Chúa Nhật II Phục Sinh Năm A – Kính Lòng Chúa Thương Xót


CN 2 PHỤC SINH A
Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
16/4/2023

CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hoằng Phước

GIÁO HUẤN SỐ 21
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Hoạt Động Có Năng Lực Thánh Hóa (tt)

Thật quá rõ, bất cứ gì được làm do bức xúc, kiêu ngạo hay bởi nhu cầu gây ấn tượng cho người khác thì sẽ không dẫn tới sự thánh thiện. Chúng ta được thách đố diển tả sự dấn thân của mình theo cách thế sao cho mọi sự ta làm đêu có ý nghĩa Tin Mừng và đều làm ta nên giống Đức Giêsu Kitô hơn. Chẳng hạn chúng ta thường nói về linh đạo của giảng viên giáo lý, linh đạo của linh mục giáo phận, linh đạo của việc làm. Cũng vì lý do ấy, trong Tông huấn Evangelli Gaudium tôi đã kết luận bằng cách nói về một linh đạo sứ mạng, trong Laudato Si tôi nói về một linh đạo môi trường, và trong Amoris Laetitia tôi nói về linh đạo đời sống gia đình (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 28).

SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Lễ CN.2.PS hôm nay cũng là lễ Lòng Chúa Thương Xót. Lễ này được Chúa Giêsu hiện ra nói với nữ tu Faustina vào năm 1931.

Nữ tu Faustina sinh năm 1905 tại Ba Lan. Chị là con thứ ba trong số 10 người con của một gia đình nông dân nghèo. Vì nghèo, nên chị chỉ được học đến lớp 2. Năm 15 tuổi chị xin đi tu nhưng cha mẹ từ chối, vì chị đi tu thì gia đình mất một tay. Nhưng 5 năm sau, 20 tuổi, cha mẹ đồng ý cho chị vào tu dòng “Chị Em Đức Mẹ Thương Xót”. Vì ít học, chị chỉ được nhà dòng sai làm những công việc hèn mọn như nấu bếp, làm vườn, canh cổng …, song chị đã làm với tất cả lòng mến Chúa và vâng phục. Ngày 5-10-1938, chị qua đời vì bệnh lao phổi, tuổi đời là 33, tuổi tu trì là 13.
Ngày 22-2-1931, khi 26 tuổi, vào dòng được 6 năm, Chúa Giêsu hiện ra, và tỏ bày lòng thương xót của Chúa. Chị kể lại như sau : “Vào buổi tối, lúc đang ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu mặc áo trắng. Tay phải giơ lên ban phép lành, tay trái đặt trên trái tim Chúa. Từ trái tim phát ra hai luồng sáng lớn : một mầu đỏ và một mầu xanh nhạt…
Chúa bảo tôi : Con hãy vẽ một bức ảnh như con nhìn thấy, cùng với hàng chữ : Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính, trước là trong nhà nguyện của nhà dòng, sau là trên khắp thế giới. Cha hứa rằng ai tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho họ thắng được những kẻ thù trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử”.

Về sau, Chúa còn bảo chị : “Cha ước ao có một lễ tôn kính Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức ảnh con vẽ, được làm phép trọng thể vào chúa nhật sau lễ Phục Sinh. Chúa nhật này cũng là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (Ngọc Đính CMC dịch, Cuộc Đời Thánh Nữ Faustina Kowaska, trang 60-61).

Phải đợi đến 69 năm sau, tức là ngày 30-4-2000, ngày phong thánh cho thánh nữ Faustina, lễ Lòng Chúa Thương Xót mới được Giáo Hội công nhận, cử hành. Người chuẩn nhận lễ này không ai khác là Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ngài là người Balan cùng quê hương với thánh nữ.
Ngài lên ngôi giáo hoàng ngày 16-10-1978. Ngài là vị giáo hoàng thứ 264. Sau gần 500 năm, Giáo hội có một vị giáo hoàng không phải là người Italia, hơn nữa là người trong nước cộng sản. Ngài ở trên ngôi giáo hoàng 26 năm. Ngài qua đời vào lúc 21g37 thứ bảy ngày 2-4-2005.
10g sáng hôm nay, theo giờ VN, Giáo hội phong chân phước cho ngài. Mới qua đời được 6 năm, mà Giáo hội đã phong chân phước, giống như Mẹ Têrêsa Calcutta cũng qua đời được 6 năm (5.9.1997-19.10.2003), được phong chân phước. Sở dĩ nhanh như thế, vì Đgh đương kim Bênêđíctô.16 muốn “gửi cho thế giới biết đến một con người thánh thiện”.

Hai biến cố, 2 sự lạ, nói đúng hơn là 2 phép lạ sau đây đủ minh chứng Đức GP.2 là “con người thánh thiện” :
– Phép lạ I : Đức giáo hoàng GP.2 bị ám sát vào ngày 13-5-1981, ngày kỷ niệm 64 năm Đức Mẹ hiện ra lần I tại Fatima. Ngài đứng trên xe mui trần tiến ra sân Đền thờ thánh Phêrô, thì anh Ali Agca 23 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, đứng cách xa 2m, bắn ngài. Anh bắn 4 phát súng. Đức Thánh cha bị thương ở bao tử, cùi chỏ mặt và ngón trỏ bàn tay trái. Ngài được chuyền lên xe cứu thương, vội vã chạy tới bệnh viện. Tuy rất đau đớn, mắt nhắm lại, nhưng miệng ngài vẫn luôn thì thào : “Maria, mẹ ơi! Maria, mẹ ơi! “. Anh Ali Agca bắn ngài vào lúc 17g10.
Cuộc giải phẩu kéo dài 5 giờ 20 phút. Cắt đi hơn 56 phân ruột. Không có bộ phận quan trọng nào bị trúng thương. Viên đạn đi qua cách động mạch chủ vài li. Nếu viên đạn trúng động mạch chủ, thì Đgh đã chết ngay lập tức.
Ngày 23-12-1983, hai năm sau bị ám sát, gần ngày lễ Chúa giáng sinh, Đgh vào nhà tù thăm anh Ali Agca, và tha thứ cho anh. Anh nói với Đgh : “Tại sao ngài không chết ? Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn có hậu quả tàn phá, và chắc chắn sẽ gây tử vong. Nhưng tại sao ngài lại không chết ?” (Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân Phước GP.II, trang 128).
Đức giáo hoàng đã trả lời : “Đức Mẹ đã bảo vệ”. Một vệ sĩ đã chụp được cảnh Đgh bị ám sát. Đức Mẹ đứng ngay sau lưng ôm Đgh. Tấm hình được đưa vào nhà thương cho Đgh coi. Đgh không cho phổ biến. Khi ngài tạ thế, tấm ảnh mới được phổ biến. Đgh nói về phép lạ này như sau : “Bàn tay này bắn, còn bàn tay kia thì lái viên đạn đi chỗ khác!”
Đgh bị ám sát chính là bí mật thứ ba của Đức Mẹ Fatima. Bí mật được chị Luxia kể như sau : “Tôi thấy một vị giám mục mặc áo trắng, và chúng tôi biết đó là Đức Thánh Cha… Khi đến được ngọn núi, ngài quì xuống dưới chân tượng Thánh Giá khổng lồ. Ở đó ngài bị đám lính giết chết. Họ bắn súng và mũi tên vào ngài…”
Chị Luxia, một trong ba em được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, qua đời ngày 14-2-2005, xác nhận : Đgh bị ám sát chính là bí mật thứ ba của Đức Mẹ Fatima.

Phép lạ II : Ngày 30-4-2000 Đức giáo hoàng thiết lập lễ Lòng Chúa Thương Xót vào CN 2 PS, thì Đgh qua đời đúng vào ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót, ngày 2-4-2005, và hôm nay 1-5-2011, lễ Lòng Chúa Thương Xót, Đgh được phong chân phước.

Khi còn sống, Đgh rất thương đất nước và GH Việt Nam. Cụ thể là Đgh đã chọn Đức ông Trần Ngọc Thụ làm thư ký, người VN đầu tiên được làm việc trong Tòa Thánh. Chọn Đức ông không chỉ vì tài ba, mà vì là người VN. Người thứ hai là ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, người tù 13 năm. Đặc biệt ngày 19-6-1988 ngài đã phong hiển thánh cho 117 vị chân phước tử đạo VN.

Lạy Chân phước giáo hoàng GP.2, chúng con là con dân VN, đất nước mà ngài thương yêu với cả trái tim, xin ngài thương cầu bầu cho đất nước và GH VN chúng con.

Bài Tin Mừng (Ga,19-31) : Năm nào, Chúa nhật II Phục sinh, Giáo hội cũng cho chúng ta đọc câu chuyện cứng lòng tin của thánh Tôma. Câu chuyện cho thấy đức tin chẳng những khó chấp nhận, mà còn bị thử thách.

Có một giai thọai về thánh Tôma như sau : Sau khi lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ mỗi người bắt thăm đi truyền giáo một nơi. Thánh Tôma bắt được thăm đi Ấn Độ. Thánh Tôma khăng khăng từ chối : “Tôi là người Do Thái, làm sao tôi đến ở và giảng chân lý cho người Ấn Độ được ?”
Đêm về Chúa Giêsu hiện ra bảo : “Tôma, con đừng sợ, con cứ đi và giảng lời Thầy cho họ, vì ơn Thầy ở với con.”
Nhưng thánh Tôma vẫn ngang bướng thưa : “Chúa sai con đi đâu con cũng đi, nhưng đi Ấn Độ nhất định con không đi.”
Rồi xảy ra sự việc. Có một thương gia tên là Abbanes từ Ấn Độ đến Giêrusalem. Ông được vua Ấn Độ là Gunđaphorus sai đi tìm một người thợ mộc khéo tay. Chúa Giêsu tiến về phía ông Abbanes đang đứng giữa chợ.
Chúa Giêsu hỏi ông : “Có phải ông muốn mua một người thợ mộc không ?”
Ông Abbanes đáp : “Thưa, đúng thế !”
Chúa Giêsu nói : “Tôi có một người nô lệ làm thợ mộc, tôi muốn bán.” Chúa lấy tay chỉ về phía thánh Tôma đang đứng đàng xa.
Sau khi đã thỏa thuận giá cả, Chúa viết giấy bán. Giấy bán viết như sau : “Tôi là Giêsu, con ông thợ mộc Giuse, bằng lòng bán tên nô lệ Tôma của tôi cho ông thương gia Abbanes của vua Ấn Độ.” Rồi Chúa Giêsu đi, đem thánh Tôma tới cho ông Abbanes.
Ông Abbanes chỉ tay vào Chúa Giêsu và hỏi thánh Tôma : “Người này có phải là chủ của anh không ?”
Thánh Tôma đáp : “Đúng, Ngài là ông chủ của tôi.”
Ông Abbanes nói : “Ông đã bán anh cho tôi rồi.”
Thánh Tôma không nói một lời. Sáng hôm sau, thánh Tôma thức dậy thật sớm để cầu nguyện. Cầu nguyện xong, thánh Tôma đến nói với Chúa Giêsu : “Con sẽ đi bất cứ nơi đâu Chúa muốn. Con hòan tòan vâng theo ý Chúa.” Trước kia thánh Tôma chậm tin, khó bảo bao nhiêu, thì nay Ngài mau mắn và sẵn sàng bấy nhiêu.
Đến Ấn Độ, vua ra lệnh cho thánh Tôma xây cho vua một cung điện. Vua tín nhiệm giao tiền bạc cho thánh Tôma. Song, thay vì mua vật liệu và thuê thợ làm, thánh Tôma đem tiền cho người nghèo. Mỗi khi vua hỏi cung điện xây đến đâu rồi, thánh Tôma đều trả lời sắp hòan thành. Cuối cùng, vua hồ nghi và đòi đi xem. Thánh Tôma thưa : “Bây giờ Ngài chưa thể trông thấy cung điện của Ngài, nhưng khi Ngài qua đời Ngài sẽ trông thấy.”
Nghe thánh Tôma nói, vua giận dữ, và tính mạng của thánh Tôma bị vua đe dọa. Nhưng rồi thánh Tôma đã làm cho vua theo đạo thánh Chúa và nước Ấn Độ của vua đã đón nhận Tin Mừng (Wlliam Barclay, Dương Đình Tảo chuyển ngữ, Tin Mừng theo Thánh Gioan, trang 479-480).

Trong tập sách “Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam”, cha Bùi Đức Sinh viết : “Truyền thuyết còn muốn thánh Tôma tông đồ đi xa hơn nữa, nghĩa là đặt chân lên đất Việt. Nếu không phải chính thánh nhân thì ít là một môn đệ trực tiếp của người, đã theo tầu buôn của những nước lân cận đến truyền giáo cho dân Việt, khi ấy đang là thời nội thuộc Trung Quốc, cả đất nước chia làm 3 quận : Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Người ta còn nói đến truyện Thái thú Sĩ Nhiếp (187-226) là một trong những Kitô hữu đầu tiên, có xây đền thờ Chúa trời đất trong dinh của ông tại Thanh Hóa… Trong đền có đặt tượng “Giatô thập tự ”, tức là Thánh giá (Sđd, T.I, trang 7-8).

Trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, thánh Gioan kể : lần họp đầu của các tông đồ, Chúa Giêsu hiện ra không có thánh Tôma. Vừa nghe nói, thánh Tôma không tin, còn đòi “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn.” (Ga 20, 25). Lần họp thứ hai, thánh Tôma có mặt. Chúa Giêsu hiện ra. Dù Chúa bảo ông : “Đặt ngón tay vào đây…Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, có lẽ thánh Tôma cũng không dám, và ngài đã tin. Ngài thưa với Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Từ “Thiên Chúa” thánh Gioan dùng lần đầu trong lời nhập đề là : “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1), và lần thứ hai qua miệng thánh Tôma hôm nay : “Lạy Thiên Chúa của con”. Từ không tin đến tin, tin thầy Giêsu của mình là Thiên Chúa. Lòng tin của Tôma hôm nay là nhờ họp hành với anh em. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng bảo : “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20).

Bài đọc 1 : Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay thánh Luca đã mô tả về cộng đồng những tín hữu tiên khởi. Một cộng đồng gồm 4 đặc điểm này :
1/ Trau dồi giáo lý : “Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy” (Cv 2,42).
2/ Hợp nhất, giúp đỡ lẫn nhau : “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44). Đây là chế độ cộng sản đầu tiên của nhân lọai. Cộng sản thật, nghĩa là có thật trong thực hành, chứ không chỉ có trong lý thuyết. Nhưng không bắt buộc, mà tự do. Vợ chồng Khanania và Xaphira bán một thửa đất, giữ lại một phần tiền, nhưng khi đem lại cho thánh Phêrô thì nói là đem tất cả, nên thánh Phêrô đã trách : “Sao lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất ? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao ? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền của bán đó sao ?” (Cv 5,3-4).
3/ Hằng ngày lên Đền thờ cầu nguyện: “Ngày chuyên cần đến Đền thờ…Cầu nguyên không ngừng” (Cv 2,46.42).
4/ Tham dự thánh lễ : “Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv 2,42). Ngày xưa gọi thánh lễ là “lễ bẻ bánh”.
Các tín hữu đầu tiên đã sống với nhau đòan kết, vui vẻ, sốt sắng như thế, nên kết qủa là “Được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47).

Bài đọc 2 (1Pr 1,3-9) : Dù có sự nâng đỡ lẫn nhau, song đức tin vẫn bị thử thách. Trong thư thánh Phêrô đọc hôm nay đã viết : “Anh em còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ qúi hơn vàng gấp bội – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa” (1Pr 1,6-7).
Còn chúng ta hôm nay, đức tin của chúng ta có được sưởi ấm bằng giáo lý, lời cầu nguyện, thánh lễ, và có được củng cố bằng sự nâng đỡ lẫn nhau không ? Cảm tạ Chúa, chúng ta vẫn còn đức tin, và đức tin của chúng ta vẫn chiếu sáng ra chung quanh.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu
chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha;
xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo
hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.
Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II
HỘI THÁNH LÀ CỘNG ĐOÀN SỐNG LẠI
(Hội An 16/4/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Biến cố Chúa Giê-su phục sinh không là chuyện riêng lẻ, mà là một biến cố mang tính cộng đồng. Chúa Giê-su đã sống lại cho nhân loại, đặc biệt cho cộng đoàn các tông đồ. Những người theo Chúa Giê-su luôn tin rằng đức tin vào Chúa Giê-su, Đấng đã sống lại và đang sống hôm nay, liên đới đến mọi thành phần, chứ không là chuyện riêng tư. Vì thế, người sống đức tin là người khát khao đời sống cộng đoàn, trong đó, người tín hữu thể hiện đức tin của mình và được nuôi dưỡng đức tin. Nhưng, cộng đoàn nào? Chúa Giê-su muốn Hội Thánh là cộng đoàn nào?
1. Hội Thánh, cộng đoàn cần được đánh thức
Chắc chắn cộng đoàn của Chúa phục sinh không phải là cộng đoàn co rúm trong sợ hãi hay biếng nhác. Sau khi Chúa Giê-su chịu chết, các tông đồ co cụm lại thành một cộng đoàn sợ hãi. Họ có lý do sợ hãi và quên mất lời Chúa tiên báo Ngài sẽ sống lại, bởi mắt họ chứng kiến đám đông giận hét lên án đóng đinh Chúa, làm nhục thầy Giê-su, mà Chúa Giê-su không một lời phân bua. Họ nghe cô Mađalêna nói đã thấy mồ trống, nhưng trong tai họ vẫn còn âm vang tiếng búa chát chúa nện vào những cây đinh gắn chặt Chúa vào thánh giá cho hả cơn thù. Vì thế, nỗi sợ hãi đã khiến các tông đồ tụ lại với nhau, đóng chặt cửa cách ly với thế giới, tạo thành một cộng đoàn rũ rượi, mất đức tin.
Tôi chợt nghĩ, tình trạng của các tông đồ thỉnh thoảng là tình trạng của tôi và của anh chị em. Trước đây, một gia đình Công Giáo rủ nhau tham dự thánh lễ ai cũng thấy, đọc kinh hằng ngày trong nhà thì hàng xóm đều nghe, biểu hiện đức tin trong lời nói và qua việc làm là điều bình thường, ngay cả bình thường trước mắt thiên hạ. Nhưng nay, hầu như các việc đạo đức bị xem là bất thường trong xã hội tục hóa, ngay cả trong cái nhìn của người tín hữu, nên nhiều gia đình Công Giáo trở thành một cộng đoàn sợ tham dự thánh lễ, sợ đứng gần nhau thể hiện một cộng đoàn đức tin và sợ đọc kinh thờ phượng Chúa, sợ hãi sống niềm tin vào Chúa. Thậm chí, đề tài sống đức tin bị tối kỵ ngay cả trong gia đình Công Giáo hay giữa những bạn trẻ Công Giáo, vì cho rằng đức tin vào Chúa là nguyên nhân gây chia rẽ. Do đó, tưởng là đang sống êm ả, nhưng theo nhận xét của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, tình trạng Hội Thánh ngày nay đang chùng xuống về tinh thần truyền giáo. Một khi không còn chú tâm loan báo Tin Mừng, cộng đoàn gia đình, giáo xứ hay giáo phận chỉ còn là một nhóm người mất hết sức sống, dù vẫn tụ họp nhau thành một cộng đoàn. Một trong những tội lớn nhất trong cộng đoàn là ủ rũ và buồn phiền. Người ta đóng khung với nhau trong vài người rồi chỉ trích người khác, hay than phiền “chán ngấy rồi. Đó là thứ ung nhọt có thể lan ra toàn thân, toàn cộng đoàn.
2. Hội Thánh, cộng đoàn sống lại
Vậy, cộng đoàn của Chúa phục sinh là cộng đoàn thế nào? Tin Mừng hôm nay cho biết, đó là cộng đoàn được bình an của Chúa và được sai đi: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21).
Trước hết, lời “bình an cho các con” của Đấng phục sinh không là lời chào chúc thông thường, nhưng làm cho các tông đồ nhớ đến lời Chúa đã nói trước cuộc phục sinh: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Bình an Chúa phục sinh ban không là bình an như thế gian mong đợi hay ban tặng, mà là sự hiện diện của Chúa giữa cộng đoàn các tông đồ. Chúa Giêsu chính là lòng thương xót của Chúa Cha, sự hiện diện của Ngài là bằng chứng lòng thương xót của Chúa Cha thể hiện cách cụ thể. Ngài là niềm vui và sự bình an cho cộng đoàn tín hữu.
Thứ đến, sự hiện diện của Chúa phục sinh giữa cộng đoàn để biến cộng đoàn thành một cộng đoàn sống động có sức loan báo Tin Mừng: “Thầy sẽ làm cho các con thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Vì thế, không một Ki-tô hữu nào trong cộng đoàn Hội Thánh sống như một du khách giữa thế giới này, nhưng là một tông đồ, một thừa sai, một người được Chúa sai đi phục vụ cho cánh đồng truyền giáo đang rộ khắp nơi, mà thiếu thợ gặt. Tôi được nghe kể lời của đức cha Alex Phạm Văn Lộc cầu nguyện lớn tiếng với Mẹ La-vang: “Giáo phận con đang có hơn 20.000 người muốn học biết Chúa, mà con không có đủ người để giúp cho họ.” Tôi cũng đã có kinh nghiệm này tại giáo xứ của tôi.
Cộng đoàn gia đình, cộng đoàn giáo xứ hay cộng đoàn giáo phận là cộng đoàn Chúa Giê-su phục sinh mong đợi mạnh dạn như cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi được nói đến trong sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay: họ bền bỉ học hỏi giáo lý, sống tình anh em, tham dự thánh lễ và cầu nguyện, một lòng một ý ra sức gia tăng số người được cứu rỗi. Đó cũng là cộng đoàn Chúa phục sinh đang chờ đợi nơi cộng đoàn chúng ta.
Phải chăng tôi vẫn cứ thờ ơ hay sợ hãi giúp người khác biết Chúa? Phải chăng gia đình tôi vẫn cứ tiếp tục phớt lờ lời Chúa nói “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” và để mặc sứ mạng truyền giáo? Phải chăng giáo xứ tôi cứ lo làm sáng danh hay sáng mặt giáo xứ mà quên “chài lưới người”?
Xin Chúa cho chúng con nhớ rằng chúng con là đoàn người sống lại, là cộng đoàn của Đấng phục sinh và là cộng đoàn được sai đi loan báo Tin Mừng. Một ngọn đèn nhỏ đã đóng góp nhiều trong đêm tối, mỗi Ki-tô hữu trong cộng đoàn chúng con bắt tay vào việc truyền giáo, mùa gặt các linh hồn sẽ có kết quả tốt đẹp biết bao giữa cánh đồng xã hội hôm nay. Xin Chúa phục sinh ở cùng chúng con.

 

SUY NIỆM III

DẤU ẤN CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang

Tôi đọc trên mạng câu chuyện của một chàng thanh niên viết về mẹ của mình như sau: Từ bé mồ côi cha. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm trời, bà cực nhọc, ròng rã nuôi tôi. Nhưng suốt thời thơ ấu cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng không thích mẹ, không bao giờ giới thiệu cho ai gặp mẹ mình cả, không cho mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là… bà mẹ bị chột một mắt.

Ngày nọ, mẹ tôi ghé qua trường thăm tôi. Tôi thấy mẹ đến liền ra nói: “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… tôi thực sự chẳng thích bà”. Người mẹ chột mắt buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy dài nơi con mắt còn lại. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về. Sau tan học, tôi về nhà và la quát mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bà hiểu không?”. Bà mẹ âm thầm không nói một câu dù biết người con bội bạc, vô lễ, bất hiếu và mất dạy.

Thế là tôi bỏ nhà đi. Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành. Và rồi sau những tháng ngày miệt mài Tôi đã dành được 1 suất học bổng du học bên Singapore. Tôi hạnh phúc và yên vui sống ở đấy và không bao giờ nghĩ tới bà mẹ hiền ở quê nắng mưa thế nào! Sau 5 năm tôi có vợ và có 2 con, một gia đình giàu có và hạnh phúc. Tôi cũng gửi tiền về xây cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và hàng tháng gửi chút tiền về cho mẹ. Tôi tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con, cho nên không cần cho mẹ biết tôi ở đâu vì biết sợ mẹ đến làm xấu hổ vợ con. Và rồi một ngày. Bà quyết định sang   bằng được để được nhìn thấy đứa con và cháu nội lớn lên như thế nào. Vừa bước vào nhà, đứa cháu nội chạy ra, bà chưa kịp ôm cháu mừng rỡ, thì đứa cháu khóc thét lên vì sợ hãi với hình dạng của bà nội. Tôi vừa ngạc nhiên và bực tức, quát mắng: “Bà còn sang đây làm quái gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?”. Bà lặn lẻ ra đi trong những nỗi đau xót.

          Vài tháng sau, tôi hay tin mẹ tôi qua đời. Tôi quyết không về nhưng vợ tôi nói: “Anh ơi nghĩa tử là nghĩa tận, dù sao bà cũng là mẹ anh sinh nặng đẻ đau, cho anh bú bớm thành người hôm nay”. Nghe vợ nói mà lòng xót xa, nên mua vé máy bay bay về Việt nam. Về đến nhà thì mẹ tôi được những người hàng xóm chôn 3 ngày rồi. Tôi lần vào buồng nhìn trên gường thấy chiếc gối mẹ tôi nằm ru tôi ngủ khi xưa. Cầm chiếc gối lên, tôi thấy một lá thư chính mẹ viết: “Con trai yêu! Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé…. Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác để cho con khỏi lo phiền, khỏi bực tức nữa. Nhưng, con biết không? Mẹ yêu con! Mẹ có thể đánh đổi tất cả: Có thể hy sinh con mắt của mình dành cho con. Hy sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời. Con biết không khi con còn nhỏ vì con ham chơi con bị tai nạn và bị hỏng một con mắt. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, và Mẹ đã để bác sĩ thay mắt mẹ cho mắt hư của con. Cho nên, hôm nay mới còn lại vết sẹo trên mắt và mắt chột xấu xí này. Dù sao mẹ vẫn thương con vô ngần con trai yêu quý của mẹ.

          Phúc âm hôm nay kể: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các ông vui mừng vì được thấy Chúa”. Tại sao khi “xem tay và cạnh sườn” Tay và cạnh sườn Chúa có gì để xem? Thưa đó là các vết sẹo, những dấu ấn tình yêu thương xót của Chúa dành cho chúng ta. Chúa Kitô phục sinh đã tiến vào vinh quang của Thiên Chúa, thân xác phục sinh Ngài cũng được biến đổi vinh quang. Ngài không còn phụ thuộc những hạn chế theo bản tính tự nhiên nhân loại nữa. Thế mà Ngài vẫn còn lưu giữ những vết sẹo của tình thương đó trên thân thể phục sinh của Ngài. Và Ngài đã cho các môn đệ xem những vết thương đó như bằng chứng xác thực rằng Ngài đã chịu chết và nay đã phục sinh chỉ vì yêu chúng ta dù chúng ta có tội lỗi, có bất hiếu và phản bội Chúa.

Khi các môn đệ nhìn thấy các vết thương tình của Chúa Giêsu, thì vui mừng. Tại sao vui mừng? Vì Chúa Giêsu là Thầy là Chúa phục sinh đang hiện diện trước mặt các ông, và những vết thương rành rành của Chúa đây nên không thể lầm lẫn Chúa mình với bất cứ ai khác. Thầy Giêsu không phải Thầy với một cái xác chết bất động, thối rữa, nhưng là Thầy đang sống và sống trong vinh quang, sống không bao giờ chết nữa. Cũng giống như vết sẹo và đôi mắt chọt của người mẹ kia là chứng tích của lòng thương xót của người mẹ dành cho con, cũng thế, những vết thương trên thân mình Chúa Kitô phục sinh không còn là dấu hiệu của ô nhục thất bại đau thương nữa, mà là dấu ấn lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta từ nay cho đến ngàn thu và cũng là hiệu vinh quang sau khi đã chiến thắng sự chết, mở đường cho chúng ta tiến vào sự sống vĩnh cửu.

Cho nên, những vết thương của Chúa Kitô phục sinh là những vết thương của lòng thương xót, bởi vì Ngài đã mang lấy thương tích đó vì tội lỗi chúng ta, để đền tội thay cho chúng ta. Cho nên, Thánh Phêrô ca ngợi những vết thương của Đức Kitô: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài… Tội lỗi của chúng ta, chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,21-24).

Chúa Giêsu đã dùng những thương tích của Ngài để chữa lành chúng ta. Vâng, nhờ cuộc phục sinh của Ngài mà Ngài chữa lành tật bệnh con người, nhất là chữa lành tật bệnh cơ bản nhất đó là tội lỗi. Chính vì vậy mà khi được xem tay và cạnh sườn của Chúa, các môn đệ đã vui mừng; và Tôma đã tin và tuyên xưng cách mạnh mẽ: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Vậy, ước gì Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta cũng nhờ những vết thương của Chúa Kitô mà được chữa lành phần hồn phần xác. Cũng như đối với các môn đệ, chúng ta hãy siêng năng chạy đến với lòng thương xót Chúa để được gặp gỡ Chúa, tin tưởng vào Chúa và tín thác vào lòng thương xót của Chúa Kitô phục sinh, chúng ta sẽ được tràn đầy niềm vui, bình an, hạnh phúc và hy vọng dù cuộc đời chúng ta có ba chìm  bảy nổi chín lênh đênh. Vì chưng, Lời Chúa trong bài đọc hai quả quyết rằng: “anh chị em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,6-8).

Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin thương xót chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.