Chúa nhật II Mùa Vọng năm B
CN.2.MV.B
(Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3.8-14; Mc 1,1-8)
Năm 1615, cha Buzomi, cha Cavalho và một thày Nhật Bản đặt chân lên đất Đà Nẵng-Hội An. Chỉ hai năm sau, năm 1617, các thừa sai gặp chống đối. Bị hạn hán mất mùa, dân Quảng Nam cho rằng tại các giáo sĩ giảng đạo mới, Thần Phật giận dữ. Dù trong lòng không tin, nhưng quan trấn Quảng Nam Nguyễn Phước Nguyên cũng khuyên các cha lên tàu tạm lánh về Ma-cao. Tàu ra tới biển bị sóng gió dạt vào bờ. Cha Pina và thày Nhật Bản được người Nhật đem về nhà họ; còn cha Buzomi trốn vào rừng, bị lên cái mụn nhọt lớn trước ngực. Quan tri phủ Hoài Nhơn trên đường từ Huế về, đem cha về Qui Nhơn.
Năm 1618, cha Bề trên dòng ở Ma-cao nghe tin, sai hai cha Pedro Marquez và cha Christoforo Borri đến Đà Nẵng trợ giúp. Tàu cập bến, nhân viên hải quan khám xét. Cha Marquez mặc áo dòng, xưng mình là tuyên úy của tàu. Còn cha Borri đóng vai bồi bếp, ăn mặc xuyềnh xoàng. Bỗng nhân viên trên tàu đánh nhau, cha Borri phải đứng ra can thiệp. Thấy những người đánh nhau vâng nghe, nhân viên hải quan không tin cha Borri là bồi tàu. Cha phải mặc lại áo dòng và xưng mình là tuyên úy của tàu (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Việt 1615-1773, trang 52).
BTM : Cha Borri ăn mặc xuyềnh xoàng như bồi bếp, để nhân viên hải quan không nhận ra cha là linh mục, hầu cha có thể được ở lại rao giảng Tin Mừng.
Thánh Gioan Tẩy giả trong BTM “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” giống như ngôn sứ Ê-li-a (2V 1,8), để dân Do Thái nhận ra mình là ngôn sứ đi trước dọn đường cho Chúa đến : “ Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,1).
Bđ1 : trong bđ1, ngôn sứ I-sai-a đã diễn tả niềm vui ngày được giải phóng khỏi Babylon như sau : “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40,5).
Người Do Thái chỉ thoát cảnh nô lệ Babylon. Biến cố Chúa sinh ra còn vui hơn nhiều, vì Chúa Giêsu giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi, khỏi làm nô lệ ma quỉ. Thánh Gioan rao giảng : “Chịu phép rửa tỏ lòng hối cải, để được ơn tha tội” (Mc 1,4).
Bđ2 : Niềm vui giáng sinh cao cả. Nên thánh Phêrô trong bđ2 kêu gọi các tín hữu Rôma của người : “Anh em thân mến, trong khi anh em mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2Pr 3,14).
Năm ngoái HĐGMVN kêu gọi “Phúc âm hóa gia đình”. Năm nay các ngài kêu gọi “Phúc Âm hóa Giáo xứ và Cộng đoàn”. Cụ thể thánh Phêrô kêu gọi : “anh em phải cố gắng cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2Pr 3,14).
Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thương giúp “ giao xứ và cộng đoàn” chúng con, hăng hái dọn tâm hồn mừng Chúa giáng sinh (7-12-2014).
.
—————————————-
CN.2.MV.B
Mỗi dịp lễ Giáng Sinh về, ai cũng nhớ đến một ông già đầu râu tóc bạc rất dẽ thương, nhất là đối với trẻ em, người nghèo và người xấu số. Đó là Ông Già No-en.
Ông Già No-en chính là Đức giám mục Ni-cô-la mà Giáo Hội mừng kính hôm qua ngày 6-12. Thánh Ni-cô-la làm giám mục thành My-ra, một thành phố của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Cha mẹ ngài giầu có, tên là Êu-phê-mi-ô và An-na. Hai ông bà không có con, nên tìm sự an ủi trong công việc từ thiện bác ái. Thấy hai ông bà có lòng thương yêu người nghèo như vậy, Thiên Chúa thưởng ban cho hai ông bà một mụn con. Hai ông bà đặt tên là Ni-cô-la, nghĩa là “sự chiến thắng của dân”.
Vì quá yêu mến ngài, nên người ta kể những mẩu chuyện thần tiên kỳ lạ tô điểm cho ngài. Khi mới sinh bà mụ tắm cho ngài, ngài có thể đứng thẳng trong chậu nước, hai tay chắp lại, mắt ngước cao lên trời. Người ta còn kể rằng : ngay từ nhỏ chưa biết gì, thánh Ni-cô-la đã ăn chay hai ngày một tuần : thứ tư và thứ sáu. Cả ngày ngài không ăn không uống. Thấy vậy, chị vú rất sợ ngài chết, song ngài vẫn mạnh khỏe.
Cha mẹ ngài chết sớm, để lại cho ngài một gia tài kếch sù. Ngài coi tài sản này là của cải Chúa cho vay. Ngài phân phát cho những người bất hạnh. Có một gia đình có ba cô con gái. Không có tiền để cưới hỏi cho ba cô, người cha trù tính làm nghề bất lương. Nhưng một đêm kia, ông thấy ba túi vàng do ai ném từ cửa sổ vào nhà. Đó là ba túi vàng thánh Ni-cô-la ném vào cho.
Sau khi phân phát của cải xong, thánh Ni-cô-la đi tu. Rồi ngài được chọn làm bề trên tu viện Si-on. Khi ngài du hành qua Thánh Địa, cơn bão nổi lên. Các hành khách trên tầu sợ hãi. Thánh Ni-cô-la cầu nguyện. Chúa dẹp yên sóng gió, con tầu được bình yên. Thánh Ni-cô-la được chọn làm thánh bổn mạng cho các thủy thủ. Ngài còn làm nhiều phép lạ.
Thánh Ni-cô-la tới thăm thành phố Alexandria (A-léc-xăng-dri-a) của Ai Cập. Ngài thăm viếng thánh Antôn đang tu trong sa mạc. Sau đó ngài trở lại My-ra. Các thầy trong tu viện Si-on vui mừng đón tiếp ngài.
Lúc ấy Đức giám mục thành phố My-ra qua đời. Các Đức giám mục trong miền họp lại và bầu chọn thánh Ni-cô-la kế vị. Dù ngài hết sức từ khước, nhưng cũng không được.
Khi làm giám mục, những cuộc bắt đạo nổi lên. Thánh Ni-cô-la bị bắt và bị lưu đày. Năm 323, vua Cons-tan-ti-nô tha đạo và theo đạo. Thánh Ni-cô-la được tha về. Vua có lần mơ thánh Ni-cô-la đến gặp, xin vua giải oan cho những tù nhân vô tội.
Tuổi về chiều, thánh nhân xin về hưu tại tu viện Si-on và qua đời tại đó. Thánh Ni-cô-la trở thành Ông Già No-en, vì ngài yêu thương giúp đỡ các trẻ em và những người nghèo nàn, xấu số.
BTM thánh lễ hôm nay thánh Mác-cô viết : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa” (1,1). Đức Giêsu là “tin mừng “ cho nhân loại. Thánh Ni-cô-la làm cho mấy người nghèo vui mừng bằng cách giúp đỡ vật chất và tinh thần. Còn Chúa Giêsu làm cho cả nhân loại vui mừng bằng nhiều ơn lành, nhất là ơn tha tội, ơn xóa tội cho nhân loại.
Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho đồng bào của ông : “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước; còn Người, Người làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (Mc 1,8). Phép rửa bằng nước của thánh Gioan có tính cách sám hối ăn năn; còn phép rửa bằng Thánh Thần của Chúa Giêsu thì tha tội. Tội là nguyên nhân trên các nguyên nhân làm cho người ta bất hạnh, mất niềm vui. Xóa được tội là xóa được cội rễ sinh ra buồn khổ.
Thiên Chúa tạo dựng ông A-đam và bà E-và, và các tạo vật sống vui vẻ với nhau. Khi hai ông bà phạm tội, niềm vui biến mất và khổ đau xuất hiện. Nay Chúa Giêsu xuống thế là để tha tội, để khổ đau biến mất, để niềm vui trở lại. Thánh Mác-cô đã ví công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu là một sáng tạo mới, một tạo dựng thứ hai. Nên thánh Mác-cô viết thêm hai từ “khởi đầu” là hai từ nói đến cuộc tạo dựng thứ nhất.
Tội là nguyên nhân của đau khổ. Chúa xóa bỏ tội lỗi là đem lại niềm vui. Vì thế, thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta “dọn đường cho Chúa đến” (Mc 1,3). Dọn đường là dọn cõi lòng, dọn tâm hồn. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đẹp đẽ để mừng Chúa giáng sinh chưa bằng dọn tâm hồn, dọn cõi lòng. Trang trí hang đá đèn sao bên ngòai không quan trọng bằng trang trí cho tâm hồn mình bằng những việc bác ái lành thánh, bằng những việc chừa cải tội lỗi.
Đón mừng Chúa giáng sinh chính là bỏ đàng tội lỗi, sống nhân đức thánh thiện như Ông Gìà No-en (7-12-2008)
———————————
.CN.2.MV.B
BTM : Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng hôm nay là những dòng chữ đầu tiên của sách Tin Mừng thánh Máccô. Sách TM của thánh Mc không có lời nhập đề như sách TM của thánh Gioan, cũng không tường thuật cuộc giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu như sách TM của thánh Mt và Lc. Sách TM thánh Mc vào đề ngay thời rao giảng của Chúa Giêsu, với những dòng chữ đầu tiên như sau : “Khởi đầu TM Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.” (1,1). Dù mở đầu một cách đột ngột, nhưng rất là trang trọng và sâu sắc.
Nhiệm vụ của Chúa Giêsu :
Trước hết, thánh Mc giới thiệu nhiệm vụ của Chúa Giêsu xuống thế, đó là đem lại Tin Mừng cho nhân loại. Tin Mừng ở đây có thể hiểu hai nghĩa :
Nghĩa thứ nhất là “Tin Mừng của Thiên Chúa”, tức là chính Thiên Chúa là Tin Mừng và Chúa Giêsu xuống thế đem Thiên Chúa đến cho nhân loại tội lỗi đau khổ.
Nghĩa thứ hai là “Tin Mừng của Chúa Giêsu”, tức là chính Chúa Giêsu là Tin Mừng, chính Chúa Giêsu xuống thế là niềm vui cho nhân loại.
Tước hiệu của Chúa Giêsu :
Chúa Giêsu là ai mà có nhiệm vụ cao trọng như thế ? Thánh Mc giới thiệu ba tước hiệu của Chúa : một là Giêsu, hai là Kitô, và ba là Con Thiên Chúa.
– Tước hiệu thứ nhất Giêsu : Giêsu nghĩa là cứu thế, như lời thiên thần nói với thánh Giuse : “Này ông Giuse…đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 2,20-21).
– Tước hiệu thứ hai Kitô : Kitô nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Khi Chúa Giêsu về quê nhà Nadarét, ngày sabát, Ngài vào hội đường và giảng : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, người được Thiên Chúa xức dầu là các vua dẫn dắt con dân. Mỗi người chúng ta được xức dầu khi rửa tội, nên chúng ta được gọi là “Kitô hữu”, người thuộc về Chúa Kitô, người của Chúa Kitô. Người Do Thái luôn nghĩ Đấng Kitô, Đấng được xức dầu, Đấng Thiên Chúa sai đến là một nhà chính trị, nhà cầm quân hùng mạnh như vua Đavít, để đuổi quân Rôma xâm lược, tái lập lại nền độc lập cho đất nước. Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài không chút nghĩ gì về chính trị, Ngài chỉ loan báo TM cho người nghèo.
– Tước hiệu thứ ba Con Thiên Chúa. Vào thời Chúa Giêsu, tước hiệu này cũng là tước hiệu của Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai. Dần dần Chúa Giêsu biểu lộ sự liên kết đặc biệt và độc nhất của Ngài với Thiên Chúa. Nên các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã xuống thế ở với lòai người.
Khi ở Xêdarê-Philípphê, một thành phố ở miền bắc nước Israel, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ : “Anh em bảo Thầy là ai ? Ông Phêrô trả lời : ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’” (Mt 16,16). Do đó chúng ta tin Chúa Giêsu có hai bản tính : Một là bản tính lòai người, hai là bản tính Thiên Chúa, Chúa Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa.
Một cuộc xuất hành mới, sáng tạo mới :
Thánh Mt chỉ vắn gọn dùng từ “Tin Mừng” để nói lên nhiệm vụ của Chúa Giêsu khi xuống trần, song thánh Mc còn thêm từ “khởi đầu”.
Từ “khởi đầu” cũng là cụm từ “lúc khởi đầu sáng tạo trời đất” trong sách Sáng thế. Như thế, công việc Chúa Giêsu xuống thế rao giảng Tin Mừng là một công việc sáng tạo mới. Cuộc sáng tạo thứ nhất đã bị tội lỗi lòai người phá đổ, thì nay Chúa Giêsu làm cuộc sáng tạo mới bằng cái chết và sự sống lại của Chúa.
Bđ1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay, ngôn sứ Isaia ví cuộc giải phóng dân Do Thái ra khỏi kiếp lưu đày ở Babylon như một cuộc xuất hành mới. Cuộc xuất hành thứ nhất, Thiên Chúa đã dùng ông Môsê đưa dân ra khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập về Đất Hứa, thì trong cuộc xuất hành thứ hai này Thiên Chúa không nhờ ai, chính Thiên Chúa giải cứu dân khỏi kiếp lưu đày Babylon mà đưa về. Ngôn sứ Isaia viết : “Như mục tử Chúa chăn giữ đàn chiên của Chúa, tập trung cả đòan dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ cũng tận tình săn sóc” (40,11).
Cuộc giải phóng ra khỏi Babylon đã là vĩ đại, đến nỗi ngôn sứ Isaia phải thốt lên : “Kìa Thiên Chúa các ngươi ! Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng” (40,10). Vĩ đại đến mấy cũng không thể so sánh với việc Chúa Giêsu xuống thế. Đó là một công cuộc sáng tạo mới. Thánh Mc giản dị dùng từ “Khởi đầu”, nhưng đã nói lên tất cả sự vĩ đại của việc Chúa Giêsu xuống thế.
Thánh Gioan dọn đường :
Ngày xưa dân Do Thái tin rằng ngôn sứ Elia không chết. Ngôn sứ được Thiên Chúa đưa về trời, và khi Đấng Thiên Sai ra đời thì ngôn sứ sẽ xuất hiện, và dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến. Sách ngôn sứ Malakhi đã viết như sau : “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi trước khi ngày của Đức Chúa đến” (Ml 3,23). Thánh Gioan Tẩy giả mà thánh Mc đề cập đến trong bài TM hôm nay chính là ngôn sứ Êlia. Ngôn sứ Êlia ngày xưa mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng thì nay thánh Gioan Tẩy gỉa cũng vậy.
Nhiệm vụ của thánh Gioan Tẩy giả là dọn đường cho Chúa đến, như thánh Mc viết : “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (1,3).
Bđ2 : Dọn đường, sửa lối, nói theo thánh Phêrô trong bđ2 là : “Anh em phải cố gắng sao cho Chúa thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2Pr 3,14).
Còn chúng ta đã dọn đường và sửa lối cho Chúa đến chưa ? (4-12-2005)
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành