Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B


CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B

Ngày 17/12/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Việt An

GIÁO HUẤN SỐ 3

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai hiền lành

vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp (tt)

Hiền lành là một cách diễn tả sự nghèo khó bên trong của những ai đặt tin tưởng vào chỉ một mình Thiên Chúa. Thật vậy, trong Thánh Kinh cùng một từ ‘anawim’ thường nói đến cả những người nghèo khó lẫn những người hiền lành. Có người có thể chống chế : “Nếu tôi hiền như vậy, người ta sẽ cho tôi là một tên ngốc, một kẻ khờ hay nhu nhược”. Đúng là đôi khi người ta nghĩ vậy, nhưng vậy cũng không sao. Hiền lành luôn luôn là điều tốt hơn, vì như vậy những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta sẽ được lấp đầy. Người hiền lành “sẽ được đất làm cơ nghiệp”, vì họ sẽ nhìn thấy các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện trong đời sống mình. Trong mọi hoàn cảnh, người hiền lành đặt hy vọng nơi Chúa, và những ai đặt hy vọng vào Chúa, thì sẽ sở hữu được đất … và cảm nhận được sự bình an tròn đầy (x.Tv 37,9.11). Về phần Ngài, Chúa tin tưởng nơi họ: “Kẻ được ta đoái nhìn, đó là người khiêm nhừơng, người có tâm hồn tan nát, người biết kính sợ loời ta” (Is 66,2). Cư xử với sự hiền lành và khiêm nhường, đó là thánh thiện (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 74).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa.

Xướng: Ðức Ma-ri-a nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước.

Xướng: Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người.

Xướng: Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

“Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gio-an, khi những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem sai các vị tư tế và các thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Ki-tô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Ê-li-a chăng?” Gio-an trả lời: “Tôi không phải là Ê-li-a”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gio-an đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gio-an đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri I-sai-a đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gio-an rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gio-an trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sống Gio-đan, nơi Gio-an làm phép rửa.

Ðó là lời Chúa.

 

 SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Niềm vui

“Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên ! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Đức Kitô. Anh em đừng dập tắt tác động của Thánh Thần” (1 Tx 5,16-17).

Lời thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-kê ngày xưa, hôm nay Giáo hội lại công bố với chúng ta trong ngày CN 3 MV này.

Trong lúc chờ đợi Đức Kitô đến, chúng ta phải tỉnh thức, phải lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi. Chính tiếng Người đem lại niềm vui cho ta, như Gioan Tẩy giả đã làm chứng, khi ông nói về vai trò tiền hô của mình đối với Đấng Cứu thế.

Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Người

Niềm vui của tôi đã sung mãn. Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi (Ga 3,29-30) (Nguyễn Sơn Lâm, Giải Nghĩa Lời Chúa Năm Phụng Vụ B, trang 26).

Ba bài đọc trong thánh lễ cũng đầy ý tưởng an ủi : Bđ1 là niềm an ủi những người tha hương, xa quê;  BTM là niềm an ủi cho những người nghèo hèn; Bđ2 là ơn Chúa Thánh Thần tăng cường đức tin và an ủi trong những cuộc chiến đấu .

Bài đọc 1(Is 61,1-2, 10-11) : Cha Kevin Sullivan viết về bđ1 như sau : “Đây là những lời an ủi của một trong những đồ đệ của ngôn sứ I-sai-a nói với những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lon. Những lời đó giống như những lời và tư tưởng an ủi trong cuộc đời ‘người tôi tớ đau khổ’ ở sách I-sai-a đệ nhị (40-55). Nếu Đấng an ủi và giải thoát không phải là Đấng Thiên sai thì cũng ở trong hàng thiên sai. Lời an ủi của Ngài được nói với những người lưu vong, những lời đó chỉ thể hiện hoàn toàn nơi Đức Kitô. Đức Kitô dùng hai câu đầu cho mình khi lần đầu tiên giảng tại hội đường Na-da-rét : “Thần Khi của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân (Lc 4,18-19).

Bài Tin Mừng(Ga 1,6-8.19-28) : Cha Nguyễn Công Đoan viết : “ Làm chứng là một khái niệm và một chức năng quan trọng bậc nhất trong sách Tin Mừng thứ tư, vì Tin Mừng này muốn đưa chúng ta theo Chúa Giê-su Ki-tô,chúng ta theo Chúa Giê-su Ki-tô vào trong lòng Thiên Chúa Cha, nơi Người vẫn ở tự đời đời, từ trước khi có trời đất, và Người đến làm người, cư ngụ giữa chúng ta trên mặt đất này, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, để khi ‘bỏ thế gian mà về cùng Cha’ thì đưa chúng ta vào lòng Chúa Cha cùng với Người : ‘Thầy đi dọn chỗ cho anh em, rồi Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, ở đâu thì anh em cũng được ở đó với Thầy’ (Ga 14,3)…

Có một người Thiên Chúa sai đến làm chứng về Chúa Giê-su để mọi người nhờ ông mà tin rằng Chúa Giê-su quả là Đấng Thiên Chúa sai đến, đó là ông Gio-am Tẩy giả. Ông cũng đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình ‘Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi (Ga 3,30)…

Trong khi các sách Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt Lu-ca dùng kiểu nói giảng dạy, loan báo Tin Mừng, thì Gio-an dùng kiểu nói ‘làm chứng’ để nói về việc loan báo Tin Mừng. Ngay từ đầu trong Lời Tựa ‘có một người được Thiên Chúa sai đến… ông đến làm chứng để mọi người nhờ ông mà tin’. Chuỗi người làm chứng nối tiếp nhau cho đến chúng ta và chúng ta đã đón nhận đức tin thì đương nhiên chúng ta trở thành người làm chứng bằng cách để cho đức tin tỏa sáng trong cuộc đời và cả cái chết của chúng ta (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-an, cuốn 1, trang 33-36).

Bài đọc 2 (1Tx 5,16-24) : Thư Thê-xa-lô-ni-ca 1 đước viết sớm nhất của Tân Ước, được sọan khoảng năm 50-51 sCN, không tới 20 năm sau cái chết của Chúa Giêsu…

Thánh Phaolô đã thiết lập cộng đoàn này trong hành trình truyền giáo thứ hai. được kêu gọi đi rao giảng Tin Mừng trong một thị kiến ở Hy Lạp (Cv 16,9-10). Ngài và ông Xi-la đã đến Phi-líp-phê (Cv 11,32), rồi đến Thê-xa (Cv 17,3). mặc dâu ngài đã thiết lập một cộng đòan nhỏ ở đó; những kẻ từ chối Tin Mừng đã đuổi ngài ra khỏi thị trấn. Từ Thê-xa, ngài đến Bê-roi-a (CV 17,10), A-then (Cv 17,15) và Cô-tin-tô (Cv 18,11). Lo lắng cho cộng đoàn của mình, thánh Phaolô gửi ông Ti-mô- thê đến xem xét tình hình. Vào dịp ông Timôthê trở lại, thánh Phaolô đã viết thư Thêxa 1 từ Cô-rin-tô.

Nói chung báo cáo của Timôthê tích cực. Vì thế, thánh Phaolô đã viết Thê-xa 1 nhằm mục đích củng cố đức tin cho cộng đoàn (Frank Matera, Hướng dẫn giảng lễ, trang 97-98)

Cầu nguyện

Lạy Chúa, là Đấng tạo thành và cứu chuộc nhân loại,

Chúa đã muốn Ngôi Lời mặc lấy xác phàm

trong lòng Đức Trinh nữ Maria,

giờ đây xin nhận lời chúng con cầu khẩn

ước gì Con Một Chúa làm người như chúng con

cũng cho chúng con được làm con Chúa như Người.

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa

hiệp nhất với Chúa Thánh Thần

đến muôn thuở muôn đời.

SUY NIỆM II

NHÂN CHỨNG CỦA ÁNH SÁNG CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Tin Mừng hôm nay công bố: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng.” Vậy làm chứng là gì và ông làm chứng cái gì hay về ai? Trước hết, làm chứng là gì? Từ Điển tiếng Việt định nghĩa rằng làm chứng là đứng ra xác nhận những gì mình đã thấy, đã nghe là thật. Ví dụ, làm chứng một tai nạn giao thông, hai người làm chứng trong Hôn phối nghe và thấy rằng đôi bạn đã bày tỏ sự ưng thuận. Phải mở chính nguyên bản Sách Thánh Hilạp xem tác giả Tin Mừng dùng chữ gì để khi nói đến làm chứng? Thưa: từ Marturios, có nghĩa tử đạo. Làm chứng tương đương với tử vì đạo, chết vì nghĩa, vì sự thật. Kinh các thánh tử đạo: Lạy các thánh tử đạo là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô. Tiếng Anh, người tử vì Đạo là  Martyr. Do đó, làm chứng không chỉ có nghĩa trả lời “có,” “không.” Tôi thấy cái này, tôi nghe cái kia, đưa ra bằng chứng, thế là xong, mà còn là bảo đảm cho điều mình làm chứng đi đến kết cuộc, dẫu có phải chết. sVì vậy, LÀM chứng, có một hành động tích cực chứ không thụ động (chứ không phải “nói chứng,” “chứng gian, chứng dốil”:. Từ Hi lạp thì nói rõ: làm chứng là chết vì nghĩa, vì sự thật. Quả Gioan đã chết vì làm chứng.

          Thứ hai, ông Gioan tẩy giả làm chứng cho cái gì? Bài Tin Mừng trả lời rõ ràng cho chúng ta: “Có một người được Chúa sai đến tên là Gioan, ông đến để làm chứng. Và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” Tại sao lạ làm chứng cho ánh sáng? Vì nếu chúng ta đọc ngay đầu Tin Mừng Gioan, chúng ta có câu trả lời rõ ràng rằng ánh sáng đây là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa Giêsu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,1-5).

Ông Gioan Tẩy Giả biết mình và biết Chúa Giêsu rất rõ nên Ông đúng thực là chứng nhân về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ và cũng là ánh sáng cho trần gian. Rồi, người ta hỏi ông là ai ? Ông tuyên bố thẳng thắn rằng: Tôi không phải là Đấng Kitô cũng chẳng phải là Êlia hay một ngôn sứ nào đó. Ông nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa đường cho ngay thẳng để Đức Chúa đi như lời ngôn sứ Isaia đã nói.Thấy Gioan Tẩy Giả trả lời như vậy. Người ta lại tiếp tục chất vấn ông: “Nếu không phải là Đức Kitô, cũng chẳng phải là Êlia hay vị ngôn sứ, thì tại sao ông làm phép rửa?” Ông khiêm tốn trả lời rằng: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Giữa một xã hội Dothái lúc bấy giờ, người ta đang khao khát chờ mong Đấng Cứu Độ, ông có thể xưng mình là Đấng Cứu Độ, nhưng ông đã không làm thế, để lừa bịp dân chúng. Ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa. Ông chấp nhận mình lu mờ đi, để cho Chúa nổi bật lên.

Chúng ta đang sống trong một xã hội rất thực dụng, đầy dẫy những bóng tối: bóng tối của tội lỗi, bóng tối của gian dối và lừa bịp, bóng tối thù hận và bạo lực, bóng tối của ích kỷ và kiêu ngạo, bóng tối của chối bỏ và cướp công người khác, kể cả Thiên Chúa, bóng tối của kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giàu nghèo và những người ốm đau khuyết tật… Giữa một xã hội như thế, rất cần những người có tinh thần và lối sống ngay thật của Gioan Tẩy Giả; rất cần những con người sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, biết luôn cân nhắc mọi sự như Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy: “điều gì tốt thì giữ, còn điều xấu dưới bất kỳ hình thức nào thì lánh cho xa… để tâm hồn và thân xác, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Chúa quang lâm” (x. 1Tx 5,19-24).

Vì thế, mỗi chúng ta hôm nay cũng có thể là Gioan tẩy giả. Vì chưng, khi lãnh nhận 2 bí tích Thánh tẩy và Thêm sức là chúng ta được Chúa sai đến thế gian. Trong 2 bí tích ta đều cầm nến trong tay, điều đó muốn nói chúng ta hãy là ánh sáng, và chúng ta hãy để Ánh Sáng là Chúa Kitô chiếu soi vào tâm trí lời nói hành động của chúng ta hầu chúng ta cũng trở nên chứng nhân ánh sáng cho mọi người. Ánh nến có 2 công dụng: sưởi ấm nhờ sức nóng và chiếu soi nhờ ánh sáng. Hãy an ủi sưởi ấm người cùng cực, đói khổ, rét mướt, khuyết tật, nghèo khổ… Và hãy toả sáng đức tin bằng cách sống Đạo của mình trong niềm vui không ngơi như Lời Thánh Phaolô dạy: “hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý, hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,4-9).

Uớc gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Đấng chúng ta tuyên xưng “Ánh sáng bởi Ánh sáng” giúp chúng ta sống làm chứng cho Chúa là Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và ở giữa chúng ta trong tin yêu và hy vọng. Amen.

 

SUY NIỆM III

NIỀM VUI BIẾT CHÚA

(Hội An 17/12/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Đang giữa mùa Vọng, có một Chúa Nhật của niềm vui. Không chỉ với màu hồng của áo lễ, mà ngay trong lời nguyện nhập lễ, Giáo Hội dâng lên Chúa lời cầu xin: “Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm giáng sinh cao cả…, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề”. Trong bài Cựu ước, ngôn sứ Isaia reo lên “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa” và trong bài thánh thư, thánh Phaolô khích lệ mọi người: “Anh em hãy vui lên!” Đây không phải là một cảm xúc hời hợt chóng qua, mà là một sự bình an thánh thiện vững chắc trong tâm hồn, đến nỗi không có nỗi lo âu hay buồn bã nào có thể làm phai nhạt. Vậy, ai là niềm vui của Giáo Hội? Mỗi chúng ta có nhận ra Đấng đem niềm vui đến không?

  1. Chúa Giê-su là Niềm Vui của nhân loại

            Thánh Gioan Tẩy Giả là người loan báo niềm vui cho mọi người. Ông không loan báo về mình, nhưng loan báo về Đấng sẽ đến, Đấng mà ông không xứng đáng cởi dây giày cho Người. Ông tự nhận chỉ là người mở đường, là người kêu gọi mọi người và cả các môn đệ của ông đến với Đấng ông giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian” (Ga 1,29), Đấng phải lớn lên, còn ông phải nhỏ xuống” (Ga 3,30). Đấng đang tiến về phía Gioan mà hôm nay Gioan giới thiệu cho mọi người đó là Chúa Giê-su.

            Suốt lịch sử Do Thái, niềm vui ngóng trông Thiên Chúa đến ở giữa dân như lời Ngài hứa luôn in sâu trong tâm trí mỗi người. Ngôn sứ Isaia reo lên: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa/ nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!/ Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ/ choàng cho tôi đức chính trực công minh” (Is 61,10). Thiên Chúa đến sẽ ban cho họ niềm vui ơn cứu độ, vì thế, toàn dân ngóng trông. Lòng mong đợi trở thành lời khẩn thiết nài van nơi họ: “Trời cao hãy đổ mưa đức công chính”. Thánh Gioan Tẩy Giả cho biết Thiên Chúa đã nhậm lời dân Chúa nài van và thực hiện lời Ngài hứa, nên đã ban Đấng cứu độ cho mọi người, là Chúa Giê-su, Niềm Vui của nhân loại.

            Hôm nay Giáo Hội reo vui bởi Chúa Giê-su, Đấng là Niềm Vui của nhân loại đã đến. Thiên sứ đã báo cho các mục đồng biết Chúa Giê-su là niềm vui của toàn thể nhân loại: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 1,10-11). Hai môn đệ làng Emmaus được gặp Chúa và họ chia sẻ: lòng họ bừng bừng cháy. Hôm nay, Giáo Hội còn vui mừng vì Chúa Giê-su đến giữa chúng ta. Ngài là Niềm Vui của chúng ta, nên Giáo Hội mời gọi chúng ta reo vui lên. Không gặp gỡ Chúa Giê-su, chúng ta không có niềm vui.

  1. Chúa Giê-su đang ở giữa chúng ta

            Đáng tiếc, những người Do Thái thời Chúa Giê-su không nhận ra Ngài là Đấng đang đến, là niềm vui cứu độ của họ! Tại sao? Vì họ mong chờ Đấng sẽ đến là một đấng theo ý họ. Họ chờ một đấng cao sang, chứ không chờ một Hài Nhi bé nhỏ được Isaia báo trước. Họ nghĩ đến một vị chúa trong cung điện, chứ không chờ một Vị Thiên Chúa giáng sinh trong hang lừa. Họ mong đợi một vị oai hùng được sinh ra nằm trong chiếc nôi ngọc ngà, chứ không chấp nhận một Vị Cứu Thế nằm trong máng cỏ. Người ta không nhận ra Chúa Giê-su, vì Ngài đến không như họ mong đợi. Đúng như thánh Gioan Tẩy Giả nhận định: “Có một Đấng đang ở giữa các ngươi mà các ngươi không biết” (Ga 1,26).

            Nhiều người trong thời đại của chúng ta cũng rơi vào tình trạng không biết Chúa Giê-su, dù Ngài đang ở giữa chúng ta. Chúa Giê-su đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta tưởng Chúa ở trong đám đông đang hò hét đòi hỏi Giáo Hội phải đáp ứng những yêu cầu trái luân lý và trái đức tin, mà thánh kinh và các tông đồ truyền lại. Nhiều người tưởng Chúa là Đấng đến giải thích lại những lề luật của Chúa, giảm bớt đòi hỏi của thánh giá. Người ta không thể tìm gặp Chúa khi không biết Chúa là ai và đang ở đâu.

            Hôm nay Giáo Hội tràn trề niềm vui công bố Giê-su đã giáng sinh lần thứ nhất tại Bê-lem và đang ở giữa chúng ta. Ngài là Chúa Giê-su, là Thiên Chúa làm người, là Đấng cứu độ chúng ta. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II vui mừng chia sẻ: “Chính Chúa Giê-su là Đấng bạn tìm kiếm khi bạn mơ về hạnh phúc. Ngài chờ đợi bạn khi không có gì làm hài lòng bạn. Ngài là vẻ đẹp hấp dẫn bạn, là Đấng khích lệ bạn khao khát sự trọn lành mà không cho phép bạn thỏa hiệp.” Thánh nhân còn nói: “Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ một mình, Chúa Giê-su ở với bạn trên con đường cuộc đời hằng ngày của bạn”.

            Chúa Giê-su ở đâu lúc này? Ngài ở trong Giáo Hội, chứ không ở trong tiếng hò la chống Giáo Hội. Ngài ở trong Phúc Âm, chứ không ở trong những lời lẽ hợp thời lôi kéo đám đông. Ngài ở trong Thánh Thể và các bí tích chờ đón con người, chứ không ở trong những trào lưu tục hóa ồn ào. Nếu không nhận ra sự hiện diện của Chúa hôm nay và không đến với Chúa, mọi sự đều vô tích sự. Vì thế, trong đức tin của mình, Giáo Hội hân hoan loan báo: “Hãy vui lên, hãy hớn hở vui mừng trong Chúa”, bởi Chúa đang ở giữa chúng ta.

            Ước gì chúng ta cùng hòa chung niềm vui với Giáo Hội, vì Chúa đang ở giữa chúng ta. Ước gì chúng ta có kinh nghiệm như thánh Elisabeth Chúa Ba Ngôi: “Tôi đã tìm thấy thiên đường của riêng mình trên trái đất, vì thiên đường là Chúa và Chúa đang ở trong tôi”.