Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C


 CN 3 MC NĂM C

Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13.1-9

 

Ngọc Liên công chúa

Hôm nay chúng ta kể về một phụ nữ Thánh Chiêm, Phước Kiều. Đó là công chúa Ngọc Liên.

Cha Nguyễn Văn Trinh viết: “Theo sử liệu năm 1629, chúa Nguyễn cử phó tướng Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ Trấn Biên. Và ông làm trấn thủ đến năm 1641. Theo sử liệu, chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 4 người con gái:

  • Ngọc Liên là vợ Nguyễn Phúc Vinh.
  • Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp (Chetta)
  • Ngọc Khoa: theo cha Đỗ Quang Chính, bà là vợ Nhật kiều Starô, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiếu Hùng (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt trang 73). Theo Thái Văn Kiểm và Phạm Đình Khiêm viết trong Văn Hóa nguyệt san, tháng 9-1959, Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành.
  • Ngọc Đỉnh là vợ tướng Nguyễn Cửu Kiều.

“Đàng Trong lúc ấy có 6 tỉnh, chia làm 4 dinh: Thuận Hóa, Quảng Nam, Phú Yên và Quảng Bình; hai phủ là Quảng Ngãi và Qui Nhơn thuộc Quảng Nam. Trong lúc chúa Nguyễn vừa dựng cơ nghiệp, thế lực còn yếu, cho nên các dinh này phải do những người tâm phúc nhất của chúa trú đóng. Chính dinh (còn gọi là dinh Cả) nằm ở Phước Yên, cách Huế độ 10km do chính chúa Nguyễn Phúc Nguyên cai quản; phia Bắc có dinh Mười (tức dinh Quảng Bình) do con rể Nguyễn Cửu Kiều, chồng của công chúa Ngọc Đỉnh, cai quản; dinh Chiêm (tức dinh Quảng Nam), thủ phủ quan trọng nhất, được chúa giao cho con trưởng là Nguyễn Phúc Kỳ làm trấn thủ (1614). Hoàng tử Kỳ mất sớm (1631), chúa giao cho người con thư ba là Nguyễn Phúc Anh lên thay; còn Nguyễn Phúc Lan chúa giữ lại ở Phúc Yên, phụ lực với chúa trong việc cai trị; ở cực Nam giáp giới Chiêm Thành là dinh Phó An (hay dinh Phú Yên) chúa giao cho phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, chồng của công chúa Ngọc Liên.

“Công chúa Ngọc Liên lãnh nhận bí tích Rửa tội được liên kết với một cuộc tranh luận giữa một tín hữu mang tên thánh Jê-rô-ni-mô với một nhà nho. Cuộc tranh luận được tổ chức trước mặt chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hiện diện có cả vợ chồng trấn thủ Phú Yên Nguyễn Phúc Vinh và bà vợ Ngọc Liên. Tín hữu Jêrônimô là một người đạo mới, nhưng rất thông nho. Ông bài bác vấn đề nhà nho đưa ra là con người có 3 hồn 7 vía (người nữ có 3 hồn 9 vía) và minh chứng là con người chỉ có xác và hồn mà thôi. Trong cuộc tranh luận này người tín hữu đã thắng. Bà Ngọc Liên rất cảm phục. Nhận thấy đạo Công giáo rất tốt, bà xin theo. Cha Buzomi đã rửa tội cho bà vào năm 1636 tại Phú Yên và đặt tên thánh là Maria Mađalêna.

“Sau khi đã nhận bí tích Thánh Tẩy, bà Ngọc Liên trở thành một tín hữu gương mẫu, đạo đức. Cha De Rhodes ghi: “Một bà nhân đức tên là Maria Mađalêna, vợ quan trấn thủ, đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên. Bà còn sáng lập một bệnh viện để săn sóc tất cả giáo dân và lương dân. Trong đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được sạch trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị chịu bi tích ban ơn thánh. Có mấy bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc giáo huấn (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, Hành Trình và Truyền Giáo, trang 105).

“Năm 1641 cha Đắc Lộ rửa tội được 1355 người do bà Ngọc Liên dạy đạo và hành đạo trong nhà nguyện của bà. Nguyện đường của bà Ngọc Liên được đặt trong dinh của tướng Nguyễn Phúc Vinh. Tại đây đã có 90 người được lãnh bí tích Thánh Tẩy, trong số đó có cậu Anrê Phú Yên, là vị tử đạo đầu tiên của Đàng Trong vào ngày 26-7-1644.

“Cha Alexandre de Rhodes ghi: “Thế là tôi trở về Macao vào tháng 9 năm 1643… Tôi vẫn tưởng người Bồ thường trấy đi vào tháng chạp, nhưng lần này họ chỉ sẵn sàng vào tháng giêng năm 1644. Như vậy tôi vắng mặt ở Đàng Trong, qua đó chúng ta thấy tướng Nguyễn Phúc Vinh bị đổi đi và có lẽ bị thất sủng. Quan trấn thủ mới về trị nhậm và rất ghét giáo dân. Ông cho lùng bắt các thày giảng mới để trừng phạt. Họ cũng không còn nể bà Mađalêna, có họ với chúa, vợ quan trấn thủ cũ, chúa đã chuyển đi nơi khác. Bọn lính xấc láo ập vào nhà, lục soát các phòng để tìm các thày giảng, nhưng may các thày không còn ở trong thành này. Các thày chỉ buồn vì đã bỏ lỡ dịp chịu khổ vì đức tin, các thày thích chịu chết vì đạo hơn là giảng. Bà Mađalêna không buồn phiền vì chịu xỉ nhúc đó, nếu vào trường hợp khác thì bà rất bực bội (Hành Trình và Truyền Giáo, trang 121-122). Chúng ta biết ông Nguyễn Phúc Vinh không còn làm trấn thủ, cùng gia quyến về hưu ở Thanh Chiêm. Ông rất ham mộ đạo và ước ao cho nhiều người theo đạo, còn ông thì không vì ông có nhiều vợ.

 Khi chồng đã về hưu, bà Ngọc Liên vẫn tỏ ra mình là người sốt sắng trong đạo. Trong vụ 4 nữ tu Clara trôi dạt vào bến cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 2-1645. Hơn tất cả các bà khác trong xứ, bà Mađalêna, vợ quan trấn, tỏ ra rất trọng quí các ‘thánh nữ’, tên người ta gọi như vậy. Mỗi ngày bà gởi một món quà mới để tặng, đến thăm thường xuyên và còn cho con gái của bà đến ở với các nữ tu trong mấy ngày. Cô này chừng 13 xuân xanh, đã đem lòng quí mến các nữ tu và khâm phục nhân đức, đến nỗi đã quyết định đi theo. Người ta phải vất vả lắm mới làm cho cô đổi ý định đi theo qua Philíppin cùng với các nữ tu (HTvTG, trang 177).

Cha Alexandre de Rhodes bị trục xuất khỏi Đàng Trong mãi ãmi. ‘Đó là ngày 3-7-1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong, nhưng linh hồn tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng không kém’ (HTvTG, tr.198). Cha không còn biết tin tức gì về bà Ngọc Liên công chúa nữa. Nhưng qua các tài liệu của các nhà truyền giáo khác, nhất là của cha Cardière (BAVH 1939, tr.121-123) chúng ta biết: trong cuộc bắt đạo dưới trào Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần vào năm 1665, vì là có đạo, dù dòng dõi quí phái, bà vẫn bị tịch biên tài sản, đuổi ra khỏi nhà, phải cư trú trong chòi tranh vách lá. Cơn bắt đạo tăng thêm gắt gao, bà bị bắt giam trong 4 bức tường, không cho ăn uống, nhằm mục đích cho bà bỏ đạo. Sau 5 ngày bị giam, đói khát, bà chịu không nổi. Trong phút yếu lòng, bà đã chối đạo và được tha. Nhưng khi về đến nhà, bà thống hối, ăn năn, khóc lóc, tìm ngay một linh mục đế xưng tội. Cha bề trên Louis Chevreuil đã giải tội cho bà. Người ta không biết bà chết bao giờ và trong hoàn cảnh nào (Nguyễn Văn Trinh, Lich Sử Giáo Hội Việt Nam, tập 2, trang 185-188).

Cha Đỗ Quang Chính viết: “Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thày giảng Đàng Trong… Khi cha Michelle Saccano đến Đàng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thanh Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm… Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý. (Dòng Tên Trong Xã Hội  Đại Việt, tr. 73-74).

Cuộc đời công chúa Ngọc Liên phản ảnh lòng đạo dức ‘mến Chúa yêu người’ mà Chúa mong muốn. Dầu bà có chối đạo, bà cũng thống hối ăn năn. Bà dạy giáo lý và làm các việc đạo đức để đền tội. Câu chuyện “hối cải” của công chúa Ngọc Liên giúp chúng ta thực hành sự “hối cải” mà Lời Chúa kêu gọi trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 (Xh 3,1-8a.13-15) : Cha O’Sullivan viết về bđ1 như sau : “Thiên Chúa gọi và chọn Mô-sê làm người lãnh đạo đưa dân Chúa ra khỏi đất Ai-cập, nơi họ bị bách hại (Đào Văn Tập : bách : ép đè, ngặt lắm). Nhờ Chúa quan phòng, Mô-sê thoát được luật giết hại các trẻ nam của người Ai-cập. Ông được công chúa vua Ai-cập nuôi và cho hưởng sự tự do. Sau, ông đã giết một người Ai-cập vì hành hạ người Do Thái. Để tránh khỏi bị giết chết, ông trốn sang xứ Ma-đi-an (CGKPV : giữa Ê-đôm và Pa-ran, thuộc về sa mạc Xi-nai (x. 1V 11,15). Ông cưới một người con gái xứ Ma-đi-an và cư ngụ tại đó. Thiên Chúa đã trao cho ông một nhiệm vụ quan trọng kể trong sách Xuất Hành

Ông Mô-sê thưa Chúa : “Nếu họ (dân Híp-ri) hỏi con Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán : ‘Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : Đấng Hiện hữu sai tôi đến với anh em’ (Xh 3,13-14).

Sách Kinh Thánh năm 2011 của nhóm CGKPV giải nghĩa tên ‘Hiện Hữu’ như sau : “Ông Mô-sê chưa thỏa mãn. Ông nêu một thắc mắc nữa liên quan đến Đấng sắp giải thoát Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, trong đó cũng hàm ý để có thể trình bày cho anh em đồng bào có thể tin. Nhưng thắc mắc của ông Mô-sê không phải thuần túy để biết Thiên Chúa, như thể Người là Đấng  dân Ít-ra-en chưa biết bao giờ. Cc 6,15 đã cho thấy Thiên Chúa là Đấng nào rồi. Như vậy ở đây Mô-sê muốn đi sâu vào  nội dung danh hiệu đó. – Trình thuật này là đỉnh cao của mặc khải Cựu Ước. Muốn hiểu cần giải quyết hai vấn đề, một thuộc về lãnh vực nghĩa của từ Đức Chúa (YHWH), và môt có tính cách chú giải và thần học liên quan đến ý nghĩa chung của trình thuật và tầm quan trọng của mặc khải chứa đựng trong câu chuyện : 1. Giải thích từ YHWH dựa vào những ngôn ngữ ngoài tiếng Híp-ri  hoặc dựa vào những gốc từ Híp-ri khác nhau. Chắc chắn ở đây có động từ / hiện hữu ở dạng cổ. Một số tác giả cho rằng ở đây có dạng mạnh của động từ này…Khi nói về chính mình, Thiên Chúa sẽ vẫn dùng ngôi thứ nhất số ít : Ta là. Và có thể dịch sát : Ta là điều Ta là, và như thế có lẽ Thiên Chúa không muốn mặc khải Danh của Người. Nhưng đúng hơn, ở đây Thiên Chúa ban Danh của Người. Mà theo quan niệm của người sê-mit, Danh phải nói lên con người cách nào đó. Vậy từ Híp-ri  còn có thể dịch sát là : Ta là Đấng Ta là. Theo cú pháp Híp-ri, như thế tương đương với Ta là Đấng đang là, Ta là Đấng hiện hữu. Các dịch giả LXX đã hiểu như thế và đã dịch : Thiên Chúa là Đấng độc nhất thực sư hằng hữu. Như thế, Thiên Chúa trổi vượt và vẫn còn là một mầu nhiệm đối với con người, nhưng Người đang hoạt động trong lịch sử dân Người và trong lịch sử nhân loại. – Đoạn văn này tiềm ẩn những yếu tố sẽ được mặc khải sau này căn cứ vào đây để khai triển, ví dụ Kh 1,8 : Đấng hiện có, đã có và đang đến, Đấng Toàn Năng, – Tóm lại, trước thắc mắc của ông Mô-sê muốn biết Danh tánh rõ ràng của Thiên Chúa câu trả lời vẫn còn nằm trong bức màn mầu nhiệm. Thiên Chúa ở Xi-nai không phải chỉ là Thiên Chúa của thiên nhiên và của lịch sử các tổ phụ. Người còn là Đấng hiện hữu với tất cả những gì không xác định rõ được của từ này” (trang 125).

Sách Kinh Thánh “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em linh mục Bernard và Louis Hurault viết về DANH THIÊN CHÚA như sau : “Sống giữa các dân khác, mà mỗi dân nhận biết Thiên Chúa theo cách thức của mình và mò mẫm tìm hiểu ý nghĩa định mệnh của mình. Ít-ra-en là dân tộc nhận biết Thiên Chúa thật và nhờ đó mà biết thế nào là sự ưu việt con người. Mặc khải Thiên Chúa độc nhất được liên kết với sứ mạng giải thoát, và đó là đặc tính riêng của mặc khải Kinh Thánh. Ít năm trước đó, Pha-ra-ô đã muốn theo cách của mình làm cho người ta nhìn nhận Thần Mặt Trời là Thiên Chúa độc nhất. Tất cả chỉ là việc thờ tự và không đếm xỉa gì đến lịch sử. Thiên Chúa của ông Mô-sê là Thiên Chúa thánh thiện và công chính. Người muốn được những con người tự do và công chính phụng thờ…

Tất cả các thụ tạo nhận được từ Thiên Chúa sự hiện hữu của chúng; nhưng Thiên Chúa có nơi mình nguồn mạch sự hiện hữu của riêng Ngưới và không lệ thuộc ai, cũng chẳng lệ thuộc điều gì. Thiên Chúa là Đấng độc nhất, và tất cả những gì nhờ Người mà hiện hữu, thì không thể thêm gì cho Người. Thiên Chúa hiện hữu, và Người làm cho hiện hữu. Vì vậy đây là mặc khải quyết định để hiểu đước tất cả Kinh Thánh, và nên nhớ rằng một số người ưa nói dễ dãi : “Thiên Chúa  tình yêu”, “Thiên Chúa nhân lành”. Mà quên rằng điều đó sẽ sai lầm nếu người ta không xác quyết trước hết : “Thiên Chúa là Đấng hiện hữu”. Nếu Thiên Chúa chỉ là Đấng Toàn Năng, chúng ta chỉ lo quì gối trước Người. Nếu Người chỉ “nhân lành”, chúng ta sẽ không hiểu được tại sao Người lại để chúng ta chịu đau khổ. Nhưng Người đã nói : ‘Ta là Đấng Hiện Hữu’. Thiên Chúa là ngôi vị hoàn toàn hoạt động và tự do, và Người kêu gọi chúng ta hiện hữu cách trọn vẹn. Chính Người đã tạo dựng một thế giới, trong đó chúng ta có thể hành động với tất cả tinh thần trách nhiệm. Thiên Chúa không áp đặt sự thiện chúng ta. Người thích để chúng ta khám phá, qua kinh nghiệm sống của chúng ta và qua những sai lầm của chúng ta, đâu là sự thiện đích thực.

Hơn nữa, từ thờ lạy trước hết không có nghĩa là phủ phục, như một số người tưởng, nhưng là tiến lại gần, mặt đối mặt. Có rất nhiều bản văn Kinh Thánh nói đến tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa (Tv 24,6) hay chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa (Tv 11,7; 17,15).

Khi tự giới thiệu như thế, Thiên Chúa độc nhất đã nói điều cốt yếu. Trong những thời gian đầu, Người không thể nói rõ ràng hơn, cũng chẳng mặc khải Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là sứ mạng của Chúa Giê-su (Mt 28,19; Ga 1,18-19). Trải qua nhiều thế kỷ, dân Ít-ra-en giữ mãi hình ảnh một Thiên Chúa duy nhất ưa nói thứ ngôn ngữ mệnh lệnh (trang 113).

YHWH là tên quan trọng nhất của Cựu Ước dùng để gọi tên Thiên Chúa (Xh 3,14). Có thể dịch là ‘Ta là’. Đối với dân Do Thái cũng như Ki-tô hữu, tên ấy có ý chỉ Thiên Chúa duy nhất của trái đất, Đấng sáng tạo, Đấng duy trì cho có thể hiện hữu, Đấng là đối tác của giao ước, Đấng giải thoát khỏi nô lệ Ai-cập, Đấng xét sử và cứu độ (Youcat, Giáo Lý cho người trẻ, trang 52).

Bài Tin Mừng (Lc 13,1-9) : BTM thánh lễ Mùa Chay thứ 3 hôm nay thánh Lu-ca kể ba câu chuyện về sự hối cải :

1/ “Những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13, 1).

2/ “18 người bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết” (Lc 13, 4).

3/ “Cây vả trồng đã 3 năm không ra trái” (Lc 13,7).

Sách”Tin Mừng Lu-ca” của cha Hugues Cousin viết : “Có mấy người đến thuật lại cho Chúa Giê-su vụ thảm sát do tổng trấn xứ Ga-li-lê – Phi-la-tô được các sứ giả biết đến vì đã dẹp tan các cuộc nổi loạn của quần chúng từ trong trứng nước. Ớ Pa-lét-tin vào thế kỷ I, các tai họa thường được coi như hình phạt của tội lỗi. Phải chăng các người dân này muốn hỏi Chúa Giê-su vể tội phạm của các người đồng hương đã bị giết chết một cách thảm khốc ?

Lấy việc giết hại này như một ví dụ, Chúa Giê-su lại thêm vào đó một tai nạn xảy ra ở chân tường thành phía đông nam Giê-ru-sa-lem – lần này không do sự độc ác và ý muốn của con người gây ra. Và Người xác định rằng  cả những người còn sống cũng có tội nữa, nghĩa là tất cả những người ớ Ga-li-lê hoặc dân ớ Giê-ru-sa-lem, những người còn đang sống mà không lo ngại gì. Thực ra ý đinh của Ngài không phải đưa ra một giải pháp thần học về sự ác, nhưng một lần nữa mời gọi hoán cải. Chúa Giê-su muốn các thính giả thay đổi đời sống của họ, chứ Ngài không đến để dạy khóa thần học căn bản…

Tình trạng hư mất này nhắc nhở ta về sự nghiêm túc trong việc Thiên Chúa đánh giá những gì chúng ta làm. “Giữa cái hư mất hiện tại và cái chết sẽ tới, Thiên Chúa ban cho ta khả năng hoán cải” (F.Bovon). Đó chính là điều mà dụ ngôn cây vả và không sinh trái sẽ cho thấy (cc. 6-9… Lời trách cây vả vì không ra trái dùng để cảnh cáo cá thính giả của Chúa Giê-su : họ phải từ bỏ việc hoán cải ngày mai, công việc thiết yếu và phải quyết định sống cho Thiên Chúa ngay từ bay giờ để có thể mang lại hoa trái (x. 6,43-44) (Học viện Đa Minh chuyển ngữ, trang 311-312).

Bài đọc 2 (1Cr 10,1-6.10-12) : Sách Kinh Thánh năm 2011 của nhóm CGKPV viết về thư 1Cr như sau : “Tại Cô-rin-tô có một giáo đoàn năng nổ, nhưng thiếu trật tự, giữa những người Do Thái và người ngoại giáo đã trở lại sau khi nghe thánh Phao-lô giảng. Sau những năm đầu hăng say, nhiều người trong số họ đã trở về với các tật xấu, các tập tục ngoại giáo trước kia. Các người phụ trách giáo đoàn cảm thấy mình không có khả năng đối phó với các khó khăn, như nào là những chia rẽ nội bộ, nào là những nghi vấn về đức tin, vì thế họ nhờ đến thánh Phao-lô. Vì đang mắc công việc tông đồ tại Ê-phê-sô, ngài viết thư này để trả lời họ… Người Cô-rin-tô bấy giờ sống giữa một thế giới ngoại giáo, nên các nghi vấn của họ cũng có tính cách thời sự như những vấn đề chúng ta bàn luận ngày nay

  • Đời sống độc thân và hôn nhân
  • Vấn đề sinh sống giữa những người không có đức tin Ki-tô giáo
  • Trật tự trong cộng đoàn khi cử hành bữa tiệc của Chúa cũng như khi thực hành các ‘ân huệ thiêng liêng’
  • Vấn đề kẻ chết sống lại (trang 1967).

Thư thánh Phao-lô viết trong bđ2 như sau : “Phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã ngã quỵ trong sa mạc răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta: anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số trong nhóm họ kêu trách, họ đã chết bỏi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học và được chép lại để răn dạy chúng ta …Bỏi vậy, ai tưởng mình đang sống vững, thì hãy coi chùng kẻo ngã” (1Cr 10,6-12).

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu,

Chúa đã từng chỉ dạy chúng con

cách chữa lành những vết thương tội lỗi

là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện

và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo.

Nay chúng con nhận biết mình yếu hèn tội lỗi

và hết lòng sám hối ăn năn,

xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa tay nâng đỡ.

Chúng con cầu xin.

 Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành