Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm C


Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm C

17-3-2019

CHẦU THÁNH THÊ

Giáo xứ La Nang

 

GIÁO HUẤN SỐ 16

Thách Đố của Những Cuộc Khủng Hoảng (tt)

Lịch Giáo Phận trang 51

Một sự kiện đã trở thành phổ biến là khi một người cảm thấy mình không nhận được những gì mình mong muốn, hoặc không thực hiện được những gì mình mơ ước, như thế là đủ lý do để kết thúc một cuộc hôn nhân. Như vậy, sẽ không có cuộc hôn nhân nào bền vững cả. Đôi khi, để quyết định tất cả đã chấm dứt thì chỉ cần có một sự bất mãn nào đó, hoặc vì người kia vắng mặt trong lúc người này cần đến họ, hoặc lòng kiêu hãnh bị tổn thương, hay một nỗi sợ mơ hồ nào đó. Có những hoàn cảnh yếu đuối của con người vốn không thể tránh khỏi, mà người ta gán cho nó một sức nặng tình cảm quá lớn. Chẳng hạn họ cảm thấy mình không được trân trọng đầy đủ, những ghen tương, những khác biệt có thể lộ hiện ra giữa hai người, sự lôi cuốn bởi những người nào đó khác, những quan tâm mới có xu hương chiếm trọn tâm hồn, những thay đổi về thể lý của người phối ngẫu và nhiều sự việc khác, là những cơ hội để mời gọi bạn tái tạo lại tình yêu một lần nữa hơn là tấn công chông lại tình yêu (Niềm Vui của Tình Yêu số 237).

——————————————–

CN 2 MC C

(St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36)

Trong Lễ Tro trên Núi Sọ, An Ngãi, Đức cha Giu-se, giám mục Giáo phận, đã nhấn mạnh đến những việc cần phải thực hiện trong Mùa Chay, đó là : cầu nguyện, chay tịnh, bác ái.

Đức cha nói về việc Cầu nguyện như sau : “Cầu nguyện không chỉ là đến nhà thờ, tham dự các bí tích, các lễ nghi của Hội Thánh, mà cầu nguyện là Tin như lời mời gọi của Mẹ Thánh Tê-rê-xa Cal-cut-ta : “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là đức tin, hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là sự phục vụ, hoa trái của sự phục vụ là bình an”. Bởi thế khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa là chúng ta tuyên xưng một niềm tin vào Chúa nơi Hội thánh của Ngài. Tuyên xưng niềm tin vào những con người yêu thương mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Chính niềm tin đó giúp chúng ta vượt qua những thách đố, những khó khăn thử thách. Và chắc chắn, những anh chị em đang gặp khủng hoảng trong cuộc sống hôn nhân gia đình hãy nên biểu lộ giá trị đức tin để nơi đó là tình yêu, là tin tưởng, là yêu thương, đồng thời cũng để trở lại giá trị ban đầu, tình yêu ban đầu, để hàn gắn, cảm thông, tha thứ, chữa lành. Lời cầu nguyện còn là lao động, là cuộc sống, là những mối tương quan và tất cả trở nên một lời cầu nguyện kéo dài của Tin, Cậy, Mến…” (BMVTT/Pr.Nguyễn Toàn, mạng GPĐN ngày 12-3-2019).

Chúng ta đang sống Mùa Chay thánh, đồng thời cũng là tháng Thánh Giu-se. Chúng ta đã chiêm ngắm thánh “Giu-se Thinh lặng”, thinh lặng để vượt qua ồn ào trần gian, để “lắng nghe Lời Chúa”, để “cầu nguyện”.

Tông Huấn “Đấng Gìn Giữ Đấng Cứu Thế” của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II viết ngày 15-8-1989 : “Bầu khí thinh lặng quanh những gì liên quan đến con người thánh Giu-se cũng lan tỏa đến công việc thợ mộc của Người trong ngôi nhà Na-da-rét. Tuy nhiên đó là một sự thinh lặng cho thấy được một cách  đặc biệt con người nội tâm của thánh Giu-se. Các sách Tin Mừng chỉ nói tới những gì “thánh Giu-se làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giu-se tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ”, mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giu-se. Sự kiện đó giúp ta hiểu tại sao thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su, vị cải tổ lớn của dòng Carmel (Kín) chiêm niệm, đã trở nên người cổ võ cho việc canh tân lòng sùng kính đối với thánh Giu-se trong Giáo Hội Kit-tô giáo Tây phương” (Phan Tấn Thành, Sứ Mạng Của Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Ki-tô và Hội Thánh, trang 172).

BTM : Trong giờ đọc kinh Truyền Tin ở Quảng trường thánh Phê-rô ngày 24-2-2013, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô nói : “Khi suy niệm về trích đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể rút ra được một giáo huấn rất quan trọng. Trước tiên đó là vị trí hàng đầu của kinh nguyện, nếu không có nó mọi dấn thân tông đồ và bác ái sẽ bị giản lược  vào những việc làm mang tính xung động. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy học cách  mang lại cho kinh nguyện cá nhân và cộng đoàn thời gian đầy đủ. Ngoài ra, kinh nguyện không phải là một cách để cô lập chúng ta khỏi trần gian và những điều mâu thuẫn của nó, như chính Phê-rô đã muốn làm như thế trên núi Ta-bo, những kinh nguyện giúp chúng ta lên đường, giúp chúng ta hành động. “Cuộc hiện sinh Ki-tô hữu”- như tôi đã viết trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay – hệ tại việc ta không ngừng đi lên núi cao để gặp gỡ Thiên Chúa, để rồi sau đó, lại hạ sơn mang theo tình yêu và sức mạnh phát xuất từ cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trên cao sơn, để phục vụ anh chị em mình, với cùng một tình yêu như Thiên Chúa” (Lưu Văn Lộc, Tin Mừng Chúa Nhật Năm C, trang 91).

Bđ1 : Tổ phụ Áp-ra-ham trong bđ1 cũng giúp chúng ta cảm nhận kinh nguyện là vị trí hàng đầu. Thiên Chúa gọi ông bỏ xứ Ur, nước Irak ngày nay, đến lập nghiệp ở đất Ca-na-an, nước Ít-ra-en ngày nay. Ông 75 tuổi, bà Sa-ra, vợ ông, 65 tuổi (St 17,17). Thiên Chúa hứa : “Ta sẽ làm cho ngươi một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy” (St 15,2).

Khi đến đất Ca-na-an, Thiên Chúa lại hứa với ông : “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi” (St 15,7). Nhưng nạn đói xảy ra, ông phải sang Ai Cập ăn xin.

Trở lại đất Ca-na-an, chẳng thấy Chúa ban cho ông một mụn con, ông thưa với Chúa : “Chúa ơi, Chúa không ban cho con một dòng dõi” (St 15,3). Chúa đưa ông ra ngoài trời và nói : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không… Dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5).

Cả 10 năm mà vẫn chưa có con, vợ ông phải cho ông ăn ở với người tớ gái của bà để ông có con.

Mãi khi ông Ap-ra-ham 99 tuổi, vợ ông 89 tuổi, sau 25 năm theo Chúa, Chúa sai thiên thần đến báo tin sang năm ông bà sẽ có con. Ông cười và nghĩ bụng : “Đàn ông trăm tuổi mà có con sao ? Còn bà Sa-ra đã 90 tuổi mà sinh đẻ được sao ?” (St 17,17).

Đúng như lời thiên sứ báo tin năm sau đứa bé sinh ra và được đặt tên là I-sa-ác, nghĩa là “cười“. Bà Sa-ra nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười, những ai nghe biết sẽ cười tôi” (St 21,6).

Chưa hết thử thách. Khi I-sa-ac lớn lên, Thiên Chúa bảo ông Áp-ra-ham đem lên núi hiến tế cho Người. Ông vừa đưa tay ra cầm dao sát tế, thì thiên thần nói : “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa, đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 22,12).

Làm sao chờ được đến 25 năm, nếu không tin, nếu không cầu nguyện, nếu không có kinh nguyện ? Cầu nguyện quan trọng biết bao !

Bài đọc 2 : Bđ2 là đoạn thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-líp-phê. Nhóm CGKPV viết về giáo đoàn Phi-líp-phê như sau : “Phi-lip-phê là thành phố đầu tiên của Châu Âu được thánh Phao-lô đến giảng Tin Mừng. Thánh Phao-lô đã tới Phi-líp-phê, tại miền Ma-kê-đô-ni-a, thuộc đế quốc Rô-ma, trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai của người. Tại đây người thánh lập một giáo đoàn (x. Cv 16,12-40). Ít lâu sau thánh Phao-lô bị giam tù – có người cho là ở Ê-phê-sô, có người lại cho là ở Xê-da-rê thuộc Rô-ma (x. Pl 1,7). Hay tin, anh em tín hữu Phi-líp-phê đã nhờ ông Ê-páp-rô-đi-tô  mang quà đến giúp người. Nhân dịp này, thánh Phao-lô viết cho anh em một bức thư và nhờ ông Ê-pap-rô-đi-tô  mang về. Người cho anh em biết tin tức liên quan đến người, cám ơn anh em vì đã quan tâm và chia sẻ với người lúc người gặp khó khăn, khuyên nhủ anh em trung tín với Chúa Ki-tô, cũng như đừng để cho đạo lý sai lạc len lỏi vào cộng đoàn, làm lung lạc anh em” (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 2607).

Đây là những dòng cuối trong đoạn thư: “Hỡi anh em thân mến, lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy” (Pl 4,1). Đọc mà mủi lòng ! Làm sao không cảm nhận cầu nguyện là cần thiết !

Lạy thánh Giu-se xin giúp chúng con Mùa Chay thánh năm nay siêng năng đọc kinh cầu nguyện.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành