Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm C
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG.
Ngày 08/12/2024
Thánh vịnh tuần II.
Giáo xứ Phú Hạ Chầu Thánh Thể.
(Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội dời sang thứ Hai, 09.12.2024)
GIÁO HUẤN SỐ 2
Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
TRONG CỘNG ĐOÀN (tiếp theo)
“Mỗi cộng đoàn được mời gọi kiến tạo “một không gian được Thiên Chúa chiếu sáng để kinh nghiệm sự hiện diện giấu ẩn của Chúa Phục sinh trong đó”. Việc chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể với nhau đẩy mạnh tình huynh đệ và làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn thừa sai thánh thiện. Điều đó cũng đem lại những kinh nghiệm thần bí đích thực chia sẻ chung với nhau. Đó là trường hợp của các thánh Biển Đức và Scholastica. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến kinh nghiệm thiêng liêng tuyệt vời được chia sẻ bởi Thánh Augustinô và Thánh Monica. “Hôm ấy, gần tới ngày mẹ con rời khỏi đời này – ngày mà Chúa biết rõ, còn chúng con thì không – đã xảy ra một chuyện mà con tin là đã do Chúa sắp đặt theo đường lối nhiệm mầu của Chúa: lúc đó chỉ có hai mẹ con chúng con đứng tựa cửa sổ quay ra thửa vườn bên cạnh… Chúng con nao nức mở rộng tâm hồn hớp lấy những dòng suối từ trời cao đổ xuống, nước suối nguồn của Chúa, suối ban sự sống bắt nguồn từ Chúa… Và khi chúng con nói về lẽ khôn ngoan ấy và đắm chìm trong đó, chúng con đã chạm được nó một mức nào đó bằng động lực của trái tim mình… sự sống vĩnh cửu có thể giống một khoảnh khắc khai trí như thế mà bây giờ chúng con luyến tiếc”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 142).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6)
Bài Ðọc I: Br 5, 1-9
“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.
Trích sách Tiên tri Ba-rúc.
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.
Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Ít-ra-en vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.
Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Ít-ra-en núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Ít-ra-en đến ánh vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: Khi Chúa đem những người Si-on bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc II: Pl 1, 4-6. 8-11
“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Ðức Ki-tô”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giê-su Ki-tô.
Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giê-su Ki-tô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Ki-tô, anh em được Ðức Giê-su Ki-tô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 1-6
“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Ðời hoàng đế Ti-bê-ri-ô năm thứ mười lăm, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a, Hê-rô-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a, còn em là Phi-líp-phê làm thủ hiến xứ I-tu-rê và Tra-khô-nít; Li-xa-ni-a làm thủ hiến xứ A-bi-lên; An-na và Cai-pha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gio-an, con Da-ca-ri-a, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri I-sai-a rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
DỌN MỘT LỐI ĐI CHO CHÚA VÀO TRÁI TIM TA
(Hội An 8/12/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Trước khi Chúa Giê-su sinh ra, thánh Gioan Tẩy Giả đã thét gào đến tai mọi người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mc 1,3). Rõ ràng thánh Gioan Tẩy Giả không quan tâm về việc mua sắm quà bánh, thiệp mừng giáng sinh hay bữa tiệc thịnh soạn cho ngày Đấng Cứu Thế đến. Thánh nhân cũng không có ý kêu gọi mọi nhà, mọi giáo xứ trang trí thật độc đáo, sáng tạo đón Hài Nhi Giê-su ra đời. Vì điều quan trọng nhất trong mùa Vọng là đón Chúa, dọn cho Chúa một lối đi vào lòng ta, vào gia đình ta, vào giữa giáo xứ ta. Nếu chúng ta lo cho bầu khí đại lễ được tưng bừng, thì bầu khí đó phải xuất phát từ tâm hồn sẵn sàng đón Chúa của mỗi chúng ta. Ích gì cho chúng ta, nếu không dọn đường cho Chúa vào cuộc đời chúng ta?
- Dọn lối đi cho Chúa con tim ta là một thách thức lớn
Giêrusalem xưa là kinh thành hoa lệ, nhộn nhịp, lao xao, nhưng người ta đã nói “hết chỗ” cho Ngôi Hai giáng sinh. Giữa kinh thành Giêrusalem, hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ cho Hài Nhi Giê-su chào đời. Thậm tệ hơn, người thời đại đã đóng sầm cửa lại, không đủ kiên nhẫn nghe lời giãi bày của thánh Giuse. Họ thiếu điều quan trọng nhất trong cuộc đời là đón Chúa. Họ sợ đón Chúa vào nhà. Nói như triết gia Plato, “bi kịch thực sự của cuộc đời là khi người lớn sợ ánh sáng.” Người ta sợ Chúa xen vào nhà của họ, làm họ phải thay đổi sinh hoạt thường ngày; người ta sợ đón một người khách không đem lại lợi tức trần thế cho họ, nên theo tính toán của một người làm việc kinh doanh, họ khước từ Chúa mà không cần nghe lời giải thích nào cả. Họ bít mọi lối Chúa vào! Có thể người chủ quán trọ không biết Chúa, còn chúng ta biết Chúa.
Vì vậy, dọn đường cho Chúa vào tâm hồn chúng ta và dọn chỗ cho Chúa sinh ra trong tâm hồn chúng ta, chẳng phải là một thách thức sao? Bởi chúng ta là một chủ quán trọ quyết định có phòng cho Chúa trong tâm hồn chúng ta hay không.
- Chỗ nào cho Chúa trong trái tim ta
Trong văn hóa Mexicô, có một truyền thống vào dịp Giáng sinh được gọi là Las Posadas, nghĩa là nhà trọ. Trong truyền thống này, mỗi nhà trở thành một quán trọ. Hai người hóa trang thành Mẹ Maria và thánh Giuse đi từ nhà này sang nhà khác hỏi tìm chỗ trọ. Lần nào họ cũng bị từ chối, cho đến khi tìm đến một nhà được chỉ định là chỗ trọ đón Mẹ Maria và thánh Giuse vào, bấy giờ buổi lễ mừng Chúa giáng sinh mới bắt đầu. Làm sao có niềm vui giáng sinh trong nhà của họ, nếu họ không đón Chúa vào?
Hãy thử hình dung trái tim ta là một quán trọ, có rất nhiều phòng. Có phòng cho giá thấp, có phòng đắt tiền, có “view” đẹp, có ban-công. Trái tim ta cũng thế. Những mối quan hệ thân thích, bè bạn chiếm những phòng lớn, nghề nghiệp và mọi lo toan của cải thường ngày cũng chiếm phòng lớn. Phòng xa hoa, đắt tiền thì dành cho một người hay một đeo đuổi như da, như thịt của mình. Có phòng dành cho giải trí, dành cho các trang web, dành cho những cuộc tán gẫu, tán phét và các buổi ăn nhậu. Hết phòng! Không có chỗ dành cho Chúa. Chúa không vào được nhà bạn sao? Bạn không dành cho Chúa vị trí trang trọng trong căn nhà trái tim bạn sao? Bạn không nghe Chúa nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20) sao?
Dĩ nhiên, nói như Đức cha Fulton Sheen, Chúa có thể đi lối cửa sau để vào ngôi nhà trái đất của Ngài khi gia nhân Ngài không đón nhận Ngài, nhưng những chủ quán trọ tại Bê-lem xưa không biết Chúa, còn chúng ta biết Chúa, thuộc về Chúa từ khi còn đỏ hon hỏn, biết kêu Chúa từ khi còn bập bẹ biết nói, mà lại không mở cửa đón Chúa và dành chỗ cho Chúa trong trái tim của mình sao? Nếu vậy, tâm hồn và gia đình chúng ta làm sao được có Chúa ở cùng và được hạnh phúc cứu độ? Tâm hồn chúng ta có thực sự bình an khi trong đó ngập đầy tội lỗi không? Gia đình của bạn có sự vui tươi khi ai nấy không còn thì giờ dành cho Chúa và cho nhau? Cuộc sống của bạn có hạnh phúc không khi bạn nhìn người trong nhà, trong giáo xứ, trong nơi làm việc với bằng đôi mắt “mang hình viên đạn”, đầy căm giận? Người ta nói: muốn có ánh sáng, thì hãy giữ lấy mặt trời, muốn có hương thơm, thì hãy dưỡng lấy những bông hoa; cũng vậy, muốn có niềm vui, tình yêu và hạnh phúc đích thực, thì hãy mở tâm hồn đón Chúa của mình.
Vì vậy, mùa Vọng là cơ hội cho chúng ta bắt đầu lại và chuẩn bị tâm hồn của mình có một chỗ trung tâm cho Chúa, nhường chỗ cho Chúa, không chỉ cho lễ Giáng Sinh mà còn cho mỗi ngày sống.
Đừng sợ hãi đón Chúa vào lòng và vào gia đình chúng ta. Chúa Giê-su muốn được sinh ra trong tâm hồn và muốn sống giữa gia đình chúng ta. Muốn được vậy, ai nấy phải dọn đường Chúa đến, phải cho đi thứ gì đó để có chỗ làm lối Chúa đi, trải thảm con đường bằng lòng mến và sự thánh thiện. Đến lãnh ơn tha thứ trong bí tích Giải Tội là dọn lối cho Chúa vào tâm hồn. Dọn dẹp mọi hiềm khích, căm giận trong lòng là dọn đường cho Chúa vào tâm hồn mình, vào gia đình và vào cộng đoàn. Có cách nào hơn ước muốn Chúa ngự vào tâm hồn bằng cách tham dự thánh lễ và rước Chúa vào lòng xứng đáng? Có cách nào thiết thực hơn sống niềm vui đón Chúa đến bằng việc cùng anh chị em mình trong cộng đoàn giáo xứ xăn tay làm việc bác ái và chung tay, góp sức chuẩn bị cho đại lễ Chúa giáng sinh và các công tác khác?
Chúng ta đừng phạm sai lầm của những người chủ quán trọ ở Giêrusalem xưa, họ không biết ở trước gõ cửa nhà họ, còn chúng ta được lợi thế, biết Chúa Giê-su là ai và biết Ngài đang gõ cửa chờ đợi chúng ta dành cho Ngài một chỗ trong trái tim, trong gia đình và trong cộng đoàn giáo xứ.
Khi ai hỏi chúng ta hạnh phúc và bình an ở đâu, hãy nói với họ trong thánh lễ. Khi ai hỏi tìm kiếm hòa bình ở đâu, hãy chỉ Đấng đang ngự trong trái tim của bạn. Cứ dọn đường, cứ mở cửa, Chúa đang chờ đợi ta hơn ta chờ đợi Chúa đến.
SUY NIỆM II
HÃY KIẾN TẠO SA MẠC TRONG TÂM HỒN ĐỂ GẶP CHÚA
VÀ THẤY ƠN CỨU ĐỘ
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Qua các bài đọc Chúa nhật II Mùa Vọng, Giáo Hội cũng kêu mời chúng ta hãy kiến tạo ra sa mạc trong tâm hồn để gặp gỡ Thiên Chúa và thấy ơn cứu độ. Bài đọc 1, chúng ta vừa nghe, Tiên tri Barúc muốn khẳng định với dân Do Thái rằng cuộc sống và niềm hạnh phúc là những điều có thể thực hiện được sau những năm tháng họ phải sống trong cay đắng, tủi nhục, đen tối của kiếp sống lưu đày lúc bấy giờ. Để diễn tả sứ điệp hy vọng và tin tưởng ấy, tiên tri dùng một số hình ảnh biểu tượng như chiếc áo choàng công chính của Thiên Chúa, tên gọi, và các kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Chiếc áo choàng công chính của Thiên Chúa ám chỉ phẩm giá của con người khi giới thiệu thành thánh Giêrusalem, là biểu tượng của toàn dân Chúa. Cho nên, toàn Dân Chúa hãy cởi bỏ áo tang chế khổ nhục là mất hy vọng, bất an và khổ đau buồn rầu đi để mặc lấy đức công chính của Thiên Chúa mà Ngài sẽ trao ban trở lại cho họ phẩm giá làm dân riêng Chúa chọn và chấm dứt sự sống khổ nhục họ phải chịu trong thời lưu đày nhờ họ có lòng kính sợ Thiên Chúa. Hình ảnh chiếc áo mới công chính mừng vui trên đây hé mở cho chúng ta thấy ý nghĩa việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại khi cho Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người. Chúa Giêsu Kitô mặc lấy chiếc áo yếu hèn của thân phận làm người, mặc lấy chiếc áo rách nát, tả tơi, hôi thúi của tội lỗi làm biến dạng con người khiến cho con người không còn giống Thiên Chúa nữa, vì đã đánh mất đi phẩm giá làm con Thiên Chúa và là thụ tạo tuyệt diệu nhất trong mọi loài thụ tạo. Chúa Giêsu mặc lấy nó để đánh đổi cho loài người chiếc áo mới, tinh tuyền thánh thiện được làm con cái Thiên Chúa và giống hình ảnh Ngài. Với phẩm giá mới ấy, thành thánh Giêrusalem đại diện cho dân Chúa mang một tên gọi mới: Hòa Bình, Công Chính và Vinh Quang của lòng thương xót. Dân riêng của Thiên Chúa từ nay, sẽ làm một dân tộc diễn tả sự an bình, công chính, lòng nhân từ, thương xót và vinh quang mà Thiên Chúa hiện thực trong vương quốc thiêng linh của Ngài. Vương quốc mà Thiên Chúa cống hiến cho nhân loại ngay từ bây giờ, trên trần gian này, với biến cố Đấng Thiên Sai nhập thể làm người. Trong tên gọi mới này cũng tiềm ẩn tên gọi Giêsu mà Thiên Chúa sẽ dành riêng cho Ngài là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu là ơn cứu rỗi, là sự che chở Thiên Chúa gởi đến cho loài người luôn bị sự dữ cám dỗ và thường bị tội lỗi chiếm hữu. Công trình cứu độ và giải phóng ấy được Thiên Chúa ra tay hiện thực và trao ban cho dân Người, với sự cộng tác của mọi loài, mọi vật, y như trong biến cố xuất hành khỏi Ai Cập thời xa xưa. Thiên Chúa sẽ ra tay gạt bỏ mọi chướng ngại, khó khăn. Đường vào sa mạc dẫn đưa dân Ngài vào Đất Hứa sẽ thẳng băng, không còn gò cao. Sa mạc nắng cháy khô cằn sẽ nở hoa xanh tươi.
Cho nên, Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng trong Tin Mừng diễn tả trước sứ điệp mà Chúa Giêsu Kitô loan báo sau này: Để gặp Chúa và được ơn cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích rửa tội, sám hối, hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống, canh tân đời sống thánh thiện, bác ái, khiêm nhường, phục vụ và hy sinh bởi vì Đấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian. Nói cách khác, để gặp Thiên Chúa và được ơn cứu độ của Chúa Giêsu, chúng ta phải biết luôn kiến tạo một sa mạc trong lòng ta. Vì chưng, trong Kinh Thánh, chúng ta thấy sa mạc là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu sa mạc là lòng chúng ta khô cằn niềm tin, thất hy vọng và không phó thác, sa mạc là lòng chúng ta gồi ghề tội lỗi, giá buốt của sự kiêu ngạo, ích kỷ… thì còn chỗ đâu mà cho Thiên Chúa hiện diện. Không mở lòng ra đón Thiên Chúa vào cuộc sống, làm sao được cứu độ. Vậy chúng ta hãy luôn kiến tạo sa mạc trong lòng mình như Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một con đường, một cách thế giúp chuẩn bị hữu hiệu cho ngày Chúa trở lại. Đó là luôn kiên trì sống tình yêu thương, bác ái, biết vun trồng lòng tin, cậy, mến và khả năng bén nhạy giúp nhận ra đâu là thánh ý Chúa và điều đẹp lòng Ngài. Sống được như thế, chúng ta sẽ sinh hoa trái thiêng liêng phong nhờ siêng năng lãnh nhận các bí tích nhất bí tích hòa giải và thánh thể trong Mùa vọng này chắc chắn chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ mọi thời.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi. Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch trong tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa. Sống đơn sơ khiêm nhường, yêu thương và tha thứ để nên giống Chúa. Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng và sống thi hành Lời Chúa dạy đế kiến tạo sa mạc trong tâm hồn hằng ngày ngõ hầu thấy Chúa và nhận được ơn cứu độ trong đời sống. Amen.
SUY NIỆM III
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
KẺ DỌN ĐƯỜNG
VẪN LÀ MỘT CON ĐƯỜNG
Toàn bộ cuộc sống của dân Do Thái đều có dấu ấn về một quan niệm: đời sống là một cuộc Vượt Qua. Quan niệm này được bày tỏ rõ ràng qua những biến cố lớn: Thiên Chúa gọi tổ phụ Ápraham; dân Do Thái được giải thoát khỏi Ai Cập và lưu lạc 40 năm trong sa mạc; cuộc lên đường rời bỏ đất lưu đày để trở về quê hương. Trong những biến cố đó, họ luôn phải lên đường và luôn phải vượt qua những chướng ngại làm cản trở bước chân: đó là sa mạc, là dòng sông. Họ lên đường để đi tới miền đất Thiên Chúa đã hứa ban cho họ, nơi họ vẫn hằng mơ ước.
Sa mạc, dòng sông – những yếu tố này lại xuất hiện trong câu chuyện về ông Gioan Tẩy Giả và trở thành dấu chỉ cho những ý nghĩa mới. Phép rửa ông Gioan đề ra cho người Do Thái không phải chỉ là một nghi thức; trái lại, đó là dấu chỉ bề ngoài cho một hoạt động sâu xa là sự thanh tẩy nội tâm. Qua phép rửa này, ông Gioan muốn nhắc nhở dân chúng về ý nghĩa sâu xa trong ơn gọi của họ: họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và họ phải trở nên xứng đáng với ơn gọi đó.
Theo cách hiểu của các Kitô hữu thời đầu, từ việc Thiên Chúa kêu gọi dân Israel trở thành dân của Người đến sự xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu là một sự liên tục hoàn toàn. Những yếu tố này liên hệ với nhau cách chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Đây cũng chính là điều thánh Máccô muốn nhấn mạnh. Trong bài tường thuật của Tin Mừng thứ hai, người ta thấy cả ba khía cạnh: quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Quá khứ: Vào cuối thời lưu đày, ngôn sứ Isaia đã kêu gọi dân Do Thái lên đường, thực hiện một chuyến du hành mới băng qua sa mạc. Một lần nữa, Thiên Chúa lại đến, mở ra con đường cho dân Người, thúc đẩy họ lên đường trong khi họ là những người đã chịu kết án phải chết.
- Hiện tại: Ông Gioan kêu gọi dân trở lại, từ bỏ lối sống cũ và bước vào đời sống mới.
- Tương lai: Ông Gioan thoáng thấy được sự xuất hiện của Đức Giêsu, Vị Cứu Thế. Chính Người sẽ làm sáng tỏ toàn bộ ý nghĩa của cuộc hành trình luôn được lặp lại này. Người là Đấng sẽ thực hiện cuộc Vượt Qua đích thực, và tận điểm của cuộc hành trình này là ân huệ Thánh Thần.
Qua những suy niệm như thế về ý nghĩa lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, thánh Máccô đã hiểu được tất cả mọi điều hàm chứa trong phép rửa. Với Đức Giêsu, phép rửa chính là cuộc Vượt Qua đúng nghĩa, nhờ cái chết trên thập giá. Cuộc Vượt Qua này đòi phải từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống, nhưng cuối cùng, chính cuộc Vượt Qua này sẽ mở ra con đường dẫn tới cuộc sống viên mãn.
CÔNG VIỆC CỦA KẺ DỌN ĐƯỜNG
Người ta vẫn gọi ông Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô, nhưng có người lại muốn gọi ông là cái máy ủi.
Cách nói như thế không phải chỉ do ý thích muốn chơi chữ. Lý do chính là tính cộc cằn của ông cũng như những ngôn từ mạnh bạo, quyết liệt của ông. Thánh Luca thuật lại rằng ông đã lăng mạ những người đến gặp ông, gọi họ là “nòi rắn độc”.
Một lý do khác nữa là nếp sống kỳ lạ của ông. Con người ông ít có những nét hấp dẫn, như lời tường thuật của các tác giả sách Tin Mừng và hình ảnh do các nhà điêu khắc để lại: một con người mặc áo bằng da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng.
Vị ngôn sứ này quả là một nhân vật lạ lùng. Đức Giêsu gọi ông là vị ngôn sứ lớn nhất, không phải chỉ vì dáng dấp đặc biệt của một người sống trong sa mạc: nếp sống khổ hạnh và đưa ra nhiều yêu cầu, mà vì ông đã nhận mình là tiếng nói của Thiên Chúa. Ông đến để loan báo và chuẩn bị cho cuộc xuất hiện của chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, một Thiên Chúa đang chuẩn bị cho cuộc xuất hành mới, cuộc xuất hành cuối cùng để đưa nhân loại về quê hương vĩnh cửu. Con người cần phải tạo điều kiện để Thiên Chúa có thể đến và hoạt động nơi họ. Ông Gioan là người nhắc nhở họ về bổn phận này.
Công việc của ông Gioan là “đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76b). Ông đã dọn lối bằng cách thức tỉnh lương tâm con người, kêu gọi họ thay đổi lối sống, thúc đẩy họ dẹp bỏ những gò nổng, lấp những hố sâu, uốn ngay đường cong mà quay về đường công chính.
KẺ DỌN ĐƯỜNG HIÊN NGANG
Ngày nay, Đức Kitô đã đến và một giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người đã được ký kết. Vậy nhân vật Gioan này còn có thể nói gì với con người?
Ông là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, nhưng lại là vị ngôn sứ đầu tiên trong Kitô giáo. Ông đã hoàn thành công trình xây dựng cây cầu nối giữa dân Israel và dân mới của Thiên Chúa, giữa đợi chờ và xuất hiện. Vậy phải chăng nên xếp ông vào công hàm, vào bảo tàng lưu trữ?
Chắc chắn là không! Điểm nghịch lý trong lịch sử cứu độ là tất cả đã được ban tặng nhưng vẫn còn đang được thực hiện. Có một Tin Mừng đã được viết ra, và có một Tin Mừng khác cũng đang được viết ra. Thiên Chúa đã nói với con người một lần thay cho tất cả, nhưng sự im lặng hiện nay của Người cũng là một cách nói.
Do đó, lời kêu gọi của ông Gioan Tẩy Giả vẫn luôn vang lên như một lời mời gọi, như một sứ mạng.
- Như một lời mời gọi: Hãy ăn năn sám hối, hãy đi vào sa mạc mà gặp gỡ Thiên Chúa, hãy từ bỏ tất cả để nhường chỗ cho Thiên Chúa.
- Như một sứ mạng: Gioan đã minh chứng rằng Đức Kitô chỉ có thể xuất hiện trên những con đường đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Mỗi người phải dọn đường cho Đức Kitô xuất hiện: nhổ đi những mầm mống bạo lực, san bằng núi cao là thái độ dửng dưng, lấp đầy hố sâu là nghi ngờ và cái nhìn xấu xa.
Ông Gioan đã làm chứng cho niềm tin của ông vào thế giới mới này bằng chính mạng sống. Ông xác tín rằng trong thế giới mới, những tâm hồn sầu khổ sẽ được nâng dậy, những cõi lòng chia rẽ vì hận thù sẽ trở nên dịu hiền.
Và như ông Gioan, mỗi người chúng ta cũng phải xoá mình đi trước một Đấng quyền thế hơn.
“Đức Kitô chẳng còn đôi tay. Người chỉ có đôi tay của chúng ta để thực hiện công trình của Người ngày hôm nay.”
“Tất cả những gì chúng ta làm qua lời nói và hành động chính là Tin Mừng được viết ra.”
(Theo M. Pomilio)
SUY NIỆM IV
DỌN ĐƯỜNG TÂM HỒN: SỬA ĐỔI CHÍNH MÌNH
Anh chị em thân mến,
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị đón Chúa đến. Nhưng sự chuẩn bị này không chỉ nằm ở những việc trang hoàng bên ngoài, mà cốt lõi là dọn sạch con đường nội tâm để đón nhận tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả hôm nay vang lên đầy khẩn thiết: “Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa lối Người đi.” Đây không phải là mệnh lệnh dành riêng cho một thời đại hay một dân tộc, mà là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh và thời gian.
Có một câu chuyện kể về một vị vua trị vì một đất nước thịnh vượng. Một ngày nọ, trong chuyến kinh lý đến vùng xa xôi, ông cảm thấy đôi chân mình đau nhức vì những con đường gồ ghề, đầy đá sỏi. Trở về cung điện, nhà vua quyết định ban lệnh bọc da tất cả các con đường trong nước để không ai phải chịu cảnh khổ sở như ông.
Nhưng một vị bá quan khôn ngoan đã nói với nhà vua: “Thưa bệ hạ, tại sao không làm một đôi giày cho chính mình, thay vì bọc da tất cả các con đường?” Nhà vua nhận ra ý nghĩa sâu sắc của lời khuyên ấy. Thay vì thay đổi cả thế giới bên ngoài, ông bắt đầu bằng việc thay đổi cách đối diện với thế giới.
Chúng ta cũng vậy. Nhiều khi chúng ta mong muốn mọi người xung quanh, hoàn cảnh và cả thế giới phải thay đổi. Nhưng Chúa mời gọi chúng ta hãy bắt đầu từ chính mình – hãy sửa đổi những con đường tâm hồn để đón nhận Ngài.
Lời của Gioan Tẩy Giả kêu gọi: “Hãy lấp đầy thung lũng, hãy san phẳng núi đồi, hãy làm thẳng những con đường quanh co.” Những hình ảnh này không chỉ nói đến cảnh vật, mà chính là sự biến đổi sâu sắc bên trong tâm hồn:
- Lấp đầy thung lũng: Những thung lũng của tuyệt vọng, chán nản, hay thiếu niềm tin. Lấp đầy thung lũng này bằng sự tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Hãy nhớ rằng, Chúa luôn đồng hành ngay cả trong những giây phút tăm tối nhất.
- San phẳng núi đồi: Những núi đồi của kiêu căng, ích kỷ, tự mãn. Sự khiêm nhường là con đường dẫn chúng ta gần Chúa hơn và giúp chúng ta nhìn thấy giá trị thực sự của bản thân và người khác.
- Làm thẳng những con đường quanh co: Những con đường quanh co của giả dối, thiếu ngay thẳng, những toan tính ích kỷ. Làm thẳng chúng bằng cách sống chân thật, công chính, và đầy bác ái.
Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô khẳng định: “Thiên Chúa, Đấng đã khởi đầu công trình tốt đẹp nơi anh em, sẽ đưa công trình ấy đến chỗ hoàn thành.” Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta phải tự mình hoàn hảo. Ngài đã bắt đầu công việc biến đổi nơi mỗi người và chỉ cần chúng ta cộng tác. Bí tích Hòa giải là một trong những cách tuyệt vời nhất để bắt đầu sự biến đổi ấy.
Đôi khi chúng ta cảm thấy việc thay đổi chính mình là điều khó khăn. Nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: một lời nói tử tế, một hành động yêu thương, một quyết tâm sống công chính mỗi ngày. Khi con đường nội tâm được dọn sạch, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình an đích thực, không chỉ cho chính mình mà còn lan tỏa đến người khác.
Một thế giới tươi đẹp hơn bắt đầu từ những tâm hồn biết sửa đổi. Khi mỗi người sẵn sàng dọn đường cho Chúa, chúng ta sẽ thấy mọi sự xung quanh thay đổi. Không phải vì thế giới bớt gồ ghề, mà vì chính chúng ta đã được ban sức mạnh, niềm vui và lòng can đảm để bước đi trên con đường ấy.
Anh chị em thân mến, Mùa Vọng là cơ hội quý giá để chúng ta nhìn lại chính mình, nhận ra những gì cần được sửa đổi, và can đảm bắt tay vào hành trình biến đổi. Thiên Chúa đang đến. Ngài không cần một con đường hoàn hảo, nhưng cần một tâm hồn mở rộng, sẵn sàng đón nhận Ngài.
Hãy để Lời Chúa hôm nay là kim chỉ nam giúp chúng ta san lấp những gồ ghề trong tâm hồn, để con đường nội tâm trở thành nhịp cầu dẫn chúng ta và mọi người đến với Chúa.
Lạy Chúa, xin biến đổi con, để chính con trở thành khí cụ hòa bình và yêu thương của Ngài. Amen.
jn.nvh
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
Nguồn: giaophancantho.org
- THAY ĐỔI TÂM TRÍ
Ngày xưa có một vị vua trị vì một đất nước thịnh vượng. Một ngày nọ ông đi kinh lí đến một vùng xa xôi hẻo lánh trong nước. Khi trở về dinh, ông phàn nàn rằng đôi bàn chân ông rất đau nhức vì đây là lần đầu tiên ông đi một chuyến dài như vậy, và con đường mà ông đã đi rất gồ ghề, đầy đá sỏi lại thêm những ổ gà chi chít. Sau đó, ông muốn truyền lệnh cho thần dân của mình phải bọc da mọi con đường trong nước. Chắc chắn điều này sẽ cần đến da của hàng triệu con vật, và sẽ tốn một số tiền rất lớn. Nhưng trước khi mệnh lệnh được ban ra, một vị bá quan khôn ngoan đã dám chất vấn vua: “Tại sao ngài phải tiêu số tiền không cần thiết đó? Tại sao ngài không cắt một miếng da nhỏ để bọc chân của ngài?” Nhà vua rất ngạc nhiên, và ngay sau đó đồng ý với lời đề nghị của viên quan để làm một chiếc “giày” cho chính mình.
* Chúng ta thường nói: “Tôi ước mọi thứ sẽ thay đổi hoặc người này người kia phải thay đổi.” Nhưng thay vào đó, hãy thực thi Lời Chúa mời gọi hôm nay: hãy sửa con đường nội tâm mình cho ngay thẳng thì mọi thứ sẽ đổi thay theo. (John Pichappilly trong Bàn tiệc Lời Chúa; trích dẫn theo Cha Botelho).
- DÕI TÌM THẦN LINH
Nơi một số nền văn hóa bản địa của lục địa Bắc và Nam Mỹ, nghi thức chứng nhận tuổi trưởng thành dành cho những người trẻ gồm một đòi hỏi được gọi là truy tìm thần linh. Bắt buộc đối với trẻ em trai và khuyến khích đối với các em gái, tục lệ này yêu cầu mỗi em phải một mình đi đến một nơi hẻo lánh, cách làng một khoảng thật xa. Đương sự phải nhịn ăn và tịnh tâm nhiều ngày. Người ta tin rằng một vị thần hộ mệnh sẽ ban cho người trẻ này một thị kiến, sẽ truyền cảm hứng và định hướng cho anh ấy/ cô ấy về bước đường tương lai của mình. Sau khi trở lại cộng đồng bộ tộc, thị kiến sẽ là nguồn sức mạnh và sự khích lệ cho anh ấy/ cô ấy, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.
* Theo một nghĩa nào đó, thời gian Giáo hội sống Mùa Vọng hàng năm có thể được ví như một cuộc truy tìm thần linh của bộ lạc. ( Theo tài liệu của Sanchez ).
- XIN CHO BIẾT TÊN
Tại một nhà thờ lớn nọ ở châu Âu, nơi có một cây đàn phong cầm ống thật giá trị mà chỉ người chơi đàn của nhà thờ đã được chỉ định mới được phép chơi. Một ngày nọ, khi ông từ nhà thờ đang kiểm tra gác xép của ca đoàn trước khi đóng cửa nhà thờ, ông ta nghe thấy tiếng bước chân của một người lạ bước vào phòng gác xép. Người lạ cầu xin: “Thưa ông, tôi đã đi một chặng đường dài chỉ để muốn được ngồi và chơi cây đàn kỳ diệu này. Tôi có thể được phép để làm như vậy không?” Ông từ trả lời: “Không, nhạc cụ này chỉ có thể được duy nhất một người chơi. Nếu tôi cho phép bạn, tôi có thể bị mất việc làm”. Người lạ hiểu ra, và tỏ ra vô cùng thất vọng. “Nhưng,” anh ta vẫn tiếp tục, “tôi có thể chơi một vài hợp âm được không? Tôi hứa sẽ không lâu đâu. Một vài phút là tất cả những gì tôi mong muốn”. Ông từ động lòng trắc ẩn và cho phép người lạ đó chơi chiếc đàn phong cầm ống, với điều kiện ông phải dừng lại sau một vài ô nhịp. Di chuyển đến chỗ ngồi trước chiếc đàn uy nghi đó, người lạ nhắm mắt lại một lúc rồi bắt đầu. Ngón đàn của ông ta quá điêu luyện và những âm thanh thú vị phát ra đến nỗi ông từ như thể chết đứng tại đó. Ông không thể tin vào tai mình. Người lạ là một nhạc sĩ tài giỏi và một tay danh cầm organ nổi tiếng. Vài phút sau, kẻ lạ mặt dừng lại và nhấc bàn tay khỏi bàn phím. Ông cảm ơn người giữ cửa nhà thờ đã cho ông đặc ân hiếm có đó và chực bỏ đi. “Chờ đã,” ông từ cầu xin: “Tôi chưa bao giờ được nghe những dòng âm thanh như vậy trước đây từ cây đàn này. Xin vui lòng cho tôi biết quý danh của ông?” Người lạ trả lời: “Mendelssohn.”- “Gì?” Ông từ kinh ngạc thốt lên, “ông thực sự là nhà soạn nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng, Felix Mendelssohn, phải không ạ?” “Vâng, thưa ông,” người lạ đáp và khiêm tốn bước đi.
* Mọi hành động tốt làm cho người nghèo khổ thực sự là làm cho Chúa, Đấng mà giống như Felix Mendelssohn, ẩn mình trong một con người khiêm cung. (James Valladares trong Lời Ngài là Thần Khí và là Sự Sống; cha Botelho trích dẫn).
- TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT
Một nữ giáo viên nọ ở New York đã quyết định tôn vinh từng học sinh lớp 12 của mình trong trường trung học phổ thông bằng cách nói cho họ biết mỗi người trong họ là một con người đặc biệt. Đầu tiên, cô nói với từng người trong số họ rằng họ đã tạo ra sự khác biệt như thế nào đối với cô và cả lớp. Sau đó, cô tặng cho mỗi người một dải ruy băng màu xanh có in dòng chữ vàng với nội dung: “Tôi là người tạo nên sự khác biệt”. Cô cũng trao cho mỗi học sinh thêm ba dải ruy băng và hướng dẫn các em đi ra ngoài và truyền bá cách thức thừa nhận này. Cuối ngày hôm đó, một trợ tá điều hành cấp dưới đến gặp ông chủ của anh ta, người được cho là một gã cục cằn thô bạo; anh mời ông chủ của mình ngồi xuống và nói với ông rằng, anh vô cùng ngưỡng mộ ông vì ông là một thiên tài sáng tạo. Ông chủ tỏ ra rất ngạc nhiên. Người trợ tá hỏi ông liệu ông có muốn nhận món quà là dải ruy băng màu xanh lam hay không, và anh lấy ngay dải băng đặt nó vào trên áo khoác của sếp phía trên trái tim của ông. Khi rời đi, anh ấy nói: “Ông có lấy thêm dải băng này và chuyển nó để tôn vinh người khác không?” Tối hôm đó ông chủ về nhà, gặp đứa con trai 14 tuổi của mình và bảo cậu ta ngồi xuống. Ông nói với cậu: “Điều ngạc nhất đã xảy ra với cha ngày hôm nay. Khi cha đang ở trong văn phòng của mình thì một trợ lí điều hành cấp dưới bước vào và nói với cha rằng anh ngưỡng mộ cha và tặng cha một dải ruy băng xanh vì cha là một thiên tài sáng tạo. Anh ấy đưa thêm cho cha một dải ruy băng khác và nhờ cha tìm một người khác để tôn vinh. Khi lái xe về nhà tối nay, cha bắt đầu nghĩ về người mà cha sẽ vinh danh với dải băng này và bỗng cha nghĩ về con. Cha muốn tôn vinh con. Những ngày của cha thực sự rất bận rộn và mỗi khi trở về nhà, cha không có thời giờ quan tâm đến con. Tối nay, cha chỉ muốn cho con biết rằng con đã tạo ra sự khác biệt đối với cha như thế nào. Ngoài mẹ con ra, con là người quan trọng nhất trong cuộc đời của cha. Con là một đứa trẻ tuyệt vời và cha yêu con!” Cậu bé cảm thấy thổn thức, bắt đầu khóc nức nở và không thể ngừng khóc. Cậu ngước nhìn cha mình và nói trong nước mắt: “Con đã định ngày mai tự tử, bố ạ, vì con không nghĩ rằng bố yêu con. Bây giờ con biết bố quan tâm đến con. Đây là ngày hạnh phúc nhất mà con từng biết đến.” Ông chủ đi làm trở lại, nhưng đã trở nên một người được biến đổi. Ông không còn là một kẻ cục cằn nữa mà dịu dàng với tất cả nhân viên của mình. Đến lượt mỗi công nhân cũng tạo ra sự khác biệt bằng cách sống hài hòa với người khác. Và cậu bé cảm nhận được tình thương của cha cũng đã sống hết mực hiếu thảo với cha mẹ mình.
* Chúng ta tưởng tượng xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mỗi người chúng ta tích cực sống sứ điệp Mùa Vọng “sửa con đường nội tâm cho thẳng” để có thể đến với mọi người (Ẩn danh; do cha Botelho trích dẫn).
- KHÁC BIỆT GIỮA THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC
Một câu chuyện kể về một người lính đã hỏi một nhà sư: “Hãy chỉ cho tôi biết sự khác biệt giữa thiên đàng và hỏa ngục.” Nhà sư nói: “Rõ ràng bạn là một kẻ hèn nhát, không phải là một chiến binh. Hơn nữa, tôi tin rằng bạn còn không biết cách sử dụng khẩu súng đó”. Người lính rất tức giận đến nỗi rút khẩu súng lục từ bao da định bắn nhà sư. Khi chuẩn bị bóp cò súng, nhà sư điềm tĩnh nói: “Đó là địa ngục.” Người lính bị xúc phạm đó lập tức tỉnh ngộ và đặt súng trở lại bao da. Và nhà sư khẽ nói: “Đó là thiên đàng.”
* Trong hơn hai mươi ngày nữa, chúng ta sẽ cử hành lễ của biến cố Thiên đàng ngự xuống Trái đất. Vậy chúng ta hãy chuẩn bị như thể mình sắp được vào Thiên đàng. (Cha James Gilhooley).
- KẺ NGỐC HƠN
Ngày xưa một vị vua của một đất nước nọ được triệu tập, phải thực hiện một cuộc hành trình đến một vương quốc khác. Cuộc hành trình đòi phải băng qua một khu rừng rộng lớn, vì vậy vua đã yêu cầu một số chúng dân đi cùng với mình. Ông giao cho một người đặc trách chuẩn bị mọi hành trang cần thiết cho tập thể trong chuyến đi, và họ sẽ sớm lên đường. Khi đoàn lữ hành đi qua khu rừng, họ bất ngờ gặp một con hổ. Nhà vua yêu cầu một khẩu súng từ người mà ông đặt phụ trách mọi công việc. Anh này nói với vua rằng anh ta không nghĩ đến việc mang theo súng. Nhà vua rất tức giận và nói với anh ta: “Anh thật là một thằng ngốc! Làm thế nào anh có thể quên chuẩn bị cho một tình huống như thế này trong cuộc hành trình của chúng ta?” Sau đó vua đưa cho anh ta một cây gậy và nói: “Đây, cầm lấy cây gậy này và dẫn chúng ta đến đích. Và sau đó hãy mang nó theo luôn bên mình cho đến khi anh tìm thấy kẻ ngu ngốc hơn mình; khi đó anh có thể chuyển nó cho người đó”. Người tôi hiền tiếp tục giữ cây gậy nhà vua trao cho mình trong nhiều năm. Thời gian trôi qua, nhà vua trở nên già yếu và suy kiệt sức khỏe. Những ngày cuối cùng của cuộc đời ông đã gần kề và vì vậy ông bắt đầu nhận được những cuộc thăm hỏi từ các thần dân bên giường bệnh của mình. Một ngày nọ, người đàn ông mà vua đã trao cây gậy vì “ngốc như vậy” cũng đến gặp nhà vua. Ông ta vẫn mang theo cây gậy. Ông đến gặp vua và nói với vua: “Thưa bệ hạ, nếu ngài cho phép, tôi có thể hỏi ngài một câu được không ạ?” Và sau khi được cho phép, ông nhẹ nhàng hỏi nhà vua: “Tâu đại vương, chẳng hay ngài đã chuẩn bị kỹ càng cho chuyến hành trình quan trọng mà ngài sắp thực hiện chưa?” Nhà vua nhìn ông ta với vẻ ngạc nhiên và sau đó nói: “Chuẩn bị cho cuộc hành trình này à? Tôi đau ốm và sắp chết; tôi phải chuẩn bị như thế nào cho một cuộc hành trình như vậy?” Lão thần đáp lại và nhẹ nhàng trao cây gậy cho vua: “Vậy ngài có cây gậy này và giữ nó bên mình.” Và rồi ông lặng lẽ bước đi. (Cha Albert Lakra).
- HÃY LÀ MỘT CÁI VỊNH
Có một câu chuyện được kể về một tu sĩ trẻ đến gặp một người đan sư giàu kinh nghiệm trong sa mạc. Anh ấy bày tỏ sự thất vọng của mình: “Con cảm thấy bản thân mình rất hạn chế. Con vẫn còn trì trệ như ở trong một cái ao hay một vũng nước”. Vị đan sư già đáp: “Vậy thì đừng làm cái ao. Hãy là một cái vịnh.” Một vịnh tất nhiên là hòa với đại dương bao la. Mỗi ngày nó được thay nước mới. Nó hiếm khi bị đình trệ. Thánh Gioan Tẩy Giả là như vậy. Ngài đang ở một nơi cực kỳ cô đơn vắng lặng, sa mạc Giuđê. Nhưng sa mạc là nơi mà người ta gặp gỡ Thiên Chúa. Và như vậy ngài không bị trì trệ, vì ngài luôn kết nối mình với đại dương lớn, là lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì vậy, trong Mùa Vọng này khi chuẩn bị cho biến cố Chúa quang lâm, chúng ta hãy kết nối với đại dương bao la là Thiên Chúa, vì tình thương đã đến với chúng ta, để rồi cuối cùng, “Mọi xác phàm sẽ được nhìn thấy sự cứu độ của Chúa!” (Cha Albert Lakra).
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm