Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A
Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A
15-3-2020
(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Ái Nghĩa,
Giáo họ Đại Hiệp
Cha Baldinotti và Đàng Ngoài : Trong cuốn “Hành Trình và Truyền Giáo”, cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) kể : “Tôi ở Đàng Trong chừng 18 tháng và rất hài lòng thấy số con Thiên Chúa tăng lên. Khi cha Baldinotti, tu sĩ dòng Tên được phái từ Macao đến một lãnh thổ mới, tới nay chưa có một người nào thuộc dòng chúng tôi đến, bởi vì dòng chúng tôi nhắm tất cả vào Nhật Bản, thì tháng 3 năm 1626, ngài đã tới Đàng Ngoài (miền Bắc) trong một chiếc tầu buôn.
Cha rất nhiệt thành, nhưng đau khổ cho cha biết bao, vì trong cơ hội có một trong hai này cha đành như người câm, vì không hiểu biết ngôn ngữ xứ này. Cha đã vào yết kiến chúa, dâng tặng phẩm và được đón tiếp trong phủ chúa. Cha nhận thấy đất nước này vừa lớn vừa đẹp, nhân dân hiền hòa, tự nhiên, tính tình dễ thương. Thế là cha hết sức tiếc vì đã không học tiếng để có thể vun trồng đức tin trong một mảnh đất coi như đã được sửa soạn trước.
Cha đành chỉ rửa tội được 4 trẻ nhỏ hấp hối, đó là đóa hoa đầu mùa của giáo đoàn và như 4 trạng sư về bênh vực trước tòa Chúa cho toàn dân. Thấy mình vô ích cho công trình lớn lao, chỉ vì không hiểu biết ngôn ngữ, cha liền viết thư thúc giục các cha ở Đàng Trong (miền Nam), nài xin và khẩn khoản các cha thương đến cả một dân tộc lớn đang không có ai đến đưa họ vào đường ngay nẻo chính. Đồng thời cha cũng viết về Macao và khi trở về thì đến trình bề trên sớm phái người biết nói tiếng đến Đàng Ngoài.
Lòng nhân lành vô tận của Chúa đã muốn trao phó nhiệm vụ này cho tôi, bởi vì Đàng Trong lúc này không cần đến tôi. Và ngôn ngữ tôi đã học được chính là cớ để bề trên đưa mắt tới tôi, phái tôi đi truyền giáo ở Đàng Ngoài. Trọng trách này, đối với tôi là một vinh dự lớn, nên tôi liền sửa soạn trẩy đi. Trong việc này có một nguy hiểm phải tránh. Đó là nếu tôi bỏ Đàng Trong mà ra thẳng Đàng Ngoài, vì hai đàng có chiến tranh với nhau, chúa Đàng Ngoài sẽ nghi cho tôi là từ đất thù địch mà đến. Vì thế, tôi phải trở về Macao. Để tránh không cho người Đàng Ngoài nghi ngờ, tôi đã bỏ Đàng Trong vào tháng 7 năm 1626, để nhiều cha can đảm ở lại nơi tôi sẽ trở lại 14 năm sau (Hồng Nhuệ chuyển dịch, 1994, trang 60-62).
Cửa Bạng, cửa Thánh Giuse: Trong tập sách “Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, cha Trương Bá Cần thuật: “Hai linh mục Marques và Rhodes đã lên tàu ngày 12-3-1627. Sau sáu bảy ngày gió yên biển lặng, khi con tàu sắp vào cửa biển Đàng Ngoài, thì bão táp nổi lên làm con tàu có nguy cơ chìm đắm. Lm Rhodes cũng như lm Marques cho rằng đây là phản ứng của quỉ ma trước việc Tin Mừng của Chúa được đưa đến cho người Việt. Ngày 19-3-1627, ngày lễ thánh Giuse, sấm sét tan biến, sóng gió yên lặng, con tàu chở hai thừa sai dòng Tên cắm neo trước Cửa Bạng (Thanh Hóa). Các giáo sĩ cho đấy là do sự che chở phù hộ của Thánh Giuse, nên đặt tên cho Cửa Bạng là cửa thánh Giuse và nhận Thánh Giuse là quan thày của Đàng Ngoài (Sđd, Tập I, trang 113).
Những viên ngọc quí : Cha Bùi Đức Sinh viết trong tập sách “Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam” : “Tàu cập bến, dân chúng hiếu kỳ tuôn đến xem, vì ít khi có tàu nước ngoài đến vùng này, Cửa Bạng lúc đó cũng như ngày nay, chỉ là một vũng đánh cá của dân chài, một bến buôn cất những hàng trong nước. Nghe nói là tàu buôn của người Bồ đem hàng vào Kinh bán, họ muốn được mắt thấy những viên ngọc quí từ Ấn Độ đưa sang, mà đời họ chỉ được nghe nói chứ chưa được nhìn thấy. Trước những con người hiếu kỳ đó, với tinh thần truyền giáo đưa Tin Mừng, hai cha không muốn để lỡ cơ hội, đem họ từ những mong muốn trần tục lên với Đấng Tối Cao… Cũng như xưa, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “hòn ngọc” quí để giảng Nước Trời, cha Đắc Lộ từ câu chuyện viên ngọc quí Ấn Độ, đưa những người dân chài đến với đạo Phúc Âm của Chúa trời đất. Nghe nói là cha đem đến hạnh phúc không những ở đời này mà cả đời sau, họ chỉ hiểu là những viên ngọc vật chất và mừng rỡ trông đợi. Cha vội cải chính ngay, giúp cho họ hiểu viên ngọc quí đích thực là đạo thánh Đức Chúa Trời. Người chính là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, mà chúng ta tất cả có bổn phận phải thờ phượng. Rồi cha giải thích chữ “Đạo” theo Hán tự, có nghĩa là “Đường” theo kiểu nói nôm na của người dân. Cha trình bày đạo Đức Chúa Trời, con đường đích thực đưa người ta tới Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc bất diệt. Kết quả là 2 người đàn anh trong nhóm dân chài Cửa Bạng đến xin học đạo và chịu phép rửa với cả gia đình. Một người cha đặt tên thánh Giuse, để ghi nhớ thánh bổn mạng Giáo Hội xứ Bắc; người thứ hai mang tên thánh Inhaxu, đấng tổ phụ dòng Tên. Tin thuyền buôn người Bồ dạt vào Cửa Bạng được quan sở tại cấp báo lên Kinh. Trong khi chờ đợi, cha Đắc Lộ tiếp tục sứ vụ đã bắt đầu. Trong ít ngày cha rửa tội cho 32 người, thuộc nhiều tầng lớp dân chúng, không phải chỉ nguyên khu xóm Cửa Bạng, nơi tàu đậu, mà cả những làng lân cận, dân chúng vì hiếu kỳ đến xem đã được cha truyền đạo cho. Ba người được cha nhắc đến trong số những người đầu tiên đó, là một thầy đồ, một thầy cúng và một phú hộ (sđd, Tập I, trang 124-125).
Công nghị Phố Hiến 14-2-1670 : trong chuyến thăm Giáo hội Đàng Ngoài Đức cha Lambert de La Motte đã họp công nghị tại Phố Hiến. Trong tập sách “Thánh Giuse Trong Dân Chúa”, ông Phạm Đình Khiêm viết : “Giáo phận Đàng Ngoài họp công nghị lần thứ I tại Dinh Hiến tức Phố Hiến (Hưng Yên), dưới quyền chủ tọa của Đức cha Lambert de La Motte, với sự hiện diện của cha chính Deydier, hai giáo sĩ thừa sai và 9 linh mục bản quốc đầu tiên, chưa kể một số thầy giảng. Sau khi thảo luận các vấn đề về việc điều hành địa phận, Công nghị đã chấp thuận 34 quyết định, mà quyết định kết thúc số 34 là tôn vinh Thánh Cả Giuse như sau: “Thánh Giuse vinh hiển được chọn làm Quan Thầy nước này, theo đúng quyết định đã có từ lâu. Phàm ai làm công việc gì hệ trọng trong Đạo đều phải cầu xin Người phù hộ” (Sđd, 2003, trang 368).
Năm 1678: Ba Đức Giám mục:
– Đức Giám mục Cotolendi, giáo phận Nam Kinh, Trung Hoa
– Đức Giám mục Pallu, giáo phận Đàng Ngoài Việt Nam
- Đức Giám mục Lambert de La Motte, giáo phận Đàng Trong Việt Nam
Thỉnh nguyện xin Đức Giáo hoàng chọn thánh Giuse làm quan thầy các giáo phận của các ngài.
Ngày 17-8-1678 Đức Giáo hoàng ban Tông Hiến Thánh Vụ Tông đồ. Tông hiến viết như sau: “Ngày 17-8-1678, theo thỉnh cầu của các vị Đại diện Tông tòa, Đức Giáo hoàng Innocentê XI tuyên nhận thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ, (bổn mạng, quan thầy) Trung Hoa và Việt Nam” (Phạm Đình Khiêm, Sđd, trang 374).
Với lòng đạo đức và nhiệt thành của các cha và tổ tiên cha ông chúng ta ở Cửa Bạng trong những bản văn này, giúp chúng ta hiểu Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật Mùa Chay hôm nay.
Bài đọc 1: Bài đọc 1 là câu chuyện “Nước Phun Ra Từ Tảng Đá”. Nhóm CGKPV chú thích: “Tảng đá này đã đồng hành với dân Ít-ra-en từ trước trong cuộc xuất hành. Thánh Phao-lô đã theo giải thích này để nói rằng Đá linh thiêng vẫn đi theo họ… là Đức Ki-tô (1Cr 10,4)” (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 148).
Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” chú thích: “Về sau truyền thống Do Thái sẽ nhìn thấy nơi tảng đá này một hình ảnh Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, và hiện diện ở giữa dân người: tảng đá lạ lùng đồng hành với dân trong cuộc mạo hiểm của họ (1Cr 16,4). Thiên Chúa là tảng đá khôn dò khôn thấu. Người giữ bí mật của Người cho đến khi Người bị đâm thủng và cho đến khi nước vọt ra từ vết thương của Người. Từ đó chúng ta hãy hiểu rằng con người tội lỗi đã đánh mất sự nhận biết đích thực về Thiên Chúa, và do đó không thể gặp thấy Người. Nhưng Thiên Chúa trở nên yếu đuối nơi Đức Giê-su, Đấng khi hấp hối mặc khải bí mật tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Tin Mừng nhấn mạnh rằng trái tim của Đức Giê-su bị một ngọn giáo đâm thủng vọt ra máu và nước, hình ảnh Thánh Thần (Ga 7,37 và 19,34) (Bernard và Louis Hurault/ Phạm Xuân Hưng, Trần Hữu Phương, Đinh Trung Nghĩa, Nguyễn Thị Sang chuyển ngữ, trang 138).
Bài Tin Mừng: Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan kể chuyện Chúa Giêsu gặp chị phụ nữ người Sa-ma-ri ở giếng Gia-cóp. Qua cuộc đối thoại, chị đã nhận ra Chúa. Rồi chị chạy về khoe với dân làng.
Cha Nguyễn Công Đoan viết: “Bà bỏ cả cái vò dùng lấy nước giếng Gia-cóp, như bằng chứng là bà đã được thứ nước kỳ diệu, uống vào thì trở thành mạch Người đã nói đến và bà đã xin, để khỏi phải đến đấy lấy nước mỗi ngày. Cũng như hai môn đệ đầu tiên, bà chạy về trong thành khoe và mời mọi ngươi: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? Họ ra khỏi thành và đến gặp Người” (Ga 4,29-30) … Chính bà đã gặp Người, đã nghe Người, nên tin Người là Đấng Ki-tô. Bà không giữ hạnh phúc này làm của riêng, nhưng muốn cho mọi người được đích thân sống kinh nghiệm ấy. Bà đã tự ý đứng vào hàng ‘chứng nhân’ với các môn đệ đầu tiên.
Bà nói cách rất khiêm tốn, nhưng nét mặt hớn hở và giọng nói rộn ràng niềm vui của bà đã thuyết phục dân thành. “Họ ra khỏi thành và đến gặp Người”. Tiếng Người nói với con tim của bà đã vọng sang con tim của họ, khiến họ tìm đến với Người’ (Con Chiên Của Thiên Chúa, Đấng Xóa Tội Trần Gian, trang 98-99).
Bài đọc 2: Bài đọc 1: dân Do Thái khát nước, Chúa bảo ông Mô-sê đập tảng đá vọt ra nước cho họ uống. Bài Tin Mừng: chị phụ nữ người Sa-ma-ri tội lỗi được Chúa tha thứ, và chị về loan báo cho dân làng. Qua hai bài đọc đó, chúng ta mới thấm thía lời thánh Phao-lô viết cho dân thành Rô-ma trong bài đọc 2: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã nói trong giờ đọc kinh Truyền Tin ngày 10-3-2017 như sau: “Nước mang lại sự sống đời đời đã chảy tràn tâm hồn chúng ta ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa Tội; lúc đó, Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta, và đã ban tràn trề ân sủng của Người cho chúng ta. Nhưng có thể chúng ta quên đi đại hồng ân này, hay chúng ta đã giảm thiểu hồng ân này vào một thông tin cá nhân không hơn không kém; và chúng ta đang trên đường đi tìm những giếng nước, mà dòng nước được kín múc từ những giếng này không thể làm cho chúng ta được đã khát. Khi chúng ta quên đi dòng nước đích thật, thì chúng ta đi tìm những giếng bẩn. Thì lúc đó bài Phúc Âm hôm nay thật sự được dành cho chúng ta! Không chỉ dành cho người thiếu phụ Samari, mà còn cho cả chúng ta nữa. Đức Giêsu nói với chúng ta như người đã nói với thiếu phụ Samari. Chắc chắn chúng ta đã biết Người rồi. nhưng có lẽ, chúng ta chưa đối diện với Người để gặp được Người. Chúng ta biết Đức Giêsu là ai rồi, nhưng có lẽ, chúng ta chưa diện đối diện với Người, để gặp được Người, khi chuyện vãn với Người chúng ta chưa nhận ra Người là Đấng Cứu Thế của chúng ta. Mùa Chay là mùa để xích lại Người gần hơn, để gặp Người trong kinh nguyện, trong một cuộc đối thoại lòng bên lòng, để nói chuyện với Người, để nghe Người nói. Đây là dịp tốt để thấy được gương mặt của Người, cũng như để thấy gương mặt của Người trên gương mặt của anh chị em chúng ta đang đau khổ. Bằng cách này chúng ta mới có thẻ làm mới lại trong lòng chúng ta hồng ân ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta mới có thể uống thỏa thuê nơi nguồn suối Lời Chúa, và nơi nguồn suối Thánh Thần của Người, và như thế, chúng ta mới có thể khám phá ra niềm vui được trở nên những người kiến tạo hòa giải, và trở nên khí cụ hòa bình trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.” (JB Lưu Văn Lộc, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, trang 109-110).
Lịch Giáo phận nhắc nhớ chúng ta: “Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Maria, bổn mạng Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận và Đức cha Giuse, nguyên Giám mục Giáo phận” (trang 54). Chúng ta hãy cầu xin thánh Giuse thương hai Đức Cha.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành