Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm C
CN.2.MC.C
(St 15,5-12.17-18; Pl 3,1-4,1; Lc 9,28b-36)
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào ?
Cha thánh Đaminh Hạnh quê ở Nghệ An, hoạt động ở Bùi Chu. Ngày 7-6-1838, cha bị hai người giáo dân ham tiền thưởng, đánh lừa cha. Hai người đưa cha đi chạy trốn, nhưng thật ra đem cha đi nộp cho Tổng đốc Nam Định. Trước cổng thành người ta đặt cây Thánh Giá. Muốn vào thành, phải bước qua Thánh Giá. Cha Hạnh không chịu bước qua.
Quan hỏi : “Tại sao ông không bước qua thập tự ?”.
Cha đáp : “Thánh Giá là biểu tượng ơn cứu chuộc. Không ai được phép bước qua… Ai thờ phượng Chúa sẽ được lên thiên đàng“.
Quan hỏi : “Vậy những người không thờ phượng Chúa, chết sẽ đi đâu ?“.
Cha trả lời : “Những người ấy chết phải xuống hỏa ngục“.
Nghe cha trả lời, quan giận quá. Tay đang cầm quạt, quan lấy cán quạt đập vào đầu cha, rồi truyền cho lính đánh cha 15 roi và tống vào nhà giam. Hai chân bị cùm.
Cha lại bị đưa ra tòa tra hỏi. Quan đặt ảnh Đức Mẹ dưới đất, bắt cha bước qua. Thay vì bước qua, cha cúi xuống, cầm lên và hôn. Quan tức giận cho lính đánh 100 roi.
Dùng bạo lực không được, quan dùng tình cảm và vinh hoa lợi lộc dụ dỗ. Quan cho ba người giáo dân bỏ đạo vào nhà tù thay nhau khuyên cha : “Cha ơi, nếu cha không bước qua thập giá mà bỏ đạo, thì cha phải chết… Nếu cha bỏ đạo, quan sẽ trọng thưởng và cho làm quan“.
Cha đáp : “Dù được làm quan ngay bây giờ, tôi cũng không bỏ Chúa. Ông đừng ăn nói bậy bạ khuyên tôi. Tôi chỉ mong được làm con Đức Chúa Trời mà thôi“.
Sau 2 tháng giam cầm, đánh đập, ngày 1-8-1838, cha Đaminh Nguyễn Văn Hạnh bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định và bị chém đầu. Trước khi bị chém, cha chào giáo dân : “Anh chị em ở lại bình an, tôi về thiên đàng hưởng phúc vô cùng“.
Nhà văn Pháp Victor Hugo nói : “Đầu đường thập giá, cuối đường vinh quang“. Cuộc đời của cha thánh Hạnh gian lao vầt vả, nhưng thiên đàng chờ cha.
Bđ1 : Tổ phụ Áp-ra-ham trong bđ1 cũng thế. Thiên Chúa gọi ông bỏ xứ Ur, nước Irak ngày nay, đến lập nghiệp ở đất Ca-na-an, nước Ít-ra-en ngày nay. Ông 75 tuổi, bà Sa-ra, vợ ông, 65 tuổi (St 17,17). Thiên Chúa hứa : “Ta sẽ làm cho ngươi một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy” (St 15,2).
Khi ông đến đất Canaan, Thiên Chúa lại hứa : “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi” (St 15,7). Nhưng nạn đói xảy ra, ông phải sang Ai Cập ăn xin.
Trở lại đất Canaan, chẳng thấy Chúa ban cho ông một mụn con, ông thưa với Chúa : “Chúa ơi, Chúa không ban cho con một dòng dõi” (St 15,3). Chúa đưa ông ra ngoài trời và nói : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không… Dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5).
Cả 10 năm mà vẫn chưa có con, vợ ông phải cho ông ăn ở với người tớ gái của bà để ông có con nối dõi.
Mãi khi ông Apraham 99 tuổi, vợ ông 89 tuổi, sau 25 năm theo Chúa, Chúa sai thiên thần đến báo tin sang năm ông bà sẽ có con. Ông cười và nghĩ bụng : “Đàn ông trăm tuổi mà có con sao ? Còn bà Sara đã 90 tuổi mà sinh đẻ được sao ?” (St 17,17).
Đúng như lời thiên sứ báo tin năm sau đứa bé sinh ra và được đặt tên là I-sa-ác, nghĩa là “cười“. Bà Sara nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười, những ai nghe biết sẽ cười tôi” (St 21,6).
Chưa hết thử thách. Khi Isaac lớn lên, Thiên Chúa bảo ông Ápraham đem lên núi hiến tế cho Người. Ông vừa đưa tay ra cầm dao sát tế, thì thiên thần nói : “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa, đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 22,12).
Bđ2 : Ba người giáo dân cám dỗ thánh Hạnh bỏ đạo, vì họ không chịu được thử thách đau khổ, như thánh Phaolô nói với các tín hữu Philípphê trong bđ2 : “Bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô, chung cục họ sẽ phải hư vong. Chúa của họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,19-20).
BTM : Các tông đồ trong BTM cũng thờ cái bụng, cũng chỉ nghĩ đế những sự thế gian. Nên khi Chúa Giêsu báo về sự đau khổ thập giá, thì ông Phêrô “liền kéo Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8,32). Chúa Giêsu phải trách ông, gọi ông là quỉ : “Xatan, lui lại đằng sau Ta” (Mc 8,33). Để củng cố đức tin các tông đồ, Chúa Giêsu đã hiển dung, đã biến hình. Cuộc hiển dung vinh hiển đến nỗi thánh Phêrô sung sướng thốt lên : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều : một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia” (Lc 9,33).
Thế nhưng trong cuộc hiển dung, ông Môsê và ông Êlia cũng nói về cuộc xuất hành, tức là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Và cả Chúa Cha từ đám mây cũng mượn lời ngôn sứ I-sai-a nói về “người tôi tớ đau khổ“, mà nói với các tông đồ : “Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35; Is 49,7).
Ăn chay hãm mình, “hãy xé lòng, chứ đừng xé áo” thật là khó, thật là vất vả. Giáo Hội cho chúng ta đọc câu chuyện ông Ápraham, câu chuyện Chúa Giêsu biến hình, để an ủi chúng ta, để nói với chúng ta “đầu đường thập giá, cuối đường vinh quang”.
Chúng ta hãy noi gương cha thánh Đaminh Hạnh nói với thế gian : “Dù được làm quan ngay bây giờ, tôi cũng không bỏ Chúa. Ông đừng ăn nói bậy bạ khuyên tôi. Tôi chỉ mong được làm con Đức Chúa Trời mà thôi“.
——————————–
24-2-2013
CN.2.MC.C
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh kỷ niệm 350 năm Hội Thánh bổ nhiệm hai Đức giám mục đầu tiên cho Giáo Hội Việt Nam (1659-2009) và 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập (1960-2010). Chúng ta mở lại những ngày truyền giáo đầu tiên của các cha Dòng Tên.
Cha Buzomi và cha Carvalho đến Đà Nẵng ngày 18-1-1615, cách nay 395 năm. Dù còn đang học tiếng Việt, và giảng đạo bằng thông ngôn, mới 3,4 tháng, hai cha đã rửa tội được 10 người, 10 bông hoa đầu mùa vào dịp lễ Phục Sinh năm 1615. Song hai cha cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc giảng đạo.
Trước hết là sự hiểu lầm của người Việt về việc vào đạo. Vào một tối kia, cha Buzomi đi dạo ở Hội An. Cha được xem một hài kịch được người Việt trình diễn trên bờ sông Thu Bồn. Một con hát mang cái bụng độn rất to. Theo sau là một con hát giắt một em bé. Con hát bụng to hỏi em bé : “Con nhỏ có muốn vào trong bụng người Hòa Lang chăng ?“. Em thưa : “Có“. Tức thì con hát đứng bên nhét em nhỏ vào bụng độn giữa tiếng cười thỏa chí của khán giả. Hài kịch được diễn đi diễn lại nhiều lần (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 61).
Khó khăn thứ hai là các thày sư ghen tỵ. Mùa thu năm 1618, trời hạn hán. Dù đã làm lễ cầu mưa, trời vẫn không mưa. Các sư cho rằng Trời Phật nổi giận không cho mưa xuống, vì dân chúng bỏ đạo cũ đi theo đạo mới. Các sư trình các quan. Các quan đành trục xuất các cha, tạm lánh về Macao. Thuyền các cha bị bão dạt vào một khu rừng. Rừng hoang nước độc. Cha Buzomi bị đau nặng. Nhờ lòng tốt của quan Qui Nhơn, cha thoát chết. Tháng 7-1618, quan Qui Nhơn đưa cha về Nước Mặn, sống trong một ngôi nhà rộng rãi. Quan còn tiếp tế lương thực cho cha. Một hôm quan cho 1000 người đem vật liệu làm sẵn đến dựng nhà thờ cho cha (Sđd, trang 62-65).
BTM : Như thế, Chúa đã biến khổ đau thử thách trở thành niềm vui, như Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay. Thánh Luca kể lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabo cho các môn đệ được mắt thấy tai nghe.
8 ngày trước, Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Chẳng những Chúa chịu khổ nạn, mà những người đi theo Chúa cũng phải vác thập giá : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Sau 8 ngày Chúa hiển dung, để các ông tin thập giá đau khổ không vô ích, trái lại còn đem lại niềm vui hạnh phúc.
Trong cuộc hiển dung, các tông đồ được nghe hai ông Mô-sê và Ê-li-a nói với Chúa Giê-su về cuộc xuất hành, túc là về cái chết của Chúa. Song nhờ thập gia đau khổ, dung mạo Chúa “bỗng đổi khác, y phục trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,29). Nhờ cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã sống lại vinh quang.
Đúng như lời đáp ca trong thánh lễ : “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào ?“.
————————–
28-2-2010
CN.2.MC.C
Ngày 7-12-1998 ở phía tây bắc Armenia của nước Nga xảy ra một trận động đất lớn với độ rung là 6.9, làm sụp dổ bình địa với khỏang 25.000 người bị thiệt mạng.
Sau trận động đất, giữa những đám người hỏang hốt và lo sợ, có một người cha đang tuyệt vọng rảo bước qua những con đường đầy gió bụi đổ nát và điêu tàn. Ông vội vã tiến về phía trường học đi tìm người con trai yêu qúi của ông đi học từ sáng sớm. Vừa bước đi ông vừa nghĩ tới những lời hứa hẹn đã thề thốt với con ông : “Armand con ơi, bất cứ chuyện gì xảy ra, ba cũng luôn luôn ở với con !”
Tới trường học, nhưng trường học chỉ còn là một đống gạch vụn. Đứng lau chùi nước mắt …rồi phỏng đóan phương hướng lớp học của con ông, ông cúi xuống lượm từng miếng gạch vỡ quăng ra ngòai. Bằng tay không, ông bắt đầu đào bới. Nào là gạch, ván tuờng, tôn kẽm…Những người qua lại tuyệt vọng nói với ông : “Thôi đi, ông ơi ! Chúng chết hết rồi !” Nhưng ông ngẩng lên trả lời : “Các bạn chỉ trích tôi, hãy giúp tôi kéo những viên gạch này ra”. Một số người cũng tiếp tay với ông thu dọn đống gạch vụn, nhưng chẳng được bao lâu họ cũng bỏ cuộc vì mệt mỏi và tay chân đau nhức. Riêng ông vẫn làm việc không ngừng, vì ông luôn nghĩ tới sinh mạng của con ông. Ông kiên trì làm việc từ giờ này qua giờ khác. Đã qua đi 2 tiếng đồng hồ, rồi 18 tiếng, rồi 24 tiếng, rồi 36 tiếng. Hơn một ngày rưỡi rồi mà chưa thấy dấu hiệu gì tìm thấy con ông, nhưng ông vẫn kiên trì tiếp tục đào bới. Và chỉ 2 tiếng sau, giờ thứ 38, ông nghe được tiếng rên rỉ yếu ớt phát ra từ phía dưới mảnh tường đổ nát. Ông nắm lấy tảng gạch, lay mạnh và gọi lớn : “Armand ! Armand ! Armand !” Từ bóng tối phía dưới bức tường vang lên một giọng trẻ thơ : “Ba ! Ba ! Ba !” Tiếp ngay sau đó là những tiếng gọi yếu ớt của những học sinh sống sót vang lên. Công việc đào bới để cứu các em ra khỏi đống gạch được các phụ huynh tiếp tay. Người ta đã cứu được 14 em trong số 33 em học sinh của ngôi trường. Vừa được đưa ra khỏi đống gạch, em Armand thốt lên : “Đã bảo mà, cha tôi không bao giờ quên tôi !”
Người cha ở Armenia phải vất vả mất 38 tiếng đồng hồ mới tìm được đứa con yêu của mình. Còn Chúa mất bao nhiêu tiếng đồng hồ để tìm lại được nhân lọai mà Chúa đã dựng nên ? Chẳng thể tính được bằng giờ, bằng ngày, bằng tháng, bằng năm, mà phải tính bằng những thế kỷ.
Bai đọc 1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay kể chuyện Thiên Chúa lập giao ước với ông Áp-ra-ham. Thiên Chúa chọn ông Ap-ra-ham lãnh đạo dân Do Thái của Chúa. Như vậy, không kể từ ông Ađam và bà Evà, chỉ kể từ ông Ap-ra-ham đến Chúa Giêsu ra đời là 18 thế kỷ, từ Chúa Giêsu ra đời đến chúng ta hôm nay là 21 thế kỷ. Như vậy, đã 39 thế kỷ Thiên Chúa đi tìm nhân lọai, đi cứu nhân lọai ra khỏi đống gạch đổ nát của thế gian, cứu thóat nhân lọai thóat khỏi nanh vuốt của ma qủi.
Người cha ở Armenia, nhịn đói nhịn khát, chịu đựng mệt mỏi, bàn tay bị rướm máu mới giải cứu đứa con. Còn đi tìm nhân lọai, Thiên Chúa đã bị mất Đức Giêsu, người Con Một. Có mất mát nào bằng. Chính Chúa Giêsu cũng thổ lộ với ông Ni-cô-đê-mô : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Chúa Giêsu chết và những người đi theo Chúa cũng không tránh khỏi thập giá. Chúa nói : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Thánh Luca nhấn mạnh : “hằng ngày”, nghĩa là hằng ngày có thập giá, chứ không phải thỉnh thỏang mới có. Trên núi Bát Phúc, Chúa Giêsu cũng đã từng tuyên bố : “Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34).
Bài Tin Mừng : Hôm nay trong bài TM kể lại cuộc biến hình ở trên núi Ta-bo. Trong cuộc biến hình này, Đức Chúa Cha cũng xác quyết Chúa Giêsu phải đau khổ, phải chết,. Trong sách TM thánh Mt và Mc, tiếng từ trời phán là “Đây là Con yêu dấu của Ta, ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Đó là lời ở trong Thánh vịnh 2, thánh vịnh phong vua Đavít làm vua. “Con yêu dấu” muốn nói đến tước hiệu Đấng Thiên sai (Mêsia), sự vinh quang của Chúa Giêsu. Còn trong sách TM của thánh Luca, tiếng từ trời phán là “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (9,35). Đó là lời trong bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ của ngôn sứ Isaia (42,1). “Người được Ta tuyển chọn”, tức là người tôi tớ chịu đau khổ.
Trong cuộc biến hình còn có sự xuất hiện của ông Môsê, đại diện cho giới luật pháp, và ngôn sứ Ê-li-a, đại diện cho giới ngôn sứ. Hai sách TM Mt và Mc không cho biết hai vị Môsê và Êlia nói gì ; nhưng sách TM thánh Luca kể lại là : “ Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hòan thành tại Giêrusalem” (9,31). Cuộc xuất hành Chúa Giêsu hòan thành ở Giêrusalem, chính là cái chết trên thập tự của Chúa. Như thế, cả Chúa Cha, cả ông Môsê và cả ngôn sứ Eâla đều nói về cái chết của Chúa Giêsu.
Nhưng chính nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta được hạnh phúc, được thiên đàng, như thánh Phêrô nói : “Chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Ê-li-a” (Lc 9,33).
Nếu người cha ở Armenia không vất vả tìm con, thì làm sao ông thấy lại con !
Nếu Chúa Giêsu không chết, thì làm sao chúng ta được lên thiêng đàng !
Và mỗi người chúng ta không vất vả, thì làm sao chúng ta có những thành công !
Không ăn chay hãm mình, thì làm sao chúng ta sốt sắng mừng lễ Chúa sống lại !
Bài đọc 2 : Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philípphê đọc trong bđ2 thánh lễ hôm nay : “Vì như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có những người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô, chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến thế gian” (Pl 3,18-19).
Như thế, những người dám vác Thánh Gía theo chân Chúa, thì sẽ được vinh quang; còn những người không dám, mà sống theo sự dễ dãi, thì sẽ hư vong.
———————————
4-3-2007
CN.2.MC.C
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng đã chọn Nước Trời làm quê hương, là niềm vui vĩnh cửu, nên các ngài đã bất chấp gian nan khốn khổ, kể cả cái chết. Thánh Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu sinh năm 1790 tại làng Kẻ Điền, tỉnh Thái Bình. Được cha mẹ cho đi tu và làm thầy giảng, giúp nhiều xứ đạo. Khi đang ở họ Nội, thuộc xứ Kẻ Mốt, thầy bị bắt và cùng giam với cha Nguyễn Văn Tự. Được dẫn tới quan Lương Tài, quan hỏi : “Anh là ai ?”. Thầy đáp : “Tôi là một môn đệ thân tín của cha Tự đây”. Cha Tự ra dấu nhắc thầy đừng khai rõ, để có thể được chuộc về mà coi sóc bổn đạo, nhưng Thầy thưa : “Xin cha thương nhận con làm môn sinh, để con cũng được tử đạo với cha”. Quan nói với thầy : “Kẻ nào chết vì không bước qua thập giá là ngu dại, không biết thương cha mẹ già”. Thầy trả lời : “Thưa quan, cha mẹ sinh chúng tôi, nhưng ngay cha mẹ chúng tôi có ở trên đời cũng là nhờ quyền năng của Chúa”. Khi quan đọc bản án xong, thầy nói : “Thưa quan, chúng tôi mong ước được về với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của Đức vua”. Ngày 19-12-1839 thầy bị xiết cổ và qua đời.
Lời Chúa của thánh lễ Chúa nhật tuần trước đã nói lên thân phận yếu hèn và đầy cám dỗ thử thách của con người. Lời Chúa của Chúa nhật tuần này nói lên niềm vui Chúa ban cho những ai can đảm vượt qua những gian nan thử thách. “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào”. Lời đáp ca đó an ủi chúng ta biết mấy, hy vọng biết mấy !
Bài đọc 1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay nói đến “ánh sáng và ơn cứu độ” Thiên Chúa ban cho ông Ap-ra-ham, sau những thử thách đắng cay. Ông Apraham người thành Ur, một thành phố của nước Iraq ngày nay. Ông được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ dân It-ra-en. Sách Sáng thế kể như sau : “Đức Chúa phán với ông Ap-ram : ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2).
Vâng lệnh Chúa, ông lên đường. Lúc đó ông đã 75 tuổi. Tới đất Ca-na-an, nơi Chúa bảo, gặp nạn đói, ông phải sang Ai Cập kiếm sống. Sợ người Ai Cập sẽ giết ông mà chiếm đoạt vợ ông, ông phải nói dối bà là em gái của ông. Ở Ai Cập trở về, ông phải đánh đuổi 4 thị tộc đi cướp bóc tài sản của ông Lót, cháu ông. Sau các việc đó, như bđ1 tường thuật, Thiên Chúa hiện ra phán với ông : “Hỡi Ap-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (St 15,1).
Từ ngày đầu Chúa gọi, ông Ap-ram chỉ cúi đầu vâng phục, không nói một lời. Nhưng, chắc là ông nghi ngờ lời Chúa đã hứa, nên bây giờ ông lên tiếng : “Chúa sẽ ban cho con cái gì ? Con ra đi mà không con cái…Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi” (15,2.3). Chúa dẫn ông ra ngoài và phán : “Hãy ngước mắt lên trời và đếm các vì sao, xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (15,5). Về sau Chúa đổi tên Ap-ram của ông thành Ap-ra-ham, nghĩa là “cha của vô số các dân tộc” (St 17,5). Chẳng những hứa ban cho ông có con nói dõi, mà còn hứa ban cho ông cả đất đai : “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ur, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu” (15,7).
Ông Ap-ra-ham hỏi : “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu ?” (15,8). Để làm bằng chứng, Chúa ký kết giao ước với ông. Chúa bảo ông : “Đi kiếm cho Ta một con bò cái 3 tuổi, một con dê cái 3 tuổi, một con cừu đực 3 tuổi, một con chim gáy và một bồ câu non” (15,9). Rồi ông “xẻ đôi, trừ các con chim, đặt nửa này đối diện với nửa kia” (15,10). Khi mặt trời lặn, đêm xuống, thì “bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi” (15,17).
Lò, khói, lửa, mây là dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện, như khi hiện ra với ông Môsê bằng bụi gai bốc lửa (Xh 3,2) hay dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập bằng cột mây ban ngày, cột lửa ban đêm (Xh 13,21-22). Người Cận Đông ký kết giao ước với nhau bằng hình thức cắt đôi con vật, rồi đi qua giữa con vật xẻ đôi. Nếu bên nào xé giao ước sẽ bị xẻ đôi như con vật. Qua giao ước này, Thiên Chúa đoan chắc với ông Ap-ra-ham là ông sẽ có con và có đất làm sở hữu. Mặc dầu 100 tuổi mới có con, nhưng ông vẫn tin. Khi bị lưu đày ở Babylon, dân Ít-ra-en đã đọc lại biến cố này, để luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và đưa họ về với quê cha đất tổ.
Bài Tin Mừng : Ông Ap-ra-ham có con, có đất cũng chưa bằng chúng ta được Chúa Giêsu hứa ban Nước Thiên Chúa, nếu dám vác thập giá theo Chúa.
Biến cố Hiển Dung thánh Luca kể trong bài TM, đã bỏ câu mở đầu : “Khoảng 8 ngày sau khi nói những lời ấy” (9,28). 8 ngày sau khi nói những lời ấy, tức là những lời Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó của Chúa : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba chỗi dậy” (9,22), đồng thời Chúa Giêsu cũng loan báo số phận đau khổ của các tín hữu : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (9,23).
Như thế, biến cố biến hình giúp cho các tông đồ thấy trước “ánh sáng và ơn cứu độ” Chúa ban cho ai chịu đau khổ với Chúa. Thánh Luca kể : “Ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người” (9,32). Câu đó giống như câu mà thánh Luca mô tả khi Chúa Giêsu lên trời : “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh” (Cv 1,9-10).
Biến cố Biến hình không những minh xác sự vinh quang của thập giá, mà còn chứng thực Chúa Giêsu phải chịu đau khổ, như Chúa đã tiên báo. Trước hết là ông Môsê và ông Êlia nói với Chúa Giêsu về “cuộc xuất hành của Chúa sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31), tức là Chúa Giêsu về Giêrusalem để chịu chết. Sau là tiếng nói từ trời.
Trong sách TM thánh Mt và Mc, tiếng từ trời phán là “Đây là Con yêu dấu của Ta, ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Đó là lời ở trong Thánh vịnh 2, thánh vịnh phong vua Đavít làm vua. “Con yêu dấu” muốn nói đến tước hiệu Đấng Thiên sai (Mêsia) của Chúa Giêsu. Còn trong sách TM của thánh Luca, tiếng từ trời phán là “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lời trong bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ của ngôn sứ Isaia (42,1). “Người được Ta tuyển chọn”, tức là người tôi tớ chịu đau khổ vì đồng loại. Hình dạng biến hình của Chúa là : “Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (9,29). Tất cả những hình ảnh đó khác nào là những hình ảnh trên thiên đàng. Cuộc biến hình tiên báo niềm vui Nước Trời cho những người mà sách Khải Huyền mô tả : “Đã trải qua cơn thử thách lớn lao.Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14).
Bài đọc 2 : Qua lá thư gửi giáo đoàn Philípphê, thánh Phaolô đã căn cứ trên biến cố sống lại, để nói đến vinh quang mà Chúa ban cho những người đi theo Chúa : “Người sẽ dùng quyền năng mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (3,21).
Philipphê là một thành phố của xứ Maxêđônia, ngày nay là nước Hy Lạp. Philipphê là tên cha của hoàng đế Alexandre. Philipphê đầu tiên ở Âu châu được đón nhận Tin Mừng thánh Phaolô rao giảng trong cuộc hành trình truyền giáo thứ II (Cv 16,12-40). Khi thánh Phaolô bị tù tại Eâphêsô, giáo dân Philípphê đã sai ông Ê-páp-rô-đi-tô đến thăm nuôi. Ngài đã viết thư cám ơn. Đây là lá thư rất cảm động và chan chứa niềm vui.
Trong đoạn thư đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô đã đưa ra hai hạng người. Hạng người thứ nhất là : “Sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng…Chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (3,18-19). Hạng người thứ hai là : “Quê hương ở trên trời và nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu” (3,20).
Qua ba bài đọc của thánh lễ chúa nhật thứ hai Mùa Chay hôm nay, tất cả những gian nan, thử thách, cám dỗ sẽ đem lại vinh quang cho chúng ta. Ông Ap-ra-ham bằng lòng từ bỏ quê hương đã trở thành cha các dân tộc và có đất đai sở hữu. Chúa Giêsu và các môn đệ ghé vai vác thập giá sẽ được vinh quang. Các tín hữu Philipphê chọn Nước Trời làm quê hương thì thân xác yêu hèn trở nên vinh hiển. Thày Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu đước tử đạo đã vui lên : “Thưa quan, chúng tôi mong ước được về với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của Đức vua”.
Linh mục Nguyễn Trung Thành