Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A


Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A

15-12-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Việt An

GIÁO HUẤN SỐ 3

Lời Thiên Chúa nói gì về người trẻ (tt)

Chúa cũng ngỏ lời với Samuel khi cậu còn là một đứa trẻ. Nhờ lời khuyên của một người lớn, cậu đã mở lòng ra nghe tiếng gọi của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,9-10). Kết quả là Samuel trở thành một ngôn sứ lớn, người đã can thiệp tại những thời điểm rất quan trọng trong lịch sử đất nước mình. Vua Saolê cũng là một chàng trai trẻ khi được Chúa kêu gọi đảm nhận sứ mạng (x.1Sm 9,2). Vua Đavít được tuyển chọn khi còn là một thiếu niên. Khi ngôn sứ Samuel tìm kiếm vị vua tương lai cho Israel, người kia đã tiến cử các con trai mình, lớn tuổi và dày dạn hơn. Nhưng vị ngôn sứ nói rằng người được chọn là chàng Đavít trẻ, cậu ấy đang đi chăn cừu (x.1Sm 16,6-13), vì người phàm xét theo vẻ bề ngoài, nhưng Đức Chúa trông thấy tâm hồn (c. 7). Tinh anh của tuổi trẻ nằm trong tâm hồn, hơn là nơi sức mạnh cơ bắp hay nơi ấn tượng trao cho người khác (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, các số 8&9).

Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A

(Is 35,1-6a; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11)

Chúa nhật 1 Mùa Vọng, chúng ta đã kể chuyện ông già Anrê, Chúa nhật 2 đã kể bà Ngọc Liên, Chúa nhật 3 hôm nay sẽ kể bà Gioanna. Tất cả đều là người Thanh Chiêm, Phước Kiều của giáo phận Đà Nẵng chúng ta.

Cha Đỗ Quang Chính viết: “Ai trong vương tộc nhà Nguyễn là người đầu tiên theo Đạo Đức Chúa Trời? Phải chăng là bà Lớn Gioanna được rửa tội khoảng năm 1620, mà người ta cho rằng bà là chị (hay em) của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Bà Lớn không ở kinh đô Đàng Trong, nhưng ở tại Thành Chiêm. Nhà bà là nơi cha Pina tập họp dân chúng để dạy giáo lý. Bà hăng say nhiệt tình với đạo và bà nói là “đạo Hoa Lang hơn hẳn các đạo trong nước”. Chính bà khuyên nhủ một người anh của bà lúc đó ở Hội An, đã 74 tuổi, chịu phép thanh tẩy, do cha Pina đã đến tận nhà ông dạy giáo lý và rửa tội khoảng năm 1620, sau đó cha còn rửa tội cho trên 30 người đã đến học giáo lý với cha cũng tại nhà ông anh của bà Lớn Gioanna” (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615—1773 trang 70-71).

Cha Đỗ Quang Chính cũng viết: “Cha Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở Cửa Hàn, vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người. Tiếp theo các tu sĩ đến Cacciam (Kẻ Chàm) tức Thành Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chùng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh, cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quy phái. Bà này về sau được chịu phép rửa thánh hiệu là Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập ‘nhiều bàn thờ’ và hằng cầu khẩn với ‘một Đức Chúa Trời đất’” (sđd, trang 20-21).

Cha Đỗ Quang Chính còn viết: “Gaspar Luis thuật rằng: tại cơ sở Hội An, có một cha đến ‘triều đình’ (theo chúng tôi hiểu là Thành Chiêm, tức thủ phủ của thế tử Nguyễn Phước Kỳ) dạy giáo lý tại nhà bà Gioanna ‘bằng tiếng xứ này’. Những người nghe cha giảng, nói là, bây giờ họ bắt đầu trở thành người thuộc về Đức Kirixitô và hiểu biết được sự thánh thiện của đạo này. Cha ấy là ai? Bởi vì thầy người Nhật và cha Marques chưa biết tiếng Việt. Đàng khác trước khi làm phép rửa tội cho bà Gioanna, thì nhờ nói khá tiếng Việt và hiểu biết thiên văn, cha Pina đã giải thích rành rẽ cho một Ông nghè để trả lời tất cả những thắc mắc của ông về khoa chiêm tinh…Ông nghè này cùng các quan và cả vị trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ phải thán phục, nhất là khi các ông thấy những nhà chiêm tinh trong xứ nói sai” (sđd, trang 39-40).

Hai cha Buzomi và Cavalho vừa đặt chân đến Đà Nẵng được 2 năm, đến năm 1617 trời hạn hán, mất mùa. Bị đổ vạ cho các thừa sai truyền dạy bỏ thần phật mà thờ Chúa, nên bị Trời phạt hạn hán. Quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ không tin, nhưng để yên lòng dân, quan khuyên các cha về lại Áo Môn. Vừa lên thuyền ra khơi thì bị bão, đành phải lên trú ỡ bãi biển. “Bà Gioanna ở Thành Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ” (Đỗ Quang Chính, sđd trang 50-51).

Niềm vui bà Gioanna được làm con Chúa khác nào niềm vui trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1: Bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm giải nghĩa như sau: “Ngay những lời đầu tiên trang sách Isaia đã đầy những từ ngữ: hoan lạc, hân hoan, trổ hoa, nhiệt liệt, reo hò. Diễn được hết ý nhà tiên tri thật là khó! Niềm vui trong lòng ông rất to lớn. Nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày tác giả chưa được nếm. Ông nói về niềm vui sau lưu đày khi dân Chúa được hồi hương. Quả thật, ai sung sướng bằng Dân được độc lập, giải phóng! Ngày đó người què cũng muốn nhảy, người điếc cũng muốn nghe, người câm chỉ muốn nói. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày” (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ A, trang 18-19).

Bài Tin Mừng: BTM thánh lễ Chúa nhật 3 Mùa Vọng hôm nay, chính Chúa Giê-su đã giới thiệu thánh Gioan như sau: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,7-10).

Giáo hội đã giới thiệu thánh nhân ngay từ Chúa nhật 2 Mùa Vọng qua ngòi bút của thánh Lu-ca: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,2-3).

Thánh Gio-an chẳng những kêu gọi dân chúng sám hối, mà còn kêu gọi chính nhà vua. Trong chuyến du hành từ Ga-li-lê đến Rô-ma thăm em trai, vua Hê-rô-đê An-ti-pas đã quyến rũ vợ của em mình. Khi trở về xứ, ông bỏ vợ chính thức để cưới cô em dâu mà ông đã dụ dỗ. Vì thế nhà vua đã bỏ tù thánh nhân.

Trong tù, thánh nhân đã gửi môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”  (Mt 11,3-6).

Câu trả lời của Chúa Giê-su giống như lời ngôn sứ I-sai-a trong bài đọc 1: “Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhẩy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,4-6).

Vậy Chúa Giêsu đúng thực là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế!

Bài đọc 2: Bđ2 đọc thư thánh Gia-cô-bê. Thánh nhân khuyên nhủ chúng ta: “Xin anh em cứ kiên nhẫn chờ ngày Chúa quang lâm” (Gc 5,7). Sách Kinh Thánh của Nhóm CGKPV giải nghĩa: “Ngày quang lâm là ngày Chúa Giê-su đến trần gian này lần thứ hai với đầy vẻ uy nghi rực rỡ, để phán xét người sống cũng như kẻ chết. Để chuẩn bị ngày đó, tín hữu phải kiên nhẫn chịu đựng và chuyên cần cầu nguyện. Kiên nhẫn và cầu nguyện là hai đức tính cần thiết, thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (x. 1Tx 5,1-11,17-18; Mt 26,41). Kiên nhẫn, chịu đựng, cương quyết là thái độ thích hợp trong giai đoạn thử thách trước ngày quang lâm” (Kinh Thánh ấn bản 2011, trang 2704).

Chúng ta hãy nghe lời kêu gọi sám hối của thánh Gioan, lời khuyên nhủ của thánh Gia-cô-bê “kiên nhẫn cầu nguyện” và noi gương bà Gio-an-na “hăng say nhiệt tình với đạo” để đón ngày Chúa đến, ngày Chúa giáng sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành