Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm B


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B

28-2-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ La Nang

GÍAO HUẤN SỐ 14

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Thiên Chúa là tình yêu (tiếp theo)

 

Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu không lấn át hay bóp nghẹt, không loại bỏ hay thờ ơ, không coi thường hay thống trị. Đó là tình yêu của Chúa chúng ta, một tình yêu bền bỉ, tinh tế và đầy tôn trọng; một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và nâng dậy. Tình yêu của Chúa đỡ nâng lên hơn là quật ngã, giao hòa hơn là cấm cách, mời gọi thay đổi hơn là lên án, hướng tới tương lai hơn là nhìn về quá khứ. Khi Thiên Chúa yêu cầu các con điều gì đó, hay đơn giản đặt các con đối mặt với các thách đố của cuộc sống. Ngài hy vọng rằng các con sẽ cho phép Ngài hỗ trợ, giúp các con lớn lên. Thiên Chúa không khó chịu khi các con nêu cho Ngài những câu hỏi của mình. Ngài chỉ ưu tư khi các con không nói chuyện với Ngài, khi các con không mở lòng ra để đối thoại với Ngài. Thánh Kinh kể cho ta rằng Giacóp chiến đấu với Thiên Chúa (x.St 32,25-31), nhưng điều đó không ngăn cản ông kiên trì trong hành trình của mình. Chính Chúa thúc giục chúng ta: “Hãy đến, ta cùng nhau tranh luận” (Is 1,18). Tình yêu của Thiên Chúa thì chân thực và cụ thể đến nỗi nó mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan cởi mở và cuộc đối thoại đầy hiệu quả. Hãy tìm kiếm sự gần gũi của Cha trên trời qua khuôn mặt yêu thương của các chứng nhân can đảm của Ngài nơi trần gian này (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 116&117).

————-

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY B

(St 22,1-2.9a.10-13. 15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10)

Thứ hai bắt đầu tháng 3, tháng thánh Giuse. Chúng ta kể một câu chuyện thánh Giuse xảy ra trên quê hương Việt Nam.

Dưới triều vua Lê Thần Tông (1619-43) và Thanh đô vương Trịnh Tráng  (1623-57), đầu năm 1626 cha Bề trên tỉnh dòng ở Macao sai sang xứ Bắc Việt Nam, cha Giulianô Balđinôtti, người thành Pistônia (Ý), và một thày trợ sĩ Juliô (Nhật), hai nhà truyền giáo theo tầu buôn người Bồ để vào Bắc Hà. Ngày 2-2-1626 tầu khởi hành, sau ít ngày thuận buồm xuôi gió, tới cửa sông Cái (Hồng). Thời đó, liên lạc thương mại người Bồ với chúa Trịnh Đàng Ngoài không được điều hòa, như với chúa Nguyễn Đàng Trong, dầu vậy tầu buôn người Bồ vẫn được đón tiếp niềm nở.

Cha Balđinôtti khi theo thuyền trưởng đến yết kiến chúa Trịnh, đem theo lễ vật. Trong bộ tu hành đơn sơ tầm thường, bên vị thuyền trưởng mặc đồ nhung lụa với những đường kim tuyến sặc sỡ, và qua những cử chỉ của ông đối với nhà truyền giáo lúc nào cũng nhường bước, vị giáo sĩ càng được chúa và các quan trong phủ trọng kính. Chúa Trịnh cử một nhà sư danh tiếng đến tiếp cha. Nhưng vì không biết tiếng nói, cũng không thể tìm được thông ngôn có khả năng, cha Balđinôtti đành lỡ cơ hội. Dầu vậy, cha rửa tội được 4 em nhỏ trước khi chết. Đó là 4 bông hoa đầu mùa của các giáo sĩ dòng Tên ở xứ Bắc.

Cha Balđinôtti tìm liên lạc với cha Gabriel de Mattos, lúc ấy đang là Bề trên kinh lược trong Nam, yêu cầu gửi ngay một hay hai thừa sai đang hoạt động ở xứ Nam, đã thông thạo phong tục và tiếng nói. Để tránh những khó khăn cho sứ vụ truyền giáo sau này, cha Balđinôtti không quên nhắc cho cha De Mattos đừng sai các cha đi thẳng từ Nam ra Bắc, nhưng trở về Macao để rồi năm sau theo tầu buôn vào xứ Bắc. Vị thừa sai số 1 được sai đi là cha Alexandre de Rhodes.

Cha Alexandre de Rhodes quê thành Avignon, quốc tịch Tòa Thánh, sinh ngày 15-3-1593, thuộc giai cấp trung lưu xứ Aragon Tây Ban Nha, di cư sang Avignon từ đầu thế kỷ XV. Vào dòng Tên hồi 18 tuổi, chịu ảnh hưởng lớn trong việc huấn luyện truyền giáo tại trung tâm dòng ở Rôma, thụ phong linh mục năm 1618. Cuối năm 1624 cha Rhodes tức Đắc Lộ đã được sai đến xứ Nam truyền giáo dưới quyền cha Buzomi. Nhận thấy cha, tuy mới đến xứ Nam đã thông thạo tiếng nói và thích nghi với phong tục tính tình dân tộc, cha De Mattos đã chọn để sai đi xứ Bắc cùng với cha Pedro Marques. Tháng 7-1626, hai cha lên tầu về Macao. Năm sau ngày 12 tháng 3, hai cha lên tầu rời Macao, sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, thoát vùng Hải Nam thì gặp bão. Suốt một đêm đương đầu với sóng gió, sáng ngày 19-3-1627, lễ thánh Giuse, tầu giạt vào Cửa Bạng, Thanh Hóa. Để ghi ơn phù hộ của Thánh Cả và để hiến dâng công cuộc truyền giáo được bắt đầu trong chính ngày lễ thánh nhân, cha Đắc Lộ gọi của biển đó là cửa Thánh Giuse và nhận Người làm bổn mạng xứ Bắc

Tầu cập bến, dân chúng hiếu kỳ đến xem, vì ít khi có tầu buôn nước ngoài đến vùng này. Cửa Bạng lúc đó cũng như ngày nay chỉ là vùng đánh cá của dân chài, một bến buôn cất những hàng trong nước. Nghe nói là tầu buôn của người Bồ đem hàng vào Kinh bán, họ muốn được mắt thấy những nhung lụa đắt tiền, những viên ngọc quí từ Ấn Độ đưa sang mà đời họ chỉ được nghe nói chứ chưa được nhìn thấy. Trước những con người hiếu kỳ đó, với tinh thần truyền giáo đưa Tin Mừng, hai cha không muốn để lỡ cơ hội, đem họ từ những mong muốn trần tục lên với Đấng Tối Cao. Trong đoàn truyền giáo chỉ có mình cha Đắc Lộ thông thạo ngôn ngữ, còn cha Marques người già cả nhiều kinh nghiệm quen biết đường lối đi lại, nhưng tiếng nói không thạo lắm, vì thế mọi công việc đều ở tay cha Đắc Lộ.

Tin thuyền buôn người Bồ giạt vào Cửa Bạng được quan sở tại cấp báo lên Kinh. Trong khi  chờ đợi, cha Đắc Lộ tiếp tục sứ vụ đã bắt đầu. Trong ít ngày cha đã rửa tội cho 32 người, thuộc nhiều tầng lớp dân chúng, không phải chỉ nguyên khu xóm Cửa Bạng, nơi tầu đậu, mà cả những làng lân cận, dân chúng vì hiếu kỳ đến xem, đã được cha truyền đạo. Ba người được cha nhắc đến trong số những giáo dân đầu tiên đó, là một thầy đồ, một thầy cúng và một phú hộ.

Thời gian hai cha chờ đợi ở Cửa Bạng, nhằm vào Tuần Thánh, cha Maques đề nghị tổ chức lễ dựng Thánh Giá, để đánh dấu cho cuôc truyền giáo được bắt đầu. Thứ Sáu Tuần Thánh được chọn làm ngày suy tôn Thánh Giá. Hôm ấy cũng như trên đường lên Núi Sọ, hai cha vác Thánh Giá lên núi. Theo sau là mấy người Bồ Đào Nha và mấy người tân tòng ở Cửa Bạng. Biểu hiệu Tin Mừng được dụng lên, thời điểm ơn cứu độ đã đến và trang sử đầu tiên của Giáo Hội xứ Bắc mở đầu bằng hình ảnh Thánh Giá (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 122-126).

Câu chuyện Thánh Giuse ở Cửa Bạng cũng như những câu chuyện Lời Chúa trong lễ Chúa nhật 2 Mùa Chay hôm nay được ông Victor Hugo, nhà văn Pháp, diễn tả bằng câu “Đầu đường thập giá cuối đường vinh quang”.

Bài đọc 1 : Bài đọc 1 là câu chuyện ông Áp-ra-ham, trong sách Sáng Thế. Theo lời Chúa, ông đem I-sa-ác, con một của mình, lên núi, tế sát dâng cho Thiên Chúa. “Nhưng sứ thần của Đức Chúa gọi ông ; ‘Áp-ra-ham ! Áp-ra-ham ! Ông thưa : ‘Dạ, con đây!’ Người nói : ‘Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa; đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc !’ Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình’.

 Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa và nói : ‘Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề : bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22,11-18).

Bài Tin Mừng :  Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng hai chữ “khi ấy”, nhưng ở bản văn trong cả ba sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, đều bắt đầu bằng ba chữ “sáu ngày sau”, tức là câu chuyện “biến đổi hình dạng” xảy ra sau 6 ngày Chúa báo cuộc thương khó và phục sinh lần thứ nhất : “Người bắt đầu dạy cho các ông biết : ‘Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại: (Mc 8, 31).

Ông Phê-rô liền kéo  riêng Người ra và bắt đầu trách Người… Người trách ông Phê-rô : ‘Xa-tan ! Lui lại đàng sau Thầy ! vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’ (Mc 8,32-33)

Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : ‘Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình ? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì Tôi và những lời Tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8,34-38).

Nghe những lời về thập giá, sự chết, bỏ mình và đau khổ, các môn đệ ai nấy sợ hãi. Để các môn đệ can đảm vượt qua sự thương khó, Đức Giêsu đem ba môn đệ thân tín lên núi chứng kiến cảnh Chúa biến hình. Chính thánh Phê-rô sau này đã viết : “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quí mến’. Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh của Người” (1Pr 1,16-18).

Bài đọc 2 : Bài đọc 2 là thư thánh Phao-lô viết cho cộng đoàn Rô-ma : “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Ngừơi Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? (Rm 8, 31-32).

Nhóm CGKPV viết : “Tình yêu Đức Ki-tô dành cho các tín hữu. Không một hiểm nguy khó khăn nào có thể làm cho người tín hữu chân chính quên mất tình yêu của Đức Ki-tô đối với nhân loại khi Người hiến thân chịu chết và đã phục sinh” (Kinh Thánh 2011, trang 2501).

Xin Mẹ Trà Kiệu và Chân Phước Anrê giúp chúng con : mỗi khi gặp khó khăn đau khổ, tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành