Chúa Nhật II Phục sinh – Năm C


CN.2.PS.C

(Cv 5,12-16; Kh 1,9…19; Ga 20,19-31)

Chúa nhật hôm nay là lễ “LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT”. Lễ này được Đức chân phước giao hoàng Gioan-Phaolô II thiết lập vào ngày 30-4-2000, theo ước muốn của Chúa bày tỏ cho nữ tu Faus-ti-na.

Nữ tu Faus-ti-na sinh năm 1905 tại Ba-lan. Chị là người con thứ ba trong 10 người con của một gia đình nông dân nghèo khổ. 15 tuổi chị xin đi tu, nhưng cha mẹ không bằng lòng. Mãi khi 20 tuổi chị mới được phép.

Con nhà nghèo, học hành không có, nhà dòng sai chị làm những việc rất hèn mọn như nấu bếp, làm vườn, coi nhà, canh cổng. Nhưng chị làm với tất cả vì lòng  mến Chúa và cứu các linh hồn.

Ngày 22-2-1931, sau 6 năm vào dòng, Chúa Giê-su hiện ra với chị. Chị thấy toàn thân Chúa sáng ngời, và từ Trái Tim Chúa chiếu ra hai luồng sáng phá tan bóng tối sự chết và tội lỗi. Chân Chúa bước tới gần kêu gọi mọi người nhìn lên Chúa. Tay trái Chúa chỉ vào trái tim như mời gọi mọi người tin cậy vào lòng Chúa thương xót.

Trong kinh Cầu Xin Lòng Chúa Thương Xót có câu : “Lạy Cha từ bi, chỉ mình Cha mới phán xét con. Cha không bao giờ từ chối khi con thống hối ăn năn, chạy tới lòng thương xót của Cha, nơi mà chưa một linh hồn nào bị từ chối, mặc dù họ là một linh hồn vô cùng tội lỗi. Lời Chúa Giêsu, Con Cha, đã bảo đảm với con rằng : ‘Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ một linh hồn tín thác’

Đọc sách TM thánh Gio-an, những lần Chúa Giê-su sống lại hiện ra là những lần Chúa biểu lộ lòng Chúa thương xót.

Chúa nhật Phục sinh vừa qua, sách TM thánh Gio-an kể : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mac-đa-la đi đến  mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : ‘Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,1-2).

Hai tông đồ Phê-rô và Gio-an vội chạy ra mộ. Thấy khăn liệm và khăn che đầu được gấp lại và để gọn gàng, hai ông tin Chúa sống lại.

Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la tưởng là người ta đã lấy mất xác Chúa, thì Chúa hiện ra với bà. Chúa gọi tên bà, bà nhận ra Chúa (20,10).

 

BTM : BTM thánh lễ hôm nay cho biết : vì mới có hai tông đồ Phê-rô Gio-an và bà Ma-ri-a Mác-đa-la tin Chúa sống lại, còn các người khác chưa tin. Nên Chúa thương, ngày chúa nhật sau, khi các tông đồ họp nhau, Chúa hiện ra cho các ông, và cho các ông thấy các vết thương của Chúa.

Chẳng những Chúa thương các tông đồ, Chúa còn thương mọi người. Chúa biết loài người vẫn phạm tội, làm Chúa đau khổ, và làm cho nhau đau khổ, nên Chúa ban quyển tha tội cho các tông đồ, để các tông đồ tha tội cho loài người : “Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).

Trong buổi nhóm họp này vắng mặt tông đồ Tô-ma. Các tông đồ kể lại, tông đồ Tô-ma không tin, còn cao giọng nói : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).

Dù ông Tô-ma cứng lòng tin, Chúa cũng thương. Chúa nhật tuần sau, Chúa hiện ra để ông tin. Chúa bảo ông : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

 

Bđ1 : Sách Công vụ Tông đồ trong bđ1 hôm nay kể lại những người Do thái nghe các tông đồ giảng và tin theo Chúa. Sách viết : “Càng ngày càng thêm nhiều người tin theo Chúa. Cả đàn ông đàn bà rất đông” (Cv 15,14). Họ đúng là “những người không thấy mà tin”.

 

Bđ2 : Chẳng những họ tin, họ còn chịu khổ vì đức tin. Sách Khải Huyền kể lại những đau khổ của các con cái Chúa. Chính bản thân thánh tông đồ Gio-an cũng phải chịu. Ngài kể : “Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cũng chia sẻ nỗi gian truân…và cùng kiên trì chịu đựng với anh em” (Kh 1,9).

Nhưng Chúa không để con cái Chúa chịu đau khổ một mình. Chúa đã hiện ra, truyền cho thánh Gio-an viết sách Khải Huyền để an ủi và khích lệ các con cái Chúa chịu đau khổ vì Chúa.

Ước gì trong cuộc sống dẫy đầy nước mắt này, chúng con cảm nếm được lòng thương xót của Chúa. Amen

7-4-2013

———————————-

CN.2.PS.C

Có một giai thọai về thánh Tôma như sau : sau khi Chúa Giê-su về trời, các tông đồ bắt thăm để đi truyền rao Tin Mừng. Thánh Tô-ma bắt phải thăm đi Ấn-độ. Ngài từ chối, lấy lý do là không đủ sức khỏe. Ngài còn nại lý do bất đồng ngôn ngữ để từ chối. Ngài nói : “Tôi là người Do-thái, làm sao tôi đến giảng cho người Ấn-độ được”.

Đêm về Chúa Giê-su hiện ra và nói vơi thánh Tô-ma : “Tô-ma, con đừng sợ. Con hãy đi giảng lời Thầy cho dân Ấn-độ. Ơn Thầy đủ cho con”. Nhưng thánh Tô-ma vẫn cứng cổ thưa : “Thầy muốn con đi bất cứ đâu, con cũng sẵn sàng, nhưng đi Ấn-độ tuyệt đối con không đi”.

Ông Ab-ba-nes được vua Ấn-độ sai đến Giê-ru-sa-lem tìm một người thợ mộc khéo tay. Chúa Giê-su gặp ông ở chợ và hỏi : “Có phải ông muốn mua một người thợ mộc không ?”. Ông Ab-ba-nes thưa : “Phải, tôi muốn mua một người thợ mộc”. Chúa Giê-su bảo ông : “Tôi có một người nô lệ làm thợ mộc rất héo tay, Nếu ông muốn, tôi bán cho ông”. Vừa nói Chúa Giê-su vừa chỉ vào thánh Tô-ma đang đứng đàng xa. Sau khi thỏa thuận giá cả, Chúa viết giấy bàn như sau : “Tôi là Giê-su, con ông thợ mộc Giu-se. Tôi bán người nô lệ của tôi tên là Tô-ma cho ông Ab-ba-nes, một thương gia của vua Ấn-độ”. Hai bên ký kết và thanh toán tiền bạc xong, Chúa Giê-su đem thánh Tô-ma giao cho ông Ab-ba-nes. Sáng hôm sau thức dậy, thánh Tô-ma cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, con xin vâng theo ý Chúa”.

Thánh Tôma được đưa về Ấn-độ và được đem đến trình diện vua Ấn. Vua sai ông đi xây cung điện cho vua. Vua hoàn toàn tín nhiệm ông. Vua đưa cho ông nhiều tiền để mua vật liệu và thuê thợ. Thay vì dùng tiền để xây cung điện, thánh Tô-ma dùng giúp đỡ người nghèo.

Mãi chưa thấy có cung điện, vua hỏi thánh Tô-ma : “Nhà ngươi có xây cung điện cho ta không ?”. Thánh Tô-ma thưa : “Dạ, có”. Vua hỏi : “Khi nào ta đến xem cung điện của ta ?”. Thanh Tô-ma đáp : “Bây giờ hoàng thương chưa thể xem được. Khi qua đời, hoàng tượng sẽ thấy cung điện của hoàng thương”.

Thoạt nghe, vua giận dữ, truyền đem thánh Tôma đi giết. Nhưng khi được thánh Tô-ma giảng Nước Trời, vua vui sướng theo đạo, để được vào cung điện Nước Trời.

Theo lịch sử Giáo Hội, thánh Tô-ma đã đi rao giảng Tin Mừng cho nươc Ấn-dộ. Các học trò của ngài sang Trung Hoa giảng đạo, sang cả Việt Nam. Thái thú Sĩ Nhiếp sang cai trị Việt Nam từ năm 187 đến 226. Cơ quan của ông ở Thanh Hóa. Ông đã treo Thánh Giá trong cơ quan.

