Chúa Nhật II TN – Năm C
CN.2.C
20-1-2019
Giáo xứ Phú Hương
Chầu Thánh Thể
Giáo Huấn số 8
Thực Trạng của Gia Đình (tt)
Lịch Giáo Phận trang 36
Những cuộc di dân còn cho thấy một dấu chỉ khác nữa của thời đại mà người ta phải đối mặt và tìm hiểu, với tất cả hệ quả nặng nề của nó trên đời sống gia đình. Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua đã lưu ý tầm quan trọng rất lớn của vấn nạn này, khi ghi nhận rằng bằng nhiều cách, hiện tượng di dân ảnh hưởng đến toàn bộ cư dân ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Hội Thánh vẫn đóng một vai trò hàng đầu trong lãnh vực này. Ngày nay, hơn bao giờ hết, do tính cấp bách, cần phải duy trì và phát triển chứng ta Tin Mừng này {…}. Tính di động của con người, như ta thấy trong trào lưu di chuyển tự nhiên của các dân tộc trong lich sử, có thể tỏ lộ một sự phong phú đích thực, cho cả gia đình di dân lẫn những đất nước đón nhận họ. Đàng khác, đó là việc các gia đình bị bắt buộc phải di cư do hoàn cảnh chiến tranh, bách hại, nghèo đói, bất công, vốn gắn liền với những thăng trầm của một hành trình thường gây nguy hiểm đến tính mạng, thương tổn tinh thần con người và mất ổn định gia đình. Trong việc đồng hành với những người di dân đòi hỏi phải có một mục vụ chuyên biệt dành riêng cho các gia đình di dân và cho cả những thành viên của gia đình còn lại nơi nguyên quán của họ. Việc này phải được thưc hiện trong sự tôn trọng nền văn hóa của họ, trong việc huấn luyện đức tin và nhân bản nơi họ xuất thân, tôn trọng gia sản tâm linh phong phú của các nghi lễ và truyền thống của họ, cũng như nhờ đến một chăm sóc mục vụ đặc biệt” (Niềm Vui của Tình Yêu, số 46).
——————————-
CN.2.C
(Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-12)
Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ (nghĩa là ‘Tìm Được Đường Đi’), năm 1624 được Bề trên dòng Tên ở Macau, sai sang giảng đạo tại Hội An, Đàng Trong. Cha học tiếng Việt với cha Pina và cậu bé làng Cây Trâm, Tam Kỳ. Vì cha nói sỏi tiếng Việt, năm 1627 cha được sai ra Miền Bắc. Đến năm 1630 cha bị trục xuất. Cha về Macau dạy học 10 năm. Năm 1640 cha được trở lại Đàng Trong 4 lần, đến rồi bị đuổi rồi lại đến. Năm 1641 cha rửa tội cho thầy Anrê-Phú Yên. Ngày 26-7-1644 cha được chứng kiến Thầy bị chém đầu. Ngày 3-7-1645, cha bị trục xuất khỏi xứ Nam, cha đem theo thủ cấp thày Anrê về Ma-cao.
Vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, nhưng lòng cha Đắc Lộ không bao giờ quên 300.000 giáo dân và hàng trăm thày giảng Việt Nam. Cha được bề trên sai về Rôma tường trình về tình hình truyền giáo ở Việt Nam. Ngày 20-12-1645 cha xuống tàu về Rôma, để xin Đức giáo hoàng sai 12 giám mục cho Giáo Hội Việt Nam. Cha đem theo sọ Thầy Anrê. Sọ Thầy nay còn được lưu giữ trong nhà nguyện dòng Tên ở Rô-ma
Ngày 30-7-1652 Đức giáo hoàng đề nghị cha làm giám mục. Cha khiêm nhường từ chối. Cha về Pháp vận động. Ngày 17-8-1658 Đức giáo hoàng Alexandre VII (A-léc-xăng) chọn cha Francois Pallu (Phăng-xoa Pan-luy) và cha Lambert de la Motte (Lăm-be đơ La Mốt) của Hiệp hội Thánh Thể làm giám mục cho hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong được thiết lập ngày 9-9-1659.
Năm 1654 cha Đắc Lộ được sai đi giảng đạo ở nước Iran. Cha qua đời ngày 5-11-1660, thọ 67 tuổi. Cha qua đời chỉ sau 1 năm thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Nhưng đường xá xa xôi, phương tiện truyền thông không có, có lẽ cha không biết tin vui này. Cha giảng đạo ở Iran 5 năm, ở Việt Nam 11 năm.
Khi giảng đạo ở Miền Bắc xảy ra câu chuyện thầy sãi Antôn :
“Ở làng Vũ Xá, cách Kẻ Chợ (Hà Nội) một hai ngày đường, có một nhà sư tên là Antôn. Thầy được dân làng cắt cử trông coi ngôi đền do một bà vương phi xây dựng. Trong đền không có tượng Phật nào. Trên bàn thờ chỉ có một chiếc ngai sơn son thiếp vàng. Sau khi bà vương phi chết, dân làng sẽ coi bà là thần hoàng. Hồn bà sẽ ngự trên ngai đó. Dân làng sẽ dâng hương cúng tế bà. Sau khi nghe cha Đắc Lộ giảng, vị sư cho rằng việc thờ cúng ngôi đền là nhảm nhí, và thầy đã theo đạo. Bà vương phi nghe tin, đuổi thầy ra khỏi đền, không cho trông coi nữa. Lại tịch thu đất đai, đuổi thầy ra khỏi làng. Từ nay cuộc đời thầy không còn gì, tay trắng, song thầy vẫn vui, vẫn phó thác vào sự săn sóc của Chúa. Thầy chỉ buồn vì không còn được sống với những người con thiêng liêng mà thầy đã khuyên dạy họ theo đạo, làm con cái Chúa” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 118-119).
Câu chuyện thầy sãi Antôn bỏ niềm tin vào thần làng đi theo đạo Chúa, là hình ảnh Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay
Bđ1 nói đến niềm vui của Chúa mà ngôn sứ Isaia đem đến thay cho nỗi buồn vì quê hương đổ nát hoàng tàn. BTM nói đến rượu ngon Chúa làm từ nước hóa ra. Bđ2 nói đến niềm vui đoàn kết thay cho sự buồn bã của chia rẽ.
Bài đọc 1 : Người Do Thái trong bđ1 hôm nay được Chúa giải thoát ra khỏi cuộc sống lưu đày ở Babylon, tức là nước Irak ngày nay, vào năm 538 tCGS. Khi về quê hương xứ sở, thấy cảnh đổ nát của đất nước, giống như cô gái bị chồng bỏ, bị phận bạc duyên đơn, họ chán nản thất vọng. Chúa đã gửi ngôn sứ Isaia đến an ủi họ. Ngôn sứ nói : “Chúa của ngươi cầm ở tay. Chẳng ai còn réo tên ngươi ‘đồ bị chồng bỏ’. Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bạc duyên đơn’. Nhưng ngươi được gọi là ‘ái khanh lòng Ta’, xứ sở ngươi nức tiếng ‘duyên thắm chỉ hồng’” (Is 62,3-4).
BTM : Bài Tin Mừng kể phép lạ Chúa Giêsu biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana. Nước tượng trưng cho đạo cũ, đạo Do Thái; còn rượu ngon là hình ảnh đạo của Chúa.
Đạo Do Thái, đạo cũ, tuy tốt, nhưng bất toàn, giống như chum nước chưa đầy. Còn đạo mới hoàn hảo, giống như chum nước đầy tới miệng. Chúa Giêsu nói với gia nhân : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đã đổ đầy tới miệng” (Ga 2,7).
Đạo Chúa cũng giống như rượu ngon. Sau khi nếm thử thứ rượu từ nước hóa ra, ông chủ tiệc nói với chàng rể : “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh giữ mãi rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2,10).
Bđ2 : Dân Côrintô trong bđ2, tuy đã theo Chúa, nhưng sống chia rẽ, ghen tị nhau. Vì thế, thánh Phaolô đã viết thư cho họ, khuyên họ sống đòan kết, yêu thương nhau. Chúa ban cho mỗi người một tài năng để phục vụ, chứ khộng để kèn cựa. Thánh Phaolô viết : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần… Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa… Người thì được ơn khôn ngoan…, người thì được ơn hiểu biết…, người được ban lòng tin…, người được ban ơn chữa bệnh… Chính Thánh Thần duy nhất làm ra tất cả những điều đó, và phân chia mỗi người một cách, tùy theo ý của Người” (1Cr 12,1…11).
Tiệc cưới Cana trong BTM hết rượu. Nhờ Đức Mẹ mà có rượu ngon.
Để được đức tin kiên vững, vượt qua gian nan thử thách, cha ông chúng ta ngày xưa có lòng yêu mến Đức Mẹ. Cha Đắc Lộ kể rằng : “Giáo dân thường đeo ảnh tượng và chuỗi ra ngoài, đeo trước ngực. Một số quan ghét đạo xúi quan trấn Vĩnh Điện ra sắc chỉ cấm đeo. Được báo tin, cha khuyên họ đeo vào trong. Giáo dân cho là hèn nhát, không còn cơ hội tuyên xưng đức tin. Nhưng cha đã cải chính rằng : đạo không cấm chúng ta là những anh hùng tuyên xứng đạo thánh, nhưng chỉ cấm chúng ta không được liều lĩnh” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 81).
Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama được chuẩn bị ra sao, anh Giancarlo cho hay: trước nhất bằng lời cầu nguyện. “Chúng ta không nên quên đây là một thách thức rất lớn đối với một quốc gia nhỏ bé như quốc gia của chúng tôi. Đức Thánh Cha muốn trao trách nhiệm này không những cho Panama mà thôi mà cho cả Trung Mỹ và mọi hàng giám mục của Trung Mỹ”.
Một mới lạ khác là cỗ tràng hạt mân côi do các gia đình nghèo Bêlem thực hiện và sẽ được bao gồm trong gói hành hương. Một triệu rưỡi cỗ đã được chế tạo (Vietcatholic ngày 11-1-2019).
Năm Sự Sáng, thứ hai thì gẫm : Chúa Giêsu làm phép lạ trong tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ vững tin vào Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành