Chúa Nhật I Phục Sinh – Năm B


Niềm Vui Yêu Thương

(Lê Công Đức chuyển ngữ)

Tôi tạ ơn Thiên Chúa về nhiều gia đình, dù họ không dám tự nghĩ mình hoàn hảo, nhưng đang sống trong yêu thương, đang chu toàn tiếng gọi của mình và tiếp tục bước tới, cho dầu họ vấp ngã nhiều lần trên đường đi. Những suy tư của Thượng Hội Đồng cho chúng ta thấy rằng không có nguyên mẫu cho gia đình lý tưởng, mà đúng hơn đó là bức khảm đầy thách đố hình thành từ nhiều thực tại khác nhau, với tất cả những niềm vui, hy vọng, và những vấn đề. Các hoàn cảnh liên quan đến chúng ta quả là những thách đố. Chúng ta không nên mắc kẹt trong việc phung phí năng lực vào những than thở ai óan, thay vào đó hãy tìm kiếm những hình thức mới cho tính sáng tạo trong sứ mạng. Bất luận tình huống nào, “Giáo Hội vẫn ý thức rằng cần phải cung ứng một lời của sự thật và hy vọng… Các giá trị lớn lao của hôn nhân và của gia đình Kitô-gíao tương ứng với một khát vọng gắn không rời với hiện sinh con người’. Dù chúng ta nhìn thấy bao nhiêu vấn đề đi nữa, thì – theo cách nói của các giam mục Colombia – những vấn đề ấy nên là một hiệu triệu chúng ta “khôi phục niềm hy vọng của mình, biến chúng ta thành nguồn của những tầm nhìn ngôn sứ, những hành động chuyển hóa, và những dạng thức đầy sáng tạo của đức ái” (số 57)

——————————————

CN.1.PS.B

(Rm 6,3-11; Mc 16,1-8)

Mảnh đất Đà Nẵng chúng ta đang sống, người ta gọi là “mảnh đất đáng sống”. Người Công giáo chúng ta gọi là “giải đất linh thiêng”, vì hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vãi trên mảnh đất thân thương này.

Năm 1614, hoàng đế nước Nhật cấm đạo gắt gao. Người Công giáo Nhật phải trốn chạy sang Hội An. Bề trên dòng Tên ở đảo Macao, Trung quốc sai hai cha dòng Tên : cha Buzomi người Ý và cha Cavalho người Bồ, và thày Dias người Nhật sang Hội An nâng đỡ các giáo dân Nhật. Ngày 6-1-1615 các ngài lên tầu. Sau 12 ngày lênh đênh trên biển cả, tầu cập bến Đà Nẵng. Các ngài dựng một nhà thờ. Lúc đầu chỉ có ý nâng đỡ đức tin người Nhật tị nạn. Sau thấy người Việt mến đạo, hai cha phân công : cha Cavalho giúp người Nhật, còn cha Buzomi giảng đạo cho người Việt. Chỉ vài tháng sau, lễ Phục sinh năm 1615, cha Buzomi rửa tội được 10 người, 10 bông lúa đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Trong đó có một thanh niên tên thánh là Augustinô đi theo giúp các cha (Lm Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, trang 20).

Lời Chúa trong lễ Phục sinh tối nay cũng nói đến phép bí tích rửa tội, và nhiều nhà thờ đêm nay cũng rửa tội cho các tân tòng.

Bđ1 : Mở đầu bđ1 thánh lễ đêm nay, thư Rôma, thánh Phaolô viết : “Thưa anh em, anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được đưa vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như người đã được sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Như thế, phép rửa tội là hình ảnh Chúa chết, được mai táng và sống lại.

BTM : Bài Tin Mừng thánh Mác-cô mô tả cảnh Chúa sống lại như sau : “Hết ngày sabat, bà Maria  Mác-đa-la, với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lo-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ… Vào trong mộ,, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16,1.5)

Câu chuyện Chúa phục sinh, Chúa sống lại, được cả 4 sách Phúc Âm, 4 sách Tin Mừng kể lại. Tuy nhiên mỗi sách một khác.

Sách TM thánh Mat-thêu kể: các bà ra viếng mộ : “Thình lình, đất rung chuyển dữ dội. Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên, diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết” (Mt 28,2-3).

Sách TM thánh Lu-ca thì kể : các bà ra viếng mộ thì “bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói đứng bên họ” Lc 24, 4).

Sách TM thánh Gioan thì kể : Chúa sống lại hiện ra với 7 môn đệ ở bờ biển hồ Tibêria và đặt thánh Phêrô làm giáo hoàng (Ga 21).

Còn sách TM thánh Maccô mà chúng ta đọc hôm nay kể các bà ra mộ, gặp một thanh niên ngồi bên phải mộ, và mặc áo trắng (Mc 16,5).

Người thanh niên đó là ai ?

Trong sách “Tin Mừng Thánh Mác-cô”, linh mục Hervieux viết : “Các bà nhìn thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc toàn đồ trắng. Cảnh tượng này làm cho độc giả ngày nay phải suy nghĩ. Việc một kẻ mặc như thế, ngồi ở đấy, nơi chôn kẻ chết có ý nghĩa gì ? Người ta nghĩ ngay đến chàng trai trẻ khi Chúa Giêsu bị bắt, đã quăng tấm vải choàng đi, hầu để tẩu thoát” (trang 422).

Chàng trai trẻ đó là thánh Mác-cô. Chính thánh Mác-cô đã kể lại trong sách Tin Mừng ngài viết như sau : “Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến… Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khóac vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 16,43.50-52).

Cha Nguyễn Công Đoan, trong bài “Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu, cũng đồng ý kiến, cho người thanh niên đó là thánh Mác-cô. Cha viết : “Người thanh niên mặc áo trắng là ai? Mác-cô không trực tiếp nói ra cho chúng ta. Nhưng hãy gom những chi tiết liên quan tới người thanh niên, tấm vải gai và chiếc áo trắng lại thì sẽ tìm ra.

Các bà đã chứng kiến khi ông Gio-xếp đặt xác Chúa vào mộ và lăn tảng đá lấp cửa mộ. Mới 36 tiếng đồng hồ, các bà trở lại thì thấy tảng đá lấp đã lăn ra khỏi mộ. Trên nơi đặt xác Chúa là người thanh niên mặc áo trắng ngồi để chứng thực Chúa không còn đó và giải nghĩa cho các bà tại sao. Các bà hoảng sợ chạy mất chẳng nói gì với ai.

          Nối các yếu tố lại thì tấm vải gai đã biến thành chiếc áo trắng ; người thanh niên trần truồng gợi lại hình ảnh A-đam bị đuổi ra khỏi vườn, bây giờ trở thành hình ảnh con người đã được cứu chuộc, con người mới, mặc áo trắng và làm chứng Chúa đã sống lại.

          Nhờ Chúa chết mới có tấm áo trắng. Từ nay mỗi người môn đệ đã được chịu phép rửa đều đã được sống lại với Chúa để đi loan Tin Mừng : Chúa đã chết và đã sống lại vì tôi”.

Ông William Barclay kể một câu chuyện như sau : “Một thương gia theo đạo Ấn, một lần kia đã hỏi một nhà truyền giáo :

         -Ông thoa gì trên mặt, mà lúc nào tôi thấy mặt ông cũng rạng rỡ ?

Quá ngạc nhiên, vị giáo sĩ trả lời ;

    -Tôi có thoa gì đâu.

Ông nhà buôn nhấn mạnh :

         -Có, chắc chắn mà ! Tôi thấy hầu hết những người tin Chúa Giêsu, mặt mũi đều có vẻ tươi sáng.

Vị giáo sĩ hiểu ra nói :

          -Bây giờ tôi hiểu ông nói gì rồi. Tôi xin cho ông bí quyết của chúng tôi. Đấy không phải là những gì chúng tôi thoa bên ngoài, nhưng là những gì phát xuất từ bên trong. Đó là sự phản ảnh vinh quang Thiên Chúa trong lòng chúng tôi”.

 Lễ Phục sinh đêm nay chẳng những có “giếng nước rửa tội” để rửa tội chúng ta sạch tội, được trong trắng; mà còn có “cây nến phục sinh”, ánh sáng Chúa Kitô soi sáng, khiến mặt mũi chúng ta tỏa sáng sự thánh thiện của Chúa.

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành