Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm B


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM B

7-3-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Ái Nghĩa và Giáo họ Đại Hiệp

 

GIÁO HUẤN SỐ 15

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô cứu độ các con

Sự thật tuyệt vời thứ hai, đó là Đức Kitô vì yêu thương, đã hiến mình trọn vẹn để cứu độ các con. Đôi cánh tay Người giang ra trên thập giá là dấu hùng hồn nhất cho thấy Người là một người bạn thực sự hết mình: “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Thánh Phaolô nói rằng đời sống của Ngài là một đời sống hoàn toàn tín thác vào tình yêu thí mạng ấy: “Giờ đây tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì tôi? (Gl 2,20) (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 118).

—————

CN 3 MC B

(Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25)

Đức cha Lambert de La Motte với thánh Giuse

1.Lần đầu tiên ngài có sự thúc đẩy bên trong muốn lãnh nhận chức thánh để có thể giúp đỡ các linh hồn ở đất nước mà ngài nghĩ là đang kêu gọi mình đến. Ngài cảm thấy cần phải sùng kính Đức Mẹthánh Giuse cách chân thành và tha thiết mỗi ngày một hơn, để tiến xa hơn trên con đường hoàn thiện. Ngài buồn phiền vì nhận thấy cho đến lúc này ngài chưa tôn kính các vị ấy đúng mức. Để đền bù khuyết điểm đó, ngài hành hương đến Notre Dame de la Delivrande (nơi người ta tôn kính Đức Mẹ đen). Tại đó ngài hết lòng van xin ơn thứ tha tội đã mù quáng và vô ơn đối với Đức Trinh nữ tuyệt vời cũng như đối với người bạn đường vô cùng chính trực của Mẹ. Với lòng sốt sắng và phó thác hoàn toàn mới, ngài tự đặt mình dưới sự che chở của các ngài (Jacques-Charles Brissacier, Cuộc Đời Đức cha Lambert De La Motte, trang 25-26).

2. Sau công đồng Juthia, Đức cha Lambert đặt tay ngay vào việc lập chủng viện. Thái Lan bấy giờ là nước duy nhất ở Đông Nam Á chấp nhận cho Đạo Công giáo được tự do, cho phép người nước ngoài vào cư ngụ, còn liên lạc thương mại với Việt Nam và Trung Quốc, điều này là cơ hội để các chủng sinh hai nước đó đến và đi. Chủng viện đã được xây cất tại Juthia, trên một khu đất được nhà vua ban tặng. Một chủng viện mà công đồng đã quan niệm như “một trường học đời sống trọn lành, mô tả cộng đoàn các tông đồ dưới sự đào luyện của Chúa Giêsu, khi Người chuẩn bị cho các ông lên đường truyền giáo”. Số phận của hội Thừa Sai và sự thịnh vượng của các xứ truyền giáo được ủy thác cho hội, phần lớn hệ tại mức độ đào tạo nơi chủng viện. Ban giám đốc và giáo sư vì thế cần được lựa chọn kỹ lưỡng về mọi phương diện. Chủng viện là ngôi nhà cầu nguyện, suy gẫm, học hành nhiều, sống tiết độ, giản dị, yên tĩnh trầm lặng suy nghĩ đến cuộc sống, phải tận hiến cho Tin Mừng và vì các linh hồn, sẽ phải sống như các tông đồ luôn luôn chiến đấu và dâng mạng sống cho Đức Giêsu Kitô. Chủng viện mang thánh hiệu Giuse khi được thiết lập năm 1665 (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 245-246).

3.Tháng 7-1669, Đức cha Lambert quyết định đi kinh lý địa phận Đàng Ngoài. Một chuyến tầu đưa Đức cha cùng với hai thừa sai De Bourges và Bouchard từ Thái Lan đi Việt Nam. Đức cha tới Phố Hiến 30-8, được giới thiệu với chính quyền là  tuyên úy của đoàn thủy thủ, còn hai thừa sai cải trang làm thương gia, nên cả ba lọt vào xứ Bắc dễ dàng… Ngày 14-2-1670 Đức cha Lambert họp công đồng thứ nhất Bắc Hà (Đàng Ngoài) tại Dinh Hiến (Phố Hiến). Tham dự công đồng có cha chính Deydier, hai thừa sai Bouges và Bouchard và 9 linh mục Việt Nam… Công đồng có mục đích phổ biến những nghị quyết của Tòa Thánh về trách nhiệm và quyền bính của các vị Đại diện Tông Tòa, tổ chức các mặt tôn giáo trong địa phận, như phương pháp truyền đạo, cắt cử các linh mục, tuyển mộ chủng sinh, cùng đưa ra nhiều chỉ thị về việc ban phát các bí tích. Công đồng chính thức nhận Thánh Giuse làm bổn mạng xứ Bắc (Bùi Đức Sinh, Sđd, trang 259-260). 

4.Sau công đồng, cha chính Deydier giới thiệu với Đức cha hai nhóm trinh nữ sống chung từ lâu. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng tại chỗ, nhằm Lễ Tro 19-2-1670 Đức cha Lambert quyết định ban sắc thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Định) và Bái Vàng (Hà Nam), cùng nhận Thánh Giuse làm bổn mạng. Thành lập dòng nữ này là Đức cha đã đạt được ước mơ từ năm 1657, khi đến Annecy cầu nguyện lâu giờ tại mộ thánh Phanxicô Salêsi và nữ thánh Gioanna Chantal là hai vị sáng lập dòng Thăm Viếng. Người được ơn soi sáng để nhận thấy trong tay Hội thánh Công giáo, linh mục và nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống cho một đất nước. Linh mục là hiện thân của lòng nhiệt thành, liều mạng như một chiến sĩ xông pha nơi trận tuyến  đầy nguy hiểm; còn nữ tu là biểu trưng cho sự trong trắng và kết hiệp đời sống cầu nguyện với công việc bác ái phục vụ (Bùi Đức Sinh, Sđd, trang 263).

Lòng mến Thánh Giuse của Đức cha Lambert de La Mótte, giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, là hình ảnh việc tuân giữ luật Chúa và giữ trang nghiêm trong nhà thờ mà Lời Chúa của thánh lễ hôm nay công bố.

Bài đọc 1: bđ1 là Mười Điều Răn trong sách Xuất Hành. Cha Inhaxiô Hồ Thông viết: “Sách Xuất Hành là cuốn sách thứ hai trong bộ Ngũ Thư. Sách tường thuật cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập và thời kỳ đầu tiên dân Do Thái hành trình trong sa mạc. Biến cố được định vị có lẽ vào thế kỷ 13 trước công nguyên (giữa 1250 và 1230). Qua trung gian ông Môsê, Thiên Chúa không chỉ giải thoát dân Ítraen khỏi đời nô lệ Ai Cập, nhưng Ngài còn qui tụ dân và ban cho họ Lề Luật… 

Thập giới trình bày một tổng đề của những bổn phận tôn giáo và luân lý. Vả lại, con số 10 đánh dấu sự viên mãn. Tám trong số 10 giới luật được phát biểu theo hình thức phủ định để diễn tả lệnh cấm ‘ngươi không được…’. Hai theo hình thức khẳng định để diễn tả lệnh truyền phải làm: tuân giữ ngày Sabat và giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ…

Thập giới được phân chia thành những giới luật, chúng nhắc nhớ những bổn phận đối với Thiên Chúa và những bổn phận đối với tha nhân (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 141-144).

Bài Tin Mừng: BTM đọc theo sách Thánh Gioan. Cha Inhaxiô Hồ Thông viết: “Tin Mừng Gioan đặt việc Đức Giêsu lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua vào lúc đầu sứ vụ của Ngài, sau tiệc cưới Cana và sau vài ngày lưu lại ở Caphácnaum. Ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc) tường thuật việc Đức Giêsu lên Giêrusalem vào lúc Ngài sắp bước vào tuần Tử Nạn và xem biến cố này như đổ thêm dầu vào lửa khiến cho giáo quyền Do Thái công phẫn đến cực độ. Đấy là một trong những lý do họ ra lệnh truy nã Đức Giêsu (Sđd trang 150).

 Đức Giêsu phẫn nộ ‘Ngài lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc Ngài đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ’ với những kẻ bán bồ câu –‘của lễ của những người nghèo’- Ngài không mở tung các lồng chim của họ, nhưng cho họ một lời giải thích : ‘Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi chợ búa’. Vì thế, phải chăng Đức Giêsu đến để chấn chỉnh tôn giáo Ítraen và thanh tẩy Đền Thờ mà chẳng bao lâu sau bị phá hủy? Không phải như thế, trái lại, Ngài muốn nói rằng một thời đại mới đang khởi sự. Cách hành xử của Ngài cốt yếu mang tính ngôn sứ” (Sđd trang 147-148).  

Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư Côrintô của thánh Phaolô. Cha Inhaxiô Hổ Thông viết : “Một trong những bài học vĩ đại của bức thư này đó là ‘rao giảng mầu nhiệm đau khổ như yếu tố cốt yếu của Tin Mừng’. Một cách khái quát, thần học của thánh Phaolô không tách biệt tử nạn ra khỏi Phục Sinh. Đây là một trường hợp ngoại lệ, thánh nhân chú ý giương cao ‘hình ảnh duy nhất của Đức Kitô bị đóng đinh’ đối diện với sự tự mãn của con người” (Sđd trang 147).

Xin Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê tăng thêm lòng mến Chúa và sự trang nghiêm trong nhà thờ của chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành