Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C
CN 2 MV C
9-12-2018
Giáo xứ Phú Hạ Chầu Thánh Thể
GIÁO HUẤN SỐ 2
Thực trạng của gia đình (tt)
Niềm Vui của Tình Yêu Số 33
Đàng khác, “cũng cần phải xét đến nguy cơ ngày càng tăng về một thứ khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm biến chất các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập, đôi khi còn nổi lên tư tưởng cho rằng con người tạo nên chính mình bởi các ước muốn riêng tư vốn được xem như tuyệt đối. “Những căng thẳng xâm nhập từ một thứ văn hóa mang đậm tính cá nhân chủ nghĩa coi trọng chiếm hữu và hưởng thụ, làm nẩy sinh trong lòng các gia đình những hành xử thiếu kiên nhẫn và hung hăng”. Tôi muốn kể thêm vào đó cả nhịp sống gấp rút hiện nay, những áp lực, cơ cấu tổ chức xã hội và làm việc, vì đó cũng là những nhân tố văn hóa gây nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng có được những chọn lựa lâu dài. Đồng thời, chúng ta cũng thấy mình đang đối diện với những hiện tượng hàm hồ. Chẳng hạn người ta đề cao tư tưởng về một thứ nhân vị tôn vinh thứ chân thực đối lại với cung cách xử sự rập khuôn. Đó là một giá trị có thể phát huy những tài năng và tính bộc phát tự nhiên; nhưng nếu định hướng sai lạc, nó có thể tạo ra những thái độ ngờ vực thường xuyên, tránh né dấn thân, khép mình trong tháp ngà tiện nghi và kiêu căng. Sự tự do chọn lựa giúp ta tự hoạch định đời sống của mình và phát triển bản thân mình tốt nhất, nhưng nếu không có những mục tiêu cao thượng và kỉ luật cá nhân, tự do đó sẽ khiến người ta ngày càng mất dần đi khả năng quảng đại tự hiến chính mình cho tha nhân. Thực tế tại nhiều nước, nơi mà con số các cặp kết hôn đang giảm, thì ngày càng có nhiều người chọn sống độc thân, hay chung chạ như vợ chồng mà không sống chung một nhà. Chúng ta cũng có thể nêu lên một ý thức đáng khen ngày nay về đức công bằng; nhưng nếu hiểu không đúng, điều này sẽ biến các công dân thành những khách hàng chỉ quan tâm mỗi việc cung ứng các dịch vụ cho mình mà thôi”
——————————-
CN 2 MV C
(Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6)
Trong bộ sách “Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, cha Trương Bá Cần kể lại Lễ Giáng Sinh năm 1627 như sau : “Đêm Giáng sinh 1627, quân lính đã đột nhập vào nhà thờ Quảng Nam, giải tán giáo hữu” (Tập I, trang 62).
Cũng lễ Giáng sinh năm 1627, cha Bùi Đức Sinh viết : “Quan trấn mới, hoàng tử Nguyễn Phúc Anh là người không ưa đạo. Năm đó, nhân dịp thắng trận (nhà Trịnh miền Bắc), việc đạo được dễ dàng hơn, giáo dân tổ chức lễ Giáng sinh rất linh đình. Trước thánh lễ có kiệu Chúa Hài Đồng, kèn trống, bát âm, đốt pháo bông và bắn súng hỏa mai. Quan địa phương dựa vào thế quan trấn cho tuần tráng đến phá cuộc, tịch thu các đồ thờ và lấy của giáo dân. Chúa Sãi theo lời xúi giục của quan trấn, ra chỉ thị nhắc lại lệnh cấm đeo ảnh tượng, cấm tổ chức rước sách linh đình. Nhưng năm sau 1628, có sứ giả và tầu buôn Macao đến, các cha lại được tự do truyền đạo”
(Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 112).
Cha Nguyễn Hồng mô tả ngày lễ Giáng Sinh ở miền Bắc như sau : “Ngày lễ Sinh nhật, cha (Đắc Lộ) tổ chức nghi lễ rửa tội, để làm nổi ý nghĩa cuộc sinh lại trong ngày Chúa Giáng sinh, cha cho đặt nhiều ca vãn Sinh nhật để giáo dân cùng nhau ca hát trước lễ nửa đêm. Trước Chúa Hài đồng, cha giảng về mầu nhiệm Chúa đến cứu chuộc, và sau đó mọi người quì xuống bái lạy Chúa. Nhưng dạo đó, theo nền giáo dục chặt chẽ, phụ nữ không được ra khỏi nhà ban đêm, nên lễ ban sáng thường đông hơn. Sau lễ giáo dân thường lần hạt lên lạy và hôn chân Chúa Hài đồng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, quyển I, trang 117).
Cha Nguyễn Hồng cũng lặp lại nhận xét của cha Đắc Lộ về lòng đạo đức của giáo dân thuở đầu : “Đời sống thanh sạch vô tội và lòng đạo đức của những người tân tòng giáo đoàn xứ Bắc, là một bằng chứng hiển nhiên ơn Chúa phù hộ chúc phúc hơn cả những ơn lạ Người đã ban. Tôi có thể nói thực rằng, điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó bao nhiêu người Công giáo là bấy nhiêu thiên thần, và ơn phép rửa đã ban cho họ một tinh thần mà chúng tôi gặp thấy ở các Tông đồ và các Thánh Tử đạo của Giáo hội tiên khởi” (Sđd, trang 116).
Niềm vui của người giáo dân Viêt Nam thuở đầu trong mùa Giáng sinh phản ảnh niềm vui Chúa đến cứu trong lịch sử cứu độ.
Bđ1 : Bài đọc 1 đọc sách Ba-rúc. Ông Ba-rúc vừa là bạn vừa là thư ký của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Cả hai sống trong giai đoạn tang thương của đất nước bị ngoại xâm. Cả hai bị dân chúng lôi kéo sang Ai-cập lánh nạn. Nhưng đọc sách ông sẽ thấy được niềm vui Chúa cứu. Hãy đọc lại mấy dòng trong bđ1 : “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy bỏ áo tang khổ nhục và mặc áo vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng” (Br 5,1). Tên Ba-rúc của ông cũng nói lên niềm vui Chúa thương. Trong tiếng Hip-ri, Ba-rúc có nghĩa là “được chúc phúc”. Ba-rúc viết tắt từ chữ Be-rec-ya-hu, nghĩa là “Thiên Chúa chúc phúc” (Tự điển Kinh Thánh Oxford, trang 699).
BTM : Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô 16 viết về thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta trong BTM hôm nay như sau : “Trong suốt Mùa Vọng, phụng vụ làm nổi bật cách đặc biệt hai dung mạo chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai bước vào trần gian đó là Đức Trinh Nữ Maria và thánh Gioan Baotixita… Gioan không những là vị tiên tri cuối cùng trong số các tiên tri, mà ông còn đại diện cho toàn bộ chức vụ tư tế của Cựu Ước, và như thế Gioan giúp cho mọi người trong thời Tân Ước biết thờ phượng Thiên Chúa cách thiêng liêng, là thời đại mà Chúa Giêsu đã đến khai mở… Ngoài ra, thánh Luca đặt cuộc đời của Gioan Tẩy Giả trong bối cảnh lịch sử, khi ngài viết : ‘Năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Tibêriô Xêdarê, Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê…Anna và Caipha làm thượng tế’ (Lc 3,1-2). Chính trong khung cảnh lịch sử này mà cuộc sinh nở của Chúa Kitô là đại biến cố thật sự đã được định vị” (ĐGH Bênêđictô & ĐGH Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm C. Dịch giả : Lưu Văn Lộc, trang 21).
Bđ2 : Bài đọc 2 là thư thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê. Phi-lip-phê là thành phố Hy Lạp ngày nay, là thành phố đầu tiên ở Âu châu được đón nhận Tin Mừng. Thánh Phao-lô đến rao giảng vào năm 50 sau CGS. Thánh Phao-lô đã dành cho thành phố này một góc ấm áp trong tim Người. Người viết : “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em… Điều tôi khẩn khoản nài xin là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào… Anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Pl 1, 4.9.11).
Từ cuộc sống của các giáo dân Việt Nam buổi đầu đến Lời Chúa trong ba bài đọc toát lên niềm vui Giáng sinh, niềm vui Chúa đến cứu dân Người. Ước gì gia đình chúng ta cũng được chan chứa niềm vui Chúa giáng sinh.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành