Chúa Nhật II TN Năm A


CHÚA NHẬT 2 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

19-1-2010

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Hương

GIÁO HUẤN SỐ 8

Lời thiên chúa nói gì về người trẻ (tt)

 

Những người trẻ cũng được huấn dụ: ‘Chấp nhận quyền bính của các bậc cao niên (1Pr 5,5).  Thánh Kinh không ngừng nhấn mạnh rằng các bậc niên trưởng phải được chân thành kính trọng, vì họ có cả một kho tàng kinh nghiệm, họ từng trải những thành công và thất bại, những niềm vui và nỗi khổ trong đời, những ước mơ và những thất vọng. Trong sâu thẳm tâm hồn an tĩnh của mình, họ có cả một kho tàng kinh nghiệm có thể dạy chúng ta biết mình lầm lỗi hay đừng bị dụ hoặc bởi những lời hứa hẹn phỉnh gạt. Một hiền nhân cổ thời kêu gọi chúng ta tôn trọng một số giới hạn và làm chủ các xung năng của mình: “Hãy thúc đẩy các người trẻ biết làm chủ chính mình (Tt 2,6). Thật vô ích việc sùng bái tuổi trẻ hay điên rồ loại trừ người khác chỉ vì họ lớn tuổi hơn hay vì họ thuộc thế hệ khác. Đức Giêsu bảo chúng ta rằng người khôn ngoan có thể rút ra từ kho tàng của họ cả những thứ mới và cũ (x. Mt 13,52). Một người trẻ khôn ngoan thì mở ra hướng tới tương lai, nhưng cũng biết học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác nữa (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 16).

——————————————–

CN 2 MTN NĂM A

(Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34)

Ông Nghè Bộ, quan trấn Quảng Nam, có ác cảm với đạo Công giáo, nhất là thầy I-nha-xi-ô. Trưa ngày 25-7-1644 ông cho quân đến nhà cha Đắc Lộ bắt thầy. Cha và thầy lên quan trấn không có ở nhà. Ở nhà có thầy Anrê-Phú Yên coi sóc 4 thầy đau ốm. Thầy Anrê nói với họ:

  • Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích, vì thầy không có ở nhá. Còn nếu muốn bắt tôi thì cứ bắt vì tôi cũng là người Kitô và còn là thầy giảng nữa. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được.

Lính tráng giật ảnh tượng và lôi các thầy ốm đứng dậy. Thầy Anrê can ngăn :

  • Nếu các anh muốn lấy các ảnh tượng, thì để tôi xếp lại cho dễ mang đi. Còn các thầy đau ốm, xin các anh cho các thầy bình yên.

Chiều hôm ấy, lính đem thầy tới trình diện ông Nghè Bộ. Thấy thầy trẻ tuổi, ông nói với những người lính:

  • Sao bắt người hiền lành như thế, mà không bắt Inhaxiô.

Những người lính thưa:

  • Inhaxiô đi vắng, nhưng người trẻ này cũng thuộc hạng như Inhaxiô. Dọc đường vẫn còn cố chấp giảng đạo cho chúng tôi.

Ông Nghè lấy lời dụ dỗ và hứa hẹn giúp thầy xây dựng một tương lai sán lạn. Nhưng gặp thái độ cương quyết và say mê đạo của thầy giảng trẻ tuổi, quan Nghè khựng lại, rồi ra lệnh đóng gông thật nặng, cho giam chung với cụ già Anrê.

Cha Đắc Lộ và mấy nhà buôn Bồ Đào Nha đến xin quan tha. Quan trả lời:

  • Vụ xin lão già đã 73 tuổi được về sống với con cháu, cứ lẽ ấy thì chẳng đáng tha, vì tôi đã hỏi lão ba bốn lần có phải là bổn đạo chăng thì lần nào lão cũng nói là bổn đạo đã lâu năm, không chịu bỏ đạo và sẵn sàng chịu phạt thế nào cũng được. Lời lão già nói rất dại, vì cứng cổ thì càng dại, nhưng đã dại thì ta tha cho sống. Còn người trẻ thì không tha được, vì y cả lòng, quyết mình không lầm, cứ nói rằng mình là bổn đạo thờ Chúa trời đất, dù cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả mất mạng sống nữa. Nếu khi ấy y nói mình nghèo khổ phải đi ở với các thầy tu để có ăn thì tôi tha. Song cả lòng thì chết.

Ông già Anrê đã mặc áo chỉnh tề mà không được vinh dự tử đạo thì rất buồn. Mọi người chạy đến ôm hôn thầy. Thầy thưa lại:

  • Tôi là kẻ tội lỗi, xin cầu nguyện cho tôi.

        Binh lính thấy người ngoại quốc trọng kính người sắp chết vì đạo như vậy thì rất ngạc nhiên. Người ta tò mò kéo nhau đến xem. Thầy nói với những người có đạo:

  • Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu, chúng ta hãy lấy tình yêu mà đáp trả lại tình yêu. Chúa đã chịu chết và đau khổ vì chúng ta, hãy lấy sự sống mà đáp trả sự sống.

        Trưa ngày 26-7-1644 môt toán 40 người lính dẫn thầy ra pháp trường, cách tỉnh lỵ độ nửa dặm. Một tên lính đi đầu thỉnh thoảng rao lệnh:

  • Vì theo đạo Bồ Đào Nha, nên phải phạt.

Còn một người lính khác đánh thanh la.

Thầy vui vẻ ra đi, vai mang gông nặng, mà chân đi rất mau, cha Đắc Lộ phải rảo bước mới theo kịp. Đến nơi thầy quì gối dưới đất, từ chối chiếc chiếu mới của cha Đắc Lộ, Thầy ngửa mặt lên trời miệng luôn kêu tên thánh Giêsu. Thỉnh thoảng thầy hỏi;

  • Sắp đến giờ chưa, tôi đã sẵn sàng rồi mà sao người ta lại chậm thế. Sao mặt trời chẳng chịu lặn xuống cho chóng.

Người ta đem thức ăn đến, thầy chỉ ăn một chút theo lời cha Đắc Lộ khuyên để có đủ sức. Thầy nói :

  • Thế là đủ. Tôi để dành bụng ăn tiệc thiêng liêng dọn trên thiên đàng.

Tới giờ, lý hình tháo gông và thầy nói lời từ biệt với mọi người :

  • Hỡi anh chị em, chúng ta hãy trung tín với Chúa Kitô cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.

Lý hình biết tử tội là người tốt, nên cầu khẩn :

  • Lạy Trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành.

Anh đến sau lưng thầy, lấy giáo đâm từ giữa hai bả vai thấu suốt ra trước ngực. Người lý hình đâm thêm ba nhát. Cuối cùng một người lính khác chém đầu thầy.

Cha Đắc Lộ làm chứng là vẫn còn nghe thấy tên Giêsu phát ra từ cuống họng thầy. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng, thì lại phát ra từ trái tim. Khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Thánh Danh Giêsu thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Thiên Chúa.

Xác thầy ngã xuống đất, quân lính bỏ đi, giáo dân liền đến vây quanh thấm máu và chia nhau những di tích. Riêng cha Đắc Lộ mang sẵn tấm vải mới để thấm tất cả máu từ năm vết thương chảy ra và giữ như thuốc thơm, một linh được chữa lành bệnh tật (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, Tập I, trang 26-33).

Thầy Anrê sống theo gương Chúa Giêsu trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay: là người tôi trung trong bài đọc 1, và là con chiên gánh tội trần gian trong bài Tin Mừng.

Bài đọc 1 : Phần nhập đề sách ngôn sứ I-sai-a của Nhóm CGKPV viết về người tôi trung như sau : “Bốn bài ca Người tôi tớ (42; 49,1-2; 50,4-9; 52,13-53,12) đã được Tân Ước áp dụng vào Chúa Giê-su từ biến cố Phép rửa  cho tới cuộc thương khó. Pl 2,6-11 đã dựa vào bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ để giải thích mầu nhiệm thương khó; Lu-ca thì dùng chính bài ca này làm cái khung để viết trình thuật thương khó”.

Bài Tin Mừng : Sách Tân Ước 1994 của Nhóm CGKPV viết về con chiên như sau : “Lời phát xuất từ miệng ông Gio-an Tẩy Giả trong 1,29 ám chỉ chiên lễ Vượt Qua (Xh 12,3-14;21-27;43-46).Trong Gio-an có 3 điểm liên quan đến Đức Giê-su và chiên lễ Vượt Qua:

1-Tòa án tổng trấn Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su vào giờ thứ sáu (12 giờ trưa) vào ngày áp lễ Vượt Qua (Ga 19,14) hình như đó là lúc các tư tế bắt đầu sát tế chiên lễ Vượt qua trong Đền thờ.

2- Nhánh hương thảo đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức lễ Vượt Qua (Xh 12,22-23: người Do Thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào máu trong chậu và bôi máu trong chậu lên khung cửa…); có lẽ vì vấn đề tượng trưng mà Gio-an viết 19,29 chăng ?

3- Chỉ thị về chiên lễ Vượt Qua trong Xh 12,46b (các ngươi không được đánh gẫy xương chiên) được ứng nghiệm, theo Ga 19,33-36. Động từ Hy Lạp airein có nghĩa là nâng lên; do đó đông từ có thêm hai nghĩa :

  1. mang, gánh vào mình.
  2. đem đi, cất đi, làm biến mất, xó bỏ.

Tác giả Gio-an hay dùng nghĩa thứ hai (x.2,26; 5,8-12; 10,18); ở đây cũng vậy. Như trong lễ Vượt Qua đầu tiên, nhờ máu chiên được sát tế bôi lên khung cửa, người Do Thái thoát khỏi cái chết, con người chìm đắm trong bóng tối và thù nghịch với Thiên Chúa (trần gian) cũng nhờ cái chết của Chúa Giê-su mới thoát khỏi tội lỗi như một gánh nặng đè lên nhân loại (trang 400).

Bài đọc 2 : Trong bđ2, thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết : “Những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được gọi là thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh thánh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su  Ki-tô ban cho anh em ân sủng bà bình an” (1Cr 1,2-3).

Thầy Anrê không tuyên xưng danh thánh Chúa bằng môi miệng, thì thầy tuyên xưng bằng họng, bằng vết thương. Chắc chắn thầy đã được “gọi là thánh”, được  “ân sủng và bình an”.

Lạy mẹ Trà Kiệu mến yêu,

Mẹ đầy ơn phước và quyền năng.

Mẹ đã hiện ra cùng với các thiên thần, để cứu giúp tổ tiên chúng con trong cơn thử thách đưc tin.

Với hết lòng tin tưởng phó thác, chúng con sấp mình cầu xin Mẹ nhận lời chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành