Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm A
CN 2 MV NĂM A
04/12/2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Phú Hạ
GIÁO HUẤN SỐ 2
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Các thánh khích lệ và đồng hành với chúng ta
Thư gửi Tin hữu Do Thái trình bày nhiều chứng từ khích lệ chúng ta kiên trì trong cuộc hạy đua dành cho ta (12,1). thư này nhắc đến Abraham, Xa-ra. Mô-sê, Ghê-đê-ôn và nhiều người khác (x.11,1-12,3). Trên tất cả, thư này mời gọi chúng ta nhận ra rằng ‘một đám mây chứng nhân’ (12,1) thúc đẩy chúng ta tiến tới không ngừng hướng về đích điểm. Những chứng nhân này có thể bao gồm mẹ, bà ngoại hay những người thân yêu khác của chúng ta (x.2Tm 1,5). Đời sống của họ có thể không luôn luôn hoàn hảo, nhưng ngay giữa những lỗi lầm và thiếu sót, họ vẫn tiến tới và đã làm Chúa vui lòng. Các thánh đang ở với Thiên Chúa, vẫn giữ mối ràng buộc yêu thương và hiệp thông với chúng ta. Sách Khải Huyền chứng thực điều này khi nói về sự chuyển cầu của các chứng nhân tuẫn đạo : ‘Tôi thấy ở dưới bàn thờ linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng, họ lớn tiếng kêu : ‘Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn không xét xử’ (6,9-10). Mỗi chúng ta có thể nói: ‘Dược vây quanh và được dẫn dắt bởi các bạn của Thiên Chúa… tôi không phải một mình mang vác điếu mà tôi thật sự không thể một mình vác nổi’. Tất cả các thánh của Thiên Chúa vẫn có đó để bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi và bồng ẵm tôi. (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, sô` 3&4).
SUY NIỆM I
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành.
Chúa nhật 1 Mùa Vọng tuần trước, chúng ta đọc câu chuyện ông già Anrê, người Thanh Chiêm, Phước Kiều. Hôm nay Chúa nhật 2 MV, chúng ta đọc câu chuyện bà Ngọc Liên cũng người Thanh Chiêm, Phước Kiều.
Cha Đỗ Quang Chính viết về bà như sau :
‘Ngọc Liên là công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, quan trấn Quảng Nam. Bà là trưởng nữ kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên có ba em gái : Ngọc Vạn kết hôn với vua Chey Chettâ II (Cam Bốt); Ngọc Hoa (Khoa ?) là vợ của Nhật kiều Sataro, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng; Ngọc Đỉnh thành hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều.
Ngọc Liên được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức Vương thái phi, có lẽ được rửa tội năm 1636 do cha Buzomi, mang thánh hiệu Maria Mađalêna. Chồng bà làm trấn thủ Trấn Biên dinh (Phú Yên) từ năm 1629-1643, tuy không theo đạo, nhưng lại “ước mong mọi người dưới quyền cai trị của ông theo ‘Đạo Hoa lang’”.
Ngọc Liên rất nhiệt tình với Đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em bổn đạo có thể tới cầu nguyện. Năm 1641, cha Rhodes (Đắc Lộ) ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh Tẩy cho 90 người trong số này có cậu Anrê Phú Yên.
Từ năm 1643, Ngọc Liên theo chồng về cư ngụ tại Thành Chiêm, bà vẫn một lòng đạo, hăng say giới thiệu Tin Mừng, kể cả sau khi Tướng Vinh qua đời năm 1645.
Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong. Đầu năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô là Antonio de Puerto và Antonio de Santa Maria Caballero (tất cả là người Tây Ban Nha) đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Mitelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thành Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm.
Đến năm 1663 chính quyền ra lệnh khám xét nhà Ngọc Liên, tịch thâu nhiều của cải, vì bà theo Đạo Hoa Lang, lại còn thiêu hủy nhà nguyện của bà. Hai năm sau Hiền Vương ra lệnh cấm đạo ngặt hơn : ngày 29-1-1665 bà bị giam trong một nhà ngục không mái che, để cho chết đói, chết khát. Sau năm ngày, bà không chịu nổi, nên đã chối đạo.
Tuy nhiên đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil MEP, bà đã xưng tội, nhưng bị cha phạt vạ không được rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý (Lm Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 73-74).
Câu chuyện bà Ngọc Liên chối đạo, song đã hối hận xưng tội, rồi tiếp tục làm việc tông đồ “vẫn dạy giáo lý” là hình ảnh cụ thể, sống động của Lời Chúa Chúa nhật hôm nay.
Bài đọc 1 (Is 11,1-10): Bđ1 đọc trong sách ngôn sứ I-sai-a. Ngôn sứ cho chúng ta biết về Đấng Cứu Thế mà chúng ta mong chờ trong Mùa Vọng :
– Trước hết là thân thế của Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Đa-vít:
“Từ gốc Gie-sê đâm ra một nhánh nhỏ
từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11,1).
– Thứ hai là quyền năng của Đấng Cứu Thế :
Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này
Thần khí khôn ngoan và minh mẫn
Thần khí mưu lược và dũng mãnh
Thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,2).
– Thứ ba là công việc xét xử của Đấng Cứu Thế :
Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bề ngoài
cũng không phán quyết theo lời kẻ khác
nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng
và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở
– Thứ tư là xã hội đất nước hòa bình của Đấng Cứu Thế :
“Sói sẽ ở với chiên non,beo nằm bên dê nhỏ
bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng
bò cái kết thân cùng gấu cái
sư tử cũng ăn rơm như bò
bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang
sẽ không cón ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta
vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này
các dân tộc sẽ tìm kiếm Người
và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang (Is 11,6-10).
Bài Tin Mừng (Mt 3,1-12) : Muốn được vào sống trong xã hội, Nước Đấng Cứu Thế, phải sống theo lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).
Bài đọc 2 : Còn phải sống theo lời kêu gọi của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rôma trong bài đọc 2 : “Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7).
Ước gì Mùa Vọng năm nay chúng ta noi gương bà Ngọc Liên, người Thanh Chiêm, Phước Kiều, sám hối trở về với Chúa, và sống yêu thương nhau theo Lời Chúa.
Cầu nguyện
Tv 71,12-13.17
Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo
Mạng sống dân n Mt 3,1-12 Mt 3,1-12ghèo Người ra tay tế độ
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời
Ước gì mọi sắc tộc trần gian nhờ Người được chúc lành
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
SUY NIỆM II
Lời Chúa: Br 5,1-9; Pl 1,4-6. 8-11; Lc 3,1-6
DỌN LÒNG ĐÓN CHÚA ĐẾN
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trên vách núi của Chùa Huyền Không Thượng ở Huế có ghi: “Ta còn hơi thở nụ cười, là còn bát ngát một trời hương xuân”. Câu thơ muốn nói lên một thái độ thường hằng và là động lực giúp ta vượt qua bao gian khổ để đi tới phía trước với tất cả niềm hy vọng. Qủa thế, khi chúng ta hy vọng nghĩa là hướng tới một thực tại, một điều gì đó tốt rất xa, có khi vượt qua cái chết và dĩ nhiên hy vọng như thế sẽ chi phối toàn bộ hành động, lời nói, việc làm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta để đạt được điều chúng ta đang hy vọng. Vâng, các bài Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta thấy rằng chúng ta có niềm hy vọng rằng hết mọi người phàm sẽ thấy, gặp gỡ và đón nhận ơn cứu độ, là chính Chúa Giêsu đến trong đời mỗi người chúng ta dù chúng ta có bất toàn và bất xứng, dù chúng ta hạnh phúc hay đau khổ, mạnh khỏe hay bệnh tật. Chính vì vậy mà ông Gioan tẩy giả kêu gọi: hãy dọn đường, sửa lối cho thẳng để Chúa đến làm cho đời ta tươi sáng, bình an và hạnh phúc bát ngát một trời hương xuân.
Lời Chúa mời gọi hãy dọn đường? Đường nào, và dọn bằng cách nào? Đường đó chính là con đường từ tấm lòng ra cung cách sống của chúng ta, nó bằng phẳng êm đềm (là bình an, sự thánh thiện, sự siêu thoát vật chất) hay quanh co gồ ghề, lồi lõm (là sự buồn bả thất vọng hay tội lỗi). Cho nên, nếu chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng vào tiền bạc, danh vọng, dục vọng và quyền lực, chúng ta làm mọi cách dù phải gian xảo mưu mô độc ác gian tà miễn sao có được chúng thế là đủ rồi, còn chuyện sống yêu thương hay sự sống đời sau không quan tâm, tội lỗi mặc kệ. Ngược lại, nếu không có những thứ đó thì mình đau khổ, tủi hổ bực tức khó chịu, chua cay gắt gỏng. Nếu đặt niềm hy vọng vào sức khỏe, trí thức hay nhan sắc, chúng ta tìm mọi cách đạt cho được, không được thì tuyệt vọng.
Đó chỉ là niềm hy vọng của tính xác thịt, của dục vọng. Chúa nói tất cả những thứ đó không xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng xuất phát từ lòng người, từ thế gian, mà thế gian sẽ qua đi cùng với dục vọng của nó, chẳng có gì bền vững. Ngược lại, nếu chúng ta đặt niềm hy vọng vào cuộc sống hiệp nhất và yêu thương, sẻ chia và đồng hành với nhau, xử sự công bằng và đồng tâm xây dựng hạnh phúc bình an cho nhau, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận Chúa làm gia nghiệp và Lời Chúa làm lẽ sống và kim chỉ nam cho mọi lời nói và hành vi luân lý của chúng ta trong đời sống. Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khẳng định với chúng ta rằng: “Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh chị em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. Như thế, anh chị em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 1,6.11).
Chúng ta đã đặt niềm hy vọng vào Chúa và mục đích của chúng ta nhắm đến là Thiên Chúa và sự sống đời sau, hạnh phúc thiên đàng: đúng đấy, đẹp đấy nhưng con đường và phương tiện chúng ta dùng để tới không đúng và hợp với ý Chúa, Lời Chúa và Giáo lý của Hội Thánh. Chẳng hạn, vì cuộc sống vợ chồng tối ngày sào xáo, chửi bới la lối thóa mạ, gây đau khổ cho nhau dù có một hai ba mặt con, thôi ly dị cho rồi, đường ai nấy đi để tìm hạnh phúc khác và đỡ mắc tội Chúa phạt chết, còn con cái ai nuôi cũng được, nếu không thì cho nó vào trung tâm trẻ em đường phố hay vào cô nhi viện của các Bà Sơ là xong. Chúa và Giáo Hội đâu dạy như thế! Rồi chuyện trai gái yêu nhau thời yêu cuồng sống vội, chưa cưới đã sống chung trước, lỡ mang thai, thôi kéo nhau đi phá cái thai lỡ lầm này cho rồi vừa đỡ khổ nhục vừa không bị tai tiếng gì đến bà con, họ hàng hay Đạo hạnh nữa. Chúa và Giáo hội đâu bảo làm thế! Chưa hết, vì chuyện phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già bệnh tật mà vợ chồng phải khổ cực, mất giờ, mất tiền, cãi cọ phân bì… thôi gửi ông bà vào viện dưỡng lão có người chăm sóc kỹ hơn; nếu đau nặng nói bác sĩ tiêm một liều thuốc chết êm dịu đỡ kéo dài sự đau khổ ông bà, cha mẹ tội nghiệp. Đó đâu phải là ý Chúa và Giáo Hội dạy! Và cuối cùng, vì thất tình, vì thất bại làm ăn, vì gặp đau khổ thể xác tinh thần bệnh tật triền miên thôi tự tử cho rồi sống chi cho thêm đau lòng. Chúa và Giáo hội đâu cho phép làm thế!
Tất cả những con đường ấy đâu phải con đường của Chúa vì trái với Tin Mừng, không hợp ý Chúa, và cũng chẳng đúng với Giáo huấn của Hội Thánh. Bài đọc hai, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng anh chị em phải có lòng mến trong Chúa Giêsu Kitô, hãy làm việc thiện, ăn ở ngay lành, biết cái gì là tốt hơn nên làm và cái gì xấu nên từ bỏ hay tránh đi để trở nên tinh tuyền, thánh thiện trong mọi việc chúng ta làm. Đó là con đường chắc chắn dẫn ta đến một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô và một lối sống phù hợp với ý Thiên Chúa và Lời Ngài, Ngài sẽ đảm bảo cuộc sống bình an, trường thọ và hạnh phúc đích thực. Cho nên, Lời Chúa của Chúa nhật thứ 2 Mùa Vọng này mời gọi chúng ta dọn đường có nghĩa rằng phải sám hối, thay đổi cái nhìn về tiền của, thay đổi lối cư xử thiếu đạo đức, có cái nhìn khách quan khi các biến cổ xảy đến trong cuộc sống hằng ngày, nhất là luôn hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả để rồi dẫn đến lối sống phù hợp với ý Thiên Chúa và Giáo Hội. Và khi chúng ta chấp nhận san bằng đồi núi kiêu căng, lấp hô sâu tự ái, uốn thẳng tính gian tham và làm sạch tội lỗi trong tâm hồn nhờ cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa Giải, chắc chắn chúng ta sẽ thấy, gặp và nhận được Chúa nguồn bình an hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc đời này và đời sau.
Chúng ta đang sống trong năm phụng vụ với lời mời gọi của Các Đức Giám Mục Việt Nam năm nay: củng cố sự hiệp thông với Chúa và tha nhân. Ước gì Lời Chúa hôm nay thúc đẩy mỗi người trong chúng ta cố gắng sống tâm tình sám hối, sửa lại những tính hư tật xấu từ trong ra ngoài để xứng đáng được ơn cứu độ của Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn của chúng ta làm cho chúng ta hạnh phúc và bình an đồng thời thúc bách chúng ta hăng hái đồng hành sẻ chia, giúp đỡ và an ủi với các gia đình đang sống quanh chúng ta gặp khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống hầu họ cũng được Thiên Chúa hiệp thông và ban niềm vui và hy vọng làm cho họ cảm thấy cuộc đời nở hoa chứ không bao giờ bế tắc. Amen.
SUY NIỆM III
HÃY CHỨNG TỎ LÒNG SÁM HỐI
Tuần 2 Mùa Vọng (Hội An 4/12/2022)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Mùa Vọng là mùa trái tim mong đợi Chúa Giê-su đến. Chúa chỉ đến trong mỗi người, mỗi gia đình, một khi chúng ta dọn tâm hồn xứng đáng đón Chúa. Tại sông Gio-đan ngàn năm trước thời Gioan Tẩy Giả, dân Chúa được chuẩn bị chu đáo vượt sông đi vào đất Chúa hứa. Nay, cũng tại sông Gio-đan, thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi dân Chúa chuẩn bị vui mừng, không phải vì được đi vào vùng đất địa lý, mà là đón nhận Đấng Cứu Thế, Đấng là lời hứa Thiên Chúa ban cho nhân loại. Theo thánh Gioan Tẩy Giả, niềm mong đợi đón Chúa phải được thể hiện cách cụ thể trong đời sống của mỗi tín hữu: “Hãy sinh hoa trái để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3,8).
- Sám hối là điều cần thiết để đón Chúa đến
Sám hối là lời mời gọi chân thành của mùa Vọng. Đó là lý do Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người cần có để đón Chúa: “Hãy sám hối…, dọn sẵn con đường cho Đức Chúa.” Khi kêu gọi như thế, không ai nghĩ Gioan Tẩy Giả có ý nói đến việc trang trí nhà thờ hay nhà cửa cho huy hoàng, tráng lệ để đón Chúa, bởi Gioan ở trong sa mạc thì cần gì những hào nhoáng đó! Cũng chẳng ai cho rằng Gioan kêu gọi mọi người chuẩn bị cho thực phẩm vào đầy tủ lạnh để tha hồ tiệc tùng, nhảy múa đón mừng Chúa đến, vì Gioan chỉ lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn thì đâu có lưu tâm tiệc tùng! Chẳng ai khẳng định Gioan kêu gọi mọi người mua sắm áo xống thời trang xuống phố đón mừng Chúa, bởi Gioan chỉ mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da! Điều Gioan mời gọi chúng ta là chú tâm khát khao gặp gỡ Chúa Giê-su, chứ không phải những lo lắng bên ngoài.
Vì thế, trước hết, cần chúng ta tái lập mối tương quan với Chúa Giê-su. Trong một cuộc phỏng vấn, Đức hồng y Sarah đã thẳng thắn nhận xét con người ngày nay đang bị Sa-tan hấp dẫn đến mức từ chối bản tính con người được Thiên Chúa ban cho, họ lấy làm xấu hổ về bản tính của họ và chỉ muốn tự mình xây dựng con người của mình. Họ tự mãn không cần đến ơn cứu rỗi từ lòng thương xót của Thiên Chúa, mà tự hào tự cứu rỗi chính mình. Đức hồng y nói tiếp, còn người Phi Châu biết rằng họ nghèo và nhỏ bé trước Chúa, họ hãnh diện quỳ gối trước Thiên Chúa là Cha toàn năng và vui mừng được thuộc về Thiên Chúa. Nhận xét sâu sắc đó cho chúng ta kết luận, chỉ khi chúng ta liên đới với Thiên Chúa, chúng ta mới có lòng sám hối và cần đến lòng thương xót của Chúa. Không quay trở lại tiếp xúc với Chúa, con người không thể có lòng sám hối và không sống đúng với bản tính làm người, vì Thiên Chúa tạo dựng con người có lòng sám hối.
Thiên Chúa tạo dựng con người có lòng sám hối. Thánh Gioan Tẩy Giả khẳng định: “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở thành con cháu Abraham,” nhưng Thiên Chúa không cần những hòn đá! Thiên Chúa có đủ quyền năng để tạo dựng hàng triệu thế giới không có luân lý, không có lòng đạo hạnh, nhưng Ngài không làm điều đó! Hòn đá không thể sám hối. Thế giới trong đó con người không đạo hạnh, không lấy lời Chúa dạy làm chuẩn mực thì không phải là thế giới tốt đẹp, nó là thế giới hỗn loạn, bất hạnh và vô đạo! Thiên Chúa không tạo nên thế giới như thế! Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới này tốt đẹp, trong đó, con người có tự do chọn sám hối hoặc khước từ. Có tự do, con người mới có lòng sám hối chân thành, bởi sám hối là thái độ của trái tim trước tình yêu và sự thánh thiện của Chúa. Thế giới có lòng sám hối này xuất thân từ bàn tay thánh thiện của Thiên Chúa và được Ngài yêu thương. Nếu thế giới này trở nên hỗn loạn, bất hạnh hay vô đạo là do con người làm cho nó trở nên tồi tệ như thế. Do đó, con người cần sống lại bản tính thánh thiện được Thiên Chúa dựng nên. Thi sĩ Rimbaud từng thốt lên: “Tôi là một con người khác” (J’ est un autre). Có lẽ khi nói lời đó, Rimbaud không nghĩ nó sâu sắc đến thế, vì chỉ khi liên đới với Chúa và sám hối trở về sống trong Chúa, con người mới trở nên con người khác.
- Cần chứng tỏ lòng sám hối
Sám hối và trở về sống lại tình thân với Chúa là điều khó nghe đối với con người thời đại này, nhưng lại là điều kiện cần thiết cho những tâm hồn khao khát đón Chúa đến với họ, bởi sám hối là mời Chúa vào chỗ nhất trong cuộc đời, trong mọi chọn lựa của chúng ta và đặt mọi sự khác vào đúng vị trí của nó dưới Thiên Chúa. Sám hối là kết quả của sự nhìn nhận sự thật nơi bản thân và nay quyết quay về với Chúa. Người có lòng sám hối biết mình chỉ là đất sét, là chiếc bình sành, mong manh, yếu đuối và tội lỗi trước Thiên Chúa thánh thiện. Người có lòng sám hối thừa nhận sự tan vỡ mối tương quan với Thiên Chúa do tội lỗi chính mình gây nên, do sự biếng nhác của mình hay do sự say mê trần thế khiến chúng ta thờ ơ lạnh nhạt với Chúa. Nay, sám hối là khát mong sống lại mối tình thân với Chúa, sẵn sàng để Chúa làm chủ tâm hồn chúng ta. Lòng sám hối như thế đòi hỏi chúng ta một bước quyết định hoán cải đời sống.
Chúng ta có thực tâm mong Chúa đến với chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng thay đổi tâm lòng và đời sống của chúng ta để thành tâm đón Chúa đến không? Một tâm lòng thành như thế sẽ biểu lộ qua việc sẵn sàng giảm bớt thời giờ tán gẫu để dành cho thánh lễ, sẽ bớt thời giờ phê phán người này người khác để dành cho việc xin ơn tha thứ trong bí tích Giải Tội, sẽ chỉnh đốn lại lịch sinh hoạt gia đình hay cá nhân để gia đình đoàn tụ ngợi khen Chúa, giáo xứ sẽ có nhiều người phục vụ cho việc truyền giáo hơn.
Chúng ta nói mình tội lỗi, nhưng có thể chúng ta vẫn không biểu lộ lòng lòng sám hối. Chúng ta nói gia đình mình thuộc về Chúa, nhưng chúng ta hững hờ thờ phượng Chúa. Chúng ta nói được Chúa ban cho nhiều ơn, nhưng có thể chúng ta thiếu sót không thể hiện lòng tạ ơn đó. Vậy, thánh Gioan Tẩy Giả mời chúng ta hãy chứng tỏ lòng sám hối bằng những việc làm cụ thể để đón Chúa Giê-su đến.
Lạy Chúa Giê-su, xin mau đến với chúng con.