nhau bước vào Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, thời gian đặc biệt để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa Giáng Sinh. Mùa Vọng không chỉ là thời gian đếm ngược đến ngày lễ mà còn là một cơ hội quý báu để làm mới lại niềm tin và khát vọng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống.

Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 21, 25-28.34-36). Tin Mừng hôm nay mô tả những dấu hiệu của thời đại, những biến cố mà nhân loại sẽ phải trải qua. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Khi những điều này xảy ra, hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì sự cứu độ của các ngươi đang đến gần.”

Trước hết, chúng ta hãy nói về việc tỉnh thức và chuẩn bị. Ý nghĩa của việc tỉnh thức không chỉ giới hạn trong sự chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa mà còn cần thiết trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Thời gian Mùa Vọng mời gọi chúng ta xem xét lại tâm hồn, làm sạch những gì cần thiết.

Câu chuyện về tàu Titanic là một minh họa sống động về sự thiếu tỉnh thức. Titanic, vào năm 1912, là tàu viễn dương lớn nhất thế giới, được cho là không thể chìm. Nhưng vào đêm 14 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic va phải một tảng băng trôi và chìm trong hai giờ rưỡi, khiến 1.513 người thiệt mạng. Trước đó, tàu Titanic đã nhận được nhiều cảnh báo về băng trôi, nhưng thủy thủ đoàn lại không chú ý. Họ bận tâm đến những điều nhỏ nhặt như chuyện thực đơn bữa tối và không xem xét những cảnh báo nghiêm túc. Hậu quả là những sinh mạng quý giá đã mất đi. Đây là một bài học lớn cho chúng ta: Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo từ Chúa. Chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc sống của mình luôn ổn định, “con tàu” của mình sẽ không bao giờ chìm, nhưng Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức, chuẩn bị và luôn sẵn sàng đón nhận Chúa.

Đôi khi chúng ta tin rằng “con tàu” của chúng ta là không thể chìm, cuộc sống của chúng ta đã được lên kế hoạch chắc chắn, và điều bất ngờ không thể xảy ra với chúng ta. Chúa nhật I Mùa Vọng nhắc chúng ta luôn tỉnh thức, chờ đợi và sãn sàng.

. Mùa Vọng là lúc để chúng ta dừng lại, suy ngẫm và tìm ra những điều thực sự quan trọng. Hãy để lòng mình được lắng dịu để cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong từng khoảnh khắc.

Tiếp theo là những dấu hiệu của thời đại. Trong thế giới hôm nay, chúng ta chứng kiến nhiều biến động, từ thiên tai, dịch bệnh đến những xung đột, khủng hoảng xã hội. Những dấu hiệu này không chỉ là cảnh báo mà còn là lời mời gọi.

Những năm vừa qua, chúng ta đã trải qua đại dịch COVID-19, một thời kỳ đầy thử thách khiến nhiều người cảm thấy bất an. Thời gian này như muốn nhắc nhở chúng ta:  giữa những khó khăn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa. Chúng ta có thể nhìn thấy những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ của cộng đồng và niềm tin vào sự phục hồi. Chúa đang mời chúng ta chú ý đến những dấu hiệu của Ngài trong cuộc sống của mình. Hãy tìm kiếm sự dẫn dắt và bình an nơi Ngài, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Cuối cùng, cầu nguyện và lòng tin là những phần không thể thiếu trong Mùa Vọng. Cầu nguyện là cầu nối giúp chúng ta gần gũi với Chúa hơn. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã nói: “Cầu nguyện là làm cho chúng ta gần gũi với Thiên Chúa và cũng giúp chúng ta nhận ra sự gần gũi của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.”

Mong sao mỗi người chúng ta sống tâm tình mùa Vọng: Trước hết, là thời gian để chúng ta tỉnh thức, thứ đến chuẩn bị tâm hồn, nhận diện dấu hiệu của Chúa trong cuộc sống và cuối cùng phải cố găng xây dựng đời sống cầu nguyện. Hãy sống tích cực trong Mùa Vọng này, thực hiện các hành động bác ái, cầu nguyện và hy vọng vào Chúa.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho một Mùa Vọng đầy ý nghĩa, để chúng ta có thể đón nhận Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của mình.

jn.nvh

 

SUY NIỆM III

MÙA VỌNG – MÙA ĐÁNH THỨC KÝ ỨC VỀ THIÊN CHÚA

(Hội An 1/12/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Hôm nay toàn thể Hội Thánh bắt đầu bước vào mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa đến. Chúng ta được dạy như thế. Đức Bênêđíctô còn cho chúng ta biết thêm, đó là “mùa đánh thức ký ức sâu xa và đầy cảm xúc bên trong chúng ta về Thiên Chúa làm người trở thành Hài Nhi bé nhỏ. Ký ức này là ký ức chữa lành, là ký ức mang lại niềm hy vọng cho chúng ta.” Đánh thức trí nhớ về Thiên Chúa làm người ở với chúng ta là việc hằng ngày và mọi lúc của đời ta. Nói cách khác, cuộc sống là mùa Vọng, là chuỗi ngày chúng ta luôn nhớ đến Chúa và nhận ra Chúa đang đến với chúng ta. Nhưng liệu mùa Vọng tiếp nối mùa Vọng, trí nhớ của chúng ta về Thiên Chúa làm người là Hài Nhi Giê-su có đánh động tâm hồn và làm biến đổi đời sống chúng ta không? Chúng ta có nhận ra Ngài đang đến và lòng mỗi người có mong mỏi tìm gặp Ngài không?

  1. Mất trí nhớ về Chúa

Buồn thay, hơn hai ngàn năm trước, nhiều người đã không nhận ra Thiên-Chúa-làm-người đến với họ, mặc dù các ngôn sứ đã báo trước và thôi thúc mọi người vui mừng đón lấy Ngài. Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít.” Thế mà khi Thiên Chúa đến, họ không nhận ra Ngài. Vì sao vậy? Vì sự xuất hiện của Thiên Chúa không như chúng ta nghĩ tưởng và mong đợi.

Có mấy ai mong đợi Thiên Chúa đến với nhân loại và sinh ra nơi hang lừa máng cỏ? Người ta tìm Chúa nơi nguy nga tráng lệ của cung điện. Các nhà đạo sĩ ban đầu đã chẳng tìm đến cung điện của vua Hêrôđê để hỏi nơi Chúa ở đâu đó sao? Người ta tìm Chúa nơi quán trọ, là nơi nhộn nhịp đông người, nơi lao xao xu hướng này, lối sống nọ, chứ mấy ai nghĩ và chờ mong Thiên Chúa làm người nơi máng cỏ đơn hèn, nơi đòi hỏi người đến với Ngài phải khiêm tốn mới nhận ra và tôn thờ Ngài? Cũng vậy, ngày nay chúng ta tìm Ngài ở đâu? Chúng ta có bao giờ nhận biết Bê-lem vẫn đang ở trong thời đại này, mà ở đó, theo diễn tả của Đức cha Fulton Sheen, hang đá chính là nhà Tạm, máng cỏ là bình đựng Mình Thánh Chúa, cọng rơm là những bông hoa trên bàn thờ và Chúa Giê-su Thiên-Chúa-làm- người đang sống giữa chúng ta trong nhà Tạm? Quả thật, Thiên Chúa luôn luôn đến ở nơi mà chúng ta ít nhận ra và mong đợi như thế. Vì thế, nỗi buồn nhất trong lịch sử từ hơn hai ngàn năm trước: “Ngài đến nhà Ngài mà người nhà không đón nhận”, nay lại tái diễn trong thời đại chúng ta. Vậy, chúng ta giả vờ không thấy Chúa mãi sao? cứ dửng dưng không nhận ra Chúa sao? Hay nỗi sợ hãi mất mát hoặc thiệt thòi những lợi tức trần thế làm chúng ta không nhận ra Chúa?

  1. Đứng thẳng và ngẩng đầu lên đón Chúa

Nỗi sợ hãi khiến người ta quyết định sai và xa cách Chúa. Nỗi sợ hãi phải về Ai-cập dẫn dân Chúa ra đi khiến Mô-sê không nhận ra Chúa, cho đến khi Chúa bảo đảm “Ta ở với người.” Nỗi sợ hãi phải tiến vào vùng Đất Hứa lạ lẫm khiến dân Israel không dám tiến bước theo lệnh Chúa truyền. Nỗi sợ hãi một vị vua đối đầu, vua Hêrôđê đã ra lệnh giết chết các hài nhi ở Giêrusalem và vùng phụ cận. Nỗi sợ hãi dân chúng sẽ theo Chúa, nên các lãnh đạo Do Thái đã lập mưu đồ bắt giết Chúa Giê-su. Cùng với những say đắm trần thế, chúng ta hôm nay cũng có những nỗi sợ hãi: sợ thất nghiệp, sợ mất sức khỏe, sợ thiếu thốn tài chánh, sợ phải hy sinh, sợ sống theo Chúa sẽ làm mất lòng người thân, sợ tốn thời giờ gặp Chúa, sợ phục vụ, sợ phải hoán cải đời sống, sợ phải nghe và sống lời Chúa dạy…, những nỗi sợ hãi ấy làm cho nhiều người chùn bước, hoặc giả vờ không nhận ra Chúa đang đến và chờ đợi chúng ta. Do đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28).

Nói đến “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, làm sao chúng ta không nhớ đến những lần ngẩng đầu lên của người Do Thái nhìn lên cột lửa trong sa mạc mà tiến bước? Làm sao không nhớ đến những lần Chúa Giê-su ngẩng đầu lên cầu nguyện cùng Chúa Cha, nhất là khi ở trên thánh giá? Chúng ta không nhớ các tông đồ trong cơn bối rối vì Chúa lên trời đã ngước nhìn theo Chúa sao? Có những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng kiên vững đức tin ngước nhìn lên Chúa hằng đêm, dù hoàn cảnh gia đình đang lắm truân chuyên, chúng ta không thấy sao? Nhiều anh chị em đã bao năm xa Chúa, nay “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” lao vào vòng tay yêu thương của Thiên Chúa nhân lành trong tòa Giải Tội, chẳng lẽ chúng ta không biết? Người ta không thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, nếu không nhận ra Chúa đang đến với mình và trước mặt mình. Có những thiếu nhi đã biết gặp gỡ riêng với Chúa Giê-su Thánh Thể và ngước lên nhìn Ngài với con mắt và tâm hồn tin tưởng. Chỉ những người tin vào mối tương quan với Chúa Giê-su mới có thể và thích ngước mắt trông lên Chúa, Đấng đang đến với họ trong bí tích Thánh Thể và các bí tích. Chẳng lẽ chúng ta giả vờ không thấy sao?

Tóm lại, để giúp chúng ta thấy tầm quan trọng việc “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” trong mùa Vọng, Đức Bênêđictô giải thích: “Chúa Giêsu là Vua đã bước vào ‘tỉnh’ nghèo được gọi là ‘trái đất’ này để thăm viếng mọi người; Ngài cho những ai tin vào Ngài, những ai  tin vào sự hiện diện của Ngài trong cộng đồng phụng vụ, được tham dự vào cuộc viếng thăm của Ngài. Ý nghĩa cốt lõi của từ adventus (mùa Vọng) là: Thiên Chúa ở đây, Người không rút lui khỏi thế giới, Người không bỏ rơi chúng ta.”

Xin Chúa đừng để con sợ hãi bí tích Thánh Thể và đừng giả vờ không thấy Chúa. Nhưng xin con đánh thức trí nhớ để nhận ra Chúa đang đến với con, đồng thời “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” ngay từ phút đầu tiên của mùa Vọng với niềm khao khát Chúa ngự vào lòng con, gia đình con, giáo xứ con và thế giới này.

 

 

SUY NIỆM VI

NHƯ NGƯỜI LÍNH CANH

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Mùa Vọng: chờ đợi và chú ý

Một lần nữa, mùa Vọng lại đến. Một lần nữa, người Kitô hữu lại được sống toàn bộ chu kỳ cuộc đời và giáo huấn của Đức Kitô – năm nay với Tin Mừng Luca.

Một lần nữa, người Kitô hữu lại được nghe loan báo về ngày tận thế, hay nói đúng hơn, ngày Đức Kitô trở lại.

Một lần nữa, người Kitô hữu lại được nghe những lời khuyên liên quan đến ngày chung cuộc cũng như toàn bộ cuộc sống Kitô giáo. Những lời khuyên này có thể được tóm tắt trong hai ý tưởng chính: chờ đợi và chú ý.

Hai lời khuyên này được nêu lên vào đầu chu kỳ phụng vụ cho thấy một định hướng căn bản. Đó là những ám hiệu nhắc nhở người Kitô hữu phải quan tâm tới đời sống của mình, cũng như mối tương giao của họ với Đức Kitô.

Trước hết, họ được kêu gọi hãy chờ đợi. Chờ đợi nhưng phải rõ ràng. Có những người quá quan tâm hay kinh ngạc trước những điều được mô tả trong sách Khải Huyền: những điềm lạ về mặt trời và biển cả… để rồi không quan tâm đến ý chính của trình thuật. Cần phải hiểu rằng sách Khải Huyền không chỉ là tác phẩm của thánh Gioan, nhưng còn là cách thức diễn tả rất phổ biến vào thời bấy giờ. Đó là một cách thức được nhiều người sử dụng để khuyến khích các tín hữu thêm nhiệt thành.

Ngày nay, những tai họa đang đe dọa con người là chiến tranh hạt nhân, vấn đề gia tăng dân số, và nhất là, sự cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên.

Tuy vậy, điều cần để ý là những ưu tư và sợ hãi do các trình thuật này gây nên chỉ là phản ánh về những ưu tư và sợ hãi vẫn ngấm ngầm cai trị trong tâm hồn con người. Vương quốc do Đức Kitô thiết lập sẽ giải thoát con người khỏi tình trạng ấy. Cho dù nỗi sợ hãi ấy đã có mặt ngay từ bây giờ, thì cũng ngay lúc này, người Kitô hữu vẫn trông đợi Đức Kitô đến.

Việc trông đợi Đức Kitô đã bắt đầu rồi và sẽ còn kéo dài mãi. Người Kitô hữu biết rằng Người sẽ trở lại như Người đã đến. Dầu vậy, ngay từ bây giờ, họ cũng biết rằng Người đang đến trong mỗi kẻ tin, nếu họ biết chờ đợi. Đàng khác, vì Người đến trong mọi lúc, nên người Kitô hữu phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, phải đợi trông Người với tất cả lòng thiết tha. Do đó, niềm tin là một mùa Vọng liên tục.

Tuy nhiên, trong cuộc chờ đợi này, người Kitô hữu còn phải chú ý. Không thể gọi là chờ đợi nếu không có chú ý. Chờ đợi không phải là dửng dưng hay buồn phiền, nhưng là một thái độ chú ý rất rõ ràng và sáng suốt, bởi vì Chúa đang đến.

Thế nhưng, liệu người Kitô hữu có thể khám phá ra Đức Kitô qua những biến cố, qua những cuộc gặp gỡ?

Chờ đợi chính là khám phá: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom …” (Mt 25,35.36). Chính điều này mời gọi người Kitô hữu phải chú ý, phải có tâm hồn của người lính canh – như cách nói rất hay của Đức Hồng Y Newman.

“Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”

Người ta vẫn thường sử dụng trình thuật về ngày tận thế như một phương thế làm cho những người không quan tâm gì đến tương lai phải sợ hãi, và do sợ hãi mà từ bỏ đường gian ác. Cách làm này đôi khi cũng mang lại một số hiệu quả. Tuy nhiên, những người này có thực sự hiểu biết và sống theo Tin Mừng hay không lại là chuyện khác.

Bài Tin Mừng hôm nay rõ ràng có ý thúc đẩy người Kitô hữu phải hối cải toàn diện, nhưng dưới hình thức mời gọi: thế giới mới đã đến, và người ta không thể tiếp tục sống như trước đây được nữa. Người Kitô hữu phải tham gia vào công cuộc làm biến đổi nhân loại, một công cuộc đã được khởi đầu nơi Đức Giêsu, Đấng được gọi là Con Người. Nếu họ chỉ mong muốn tìm an toàn và bảo đảm trong ơn cứu độ hạn hẹp và ích kỷ, thì họ đã coi thường bản chất và giá trị đích thực của Tin Mừng.

Xưa kia, các ngôn sứ đã loan báo những tai họa, đồng thời cũng cho biết rằng các điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra. Thực trạng đau buồn của thế giới hôm nay dường như minh chứng rằng lời loan báo ấy đang được thực hiện. Nhân loại ngày nay đang thực sự sống trên một thùng thuốc súng có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Cái lưới mà thánh Luca nói đến đang chụp trên nhân loại, đó là bạo lực, chiến tranh, bất quân bình kinh tế, kỳ thị chủng tộc, ma tuý… Tuy nhiên, đằng sau những tai họa này, những dấu chỉ của sự chết, người Kitô hữu vẫn nhìn thấy một cuộc sống mới đang vươn lên, đó là sự sống của Đức Kitô.

Chính vì thế, trước thực trạng bi đát và đau buồn của nhân loại, người Kitô hữu không bao giờ trốn tránh, cũng không ngủ yên trong sự an toàn của mình, nhưng luôn hiên ngang ngẩng đầu lên, luôn vươn mình đứng thẳng.

Cúi mình xuống là dấu chỉ bày tỏ thái độ khiêm tốn và suy phục, đồng thời nhìn nhận thân phận mỏng manh của con người trước vẻ uy hùng của Thiên Chúa. Thế nhưng, cử chỉ này cũng biểu lộ thái độ sợ hãi và tình trạng nô lệ.

Đức Kitô không chối bỏ cử chỉ suy phục Thiên Chúa, nhưng Người còn đề nghị một cử chỉ khác: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.” Đứng thẳng, đó là vị thế diễn tả phẩm cách và lòng can đảm. Đức Maria đã đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu (x. Ga 19, 25). Khi rao giảng, Đức Giêsu đã kêu gọi con người sám hối, chứ không nói đến việc phục lạy. Sám hối là thay đổi cách sống để trở thành những con người mới, nên đó là thái độ bày tỏ lòng can đảm và sự tự do. Thái độ này đòi mỗi người phải nhìn thẳng vào chính mình, vào cuộc đời, vào người khác, vào thế giới và vào Thiên Chúa.

Can đảm vượt qua những thách đố

Ngày nay, nhiều người Kitô hữu đang cảm thấy lo sợ và thất vọng. Đứng trước những vấn đề, những tai họa đang đe dọa nhân loại, họ đâm ra sợ hãi và nản lòng. Làm thế nào để chống lại tình trạng này? Phải sáng suốt để giữ vững niềm hy vọng và lòng can đảm.

Khi chấp nhận sống đúng tư cách là người môn đệ Đức Kitô, người Kitô hữu có thể khiêm tốn phủ phục trước Thiên Chúa Cha, nhưng họ còn phải hiên ngang đứng thẳng trước thế giới hiện đại, một thế giới mà họ không thể coi là xa lạ. Thái độ này bao hàm lòng can đảm biết phân biệt và vượt qua những thách đố, những nguy cơ, nhất là những nguy cơ về đức tin, bởi vì khi tin vào Đức Kitô, họ phải nhận ra những nguy cơ đang đe dọa đức tin đó.

Nguy cơ thứ nhất là bằng lòng với thái độ phủ phục, tức là đợi chờ Thiên Chúa thi hành điều đáng lẽ mình phải làm. Một số người nghĩ rằng Thiên Chúa phải làm phép lạ để gìn giữ thế giới, còn con người chỉ cần cầu nguyện. Thái độ này làm cho con người không còn cố gắng và quên đi một khẳng định quan trọng: Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người, tức là những con người biết sáng tạo như Người là Đấng Sáng Tạo.

Nguy cơ thứ hai là ý tưởng cho rằng đức tin có thể cung cấp câu trả lời cho hết mọi vấn đề và người Kitô hữu có khả năng giải quyết tất cả. Thật ra, càng cầu nguyện, người Kitô hữu càng phải nỗ lực và kiên trì tìm kiếm những giải pháp, nếu không họ sẽ thất vọng. Chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, trong thực hành, đức tin không thể đưa ra giải pháp hữu hiệu cho mọi lãnh vực của cuộc sống. Thí dụ: khoa thần bí có thể gợi hứng cho kỹ thuật gia, chứ không thay thế cho vai trò của kỹ thuật.

Nguy cơ thứ ba là thoả mãn với những câu trả lời có sẵn, kể cả những câu trả lời rút ra từ Tin Mừng. Người Kitô hữu cần nhớ rằng, trong Tin Mừng, đa số những câu trả lời thường có tính cách riêng tư, ở bình diện cá nhân, đang khi những vấn đề lớn hiện nay thường có tính tập thể và rất phức tạp. Nếu chỉ thoả mãn với những câu trả lời có sẵn, thì người Kitô hữu mới chỉ dừng lại ở bình diện lý thuyết, chứ chưa có những áp dụng cụ thể và chính xác.

“Hãy tỉnh thức!” Lời mời gọi được vang lên trong suốt mùa Vọng

Tỉnh thức, đó là luôn ở trong tình trạng hoạt động và sáng suốt. Theo Tin Mừng, cầu nguyện là cách thế tích cực nhất để tỉnh thức, bởi vì khi cầu nguyện, con người đặt mình trước Thiên Chúa, quy hướng về Người. Tuy nhiên, cầu nguyện không chỉ là phủ phục trước Thiên Chúa, nhưng còn là cùng với Người, tham gia tích cực vào thế giới mới: Trong thế giới này, hạt giống công chính sẽ nảy mầm và sẽ canh tân toàn thể nhân loại. Cũng trong thế giới này, mỗi người đều có vị trí của mình, và không ai cảm thấy mình bị loại trừ.

 

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm C

Nguồn: giaophancantho.org

 1. THIẾU TÍN HIỆU

Vào thời của nó, Titanic là tàu viễn dương lớn nhất thế giới, nặng 46.328 tấn và được coi là không thể chìm. Tuy nhiên, vào đêm khuya ngày 14-15 tháng 4 năm 1912, điều không tưởng đã xảy ra với chiếc tàu huyền thoại đó. Gần nửa đêm, tàu Titanic vĩ đại va phải một tảng băng trôi, khoét một lỗ dài ba chục mét qua năm trong số mười sáu khoang kín. Nó bị chìm trong hai giờ rưỡi khiến 1513 người thiệt mạng. Trước khi tàu Titanic bị chìm, những tín hiệu cảnh báo liên tục đã được gửi đi để báo cho thủy thủ đoàn biết rằng họ đang chạy vào một vùng băng trôi, nhưng các thông điệp này đã bị bỏ ngoài tai. Quả thật, khi một con tàu gần đó gửi cảnh báo khẩn cấp, tàu Titanic đang liên lạc với nhà hàng nổi tiếng Cape Race về thời gian để các tài xế đón hành khách đến bến tàu ở New York và đặt sẵn các thực đơn cho bữa tối. Chỉ chú tâm đến những chuyện vặt vãnh, tàu Titanic đã đáp lại lời cảnh báo: “Câm miệng! Tôi đang nói chuyện với Cape Race. Bạn đang làm nhiễu tín hiệu của tôi!” Tại sao nhiều người chết trong đêm đó? Chắc chắn những người chịu trách nhiệm đã không để ý đến những lời cảnh báo; họ bận tâm đến những thứ khác!

* Đôi khi chúng ta tin rằng “con tàu” của chúng ta là không thể chìm, cuộc sống của chúng ta đã được lên kế hoạch chắc chắn, và điều bất ngờ không thể xảy ra với chúng ta. Chúa nhật I Mùa Vọng nhắc chúng ta luôn tỉnh thức, chờ đợi và sãn sàng.

  1. TRUNG THÀNH CHỜ ĐỢI

Một số người trong chúng ta còn nhớ bài sử thi cổ xưa của Homer tên là Odyssey. Đó là câu chuyện về Odysseus, người đã đi khắp thế gian, thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Trong khi đó ở quê nhà, người vợ xinh đẹp Penelope của anh bị nhiều kẻ lợi dụng sự vắng mặt hai mươi năm của anh theo đuổi cầu hôn. Để xa tránh những người cầu hôn này, Penelope tuyên bố rằng khi dệt xong tấm vải liệm cho bố chồng, cô sẽ chọn một trong số những người cầu hôn dai dẳng này. Tuy nhiên, có một điều bí ẩn mà những người cầu hôn này không biết. Mỗi đêm Penelope tháo những vết khâu mà cô đã khâu vào ban ngày, và vì vậy cô vẫn trung thành với Odysseus cho đến khi anh trở về.

* Đó là một bài học sống động nói về lòng trung thành. Trong khi chờ đợi Chúa quang lâm, chúng ta được mời gọi ra sức thực hiện công việc của Chúa Cứu Thế trong trần gian mà chính Giáo Hội đã phục vụ trong trong hai nghìn năm qua.

  1. NGƯỜI BẢO VỆ

Có một câu chuyện cổ của người Hasidic kể về giáo sĩ Naftali. Theo phong tục ở thành phố của ông, những người giàu là những người có nhà ở ngoại ô, sống biệt lập, và thuê riêng người bảo vệ trông coi tài sản của họ vào ban đêm. Vào một buổi tối muộn, theo thói quen của mình, giáo sĩ Naftali ra ngoài đi dạo và gặp một người bảo vệ đang đi tới đi lui. Rabbi hỏi: “Bạn làm việc cho ai?” Người bảo vệ nói cho giáo sĩ Do Thái biết người đã thuê anh ta, và sau đó hỏi lại vị giáo sĩ: “Còn ông làm việc cho ai?” Những lời của người bảo vệ đập vào trái tim vị giáo sĩ Do Thái, khiến ông trả lời: “Tôi không chắc liệu tôi có làm việc cho ai hay không.” Vị giáo sĩ Do Thái đi cùng với người bảo vệ một lúc trong im lặng. Sau đó, ông ta hỏi: “Bạn hãy đến và làm việc cho tôi nhé?” Người bảo vệ nói: “Ôi Rabbi, tôi rất vinh dự được làm người hầu của ngài, nhưng nhiệm vụ của tôi là gì?” Giáo sĩ Naftali trả lời một cách êm nhẹ: “Để tiếp tục nhắc nhở tôi câu hỏi đó.”

* Giống như giáo sĩ Do Thái đó, chúng ta luôn cần được nhắc nhớ đến việc chúng ta làm việc và sống cho ai. Mùa Vọng giúp chúng ta đặt ra câu hỏi này cho chính mình. (Ẩn danh; do cha Botelho trích dẫn).

  1. QUAN SÁT ĐƯỜNG ĐI

Có một giai thoại đẹp được một giáo lí viên kể lại làm sáng tỏ sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay. Vài năm trước, một tài xế xe buýt ở Tp. HCM đã đạt được một kỷ lục hoàn hảo. Trong vòng 30 năm, ông đã lái một chiếc xe buýt với chiều dài hơn 1 triệu kilômét mà không gặp một tai nạn nào. Khi được hỏi anh ấy đã làm thế nào, anh trả lời đơn giản như sau: “Hãy quan sát đường đi”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra lời khuyên tương tự theo nhiều kiểu nói: “Hãy luôn tỉnh thức”, “Hãy đứng thẳng”, “Hãy ngẩng đầu lên”, “Hãy coi chừng đừng để tâm hồn ra nặng nề.” Đây không chỉ là một lời khuyên thiêng liêng cho mùa Vọng mà còn là một quy tắc an toàn cho cuộc sống hàng ngày. Một cầu thủ bóng đá hay một vận động viên giỏi phải luôn tập trung sự chú ý của mình vào quả bóng và các cầu thủ. Một học sinh giỏi phải tỉnh táo, chăm chú, quan sát giáo viên và lắng nghe lời thầy hướng dẫn. Một người Công giáo tốt phải tích cực tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn… Giống như vị thần La Mã Janus, người có hai khuôn mặt: một khuôn mặt nhìn vào năm đã qua và mặt kia nhìn về tương lai, thì các tín hữu trong Mùa Vọng, cũng nhìn về quá khứ để tưởng niệm Chúa Giêsu đến thế giới và hướng lòng mong đợi Người tái lâm trong vinh quang. (Cha Tony)

  1. TRỰC ĐIỆN THOẠI

Lord Reith là người sáng lập BBC, nói rằng hầu như ông đã dành toàn bộ thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai để trực điện thoại, chờ Winston Churchill gọi cho mình. Nhưng rốt cuộc vị thủ tướng này không bao giờ gọi cho ông. Và chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những người bình thường hôm nay đang đợi ở sân bay, ở bến xe buýt, ở bệnh viện, ở công viên giải trí, ở bưu điện, phòng bán vé, phòng thất nghiệp, phòng an sinh xã hội. Xã hội đã trở thành một phòng chờ rộng lớn ”.

* Trong Mùa Vọng, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa thiêng liêng cho sự chờ đợi: hướng lòng về biến cố quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Messia. Phần lớn Tân Ước dành cho biến cố cánh chung này. [Sherwood Wirt, trong Freshness in the Spirit (San Francisco: Harper & Row, 1978).]

  1. NIỀM VUI CHO THẾ GIỚI

“Joy to the World” là một bài thánh ca không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện về một thanh niên. Khi còn nhỏ anh ấy thường xuyên bị đau ốm. Anh có vóc dáng nhỏ bé đến nỗi một số người coi là kỳ dị. Khi lớn thêm, thể trạng anh luôn yếu đuối và mỏng manh. Anh không thể chơi thể thao với những thiếu niên khác cùng tuổi. Tuy nhiên cuối cùng anh lại chọn trở thành mục sư. Nhưng sức khỏe của ông quá yếu, ông không thể phục vụ hội thánh đang phát triển của mình. Thật đáng ngạc nhiên, ông không để tâm vào những rắc rối thể lí của mình. Lời phàn nàn duy nhất của ông là các bài thánh ca vào thời của ông quá kém chất lượng. Ông nhận thấy chúng không truyền được niềm hy vọng và niềm vui. Ai đó đã thách thức ông viết những bài hay hơn. Và ông đã làm. Ông đã viết hơn 600 bài thánh ca, hầu hết là thánh ca ngợi khen Thiên Chúa. Khi sức khỏe của ông hoàn toàn suy sụp vào năm 1748, ông đã để lại một trong những bộ sưu tập thánh ca đáng chú ý nhất mà thế giới từng biết đến. Ông tên là Isaac Watts.

* Trong vài tuần nữa, chúng ta sẽ hát một trong những bài thánh ca nổi tiếng nhất của ông, “Joy to the World!” Isaac Watts đã khám phá ra niềm vui trong cuộc sống của mình vì ông biết rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi ông. Ông đã sống trọn cuộc sống của mình trong niềm tin tưởng vì cảm thấy gần Chúa trong sâu thẳm trái tim mình.

  1. ÁNH SÁNG ƠN HUỆ

Vua Alexander Đại đế của Macedonia, người đã chinh phục hết miền đất này sang miền đất khác, vẫn luôn áp dụng một quy tắc nhất định sau đây. Bất cứ khi nào quân đội của ông đóng quân bên ngoài một thành trì kiên cố hoặc pháo đài có tường lũy bao quanh, ông sẽ treo một ngọn đèn sáng lên nơi cao nhất để mọi người có thể nhìn thấy cả đêm lẫn ngày. Sau đó, ông sẽ cho những cư dân bị bao vây biết rằng, cho tới khi chiếc đèn còn cháy sáng, họ sẽ có cơ hội thay đổi ý định để quy hàng. Nhưng nếu chiếc đèn bị đập vỡ và ánh sáng của nó bị dập tắt, thì thành phố và tất cả những gì nó chứa đựng sẽ bị hủy diệt không thương tiếc. Và ông đã giữ đúng lời hứa của mình. Nếu chiếc đèn bị đập tan từng mảnh, thì không còn hy vọng gì nữa. Quân đội của vua sẽ xông vào thành phố, giết bất kỳ người nào mang vũ khí, sau đó lục soát và phá hủy thành phố. Thời ơn huệ đã qua.

* Ngọn đèn vẫn cháy cho chúng ta; đây là thời gian ân sủng – nhưng chẳng bao lâu nữa nó sẽ kết thúc. Vậy hãy ra sức tận dụng. [Willi Hoffsuemmer; trích dẫn bởi cha Botelho.]

  1. ĐÃ ĐẾN HAY ĐANG ĐI

Một người đàn ông vội vã chạy xuống bến tàu, hướng tới chiếc phà, sợ rằng mình sẽ không kịp chuyến. Đây là một người đàn ông có địa vị, một người đàn ông luôn quan tâm đến phẩm giá của mình. Ông ta mặc một chiếc quần dài sọc ghim, một chiếc áo khoác buổi sáng màu đen, một tay cầm dù và tay kia đội mũ hình quả dưa màu nâu. Ông vẫy tay với chiếc phà và hét to lên rằng chiếc thuyền dừng lại để ông có thể bước vào trong đó. Ông chạy một mạch đến cuối bến tàu, tức giận nhảy xuống và đáp xuống boong thuyền an toàn. Rất tự hào về bản thân, ông kéo thẳng cà vạt và nếp áo, sửa lại tư thế cho đúng với tư cách của mình. Chính lúc đó ông mới phát hiện ra rằng con thuyền không ra khơi; nó đã đến rồi!

 * Hôm nay là Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng. Có khi chúng ta cũng nhầm lẫn về Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh. Chúng ta đang đến hay đi? Giáng sinh là lễ kỷ niệm Chúa Cứu Thế đã đến. Còn Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. (Cha Tony)

  1. MÙA VỌNG, MÙA CHỜ ĐỢI

Một người mù và tôi đứng giữa một đám rất đông du khách tại sân bay Port Mores. Tôi bảo anh ấy: “Bạn chỉ cần đứng ở đây thôi.” Tôi không muốn anh ấy bị mọi người chen lấn, vì vậy tôi để anh ở một góc khuất. Sau đó, tôi đi mua vé, gửi thư, và kiểm tra các chuyến bay đến và đi. Được một lúc, tôi quay lại và quan sát anh. Anh chỉ đứng đó. Mọi người đi lại xung quanh anh; một đứa trẻ nhìn anh chằm chằm; một người khuân vác đã đẩy hành lý sát cạnh anh; một cậu bé bán báo ngạc nhiên tại sao anh không nhìn vào sập báo. Người mù chỉ yên lặng đứng đó. Những bước chân rần rật lộn xộn xung quanh anh, những giọng nói lấn át nhau và tất cả những tiếng ồn ào khác của mọi con người đi và đến đều không có ý nghĩa gì đối với anh. Anh ấy chỉ đứng và đợi tôi quay lại. Anh kiên nhẫn chờ đợi, hoàn toàn bằng lòng chờ đợi tôi sẽ trở lại với anh. Không một chút nghi ngờ nào trên khuôn mặt anh. Trái lại đó là một nét mặt tràn đầy niềm mong đợi: Tôi sẽ trở lại và nắm tay anh và chúng tôi sẽ đi tiếp.

* Cái nhìn của người mù với đôi mắt nhắm nghiền đứng đó chờ đợi làm tôi liên tưởng đến khuôn mặt của một Kitô hữu trong Mùa Vọng. (Willi Hoffsuemmer; do Cha Botelho trích dẫn).

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm