Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A


 

CN 3 MV NĂM A

11-12-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Việt An

GIÁO HUẤN SỐ 3

Lời mời gọi nên thánh

Các thánh ở kề bên

 

Chúng ta cũng không cần duy chỉ nghĩ đến các vị đã được tuyên chân phước hay tuyên thánh. Chúa Thánh thần trao ban sự thánh thiện dồi dào nơi dân thánh trung tín của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phục sự Ngài trong thánh thiện. Trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu một dân tộc. Chúng ta không bao giờ là chính mình cách hoàn tòn, trừ phi chúng ta thuộc về một dân. Vì thế không ai được cứu độ một mình, như một cá thể tách rời. Đúng hơn Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Ngài trong chính mạng lưới tương quan liên vị phức hợp tồn tại trong một cộng đoàn nhân loại. Thiên Chúa muốn đi vào đời sống và lịch sự một dân tộc (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 6).

 

SUY NIỆM I

Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Chúa nhật 1 Mùa Vọng, chúng ta đã kể chuyện ông già Anrê, Chúa nhật 2 đã kể bà Ngọc Liên, Chúa nhật 3 hôm nay sẽ kể bà Gioanna. Tất cả đều là người Thanh Chiêm, Phước Kiều của giáo phận Đà Nẵng chúng ta.

Cha Đỗ Quang Chính viết :  “Ai trong vương tộc nhà Nguyễn là người đầu tiên theo Đạo Đức Chúa Trời ? Phải chăng là bà Lớn Gioanna được rửa tội khoảng năm 1620, mà người ta cho rằng bà là chị (hay em) của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Bà Lớn không ở kinh đô Đàng Trong, nhưng ở tại Thành Chiêm. Nhà bà là nơi cha Pina tập họp dân chúng để dạy giáo lý. Bà hăng say nhiệt tình với đạo và bà nói là “đạo Hoa Lang hơn hẳn các đạo trong nước”. Chính bà khuyên nhủ một người anh của bà lúc đó ở Hội An, đã 74 tuổi, chịu phép thanh tẩy, do cha Pina đã đến tận nhà ông dạy giáo lý và rửa tội khoảng năm 1620, sau đó cha còn rửa tội cho trên 30 người đã đến học giáo lý với cha cũng tại nhà ông anh của bà Lớn Gioanna” (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615—1773 trang 70-71).

Cha Đỗ Quang Chính cũng viết : “Cha Buzomi cũng cho dựng lên một nhà nguyện ở  Cửa Hàn, vào dịp lễ Phục sinh 1615 các cha dâng thánh lễ ở đây và rửa tội được 10 người. Tiếp theo các tu sĩ đến Cacciam  (Kẻ Chàm) túc Thành Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chùng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh, cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quy phái. Bà này về sau được chịu phép rửa thánh hiệu là Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập ‘nhiều bàn thờ’ và hằng cầu khẩn với ‘một Đức Chúa Trời đất’” (sđd, trang 20-21).

Cha Đỗ Quang Chính còn viết : “Gaspar Luis thuật rằng : tại cơ sở Hội An, có một cha đến ‘triều đình’ (theo chúng tôi hiểu là Thành Chiêm, tức thủ phủ của thế tử Nguyễn Phước Kỳ) dạy giáo lý tại nhà bà Gioanna ‘bằng tiếng xứ này’. Những người nghe cha giảng, nói là, bây giờ họ bắt đầu trở thành người thuộc về Đức Kirixitô và hiểu biết được sự thánh thiện của đạo này. Cha ấy là ai ? Bởi vì thầy người Nhật và cha Marques chưa biết tiếng Việt. Đàng khác trước khi làm phép rửa tội cho bà Gioanna, thì nhờ nói khá tiếng Việt và hiểu biết thiên văn, cha Pina đã giải thích rành rẽ cho một Ông nghè để trả lời tất cả những thắc mắc của ông về khoa chiêm tinh…Ông nghè này cùng các quan và cả vị trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ phải thán phục, nhất là khi các ông thấy những nhà chiêm tinh trong xứ nói sai” (sđd, trang 39-40).

Hai cha Buzomi và Cavalho vừa đặt chân đến Đà Nẵng được 2 năm, đến năm 1617 trời hạn hán, mất mùa. Bị đổ vạ cho các thừa sai truyền dạy bỏ thần phật mà thờ Chúa, nên bị phạt hạn hán. Quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ không tin, nhưng để yên lòng dân, quan khuyên các cha lên thuyền về lại Áo Môn. Vừa ra khơi thì bị bão, đành phải lên trú ỡ bãi biển. “Gioanna ở Thành Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ” (Đỗ Quang Chính, sđd trang 50-51).

Cha Borri viết về bà : “Cha Buzomi đánh động các tâm hồn trong phủ này đến nỗi không mấy chốc người ta đã chỉ cho cha một nơi để dựng nhà thờ. Mọi người rất mực chuyên chú bắt tay vào việc kẻ góp công người góp của cùng làm theo khả năng của mình. Người ta cũng dựng một nhà khá rộng để làm nơi thường trú cho các cha, sau nàu đến giảng dạy cho dân tộc này biết những mầu nhiệm đức tin. Tất cả công việc được thực hiện chính yếu là do sự trợ giúp của một bà quí tộc đã trở lại đạo và lấy tên rửa tội là Gioanna. Không những bà chỉ giúp dựng nhà thờ và trụ sở nói trên, mà còn dựng trong nhà bà nhiều bàn thờ và nhà nguyện để cảm tạ một Thiên Chúa thật trời đất về ơn Người đã ban cho bà (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, Từơng trình về Khu Truyền Giáo Đàng Trong 1631, trang 63).

Niềm vui bà Gioanna được làm con Chúa khác nào niềm vui trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay.

 Bài đọc 1 (Is 35,1-6a.10): Bài đọc 1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm giải nghĩa như sau : “Ngay những lời đầu tiên trang sách Isaia đã đầy những từ ngữ : hoan lạc, hân hoan, trổ hoa, nhiệt liệt, reo hò. Diễn được hết ý nhà tiên tri thật là khó! Niềm vui trong lòng ông rất to lớn. Nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày tác giả chưa được nếm. Ông nói về niềm vui sau lưu đày khi dân Chúa được hồi hương. Quả thật, ai sung sướng bằng Dân được độc lập, giải phóng ! Ngày đó người què cũng muốn nhảy, người điếc cũng muốn nghe, người câm chỉ muốn nói. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày” (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ A, trang 18-19).

 Bài Tin Mừng (Mt 11,2-11): BTM thánh lễ Chúa nhật 3 Mùa Vọng hôm nay, chính Chúa Giê-su đã giới thiệu thánh Gioan như sau : “Anh em ra xem gì  trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? Thế thì anh em ra xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì ? Một ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh biết biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,7-10).

Giáo hội đã giới thiệu thánh nhân ngay từ Chúa nhật 2 Mùa Vọng qua ngòi bút của thánh Lu-ca : “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,2-3).

Thánh Gio-an chẳng những kêu gọi dân chúng sám hối, mà còn kêu gọi chính nhà vua. Trong chuyến du hành từ Ga-li-lê đến Rô-ma thăm em trai, vua Hê-rô-đê An-ti-pas đã quyến rũ vợ của em mình. Khi trở về xứ , ông bỏ vợ chính thức để cưới cô em dâu mà ông đã dụ dỗ. Vì thế nhà vua đã bỏ tù thánh nhân.

Trong tù, thánh nhân đã gửi môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”  (Mt 11,3-6).

Câu trả lời của Chúa Giê-su giống như lời ngôn sứ I-sai-a trong bài đọc 1 : “Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhẩy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,4-6).

Vậy Chúa Giêsu đúng thực là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế !

 Bài đọc 2 (Gc 5,7-10): Bđ2 đọc thư thánh Gia-cô-bê. Thánh nhân khuyên nhủ chúng ta : “Xin anh em cứ kiên nhẫn chờ ngày Chúa quang lâm” (Gc 5,7). Sách Kinh Thánh của Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Ngày quang lâm là ngày Chúa Giê-su đến trần gian này lần thứ hai với đầy vẻ uy nghi rực rỡ, để phán xét người sống cũng như kẻ chết. Để chuẩn bị ngày đó, tín hữu phải kiên nhẫn chịu đựng và chuyên cần cầu nguyện. Kiên nhẫn và cầu nguyện là hai đức tính cần thiết, thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (x. 1Tx 5,1-11,17-18; Mt 26,41). Kiên nhẫn, chịu đựng, cương quyết là thái độ thích hợp trong giai đoạn thử thách trước ngày quang lâm” (Kinh Thánh ấn bản 2011, trang 2704).

Chúng ta hãy nghe lời thánh Gia-cô-bê khuyên nhủ và noi gương bà Gio-an-na kiên nhẫn cầu nguyện đón ngày Chúa đến, ngày Chúa giáng sinh.

Cầu nguyện

Is 12,5-6

Đàn ca lên mừng Chúa

vì Người đã thự hiện bao kỳ công;

điều đó phải cho cả địa cầu được biết

Dân Xi-on hãy mừng rỡ reo hò

vì giữa ngươi,

Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại

SUY NIỆM II

CHÚA LÀ ĐẤNG CHÚNG CON MONG ĐỢI

 (Hội An 11/12/2022)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

 

            Chúa Nhật III mùa Vọng là Chúa Nhật hồng, Chúa Nhật vui mừng vì Chúa Giê-su đến gần. Thế nhưng, câu hỏi của thánh Gioan Tẩy Giả nêu lên với Chúa Giê-su hôm nay là câu hỏi quá đau đớn đối với vị tiên tri cao trọng trong Nước Trời như Gioan Tẩy Giả, cũng là câu hỏi nhức nhối nhất trong Thánh Kinh: “Thưa Thầy, Thầy là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa?” (Mt 11,3).

  1. Đức tin đòi hỏi Gioan Tẩy Giả phải quyết định chọn Chúa

Câu hỏi này trở nên đau đớn và nhức nhối vì được thốt lên trên môi miệng của thánh Gioan Tẩy Giả, người đã chu toàn bổn phận dọn đường, dọn tâm hồn mọi người đón Chúa Giê-su, người đã từng mời gọi mọi người và các môn đệ mình đến với Chúa Giê-su, giới thiệu Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian. Thế mà nay trong những ngày cuối đời, chỉ vì trung thành với Thiên Chúa, khuyên nhủ vua Hêrôđê tôn trọng tính thiêng liêng của hôn phối và can ngăn nhà vua đừng cướp vợ của anh mình, đã khiến thánh Gioan Tẩy Giả rơi vào cảnh ngục tù.

Có một sự xung đột lớn trong đời sống đức tin của Gioan Tẩy Giả. Nếu Chúa là Đấng cứu độ, tại sao quân đội Rô-ma vẫn cứ cai trị dân tộc Israel? Chẳng lẽ Đấng Cứu Độ không phục hồi dân tộc Israel sao? Lẽ nào Đấng Giê-su cứu thế lại không đáp lại niềm mong mỏi của toàn dân sao? Ngài là Đấng Cứu Thế, sao lại không giải cứu người có công dọn đường cho Ngài đến với muôn dân đang bị giam cầm? Những câu hỏi này là nỗi thổn thức đau đớn trong ruột gan của Gioan Tẩy Giả và thốt lên như tiếng rên trong câu hỏi: “Thầy là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa?” Đó là tiếng rên xiết của người có đức tin đang bị thử thách tột cùng. Đức hồng y Martini giải thích, tiếng rên là tiếng gào thét bị tắt nghẽn, đau đớn khủng khiếp muốn thét lên cho vơi, nhưng không còn đủ sức nữa, chỉ còn tiếng rên. Bệnh nhân đau đớn khủng khiếp, muốn thét lên nhưng không còn đủ sức, chỉ còn tiếng rên. Nay, trước khi chết, Gioan Tẩy Giả muốn biết Chúa Giê-su có phải là Đấng phải đến không? Cuộc đời rao giảng của ông có vô ích không? Vì thế, dù đang ngồi tù, Gioan Tẩy Giả cũng sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su: Ngài có phải là Đấng phải đến không?

Thách thức đức tin của thánh Gioan Tẩy Giả làm chúng ta nhớ đến cuộc vật lộn của Gia-cóp với Thiên Chúa. Gia-cóp đã phải trải qua một cuộc đấu sức với Thiên Chúa trước khi trở thành “Israel,” cha của một dân tộc có lòng tin. Thông thường người ta cứ tưởng sống đức tin là sống trong thoải mái và bình lặng, đâu ngờ sống đức tin là vật lộn với Thiên Chúa.

  1. Đức tin đòi hỏi Ki-tô hữu ôm chặt Chúa và hoán cải đời sống

Là Ki-tô hữu, chúng ta như thánh Gioan Tẩy Giả đang có cuộc vật lộn trong đức tin, đang đối mặt với những câu hỏi nhức nhối mang tính quyết định trong đời sống đức tin: Chúa Giê-su có phải là Đấng chúng ta mong đợi không? Hay chúng ta phải đợi ai khác? Câu hỏi này trong hoàn cảnh chúng ta hôm nay gay gắt không kém hoàn cảnh của thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta đang bị lôi cuốn vào thứ chủ nghĩa tương đối đòi hỏi khoan dung trá hình, xem thường sự thánh thiện, coi tội lỗi là chuyện thường tình và phải bỏ qua tội lỗi để mỗi người mặc tình sống theo chọn lựa của mình. Đức Bênêđíctô nhận xét, họ kêu gọi khoan dung với tội lỗi, nhưng lại độc tài lên án những ai sống theo lời Chúa dạy là cuồng tín và đối với họ, không cần Chúa Giê-su, không cần lời Chúa làm chuẩn mực luân lý cho đời sống con người. Khủng hoảng và sự xuống dốc đạo đức bắt đầu từ đây. Vậy, lúc này đây, chúng ta còn trông đợi Chúa Giê-su đến với chúng ta không, hay chờ đợi ai khác?

Mong đợi Chúa đến và đón mừng Chúa đến ở với là chấp nhận Chúa đến làm xáo trộn cuộc đời chúng ta, đòi hỏi tín hữu phải chỉnh đốn sinh hoạt trong gia đình để có chỗ cho Chúa ở giữa. Chúa Giê-su đã trả lời với Gioan Tẩy Giả như thế: “Cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,” nghĩa là Chúa đến sẽ thay đổi mọi sự trở nên tốt lành. Như vậy, câu trả lời Chúa Giê-su dành cho Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông là chính Chúa Giê-su, Đấng đang đến với các ông chứ không ai khác và đón nhận Chúa là bám chặt vào Chúa như Gia-cóp ôm chặt Chúa dù bị thương tích trong cuộc vật lộn, là điều chỉnh lịch sinh hoạt gia đình cho có thời gian cả nhà quy tụ thờ phượng Chúa, là điều chỉnh lịch sinh hoạt các nhân để có thời gian đến tham dự thánh lễ và gặp gỡ cá vị với Chúa, là chấp nhận Chúa làm ray rứt tâm hồn tội lỗi của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với bí tích Giải Tội. Không thể nào nói chọn Chúa và đón Chúa mà không có sự thay đổi xứng đáng. Giu-đa không phải là bậc thầy của sự ác, cũng chẳng phải gương mặt thay cho quyền lực bóng tối, mà chỉ là một kẻ cúi đầu tuân theo ý riêng của mình. Nhưng chính sự cúi đầu đó đã đồng thanh trong lời kết án đóng đinh Chúa vào thập giá. Chúng ta đâu có ngờ chính việc không mong ước đón Chúa và không chịu thay đổi đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn cho xứng với việc đón Chúa đã làm cho chúng ta xa Chúa lúc nào mà chẳng hay, suy yếu đức tin lúc nào mà chẳng biết.

Xin Chúa cho Chúa Nhật này là Chúa Nhật hồng trong lòng mỗi chúng con, bởi sự thật lòng khao khát Chúa đến với chúng con, gia đình và cộng đoàn chúng con và cho chúng con diễn tả niềm khát mong đó bằng sự đổi mới tâm hồn của chúng con cho xứng với sự hiện diện của Chúa.

 

SUY NIỆM III

Lời Chúa: Is 35,1-6.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

CỨU và GIẢI THOÁT

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Tin Mừng hôm nay kể thánh Gioan tẩy giả bị ngồi tù bởi vì ông đã thẳng thắng can thiệp với vua Hêrôdê về việc nhà vua lấy vợ của anh mình. Ngồi trong tù, thánh Gioan Tẩy giả sai môn đệ của Ngài đến để hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến không hay chúng tôi phải chờ một Đấng khác?” Câu hỏi này vừa hàm ý cay đắng vừa nghi ngờ. Cay đắng ở chỗ là Thánh nhân đã biết Chúa Giêsu khi còn trong bụng, nhảy mừng trong bụng khi Đức Mẹ đến viếng thăm mẹ của ông, một người làm phép rửa cho Chúa Giêsu, còn nói không không đáng cởi giây giày cho Người, rồi hô hãy dọn đường cho Chúa đến, thánh Gio-an đã đem cả cuộc đời mình vì Chúa Giêsu, ấy thế hôm nay trong ngục tù đau khổ, ông đã nghi ngờ Thầy Giêsu. Hóa ra từ nào tới giờ Ông loan báo những điều ông nghi ngờ sao, ông rao giảng hãy dọn đường cho Chúa đến, vậy Chúa của ông nói có phải Chúa hay không?  Nhưng từ chỗ nghi ngờ đã toát lên một hy vọng và tin tưởng vào Chúa, tin tưởng ở chỗ Thánh Gioan nhớ đến Chúa cần đến Chúa trong lúc nguy hiểm về tính mạng cũng như đức tin của mình.

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp cho vấn nạn của thánh Gioan tẩy giả. Ngài bảo các môn đệ của Gioan về thuật lại cho Thầy của họ tất cả những điều họ thấy Chúa đã làm. Chúa đã làm gì? Lời Chúa trong Bài đọc 1 nói: “Thiên Chúa của anh em đây rồi, chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất”. Qủa thế, ngôn sứ Isaia mô tả Đấng Messia, Ngài không phải là một Đấng Messia thẩm phán, mà là một Đấng Messia Tôi Tớ đến để cứu và giải thoát. Như thế, một cách gián tiếp, Đức Giêsu đã trả lời cho ông Gioan biết rằng Ngài chính là Đấng Messia đồng thời Ngài đến không phải để trừng trị mà để cứu và giải thoát.

Nhưng thử hỏi Chúa Giêsu cứu và giải thoát cái gì, đang khi đó, Chúa Giêsu không giải thoát được ông Gioan ra khỏi tù? Rồi vào thời Chúa Giêsu, bao nhiêu bệnh nhân mắc đủ thứ mọi bệnh hoạn tật nguyền, được Chúa Giêsu chữa lành? Tin Mừng kể chỉ một vài người thôi. Điều đáng nói ở đây là những việc Ngài làm là dấu chỉ, qua đó con người nhìn nhận Chúa Giêsu là ánh sáng, bình an và sự sống. Ngài cứu là cứu lấy sự sống chúng ta, còn giải thoát là giải thóat từ chỗ tối tăm đến nơi ánh sáng, nghĩa là từ chỗ tội lỗi đến chỗ trong sạch, thánh thiện, từ chổ đau khổ tột cùng nhưng vẫn có bình an của Chúa làm chúng ta không bao giờ tuyệt vọng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại mình và cuộc đời của mình. Chúng ta cũng giống như thánh Gioan tẩy giả. Bao nhiêu năm theo Chúa, tin Chúa, thờ Chúa và nhất là thông truyền Đức Tin Chúa qua việc chúng ta dạy con dạy cháu, dạy cho nhiều người khác về Chúa, giáo lý và Đạo Chúa… nhưng cũng có những lúc chúng ta cũng nghi ngờ Chúa có thật không? Chúa có linh không? Cho nên bao nhiêu lần lãnh nhận Bí tích hòa giải rồi mà tội nào vẫn phạm tội nấy? Rồi khi gặp khó khăn, gian nan đau khổ, chúng ta nghi ngờ Lời Chúa của Chúa Giêsu có thật sự mang lại hiệu quả và bình an cho chúng ta không mỗi khi chung ta khi gặp khó khăn. Chính vì những mối nghi ngờ này nên chúng ta dễ thờ ơ, lãnh đạm với Chúa, không muốn sống Lời Chúa, thi hành Lời Chúa và vì thế chúng ta dễ phạm tội và tuyệt vọng, đánh mất chính mình.

Qủa thế, tội lỗi làm cho con người hôm nay coi nhau như con vật, nhiều khi kém hơn con vật. Cụ thể, trên mạng Internet mới đây đưa tin chị Hoài Nam (32 tuổi) đang ở trong nhà tắm tại căn hộ thì bất ngờ bị người chồng cầm dao chém tới tấp vào người. Một nhát dao đã cứa rách bụng chị Nam, làm đứa con trai hơn 37 tuần tuổi lọt ra ngoài. Quá hoảng loạn, chị Nam ôm đứa con rồi chốt cửa nhà tắm, hét lên kêu cứu. Còn người chồng cầm dao tự đâm lên người để tự sát ngay sau đó. Rồi cũng mới đây một vụ án xảy ra ở Đà Nẵng: một kẻ trộm lấy dao cắt cổ người em của cô chủ nhà, rồi hiếp dâm cô và sau đó hắn cướp tài sản bỏ đi. Chưa hết, cũng mới đây, một anh thanh niên khoảng 30 tuổi leo lên sân thượng của dãy nhà 3 tầng nằm trong khuôn viên nhà thờ Chánh Toà Phú Cường – Thủ Dầu Một, Bình Dương rung chuông rồi nhảy xuống đất tự tử và anh đã tử vong sau đó.

Rõ ràng Chúa thấy tội lỗi làm cho con người và nó khiến con người ra như thế. Cho nên, Chúa đến cứu và giải thóat chúng ta khỏi ách nô lệ cho tội lỗi đồng thời làm cho chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và giao hòa với tha nhân với nhau, yêu thương nhau như anh chị em nhờ đó cuộc sống chúng ta đầy tràn tình thương, bình an và hạnh phúc nhờ cái chết của Chúa Giêsu, vì chưng Thánh Phaolô nói: “Nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 5,21). Cho nên, trong Tông thư hậu năm Thánh lòng Thương xót, Đức thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Ước muốn gần gũi Chúa Kitô đòi chúng ta phải trở nên gần gũi với các anh chị em, vì không có gì làm đẹp lòng Chúa Cha cho bằng một cử chỉ cụ thể từ bi thương xót. Tự bản chất, lòng thương xót được biểu lộ hữu hình qua một hành động cụ thể và năng động. Một khi ta đã cảm nghiệm lòng thương xót trong sự thật, thì không thể thối lui: nó liên tục gia tăng và biến đổi cuộc sống” (số 16).

Nếu chúng ta có được ý hướng đó thì chúng ta có thể thay đổi toàn bộ trong cuộc sống. Chúng ta hãy quyết tâm, cố gắng và hoàn toàn tin vào Chúa, tín thác vào Chúa thì Chúa sẽ biến đổi đời ta vì ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta và hãy can đảm lên! Đừng sợ. Nick Vujicic – người đàn ông không chân không tay nhưng có một nghị lực sống phi thường, người đàn ông được cả thế giới biết đến với cụm từ “không bao giờ bỏ cuộc”. Cho nên anh nói rằng Chúa có thể sử dụng bất kì tấm lòng nào sẵn sàng làm công việc của Ngài và rằng Chúa là Đấng đắc thắng mọi sự khuyết tật.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cứu giúp và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi để tiếp tục đi trên hành trình sống niềm vui Phúc Âm ngõ hầu chúng ta thật sống lành thánh và hết lòng thương xót nhau giữa đời hôm nay để mở lòng đón Chúa để ở giữa chúng ta. Amen.