Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A


Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A

8-2-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ La Nang

GIÁO HUẤN SỐ 15

Tuổi Trẻ của Đức Giê-su (tt)

Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, Đức Giê-su tương quan với Chúa Cha như người Con yêu dấu. Gắn bó với Cha, Người lớn lên trong thao thức về các công việc của Cha: “Bố mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Tuy nhiên, không được nghĩ rằng Giê-su là một thiếu niên cô lập hay một thanh niên chỉ quan tâm đến mình. Các mối tương quan của Người cũng giống như một người trẻ hoàn toàn tham gia vào đời sống gia đình và đồng bào mình. Người học việc với cha và rồi thay cha ở xưởng thợ mộc. Tin Mừng có chỗ đề cập rằng Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và một chỗ khác đơn giản gọi Người là “chàng thợ mộc” (Mc 6,3). Chi tiết ấy cho thấy rằng Người là một chàng trai như mọi chàng trai khác trong thôn xóm, và Người liên hệ bình thường với mọi người. Không ai xem Người như một nhân vật bất thường hay tách rời khỏi những người khác. Chính vì vậy, khi Đức Giê-su bắt đầu giảng dạy, người ta không thể hình dung bởi đâu mà Người có được sự khôn ngoan ấy: “Đây không phải là con ông Giu-se sao?” (Lc 4,22) (Tông huấn Đức Ki-tô hằn sống số 28).

Lịch Giáo Phận trang 53

 ——————————————–

Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A

(St 12,1-4; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)

Ngày 5-3-2020 kỷ niệm 20 năm Đức thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn vinh thầy An-rê Phú Yên lên bậc chân phước. Đức cha giáo phận và các cha hạt Trà Kiệu đã về Phước Kiều, nơi Người tử đạo, để cầu nguyện với Người. Hôm nay chúng ta nhìn lại cuộc đời của Người để noi gương.

An-rê Phú Yên sinh trong một gia đình đông con tại giáo xứ Mằng Lăng. Cậu là con út. Cha cậu chết sớm, còn lại mẹ. Bà là người công giáo đạo đức, tên thánh là Gio-an-na, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ đàn con.  Quả thực, mặc dầu góa bụa và đông con, bà đã lo cho cậu, ngay từ những năm đầu, được học chữ. Nhưng có một điều khiến bà ngày đêm lo lắng không yên: con út của bà đã khôn lớn mà chưa được chịu phép rửa tội. Hơn mọi người khác, bà hằng cầu mong cho có linh mục đến để rửa tội cho con bà. Khi lên 16, Anrê đã được rửa tội năm 1641, tại dinh chồng bà Ma-đa-lê-na Ngọc Liên ở Phú Yên, cùng với 90 người khác. Cha Đắc Lộ viết:  “Đúng ba năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy

Năm 17 tuổiAnrê nhập đoàn Thầy Giảng. Cha Đắc Lộ viết: “Thầy bản tính hiền lành, trong sạch, ngay thật, rất có khả năng chịu mọi tác dụng của ơn thánh. Mới chịu phép Rửa tội chưa bao lâu, thầy đã miệt mài trên đường nhân đức, và đã tiến bộ mau chóng, đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được trình độ mà người khác phải nhiều năm mới đạt tới… Không mãn nguyện với bậc giáo hữu, thanh niên ấy nảy ý định tham gia vào việc làm cho nhiều người trở lại”. Năm 1642, cha Đắc Lộ trở lại Phú Yên lần thứ hai. Anrê liền ngỏ ý tình nguyện đi theo cha giúp việc truyền giáo. Thoạt đầu, cha từ chối không nhận, vì nghĩ rằng thời buổi cấm đạo, không nên đem nhiều người theo. Vả lại, Anrê hãy còn nhỏ tuổi, chưa biết giảng dạy cho bổn đạo, mà chữ nghĩa cũng còn ít. Nhưng Anrê vẫn năn nỉ mãi không thôi, lại cậy nhờ những người quen thuộc nói giúp, sau cùng cả hai mẹ con cùng đến van nài, cha phải nhận lời…

Năm 1643, Anrê Phú yên (18 tuổi) tuyên thệ nhập hàng Thầy Giảng: Tại nhà thờ Hội An, ngày lễ kính thánh Ignatio lập Dòng Tên, trong một bầu không khí trang nghiêm, 10 thanh niên tay cầm đuốc sáng, tiến lên trước bàn thờ, sấp mình thống hi, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi đặt tay lên sách Phúc Âm, tuyên thệ suốt đời phụng sự Hội Thánh, không lấy vợ, và sẽ vâng lời các cha đến giảng đạo hoặc những vị thay mặt các cha.

Vào cuối tháng bảy năm 1644, ông Nghè Bộ phái một toán lính vào  Hội An, tìm đến nhà cha Đắc Lộ. Sau khi dâng lễ xong, cha Đắc Lộ cùng mấy thầy giảng, xuống thuyền để đi dinh Chiêm, có ý thăm quan Nghè Bộ để lấy lòng ông, vì nghe tin ông mới ở dinh về. Theo lệ thường, mỗi khi cha đi đâu đều đem thầy Anrê theo. Nhưng hôm ấy, Anrê xin ở lại nhà, để săn sóc bốn thầy đang đau bệnh. Cha không ngờ rằng đức thương yêu của người thanh niên đạo đức ấy sắp được trọng thưởng bằng triều thiên tiên khởi tử đạo.

Lúc ấy đã gần trưa. Anrê đang ở trong nhà các thầy giảng thì một toán lính xông vào. Họ tìm bắt I-nha-xi-ô. Nhưng Inhaxiô đã cùng đi với cha và các thầy. Binh lính tìm khắp nhà không thấy. Thầy Anrê bạo dạn nói: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích, vì thầy không có ở nhà. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng: tôi là giáo hữu, hơn nữa còn là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì làm sao tôi vô tội được”. Lính rất ngạc nhiên gặp một người như vậy. Họ nhất định không bỏ qua liền bắt và trói thầy Anrê rất chặt. Thầy thấy lính xúc phạm đến ảnh Chúa và Đức Mẹ thì thầy nói: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì để tôi gấp xếp cẩn thận cho, càng dễ mang theo”. Lính nghe nói động lòng, liền cởi trói cho thầy, để thầy gói các ảnh tượng. Xong, thầy lại giơ tay cho lính trói.

Thầy Anrê mang xiềng xích đi giữa các người lính, nét mặt vui vẻ. Khi cha Đắc Lộ đến xin tha. Quan Nghè Bộ nói: “Giả sử anh ta nói là vì nhà nghèo, để được bát cơm, đến ở với ông, thì tôi tha rồi, lại xưng mình là người có đạo và giảng đạo”.  Ông Nghè tức bực tột độ, truyền đóng gông vào cổ thầy và đem xuống nhà giam. Trong ngục tù, thầy được gặp ông Anrê, ông trùm Phước Kiều. Hai ông cháu đọc kinh cầu nguyện, an ủi nhau.

Cha Đắc lộ và những người Bồ Đào Nha, tìm hết cách giải gỡ cho thầy mà không được. Họ đến thăm thầy với lòng cung kính làm cho nhiều người VN phải ngạc nhiên. Thầy ngửa mặt lên trời tạ ơn Chúa, quay lại cám ơn các bạn ngoại quốc đã tận tâm. Cha Đắc lộ ôm lấy thầy, hôn cây Thánh giá, hai cha con nghẹn ngào. Mọi người Bồ quì xuống xin thầy khi về Thiên đàng nhớ cầu cho họ. Các giáo hữu cũng làm như vậy. Thầy Anrê lấy làm xấu hổ vì sự kính chuộng ấy, liền ngửa mặt lên trời, nói : “Tôi là kẻ tội lỗi. Xin mọi người cầu nguyện cho”. Quân lính và đồng bào lương thấy cảnh tượng các người Âu Châu, từ vị linh mục đến ông chủ tàu và các thương gia, đều tôn kính một người trẻ nước mình như vậy, lấy làm ngạc nhiên. Tiếng đồn lan ra phố. Thiên hạ kéo đến đông nghịt chung quanh nhà lao, đủ mọi hạng người, lớn bé, đàn ông, đàn bà, bổn đạo và bên lương.

Thầy Anrê đón tiếp mọi người rất niềm nở, và cảm ơn họ. Với anh chị em giáo hữu, thầy nói: “Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta, ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì ta, ta hãy lấy sự sống đáp lại sự sống.” Thầy nói với những người lương: “Các ông bà thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời, là hình phạt dành cho kẻ từ chối không tin thờ Chúa Giêsu Kitô”.

Như người lực sĩ mong sớm về tới đích, thầy Anrê, lực sĩ vô địch của đức tin, nóng lòng chờ đợi giờ hạnh phúc từng phút từng giây. Thầy năng hỏi lính: “Sắp đến giờ chưa? Tôi đã sẵn sàng rồi mà sao người ta chậm thế, còn chờ gì nữa?” Thầy  thường nói: “Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi, tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa để đón nhận tôi, bao nhiêu thánh tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi! Thiên đàng! Hạnh phúc dường nào! Mau mau cho tôi về thiên đàng! Tại sao người ta trì hoãn tôi lâu vậy”. Cha Đắc Lộ nói : “Tôi thỏa mãn trong lòng nhìn thấy sự can đảm của một tinh binh trẻ tuổi của Chúa Giêsu. Tôi buồn vì sắp phải mất thầy, nhưng tôi vẫn không ngớt ngợi khen Thiên Chúa, và trong lòng đầy sự yên ủi, vì Chúa đã ban sức mạnh cho một người trẻ để toàn thắng sự chết”.

Đến khoảng bốn giờ chiều, thầy Anrê trông lên mặt trời, thấy hãy còn cao thầy nói: “Sao mặt trời chẳng đi cho chóng?” Lúc ấy một người lính đến bảo đã sắp đến giờ đi xử, phải sửa soạn, muốn ăn gì thì ăn kẻo không kịp. Cha Đắc Lộ khuyên thầy nên dùng một chút của ăn để lấy sức ra pháp trường. Cha đã mang sẵn một ít đồ ăn nhẹ. Thầy Anrê cầm lấy ăn một vài cái bánh, uống một ly nước, rồi nói : “Thế là đủ, chẳng cần gì nữa, để dành ăn tiệc thịnh soạn trên thiên đàng” . Sau đó thầy đọc kinh tin, cậy, mến, dâng mình cho Chúa, luôn luôn kêu tên Giêsu, Maria, và khiêm nhường cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ. Nhóm người Bồ Đào Nha cũng vẫn chưa rời người tù có phúc. Họ có ý ở lại xem xử án. Họ nói rằng: “Từ khi lính đến báo tin, thầy Anrê càng vui vẻ hơn, diện mạo xem như thiên thần”.

Năm giờ chiều. 40 người lính dưới quyền chỉ huy của một cai đội, được lệnh đưa thầy Anrê đi xử. Họ đến mở cửa tù, song không tháo gông, bảo thầy đi theo. Thầy chẳng đợi kêu đến lần thứ hai, mỉm cười từ giã các giáo hữu đến thăm, dặn họ cầu nguyện cho sự hy sinh thầy sắp chịu, rồi vui vẻ lên đường như “được mời đi dự tiệc cưới”.

Một người lính đi trước thỉnh thoảng hô to : “Vì theo đạo Bồ Đào Nha thì phải phạt”. Hai người lính khác khiêng thanh la, một người đánh. Tiếng thanh la ngân vang sầu thảm cả phố phường. Các lính khác võ trang bằng giáo, đòng và mã đao, nối nhau đi hai hàng nghiêm chỉnh. Thầy Anrê đeo gông đi giữa, do một người lính áp giải, tay trái y nắm đầu gông, tay phải cầm một ngọn giáo hai lưỡi, mỗi lưỡi dài tới hai gang, rộng bằng ba ngón tay. Dân chúng lương và giáo, đi theo rất đông, như một đám rước, để chứng kiến sự can đảm của thầy.

Cha Đắc Lộ và nhóm thương gia Bồ cũng có mặt trong cuộc tiễn biệt này. Mặc dầu đeo gông nặng, thầy cũng đi mau lẹ. Muốn theo kịp, cha Đắc Lộ và những người Bồ phải chạy. Dọc đường thầy Anrê tỏ ra rất bình tĩnh, vui vẻ, vừa đi vừa giảng đạo cho những người lính gần mình, ước mong họ được cứu rỗi. Cha Đắc Lộ thường luôn đi sát bên cạnh thầy để yên ủi và khuyến khích thầy. Thỉnh thoảng bọn lính xô cha ra, nhưng cha lại áp vào. Cha thuật lại : “Chúng tôi đi qua tất cả các phố lớn ở dinh Chiêm rồi đến một cánh đồng cách xa hai ngàn bước, là nơi để thầy Anrê chiến đấu và thắng trận.”

Tới pháp trường, viên chỉ huy dừng lại, toán lính bao vây lấy thầy. Thầy tự ý quỳ xuống, mắt nhìn trời, cầu xin Chúa giúp sức. Lúc ấy, cha Đắc Lộ khổ tâm vô cùng, vì những người lính bắt người ra ngoài vòng vây của họ. Cha năn nỉ viên chỉ huy: “Thanh niên này chẳng khác nào như con tôi, vì tôi đã rửa tội cho anh và đã nuôi nấng anh trong nhà tôi trọn ba năm. Tôi đã chẳng có phương thế nào để cứu sống anh, thì bây giờ tôi nài xin ông vui lòng cho tôi được giúp đỡ anh ít là trong giờ lâm chung này”. Ông ta cho phép. Cha tiến lại gần thầy, ôm lấy thầy, khuyến khích thầy. Cha nhờ người ta mua và mang sẵn mấy cái chiếu đẹp, mới tinh. Lúc ấy cha trải chiếu ra, muốn cho thầy quỳ trên đó, để máu trong sạch đổ ra không rơi xuống đất. Thầy khiêm nhường từ chối, xin cha bằng lòng cho thầy quỳ yên như trước, để được bắt chước Chúa đổ máu xuống đất. Cha không dám cưỡng nhân đức khiêm nhường của thầy. Thế là thầy Anrê vẫn quỳ như trước, hai gối sát đất, hai tay chắp lại, mặt bình tĩnh, mắt nhìn trời.

Quân lính tháo gông ở cổ thầy ra, rồi lấy thừng trói ngang người. Biết đã đến giây phút cuối, thầy Anrê quay lại phía các giáo hữu để từ giã họ lần sau hết: “Hỡi anh chị em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết, cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta ! Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

Đến đây, thầy Anrê phó mình trong tay Đức Mẹ, Nữ vương các thánh tử đạo. Thầy đọc kinh “Kính Mừng” nhiều lần rất sốt sắng, và kêu tên Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria nhiều lần.

 Người lý hình biết rằng đây là kẻ lành, cho nên trước khi hành quyết, y ngửa mặt lên trời, kêu lớn tiếng: “Lạy Trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này, thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành”. Nói rồi, y tiến đến sau lưng thầy Anrê, đâm một mũi giáo vào khoảng giữa hai bả vai, xuyên từ sau lưng ra trước ngực, thò ra ngoài tới hai gang tay.

Cha Đắc Lộ kể : “Thầy Anrê từ trước vẫn nhìn trời, lúc ấy quay mặt lại phía tôi, nhìn tôi rất âu yếm để từ biệt. Tôi thú thật rằng cái nhìn ấy là một lưỡi giáo đâm qua trái tim tôi, và làm cho đôi mắt tôi tuôn lệ ròng ròng, miệng tôi nghẹn ngào nói không nên lời. Tuy nhiên tôi cũng cố hết sức ngỏ lời cùng thầy: “Hỡi Anrê, con, hãy nhìn lên trời, kìa Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Thầy nhân từ của con, đang đưa triều thiên ra cho con, chỉ một lát nữa con đã ở bên Người trên thiên đàng, Người đang đứng ở cửa mà chờ con”. Bấy giờ thầy ngửa mặt nhìn trời, và cứ nhìn như vậy mãi, trong mỗi giây phút còn sống, miệng không ngớt đọc tên cực trọng: Giêsu! Maria!

Người lính lúc này, rút cây giáo ra, rồi đâm một lần nữa, và một lần nữa, như muốn tìm cho trúng trái tim. Cha Đắc Lộ kể : “Tôi mê hồn nhìn thấy người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; thầy được vững mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ thầy; thầy vẫn luôn luôn không chuyển động, và tôi thấy diện mạo của thầy không mất chút nào vẻ bình thản cũng như về màu sắc. Người ta có thể tưởng như không phải thầy bị đâm, hoặc giả là thân xác thầy có sức tự nhiên bất động. Bấy giờ một người lính khác sốt ruột, hay là động lòng thương hại một con chiên bị khổ hình quá lâu, không nói nửa lời, tuốt gươm ra, chém một nhát mạnh vào cổ bên trái, vì thầy hơi nghiêng đầu về phía tay mặt, nhưng người ấy thấy lát thứ tư này, cũng như ba lát trước, không làm cho thầy ngã xuống, họ lại chém một lát nữa ở phía trước, cắt đứt hết cuống họng, làm ngã hẳn đầu, chỉ còn dính sơ vào một chút da. Có lẽ người ta khó lòng tin điều tôi sắp nói sau đây, nhưng tôi nói với tất cả một lòng thành thực, rằng tôi không hề nói điều gì mà tôi không biết thật chắc chắn và không đích thân nghe thấy : “Người thanh niên thánh thiện này  vẫn không ngớt đọc thánh danh Chúa Giêsu; ngay lúc đầu thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu ấy phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng lại vừa kinh ngạc. Thánh danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi thánh danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi tên Giêsu được thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi danh Chúa. Thầy Anrê muốn được bằng số vết thương của Chúa, thầy chỉ bỏ mình sau thương tích thứ năm, như vậy là muốn hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu trong mọi sự. Bấy giờ, xác thầy mới ngã xuống đất, và linh hồn thong dong bay về trời”.

Viên cai đội và quân lính lập tức rút về, chỉ còn chúng tôi và các giáo hữu ở lại, vây quanh thánh cốt. Tôi đã mang sẵn một tấm vải trắng lớn, dùng vải ấy liệm xác thầy; bao nhiêu máu chảy ra tự năm nguồn mạch oai hùng kia, tôi vẫn giữ từ ngày ấy như một thuốc thơm và một linh dược chữa mọi bệnh nạn.

Tất cả các bổn đạo cùng làm như vậy, nhất là những người Bồ, họ hứng lấy mọi giọt máu đào kia, lấy làm quý hơn hết các kho tàng. Trời vừa tối. Giáo hữu khiêng thi hài vị tử đạo xuống thuyền chở về Hội An. Ngày lịch sử ấy là 26-7-1644.

Vì sao thầy Anrê vui vẻ và can đảm như thế? Nếu không tin vào Thiên Chúa và vào phần thưởng Người ban? Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng cho chúng ta những tấm gương như vậy.

Bài đọc 1: Bài đọc 1 kể câu chuyện Thiên Chúa gọi ông Áp-ram trong sách Sáng Thế (St 12). Lúc Thiên Chúa gọi, ông đã 75 tuổi (St 12,4). Thiên Chúa phán: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2).

Đọc trong sách Sáng Thế, cuộc đời ông đầy “thập giá”. Ông bỏ thành Ua (Ur) ở nước I-rắc đến miền Ca-na-an, xứ Pa-les-tin. Gặp nạn đói, ông phải sang Ai-cập. Vua Ai Cập thấy vợ ông xinh đẹp, bắt vợ ông (St 20,10-20). Vì đất đai và tài sản, ông và Lót, hai bác cháu chia tay nhau (St 13). Nhất là về vấn đề con cái. Có lần ông như trách Chúa: “Chúa không ban cho con một dòng dõi sẽ thừa kế con” (St 15, 3).  Chúa đưa ông ra ngoài trời và phán: “Hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các vì sao xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5). Vẫn chưa có con, bà Xa-rai, vợ ông, phải nói với ông: “Đức Chúa đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi, may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con” (St 16,2). Nhờ cô Ha-ga, nữ tỳ của bà, ông có Ít-ma-ên (St 16,4). Khi ông 99 tuổi, Thiên Chúa phán với ông: “Ngươi sẽ làm cha vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham” (St 17,4). Tên vợ ông cũng đổi: “Xa-rai vợ ngươi không được gọi tên là Xa-rai, nhưng tên nó là Xa-ra” (St 17,15). Nhưng ông nghĩ bụng: “Đàn ông 100 tuổi mà có con được sao? Còn bà Xa-ra đã 90 tuổi mà sinh đẻ được sao?” (St 17,17). Quả thật, ông bà đã có con và đặt tên con là I-xa-ác, nghĩa là cười. Bà Xa-ra nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười, tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi(St 21,6).

Nhóm CGKPV bình luận: “Ông Áp-ram già nua bỏ lại tất cả dứt khoát ra đi cùng với bà vợ vô sinh, hoàn toàn vì tin và chấp nhận lời Thiên Chúa dù không hề biết mục tiêu của cuộc hành trình là đâu. Nhưng kể từ đấy, ông đã trở thành “cha của những kẻ tin (Rm 4; Gl 3,7)” (Kinh Thánh năm 2011, trang 47).

Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng đề Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22). Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan lui lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).

Đức Giê-su còn nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chinh mình vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình” (Mt 16,24-26).

Sau hai biến cố này, Chúa Giê-su đưa ba môn đệ lên núi để chứng kiến cảnh Chúa Hiển Dung.

Nhóm CGKPV giải nghĩa : Nếu chú ý tới vị trí của biến cố và lời này sau khi Chúa Giê-su loan báo cuộc Thương Khó và phản ứng của ông Phê-rô, cũng như sau lời Chúa Giê-su kêu gọi từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Chúa, chúng ta có thể nhận ra đây là một ơn huệ nhằm củng cố lòng tin của môn đệ, và mời gọi đón nhận cả giáo huấn về thập giá và biến cố Thương Khó – Phục Sinh để nên môn đệ đích thật của Chúa Giê-su.” (Sđd trang 2164)

 Bài đọc 2 : là thư thánh Phao-lô gửi cho ông Ti-mô-thê. “Thánh Phao-lô đã lưu ý đến ông vào chuyến hành trình thứ hai khi ngài đến Lýt-ra miền Tiểu Á vào năm 46 hay 47 (Cv 16,1-3). Ông Ti-mô-thê, cha là người Hy Lạp, mẹ là người Do Thái đã theo Kitô giáo, đã được mẹ ông bà Êu-ni-kê, và bà ngoại Lô-ít dạy dỗ, vì thế, ông đã có lòng tôn kính Kinh Thánh và có một vốn liếng kiến thức sâu xa về Kinh Thánh. Hai người đã công tác với nhau vô cùng thân thiết đến mức 6 bức thư của thánh Phao-lô đều có Ti-mô-thê đồng gửi, có thể ông đã biên soạn vài đoạn. Thánh Phao-lô đã giao phó cho ông Ti-mô-thê giáo đoàn Ê-phê-sô để bảo đảm công việc tông đồ được tiếp tục, vì ông là người đáng tin cậy. Thánh Phao-lô cũng đã bổ nhiệm ông Ti-tô ở Crê-tô như  vậy. Vì thế, các thư gửi cho ông Ti-mô-thê và Ti-tô được gọi là ‘Thư Mục Vụ’, vì trong những thư này, vị tông đồ cho các vị kế nghiệp ngài những huấn thị của ngài” (Lm Hồ Thông, Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 171-172).

Trong bđ2 hôm nay thánh Phaolô khuyến khích ông Ti-mô-thê chịu khổ để loan báo Tin Mừng: “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 8b).

Xin chân phước Anrê và Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta chạy đến Đức Mẹ Trà Kiệu khi gặp đau khổ, như Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên dạy : “Ước gì Mẹ giúp chúng ta có thể nhận được ánh sáng của Đức Giê-su, khi Người hiện diện trong lòng chúng ta, để chúng ta có thể mang được một tia sáng vinh quang của Người trong lòng chúng ta, qua những đêm dài tăm tối nhất” (JB Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trạng 105).

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành