Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B


CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B

Ngày 03/3/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trà Kiệu

GIÁO HUẤN SỐ 14

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai xây dựng hòa bình. Vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa

Những người xây dựng hòa bình mới tật sự ‘tạo ra’ hòa bình; họ cun đắp hòa bình và tình thân hữu trong xã hội. Chúa Giêsu đưa ra lời hứa tuyệt vời này cho những người giéo rắc hòa bình : ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5,9). Người bảo các môn đệ rằng : dù đi tới đâu họ cũng phải nói  : ‘Bình an cho nhà này’  (Lc 10,5). Lời Chúa dạy mọi tín hữu ra sức làm việc cho hòa bình, ăn ở thuận hòa với tất cả những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch (2Tm 2,22), vì người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình’ (Gc 3,18). Và nếu có những lúc trong cộng đoàn mình, chúng ta tự hỏi phải làm gì, thì ‘chúng ta hãy theo đuổi  những gì đem lại đem lại bình an’ (Rm 14,19) vì hiệp nhất thì tốt hơn là xung đột’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 88).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Xh 26,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25)

Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17

“Luật do Mô-sê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.

Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sa-bat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sa-bat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

Xướng:Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.

Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25

“Chúng tôi rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Ki-tô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

“Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giê-su trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giê-su không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

VÌ NHIỆT TÂM VỚI VIỆC NHÀ CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP

Không được buôn bán ở đây

Trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, câu chuyện Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Ðền Thờ là một trong những chuyện được biết đến nhiều nhất  Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại câu chuyện này.  Nhiều nhà điêu khắc và hoạ sĩ cũng trình bày biến cố này theo nhiều phong cách khác nhau.

Từ trước đến nay, và mãi về sau vẫn thế, Ðức Giêsu vốn được nhìn nhận là nhà giảng thuyết về tình yêu  Trong câu chuyện này, Người bước vào khuôn viên Ðền Thờ, tay cầm roi, mặt bừng bừng giận dữ  Người xua đuổi những kẻ bán bồ câu, bò và chiên; Người đổ tung tiền của những người đổi bạc, và lật nhào bàn ghế của họ  “Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Cách đây không lâu, bên bờ hồ, cũng chính Người đã công bố các mối phúc thật, trong đó có mối phúc: Phúc thay những ai hiền hoà

Đức Giêsu là một người bạo động hay bất bạo động?

Tại sao Ðức Giêsu lại nổi giận như thế? Thánh Gioan trích lại một câu Thánh vịnh như là chìa khoá: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa… Như thế, ở đây là một cảnh nói về sự ghen tương của Thiên Chúa  Kinh Thánh vẫn thường mô tả về một Thiên Chúa hay ghen, Người không chấp nhận sự chia sẻ.  Cơn giận của Ðức Giêsu diễn tả mối ghen tương này: Người không cầm mình được khi nhìn thấy người ta xúc phạm, làm ô uế ngôi nhà nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân Người. Hãy thử tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện, vì trong đó bao hàm nhiều ý nghĩa trái ngược nhau

Trước hết, Ðức Giêsu không xử với những người buôn bán như là những người buôn bán.  Người không tố cáo họ làm ăn bất chính, nhưng Người tố cáo họ, vì họ không tôn trọng nơi được gọi là nhà của Thiên Chúa . Cũng cần phải hiểu về ý nghĩa của Ðền Thờ lúc bấy giờ  Ðây không phải là một đền thờ trong số muôn ngàn đền thờ.  Ðây là Ðền Thờ duy nhất, nơi dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, một nơi mà mỗi năm, người Do Thái phải hành hương để dâng của lễ và nộp thuế

Ðền thờ Giêrusalem thực sự là trung tâm mọi sinh hoạt của người Do Thái  Chỉ vì một lý do duy nhất là dân Do Thái phải tản mác khắp nơi nên các hội đường mới được xây dựng càng lúc càng nhiều để họ có nơi thờ tự. Chính vì vậy, người ta thấy được ý nghĩa sâu xa của trình thuật này, ý nghĩa vượt lên trên cả không gian lẫn thời gian  Khi nói về Ðền Thờ, Ðức Giêsu gọi là “nhà Cha tôi”, và như thế, Người là Con  Người còn cho biết, nếu người ta phá huỷ Ðền Thờ này đi, thì trong ba ngày Người sẽ xây dựng lại

Nhưng đền thờ đó là đền thờ nào? Chắc chắn Ðức Giêsu không có ý nói về đền thờ Giêrusalem: đền thờ này sẽ bị phá huỷ hoàn toàn ít năm sau đó, nhưng Người muốn nói về chính thân xác Người. Sau này, các môn đệ sẽ hiểu rằng đây là lời báo trước về Phục Sinh  Cuộc phục sinh của Ðức Kitô sẽ chứng tỏ rằng Người có quyền để cải tổ việc thờ phượng, đồng thời cũng cho thấy mối nhiệt tâm của Người dành cho nơi Thiên Chúa ngự.

Có lẽ chỉ ngay sau khi Ðức Giêsu ra khỏi Ðền Thờ, những người buôn bán sẽ tiếp tục hoạt động của mình  Tuy nhiên, câu chuyện là một lời tiên tri về các hoạt động của Ðức Giêsu  Dưới ánh sáng phục sinh, Người sẽ bày tỏ dung mạo Tin Mừng của việc thờ phượng Người đã thiết lập: từ nay con người của Ðấng Phục Sinh sẽ là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người  Ðó là sức mạnh tiềm ẩn trong những hành vi mà bên ngoài xem như là không có hiệu quả  Những hành vi này khơi dậy và làm vang lên lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng mời gọi con người hướng tới tự do, tới những điều mới mẻ, tới điều không thể được

Con người là Đền Thờ

Thay vì minh chứng những cơn giận thánh của Thiên Chúa và con người, thay vì những nhận định với mục đích trấn an về tâm lý nhân loại của Ðức Giêsu, có lẽ việc suy niệm về ý nghĩa của Ðền Thờ phải là trọng tâm của phần Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay .

Đền Thờ – nhà tù

Nếu người ta coi Ðền Thờ là nơi duy nhất để tế tự, thì chuyện những người buôn bán có mặt ở đây là điều bình thường  Họ cung cấp các loại thú vật, đèn nến dành cho việc tế tự như luật định  Họ phục vụ cho những người đến Ðền Thờ để chu toàn bổn phận của mình

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây lại khác: Thiên Chúa ở đâu? Ai đã đặt Người ở bên ngoài cuộc sống, trong vòng rào của những nơi thờ tự, ai đã giam hãm Người trong vai trò một người chỉ để đón nhận các nghi thức? Thưa, chính con người. Ai đã vạch ranh giới giữa hai vùng đất, đất thánh (Ðền Thờ) và đất phàm? Ai đã chia cắt Thiên Chúa ra khỏi dân Người, là nơi mà trước đây, Người vẫn dạo chơi – theo cách nói của vua Ðavít? Cũng chính là con người. Những người buôn bán trong Ðền Thờ là hình ảnh minh hoạ mối tương quan đã bị hiểu sai lạc giữa con người và Thiên Chúa, được coi như một thứ thuế giữa miền đất của con người và Vương Quốc của Thiên Chúa  Chính vì vậy Ðức Giêsu đã cầm roi để xua đuổi họ  Người muốn trả lại cho Ðền Thờ ý nghĩa nguyên thủy và cao cả

Con người – Đền Thờ

Cũng thật là sai lạc khi muốn giải trừ Thiên Chúa vào kinh nghiệm thiêng liêng của đời sống cá nhân  Ðặt Thiên Chúa quá ở bên ngoài hay quá ở bên trong cũng là một thứ áp dụng quyền bính trên Thiên Chúa  Ðây chính là cám dỗ lớn nhất kể từ thời Sáng thế cho đến khi Ðức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc

Việc Ðức Kitô nhập thể là một dấu chỉ tuyệt vời về Ðền Thờ của Thiên Chúa  Ðền thờ ấy là một con người với cả thể xác lẫn tinh thần  Một hiện hữu toàn diện trở thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa

Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trở thành xác phàm, trao ban chính thân thể Người làm của ăn, và máu Người làm của uống, tức là Người trao tặng sự sống của Người để trở thành sự sống của nhân loại  Trong Ðức Giêsu, Thiên Chúa tìm lại được vị trí đích thực của Người

Mỗi người là một đền thờ

Từ những suy nghĩ trên, chúng ta còn phải đi xa hơn  Ðức Kitô vẫn đang sống trong Thánh Thể  Và thân thể này, cũng chính là Hội Thánh  Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côrintô: “Anh em là thân thể Ðức Kitô” (1 Cr 12,27), “Anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa” (1 Cr 3,16)

Như vậy, trong thực tế, Ðền Thờ của Thiên Chúa là mỗi người chúng ta  Mỗi người cần phải xua đuổi, phải khử trừ tất cả những gì làm cho đền thờ này ra ô uế, không còn xứng đáng với danh hiệu nhà của Thiên Chúa  Những người buôn bán trong Ðền Thờ sẽ không còn là những người trao đổi hàng hoá trong khuôn viên Ðền Thờ để mưu sinh, nhưng là chính chúng ta, mỗi người chúng ta, từ nơi sâu nhất của chính mình, ngổn ngang vì những mối bận tâm đầy ích kỷ, gian dối và giả trá

Như thế, đền thờ cần phải được thanh tẩy chính là tâm hồn chúng ta, ngõ hầu đền thờ ấy xứng đáng với sự hiện diện của Thiên Chúa chứ không phải là hang trộm cướp  Tâm hồn chúng ta phải được thanh tẩy khỏi mọi thứ chướng khí và mọi thứ lừa đảo, bởi vì đó phải là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, phải là đền thờ không gì đáng chê trách, phải là nhà để cầu nguyện

Theo lời thánh Phêrô, Ðền thờ của Ðức Giêsu được xây dựng bởi những “viên đá sống động”  “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy,  giữa họ” (Mt 18,20)  Ðó chính là thân thể Ðức Kitô đang lớn lên giữa lòng nhân loại  Ðó chính là một đền thờ với những khuôn mặt, những bàn tay, những trái tim, mà chất ximăng để gắn lại là sự gặp gỡ, chia sẻ, cùng đón nhận Tin Mừng và cùng tạ ơn

Hội Thánh được xây nên nhờ những con người, trước khi là một ngôi nhà bằng đá  Khi nghĩ đến câu nói của Ðức Giêsu về ngày Sabát, người ta có thể thêm: “Các nhà thờ được xây dựng nên vì con người, chứ không phải con người vì các nhà thờ”  Ðền thờ của Thiên Chúa vẫn sống động khi cộng đoàn Kitô hữu sống động  Ðền thờ của Thiên Chúa vẫn đang sống khi mỗi con người để cho chất men Tin Mừng hoạt động trong đời của mình

Thiên Chúa ngự trong Ðền Thờ nhưng không bị giam hãm trong đó  Chính Người đã dẫn dân Israel về Ðất Hứa, nhưng Người cũng yêu thích ngọn gió lay động các căn lều, Người cũng yêu thích những cuộc lên đường vào buổi sớm mai  Ðức Giêsu đã rảo khắp các nẻo đường, từ thôn quê tới thành thị, và Người tuyên bố Người là Ðường  Từ nay, Ðền Thờ có mặt khắp nơi, rất tế vi và không thể nắm bắt được – giống như ánh sáng  Và điều bí nhiệm để Người xây dựng nên Ðền Thờ ấy, chính là sự Phục Sinh

SUY NIỆM II

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Hai nhà thờ đầu tiên : Nhà thờ Đả Nẵng, nhà thờ Thanh Chiêm (Phước Kiều)

Ngày 6-1-1615, tầu nhổ neo từ Áo Môn trực chỉ Đàng Trong; sau 12 ngày tầu tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18- 1-1615. Đây là ngày Giáo hội Việt Nam thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở VN, mặc dầu trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này. Ba nhà thừa sai dòng Tên bước chân vào cái ‘xứ trầm hương, yến sào’, nhờ chuyến tầu buôn Bồ Đào Nha. Lạ nước lạ cái, ngôn ngữ bất đồng, nói chuyện thì qua thông dịch viên loại ‘i-tờ’. Tuy thế, Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở Cửa Hàn. Vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người.

Tiếp theo, các tu sĩ đến Cacciam (Kẻ Chiêm) tức Thanh Chiêm cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quí phái . Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gio-an-na. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập nhiều bàn thờ và hằng cầu khẩn với một Đức Chúa Trời đất (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 20-21).

Bài đọc 1 sách Xuất hành nói đến ‘nhà tạm’. Bài Tin Mừng đề cập đến ‘Đền thờ Giê-ru-sa-lem’và bài đọc 2  nói về Thập giá.                                                                          Bài đọc 1 (Xh 26,1-17) : Sách ‘The Sunday Readings’ của lm Kevin O’Sullivan viết vể bđ1  ‘Khi giải thoát con cháu ông Áp-ra-ham, dân riêng của Người, khỏi cảnh nô lệ ở Ai-cập, Thiên Chúa dẫn họ tới núi Xi-nai. Ở đó, với những lần hiện ra, Người lập giáo ước với dân Ít-ra-en. Qua giao ước, Người biến họ thành dân riêng của Người, dẫn họ đến miền đất hứa, bảo vệ họ khỏi mọi thù địch. Về phần dân Ít-ra-en, họ phải tôn kính Người, chỉ mình Người là Chúa của họ, họ phải tuân giữ luật lệ mà Người đã giao kết với họ. Mười Điều Răn là những yếu tố luân lý dân Ít-ra-en tuân giữ. Những điều răn đó điều khiển những bổn phận họ phải giữ với Thiên Chúa và đồng loại. Ở Ai cập, Ba-by-lon và At-si-ri (1350 tCN)  cũng có những luật lệ giống như vậy, nhưng tính cách độc thần phân biệt luật Í-ra-en với các luật khác. Chỉ Thiên Chúa là chủ vũ trụ (trang 130).

Chúng ta đọc một vài câu trong bài đọc : ‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta’ (Xh 26,2-3).

Bài Tin Mừng (Ga 2,13-25) : cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM : ‘Thiên Chúa viếng thăm thì bao giờ cũng thanh tẩy dân của Người. Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi dâng của lễ lên Thiên Chúa, nên việc đầu tiên của Con Chiên-Chàng Rể, là thanh tẩy Đền thờ, vì nơi Thiên Chúa ngự là nơi thánh, thế mà nay đã thành cái chợ. Lòng yêu mến Cha là lửa nhiệt thành vì nhà Cha, đã làm bừng ‘cơn thịnh nộ của Thiên Chúa’ trong trái tim Con Một. Người thẳng tay dẹp cái chợ này. Người lấy dây thừng chặp lại làm roi, ‘ra oai’ để xua đuổi người buôn bán, bầy súc vật, lật đổ bàn ghế bọn đổi tiền. Còn với những người bán chim câu (là lễ vật của người nghèo) thì Chúa chỉ nghiêm giọng bảo họ ‘đem những thứ này ra khỏi đây’; chẳng ai đau, mà cũng chẳng ai mất mát gì, chỉ một phen chen lấn chạy theo chiên bò và lượm tiền vung vãi. Đổi tiền là dịch vụ quan trọng, vì khách thập phương vốn dùng tiền Rô-ma, có hình và huy hiệu thần linh của hòang đế Rô-ma trong đời sống hằng ngày, khi muốn dâng chúng vào Đền Thờ phải đổi lấy tiền riêng của Đền Thờ, không có hình và huy hiệu của hoàng đế.

Thực ra đây chỉ là dịch vụ cơ bản giúp khách hành hương và người mừng lễ Vượt Qua. Chiên bò là những vật để tế lễ, nhất là dịp lễ Vượt Qua thì con chiên là thiết yếu, vì từ thời cải cách của vua Giô-si-a (trước lưu đày Ba-bi-lon), chiên vượt qua phải do tay tư tế giết trong Đền Thờ và ăn tại Giê-ru-sa-lem. Người khắp  nơi đổ về thành thánh để chuẩn bị lễ Vượt Qua (x, Ga 11,55). Người ta chẳng hơi đâu dẫn con chiên theo, mà mua tại Giê-ru-sa-lem cho tiện. Chỉ có điều là thay vì họp ‘chợ chồm hổm’ nhất thời ở bên ngoài khuôn viên Đền Thờ, người ta đã dời ‘chợ chồm hổm’ vào trong khuôn viên Đền Thờ, làm mất sự tôn nghiêm của nơi thánh. Lời Chúa Giê-su gợi nhớ lời sách Giê-rê-mi-a (7,12). Các môn đệ thấy cung cách của Thầy , thì nhớ đến lời Thánh vịnh 69/68,10. Lời Tv này đã có hơi ‘tử khi’  bốc ra rồi  : ‘thiệt thân’. Chuyện này sẽ dội lại trong cuộc khổ nạn (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-an, t.1, trang 79)

Bài đọc 2  (1Cr 1,22-25) : Sách ‘Tân Ước năm 2008’ của CGKPV viết về bđ2 như sau : ‘Theo cái nhìn tự nhiên của phàm nhân, lời rao giảng về thập giá đi ngược với thái độ chờ mong của người Do Thái cũng như người Hy Lạp : cớ vấp ngã thay vì dấu chỉ quyền năng của Thiên Chúa, sư điên rồ thay vì sự khôn ngoan. Nhưng đối với người Ki-tô hữu  theo cái nhìn của đức tin, Đức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá là sức mạnh của Thiên Chúa, và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mặc khải ý định và chương trình cứu độ của Người nhờ sự điên rồ của Thập giá’ (u trang 629).

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu,

Chúa đã từng chỉ dạy chúng con

cách chữa lành các vết thương tội lỗi

là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện

và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo.

Này chúng con nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi,

và hết lòng sám hối ăn năn;

xin Chúa thương đoái nhìn chúng con

và đưa tay nâng đỡ.

Chúng con cầu xin

SUY NIỆM III

THỜ PHƯỢNG CHÚA TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phaxicô nói rằng: “Khi Thiên Chúa mặc khải về Người, thông điệp của Người luôn là thông điệp tự do: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Đây là những lời mở đầu Mười Điều Răn được ban cho ông Môsê trên Núi Sinai mà bài đọc 1 chúng ta vừa nghe. Rõ ràng 10 điều răn luôn là đường dẫn đến việc thờ phượng Thiên Chúa một cách tự do. Vào thời Cựu Ước, việc thờ phượng Thiên Chúa chủ yếu gồm những việc cụ thể, thấy được, được thực hiện trong thời gian và không gian rõ rệt. Từ bản chất, thờ phượng Thiên Chúa chính là nhìn nhận Thiên Chúa là chủ tể vũ trụ, có toàn quyền trên tất cả mọi sự. Để biểu lộ sự nhìn nhận quyền chủ tể đó của Thiên Chúa, đúng ra con người phải sát tế chính mạng sống mình; nhưng làm như thế, con người sẽ dần dần chết hết, là điều mà Thiên Chúa không muốn. Vì thế, con người bèn sát tế những con vật như chiên bò làm của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa thay cho mạng sống của mình (x. St 4,3; 8,20; Xh 20,24; 29,18; Lv 1,14; v.v…). Cho nên, chúng ta chẳng lạ gì chúng ta thấy có lần Thiên Chúa yêu cầu Abraham sát tế đứa con trai duy nhất của mình là Isaác làm lễ vật toàn thiêu: khi thấy Abraham không tiếc với mình đứa con duy nhất, Thiên Chúa đã ra tay cứu Isaác (x. St 22,1-14). Đến thời Đức Giêsu việc thờ phượng Thiên Chúa phải mặc lấy một hình thức mới mang tính nội tâm hơn. Cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem (…) Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (…) Thiên Chúa là thần khí, nên những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”.

Như vậy thứ nhất thế nào là thờ phượng trong thần khí? Thần khí mà Chúa Giêsu nói ở đây là tinh thần, tâm linh, thuộc thế giới nội tâm, không thấy được. Thần khí thì ngược với vật chất, thể lý, thuộc thế giới bên ngoài, cụ thể, thấy được. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa hữu hình và vô hình, nên việc thờ phượng Thiên Chúa không chỉ ở bên ngoài, trong không gian và thời gian và mà quan trọng hơn là ngay trong lòng và trong đời sống đức tin của chúng ta nữa. Theo Đức Giêsu, Ngài là thần khí, là tinh thần, là thiêng liêng, nên việc thờ phượng Ngài cũng phải thực hiện trong thần khí, trên bình diện tinh thần, nghĩa là một cách thiêng liêng, trong nội tâm con người. Vì thế, hành vi thờ phượng phải là hành vi của tâm hồn, là thái độ của nội tâm, hơn là hành vi của thể xác. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa cứ phải nghe ta nói, nhìn ta biểu lộ ra ngoài mới hiểu được ta; trái lại, Ngài biết hết, thấu hiểu hết những gì ta nghĩ, ta cần, ta muốn nói: “Cha trên trời thừa biết anh em cần những gì rồi” (Mt 6,32; Lc 12,30). Cho nên, trong suốt Mùa Chay, Giêsu mời gọi ta hãy ăn chay, cầu nguyện và bí thí cách kín đáo vì: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,4). Rõ ràng, điều Thiên Chúa mong muốn nằm trong thái độ nội tâm của chúng ta: tinh thần từ bỏ, tự hủy, sám hối, lòng quảng đại, biết ơn, khâm phục, nhất là tình yêu dành cho Ngài. Vì thế, lễ vật Chúa muốn chúng ta dâng cho Ngài trong mùa chay này đau phải là chiên, bò, hay bất kỳ một vật nào khác, mà phải là tấm lòng sám hối tội lỗi, từ bỏ “cái tôi” ích kỷ và kiêu căng của ta, là ý riêng của chúng ta, là những dự định dù tốt hay xấu nhưng không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Bàn thờ hay đền thờ – nơi sát tế – là chính tâm hồn ta. Thời điểm sát tế không còn là một thời điểm cố định nào Mùa Chay,  hay mùa vọng… mà phải là luôn luôn trong cuộc sống ta, thậm chí trở thành một yếu tố cố định trong bản tính của ta. Cho nên, Đức Giêsu nói: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Thứ hai, thờ phượng trong sự thật nghĩa là làm sao? Thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật đòi hỏi những gì mình nói với Thiên Chúa phải phản ảnh đúng những tâm tình, ý nghĩ trong đầu óc mình, và đúng với thực tế của đời sống mình. Ngày xưa, người ta có thể giết chết một con vật làm lễ toàn thiêu, để tượng trưng cho việc họ nhìn nhận quyền Chủ Tể trên mọi sự của Thiên Chúa. Hành động tế tự đó hoàn toàn xảy ra ở bên ngoài. Nhưng bên trong, người ta vẫn có thể tiếc với Thiên Chúa những chuyện rất nhỏ. Chẳng hạn. Chuyện Chúa Giêsu đánh đuổi những kẻ bán chiên, bò bồ, câu… trong đền thờ ra khỏi đền thờ. Họ dâng những con vật lên Thiên Chúa chỉ là bên ngoài còn bên trong họ thì coi Nhà Chúa ngự như cái chợ mà Thiên Chúa toàn đấng, thiêng liêng sáng láng mà ở nơi buôn bán, đổi chát sao? Vì sao thế, vì họ tiếc đồng tiền bác gạo mà xem thường Chúa thánh thiên. Như vậy, hành động thờ phượng bên ngoài chẳng phù hợp chút nào với tâm trạng bên trong. Chính vì thế, có lần Đức Giêsu nói về việc thờ phượng của họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng trí chúng thì lại xa Ta. Việc chúng thờ phượng Ta thật là vô ích” (Mt 15,8-9).

Ngày nay, nhiều lúc chúng ta cũng giống những người trong đền thờ kia, chúng ta có vẻ đạo đức lắm nhưng từ bỏ một ý riêng, bỏ một giờ tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật cũng tiếc, hay có tham dự Thánh lễ mà vừa dâng lễ vừa nhắn tin điện thoại điều khiển công việc làm ăn hoặc nữa là tham dự Thánh lễ nhưng đứng xa xa ngoài nhà thờ ngắm trời trăng mây gió nói chuyện với nhau chẳng màn gì Chúa cả. Cũng có biết bao người khi cầu nguyện thì nói rằng mình yêu mến Chúa, sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa; nhưng trong đời sống thì chẳng thấy họ yêu mến Ngài ở chỗ nào. Họ thường nói với Chúa: “xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, nhưng khi Chúa cho đủ rồi họ có đến tạ ơn Chúa trong ngày Chúa nhật hay kinh sáng kinh tối không? Hay có đến cũng chỉ là bổn phận cho xong không có nội tâm bên trong tin yêu mến Ngài cho đủ. Hơn nữa, chúng ta là con cái Thiên Chúa, đi lễ nghĩa thường xuyên nhưng cũng phạm tội như bao người, cũng ganh ghét tỵ hiềm như ai hay không bao giờ vàm việc bác ái… Thiên Chúa không ưa lối thờ phượng đó, cụ thể, Ngôn sứ Isaia diễn tả: “Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (Is 1,11b.13b-15).

Sách giáo Lý Hội Thánh công giáo dạy: “Hy lễ bên ngoài để có thể là hy lễ phải là sự diễn tả hy lễ tinh thần. “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát…” (Số 2100). Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta từ nay biết thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật bằng việc cầu nguyện, chay tịnh, bác ái, hy sinh phục vụ Thiên Chúa và tha nhân hết tình và hết nghĩa.

 

SUY NIỆM IV

THÂN THỂ CHÚA GIÊ-SU LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

 (Hội An 3/3/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Đối với người Do Thái, đền thờ có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo của họ, bởi đền thờ liên quan đến Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa chỉ thị cho Mô-sê chọn nơi thánh, nhà Tạm và hòm Bia (Xh 25-31). Sau đó, vua Salomon giám sát việc xây dựng đền thờ dựa vào bản thiết kế Thiên Chúa hướng dẫn (2Sb 2-7). Vì vậy, đối với người Do Thái, chỉ có Đấng Mêssia mới có quyền làm những điều như Chúa Giê-su làm hôm nay trong đền thờ Giêrusalem. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong lối hiểu của người Do Thái và Chúa Giê-su về đền thờ.

  1. Một ngộ nhận về đền thờ

Khi nghe Chúa Giê-su nói về đền thờ, người Do Thái hiểu đó là ngôi đền thờ Giêrusalem vật chất mà họ tự hào. Trước tòa án, người Do Thái tố cáo Chúa Giê-su đòi phá hủy đền thờ và sẽ xây lại trong vòng ba ngày (Mt 26,61). Khi đối diện với Chúa Giê-su đang bị treo trên thánh giá, họ chế nhạo Chúa: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi!” (Mt 27,40). Ngay cả sau khi Chúa Giê-su đã sống lại, khi xét xử thánh Stêphanô, người Do Thái vẫn cứ tố cáo Chúa phá hủy đền thờ (Cv 6,14). Họ hiểu đền thờ là đền thờ tại Giêrusalem được dân tộc họ tự hào. Nhưng Chúa Giê-su không nói về đền thờ vật chất đó.

Thánh sử Gioan nói rõ: “Chúa Giê-su có ý nói đền thờ là thân thể Ngài” (Ga 2,21). Đây là điều Chúa Giê-su khẳng định trước đám đông Do Thái: “Ở đây còn có Đấng trọng hơn đền thờ” (Mt 12,6). Thánh Gioan còn tiết lộ, sau khi Chúa sống lại, các môn đệ hiểu lời Chúa nói đền thờ là thân thể Chúa, nên các ông tin Thánh Kinh và lời Chúa Giê-su nói (Ga 2,22).

  1. Đền thờ chính là Thân Thể Chúa Giê-su, bí tích Thánh Thể

Trước hết, đền thờ là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Trong thời lưu đày, người Do Thái không còn đền thờ, họ u sầu vì nghĩ rằng Thiên Chúa xa cách họ và họ không còn được gặp Thiên Chúa. Hôm nay, mặc dù không phủ nhận tầm quan trọng của đền thờ trong đời sống tôn giáo của do Thái, Chúa Giê-su mở ra cho mọi người một lối nhìn mới về nơi gặp gỡ Thiên Chúa đích thực là trong chính Ngài.  Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta biết nơi Ngài, Thiên Chúa đến gặp con người, vì Ngài là Thiên Chúa đến cắm lều ở giữa nhân loại, trở thành Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, đến nỗi: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Đền thờ là nơi Chúa Cha ngự trị giữa loài người, là nơi dân Chúa tế lễ dâng lên Thiên Chúa. Vì thế, Giáo lý Hội Thánh công giáo tuyên xưng, “Chúa Ki-tô là đền thờ đích thực của Thiên Chúa, là nơi vinh quang của Chúa Cha ngự trị” (số 1197). Đáng tiếc là người Do Thái không còn quý trọng đền thờ, thay vì là nơi thánh thiêng gặp gỡ Thiên Chúa, họ biến đền thờ thành hang trộm cướp. Đó là lý do Chúa Giê-su thanh tẩy đền thờ. Người Do Thái nghĩ rằng Chúa Giê-su muốn tấn công và có kế hoạch phá đền thờ Giêrusalem, nhưng trong tác phẩm “Tinh thần phụng vụ” của mình, Đức Bênêđictô giải thích, lời Chúa nói sẽ phá hủy đền thờ là lời tiên tri về thánh giá. Bởi trong cuộc hiến tế chính thân mình Ngài trên thánh giá vì tội lỗi nhân loại, tựa hình ảnh đền thờ bị phá hủy, thì trong cuộc phục sinh của Chúa Giê-su, Đền Thờ mới là thân thể phục sinh của Ngài bắt đầu hiện diện.

Nói tóm lại, từ nay trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, nhờ Ngài, Thiên Chúa hiện diện giữa con người và nơi Ngài, dân Chúa tế lễ dâng lên Thiên Chúa.

Trong đức tin của Hội Thánh, được bày tỏ trong thần học của thánh Phaolô và trong thư gởi tín hữu Do Thái, Thân mình của Chúa Giê-su phục sinh là đền thờ mới của Thiên Chúa ở giữa loài người. Bí tích Thánh Thể là Thân mình của Chúa Giê-su phục sinh hôm nay có đầy đủ các yếu tố của Đền Thờ mới.

Trong phụng vụ thánh lễ, Chúa Giê-su qui tụ và đưa nhân loại vào trong cuộc gặp gỡ thần linh với Chúa Cha. Chính Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại, đưa nhân loại vào trong tình yêu của Chúa Cha và hoàn thành tình yêu này. Bí tích Thánh Thể là bằng chứng Thiên Chúa đang hiện diện giữa nhân loại nhờ cuộc hiến tế của chính Chúa Giê-su trên thánh giá, nên cử hành thánh lễ là cử hành hy tế thập giá của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su Thánh Thể chính là Đền Thờ mới.

  1. Ki-tô hữu,những đền thờ của Thiên Chúa

Vì thế, khi chúng ta cùng Hội Thánh cử hành thánh lễ trong Đền Thờ mới là Chúa Giê-su, chúng ta dâng hiến tế thập giá lên Thiên Chúa Cha, được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang ở giữa chúng ta và trong sự hiêp nhất với Chúa Giê-su Thánh Thể, tín hữu được biến đổi thành đền thánh của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, được trở thành những viên đá sống động xây dựng Hội Thánh.

Xác tín như thế, làm sao chúng ta không biết chạy đến với bí tích Giải Tội để Chúa Giê-su thanh tẩy chúng ta cho xứng đáng, như Chúa đã thanh tẩy đền thờ Giêrusalem xưa. Đặc biệt trong mùa Chay, làm sao chúng ta vắng bóng được trong những buổi cử hành thánh lễ, nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và nhận lấy ân phúc trong Đền Thánh mới là Chúa Giê-su Thánh Thể.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta có một dốc tâm cụ thể tham dự thánh lễ và được ơn thống hối đến lãnh ơn tha thứ trong bí tích Giải Tội, xứng đáng rước Chúa ngự trong đền thờ là tâm hồn chúng ta.