Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A


Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

(8-12-2019)

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Hạ

GIÁO HUẤN SỐ 2

Lời Thiên Chúa nói gì về người trẻ?

Chúng ta hãy tiếp cận một số bản văn trong kho tàng Thánh Kinh phong phú, vì Thánh Kinh thường nói về người trẻ và về cách mà Chúa đến gần để gặp gỡ họ. Trong Cựu Ước: Vào một thời đại mà người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn họ một cách khác hẳn. Chẳng hạn, Giuse là đứa con nhỏ trong gia đình (x.St 37,2-3), nhưng Thiên Chúa bày tỏ cho cậu ấy những điều lớn lao trong các giấc mơ, và khi chỉ mới 17 tuổi, cậu ấy đã trổi vượt hơn các anh mình trong những chuyện quan trọng (x.St 37-47). Trong Ghi-đê-ôn, chúng ta thấy sự thẳng thắn của người trẻ, họ không quen với thực tế được bọc đường. Khi được bảo rằng có Chúa ở với mình, Ghi-đê-ôn đáp: “Nhưng nếu Chúa ở với chúng tôi, thì tại sao tất cả những điều này lại xảy ra với chúng tôi? (Tl 6,13). Thiên Chúa không chấp lời trách cứ ấy, Ngài tiếp tục truyền: “Với sức lực ngươi có đó, hãy đi mà cứu Israel” (Tl 6,14). (Tông huấn Đức Kitô hàng sống số 5,6 &7).

—————————–

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

(Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12)

Chúa nhật 1 Mùa Vọng tuần trước, chúng ta đọc câu chuyện ông già Anrê, người Thanh Chiêm, Phước Kiều. Hôm nay Chúa nhật 2 MV, chúng ta đọc câu chuyện bà Ngọc Liên cũng người Thanh Chiêm, Phước Kiều.

Cha Đỗ Quang Chính viết về bà như sau:

Ngọc Liên là công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, quan trấn Quảng Nam. Bà là trưởng nữ kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên có ba em gái : Ngọc Vạn kết hôn với vua Chey Chettâ II (Cam Bốt); Ngọc Hoa (Khoa ?) là vợ của Nhật kiều Sataro, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng; Ngọc Đỉnh thành hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều.

Ngọc Liên được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức Vương thái phi, có lẽ được rửa tội năm 1636 do cha Buzomi, mang thánh hiệu Maria Mađalêna. Chồng bà làm trấn thủ Trấn Biên dinh (Phú Yên) từ năm 1629-1643, tuy không theo đạo, nhưng lại “ước mong mọi người dưới quyền cai trị của ông theo ‘Đạo Hoa lang’”.

Ngọc Liên rất nhiệt tình với Đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em bổn đạo có thể tới cầu nguyện. Năm 1641, cha Rhodes (Đắc Lộ) ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh Tẩy cho 90 người trong số này có cậu Anrê Phú Yên.

Từ năm 1643, Ngọc Liên theo chồng về cư ngụ tại Thành Chiêm, bà vẫn một lòng đạo, hăng say giới thiệu Tin Mừng, kể cả sau khi Tướng Vinh qua đời năm 1645.

Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong. Đầu năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô là Antonio de Puerto và Antonio de Santa Maria Caballero (tất cả là người Tây Ban Nha) đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Mitelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thành Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm.

Đến năm 1663 chính quyền ra lệnh khám xét nhà Ngọc Liên, tịch thâu nhiều của cải, vì bà theo Đạo Hoa Lang, lại còn thiêu hủy nhà nguyện của bà. Hai năm sau Hiền Vương ra lệnh cấm đạo ngặt hơn : ngày 29-1-1665 bà bị giam trong một nhà ngục không mái che, để cho chết đói, chết khát. Sau năm ngày, bà không chịu nổi, nên đã chối đạo.

Tuy nhiên đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil MEP, bà đã xưng tội, nhưng bị cha phạt vạ không được rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý (Lm Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 73-74).

Câu chuyện bà Ngọc Liên chối đạo, song đã hối hận xưng tội, rồi tiếp tục làm việc tông đồ “vẫn dạy giáo lý” là hình ảnh cụ thể, sống động của Lời Chúa Chúa nhật hôm nay.

Bài đọc 1: Bđ1 đọc trong sách ngôn sứ I-sai-a. Ngôn sứ cho chúng ta biết về Đấng Cứu Thế mà chúng ta mong chờ trong Mùa Vọng:

       – Trước hết là thân thế của Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Đa-vít:

Từ gốc Gie-sê đâm ra một nhánh nhỏ

từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11,1).

  • Thứ hai là quyền năng của Đấng Cứu Thế :

Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này

Thần khí khôn ngoan và minh mẫn

Thần khí mưu lược và dũng mãnh

Thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,2).

  • Thứ ba là công việc xét xử của Đấng Cứu Thế :

Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bề ngoài

cũng không phán quyết theo lời kẻ khác

nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng

và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở

  • Thứ tư là xã hội đất nước hòa bình của Đấng Cứu Thế :

Sói sẽ ở với chiên non, beo nằm bên dê nhỏ

bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau

một cậu bé sẽ chăn dắt chúng

bò cái kết thân cùng gấu cái

sư tử cũng ăn rơm như bò

bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục

trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang

sẽ không cón ai tác hại và tàn phá

trên khắp núi thánh của Ta

vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này

các dân tộc sẽ tìm kiếm Người

và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang (Is 11,6-10).

Bài Tin Mừng: Muốn được vào sống trong xã hội, Nước Đấng Cứu Thế, phải sống theo lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).

Bài đọc 2: Còn phải sống theo lời kêu gọi của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rôma trong bài đọc 2 : “Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7).

Ước gì Mùa Vọng năm nay chúng ta noi gương bà Ngọc Liên, người Thanh Chiêm, Phước Kiều, sám hối trở về với Chúa, và sống yêu thương nhau theo Lời Chúa.

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành