Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm B


CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM B

(Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28)

13-12-2020

Cụ Anrê Phước Kiều

Cha Đắc Lộ khen ngợi cụ Anrê (Phước Kiều): ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo.

Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà.

 Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích.

 Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô.

 Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ở nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 168-169).

Cha Nguyễn Hồng kể lại: “Một hôm quan trấn cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng ở nơi công cộng” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 151).

Cha Đỗ Quang Chinh kể lại: “Trước khi đi yết kiến nhà vương, Rhodes (cha Đắc Lộ) để Pedro Alberto (mới đến đây) ở lại Hội An. Ngoài một số lễ vật quí mang từ Áo Môn, Rhodes dốc hết tiền của mua sắm nhiều đồ quý khác để tiến dâng Chúa Thượng. Cũng may, một giáo hữu giầu có và rộng lượng là ông Anrê đã bỏ tiền bù lại cho vị thừa sai’ (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 81).

Cha Nguyễn Hồng kể tiếp về ông An-rê: “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê Phú Yên… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Nguyễn Hồng, sđd, trang 166).

Cha Vũ Thành kể : “Cha Đắc Lộ xuống nhà tù để an ủi và sửa soạn cho hai người lính can trường của Chúa đi lãnh triều thiên tử đạo. Ông Anrê đã mặc áo chỉnh tề mà không được vinh dự tử đạo nên rất buồn” (Dòng Máu Anh Hùng,  tập I, trang 30).

Năm 1675 có Linh mục Louis Đoan : “Đức giám mục Lambert de La Motte đã đi thăm các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trong bốn tháng. Cuối tháng 12-1675, giám mục đã về Hội An và phong chức linh mục cho thầy giảng cao tuổi và thông nho là Louis Đoan” (Trương Bá Cần, sđd, trang 232)

Cha Trương Bá Cần viết: “Đây là linh mục Việt Nam thứ tư ở Đàng Trong. Trong thư đề ngày 20-6-1677, thừa sai Vachet viết : “Khi ở trong khu truyền giáo này về (tỉnh Quảng Ngãi), Đức giám mục hiệu tòa Beryle đã phong chức linh mục cho Louis Doan, một trong những thầy giảng kỳ cựu thông nho của vương quốc này… Trong thư gửi Đức Giám mục Lambert năm 1676, thừa sai Courtaulin viết : “Ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (8-9), linh mục Louis Doan đã làm lễ mở tay ở Cacham trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu ưu tú của tỉnh này tham dự…Dưới bức thư của giáo hữu Đàng Trong gửi Đức Giáo hoàng  tháng 2 năm 1676 bằng Hán Nôm có tên linh mục Lu-y Đoan… Theo Paulus Tạo (báo Nam Kỳ Địa Phận) thì Phan Văn Cận  ở  Cái Mơn, năm 1820, đã chép bản Sấm Truyền Ca, nói là của linh mục Lu-y Đoan soạn năm 1670, từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Bản quốc ngữ này được nhiều người sao chép lại chuyền tay nhau. Trong một tài liệu in Ronéô, ông Nguyễn Văn Trung cho biết là ông hiện có hai bản chép tay bằng chữ quốc ngữ… Linh mục Louis Đoán mất trước tháng 6-1678” (Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, trang 224).

Linh mục Đoan là văn sĩ: “ Ở Đàng Trong, linh mục Louis Đoan, một thầy giảng già đã được Đức giám mục Lambert phong chức năm 1675 cũng đã biên soạn cuốn ‘Sấm Truyền Ca’ ở dạng bản thảo, bằng chữ Nôm được ông Tạo ở Mặc Bắc ghi âm quốc ngữ và ông Nhãn ở họ Chợ Đũi sao chép lại một số đoạn” (Trương Bá Cần, sđd, trang 557)

Ông Cao Thế Dung viết về cuốn sách “Sấm Truyền Ca” của cha như sau : “Có thể nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Louis Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn về giá trị văn chương. Cha Louis  diễn đạt 5 sách đầu của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. thành thể thơ lục bát, gồm 3596 câu, vào năm 1670” (Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyên II, trang 1353).  

Cụ Anrê, một trong những giáo dân đầu tiên của Phước Kiều, Đàng Trong, là hình ảnh ngôn sứ I-sai-a trong bđ1, và là hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả trong BTM dọn đường cho Chúa đến.

Bài  đọc 1 : Sách “Ngôn sứ I-sai-a” của nhóm CGKPV viết về bđ1 như sau : “Ch. 61 có nhiều giao điểm với ch. 60 về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Nhưng ch 61. đặt trọng tâm ở ngôn sứ : tác giả nhận mình đã nhận thần khí để chu toàn sứ mạng (cc 1-4), ngỏ lời với anh em của mình để tiên báo Thiên Chúa sẽ đổi vận mạng của họ (cc 5-9), khiến môi miệng của ông cất lên lời ngợi khen Thiên Chúa” (trang 202) :

Như đất đai đâm chồi nẩy lộc

Như vườn tược cho hạt nẩy mầm

Đức Chúa là Chúa Thượng

Cũng sẽ làm trổ hoa công chính

Làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân (Is 61,11)

Bài Tin Mừng : Cả 4 sách Tin Mừng đều tường thuật câu chuyện thánh Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Chúa đến. Nhóm CGKPV chú giải bản văn của thánh Mác-cô như sau : “Sách Tin Mừng II bắt đầu lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả. Mác-cô giới thiệu ông Gio-an với độc giả : Ông Gio-an là Tiền Hô của Đức Giê-su, là sứ giả dọn đường cho Người (1,2-3), nhờ lời rao giảng kêu gọi người ta hối cải, nhờ phép rửa và việc loan báo Đấng sẽ đến. Lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả tập trung vào Đức Giê-su (1,7-8) : Người là Đấng quyền thế hơn ông Gio-an Tẩy Giả; Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Lời trích dẫn ở cc.2-3 ghép ba đoạn Cựu Ước : Xh 23,20 và Ml 3,1, Is 40.3  hàm ý rằng Đức Giê-su thực hiện một cuộc xuất hành mới (Bốn Sách Tin Mừng 2004, trang 151).

Bài đọc 2 : Sách “Tân Ước” năm 1994 của nhóm CGKPV giới thiệu thư Thê-xa-lô-ni-ca như sau: “Năm 50, trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, thánh Phao-lô dừng chân tại Thê-xa-lô-ni-ca, sau khi đã rao giảng tại Phi-líp-phê. Cùng đi với ngài có Xi-la và Ti-mô-thê (Cv 17,1-10); 1Tx 2,1-16).

 Cv 17,2 nói ngài ở đó 3 tuần. Có lẽ hơn, vì ngài còn hành nghề dệt vải (1Tx 2,9), tiếp nhận nhiều đợt trợ cấp của Hội Thánh Phi-líp-phê (Pl 4,16), chinh phục cho Chúa một vài người Do Thái và một số người ngoại (1Tx 1,9; Cv 17,4). Hầu hết thuộc giới bình dân trong xã hội (1Tx 4,11…; 2Tx 3,6-12).

 Như nhiều nơi khác, người Do Thái không chịu được lời rao giảng của thánh Phao-lô và đứng lên chống đối kịch liệt. Họ còn tố cáo đủ điều, khiến ngài phải vội vã ra đi (Cv 17,5-10).

 Ngài xuống Bê-roi-a gần đó, người Do Thái vẫn tìm theo quấy phá (Cv 17,13) khiến ngài phải đi tiếp xuống A-then. Xi-la và Ti-mô-thê đến đó sau ngài (Cv 17,10-15).

 Ngài nhớ  cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca non nớt phải bỏ lại (1Tx 2,17), không biết làm sao để củng cố đức tin cho họ (1Tx 3,10). Nhiều lần ngài muốn trở lại thăm viếng mà không được (1Tx 2,18). Cuối cùng, sốt ruột quá, ngài sai Ti-mô-thê trở lại để lấy tin tức và củng cố đức tin của anh em (1Tx 3,1-5).

 Sau khi thử lửa với người Hy Lạp tại hội đồng A-rê-ô-pa-gô mà chẳng được kết quả bao nhiêu (Cv 17, 32-34) (2,3-6), thánh Phao-lô trẩy đi Cô-rin-tô.  Tại đây, Ti-mô-thê từ Thê-xa-lô-ni-ca trở về gặp ngài (Cv 18,5) đem tin vui pha lẫn tin buồn : Anh em rất thương nhớ vị tông đồ (1Tx 3,6); người Do Thái vẫn tiếp tục vu khống. Đàng khác, cộng đoàn non nớt có vài điều phải giải quyết về luân lý cũng như về giáo lý Chúa quang lâm.

 Thế là vào năm 50 từ Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết cho công đoàn Thê-xa-lô-ni-ca bức thư đầu tiên của ngài, đồng thời cũng là những trang đầu tiên của Tân Ước (2Pr 15,16).

Kết : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1x 5,16). Đây là lời khuyên của thánh Phao-lô với giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca trong bđ2. Ước gì cũng là lời cầu nguyện liên lỉ trong những tuần Mùa Vọng, để chúng ta noi gương gia đình cụ Anrê, thánh Gioan Tẩy Giả, các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, dọn tâm hồn thành hang đá cho Chúa sinh ra và gia đình Chúa trú ngụ.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành