Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A
CN 3 MÙA CHAY NĂM A
(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Trà Kiệu
GIÁO HUẤN SỐ 16
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Sứ mạng của Bạn trong Đức Ki-tô (tt)
Để nhận ra Lời mà Chúa muốn nói với mình xuyên qua một vị thánh của Người, chúng ta không cần săm soi vào tận các chi tiết, vì như vậy chúng ta cũng có thể gặp những lỗi lầm và thất bại. Không phải bất cứ gì một vị thánh nói thì đều hoàn toàn phản ảnh Tin Mừng, không phải mọi việc ngài làm thì đều chân thực và hoàn hảo. Điều chúng ta cần chiêm ngắm là toàn thể đời sống của các ngài, tức sự phản ảnh Đức Giê-su Ki-tô hiện lộ lên trong sự thánh thiện của cá ngài, tứ sự phản ảnh Đức Giê-su Ki-tô hiện lộ lên khi chúng ta nắm hiểu trọn ý nghĩa của các ngài xét như một con người (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 22).
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Nước Mặn
Cha Đỗ Quang Chính viết : “Các Giê-su hữu vừa truyền giáo được 2 năm, thì sóng gió nổi lên, đó là năm 1617. Nguyên do : vào mùa thu năm đó thiếu mưa, nông dân Quảng Nam không làm nông được. Theo cha Borri thì các onsaif (ông sãi) liền nhóm họp để tìm cho ra lý do làm phật lòng thần thánh (Borri viết là Idoli, nghĩa là tà thần). Theo các onsaif , chính vì các thầy đạo Hoa Lang đến đây giảng dạy một tà giáo, nên Trời Phật mới giáng họa cho vùng này. Vì thế, dân chúng cùng các onsaif đến trình với Trấn thủ Quảng Nam dinh là Nguyễn Phước Kỳ, thế tử của Nguyễn Phước Nguyên. Trấn thủ không tin nhận lý do trên đây, nhưng sợ dân chúng gây rối loạn, nên đành ra lệnh cho các cha tạm rút về Áo Môn chờ hết nạn hạn hán sẽ trở lại. Trấn thủ rất quí trọng các cha.
Tầu buôn Bồ Đào Nha chở các cha vừa ra khơi thì bị gió ngược, phải quay lại bờ. Dân chúng ngăn cản không cho các cha vào ở trong nhà ở Cửa Hàn, nhưng phải ở trên bãi biển chịu nóng bức khổ sở. Trong khi ấy, người ta mời được một pháp sư nổi tiếng là vị chân tu, làm lễ cầu đảo. Vị pháp sư lên một ngọn núi, đã có nhiều người tụ họp gần đó; sau khi khấn vái với những nghi thức cầu đảo, ông dậm mạnh chân trên đất ba lần: một lát sau mây mù giăng khắp, nhỏ được vài giọt mưa, không đủ thấm đất cho dân làm ruộng. Dân chúng bực bội đi phóng hỏa nhà thờ Cửa Hàn, làm cho các cha ở bãi biển rơi lệ, mà chẳng cách nào cứu chữa được.
Không rõ các Giê-su hữu phải sống cơ cực trên bãi biển bao lâu; chỉ biết nhờ có bà Gio-an-na ở Thanh Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ, các cha tản mác dần dần đi Cam Bốt. Riêng cha Pina và một tu huynh người Nhật, có lẽ là thầy Jo-sé Tsuchimochi, được các Nhật kiều Công giáo ở Hội An bí mật đưa về Hội An sống ẩn trong nhà của họ và vẫn âm thầm dâng thánh lễ cho giáo hữu Nhật; hai cha Antonio Fernandez và Manuel Barreto đi Cam Bốt. Riêng cha Buzomi bị lên mụn nhọt lớn trước ngực, lại tình cờ được Quận công Trần Đức Hòa, tri phủ Hoài Nhơn, nhân chuyến đi ra Huế , gặp cha đang bị nạn, khi trở lại đưa cha về Qui Nhơn giao cho người con trai cả săn sóc tận tình (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 51-52).
Cha Bùi Đức Sinh kể : “Đến Qui Nhơn, các cha được quan phủ tiếp rước nồng hậu. Tháng 7-1618 quan phủ làm cho các cha một ngôi nhà gỗ rộng rãi ở Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các cha đến khu nhà mới. Các cha được yên ổn tự do hoạt động truyền giáo. Thỉnh thoảng ông sai gia nhân đầy tớ đưa lúa gạo thực phẩm cho các cha, không để các cha phải thiếu thốn một thứ gì. Đôi khi ông còn đích thân đến thăm hỏi và bàn chuyện tôn giáo với các cha. Một hôm ông sai hơn 1.000 tráng đinh khiêng cột kèo đã làm sẵn để dựng cho các cha một nhà thờ, và chỉ trong 1 ngày nhà thờ đã hòan thành trước sự bỡ ngỡ của các cha (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 94).
xxx
Vì hạn hán, thiếu nước mưa, các thừa sai bị trục xuất. Lời Chúa trong thánh lễ CN 3 Mùa Chay hôm nay cũng nói đến sự ích lợi của nước : Bđ1, sách Xuất Hành, nói đến dân Do thái sống nhờ nước từ tảng đá vọt ra. BTM chị phụ nữ và dân Sa-ma-ri sống nhờ giếng nước Xy-kha. Bđ2 thánh Phao-lô nói người ta được cứu khỏi tội lỗi nhờ máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá.
Bài đọc 1 (Xh 17,3-7) : Bđ1, sách Xuất Hành, kể câu chuyện “Nước phun ra từ tảng đá”. Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : Truyền thống Do thái sẽ nhìn thấy nơi tảng đá một hình ảnh Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống và hiện diện ở giữa dân Người; tảng đá lạ lùng đồng hành với dân trong cuộc mạo hiểm của họ (x. 1Cr 10,4). Thiên Chúa là tảng đá khôn dò khôn thấu. Người giữ bí mật của Người cho đến khi Người bị đâm thủng và cho đến khi nước vọt ra từ vết thương của Người. Từ đó chúng ta hiểu rằng con người tội lỗi đã đánh mất sự nhận biết đích thực về Thiên Chúa và do đó không thể gặp thấy Người. Nhưng Thiên Chúa trở nên yếu đuối nơi Đức Giêsu, Đấng khi hấp hối mặc khải bí mật tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Tin Mừng nhấn mạnh rằng trái tim của Đức Giêsu, bị một ngọn giáo đâm thủng, vọt ra máu và nước, hình ảnh Thánh Thần (Ga 7,37 và 19,34) (trang 134).
Bài Tin Mừng (Ga 4,5-42) : Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ giải nghĩa BTM hôm nay như sau : “Người Do thái ghét người Sa-ma-ri thậm tệ. Hơn nữa thời đó, nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng bị xem là xúc phạm đến thuần phong mỹ tục. Nhưng Chúa Giê-su vượt lên trên các thiên kiến xã hội và chủng tộc. Chúa nói chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri. Nơi Người phụ nữ này, Chúa Giê-su đến đón gặp toàn dân đất Pa-lét-tin. Người phụ nữ ấy thuộc một tỉnh khác và một tôn giáo khác, nhưng người Do thái lẫn người Sa-ma-ri đều cùng chia sẻ các lời hứa của Thiên Chúa và cùng chờ đợi một vị Cứu tinh như nhau.
“Điều người phụ nữ quan tâm trước hết là giải cơn khát. Tổ tiên dân Do Thái đã từng đi từ nguồn nước này đến nguồn nước khác với bầy gia súc của họ. Những người được biết đến nhiều nhất (như ông Gia-cóp) đã đào giếng và sa mạc đã nở hoa quanh các giếng này. Vậy câu chuyện này giống như một dụ ngôn: khắp nơi con người giải quyết cơn khát, nhưng họ phải lao nhọc nhiều và chẳng tìm thấy gì ngoài nước giếng. Hồ chứa nước mà không bị nứt rạn đã là một cái phúc (Gr 2,13). Chúa Giê-su thì ban nước hằng sống, món quà Thiên Chúa tặng ban cho con cái Người, nghĩa là Thánh Thần (7,37-39).
“Khi có nước trong sa mạc, thì dù không thấy nước chảy trên mặt đất, vẫn có thể nhân ra nhờ cây cối ở đó mọc nhiều hơn. Cũng vậy, khi chúng ta sống cho ra sống, chúng ta hành động tốt hơn , quyết định tự do hơn và suy nghĩ chín chắn hơn. Nhưng chúng ta đâu nhìn thấy nguồn nước làm nảy sinh những hoa trái ấy; đây là sự sống vĩnh hằng mà cái chết không làm gì được” (trang 1820).
Bài đọc 2 (Rm 5,1-2.5-8) : Bđ2 thánh Phao-lô viết : “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8). Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” viết : “Chúng ta được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra. Có cần máu của Chúa Ki-tô không ? Ở 3,25 chúng ta đã nói thánh Phao-lô lệ thuộc từ vựng tôn giáo đương thời : trong đạo Do thái phải có máu tế vật thì mới có ơn tha tội. Các ngôn sứ đã từng nói các rãnh máu trong đền thờ không có giá trị gì nếu không có lòng vâng phục Thiên Chúa. Kế đến một số ngôn sứ đã hiểu rằng lễ hy sinh đích thực để thế giới được giao hòa là các khổ nhục của một số ít người trung thành trong dân Chúa (Is 53,13). Dù giải thích thế nào đi chăng nữa, công trình cứu độ thế giới phải xuyên qua những đau khổ và cái chết của người vô tội, và dân Thiên Chúa phải chấp nhận mình nằm trong số các nạn nhân như thế của bạo lực . Vậy cái chết oan ức và máu đổ ra của Chúa Giê-su thuộc ngôn ngữ của Thiên Chúa, cũng như là một phần của kinh nghiệm kiếp người. Thánh Phao-lô biết rất rõ điều ấy, bởi ông đã từng can dự vào vụ giết chết ông Tê-pha-nô” (Cv 22,20) (trang 1942).
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu,
Chúa đã từng chỉ dạy chúng con
cách chữa lành vết thương tội lỗi
là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện
và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo.
Nay chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi
và hết lòng sám hối ăn năn;
xin Chúa thương đoái nhìn chúng con
và đưa tay nâng đỡ.
Chúng con cầu xin.
SUY NIỆM II
CƠN KHÁT CỦA CHÚA KHƠI DẬY CƠN KHÁT TRONG CON NGƯỜI
(Hội An 12/3/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Xã hội đầy tính hưởng thụ này đang làm đầy mọi thứ trong cái đầu của con người, nhưng làm trái tim con người trống trải, nhồi nhét đầy chiếc ví, nhưng lại trống rỗng sự ngạc nhiên, làm cho con người cảm giác thỏa mãn, nhưng không làm cho con người thỏa cơn khát ý nghĩa cuộc đời. Thì hôm nay, Tin Mừng cho chúng ta nghe sự kiện Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Gia-cóp và mời gọi chúng ta suy niệm cơn khát của Chúa Giê-su và cơn khát của người phụ nữ ấy, cũng là cơn khát phải có của chúng ta.
- Cơn khát của Chúa Giê-su
Chúa Giê-su đang trên đường đi vào vùng Samaria giữa trưa nắng cháy. Chúa khát nước và tìm đến bên giếng Gia-cóp. Ngài xin người phụ nữ đang đến múc nước cho Ngài nước uống. Cơn khát của Chúa là cơn khát thể lý, nhưng thánh Augustinô trong bài viết về Phúc Âm thánh Gioan đã viết: mặc dù Chúa Giê-su khát nước, nhưng cơn khát thực sự của Ngài là cơn khát đức tin của người phụ nữ đang đối thoại với Ngài. Mẹ Têrêxa Calcutta hiểu ý nghĩa sâu xa cơn khát của Chúa Giê-su, nên khuyến khích các nữ tu nhận thức cơn khát của Chúa Giê-su là cơn khát tình yêu, cơn khát linh hồn con người. Đặc biệt, cơn khát cực độ của Chúa Giê-su trong những lời cuối cùng trên thánh giá: “Ta khát!”
Chẳng có gì lạ khi con người khao khát Thiên Chúa, vì như hóa hướng dương được tao dựng để hướng về mặt trời, dòng sông phải chảy ra biển, con người được tạo dựng hướng về Đấng tạo thành nên mình, nhưng thật lạ lùng, thật mầu nhiệm khi Thiên Chúa khao khát con người, Chúa Giê-su khao khát những con người không đáng với tình yêu của Ngài. Đức cha Fulton Sheen quả quyết, 99 con chiên trong đàn vẫn không làm thỏa cơn khát của Chúa Giê-su, vì vẫn còn một con chiên lạc và chỉ khi tìm được con chiên lạc, cơn khát của Chúa mới thỏa.
Bên bờ giếng Gia-cóp, Chúa khao khát linh hồn của người phụ nữ đang đối diện với Ngài. Thông thường, những phụ nữ đến lấy nước vào sáng sớm hoặc chiều khi trời mát, còn người phụ nữ Samaria này lại đi vào ban trưa, vào lúc không có ai. Có lẽ chị không muốn gặp ai, vì chị biết chẳng ai muốn thấy mặt chị, bởi chị có một đời sống luân lý không tốt đẹp gì! Chị đã bỏ đi lấy lại năm đời chồng và người đang sống với người không phải là chồng của chị. Chúa biết rõ sự trống trải tâm hồn của chị, nên muốn làm thỏa cơn khát tâm hồn của chị.
Chị tưởng có thể kiếm được tiền của là thỏa mãn. Chị đã lầm. Chị tưởng đam mê xác thịt sẽ làm chị hài lòng. Chị đã lầm. Thánh Augustinô trước khi trở lại với Chúa cũng lầm tưởng như chị. Chàng thanh niên Augustinô tìm danh vọng trong chức vị giáo sư, tìm thỏa thích trong những cuộc chơi thâu đêm, tưởng rằng đó là hạnh phúc. Nhưng cuối cùng vỡ lẽ chúng không phải là hạnh phúc đích thực của cuộc đời, mà chỉ để lại chán ngán thẳm sâu, bấy giờ mới thốt lên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài.” Không có gì trên trái đất này có thể làm thỏa mãn cơn khát sâu xa trong tâm hồn người phụ nữ Samaria và của mọi con người, ngoại trừ Chúa Giê-su. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, nên thánh nhân đã thưa với Chúa: “Lòng con khắc khoải mãi cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” Bên bờ giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su khao khát cứu lấy linh hồn của người phụ nữ Samaria và cho chị nhận biết chỉ nơi Ngài mới có nước hằng sống cho cuộc đời chị.
- Cơn khát đáng mong chờ nơi con người
Cơn khát của Chúa mời gọi cơn khát nơi mỗi con người. Chúa Giê-su khao khát linh hồn con người và điều Chúa mong đợi là con người khao khát Chúa Giê-su, thốt lên được niềm khao khát ấy như người phụ nữ Samaria: “Xin Ngài ban cho tôi nước hằng sống để tôi hết khát” (Ga 4,15).
Cơn khao khát Chúa đưa chị đến việc thú nhận với Chúa sự thật lầy lội trong cuộc đời chị, nhưng đồng thời chị khám phá ra rằng đối với Chúa Giê-su, quá khứ của chị không phải là tương lai của chị, bởi Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô yêu thương và ban ơn tha thứ cho chị.
Cơn khao khát Chúa đưa chị đến cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa, nhờ đó chị được nghe và được biết Chúa Giê-su: “Đấng Ki-tô chính là Ta, là người đang nói với chị đây” (Ga 4,26), Đấng làm cho chị trở nên một người mới, có một tương lai mới. Việc chị để vò nước lại vội vã trở về loan báo Chúa Giê-su cho dân làng chẳng khác gì việc các môn đệ bỏ thuyền chài để đi theo Chúa.
Chúng ta có khao khát Chúa như người phụ nữ Samaria không? Có sẵn lòng trình bày với Chúa sự thật của chúng ta và cần đến lòng thương xót của Chúa không?
Ước gì bầu khí thánh thiện của mùa Chay giúp chúng ta nhận biết Chúa đang khao khát linh hồn chúng ta, đang muốn nghe chúng ta thố lộ sự thật trong tâm hồn chúng ta trong tòa Giải Tội và muốn chúng ta chân thành thưa với Chúa: “Xin Chúa ban cho con chính Chúa để con hết khát.” Chúa Giê-su đang chờ đợi tha thứ cho chúng ta và ban cho chúng ta một tương lai mới, một tương lai đáng mong chờ như cuộc đời mới làm người truyền giáo của người phụ nữ Samaria.
SUY NIỆM III
SIÊNG NĂNG GẶP GỠ CHÚA TRONG CÁC BÍ TÍCH, NGÀI BIẾN ĐỔI KỲ DIỆU ĐỜI TA
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ ở Samari kỳ diệu và có sức biến đổi ngoạn mục trong cuộc đời của chị. Vâng, Chị ấy kể rằng giữa trưa hè oi bức, trong lúc mọi người đang nghỉ trưa, nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người, tôi một mình lén lút mang bình ra giếng để múc nước với hy vọng không phải gặp mặt những người thân quen. Tôi muốn chạy trốn vì gốc gác thấp hèn không trong sạch của mình, nên những người hàng xóm láng giềng luôn xa lánh tôi. Tôi muốn trốn chạy vì trót mang thân phận hồng nhan đa truân, tình duyên lỡ làng với 5 đời chồng, nên những người họ hàng bà con luôn nhìn tôi bằng con mắt khinh bỉ. Tôi muốn chạy trốn vì xã hội này đã quay lưng với tôi, đã không có chỗ dành cho tôi, đã âm thầm kết án tôi là phường đàng điếm tội lỗi… Nhưng kìa…một người đàn ông Do Thái đang ngồi nghỉ trưa bên bờ giếng. Ông ngước mắt nhìn tôi, tôi không còn cách nào chạy trốn nên đành phải cúi đầu bước đi trong thinh lặng. Tôi bước đi nhưng lòng tôi lại có ý nghĩ khinh miệt người đàn ông này. Hắn chỉ là một gã Do Thái đói rách bẩn thỉu, nhưng có lẽ hắn cũng tham lam và coi trọng lề luật như bao gã Do Thái khác. Nhìn quần áo của hắn thì biết rõ hắn còn là một gã Do Thái nghèo. Cuối cùng bước chân nặng nề cũng mang tôi đến bên bờ giếng. Tôi mong muốn múc nước đổ đầy bình cho thật nhanh để ra về ngay, tránh cái nhìn soi mói của gã đàn ông Do Thái này. Hơn nữa, theo luật Do Thái, Samari và Do Thái là hai thế giới riêng biệt, không bao giờ được phép chung đụng, vì người Samari bị coi là phường ngoại đạo.
Bỗng dưng người đàn ông lên tiếng gợi chuyện với tôi: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4,8). Tôi bâng khuâng ngỡ ngàng về giọng nói trầm ấm đó. Tôi ngạc nhiên về lời xin nước để uống. Tôi ngước mắt nhìn ông, nhìn vào vầng trán cao với khuôn mặt nhân hậu … nhìn vào cặp mắt sáng ngời với nụ cười hiền hoà tươi vui … Tôi nhủ thầm trong lòng: “Chắc hẳn ông này không phải là người tầm thường”. Tôi lên tiếng nói với ông: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?” (Ga 4,9). Nghe tôi nói, ông nở nụ cười thật tươi, thật hiền hòa như trả lời với tôi rằng ông chẳng nặng lề luật, nhưng trọng tình người. Trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, tôi mới hiểu ra rằng ông chỉ giả vờ xin nước để gợi chuyện với tôi mà thôi. Ông không khát nước, nhưng từng bước rồi từng bước, ông tế nhị chỉ bảo cho tôi biết chính tôi mới là người khát, khát Nước Hằng Sống. Ông hé mở cho tôi biết ông là ai, và ông sẽ làm gì để tôi hết khát: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,13-14). Sự xa lạ và nghi ngờ đối với ông trước đây đã dần dần tan biến trong tôi, nhường chỗ cho sự yêu thương kính trọng.
Trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, ông nhìn thấu suốt con người của tôi: những cuộc tình vụng trộm chóng qua, những thù hận và trốn chạy trong cuộc đời, những vết thương lòng nhói đau … tất cả ông đều biết rõ, cái biết của ông không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông. Tôi giật mình sấu hổ khi thấy ông biết rõ những bí ẩn của đời tôi: “Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị “ (Ga 4,18). Nghe lời nói của ông, trong tôi từ chỗ yêu thương kính trọng trước đây, bây giờ tôi cúi đầu tôn kính ông là ngôn sứ của đời mình
Vâng, trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, ông chỉ vẽ cho tôi biết về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là thần khí, và những ai thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24). Và cũng trong cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, khi nghe tôi nhắc đến Ðấng Mêsia, còn gọi là Ðức Kitô. Ông đã lên tiếng: “Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,26).
Kính thưa cộng đoàn, qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari cho ta thêm xác tín hơn nữa rằng: chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng làm thỏa mãn mọi cơn khát của nhân loại. Ngài giúp chúng ta biết đâu là sự khát khao đích thực và ý nghĩa của nó trong thế giới hôm nay. Qủa thế, cơn khát của thế giới hôm nay đó là cơn khát cùng cực về tình người và nhất là khát quyền năng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, xoa dịu nhưng vết thương bệnh tật, nghèo khổ và bất hòa trong gia đình ra xã hội của từng người. Xin hãy nhớ lại Thiên Chúa của Xuất hành: Bờ biển sậy và vua quan Ai cập sau lưng! Ðột nhiên biển mở ra – Họ băng qua biển khô chân. Họ chết đói khát trong sa mạc – Chúa ban Manna bởi trời và Chúa truyền lệnh cho Môsê dùng gậy đập đá, và nước vọt ra. Chính Thiên Chúa chịu trách nhiệm trên dân Ngài và Ngài đã ra tay cứu dân Ngài trong cơn hoạn nạn, đói khát và tội lỗi.
Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu của người phụ nữ Samari cũng là cái mẫu gặp gỡ Chúa của chúng ta, và yêu cầu chúng ta hãy cố thực hiện một cuộc gặp gỡ như thế trong Mùa Chay này. Sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa không phải chỉ là một may mắn tình cờ mà là điều ai cũng có thể tìm gặp cho được. Như vậy có nghĩa là cuộc gặp gỡ hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta, tùy thuộc vào thái độ sẵn sàng của chúng ta. Có thể Chúa Giêsu đã tìm đến gõ vào cánh cửa của tâm lòng chúng ta nhiều lần rồi, nhưng chúng ta say ngủ hay bận bịu trăm công ngàn việc hoặc trong tâm lòng chúng ta có quá nhiều tội lỗi, mặc cảm, quá nhiều cuộc chơi thú vui ở đời… đã không đến gặp, nghe thấy tiếng Ngài và không mở cửa cho Ngài. Nếu thế thì cần phải có những quyết định cụ thể và thay đổi ngay thế nào để khi Chúa đến gõ cửa, chúng ta sẵn sàng mở ngay. Có thể Chúa đang gõ cửa tâm lòng chúng ta ngay trong lúc này, chúng ta đừng bõ lỡ cơ hội.
Trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta cần dành nhiều thời gian để đến gặp gỡ Chúa Giêsu trong thánh lễ, qua các bí tích chúng ta lãnh nhận, qua việc chu toàn bổn phận các giờ kinh sáng tối… Hơn thế nữa, mỗi người chúng ta cần hãm mình ăn chay để có điều kiện làm nhiều việc bác ái yêu thương như những dòng nước giải cơn khát của bao người đói khát thể xác và tâm hồn trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.
Au-gus-ti-nô là người mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy trái tim khao khát của ngài, mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mô-ni-ca, Au-gus-ti-nô mới tìm được Thiên Chúa là Ðấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên. Bấy giờ lòng đầy hoan hỷ, Au-gus-ti-nô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Au-gus-ti-nô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su nói : “Ai uống nước này sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 13-14).
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con biết tận dụng cơ hội gặp gỡ trong Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải, là nơi để mỗi người chúng con có thể kín múc nguồn hạnh phúc đích thực và biến đổi cuộc đời. Amen
SUY NIỆM IV
CHÚA GIÊSU: NƯỚC HẰNG SỐNG! –
MỘT GỢI Ý TIẾP CẬN LỜI CHÚA
Lm. Giuse Lê Công Đức (PSS)
Ai cũng kinh nghiệm thế nào là khát nước. Nhiều tình huống đó là cơn khát quay quắt, cháy bỏng, đến độ nước trở thành chuyện sống chết, và tất cả cái người ta cần chỉ là một giọt nước thôi. Mới cách đây mấy ngày, ông nhà giàu trong địa ngục đã xin Abraham sai Ladaro dùng đầu ngón tay nhỏ cho ông một giọt nước như thế…
Đó là cơn khát của đoàn dân Xuất hành rong ruổi trong sa mạc (x. Xh 17,3-7). Họ khát nước đến nỗi họ gây sự và thử thách Đức Chúa của họ, qua việc họ kêu trách ông Mô sê. Cũng qua Mô sê, Chúa đã ban nước để xoa dịu và làm thoả cơn khát của dân. Chúa muốn họ ghi nhớ lòng quan tâm và sự can thiệp kỳ diệu của Chúa, để đừng bao giờ cứng lòng như vậy nữa (x. Đáp ca, TV 94).
Chúa Giêsu cũng kinh nghiệm cơn khát nước ngay bên bờ giếng, vì không có gầu. Người phụ nữ Samari cũng khát nước và đi lấy nước theo thói quen của mình (x. Ga 4,5-42). Từ kinh nghiệm chung là ‘khát nước tự nhiên’ ấy, Chúa Giêsu đã mở chuyện với người phụ nữ và dẫn dắt cuộc trò chuyện đến cơn khát sâu thẳm và siêu nhiên hơn. Cơn khát này vẫn có đó nơi người phụ nữ này và nơi dân làng của chị, nhưng nhiều khi nó không được ý thức hoặc bị lập lờ che đậy, tránh né…
Điều quan trọng là: chính Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống làm thoả cơn khát sâu thẳm nhất trong tâm hồn người ta! Thật đáng ghi nhận rằng thứ ‘Nước Hằng Sống’ này không ở đó cách thụ động để được uống và giải cơn khát cho người ta như nước tự nhiên. Trái lại, chính ‘Nước Hằng Sống’ chủ động giúp người ta nhìn nhận cơn khát nơi mình, giúp họ cảm giác được cơn khát, để uống lấy, và “sẽ không bao giờ khát nữa”! Cuộc gặp gỡ và câu chuyện giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari đã diễn tiến như thế. Hành động uống lấy ‘Nước Hằng Sống’ của người phụ nữ và của dân làng chính là hành động TIN. Người phụ nữ đã tin. Dân làng cũng đã tin, vì họ đã gặp gỡ Chúa Giêsu cách đích thân, trực tiếp, chứ không chỉ vì họ đã nghe chị ấy kể lại.
Thánh Phao lô, trong Thư gửi tín hữu Rôma (x. Rm 5,1-2.5-8), còn ‘mạc khải’ mạnh hơn nữa về ý nghĩa của việc TIN vào Chúa Giêsu. Lòng tin ấy đưa các tín hữu “vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”, cho phép họ “tự hào về NIỀM HY VỌNG”, và cơ sở vững chắc của niềm hy vọng này (tức đức cậy Ki tô giáo) là: “Đức Ki tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đây là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.
Đức Ki tô chết vì ta ngay khi ta còn là những người tội lỗi! Điều này có nghĩa gì?
Có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không xứng đáng. Nhưng đó là ta nghĩ thế, và ta cần biết nghĩ như thế! Còn Thiên Chúa thì… không nghĩ thế. Thiên Chúa luôn cứ nghĩ là ta xứng đáng, thậm chí càng tội lỗi thì càng xứng đáng được Ngài thi thố Tình Yêu Cứu Độ của Ngài nơi Chúa Giêsu Ki tô.
Xin Chúa giúp ta biết đừng chỉ loay hoay tìm đáp ứng những cơn khát phàm trần, tạm bợ của mình: cơm áo gạo tiền, danh tiếng, quyền lực, tiện nghi, lạc thú…
Xin cho chúng ta cảm nhận rõ và đừng che đậy hay tránh né cơn khát tâm linh sâu thẳm của mình…
Và xin cho ta nhận ra Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống chân thực và duy nhất, để ta sẽ uống Người cho đến no thoả – nghĩa là đặt trọn lòng TIN và lòng TRÔNG CẬY nơi Người.