Chúa Nhật III Mùa Thường Niên – Năm C


CN.3.TN.C

(Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr n12,12-30; Lc 1,1-4.4,14-21)

21-1-2007

Khi tôi dạy cho một cha người Mỹ làm lễ bằng tiếng Việt, tới phần truyền phép ngài đã khóc. Ngài nói Chúa đã chạm đến ngài. Những lời truyền phép đã làm lòng ngài rung động. Tình yêu hiến thân của Chúa Giêsu đã khiến nước mắt ngài chảy ra.

Bài đọc 1 : Qua đó, chúng ta không lấy làm lạ, khi thầy tư tế Ét-ra đọc Lời Chúa, dân Do Thái  đã khóc. Sách Nơ-ke-mi-a, trong bđ1 thánh lễ hôm nay đã kể rằng : “Hôm ấy, ông Et-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quãng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật… Ông đọc từ sáng sớm tới trưa…Ông chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và tòan dân giơ tay lên đáp rằng : ‘Amen ! Amen !’ Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa” (Nhm 8,2-3.6-7). Và họ đã khóc. Tư tế Et-ra bảo họ ; “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc…Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon, và gửi phần cho những người không sẵn của ăn” (Nhm 8,9.10).

Dân Do Thái đã khóc nhiều, nên thầy Et-ra phải nhắc đừng khóc những bốn lần (8,,9.10.11.11)

Thật ra, dân Do Thái làm sao mà không khóc, vì khi từ Babylon, nơi lưu đày, trở về, với đôi bàn tay trắng, gặp biết bao khó khăn, thế mà họ đã xây dựng lại được Đền thờ Giêrusalem. Thật kà một kỳ công. Kể sao cho hết lòng thương của Chúa, lòng thương của mọi người chung tay góp sức. Và đã hàng chục năm rồi, bây giờ mới lại đươc nghe Lời Chúa tại chính nơi Đền Thánh, thì làm sao họ có thể cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt chảy ra từ lòng biết ơn cảm mến.

Bài Tin Mừng : Thế nhưng người đồng hương Nadarét đã không chảy được một giọt nước mắt, khi Chúa về quê, vào hội đường đọc và giảng nghĩa Sách Thánh. Đọan sách thánh Chúa đọc ở trong sách ngôn sứ Isaia. Đọan sách đã mô tả ngày Đấng Thiên Sai đến đem niềm vui như sau : “Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đọc xong, Chúa nói : “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúi vị vừa nghe” (Lc 4,21). Như thế, Đấng Thiên sai mà dân chúng trông mong đã đến rồi, đó chính là Chúa.

Nghe vậy người đồng hương phải vui mừng, song họ không reo cười, mặt mũi họ hầm hầm sát khí. Ho lôi Chúa lên núi cao để xô Chúa xuống đất cho Chúa chết.

Tại sao người đồng hương Nadarét đã không vui với Chúa ? Là vì họ có óc kỳ thị, có con mắt khinh miệt. Nghe Chúa giảng xong, họ nói : “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?” (Lc 4,22). Thánh Giuse là bác thợ mộc, một  công nhân tầm thường, thì làm sao sản sinh ra được một hiền nhân vĩ đại như Chúa Giêsu.

Như thế, nhận ra niềm vui để phát khóc phải có một lòng đạo đức như cha người Mỹ, phải có một tâm hồn biết ơn như dân Do Thái thời tư tế Ét-ra. Còn người đồng thương Nadarét nặng óc kỳ thị, khinh bỉ, chia rẽ thì không thể nhận ra niềm vui, không thể khóc được.

Bài đọc 2 : Vì thế, trong bđ2, thánh Phaolô đã khuyên bảo dân thành Côrintô hãy đòan kết như các phần chi thể của một thân thể, không phân biệt, chia rẽ. Ngài viết : “Tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Qủa thật, niềm vui, nước mắt chỉ xuất phát từ con tim, con tim chân thật, con tim hiệp nhất và con tim thánh đức.

Làm sao được con tim như thế ?

Các nhà khoa học nói : một người cân nặng khỏang 60 kilô, có bán đi, giá cũng chỉ được 98 cent, chưa đủ 1 đôla, 1600 đồng VN, vì phân tích thì con người chỉ có : chất mỡ làm được 7 tấm bánh xàbông, chất than làm được 9000 cây viết chì, chất phốtpho làm được 2200 đầu que diêm, chất ma-giê làm được 12 lọ muối, chất sắt làm được một cái đinh cỡ lọai trung, chất vôi đủ quét một cái lồng gà, chất lưu hùynh giết được một con chó ghẻ, và chất nước được 38 lít.

Còn các tài ba thì đâu phải do mình, hay do cha mẹ, mà do Chúa mà có. Con người chỉ có giá rị do tinh thần và tài năng; còn vật chất thì chưa đáng gía 1600 $. Biết giá trị mình chỉ như thế, thì mình kiêu ngạo với ai, lên mặt khinh khi ai.

Khiêm nhường sẽ có con tim tốt lành.

————————-

CN.3.TN.C

25-1-2004

Lời Chúa là Thần khí và là sự sống

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đã nói lên Lời Chúa là Thần khí và sự sống, như lời đáp ca.

Bài đọc 1 : Sách Nơ-khe-mi-a đọc trong bđ 1 hôm nay tường thuật lại cuộc công bố Lời Chúa cách rất long trọng. Đây là lần đầu tiên sau khi lưu đày trở về quê hương. Cuộc công bố trong khuôn viên Đền thờ Giêrusalem mới được xây dựng lại trước mặt toàn dân chúng. Hai nhân vật chính trong việc đưa dân Itraen trở về tái thiết lại Đền thờ và xứ sở đã tổ chức cuộc công bố này : một là ông Ét-ra, tư tế; hai là ông Nơ-khe-mi-a, một giáo dân. Cả hai đã làm việc trong triều đình vua Ba Tư.

Cuộc công bố này vào ngày đầu tháng thứ bảy sau khi về lại quê hương. Ngày đầu tháng bảy là ngày năm mới, theo như sách Dân số đã viết : “Ngày mồng một tháng bảy, anh em phải tập hợp để thờ phượng Đức Chúa; anh em không được làm một việc nặng nhọc nào : đối với anh em, đó là ngày Hò reo” (Ds 29,1).

Thầy tư tế Et-ra đã long trọng đọc lời Chúa : “Kinh sư Etra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn. Ông Etra mở sách ra trước mặt toàn dân…Khi ông mở sách ra mọi người đứng dậy. Bấy giờ ông Etra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng : ‘Amen ! Amen!’. Rồi họ sấp mặt xuống đất thờ lạy Chúa” (Nkm 8,4-7).

Amen vừa là lời tung hô, vừa là một quyết tâm. Amen như muốn nói rằng “Đó là thật”, đồng thời xác quyết “Vâng, tôi muốn”. Sau đó là các Lê-vi giải thích sách Luật. Có lẽ họ dịch từ tiếng Hipri sang tiếng Aram, tiếng nói thông dụng thời đó. Rồi họ nói với dân chúng : “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (8,9). Khi nghe đọc Lời Chúa, toàn dân cảm động khóc. Ông Etra bảo : “Anh em đừng sầu thương khóc lóc” (8,9). Và ông bảo : “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon… vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta” (8,10). Ông còn nhắc lại : “Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (8,10).

Bài Tin Mừng : Trước hết bài Tin Mừng thánh lễ, thánh Luca nói đến việc soạn thảo sách Tin Mừng của ông. Ông “đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1,3). Ngoài tài liệu riêng, ông còn lấy tài liệu của những người khác : “Có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta” (1,2).

Có lẽ đó là các sách Tin Mừng của thánh Máccô và Mátthêu, vì sách Tin Mừng thánh Máccô soạn trước năm 70 tại Rôma; sách Tin Mừng thánh Matthêu soạn quãng năm 80-90 tại Syria Palettin; còn sách của thánh Luca cũng quãng 80-90, nhưng sau sách thánh Mátthêu ít lâu.

Sách Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ là hai sách thánh Luca đã đề tặng cho ông Thê-ô-phi-lô. Đó là kiểu văn chương Hy Lạp : bất cứ cuốn sách nào được viết ra cũng được đề tặng cho một ai đó. Thêô = Thiên Chúa, philô = yêu thích. Thêôphilô không phải là tên của một người, mà là cái tên biểu tượng cho những người ưa thích tìm hiểu Thiên Chúa, hoặc đã theo đạo, hoặc chưa theo. Sau khi giới thiệu tập sách, thánh Luca kể chuyện cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu, mà chúng ta đã đọc trong mùa Vọng và Giáng sinh. Từ đoạn 4 hôm nay trở đi là cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động ở Ga-li-lê, miền Bắc nước Do Thái. Galilê tiếng Do Thái là “gagil”, nghĩa là một “vòng tròn” (circle), hay một “miền” (district). Tên đầy đủ người ta gọi là “gagil goyim”, nghĩa là “Galilê của dân ngoại” (Is 9,1; Mt 4,15). Gọi “Galilê của dân ngoại” là vì có nhiều dân ngoại sinh sống, nhất là trong hai thành phố hải cảng Tiberias và thành phố của hoàng đế Sepphoris.

Nadarét là một trong những ngôi làng lớn và sầm uất nhất ở Galilê. Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu có lẽ thuộc lớp người lao động tự do. Phía tây nam là cánh đồng Esdraelon, nơi bà Đê-bô-rah và ông Ba-rak đã chiến thắng quân Si-se-ra (Thp 4), và ông Gi-đê-ôn chiến thắng quân thù. Nadarét cũng là nơi vua Sa-un và vua Giô-si-a chết trận (2V 23), là nơi vua Giê-hu giết ông Jezebel ở vườn nho ông Naboth (2V 9,30-37). Bờ biển phía tây là rặng núi Carmel nơi ngôn sứ  Êlia chống lại các ngôn sứ của Baal (1V18).

Nadarét gần 3 con đường lớn : 1/ Con đường nội địa từ Bắc xuống Nam, từ Damascus tới Giêrusalem, 2/ Con đường biển từ Ai Cập lên Libanon, 3/ Con đường núi phía đông theo bờ sông Giođan. Con đường biển từ lâu là nơi di chuyển của các đoàn quân, các đoàn thương gia và các khách hành hương.

Tóm lại, Nadarét không phải là một làng nghèo nàn, vô danh, như chúng ta thường nghĩ. Chúa Giêsu đã được lớn lên trong một thành phố, trong một địa điểm quan trọng. Là một thanh niên, chắc chắn Ngài đã đi bộ một quãng đường ngắn tới thành phố mới Sepphoris của người Rôma, cách Nadarét có 8 cây số về phía bắc. Tại đó, Chúa Giêsu đã chen vai sát cánh với người Hy Lạp, người Syri, người Rôma và người Do Thái.

Thánh Luca đã giới thiệu Chúa Giêsu từ miền Giuđê, nơi bị ma qủi cám dỗ, về Galilê. Người bắt đầu cuộc đời hoạt động do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Người đã rao giảng trong các hội đường. Hội đường là nơi thuận tiện Chúa Giêsu ngỏ lời với cộng đoàn người Do Thái. Hội đường là nơi các gia trưởng cùng với các người trong nhà sáng sớm đến cầu nguyện trước khi đi làm. Hội đường là trung tâm gặp gỡ của cộng đoàn. Không có hy lễ dâng hiến ở hội đường, chỉ dâng ở Đền thờ Giêrusalem. Mõi thành phố, mỗi làng Do Thái có ít nhất một hội đường. Qủa vậy, bất cứ ở đâu có 10 người nam, gọi là minyan, là có một hội đường và Thiên Chúa Israen ở giữa họ.

Chúa Giêsu trở về thành phố quê hương Nadarét. Người đã rao giảng đây đó và đã có tiếng tăm. Người vào hội đường vào chiều thứ sáu. Theo tục lệ, chiều đó tất cả đàn ông đàn bà đều tập họp ở hội đường. Gia đình, họ hàng và bạn bè của Chúa Giêsu chắc chắn cũng có mặt. Như một vinh dự, Người được mời đọc Sách Thánh.

Trong buổi lễ ở hội đường người ta được phép đọc 2 bài : một bài ở trong sách Luật (Ngũ Thư), một bài trong sách các ngôn sứ. Chúa Giêsu đã đọc sách ngôn sứ Isaia. Sau khi đọc, Chúa ngồi xuống như một kinh sư và cho vài lời cắt nghĩa. Mọi con mắt đổ dồn về Chúa, chờ xem một điều gì lạ chứng tỏ tiếng tăm của Chúa ở những nơi khác.

Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu đọc diễn tả niềm vui dân Do Thái được thoát cảnh lưu đày ở Babylon. Song những mơ ước của ngôn sứ cả hàng trăm năm rồi mà chưa được thể hiện. Họ vẫn bị ngoại bang xâm chiếm : người Ba Tư, người Hy Lạp, và nay là người Rôma. Thời Chúa Giêsu, dân Do Thái là một dân bị chiếm đóng, bị áp bức, bị nô lệ. Chúa Giêsu đã làm mọi người ngạc nhiên khi Chúa đọc đoạn sách ngôn sứ  Isaia và loan báo bình minh của ngày Thiên Chúa đã đến : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúi vị vừa nghe” (Lc 4,21). Như vậy, Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát họ khỏi nỗi đắng cay cuộc đời.

Cha Đắc Lộ và cha Marquez đến Cửa Bạng, Thanh Hóa vào ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627. Mãi đến ngày 2-7-1627, gần 4 tháng sau, hai cha mới tới Thăng Long, Hà Nội. Quan mậu dịch, tức quan ngoại thương, đã mời hai cha ở trong nhà ông. Nghe tin có tây dương truyền đạo, dân chúng hiếu kỳ đến nghe rất đông. Từ chỗ hiếu kỳ đến chỗ khâm phục và xin vào đạo. Vợ con quan mậu dịch cũng theo đạo, còn ông 10 năm sau khi sắp chết, ông mới vào. Trong số người theo đạo có công chúa Catarina, chị của chúa Trịnh Tráng. Bà có tài văn chương. Bà làm thơ kể chuyện đạo : từ Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ đến Chúa Giêsu xuống thế, chết, sống lại và lên trời. Bà còn làm thơ kể chuyện các cha tới Thăng Long truyền đạo. Người ta đến nghe giảng rất đông.

Chúa Trịnh bằng lòng cấp đất cho các cha dựng nhà thờ nhà xứ. Chính chúa Trịnh lo xây cất.

Những người xin vào đạo các cha chia thành từng nhóm từ  30, 40 đến 50 người. Học trong vòng 8 ngày, mỗi ngày một buổi, với 8 đề tài : 1/ Đạo thánh Đức Chúa Trời, 2/ Đức Chúa Trời, 3/ Đức Thợ Cả, 4/ Những đạo dối trá, 5/ Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Đức Chúa Trời ra đời cứu thế, 6/ ThầyThuốc Cả, 7/ Con chiên lành và sói dữ, 8/ Mười bậc thang lên thiên đàng.

Cuối năm 1627 hai cha rửa tội được 1200 người, năm 1628 2000 người, năm 1629 4000 người. Những giáo dân tiên khởi này có lòng đạo đức sốt sắng, siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng tối và tham dự thánh lễ hằng ngày. Họ vui vì được vào đạo thánh Chúa. Còn hôm nay chúng ta có vui không ?

Linh mục Nguyễn Trung Thành