 

BTM : Niềm tin của GH là niềm tin “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Các tông đồ được phúc “thấy”, để rồi xây dựng niềm tin “không thấy” của GH. Vì thế khi hiện ra, Chúa Giê-su truyền : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (20,21). Trước khi ra đi, các tông đồ được Chúa trang bị bằng ơn Chúa Thánh Thần : “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần” (20,22).

Nhờ các tông đồ, GH cùng một niềm tin như các ngài là tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28).

Thiên Chúa (Giavê) là tên Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê. Người Do Thái không dám kêu tên Thiên Chúa, vì sợ bất kính. Trong cầu nguyện, ngưới Do Thái dùng từ A-đô-nai, nghĩa là “Chúa của con”.

Vậy khi gọi Chúa Giê-su là “Chúa” là tin nhận Người là “Thiên Chúa”, Đấng sáng tạo, Đấng tối cao, Đấng toàn năng.

Trong tiếng Hy lạp, từ “Chúa” là “Ki-tô”. Ki-tô được dùng để gọi Xê-da, vua Rô-ma. Họ coi Xê-da như là một Thiên Chúa, và khi ông chết người ta đã thần thánh ông. Khi tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, là Ki-tô, các tín hữu từ chối vua Xê-da là chúa. Chỉ có Đức Giê-su là Chúa mà thôi. Sự từ chối này khiến các Ki-tô hữu phải chết, phải tử đạo.

 

Bđ2 : Đúng vậy, các Kitô hữu đã bị bắt bớ, tử đạo. Chính thánh Gio-an tông đồ cũng phải bị tù đày ở đảo Pat-mốt. Người viết trong bđ2 ; “Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vướng quốc, và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong trong Đức Giêsu” (Kh 1,9).

Chúa đã hiện ra bảo thánh Gio-an viết sách Khải Huyền để an ủi khích lệ các con cái Chúa bị bắt bớ tù đày vì đạo thánh Chúa.

 

Bđ1 : Sách Công vụ Tông Đồ cho biết, tuy các nhà lãnh đạo không tin theo lời các tông đồ giảng dạy, nhưng dân chúng thì tin theo : “không ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa, cả đàn ông đàn bà rất đông” (Cv 5,13).

_______

CN.2.PS.C

Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh của Chúa nhật II Phục sinh hôm nay, chúng ta sẽ thấy Chúa như câu đáp ca của thánh lễ : “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Bài đọc 1 : Suốt Mùa Phục sinh, Giáo hội cho chúng ta đọc sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Lu-ca. Bài đọc 1 thánh lễ hôm nay nói đến cộng đoàn những “những người tin theo Chúa” (Cv 5,14). Thánh Luca không còn gọi họ là những người theo đạo Do Thái nữa, mà gọi họ là “những tín hữu” (5,12), “những người tin theo Chúa”.

Những người tin theo Chúa tập họp lại thành một cộng đoàn. Thánh Lu-ca đã ba lần mô tả cộng đoàn này. Bđ1 hôm nay là lần thứ ba. Thánh Luca mô tả : “Mọi tín hữu đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Sa-lô-môn” (5,12). Cộng đoàn có 3 đặc điểm :

1/ đồng tâm nhất trí với nhau,

2/ thường hội họp, nghĩa là hằng tuần cử hành “lễ bẻ bánh” (Cv 2,42), tức là thánh lễ,

3/ công đoàn còn tin nhận các thánh tông đồ là những vị lãnh đạo. Thánh Lu-ca kể : “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố, đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó” (5,15). Các tông đồ thay mặt Chúa lãnh đạo, nhân danh Chúa lãnh đạo, lãnh đạo bằng quyền năng của Chúa. Chúa đã sống lại, nên Chúa hiện diện và hành động qua các tông đồ. Chúng ta “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ”, Chúa nhân từ gọi chúng ta vào cộng đoàn những người tin Chúa, vào Giáo hội của Chúa, vào giáo xứ, vào cộng đoàn tu trì.

Bài đọc 2 : Sách Khải Huyền của thánh Gio-an cũng được đọc liên tiếp trong 6 Chúa nhật mùa Phục sinh. Khải huyền là một lối văn xuất hiện vào thế kỷ II trước Chúa giáng sinh. Khải huyền làm sống lại phong trào các ngôn sứ đã vắng mặt từ lâu. Khải huyền dùng lối văn biểu tượng, hình ảnh, mầu sắc, con số, sự vật, con vật, và những ẩn dụ. Khải huyền có nghĩa là “vén mở những gì ẩn dấu”, tức là “mặc khải”. Sách Đa-ni-en là sách dùng lối văn khải huyền đầu tiên, vào giữa thế kỷ II trước CGS. Sách Khải huyền của thánh Gio-an đã mượn nhiều hình ảnh của sách Đa-ni-en. Chẳng hạn hình ảnh “Con Người”.

     Bđ2 thánh lễ hôm nay đã kể thị kiến đầu tiên của thánh Gioan. Thị kiến đó như sau : “Tôi đang ở đảo Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Chúa Giêsu. Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn nói rằng : “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh’. Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có có thắt đai bằng vàng” (Kh 1,9-13).

“Con Người” là hình ảnh ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng 93 lần để diễn tả về thân phận con người. Ngôn sứ Đa-ni-en dùng để diễn tả Đấng Thiên sai và Vị Vua, đã dùng quyền năng để thống trị  sức mạnh sự dữ và ngày sau hết sẽ chiến thắng. Khi dùng hình ảnh “Con Người”,  thánh Gio-an muốn nói rằng : với sự sống lại của Chúa Giê-su, thời sau hết đã đến. Con Người mặc áo choàng và thắt đai vàng là hình ảnh vị thượng tế trong sách Xuất hành (28-29). Chúa Giê-su chính là vị thượng tế tối cao thay cho các vị thượng tế của đạo Do thái. Cũng như các Giáo hội thay cho những cây đèn vàng trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Thị kiến xảy ra vào “ngày của Chúa”, tức là vào ngày chúa nhật, ngày Chúa sống lại.

 Như thế, bđ2 thánh lễ hôm nay cũng đã nói đến các tín hữu Chúa họp nhau để cử hành thánh lễ vào mỗi ngày chúa nhật. Chúng ta “hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ”, Chúa đã cho chúng ta cũng được phúc hằng tuần vào các ngày chúa nhật hay hằng ngày được đến nhà thờ, để cử hành “lễ bẻ bánh”, cử hành thánh lễ với Vị Thượng tế Giêsu.

Bài Tin Mừng : Chúng ta còn tạ ơn Chúa, vì trong thánh lễ, chúng ta được gặp Chúa. Bài TM thánh lễ hôm nay kể Chúa sống lại hiện ra với các tông đồ cũng vào ngày chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần : “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : ‘Bình an cho anh em’. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20).

 Thánh Gio-an kể Chúa hiện ra hai lần. Lần thứ nhất thánh Tô-ma vắng mặt, nên đã không gặp được Chúa. Lần thứ hai thánh Tô-ma có mặt, nên đã gặp được Chúa. Để thỏa mãn đòi hỏi của ông, Chúa đã cho ông xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn. Có lẽ ông đã không xỏ, không đặt. Dù vậy, ông đã tin và tuyên xưng : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (20,28), nghĩa là ông tin nhận Chúa là ông chủ và là Thiên Chúa của ông.

Như thế, lần thứ nhất thánh Tô-ma không đi lễ chúa nhật với anh em, nên ông đã không gặp được Chúa; còn lần thứ hai, ông đã đi dâng lễ chúa nhật, nên ông đã gặp được Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa đã cho chúng ta đi dâng lễ, không những chúng ta được gặp Chúa, mà còn được Chúa ngự vào lòng chúng ta. Chính nhờ thánh lễ, cuộc sống hằng ngày có trăm bề thử thách, có ngàn nỗi ê chề, chúng ta vẫn bình an, vẫn vui sống. Trái lại, người ta không đi lễ, nên người ta không đủ can đảm để đương đầu với những thử thách khổ đau, người ta đã chán đời, người ta đã hận đời.

Năm 1645, cha Đắc Lộ bị chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Trong khi chờ xuống tầu của người Bồ tới buôn bán. Cha bị quản thúc trong một gia đình người Nhật ở Hội An. Ông Phan-sinh, chủ gia đình, tối đến bắc thang cho cha trèo qua cửa sổ sang nhà có đạo bên cạnh, để gặp gỡ giáo dân, rửa tội, giải tội và dâng thánh lễ. Độ 2 giờ sáng cha trèo về. Cứ thế được 22 ngày. Cha kể : nhiều người từ vùng biên giới cách xa cả ngàn dặm, cũng không quản ngại tìm đến.

Bởi vì họ cần được gặp Chúa, cần có Chúa trong cuộc đời.

Linh mục Nguyễn Trung Thành