Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A


CN.3.MC.A

(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2;5-8; Ga 4,5-42)

Chúa nhật hôm nay là chúa nhật lễ thánh Giuse. Trong tháng thánh Giuse, chúng ta đã kể cho nhau nghe ba câu chuyện về thánh Giuse : 1- Thày Anrê, Người con cưng của thánh Giuse, 2- Thánh Giuse bị cám dỗ, 3- Thánh Giuse, bổn mạng Giáo Hội hoàn cầu và GHVN. Hôm nay chúng ta kể chuyện “Tượng thánh Giuse, tượng cứu rỗi”.

Trong một xóm nghèo ở quận Ô-tơi (Auteuil), ngoại ô thủ đô Paris, nước Pháp, có hai anh phu hốt rác. Một ngày kia, đang xúc rác, hai anh thấy trong đống rác một pho tượng thánh Giuse. Một anh định lấy xẻng đập vỡ tượng. Anh kia vội vàng nói : “Để tượng lại cho tao. Đừng đập vỡ”.  Anh cầm xẻng hỏi : “Mày có biết tượng này là tượng gì không ?”. Anh kia đáp : “Nào tao có biết tượng gì đâu. Nhưng có lẽ là tượng Đức Chúa. Khuôn mặt ổng nhân từ dễ thương quá !”.

Hai anh phu hốt rác đều là người Công giáo từ nhỏ, nhưng lớn lên đã bỏ đạo. Ngày qua tháng lại, tuổi già sức yếu, lại thêm bệnh tật, người phu hốt rác đem tượng về nhà, hấp hối gần chết. Đứa cháu gái bảo ông : “Nội ơi, con đi tìm cha sở xức dầu cho nội nhé !”. Ông đáp : “Không cần, cháu ở nhà giúp vuốt mắt cho nội. Nội sắp chết rồi !”. Nhưng rồi ông vội nói với đứa cháu : “Ừ, cháu đi tìm cha sở xức dầu cho nội đi”.

Tuy đem tượng về đặt trên bàn thờ, song chẳng bao giờ ông nhớ đến pho tượng, không bao giờ ông đọc kinh cầu nguyện. Thỉnh thoảng đứa cháu gái thắp cho thánh Giuse một ngọn đèn, hay cắm cho một bông hoa. Thế mà, thật lạ lùng, đêm vừa qua ông mơ pho tượng mỉm cười với ông.

Cha sở đến giải tội cho ông, xức dầu cho ông. Ông đã chết trong vòng tay thánh Giuse (Văn Hải, Truyện Lạ Về Thánh Giuse, trang 129-133).

BTM: Thánh Giuse ban cho người phu hốt rác ơn trở về. Ơn đó thánh Giuse múc nơi nguồn ơn cứu rỗi, nguồn nước hằng sống của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samari trong BTM : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị ‘cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 5,10), hay câu nói : “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 5,14).

Bđ1 : Trong bđ1, sách Xuất Hành kể phép lạ ông Môsê làm cho tảng đá chảy nước cho dân Ítraen uống. Đức Chúa bảo ông Môsê : Cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin…Ngươi đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17,5.6).

Bđ2 : Nước từ tảng đá chảy ra cho dân Ítraen uống cũng là hình ảnh ơn Thiên Chúa. Ơn đó do cái chết của Chúa Giêsu đem lại. Trong bđ2, thánh Phaolô viết  cho các tín hữu Rôma : “Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay… Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”  (Rm 5,2.8).

Khi cầu nguyện, chúng ta nhận được ơn này của thánh Giuse hay ơn khác của Đức Mẹ và các thánh, tất cả là ơn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng cái chết, để đem các ơn phúc cho chúng ta (27-3-2011.19-3-2017)

.—————————–

CN.3.MC.A

 

Mùa Chay là mùa chúng ta trở về với Chúa. Giống như người con hoang đàng trong Phúc Âm, sau một thời gian bỏ Chúa, sống trong tội lỗi, chúng ta ăn năn hối hận và quay trở về với Chúa.

Nhưng Chúa là ai để chúng ta trở về, để chúng ta đi theo Chúa ? Tiền bạc, địa vị, thú ăn chơi  không đem lại hạnh phúc hay sao, mà phải đi theo Chúa ?

Bài Tin Mừng  thánh lễ hôm nay giới thiệu Chúa Giêsu.

Thứ nhất, Chúa Giêsu là Đấng phá đổ hàng rào chia rẽ. Người Do Thái và người Samari có một mối thù truyền kiếp. Năm 931 trước CN, sau thời vua Salômôn, 10 chi tộc miền Bắc tự tách khỏi miền Nam, tuyên bố là một nước độc lập, lấy tên là Israel. Thêm vào sự hiềm thù sắc tộc là sự hiềm thù tôn giáo. Khi tách khỏi miền Nam, miền Bắc không còn thờ Chúa ở Đền thờ Giêrusalem nữa, mà thờ Chúa ở Đền thờ trên núi Garizim. Nhất là năm 721 trước CN, bị nước Babylon xâm chiếm, bắt đi lưu đày, đất đai bị dân các nước khác đến ở. Còn ai sót lại phải sống chung với dân ngoại, lập gia đình với họ. Tôn giáo không còn tinh tuyền, lạc đạo. Khi Chúa Giêsu xin người phụ nữ Samari nước uống, thì chị ngạc nhiên hỏi : “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari cho ông nước uống sao ? (Ga 4,9).

Thứ hai, Chúa Giêsu là Đấng phá đổ sự phân biệt nam nữ. Sau khi mua thức ăn về, “các tông đồ ngạc nhiên, vì thấy Chúa nói chuyện với một phụ nữ” (Ga 4,27). Theo tập tục người Do Thái, người đàn ông ra đường không chào người phụ nữ, dù là vợ hay con gái. Nếu vi  phạm, người phụ nữ có chồng thì sẽ bị chồng bỏ, nếu chưa chồng thì bị chê bai nghi ngờ. Trong lời kinh sáng, người đàn ông cầu nguyện : “Cám ơn Chúa đã không tạo nên con thành người ngoại giáo, thành nô lệ, và thành đàn bà”. Người Do Thái phân biệt nam nữ giống như người Hồi giáo bây giờ.

Thứ ba, quan trọng hơn cả Chúa Giêsu là Đấng  ban ơn cứu rỗi.

Khi Chúa Giêsu bảo: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị ; ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống’” (Ga 4,10), người phụ nữ vẫn chưa nhận ra Chúa, vẫn còn hiểu “nước hằng sống” là nước giếng. Cho nên chị mới nói với Chúa Giêsu : “Ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống” (4,11).

Cả khi Chúa Giêsu bảo : “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (4,14), chị phụ nữ Samari vẫn chưa hiểu, nên đã nói như trêu Chúa : “Xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây múc nước” (4,15).

Chúa bảo chị : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Chị đáp : “Tôi không có chồng”. Chúa bảo :Chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. Chị nói :  “Thưa ông, tôi thấy ông thật là ngôn sứ” (4,16-17).

Như thế, mãi khi Chúa Giêsu nói đến tội lỗi của chị, chị mới nhận ra Chúa. Có người trần nào biết được tội lỗi của người khác. Chỉ có Chúa mới biết được tội lỗi người ta, và tha thứ cho  người ta. Chị đã nhận ra Chúa, vì Chúa đã nhận ra tội của chị.

Thánh Charles de Foucauld được phong chân phước ngày 13-11-2005. Sau những năm tháng ăn chơi trác táng, thánh Foucauld cảm thấy chán nản, trong lòng khao khát một cái gì cao đẹp. Vào một buổi sáng cuối tháng 10-1886, ngài đi lang thang, rồi tạt vào nhà thờ thánh Âutinh. Cha Huvelin đang ngồi tòa giải tội. Ngài đến với cha. Ngài hỏi  cha : “Có Chúa không ?” Cha không trả lời câu hỏi của ngài, mà cha bảo ngài qùi xuống xưng tội. Thánh Foucauld thưa : “Tôi đến đây không để xưng tội, nhưng để hỏi cha “có Chúa không ?”. Cha Huvelin cứ bảo thánh Foucauld qùi xuống xưng tội. Trong khi xưng tội, tự nhiên hai mắt  thánh Foucauld tràn trụa nước mắt. Thánh Foucauld đã nhận ra Chúa và muốn trở về với Chúa.

Như thế, tội lỗi đã che lấp con mắt, làm con người không còn thấy Chúa. Xưng tội, mắt được sáng, trông thấy được Chúa. Sau khi Chúa nói đến tội lỗi của chị, chị  Samari đã nhận ra Chúa và đã ăn năn.

Chúa là Đấng biết tội người ta, nhưng cũng là Đấng đầy lòng từ bi, sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của người ta. Chúng ta trở về với Chúa, vì Chúa yêu thương chúng ta như thế  (24-2-2008)

———————————————–.

CN.3.MC.A

 

Đêm thứ bảy Tuần Thánh, các nhà thờ thường rửa tội cho các tân tòng. Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho các tân tòng lãnh nhận bí tích rửa tội. Cho nên, chúa nhật hôm nay, chúa nhật III Mùa Chay và chúa nhật tuần sau, chúa nhật IV Mùa Chay, các bài đọc trong thánh lễ đều nhắc nhớ đến bí tích Rửa tội. Bài đọc hôm nay nói về “nước hằng sống”.

Nước và bánh gạo là hai thứ cần cho đời người, nhưng nước thì cần hơn. Cả tuần không ăn chưa chết, nhưng ba ngày không uống thì chết. Là nhà nông ai cũng đã thuộc câu vè : “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Khi lập làng, lập phố, nước là yếu tố số một phải lưu tâm. Phần đông các thành phố lớn ở dọc theo hai bên dòng sông. Hà Nội bên sông Hồng, Huế sông Hương, Sàigòn sông Sàigòn, Đà Nẵng sông Thu Bồn…

Nước cũng là một trong hai yếu tố tạo nên một quốc gia. Đó là “đất” để ở và “nước” để uống : Đất Nước. Có khi chỉ cần yếu tố “nước” : Nước Việt Nam. Thậm chí chính quyền, cơ quan lãnh đạo cũng cần nước : Nhà Nước.

Những truyền thuyết nguồn gốc dân tộc cũng đề cao yếu tố “nước”, như Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh 100 đứa con : 50 đứa lên núi và 50 đứa xuống biển. Vì thế, chúng ta thường gọi “con rồng cháu tiên”. Rồng là con vật ở dước nước trở thành biểu tượng cho dân tộc. Rồng được trang trí trên nhà cửa, trở thành trò chơi :  múa rồng, múa lân.

Nước cũng là chủ đề lớn trong Kinh Thánh, đặc biệt trong sách Tin Mừng thánh Gioan : nước hóa thành rượu tại Cana (Ga 2), nước ở hồ tắm Bết-da-tha (Ga 5), nước suối Silôa mở mắt cho anh mù (Ga 9), và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu chảy ra (Ga 19).Trong ba sách TM khác có nói đến Chúa đói, nhưng không thấy nói Chúa khát. Chỉ có sách TM thánh Gioan nói Chúa khát hai lần : lần thứ nhất bên bờ giếng Gia-cóp, lần thứ hai trên thập giá.

Bài đọc 1 : Câu chuyện thiếu nước trong bđ1 khiến dân Israel như muốn giết ông Môsê. Sách Xuất Hành kể : “Trong sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Môsê rằng : Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì ? Có phải để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không” ? Ông Môsê vội cầu cứu Thiên Chúa : “Con phải làm gì cho dân này bây giờ ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con”. Thiên Chúa phải vội ra tay giúp ông. Ngài bảo ông : “Ngươi hãy lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel, cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nil, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống”.

Câu chuyện nước từ tảng đá vọt ra thánh Phaolô đã nhìn ra ơn huệ của Chúa Kitô. Ngài viết trong thư I gửi giáo đòan Côrintô : “Cha ông chúng ta đã uống từ tảng đá thiêng liêng và tảng đá đó là Chúa Kitô”.

Bài Tin Mừng : Bài Tin mừng hôm nay rất dài. Chúng ta đọc tất cả, bởi vì ba năm mới đọc một lần. Câu chuyện được thánh Gioan khởi đầu như sau : “Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thuở đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khỏang 12 giờ trưa. Có một phụ nữ Samari đến lấy nuớc. Đức Giêsu nói với người ấy : Chị cho tôi xin chút nước uống…Người phụ nữ liền nói : Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao” ?

Chúa Giêsu đang ở Giuđê, miền Nam. Ngài muốn đi về Galilê, miền Bắc. Có hai con đường : một con đường phía đông đi qua Samari,  một con đường phía tây đi dọc theo thung lũng sông Giođan. Mặc dầu con đường đi qua Samari vất vả hơn, nhưng Chúa phải đi qua, Thánh Gioan đã viết : “Người phải băng qua Samari”. “Phải băng qua”, nghĩa là Chúa Giêsu không thích đi, nhưng bắt buộc phải đi. Vậy ai bắt buộc ? Chính Thiên Chúa, Cha của Người. Khi các môn đệ mua thức ăn đem về mời Chúa ăn, Chúa trả lời : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết…Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hòan tất công trình của Người”. Như thế, Chúa Giêsu phải đi ngang qua Samari là ý muốn của Chúa Cha. Chúa Cha đã muốn Chúa Giêsu đi Samari truyền giáo. Ngài  đã thành công. Qua thành quả truyền giáo này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học truyền giáo : “Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng, đang chờ ngày gặt hái”. Quả là Chúa Giêsu đã thành công.

Trước hết là Chúa phá tan hàng rào ngăn cách giữa hai miền Giuđê và Samari. Năm 721 miền Samari bị đế quốc Assur xâm chiếm và bắt đi lưu đày. Rồi họ đem các dân tộc ngọai bang đến ở. Những người ở Samari không còn là thuần chủng nữa, mà là ngọai bang. Hơn nữa, đạo giáo của họ cũng bị lai căng, không những thờ Thiên Chúa, mà còn thờ các thần khác. Họ là thứ quân ngọai đạo. Người Do thái miền Nam ghét đến nỗi khi lưu đày trở về, xây dựng lại Đền thờ Giêrusalem, người Samari muốn đóng góp, người Do thái cũng không cho. Vì thế, chị phụ nữ Samari phải ngạc nhiên nói : “Ông là người Do thái mà lại xin tôi , một phụ nữ Samari nước uống sao” ?

Thứ hai Chúa Giêsu phá đổ bức tường phân biệt nam nữ. Một Rabbi, một kinh sư Do thái, cấm không được chào hỏi đàn bà ở nơi công cộng. Thậm chí, mẹ mình, vợ mình, con gái mình cũng không được phép nói chuyện ở nơi công cộng. Có những kinh sư ra đường, thấy đàn bà đã nhắm mắt lại, nên đi đụng vào tường. Vì thế, khi các môn đệ mua thức ăn trở về “Các ông ngạc nhiên thấy Người nói chuyện với một phụ nữ”.

Thứ ba, người phụ nữ Samari chẳng những là đàn bà, mà còn là một người đàn bà lăng loàn, tội lỗi, vì “chị đã có 5 đời chồng  rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị”. Theo luật Do thái, chỉ được tái giá 3 lần. Chị đã tái giá 5 lần, mà còn chung sống bất hợp pháp với một người thư sáu nữa. Vì tội lỗi như thế, nên chị mới phải đi lấy nước giữa trưa, nắng chang chang, để khỏi phải nghe người khác xầm xì, chọc ghẹo. Chúa Giêsu đã đến đem lại sự bình đẳng nam nữ và niềm vui cho người tội lỗi.

Nhất là Chúa Giêsu đem “Nước hằng sống” đến cho mọi người, đem Chúa đến cho họ. Chúa Giêsu nói với chị : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Nước hằng sống đó, cha Hòang Minh Tuấn cắt nghĩa : “Người ta sẽ tìm được trong thứ nước Thiên Chúa ban, ơn huệ tràn đầy của TC, tức là sự thật trọn vẹn. Mà ơn huệ tràn đầy ấy của TC là chính Đức Giêsu” (Đọc TM Theo Gioan, T.II, trang 288).

Chị đã tin Chúa Giêsu. Lúc đầu chị tin là một ngôn sứ, khi thấy Chúa biết đời tư của chị : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ”. Sau đó chị tin là Đấng Mêsia, Đấng Thiên sai : “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Không những chị tin, chị còn muốn người khác cũng được đức tin như chị. Chị không còn sợ nghe những lời người ta bàn tán xầm xì về đời tư của chị nữa, chị “để vò nước lại, vào thành, và nói với người ta : Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?…Họ ra khỏi thành đến gặp Người….Có nhiều người trong thành đã tin vào Chúa Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng”. Họ còn xin Chúa vào làng ở lại với họ. Chúa dã ở lại với họ hai ngày (27-2-2005).

Linh mục Nguyễn Trung Thành