Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B


CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B

Ngày 10/12/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Gíáo xứ Phú Hạ

GIÁO HUẤN SỐ 2 

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai hiền lành

vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp

Thánh Phaolô nói về sự hiền lành như một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần (x.Gl 5,23). Ngài cho rằng nếu một hành động sai của người anh chị em nào đó làm phiền ta, chúng ta nên cố gắng sửa lỗi họ, nhưng với một tinh thần hiền lành, bởi vì ‘cả bạn nữa cũng có thể bị cám dỗ’ (Gl 6,1). Ngay cả khi chúng ta bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, chúng ta cũng phải làm thế ‘một cách hiền hòa’ (1Pr 3,16). Cũng phải cư xử kẻ thù mình một cách hiền hòa (2Tm 2,25). Trong Giáo hội, chúng ta thường sai lỗi , do không đáp lại yêu cầu này của Lời Chúa (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 73).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Is 40,1-5. 9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8)

Bài Ðọc I: Is 40, 1-5. 9-11

“Hãy dọn đường Chúa”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giê-ru-sa-lem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.

Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Si-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giu-đa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

Bài Ðọc II: 2 Pr 3, 8-14

“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới”.

Trích thơ thứ hai của Thánh Phê-rô Tông đồ.

Anh em thân mến, có một điều anh em không thể không biết là một ngày đối với Chúa như ngàn năm, và ngàn năm như một ngày. Không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa của Người, như có vài người lầm tưởng, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối. Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Trong ngày đó, các tầng trời qua đi trong những tiếng rung chuyển mạnh, ngũ hành đều cháy tiêu tan, trái đất cùng mọi công trình kiến tạo đều bị thiêu huỷ.

Vì mọi vật ấy tiêu tan đi, nên anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao, khi anh em mong chờ và thôi thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 1-8

“Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri I-sai-a chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Gio-đan.

Lúc đó Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

Ðó là lời Chúa

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thánh Âu-tinh sám hối

Nhìn về quãng đời đã qua, Âu-tinh không đạt được sư gì ngoại trừ một sa mạc đầy tội lỗi : cao ngạo, ham mê tình dục và đam mê thú vui thế trần… Một sự hỗn loạn trong ước muốn con người đã khiến ngài kiếm tìm hoan lạc, vẻ đẹp nơi thụ tạo, hơn là tìm kiếm nơi Đấng Tạo Hóa. Âu-tinh đã từng tự thú sự dan díu với một cô gái sinh ra đứa con ngoại hôn vào năm 373, mà chỉ thoát ra được sau 15 năm, khi tới Milan…

Năm 383 Âu tinh dối mẹ đi Rôma. Mẹ ngài, Mônica, biết được ý của con mình, nên bằng mọi cách cũng sang được Rôma.

Trong lúc sinh sống tại Milan (Ý) Âu-tinh đã chịu ảnh hưởng bởi những lời dạỵ của  thánh Gíam mục Ambrôsiô. Âu-tinh  lấy lại đức tin.

 Qua nhiều năm Monica đã khóc hết nước mắt vì tội lỗi của con và hằng ngày cầu xin cho con mình được ơn cứu rỗi

Cuối cùng, không còn chịu nổi sự khắc khoải, Âu-tinh nghe thấy một tiếng nói : ‘Hãy cầm và đọc lấy’. Âu-tinh lấy ngay cuốn Kinh Thánh mở ra và tìm thấy một đoạn sách : ‘Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng chiếu theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng’.  Năm 387 Âu-tinh  trở về với Chúa và được rửa tội.

Lời thánh nhân : “Thật quá trễ để con yêu mến Ngài., ôi Đấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết ! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài ! Và đây, Ngài ở bên trong, con ở bên ngoài, và con đi tìm Ngài. Nhiều thứ đã giữ con xa Ngài – những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài thì chẳng là gì cả. Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng vào sự mù quáng  của con. Ngài thở hương hơm và con bị lôi cuốn – và con khao khát Ngài. Con đã nếm thử, và con khao khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng cháy vì sự bình an của Ngài” (Phạm Xuân Uyển, Vườn Thánh Thiện, tập 2, trang 68-73).

Sám hối, chuyện cuộc đời thánh Âu-tinh, cũng là đề tài của các bài đọc trong thánh lễ Chúa nhật 2 Mùa Vọng hôm nay.

Bài đọc 1(Is 40,1-5.9-11) : Cha Kevin O’Sullivan viết về bđ1 : “Những lời đầy an ủi của người tôi tớ ngôn sứ I-sai-a nói với những người Do thái bị lưu đày bên Ba-by-lon. Thời lưu đày gần chấm dứt. Ky-rô, vị vua giải phóng, đang đến gần. Nhờ quyền năng Thiên Chúa , dân chúng được đem trở về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. Đây là cuộc xuất hành thứ hai. Gia-vê lần nữa, đối với dân, là một người cha dấu yêu và là người mục tử trung tín. Theo các tác giả Tân Ước (Mt 3,3; Mc 1,2; Lc 3,2-6; Jn 1,.23), Giáo Hội được coi hơn là cuộc giải thoát khỏi  lưu đày bên Ba-by-lon, một cuộc giải thoát chân thực và cuối cùng của Con Thiên Chúa, Đấng Thiên sai. Chính vì ý nghĩa đầy đủ của lời ngôn sứ mà bài đọc được chọn cho Mùa Vọng”.

Bài Tin Mừng(Mc 1,1-8) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM như sau : “Theo truyền thuyết  thì nơi ông Gio-an  khởi sự rao giảng và làm phép rửa  ở khúc sông Gio-đan gần thành Giê-ri-khô. Sách Tin Mừng Gio-an nói là ‘Bê-ta-ni-a bên kia sông Gio-đan’ (Ga 1,28). Khoảng cách từ đây lên Giê-ru-sa-lem là hai ngày đường, phù hợp với câu chuyện Chúa đi từ đây lên một làng cùng tên là Bê-ta-ni-a ở gần Giê-ru-sa-lem để gọi La-da-rô ra khỏi mồ (Ga 11,1-44). Khúc sông này mang nặng ý nghĩa, vì cũng là khúc sông Thiên Chúa rẽ nước cho dân Cựu Ước qua sông để vào Đất Hứa (x,Gs 2-3) và ông Ê-li-a rẽ nước đi qua bên kia để được cất lên trời (x. 2V2,1-18). Vị trí này hiểu tại sao dân từ khắp miền Giu-đê và từ Hiê-ru-sa-lem dễ dàng nghe biết. Nhưng chuyện ‘họ kéo đến ông Gio-an, họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan’ lại không phải là chuyện đương nhiên. Họ đón nhận lời rao giảng của ông và đáp lại :  đó là ơn của Thiên Chúa…

Người ta kéo đến với ông thú tội và chịu phép rửa, Nhưng ông Gio-an trung thành với sứ mạng của mình là sứ giả đi trước để dọn đường : ‘Ông rao giảng rằng : Có Đấng quyền hế hơn tôi đang đến sau tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người… Tôi, thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần’ (Tĩnh Tâm với sách Tin Mừng Mác-cô, trang 25-27).

Bài đọc 2 (2Pr 3,8-14) : Cha Kevin viết : “Thư này do thánh Phêrô hay đồ đệ của ngài viết không quan trọng. Giáo hội nhận thư này được linh hứng hay vào số sách linh hứng cũng không quan trọng. Hai mục đích là : một là chống lại những thầy giả hiệu (chương 2), hai là ngăn cản các ki-tô hữu thời đó lo lắng Chúa Kitô, Đấng phán xét, chậm đến (c,3). Người chậm đến không có nghĩa là Người không làm tròn lời hứa” (The Sunday Readings B, trang 11).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất

xin đừng để chúng con mải mê thế sự,

mà chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa,

nhưng xin dạy chúng con:

biết ham thich những sự trên trời

hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển rị cùng Chúa

hiệp nhất với Chúa Thánh Thần

đến muôn thuở muôn đời.

SUY NIỆM II

DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang 

Khởi đầu Tin Mừng Mác-cô là chuyện Gioan Tẩy Giả loan báo và dọn đường cho Đức Giêsu đến, khác với Mát-thêu khởi đầu bằng Gia phả Chúa Giêsu còn Lu-ca khởi đầu bằng chuyện Thiên thần truyền tin cho Dacaria. Tại sao? Vì Tin Mừng Mác-cô được viết cho người Rôma. Theo quan niệm và thông tục của người Rôma, các nhân vật quan trọng đi đến đâu đều phải có người dùng loa thông báo cho dân chúng biết trước mấy ngày, vừa để làm nổi bật sự quan trọng của nhân vật đó, vừa để dân chúng sửa sang những con đường trong vùng cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch sẽ, vừa để dân chúng đón tiếp hai bên đường cho long trọng nếu vấn đề an ninh cho phép. Vì thế, để giới thiệu Đức Giêsu cho các Kitô hữu Rôma mà khởi đầu Tin Mừng Mác-cô dùng câu chuyện của Gioan Tẩy Giả kêu gọi hãy dọn đường cho Chúa đến thì sẽ hiệu quả và lôi cuốn sự chú ý hơn. Ngoài ra, để nói lên tính cách đặc biệt thần thiêng của việc dọn đường ấy, thánh sử còn trích dẫn lời của 2 ngôn sứ Isaia và Malakia đã loan báo trước đó khoảng 450-550 năm: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1), “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (x. Is 40,3). Vì thế, Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng này hãy dọn đường đón mừng Ngài. Nhưng chúng ta dọn con đường nào? Dọn như thế nào? Dọn cái gì?

Dọn con đường nào? Con đường của Chúa

Tiên tri Isaia viết: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”. Nếu đọc câu này một mình thì chúng ta hiểu là dọn đường đi, đường rậm rạp giờ phát hoang thành con đường mòn để dễ đi? Nhưng nếu Ta đọc tiếp: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”, câu này trả lời là con đường của Đức Chúa. Con đường của Đức Chúa là con đường nào? Thưa Thánh Vịnh 25 trả lời rằng:

Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,

lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa
” (Tv 25, 1-10).

Như vậy, con đường của Chúa là: chân lý, yêu thương, tha thứ, chính trực, công chính, thành tín và nhất là con đường giữ giao ước và lề luật Chúa. Con đường của Đức Chúa vốn thẳng băng, trong sáng và thánh thiện đã phú bẩm cho chúng ta khi Ngài dựng nên ta và cứu chuộc ta nhưng chúng ta đã làm gồ ghề, rậm rạp, sỏi đá, ổ voi, ổ gà… do sự yếu đuối của con người, do tội lỗi, do bất trung, thất tín với giao ước của Chúa… Vì vậy, hôm nay chúng ta được Chúa mời gọi hãy dọn lại, sửa lại con đường của Chúa để Ngài đến và đi ngang qua lại đời ta

Trước hết chúng ta phải mở một con đường = muốn và quyết gặp gỡ Chúa

Chúa đến để gặp gỡ và đem lại cho chúng ta sự cứu độ, không chỉ ở đời sau mà còn ở ngay đời này: một sự bình an và hạnh phúc siêu nhiên, tuyệt vời, không phải thứ bình an hạnh phúc kiểu thế gian vốn bị lệ thuộc vào những điều kiện trần tục (x. Ga 14,27). Nhưng để việc gặp gỡ đó thành hiện thực, chính chúng ta cũng phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ Ngài qua việc siêng năng đọc kinh sáng tối và cử hành các Bích Tích. Thứ đến, dọn con đường thẳng ngay, bằng phẳng = tâm hồn chính trực. Với những ai muốn đón Chúa đến, Gioan Tẩy Giả yêu cầu: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Khi đón một nhân vật quan trọng đến một vùng nào, người vùng đó phải dọn dẹp đường cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Cũng vậy, để đón Chúa đến, ta cũng phải sửa lại những con đường trong tâm hồn ta cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả tạo…: “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Vì chưng, “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28); “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); “Ngài ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20).

Nguyên nhân biến con người thành quanh co, giả hình, mưu mô… chính là tâm địa ích kỷ, lắm tham vọng, muốn phình to bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố gắng đạt được những điều mình ham muốn – danh vọng, quyền lực, tiền bạc – với bất cứ phương tiện nào, kể cả phương tiện xấu, và bằng bất cứ giá nào, kể cả tội ác. Từ đó con người bị tham vọng và đam mê của mình thu hút, mê hoặc, dẫn đưa mình vào con đường cong queo của tội ác. Do đó, “sửa lối cho thẳng để Người đi” một cách căn bản là dần dần diệt bỏ khuynh hướng ích kỷ, thích đặt nặng “cái tôi” của mình. Khuynh hướng này gây nên tất cả mọi lồi lõm, mọi cản trở khiến Chúa khó đến với ta, và ta khó đến với Chúa. Hãy noi gương Gioan Tẩy giả, sống thanh đạm: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”; không tham vọng, không ham đề cao “cái tôi” của mình, sẵn sàng nhìn nhận sự thật hèn kém của mình: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Và cuối cùng, dọn đường Chúa cho ngay thẳng là đến với tha nhân vì chưng, đón Chúa đến, không gì làm Chúa hài lòng bằng sửa sang lại mọi quan hệ của ta với tha nhân cho tốt đẹp hơn, tình nghĩa hơn: làm sao để cha mẹ ta cảm thấy ta thật sự là con hiếu thảo, con cái ta thấy ta thật sự là cha mẹ thánh thiện, anh chị ta thấy ta là người em hiền ngoan, các em ta thấy ta là người anh chị khiêm nhường phục vu hy sinh, bạn bè ta thấy ta là người bạn thánh thiện, những nhà chung quanh ta thấy ta là hàng xóm tốt đạo đẹp đời…

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta can đảm dọn đường tâm hồn trong sạch thánh thiện để Chúa đến từng giây phút trong đời ta đặc biệt trong Mùa Giáng Sinh sắp đến. Amen.

 

SUY NIỆM III

TIN MỪNG TRONG SA MẠC

(Hội An 10/12/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Thánh sử Mát-cô bắt đầu Tin Mừng Chúa Giê-su với nhân vật Gioan Tẩy Giả trong khung cảnh sa mạc đang loan báo Chúa đến. Sa mạc có liên quan gì đến việc Chúa đến? và trong sa mạc, có Tin Mừng gì được loan báo?

  1. Sa mạc trong ý định của Thiên Chúa

            Lần giở Thánh kinh, chúng ta được biết chính Thiên Chúa chọn sa mạc cho ý định của Ngài, chứ không phải sáng kiến của Gioan Tẩy Giả hay của ngôn sứ Isaia. Thiên Chúa chọn sa mạc để tách dân Chúa ra khỏi những quyến luyến bất chính, để chuẩn bị cho dân Chúa gặp Chúa và để mạc khải cho dân Chúa biết Chúa.

            Sau khi giải thoát dân Israel ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa đưa dân vào sa mạc để tách họ ra khỏi những quyến luyến của những ngày qua tại Ai-cập, nơi ngập tràn lối sống ngẫu tượng, nơi họ quên mất Thiên Chúa của cha ông họ. Sự quyến luyến Ai-cập ăn sâu vào con người dân Israel, như thể Ai-cập là quê hương của họ, là ký ức đầu tiên trong họ, là máu thịt của họ. Lối sống và tinh thần thế tục của Ai-cập chiếm lấy tâm hồn dân Chúa. Vì thế, chỉ sau 43 ngày rời khỏi Ai-cập đi vào sa mạc, họ sợ đối mặt với cô quạnh và thử thách, bèn nhớ đến nơi cũ và con đường cũ ở Ai-cập, đòi Mô-sê phải đưa họ trở về Ai-cập dù sống lại đời nô lệ. Lòng quyến luyến Ai-cập nặng nề bao nhiêu, họ càng phải hiểu lý do Thiên Chúa đưa họ vào sa mạc để tách tinh thần và lối sống trần tục Ai-cập ra khỏi họ, trước khi dẫn vào Đất Hứa.

            Sa mạc cần thiết cho dân Chúa chuẩn bị đi vào miền đất Chúa hứa. Trong sa mạc, dân Chúa được ban các giới răn để xứng đáng đi trước mặt Chúa. Đó cũng là thời gian chuẩn bị cho dân Chúa sống với Chúa.

            Trong sa mạc, Thiên Chúa cho dân Ngài cảm nghiệm sự đói khát, để nhận biết chỉ Thiên Chúa là Đấng quan phòng cho cha ông họ và cho họ hôm nay. Trong sa mạc, họ sẽ trải qua sự cô độc, sẽ phải đối mặt với biết bao nguy hiểm, từ đó họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng họ nương tựa chứ không phải thần nào khác. Cột mây lửa hiện diện trên họ, Nhà Tạm hiện diện giữa họ, cho họ kinh nghiệm đức tin: Thiên Chúa chẳng bỏ rơi họ bao giờ.

            Vì vậy, khi thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong sa mạc và những ai đến với ngài trong khung cảnh sa mạc đó mới hiểu mục đích đi vào sa mạc: để thanh luyện, để chuẩn bị đón Đấng sẽ đến và nhận biết Ngài là Thiên Chúa cứu độ.

Gioan Tẩy Giả đưa tín hữu hôm nay đi vào sa mạc mùa Vọng với mục đích đó.

  1. Tin Mừng trong sa mạc

            Sa mạc được nói đến trong mùa Vọng không phải vùng địa lý xung quanh chúng ta, mà là vùng nội tâm bên trong mỗi chúng ta. Đó là vùng sa mạc tâm hồn, nơi không có gì giấu ẩn trước mặt Chúa, nơi phơi bày sự thật con người chúng ta, không có chỗ cho giả vờ, nên chúng ta thấy bên trong mình: –  tình trạng day dứt trong lòng và đau khổ trong gia đình vì tình cảnh thiếu thốn của ăn, thiếu thốn tài chánh, khiến chúng ta bị cám dỗ trở về Ai-cập, nghĩa là muốn buông xuôi không tha thiết bước tới theo Chúa nữa; – tình trạng bơ vơ, chán chường, mặc cho tội lỗi xâm lấn trong lòng, mặc cho gia đình bệ rạc, lạnh lẽo; – tình trạng tinh thần thế tục và thực dụng đang quấn lấy tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta không còn muốn sống thánh. Quả thật, trong sa mạc tâm hồn, Chúa thấy rõ tâm hồn chúng ta và chúng ta nhận rõ con người thật của mình, đôi lúc “lạy Chúa, lạy Chúa” mà tâm hồn xa Chúa.

            Hôm nay, trong sa mạc tâm hồn, có tin mừng được loan báo: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mc 1,3). Sa mạc trống trải, thì tiếng hô dễ vang xa. Lúc này chúng ta cần để bao mối bận tâm lắng xuống, để nghe rõ tiếng Chúa nói trong sự yên tĩnh của tâm hồn: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.” Khi ồn ào xao động lắng xuống là lúc ta dễ gặp riêng Chúa là Đấng đang chờ được đến trong lòng và gia đình của mỗi chúng ta.

            “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” là tiếng vọng của lời Thiên Chúa từ lâu chờ đợi con người, hơn là lời hô của Gioan Tẩy Giả hay của ngôn sứ Isaia. Chúa chờ đợi ta hằng ngày như khi đi tìm A-đam và Evà đang lẩn trốn khuất mặt Thiên Chúa: “Ngươi đang ở đâu?” Vậy, làm thế nào để dọn đường Chúa đến?

            Ai cũng hiểu “dọn đường Chúa,” “sửa đường Chúa” là chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa ngự vào. Mỗi khi đón khách quý, chúng ta cuống quýt lau chùi, vội vã  xếp dọn đồ đạc cho đẹp lòng khách, vừa để quý trọng khách. Nhưng đối với Chúa, Chúa muốn hơn nữa, đó là đơn giản cứ đón Chúa vào nhà, bấy giờ Chúa sẽ giúp chúng ta dọn tâm hồn chúng ta bằng lời Chúa, như Chúa từng vào nhà chị em Mát-ta trước, rồi nói lời của Ngài. Mẹ Têrêxa Calcutta chia sẻ, khi làm việc ở Úc, có một thổ dân bao năm sống trong căn nhà bẩn thỉu, tối tăm. Mẹ đề nghị để Mẹ vào giúp ông dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Ông trả lời: “Tôi sống vậy quen rồi. Nhưng sạch để làm gì?” – “Sẽ có các soeur thường xuyên đến thăm ông.” Thế là ông để Mẹ Têrêxa vào nhà dọn dẹp. Căn nhà của ông sạch sẽ, bầu khí vui tươi, tình thương triển nở. Cũng vậy, cứ mở lòng đón Chúa vào lòng chúng ta lúc này, lời Chúa sẽ giúp ta biết thế nào là tâm hồn trong sạch, thế nào là gia đình có Chúa. Cứ để Chúa dọn dẹp tâm hồn ta qua bí tích Hòa Giải, ta sẽ thấy hạnh phúc được dự bàn tiệc Thánh Chúa dọn sẵn.

            Xin Chúa cho chúng đáp lại lời gọi mùa Vọng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, để chúng con mở lòng đón Chúa ngay lúc này, không chút chần chừ và xin Chúa biến đổi tâm lòng và gia đình chúng con xứng đáng làm nơi Chúa ngự vào.